Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

CHƯƠNG III_TRÊN ĐƯỜNG TÌM NGỌC

CHƯƠNG III

Ấn Độ, thần thánh rất đa dạng và lắm tên, mỗi gia trưởng chọn một vị nào theo ý thích để thờ. Cha mẹ Lai thờ Chaya, đó là Nữ thần của Bóng tối và Từ ái. Họ tin rằng nhờ Nữ thần này nên mặt trời mới chịu lặn vào buổi chiều và không thiêu đốt quả đất mỗi sáng. Toàn gia vây quanh bàn thờ, bà nội cầm chuông rung, giọng kính cẩn, đầu cúi mọp dâng lời thành kính đến Nữ thần: “Xin Ngợi khen Ngài” đoạn cả nhà cầu nữ thần phò trợ cho. 

Sáng hôm đó, người cha thay cái xà-rông mới giặt, chải tóc rồi dắt hai con đến nhà Gourou. Cam đòi theo nhưng bị cột ngoài hành lang vì đi thăm Gourou mà dắt nó đi thì vô lễ quá ! Nhưng con vật vốn quen theo Lai nên phản đối bằng cách sủa lên ăng ẳng. 

Gourou, ông lão mặc toàn một mầu vàng đã chấm tử vi cho hai đứa trẻ khi chúng vừa khóc oe oe. Nghe lý do cuộc thăm viếng bất ngờ này, ông lui vào trong để tra cứu hồi lâu. Khi ông trở ra, ông đến thẳng bàn thờ cắm đầy hoa ở góc phòng lấy một cái hộp nhỏ, trên nắp hộp có gắn một miếng kính – vật này là của một vị Thánh khác – và theo lời ông thì người ta có thể nhìn thấy tương lai hiện trên mặt kính. Ông cầm đưa cho Lai: 

- Lai ơi, con nhìn xem có thấy gì không ? 

Lai mở to mắt nhìn vào tấm gương lấp lánh nhiều mầu, trả lời: 

- Thưa, có thấy… con thấy một cánh đồng vàng cháy và một con rắn đang bò. 

- Bây giờ, con lắc cái hộp thật mạnh, nhìn nữa và cho ta biết con thấy gì khác không ? 

Lai làm theo : 

- Thưa, con thấy con đường dài. 

- Tốt ! Còn gì chăng ? 

- … Có một cái gì to to, xam xám, chà, chắc con voi… 

Người cha nóng nảy : 

- Xin ngài cho biết có chữa được mục tật của cháu không ? 

- Hãy lắc hộp đi và coi lại lần nữa, Lai ! Có gì nữa ? 

Ông lão làm như không nghe lời người cha nói . Lai lại tuân lời : 

- Thưa, con voi xám, vậy thôi ! 

- Hãy mừng đi : con voi xám xuất hiện sẽ mang đến điềm lành cho con. Tốt lắm ! 

Và ông thong thả quay sang cha Lai : 

- Tôi không thể đoán chắc cháu Mai sẽ sáng mắt nhưng cuộc hành trình ở vào mùa trăng cho nên tôi tin là rất thuận lợi và tốt đẹp. Tuy Lai không thấy đường về và chính tôi cũng không biết rõ hơn nhưng chắc chắn là chúng không về bộ. Hãy cho chúng đi ngay đi ! Tôi không còn gì để bảo nữa song tôi chúc lành cho ! 

Vậy là đủ lắm rồi, cha con Lai cảm ơn ông lão rồi đến thẳng nhà một người giàu có nhất làng, chuyên cho vay. Ông không thể để con đi với bốn bàn tay không và cũng cần có tiền để chúng đi xe về – không thể về bộ, Thánh đã dạy thế. 

Nhà hào phú này ở một cái nhà thật sự chứ không phải trong chòi đất như cha Lai, nhà có nhiều gian, có cửa ăn thông phòng này sang phòng kia, có ống khói. Trước cửa chính có hai chữ “VĂN PHÒNG”. Lai tuy không biết đọc song hiểu nghĩa hai chữ hoa đó: V-Ă-N P-H-Ò-N-G ! Nó đã từng đến đây với cha để vay tiền mua thóc giống mà ! 

Chủ nhân, một gã đàn ông đẫy đà, có vẻ nặng nề khi di chuyển. Hôm nay, gã không ngồi ở Văn Phòng mà ngồi ngoài sân, dưới bóng cây keo (lạ nhỉ ?!). 

Tay phe phẩy cái quạt, gã vui vẻ đón khách. Gã luôn luôn vui vẻ với khách cho đến khi bắt đầu bàn chuyện tìền nong – đặc tính của hạng cho vay chăng ? Ba cha con Lai cúi gập người chào chủ nhà theo tục lệ và trời ơi ! Đúng lúc đó Cam bất ngờ xuất hiện giữa sân, nó nhẩy chồm lên mừng Lai một cách khá ồn ào, tiếng sủa làm điếc cả tai, cổ vẫn tòn teng đoạn dây. Cam ta thích thú vì được tự do nhào vào đống phân bón cho nên thân mình tiết ra toàn phân là phân. Lai xấu hổ quá, quát lên chứ chẳng biết làm gì hơn : 

- Cam ! Cam ! 

Thằng bé biết rằng khó mà vay tiền được với một con chó đeo bên lưng mà là một con chó đầy phân bón, hôi rình. Cha Lai cũng thế, ông rối rít xin lỗi, song tiếng ông bị tiếng con vật át đi. Tuy nhiên, sau cùng, Lai cũng tóm Cam được, bắt nó im và Mai nắm dây, lôi tuột nó ra sau. 

May mắn thay : sáng hôm đó, chủ nhân rất vui vẻ, giọng ân cần, gã chỉ tay về phía con bé : 

- Chào ! Ông bạn ơi ! Anh có đứa con gái xinh quá đi ! Đôi mắt nó xanh biếc. Hiếm lắm đó nghe ! Miền Bắc Ấn này đốt đuốc mà tìm cũng không có đứa có đôi mắt thứ hai. Nào cháu bé ! Lại đây ! Múa cho ông xem nhé ! Đưa con chó đây ông giữ hộ !

Mai miễn cưỡng đến gần và trao dây cho chủ nhà nhưng ông ta hét toáng lên như dẵm nhằm tổ kiến : 

- Hừm ! Thôi ! Thôi ! dắt nó đi, hôi quá thể, dắt đi ! 

Song ông ta vẫn cười khằng khặc một cách vui vẻ trong lúc hai tay khoa khoa lên xua chó. Cam sợ hãi chạy thật xa lại một góc sân. Lai thở phào nhẹ nhõm : nhân vật quan trọng không nổi cáu !

- Nào ! Múa đi cháu ! Mẹ cháu có dạy cho cháu múa hát những bài Thánh ca chứ ? 

- Thưa ông có ! 

Mai ngập ngừng đáp không hứng khởi chút nào trong việc giúp vui cho ông ta song cha nó trừng mắt ra hiệu nên nó phải tuân lời, hất hai bím tóc ra sau; chắp hai tay lên đầu và ngoan ngoãn múa, hát. Mai hát những bài ca ngợi Nữ thần của Bóng tối và Từ ái, vị thần đã ban mưa cho mặt đất khô cằn và giấc ngủ êm ả cho loài người sau một ngày mệt mỏi. 

- Dễ yêu ghê đi ! – Chủ nhân khen – Tôi tin là anh bạn sẽ khỏi phải tốn nhiều tiền làm của hồi môn cho nó khi nó xuất giá… 

Người cha khốn khổ chộp lấy lời này : 

- Thưa ông, ông chưa biết rõ : tôi không hy vọng gì gả được nó lấy chồng. Mắt nó kém lắm, thưa ông, và vì vậy tôi đến đây để nhờ ông… giúp đỡ… 

- Con trai anh bạn cũng khá đấy, vạm vỡ, nhanh nhẹn đó chứ ! 

Gã khen tiếp song chợt nhớ ra, hỏi : 

- Ủa, anh bạn nói nhờ tôi chuyện gì vậy ? 

Ôi chao ! Đến để vay tiền mua giống, giải thích lý do còn khó khăn thay là chuyện vay tiền đi chữa mắt tận A-rát, song biết làm sao ? Người cha thương con quá ! Nhưng rồi sau cùng, ông cũng nói lý do. Chủ nhân gãi gãi ở cằm : 

- Đi A-rát ? Đi bộ ? Hai đứa nhỏ đi bộ ? Điên hả ? 

- Thưa ông, tôi thì quả thật quê mùa dốt nát, song nghe nói ở A-rát có bệnh viện chữa mắt rất hay, thầy thuốc giỏi nhất nước Ấn. Dạ, thưa… tôi cũng đã hỏi ý Gourou, Ngài bảo được. Thưa ông, quả là tốn kém, nhưng con là núm ruột… thưa ông… tôi đâu ưng làm chuyện điên cuồng ? Chẳng qua là… 

Suốt trong lúc nói, người cha cúi đầu không dám nhìn mặt gã nhà giàu. Gã cố kiên nhẫn nghe đến đó rồi ngắt lời : 

- Anh bạn ơi, chớ có phí tiền cho một chuyện dị đoan như vậy. Từ đây đến A-rát xa lắm, tốn tiền lắm… anh không biết gì hết, đừng… 

- Thưa ông, tôi thật dốt nát không biết gì, dạ, đúng vậy, nhưng lũ nhỏ đi bộ được vì chúng khỏe mạnh lắm. Chừng về thì đi tàu hỏa. Dạ, thưa, tốn chừng 15 rúpi. 

- 15 rúpi ? – gã nhà giàu kêu lên như bị bỏng nước sôi – nghèo như anh bạn! Anh sẽ không có để trả cho tôi trước mùa gặt, anh biết mà ? Đó là chưa kể tiền lời tất cả không dưới 19 rúpi à ! 

Lai kinh hãi vì thấy trước cuộc hành trình bằng tàu hỏa tốn kém quá, nó kéo tay cha : 

- Cha ơi, thôi để anh em con về bộ, cha à ! Đi bộ thì cũng về bộ được mà ! 

Người cha cương quyết lắc đầu : 

- Không ! Không về bộ, Thánh đã dạy rồi. Con phải nhớ : sau mùa mưa rắn bò lổm ngổm đầy đường… và còn thú dữ nữa. 

Trong khi cha và chủ nhà đi sâu vào chi tiết tiền nong, Lai làm một vòng thám hiểm quanh sân và lén vào nhà trong, lần dò theo một mùi thơm là lạ. Chợt, Lai nhận ra cái đuôi con Cam ló ra ở một góc. Lai lo ngại, gọi to: 

- Cam ! Lại đây ! Lại đây mau ! 

Con chó như trở thành câm và điếc (vì mùi thơm làm nó chỉ còn nghĩ đến cách làm bất cứ gì để có ăn) không nhận ra ý chủ muốn gì. Lai theo vào trong, một phòng rộng, bàn ghế sơ sài nhưng dưới đất có nhiều thảm và gối bông. Hẳn là chỗ gia đình ông nhà giàu ngủ trưa. Trong góc có tiếng quạt máy sè sè và trên cái ghế thâm thấp có một sa-ri bằng lụa đỏ, vài món nữ trang lấp lánh. 

- Cam ! Mày đâu rồi, hả ? 

Lai đảo mắt tìm, gọi nhưng chả thấy tăm dạng chó đâu, mà trong góc phòng, một cái hộp nhỏ lại biết nói y như người thật. Tuy lạ, song Lai có nghe mang máng về vật kỳ diệu này và nó biết là trong làng chỉ duy một mình gã nhà giàu sắm nổi. Đây là lần đầu Lai được thấy tận mắt và nghe nó nói tiếng người. Lai kinh ngạc đứng yên, quên cả chó Cam, cả mình đang đứng ở đâu. Không một bóng người, từ trong hộp, tiếng nói cất lên lảnh lót : 

- … Đây ! Tổ chức Y Tế Quốc Tế ! Tổ chức này hiện đã nhận bảo trợ thêm một triệu cho công tác chữa bệnh phung. Hiện nay, tổ chức này cũng đang nới rộng tầm hoạt động tận các làng mạc trong vùng… 

Bệnh phung ? Lai biết qua loa : người phung họp nhau thành từng nhóm riêng biệt trên các thềm nhà ga và bị cấm nhập chung với các hành khất khác. Còn Y tế Quốc Tế thì khó hiểu thật. À ! Như thế thì người phung có hy vọng lành bệnh ư ? Cái hộp này biết được ư ? Nó có tài phép bằng vị Gourou không ? Lai tò mò thò tay sờ nhẹ lên cái hộp. Mặt trước hộp miếng vải chắn mịn màng rung rung dưới các ngón tay Lai như thể… như thể là có ai trốn trong đó thở ra vậy. Tiếng nói vẫn lảnh lót, rõ ràng : 

- Bác sĩ Herman tiết lộ rằng… 

Nhưng than ơi ! Lai không được nghe trọn câu vì có tiếng kêu giận dữ từ gian bên đột ngột kéo nó trở về thực tại. Con chó Cam ! Cái gì xảy ra ? Nó đã làm gì đây ? Con chó hiện ra, đuôi quặp, mõm dính đầy những bột. Phía sau nó, bà Ất Vi, vợ ông chủ hầm hầm đuổi theo. Thân hình to béo của bà ta chiếm gần trọn bề ngang khung cửa, hai má phúng phính, đỏ au. Chà ! Thân mình và khuôn mặt bà ta xem ra mềm nhão, Lai tự nhủ. Phải, tất cả đều mềm nhão như bột nặn, trừ giọng nói. Bà hét lên the thé : 

- Đồ chó chết ! Chó ăn mày ! Dám ăn bột của bà ! Chó chế… ết ! 

Lai hãi quá. Song lạ thay giọng nói dịu dàng trong cái hộp thì vẫn coi bà ta như không, chả hề nể sợ chút nào : 

- … Có đoàn bác sĩ và y tá đi thăm viếng các làng mỗi ngày, nhiều quốc gia tham dự vào cố gắng đáng kể này… 

Bà chủ tuồng như không để ý mảy may đến cái hộp, tiếp tục chửi con chó đói : 

- Đồ chó khốn nạn ! Đồ… (chợt thấy thằng bé, bà ta như quên phắt con chó liền) Thằng kia ! Mày làm gì đây ? Lén vào đây từ bao giờ, hử ? Hử ? 

- Kính chào bà ! 

Lai đưa tay lên trán nghiêng mình, lễ phép và lịch sự hơn bà chủ nhà thô lỗ nhiều. Trong khi đó, cái hộp vẫn dịu dàng, rành mạch : 

- Chương trình năm năm của Ấn Độ sẽ thay đổi nếp sống khốn khổ của người dân… tương lai rộng mở… 

- Tao sẽ cho mày biết… những người dân khốn khổ… 

Bà Ất Vi hét toáng lên, tay chộp lấy thằng bé lắc mạnh đến nỗi nó ngỡ là tay chân nó rời rã ra. Cái sa-ri đỏ và cái ghế nhỏ như nhảy múa trước mắt nó ! Trời ơi ! Hai tay bà ta đâu có mềm nhão như Lai tưởng ! Bà ta mạnh làm sao ! 

- Mày là ai ? Hử ? Mày đến đây để làm chi ? Trả lời mau ! 

Miệng nói, đôi tay hộ pháp tiếp tục lắc mạnh thằng bé. Hình như những tiếng Lai định nói ra dính chặt vào nhau, mắc nghẹn ở cuống họng. Giây lâu nó mới có thể trả lời : 

- Tôi… tôi là Lai, con trai lớn của ba tôi, ông Cước. 

- Của nợ của mẹ mày ! 

Nói xong bà ta buông nó ra. Lai vỗ nhè nhẹ thăm thú khắp mình để biết chắc mình vẫn còn nguyên vẹn. Và nó trả đũa người đàn bà kia bằng giọng thách thức – nói rõ ra Lai vốn bướng bỉnh và chưa biết sợ hạng người cho vay – như thế này : 

- Tôi không phải là của nợ của mẹ tôi đâu, bà ơi ! 

- A ! Thằng khốn kia ! Mày dám trả lời với tao cách đó hở ? Tao hãy hỏi mày : làm gì ở đây ? Đồ ăn cắp ! 

- Tôi không phải đồ ăn cắp đâu ! Tôi vào đây để tìm con chó của tôi. 

Lai rắn giọng nói song bụng bắt đầu gờm vì rõ ràng là con Cam của nó đã chớp cái gì của bà ta chớ chẳng không. 

- Cút xéo ! Dắt chó mày đi ngay ! Con chó ranh hôi toàn phân. 

Lai nắm dây cổ Cam lôi thụt lùi vì nó thận trọng không muốn quay lưng lại đối thủ, song Cam xem chừng đang còn thòm thèm ngoái đầu lại gian bên, chỗ bốc mùi thơm. Xem cung cách đó, người ta đoán ngay là nó chưa được kề cận với những gia đình khá giả bao giờ. Bà chủ vớ cái gậy dựng bên vách đập xuống đất để xua con vật, không may bà trượt chân trên tấm thảm; vội vàng níu chân ghế gượng lại thì xui xẻo thêm : chỉ nắm được cái chéo sa-ri. Thế là lôi tuột luôn cả mấy món nữ trang. Bà ta tức đến cực điểm, hét lên : 

- Lũ chó má ! – vừa hét vừa lồm cồm bò dậy – Tại lũ bay hết ! Cút mau ! 

Lai lủi nhanh ra ngoài trong lúc người đàn bà vẫn chưa bớt giận, trở lại với mớ bột hư. 

Lai ra đến chỗ cũ thì vừa vặn cha nó đã nài nỉ gã hào phú bớt được chút đỉnh tiền lời và cho vay 14 rúpi. Ông nghiêng mình cảm ơn đoạn ba cha con trở về với Cam, ai nấy cùng nhẹ nhõm trong lòng. Trên đường về, họ gặp cậu thằng Kiên: Ông này đang đến nhà gã hào phú để vay tiền mua hạt giống. Tức thì họ đón ông hỏi cách thức vào bệnh viện chữa mắt, song họ không thu thập được một lời chỉ dẫn quí báu nào, vì câu trả lời giống như những câu trong cái hộp phát ra : nào là chương trình 5 năm ở Ấn Độ, nào là bác sĩ ở A-rát, nào là v.v… Tuy vậy, ba cha con không thất vọng vì có một điểm rõ ràng nhất: việc đi đến A-rát là việc cần vì tại đó người ta thực hiện được phép lạ đấy !
________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét