Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

CHƯƠNG IV_LÂU ĐÀI THẦN TIÊN

IV

THÊM NGƯỜI BẠN MỚI


Trong số trẻ nhỏ những gia đình về nghỉ hè gần lâu đài họ Nguyễn, có Thiện Chí, con một thương gia giàu có ở đô thành. Con trai độc nhất, Thiện Chí được cha mẹ nuông chìu nên hư thân mất nết. Nó đĩnh ngộ tợ thiên thần, nhưng xấc xược hơn quỷ sứ. Thiện Chí từng ngự trị trên cả bầy trẻ con quanh vùng, mặc dầu có đứa lớn tuổi hơn nó. Món chơi nào cũng thông thạo và bao giờ cũng dẫn đầu, nó có biệt tài tổ chức đủ trò chơi, nên cả bọn đều phục lăn và vì thế Thiện Chí đã hiếp đáp chúng bạn theo nó. 

Thiện Chí chưa hề quen biết Bạch Huệ, nhưng đã nghe phong thanh trong lâu đài họ Nguyễn có em bé ngơ ngác thường rong chơi với nai vàng trong rừng núi. Một hôm, tình cờ Thiện Chí gặp Bạch Huệ trong một trường hợp cực kỳ bi đát. 

Cạnh khu rừng, một khe nước chảy ngang dưới chiếc cầu gỗ hẹp. Bạch Huệ đang ngồi trên cầu mơ mộng nhìn làn nước chảy uốn quanh co các ngách sỏi đá. Một đứa con trai nhỏ bước đến gần cầu, hai tay chống trên nạng gỗ, một chân nguyên vẹn, còn chân kia cụt mất nửa đoạn dưới tháp bằng khúc gỗ. Bạch Huệ nhìn em nhỏ động mối thương tâm : 

- Em thích nhìn nước chảy ? 

- Vâng, nhưng đứng trên cầu nhìn xuống mới thấy đẹp ! Em không dám lên cầu, vì đôi chân em kềnh càng quá ! 

- Đến đây chị dắt lên. Dầu em mang đôi nạng, chiếc cầu vẫn còn rộng chán. 

Bạch Huệ đưa tay đỡ em nhỏ bước lên giữa cầu cùng em ngắm làn nước trong xanh từ trên thác đổ xuống. 

Nó lộ vẻ sung sướng : 

- Nhà chị gần đây hả ? Em đều biết mặt bọn trẻ quanh vùng, nhưng em chưa hề gặp chị. 

- Chị ở trong lâu đài đàng kia. Em không biết chị, vì chị ít chơi cùng bọn trẻ khác. 

- Sao vậy chị ? 

- Chẳng sao cả ! Chị không thích chơi ! 

- Sao lại không thích. Nếu chân em lành mạnh như chị em rong chơi suốt ngày. 

- Chân em sao vậy ? 

- Em té từ trên bức thành cao. Đã 5 năm nay, đi đâu em phải chống đôi nạng. 

Bỗng nghe tiếng xôn xao náo động như tiếng bầy ong vỡ tổ. Một đoàn trẻ con hấp tấp chen lấn giành nhau ưu tiên qua cầu để tiến vào rừng. Tay cầm roi da, Thiện Chí dẫn đầu hùng dũng oai vệ như viên tướng soái cầm quân xông pha trận mạc. Nó dõng dạc truyền lệnh : 

- Tiến lên, ai vượt qua cầu đến bờ suối trước tiên được giải thưởng. 

Đứa bé sợ hãi ôm chặt vai Bạch Huệ : 

- Chị ơi ! Nếu chúng chen lấn chạy lên cầu, chắc chắn em rớt xuống nước. 

- Em đừng sợ, có chị đây ! 

Bạch Huệ đứng giữa cầu, giang đôi cánh tay chận ngang Thiện Chí : 

- Không ai được tiến bước. Em nhỏ này chống bằng nạng, đợi em đi khỏi cầu, các anh mới vượt qua. 

Thiện Chí hùng hổ : 

- Mặc kệ, chúng ta không có thì giờ chờ đợi. Hãy tiến lên ! 

Bạch Huệ không lùi bước, đứng chấn ngang trước cầu hẹp, không để Thiện Chí và đồng bọn lướt qua. 

- Con nhỏ nầy táo gan thực ! Đứng dẹp một bên để đoàn quân ta tiến bước. Thực xứng đôi : thằng nhỏ què quặt với con bé ngơ ngác ! 

Bạch Huệ giận tái mặt. Trong gia đình, người ta có thể chế giễu em bằng danh từ “ngơ ngác”, nhưng một đứa lạ mặt hỗn xược với em như thế, không thể tha thứ. Nó còn dùng tiếng “què quặt” chế nhạo em bé tàn tật. 

Bạch Huệ quắc mắt nhìn Thiện Chí thách đố : 

- Sao mầy dám gọi ta ngơ ngác ? Còn chế giễu em bé tật nguyền không biết hổ thẹn sao ? 

- Mầy nói gì ? Nói lại thử nghe ? 

- Nói gì chắc mầy đã nghe rõ ! 

- Sức mấy, tao đâu ngán mầy ! 

- Tao cũng cóc sợ mầy ! Bây giờ em nhỏ đã vượt qua cầu khỏi sợ té bổ, tha hồ chúng bây muốn đi đâu, cho đi tự do. 

- Tao để lại mầy ít vết tích làm kỷ niệm. 

Sẵn roi nơi tay, Thiện Chí quất vào mặt Bạch Huệ. Em giựt được roi vứt xuống khe nước. Gặp sức kháng cự bất ngờ ở một bé gái, Thiện Chí chạm lòng tự ái và hổ thẹn trước chúng bạn, nên nó không nén cơn giận dữ, lấy thanh tre nơi tay bạn nó, vụt lia lịa vào vai, vào cổ Bạch Huệ. 

Đôi mắt đỏ ngầu, miệng cười ngạo nghễ, Bạch Huệ khoanh hai tay trước ngực, chịu đựng không thèm chống đỡ những làn roi vi vút không ngớt giáng xuống thân hình em. 

Xuân Lan đứng hái hoa gần đó, nghe tiếng trẻ con la ó, chạy vội đến rẽ đám đông, giành lấy thanh tre trên tay Thiện Chí và ôm Bạch Huệ khóc nức nở. Bọn trẻ nhỏ đều há hốc mồm sửng sốt trước hành vi bạo tàn của Thiện Chí, chúng đứng vây quanh hai chị em Bạch Huệ, cảm xúc chẳng nói nên lời, còn thằng nhỏ tàn tật chống tay trên nạng nhắm nghiền đôi mắt cũng ứa hai hàng lệ. 

Hối hận và hổ thẹn vì đã hành hung bé gái yếu đuối không tự vệ, Thiện Chí cũng thấy ngượng nghịu, đút hai tay vào túi quần, cúi gầm mặt xuống đất. 

Bọn trẻ con nối đuôi Bạch Huệ đến tận lâu đài, một vài đứa tìm lời an ủi Bạch Huệ : 

- Nó sẽ bị trừng trị đích đáng. Mặc dầu cha mẹ nó cưng chìu, nhưng nếu biết chuyện nầy, cha nó không bao giờ tha thứ. Ông rất cương trực, nghiêm khắc, sẽ đánh và giam nó hàng tuần không cho ra khỏi nhà. 

Hai chị em Bạch Huệ vừa bước vào cửa, vú già trông thấy máu chảy ở vai, cổ Bạch Huệ hoảng hốt la lên, má Bạch Huệ từ trên gác chạy xuống sửng sốt : 

- Trời ơi ! Cái gì vậy hở con ? 

- Từ trên cao con té xuống thác nước, va chạm đá nhọn nên trầy da chảy máu. Má đừng lo, không có gì trầm trọng đâu ! 

Xuân Lan lặng thinh không cải chính lời nói Bạch Huệ. Má em và cô Giạ Hương kiếm rượu rửa sạch vết thương và xức thuốc cho Bạch Huệ. 

Đến tối, nằm trên giường ngủ, đôi mắt rớm lệ, tay ôm bé Quê, em đau đớn rên rỉ : 

- Trời ơi ! Đau ghê ! Nhức nhối quá chừng ! 

Trong lúc ấy, tại biệt thự ông Thiện Căn, ngồi trước bàn ăn, Thiện Chí ngơ ngác như hồn vía lên mây, tay cầm nĩa chẳng màng đụng đến miếng thịt rán trên đĩa. 

- Con đau hay sao ? Thịt bít tết với khoai rán, món sở thích của con mà con chê à ! 

Thấy con làm thinh không đáp, bà mẹ đưa mắt lo lắng nhìn chồng. Tay vân vê hàm râu quai nón, ông Thiện Căn liếc mắt nhìn con ngồi ủ rũ trên ghế, vẻ mặt không vui tươi như mọi ngày. Phút chốc hàng mi chớp chớp, những giọt nước mắt đọng từ lâu không giữ nổi chảy xuống lan tràn đôi má Thiện Chí. Ông đoán đã có việc gì xảy ra. 

- Chuyện gì thế ? Nói thật ba nghe ! 

Thiện Chí oà lên khóc nức nở, kể lại đầu đuôi câu chuyện không chút thêm bớt. 

- Thật khả ố ! Con nỡ đánh một bé gái không tự vệ. Người ta nói em nhỏ yếu đuối lại mắc bệnh đau tim. Con thực tàn nhẫn, mất dạy. Mau lên đi theo ba đến lâu đài họ Nguyễn để tạ lỗi. 

Thiện Chí lau nước mắt, chạy tìm mũ theo cha , nhưng vừa ra khỏi phòng, nó chạm trán hai thằng bạn lấm la lấm lét đến tìm nó. 

- Chuyện gì thế ? 

- Mầy biết không con Bạch Huệ kể với gia đình nó vì té xuống thác nên gây thương tích chớ không phải mầy đánh nó. Mầy khỏi thú thật với ba mầy. 

Chợt thấy ông Thiện Căn, hai đứa bạn của Thiện Chí lánh mặt. Ông hỏi Thiện Chí tụi bạn mầy còn đến hỏi mầy việc gì nữa. Thiện Chí đành thưa thật với cha : 

- Bạch Huệ không nói bị hành hung lại nói té xuống thác nước. 

- Thế là tánh kiêu ngạo và tàn bạo của mầy đành chịu thua một đứa gái yếu đuối nhưng tâm hồn cao thượng. Tao không còn phương sách nào khác. Bây giờ cũng không có lý do gì để đến lâu đài họ Nguyễn xin lỗi cha mẹ Bạch Huệ. Trong lúc chờ đợi bàn tính với mẹ mầy, mầy không được ra khỏi phòng. 

Lòng tự ái bị tổn thương, lương tâm hối hận, Thiện Chí sượng sùng bối rối, đôi mắt ngó xuống đất, không dám ngẩng mặt nhìn cha. 

Câu chuyện bí mật ở lâu đài không giữ kín được lâu. Tin Bạch Huệ bị đả thương loan truyền trong nhóm trẻ con rất nhanh chóng. Xuân Lan rỉ tai Thu Cúc mách má, bà kể lại ông nghe. Mọi người đều tức giận hành động vô luân của Thiện Chí, nhưng chẳng một ai dám hở môi, sợ làm xúc động Bạch Huệ tổn hại đến sức khoẻ em. 

Suốt một ngày nằm tĩnh dưỡng trên giường Bạch Huệ đã ngồi dậy, nhưng vết thương còn đau đớn nhức nhối. 

Sáng nay trời tạnh nắng, em gắng gượng thủng thẳng cùng nai vàng dạo chơi ở vườn sau lâu đài. Em bước đến ngồi sưởi nắng trên gốc cây đại thọ đã đốn ngã nằm giữa đất, nai vàng đứng gặm cỏ bên em. Thu Cúc đem đến một thanh tre nhờ Bạch Huệ làm giùm một chiếc cung. Bạch Huệ đang hý hoáy với thanh tre chưa biết xoay sở cách nào, đột nhiên em nhìn thấy Thiện Chí từ từ bước lại gần em. Hai tay bỏ vào túi quần, dáng điệu rụt rè ngượng nghịu, nó nhìn Bạch Huệ muốn nói điều gì, nhưng lắp bắp trong miệng nói không thành tiếng. 

Bạch Huệ phá tan bầu không khí nặng nề yên lặng : 

- Tôi đang vót tre làm cung, nhưng dao lại đùi quá. 

- Tôi sẵn dao sắc bén đây. Đưa thanh tre, tôi làm giùm cho. 

Bạch Huệ trao thanh tre cho Thiện Chí, ngồi nép một bên, nhường chỗ để Thiện Chí ngồi trên gốc đại thọ. Nó hăng say công việc, cầm dao đẽo gọt thanh tre theo hình dáng tròn, chuốt nhỏ bằng ngón tay, đoạn nối ngang hai đầu một sợi dây. Thế là hoàn thành chiếc cung. 

Thiện Chí lần lượt vót thêm mười tên tre để lắp vào cung. Bạch Huệ say sưa chăm chú nhìn Thiện Chí làm xong cung tên, tỏ vẻ thán phục : 

- Anh khéo tay quá ! Tôi yếu tay lại vụng về, nên dầu cố gắng cũng chẳng làm xong, chuốt đi chuốt lại một khúc tre không bao giờ trơn tru. 

Thiện Chí rút trong túi áo một tấm bìa cứng cắt ra nhiều miếng nhỏ theo hình quả tim, nó kẹp trước mỗi mũi tên một miếng bìa nhỏ, lắp tên vào cung giương lên bắn thử một phát. Mũi tên bay vút rơi xuống đất cách đó mười thước. 

Bạch Huệ vỗ tay reo mừng : 

- Trò chơi tuyệt diệu. Để tôi đi kiếm Xuân Lan, Thu Cúc cùng chơi. Chúng ta đặt một cái đích, ai bắn trúng nhiều mũi tên vào đích sẽ được giải thưởng. Nhưng hôm nay tôi còn mệt, e chơi không nổi. 

Đến đây Bạch Huệ ngập ngừng không nói tiếp, sợ Thiện Chí đoán biết vết thương của em chưa lành. Nhưng Thiện Chí đã đánh bạo ngỏ lời : 

- Tôi biết vết thương Huệ chưa lành, nên hôm nay tôi đến xin lỗi Huệ về chuyện đáng tiếc hôm ấy. 

Bạch Huệ đưa tay khoát lia lịa : 

- Việc gì đã qua cho qua, đừng nhắc đến. Tôi chẳng còn nhớ gì nữa ! 

- Nhưng làm sao tôi quên được. chuyện ấy ghi mãi vào tâm khảm tôi. Tôi đem đến tặng Bạch Huệ một vật mà tôi quí mến nhất. Nếu Bạch Huệ vui lòng nhận, mới chứng tỏ Bạch Huệ đã quên hẳn chuyện cũ, không còn giận hờn tôi. 

Nói xong, Thiện Chí lấy trong túi áo một viên thủy tinh tròn to bằng nắm tay, trong viên thủy tinh có cái nhà nho nhỏ đủ cửa lớn, cửa sổ và cây cối bao bọc quanh nhà. Phía trước ngôi nhà, một con đường nhỏ rải sỏi đá. Một ông lão tý hon mặc áo kẻ ô vuông, cổ choàng khăn đỏ, mang kính trắng, miệng ngậm ống điếu, tay chống ô đen, đang đi bách bộ trên đường lát sỏi. 

Thiện Chí cầm viên Thủy tinh lắc lắc : bỗng nhiên gió chuyển rung cây cối, tuyết rơi lả tả lấp kín cả ngôi nhà, cây cối lẫn lão già. Thiện Chí lại lắc viên thủy tinh lần thứ hai : tuyết tan dần, nhà cửa cây cối lại xuất hiện với ông già ung dung ngậm ống điếu. 

Bạch Huệ bắt chước Thiện Chí cầm viên thủy tinh lắc thử : nhà cửa vùi lấp dưới tuyết ; em lắc lần nữa : lão già xuất hiện như cũ. 

- Vật kỷ niệm này sẽ khiến Huệ vui lòng, hãy giữ lấy. Ở đây tôi chẳng có cái gì đẹp hơn, trên tỉnh tôi sẵn một tủ đầy đủ đồ chơi, nhưng về nghỉ hè nên không đem theo. 

- Tôi cất vật này ba má anh có bằng lòng không ? 

- Sau chuyện đáng tiếc xảy ra trên cầu, việc gì đối với Huệ, ba má tôi đều không từ chối. Hiện nay ba má tôi đang ngồi trò chuyện ở lâu đài, bảo tôi ra đây tìm Bạch Huệ. 

- Ủa, anh kể sự thật với ba anh rồi à ! Tôi lại nói dối với ba má tôi. 

- Nếu hành động điều gì lầm lỗi, tôi thú thật với ba tôi. Nếu tôi giấu giếm không nói ra, lương tâm chẳng bao giờ yên ổn. Chẳng thà chịu ngay hình phạt, còn hơn mang trong lòng một mối hận khôn nguôi. 

Lời nói Thiện Chí vô tình nhắc nhở đến chuyện mất vĩ cầm còn mãi ám ảnh Bạch Huệ khiến em lộ vẻ u buồn. Hùng Tâm đã cao chạy xa bay từ lâu mà đến nay em chưa đủ can đảm thú thật với gia đình. Em muốn như Thiện Chí thà em cam tâm chịu mọi sự trừng phạt, còn hơn canh cánh bên lòng nỗi hối hận dằng dai. 

Đột nhiên Bạch Huệ đưa tay nắm tay Thiện Chí : 

- Tấm lòng anh tốt hơn tôi. Từ nay chúng ta kết bạn thân. 

Thiện Chí không ngờ Bạch Huệ rộng lòng tha thứ nhanh chóng hành động bỉ ổi của mình. Nó ngạc nhiên vui sướng vô cùng trước mối cảm tình bộc phát của Bạch Huệ. 

- Tánh nết Huệ lạ kỳ, tôi chưa bao giờ từng thấy ! 

Biến cố trên cầu đã kết thúc vui vẻ. Cha mẹ Bạch Huệ sẵn lòng tha thứ hành vi nông nổi của Thiện Chí và mời ông bà Thiện Căn ngồi nán lại lâu đài dùng trà nước. Mấy chị em Bạch Huệ vui đùa trò chơi cung tên do Thiện Chí tổ chức. Đến tối, mọi người chia tay ra về trong niềm hân hoan thích thú. 

Lúc từ giã, Thiện Chí cầm tay Bạch Huệ lưu luyến : 

- Huệ là một em gái dị kỳ, nhưng là một người bạn quí hoá.
________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét