Chương 15
BỨC THƯ QUÍ GIÁ
Hai ngày sau, Tuấn và Lan tản bộ trên con đường mòn dẫn sang biệt thự Tố Nga. Tuấn giấu bức thư quí giá tận đáy túi quần, chỉ sợ mất.
Trời hôm ấy xanh biếc, không một gợn mây. Mặt biển chói loà ánh nắng với những lớp sóng bạc đầu lô nhô thi nhau tấp vào bờ… Hai trẻ cảm thấy tâm hồn lâng lâng sung sướng.
Vừa bước vào vườn, Tuấn và Lan đã thấy cô Hiền ngồi dạy lũ trẻ xóm chài học đánh vần dưới bóng mát cây đa cổ thụ.
Vừa thấy bóng Lan và Tuấn, lũ trẻ con nhao nhao chào hỏi. Không một đứa trẻ nào không biết Lan và Tuấn vì hai em thường xuống xóm dân chài giúp đỡ và dạy vệ sinh cho lũ trẻ nheo nhóc, lam lũ.
Thấy “lớp học” xôn xao lên, cô Hiền nhỏ nhẹ bảo :
- Thôi, các cháu đừng ồn nữa, ngồi yên học nốt đi. Còn nửa tiếng nữa thôi !... À, Lan và Tuấn sang gặp cô có chuyện gì thế ?
Cả hai ngượng ngùng không đáp. Sau cùng, Tuấn lôi bức thư ra khỏi túi và đưa cho cô Hiền :
- Thưa cô, chúng cháu sang đưa bức thư này cho cô ạ.
- Một bức thư à ? Thư của ai đấy cháu ?
- Chúng cháu cũng không rõ ạ. Chúng cháu chỉ biết là thư của cô vì có địa chỉ rõ ràng ngoài phong bì.
Cô Hiền cầm lấy bức thư, thấy hàng chữ run rẩy xấu xí, cô thầm nghĩ đó là thư của một bác dân chài nghèo khổ nào xin giúp đỡ.
- Cám ơn hai cháu nhé. Hai cháu có ở lại đây chơi và dạy mấy em nhỏ này với cô không ? Lan chỉ cho Tèo đánh vần, còn Tuấn thì giúp cô dạy Cu Tý đếm nhé.
Lan hớn hở đáp :
- Vâng ạ.
Nhưng Tuấn nghiêm trang thưa :
- Thưa cô, cho chúng cháu hẹn hôm khác ạ. Còn hôm nay thầy Sơn đang đợi chúng cháu để học Sử ký và Địa lý.
Lan đỏ mặt chống chế :
- Chết chửa, thế mà cháu quên mất ! Thôi, kệ vậy. Cháu nghỉ một bữa cũng không sao. Cháu thích dạy ABC hơn là học Sử Địa.
Nhưng cô Hiền đã cứng rắn ra lệnh :
- Không, cháu Lan phải đi học chứ. Cháu phải coi trọng sự học nhé. Ở đời, ta phải coi bổn phận trên hết, cháu à.
Thấy Lan phụng phịu, cô vui vẻ tiếp :
- Thôi, vui lên đi chứ cháu. Đi học mau lên kẻo trễ giờ. Không thì cô sẽ nghi là cháu lười biếng như thằng Tèo kia kìa.
Lan cười khanh khách, chào cô Hiền và các chú bé đang ê a đánh vần rồi thoăn thoắt chạy đi… Trước khi đi, Tuấn ngước nhìn cô Hiền với cặp mắt biết ơn.
Khi tan học, lũ trẻ nói chuyện rối rít, và ra đường như đàn chim non vỡ tổ. Cô Hiền mỉm cười nhìn theo những nét mặt vô tư, những nụ cười hồn nhiên, trong sáng của chúng, trong lòng lâng lâng nhẹ nhõm. Trong ánh mắt cô bừng lên một tia hy vọng ở một tương lai tươi sáng hơn cho lũ trẻ dân chài nghèo khổ này.
Cô đứng dậy, lững thững bước vào nhà, vừa đi cô vừa bóc bao thư Lan và Tuấn mang đến khi nãy. Ở trong chỉ vỏn vẹn có một mảnh giấy nhỏ đã ngả màu vàng.
Vừa đọc được mấy hàng, vẻ thảng thốt đã hiện rõ trên khuôn mặt luôn luôn bình thản của cô. Làn da hồng hào của cô bỗng tái xanh lại. Cô đưa tay lên trán với vẻ mệt nhọc của một người vừa qua cơn khủng hoảng tinh thần.. Cô cảm thấy chóng mặt, phải ngồi xuống một chiếc băng đá gần đó cho đỡ mệt.
Cô ngồi thừ người nghĩ ngợi, sự ngạc nhiên cùng cực lộ rõ trên mặt. Cô nhắc đi nhắc lại như người mơ ngủ :
- Trời ơi ! Có thể như thế được sao ?
Ngồi một lát thấy đã khoẻ, cô cất lá thư vào cuốn sách tập đọc rồi chầm chậm bước về nhà.
Cô lên thẳng phòng đọc sách vì biết cụ Thành đang nóng lòng chờ đợi cô ở chỗ đó.
Cụ đang ngồi suy tư trước lò sưởi, tay mân mê chiếc vòng ngọc bích xưa của cụ bà. Đó là một kỷ vật thân yêu nhất đời mà cụ không bao giờ rời từ khi cụ bà nằm xuống.
- Thưa ba, con mới về ạ. Hôm nay con về hơi muộn làm ba phải chờ lâu, ba tha lỗi cho con nhé. Để con đọc báo cho ba nghe.
Vừa nói, cô Hiền vừa cúi xuống nắm lấy tay cha.
Cụ Thành giật mình :
- Chết chửa, sao tay con lạnh thế này ? Con có mệt thì đi nghỉ đi, ba ngồi đây một mình được rồi… À, trời bắt đầu trở lạnh rồi đấy, con bảo bác Hai đốt lò sưởi trong phòng và cho lũ trẻ vào đó học cho ấm nhé.
- Thưa ba, ở ngoài không rét lắm đâu ạ. Con không thấy lạnh chút nào cả. Trong phòng này ấm cúng quá, con vừa ngồi đọc báo ba nghe, vừa sưởi ấm luôn.
Cô nói câu trên với một giọng cương quyết vì trong óc cô còn văng vẳng lời cô nói với Lan khi nãy : “Ở đời ta phải coi bổn phận trên hết, cháu à.”
Tuy mệt vì quá xúc động, cô vẫn ngồi xuống ghế đọc báo và thư tín cho cụ Thành. Nhưng óc cô cứ quay cuồng với câu hỏi : “Có thể như thế được sao ? Có thể như thế được sao ?”.
***
Chiều hôm đó, Lan và Tuấn lại ngồi ở cửa sổ nhìn ra biển xem đàn hải âu trắng muốt bay lượn là là trên mặt nước. Đang mải mê ngắm cảnh, hai em bỗng thấy bóng dáng thướt tha của cô Hiền xuất hiện ở đầu con đường lát sỏi dẫn đến biệt thự Hoàng Lan.
Không bảo nhau mà cả Lan lẫn Tuấn cùng thầm nghĩ : “Thế nào cô Hiền cũng đến về vụ bức thư chứ không sai đâu”. Thế là chúng rầm rập chạy xuống cầu thang, và ra đón cô Hiền.
Vừa thấy hai em, cô Hiền hỏi ngay :
- Chào hai cháu. Cô đến hỏi kỹ lại về bức thư hồi sáng. Các cháu thấy bức thư đó ở đâu vậy ? Bây giờ hai cháu ngồi xuống bờ cỏ này với cô rồi trả lời thật rõ ràng cho cô nghe nhé. Bức thư ấy tiết lộ một việc rất quan trọng, chúng ta phải tìm cho ra sự thật mới được.
Khi cả ba đã quây quần ngồi trên nệm cỏ mịn như nhung, Lan và Tuấn thay phiên nhau thuật lại đầu đuôi câu chuyện, không bỏ sót một chi tiết nào, kể cả vụ anh Hồng xuống nhà kho với vú già.
Cô Hiền nghe vậy, hấp tấp hỏi :
- Anh ấy có đọc thư chưa cháu ?
- Thưa cô, chưa ạ ! Vả lại bức thư còn dán kín khi chúng cháu tìm thấy. Cháu còn dám quả quyết là anh ấy không biết có bức thư trong ngăn kéo vì tờ báo lót dưới đáy che lấp rồi. Hôm đó, chúng cháu thấy tận mắt vú già chỉ cho anh ấy xem chiếc mề đay thôi. Rồi mấy bữa sau chúng cháu cũng chỉ nghe anh Hồng khuyên vú già nên trả lại chiếc mề đay chứ không đả động gì đến bức thư kia.
- Như vậy thì hay lắm. Cô muốn nói chuyện với vú già có được không ? Việc lá thư nói tới điều rất hệ trọng, chúng ta phải cầu nguyện cho sự việc được sáng tỏ, hai cháu à.
Bây giờ hai cháu tìm vú già lại đây cho cô.
- Không bao giờ vú chịu ra đây đâu, cô ạ. Vú ấy lạ lùng lắm, có khi như điên như dại ấy. Nhưng nếu cô chịu khó đi theo chúng cháu thì có lẽ đi vòng ra sau vườn là gặp vú ở cạnh hốc đá ở góc sân.
Cả ba đi vòng ra sân sau và thấy vú già đang quỳ trong động đá phía xa.
Lan và Tuấn lảng ra chỗ khác cho cô Hiền tự do nói chuyện. Trông thấy cô Hiền, vú già không những không la hét như khi bất cứ một người lạ nào lại gần vú, mà lại còn ngây người ra nhìn cô và chiếc miệng móm mém của vú như nở một nụ cười…
Cô Hiền dịu dàng hỏi han vú, nhưng cô càng hỏi, vú càng tỏ ra bực bội và không hề mở miệng nói câu nào. Thỉnh thoảng vú vuốt trán một cách mệt nhọc như để cố nhớ lại một việc gì.
Bỗng vú già đứng dậy, Lan và Tuấn nghe rõ mồn một câu trả lời của vú già :
- Cô tốt lắm, nhưng những người khác họ độc ác lắm và họ làm cho tôi cũng đâm ra ác luôn. Trước kia tôi hiền lành lắm chứ ! Nhưng nay tôi không nói đâu, vì người ta đã khép miệng tôi lại rồi. Tôi không đưa tờ giấy cho cô đâu.
Cô Hiền cất giọng khuyên nhủ :
- Vú nên nói đi. Vú không thấy lương tâm cắn rứt hay sao ? Vú giữ bí mật thì có lợi gì đâu.
Nhưng lúc đó mặt vú già bỗng đỏ bừng lên và vú bắt đầu lẩm bẩm những câu vô nghĩa.
Lan và Tuấn biết ngay là vú lên cơn bất thường. Hai em vội tiến lại bảo cô Hiền thôi nói chuyện với vú. Vả lại, những đám mây ở đâu đã ùn ùn kéo tới che lấp cả bầu trời trong xanh khi nãy. Gió cũng bắt đầu thổi thật mạnh. Bão tới nơi rồi, phải chạy vào biệt thự ngay mới tránh khỏi mắc mưa.
Ngay lúc đó anh Hồng cũng mới ở đâu về. Liệu chừng vào căn biệt thự không kịp, anh chạy ngay tới động đá để trú mưa. Thật hú vía ! Vừa vào tới nơi là mưa đã ào ào đổ xuống. Những lằn chớp loang loáng loé lên sáng rực cả bầu trời, theo sau là những tiếng sấm kinh hồn.
Không biết vì sấm sét hay vì sự xuất hiện bất ngờ của Lan, Tuấn và anh Hồng mà vú già bỗng ngã lăn ra đất thét lên một cách tuyệt vọng.
Lan và Tuấn lùi lại kinh hoàng. Nhưng cô Hiền bình tĩnh cúi xuống thì thầm hỏi :
- Sao vú lại sợ ? Có gì nguy hiểm đâu mà vú phải kêu ?
Cô chưa dứt lời, hai tiếng nổ kinh thiên động địa đã vang lên và mưa vẫn tiếp tục đổ xuống mạnh như thác nước. Động đá đột nhiên tối sầm lại, còn vú già thì như điên như dại. Vú la hét, đập đầu vào tường đá, rít lên :
- Bão rồi ! Bão rồi ! Chết tôi rồi ! Trả thù… Trả thù… Đời tôi tàn rồi ! Thật là khốn khổ cho tôi, trời ơi là trời ơi!
Thấy vậy, Lan và Tuấn tiến tới giúp cô Hiền giữ vú lại. Vú lại càng thét to hơn và giấu mặt vào hai lòng bàn tay:
- Đây rồi, đây rồi ! Chính ngôi sao đây rồi ! Ngôi sao nó trả thù… Ghê quá, trời ơi, ghê quá ! Lão phù thủy nói trước rồi mà, ngôi sao sẽ đốt cháy mắt mày… Thôi, thôi, tôi lạy ông, ông đừng giết tôi ! Tôi sẽ trả lại kho tàng cho cô ấy. Tôi sẽ đưa tờ giấy ngay ! Ông nó ơi, ông nó đi ra chỗ khác đi. Tôi đưa thư ngay bây giờ đây này. Đây rồi, kho tàng đây, tờ giấy đây. Tôi chỉ trao nó cho ngôi sao sáng thôi… Này, cầm lấy đi !
Vú già run rẩy mở hầu bao, chìa tay đưa cho Lan chiếc gói giấy bao mề đay và một phong bì khá dày.
Lan nhìn vú, ngần ngại không dám đưa tay ra đón lấy. Thấy vậy, vú già cười ré lên khinh bỉ. Vú châm biếm nói:
- Lấy đi kìa ! Của mi đấy, chính mi là ngôi sao sáng mà ! Ai cũng tưởng mi là Trần Hoàng Lan mà thực ra mi lại là Tôn Nữ Ngọc Lan…
Nghe vậy, Lan vội chắp tay lại, mở rộng mắt kinh ngạc. Em thì thầm :
- Chính tôi là ngôi sao dòng Tôn Thất sao ? Ba ơi ! Mẹ ơi !
Mặt xanh như tàu lá, Lan ngã xuống bất tỉnh. Tuấn thất thanh lay gọi nhưng vô hiệu. Mắt Lan vẫn nhắm nghiền và hai tay em lạnh ngắt.
Anh Hồng há hốc mồm đứng nhìn, không thốt được lời nào.
Thấy vú già la hét mãi và trận bão cứ kéo dài, cô Hiền quay ra anh Hồng nhờ :
- Anh Hồng làm ơn chạy vào nhà kêu chị Ba ra giúp tôi cứu tỉnh bé Lan và gọi bác làm vườn khiêng vú già vào bếp nhé. Nhớ đừng cho cụ Diễm biết sợ cụ quá lo lắng mà tổn thương đến sức khoẻ.
Anh Hồng như sực tỉnh cơn mê, chào cô Hiền rồi đáp :
- Thưa cô, tôi xin đi ngay. Trời đất ! Thật là một biến cố ghê gớm độc nhất vô nhị ! Thế mà tôi cứ tưởng vú già chỉ ăn cắp mỗi cái mề đay thôi, nên tôi chỉ khuyên vú giao trả mỗi cái ấy thôi.
Nói rồi, anh đội mưa chạy vào nhà. Vừa chạy anh vừa lẩm bẩm : “Thật là bất hủ ! Thật là lạ lùng ! Vô tiền khoáng hậu !”
Chương 16
BÍ MẬT TRONG BIỆT THỰ HOÀNG LAN
Sáng hôm sau, cô Hiền sang biệt thự Hoàng Lan thật sớm. Cô lên phòng ngủ thăm Lan. Tuy Lan còn hơi xanh, nhưng em đã thấy khoẻ. Cụ Diễm và Tuấn lúc nào cũng ngồi cạnh giường săn sóc Lan.
Cô Hiền âu yếm hỏi :
- Thế nào, cháu Lan của cô sáng nay đã khoẻ chưa ?
- Thưa cô, cám ơn cô, cháu khoẻ rồi ạ. Trưa nay chắc cháu dậy và đi lại như thường được rồi vì bác sĩ bảo cháu chỉ bị quá xúc động mà ngất đi thôi. Cháu mong khoẻ hẳn khi ba mẹ cháu về tới. Cháu sung sướng quá cô ạ ! Cháu không ngờ cháu lại được là con của hai người cháu vẫn thường mến phục. Thế là từ nay cô là cô ruột của cháu rồi. Cháu cũng có vừa bà nội, vừa ông nội nữa. Thế là đầy đủ cả, vì bà nội bên này vẫn là bà nội của cháu và anh Tuấn. Cháu lại có thêm một bầy em trai nữa. Trời ơi, đông đủ, vui quá !
Nói xong, Lan choàng tay qua cổ cụ Diễm và hôn lên gò má nhăn nheo. Hai giọt nước mắt nãy giờ long lanh trong mắt cụ bỗng trào ra và rơi lã chã xuống áo. Không biết cụ quá cảm động hay tiếc đứa cháu mà từ trước tới nay cụ vẫn coi như cháu ruột mình.
Quay sang Tuấn, Lan lại tiếp :
- Còn anh Tuấn vẫn luôn luôn là anh của em, anh nhé.
Đang ngồi tư lự, Tuấn vội tươi hẳn nét mặt :
- Thật thế hả Lan ? Từ hôm qua anh cứ buồn vì thấy hai đứa không còn là anh em sinh đôi nữa. Nhưng bây giờ Lan vẫn coi anh là anh như xưa, thì nhất rồi !
Trưa hôm đó, ông bà Ân nhận được điện tín, vội về vịnh Hạ Long gấp. Cụ Thành cũng sang biệt thự Hoàng Lan cùng ông bà Ân, cô Hiền và năm đứa cháu.
Tuy còn hơi xanh xao, Lan đã dậy đón ba mẹ. Khi Lan thổn thức ôm chầm lấy bà Ân, mọi người chỉ sợ em lại ngất đi một lần nữa vì quá xúc động.
Cụ Thành ôm cháu vào lòng vuốt ve thật lâu. Cụ run run vuốt tóc cháu và lẩm bẩm :
- Cháu ruột của ông đây ! Cháu Ngọc Lan của ông ! Ôi, sung sướng thay ! Đứa cháu gái độc nhất mà ông tưởng đã mất nay đã tìm lại được rồi !
Cô Hiền đem theo cả bức thư mà Tuấn và Lan đã đưa cho cô mà không biết trong đó chứa đựng cả một bí mật lạ lùng. Cô giơ bức thứ lên và tuyên bố :
- Bức thư này không phải của tôi mà chính của cháu Lan đây.
Rồi cô đọc với một giọng đầy cảm động :
Tôi không đủ sức viết nữa. Tôi có viết một bức thư, nhưng vợ tôi đã đem đi mất rồi. Tôi không muốn giấu mãi sự thật, một sự thật làm xáo trộn đời sống trong hai toà biệt thự Hoàng Lan và Tố Nga.
Tôi gửi thư này cho cô chủ biệt thự Hoàng Lan vì cô ấy CÒN SỐNG. Cô ấy chính là cô bé thường được gọi bằng tên Trần Hoàng Lan.
Tôi đã giải thích cặn kẽ trong bức thư vợ tôi đánh cắp.
Cả Lâm.
- Còn đây là lời thú tội của bác Cả, cô Hiền vừa nói vừa lấy bức thư dày ra đọc. Mọi người ngồi yên lặng lắng tai nghe :
“Tôi biết tôi sắp chết, nên tôi muốn thú thật tội tôi đã phạm vào từ bao năm trước. Lương tâm tôi cắn rứt và dằn vặt trong suốt mấy năm trời. Trước khi chết, tôi muốn thú tội cho tâm hồn thanh thản vì tôi đã hối hận vô cùng về việc tôi làm năm năm trước đây. Tôi đã căn dặn vợ tôi đem bức thư này sang cho ông bà Tôn Thất Thành sau khi tôi viết xong.
Tôi xin thề đây là sự thật hoàn toàn. Xin mọi người tin tôi vì lời thề của một kẻ hấp hối không bao giờ giả dối !
Đứa bé gái mà mọi người tưởng là con ông Trần Công Đức và là em sinh đôi của bé Trần Anh Tuấn thật ra không phải tên là Trần Hoàng Lan vì em Hoàng Lan đã chết ngày 23-2-19… Em gái đó chính là Tôn Nữ Ngọc Lan.
Sở dĩ có chuyện này xảy ra là vì vụ chết đuối của em Ngọc Lan chỉ là bịa đặt. Tôi đã dàn cảnh, để mũ và áo của em bé trong bụi cây ngoài bờ suối cho mọi người tưởng em bé đã bị nước cuốn đi mất tích.
Tôi đã bắt cóc em Ngọc Lan để trả thù ông Ân đã đuổi tôi về tội ăn cắp, và nhất là để giúp vợ tôi khỏi mang tội với ông bà Đức. Số là em Hoàng Lan bị chết bất ngờ sau một trận ốm. Ngay lúc đó, ông bà Đức lại báo tin sắp về thăm nhà, nên vợ tôi hoảng sợ không biết làm sao. Tôi bèn bắt cóc bé Ngọc Lan, khi em đi chơi suối với chị giữ em. Tôi ra tay thật dễ dàng vì chị giữ em mải hái hoa lan, quên cả em bé đang chập chững đi trên bờ suối.
Lỗi này hoàn toàn thuộc về tôi. Vợ tôi không dính dáng gì đến việc bắt cóc cả. Bà ta còn từ chối không dám nuôi bé Ngọc Lan. Nhưng tôi đã dọa giết chết bà ta nếu bà ta không nghe lời tôi, nên bà ta phải nuôi vậy.
Nhưng nay tôi đã hối lỗi nên khẩn khoản xin lỗi gia đình ông Tôn Thất Ân và thân quyến.
Xin mọi người tha tội cho tôi !
Cả Lâm.”
Một sự yên lặng nặng nề bao trùm căn phòng sau khi cô Hiền đọc xong bức thư. Bỗng giọng nói trong trẻo, êm ái của Lan vang lên :
- Chúng ta nên tha lỗi cho bác Cả. Bác ấy biết hối lỗi rồi. Tôi tha lỗi cho bác đấy, bác Cả ạ.
Cụ Diễm cũng tiếp lời :
- Tất cả chúng tôi đều tha thứ cho bác để bác được mỉm cười nơi chín suối.
Trong khi đó, cô Hiền đã đi tìm vú già và nhỏ nhẹ khuyên vú nên kể rõ sự bí mật đã bao trùm hai căn biệt thự trong ròng rã 10 năm trời. Lúc đầu vú khăng khăng từ chối, không chịu tiết lộ điều gì, nhưng sau nhờ sự khôn khéo của cô Hiền, nên vú bằng lòng để cô dẫn lên phòng khách. Trông vú thật thảm hại, móm mém và còng hơn trước nhiều. Mới có một ngày mà trông vú già hẳn đi. Vú run run nói :
- Bây giờ mọi người đã biết hết chuyện thì tôi cũng không giấu giếm làm gì, nhưng tôi yêu cầu là mọi người để cho tôi yên sau khi tôi kể rõ ngọn ngành. Tôi sẽ đi xa, đi thật xa để không còn ai tìm thấy tông tích tôi nữa. Nhưng thể nào đến ngày sao Bắc Đẩu lại soi sáng Khóm Trúc tôi sẽ về dự lễ, và lúc đó tôi sẽ mỉm cười nhắm mắt.
Cụ Diễm vội hứa :
- Được rồi, chúng tôi sẽ để cho vú yên. Không ai trách móc gì vú đâu. Vú cứ bình tĩnh kể rõ câu chuyện cho chúng tôi nghe. Vú ngồi xuống đây cho đỡ mệt đi.
Nghe thấy vậy, vú tỏ vẻ mừng rỡ, ngồi xuống và bắt đầu kể :
- “Chính tôi đã chăm nom hai trẻ sinh đôi từ khi chúng mới lọt lòng. Trước kia tôi đã trông nom cậu Đức nên cậu tin cẩn giao hai trẻ sơ sinh cho tôi nuôi dưỡng.
“Khi cậu mợ Đức đổi đi Tourane , tôi ở lại đây với cụ bà và chú Hồng. Nhưng mùa đông năm đó, cụ bà ra Hà Tiên chơi, chỉ còn chú Hồng và tôi ở nhà. Nhưng có chú Hồng cũng như không, vì chẳng bao giờ chú ngó ngàng đến hai trẻ cả. Lúc đó Lan và Tuấn đã lên 3 tuổi. Tuấn khoẻ mạnh bao nhiêu, thì Lan lại ốm yếu bấy nhiêu.
“Mùa đông năm ấy lạnh thấu xương. Bé Lan bị ốm rồi chết. Tôi cuống cuồng không biết làm sao, vì cậu mợ Đức đã đánh điện tín báo tin tuần sau sẽ về thăm nhà”.
Vú già ngừng kể, rưng rưng nước mắt chép miệng thở dài :
“Nhưng rồi cậu mợ Đức chẳng bao giờ trở về nhìn mặt con nữa !
Yên lặng một lát, vú kể tiếp :
Tuy lúc nào tôi cũng trông nom hai trẻ rất cẩn thận, tôi vẫn thấy mình chịu trách nhiệm phần nào trong cái chết của bé Lan. Tôi thà chịu chết còn hơn nhận trông nom cả hai em mà trả lại cậu mợ Đức có một mình Tuấn thôi. Tôi còn mặt mũi nào mà gặp mặt cậu Đức, người mà tôi đã nuôi dưỡng từ nhỏ và thương yêu như con ruột của tôi vậy…
“Không bao giờ tôi quên được cái đêm bé Lan qua đời. Đêm đó, trời bão lớn lắm, các cửa kính trong nhà cứ rung lên chỉ chực mở tung ra thôi. Sấm nổ long trời lở đất làm rung chuyển cả nhà cửa. Vì thế nên hôm qua bão lớn tôi cứ tưởng mình đang sống lại cái đêm ghê gớm đó chứ !
“Suốt ngày hôm đó tôi ở một mình trên lầu, trong phòng ngủ của hai trẻ, bỏ cả ăn cả ngủ. Tôi không dám nói cho một ai biết cái chết của bé Lan. Mãi đến tối hôm đó, nhà tôi mới về. Mặt ông ấy hầm hầm tức giận vì bị cậu Ân đuổi ra khỏi biệt thự Tố Nga về tội ăn cắp.
“Sau khi nghe tôi kể lại chuyện, ông ta sung sướng kêu lên :
- Bà nó đừng khóc nữa, thế này thì tôi sắp trả được thù rồi.
“Tôi gạn hỏi tại sao, nhưng ông ấy một mực không chịu trả lời. Ông ấy bí mật chôn xác bé Lan ở gần động đá sau vườn, rồi bỏ đi.
“Ba ngày sau, ông ấy trở về vào một đêm mưa gió với một bé gái cũng trạc tuổi bé Lan. Ông ấy bảo tôi :
- Đây, bà lấy đứa bé này thay vào đứa kia là xong chuyện.
“Tôi không chịu nói dối cậu mợ Đức như vậy. Đã mắc phải tội để bé Lan chết, nay lại còn nói dối nữa thì không đáng làm người. Tôi cố nài nỉ ông ấy đem trả đứa bé cho gia đình nó, nhưng ông ấy khăng khăng doạ sẽ để đứa bé chết đói nếu tôi không chịu nuôi. Rồi thấy đứa bé xinh xắn dễ thương, tôi cũng mến và đành nhận nuôi..
“Đứa bé đó rất ngoan ngoãn, có má lúm đồng tiền thật dễ thương và cười toe toét luôn miệng. Nhưng khi nó ôm chặt lấy cổ tôi cho tôi ru ngủ, có vẻ tin tưởng ở tôi và quí mến tôi, tôi cũng thấy bớt hối hận một phần nào.
“Chỉ có chú Tâm là đoán được một phần câu chuyện vì đêm đó chú ấy cho nhà tôi đi nhờ xe về đây. Tuy không biết đứa bé kia con cái nhà ai, hắn cũng đã tống tiền chúng tôi nhiều lần rồi. Lần nào tôi cũng phải cho hắn tiền để hắn giữ kín chuyện này.
“Lúc đầu chính tôi cũng không biết đứa bé ấy con ai, nhưng tôi hơi nghi ngờ. Rồi một hôm, nhân giặt quần cho ông ấy, tôi thấy ở đáy túi quần có một gói nhỏ trong đựng chiếc mề đay có hình ngôi sao của dòng họ Tôn Thất, tôi mới hiểu rõ sự tình, nhưng đã quá muộn…
“Cụ bà ở Hà Tiên chơi gần một năm trời vì cụ tin tưởng ở sự chăm sóc tận tâm của tôi. Khi cụ trở về, đau khổ về cái chết của cậu mợ Đức làm cụ trông già hẳn đi mấy tuổi. Khi gặp lại hai cháu, cụ chẳng nghi ngờ điều gì cả vì mặt mũi trẻ con vào tuổi đó thường hay thay đổi rất nhiều. Cụ có nhận ra là bé Lan bây giờ có má lúm đồng tiền, nhưng cụ tưởng khi lớn lên bé mới có.
“Dần dần tôi cũng đâm quen đi và hết nghĩ ngợi về tội lỗi của nhà tôi. Vả lại, bé Lan sống bên này cũng chẳng khổ hơn khi sống bên biệt thự Tố Nga chút nào.
Ngừng lại nghỉ mệt một lát, vú tiếp tục :
“Còn bé Lan thì quấn quít bên Tuấn lắm, cả hai thương mến nhau lắm và chơi với nhau suốt ngày. Cứ nhìn hai trẻ vui chơi với nhau ý hợp tâm đầu là tôi quên hết những điều ghê gớm đã xảy ra.
“Tuy mang tiếng là anh em sinh đôi, nhưng Lan và Tuấn tính tình thật khác nhau. Lan thì lúc nào cũng cười đùa chạy nhảy, còn Tuấn thì lại hiền lành, khôn ngoan, nhưng chẳng ai nghi ngờ vì có nhiều khi anh em sinh đôi thật cũng không giống nhau chút nào.
“Nhà tôi dọa giết tôi nếu tôi hở môi về chuyện này. Ông ấy mà say thì phải biết, không điều gì mà ông ấy không dám làm ! Vì vậy tôi nen nét vâng lời và giữ kín bí mật trong lòng.
“Nhưng năm năm trước, ông ấy bị đụng xe và biết mình khó qua khỏi, nên gọi tôi lại bảo tôi phải kể rõ câu chuyện cho hai gia đình nghe vì ông ấy sợ chết đi bị đày xuống địa ngục.
“Lúc đó ông ấy mới biết sợ. Còn tôi thì tôi chỉ lo khi mọi người biết chuyện sẽ cho tôi vào tù và tôi sẽ phải xa Lan và Tuấn. Tôi quyến luyến chúng lắm, phải xa chúng chắc tôi buồn mà chết mất… “
Nói tới đây, vú quay sang nhìn Lan và Tuấn bằng cặp mắt chan chứa tình thương. Trông vú hết hẳn vẻ điên dại, khác hẳn những lúc vú chui rúc vào xó bếp và nhìn mọi người bằng cặp mắt đỏ ngầu, ngây dại. Vú lại nói tiếp :
“Vì bị tội lỗi dằn vặt nên từ đó tôi không dám lại gần hai em mà chỉ đứng xa xa ngắm nghía. Tôi thấy tôi không đáng được săn sóc cho hai em bé ngây thơ này. Vì vậy tôi cứ giả điên giả khùng để được ở trong biệt thự mà không ai quấy rầy và được nhìn thấy Lan và Tuấn khoẻ mạnh vui chơi.
“Tôi đã định khi cả hai đến tuổi trưởng thành, tôi sẽ nói ra sự thật để sao Bắc Đẩu lại soi sáng Khóm Trúc và tượng đức Thánh Trần mỉm cười lần nữa.
“Còn bức thư thú tội của nhà tôi viết khi sắp chết, tôi đã hứa đem sang bên ông bà Ân, nhưng lại thôi. Một đêm nọ, tôi trốn ra động đá góc vườn giấu bức thư đi thật kỹ. Sáng hôm sau về nhà thì ông ấy đã tắt thở, nhưng trước khi nhắm mắt ông ấy còn viết thêm một lá thư nữa. Tuy không biết trong thư viết gì, nhưng tôi cũng đem giấu biến đi cùng với chiếc mề đay. Rồi trời run rủi cho Tuấn đem thư đó đưa cho cô Hiền…
“Tội của tôi là tội đã giấu kín các giấy tờ, còn các việc khác nếu có mình tôi thì tôi chẳng dám làm. Tôi phạm phải tội nói dối cũng chỉ vì ông nhà tôi đã quá nóng nảy, chỉ muốn trả thù chứ không biết nhận lỗi của mình”.
Kể xong, vú già thút thít khóc. Lan lại gần vú an ủi :
- Thôi, vú đừng buồn nữa. Con không giận vú đâu.Vú đã biết hối lỗi thì ai cũng tha thứ cho vú hết.
Nhưng vú già lắc đầu quầy quậy, nhìn Lan và Tuấn lẩm bẩm :
- Câu chuyện cổ tích đã nói là sao Bắc Đẩu luôn luôn soi sáng Khóm Trúc thì không gì ngăn cản nổi.
Rồi thừa lúc mọi người bận bàn tán về câu chuyện quá lạ lùng này, vú già chống gậy bước thật mau ra khỏi căn biệt thự như chạy trốn…
Không ai còn gặp lại vú trong vùng vịnh Hạ Long nữa…
Chương 17 (hết)
NGÀY MAI TƯƠI SÁNG
Mười mùa xuân lại trôi qua. Đã mười lần hoa mai nở rồi tàn trong vườn biệt thự Hoàng Lan.
Hai trẻ xưa vẫn được gọi là “hai trẻ sinh đôi” của biệt thự Hoàng Lan đã lớn.
Lan đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Sống bên cạnh bà Ân, em đã mất hẳn những thói quen hồi xưa như suốt ngày đi lang thang ngoài bờ biển bắt trai, ốc hoặc ở suối hái hoa cả ngày không biết chán. Nay Lan là một thiếu nữ đoan trang thùy mị, khâu vá thêu thùa rất giỏi. bà Ân đã luyện cho em trở thành một nhà nội trợ rất đảm đang. Lan vẫn không thay đổi : vẫn má lúm đồng tiền xinh xinh, vẫn cặp mắt trong sáng, vẫn đôi má rám nắng hồng, vẫn mái tóc thề óng ả bỏ xoã xuống vai… Nhưng nét dịu dàng đã thay thế nét tinh nghịch thủa nhỏ khiến trông em phảng phất giống cô Hiền.
Tuấn được ông Ân săn sóc và xin bà nội cho vào ở nội trú với Trung và Hiếu. Nay Tuấn đã ra trường và trở thành một sĩ quan hải quân tài ba. Vẻ trầm ngâm tư lự hồi nhỏ đã được thay thế bằng nét cương nghị trên khuôn mặt rắn rỏi rám nắng của Tuấn, trông thật đúng là hình ảnh của ông Đức hồi trẻ.
Từ khi ông bà Ân trở về biệt thự Tố Nga, cô Hiền đã vào viện mồ côi để dùng thời giờ rảnh chăm sóc cho các trẻ xấu số, không mẹ không cha. Mỗi tuần cô trở về biệt thự ba lần để tiếp tục đem sự học khai sáng những tâm hồn trẻ thơ ở xóm dân chài.
Cụ Thành đã mất từ lâu, cụ Diễm thì trông chẳng khác xưa chút nào. Cụ thay mặt ba mẹ Tuấn giao ước kết sui gia với ông bà Ân để xoá mờ mối hiềm khích xưa giữa hai gia đình.
Từ nay hai họ Trần và Tôn Thất lại được gắn liền trong quyển gia phả của hai nhà…
Sao Bắc Đẩu sẽ đời đời soi sáng Khóm Trúc…
THÙY HƯƠNG
------------------------------------------------------------------------------------------
Chân thành cám ơn ĐÈN BIỂN đã sưu tầm và đánh máy truyện gửi cho Tủ sách Tuổi Hoa (http://tuoihoa.hatnang.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét