III
THẰNG BÉ DU MỤC
Đời sống vẫn trôi qua bình thường ở lâu đài họ Nguyễn. Từ nay ba chị em Xuân Lan có thêm bạn mới đã từ bỏ hết mặc cảm để vui sống với gia đình.
Tùng tùng xèng… tùng tùng xèng… Tò le tý le… Tò le tý le…
Tiếng kèn trống ồn ào, giọng ca hát ầm ỹ. Một đoàn người du mục đã xuất hiện trước sân lâu đài. Một ông lão, tướng mạo oai vệ, tóc bạc trắng xoá, hướng dẫn đoàn, tiếp theo là một chú lùn dắt một con khỉ mặc áo xanh đội mũ đỏ. Đoàn du mục gồm thêm một số đàn ông, đán bà, trẻ có già có, mang theo những gói quần áo. Vài mụ đai thêm con nhỏ trên lưng. Một số trẻ con áo quần dơ dáy, rách nát gần như trần truồng, ngửa bàn tay xám xịt dính đất cát :
- Ông bà bố thí cho ít tiền.
Cuối cùng đoàn du mục, là một bà già khuôn mặt răn reo dị hình dị tướng, chỉ còn đôi mắt sáng, tay dắt đứa nhỏ trạc chừng 12 tuổi mặc chiếc áo dài. Đứa nhỏ đứng với bà già riêng biệt một nơi không chung lộn với đoàn du mục, dửng dưng chẳng ngửa tay xin tiền như bọn trẻ con hành khất khác.
Lão già du mục cúi đầu chào :
- Chúng tôi từ xa đến, xin bà ban cho trẻ nhỏ ít bánh sữa, kẻ già cả ít tiền bạc. Chúng tôi đoán tương lai vận mệnh cho bà rồi sẽ đi ngay.
Trong lúc khỉ con nhảy múa làm trò theo điệu đàn phong cầm của chú lùn, bọn du mục ùa vào các phòng ốc trong lâu đài xin các thức ăn và tiền bạc.
Bỗng mụ già dắt đứa nhỏ đến trước mặt Bạch Huệ nhìn em say đắm :
- Em bé dễ thương quá, đưa bàn tay để già An Gia này đoán tương lai vận mệnh cho.
Bạch Huệ còn do dự, mụ già đã cầm lấy tay em và sau khi nhìn qua, mụ quỳ ngay xuống đất trước mặt em lộ vẻ vui mừng tột độ :
- Công chúa của mụ đây. Bàn tay có ba ngôi sao ! Chính nhờ em sau này cháu mụ sẽ có uy danh quyền lực, sẽ có hạnh phúc đầy đủ. Mặc dầu con vua du mục, nhưng nó phải làm nô lệ em. Ba ngôi sao trong bàn tay ! Quí hoá quá, trời ơi !
Nói xong, mụ già lại đập đầu xuống trước mặt Bạch Huệ.
Với giọng nói rắn rỏi đanh thép, thằng nhỏ vỗ vai mụ già :
- Đứng dậy, An Gia.
Xây qua Bạch Huệ, nó tiếp lời :
- Cô đừng sợ ! Mụ này là bà nội tôi đó, tên gọi An Gia. Mụ đã mất trí khôn, nhưng hiền lành chẳng hề làm hại ai. Gặp người nào, mụ cũng tìm xem trong bàn tay thử có ba ngôi sao chăng vì mụ tin rằng tương lai vận mệnh tôi ở trong bàn tay người nào có ba ngôi sao.
Giọng quát tháo của ông đã vang lên từ ngoài ngõ. Vừa bước vào nhà, ông đã vội vàng lùng khắp các phòng để mời dân du mục ra ngay khỏi lâu đài, vì ông đã từng nghe nói bọn này đi ngang qua nơi nào thì nơi đó bị mất cắp đồ đạc tiền của. Ông bố thí cho lão trưởng đoàn một số tiền và thuốc hút để phân phát cho đoàn du mục, rồi nhã nhặn mời họ rời gấp nơi đây.
Mụ An Gia lưng còng sấp, tay vịn vai thằng nhỏ bước ra khỏi cửa, mặt còn ngoảnh lại, đưa hai tay hướng về Bạch Huệ cầu khẩn :
- Ba ngôi sao trong cánh tay, công chúa ơi ! Hãy thương hại cháu mụ, đừng quên nhé.
Cánh cửa lâu đài vừa khép, đã nghe trong nhà vang lên tiếng nói mất mát đồ đạc : cái nồi to tướng ở nhà bếp không cánh mà bay, quần áo của bé Út phơi trên dây thép cũng biến đâu tìm chẳng thấy. Cô Giạ Hương hoảng hốt hô hoán mất chiếc nhẫn vàng sau khi chìa tay để bọn du mục đoán tương lai vận mệnh.
Ông bực tức dặn dò mọi người :
- Từ nay nhất thiết cấm cửa bọn du mục. Nếu tôi về chậm, chắc chắn đồ đạc trong nhà sẽ mất sạch.
Ngày mai, lại có tin bọn du mục đã lấy trộm hai con ngựa và chiếc xe của một nông gia ở làng kế cận. Cảnh sát lùng kiếm khắp nơi, nhưng chưa tìm ra tung tích bọn chúng. Họ chỉ tóm được ở gần khu rừng đó mụ già An Gia và thằng cháu nhỏ. Mụ già đang nằm giữa đất thở thoi thóp, còn thằng nhỏ quỳ gối một bên khóc nức nở.
Trông thấy mụ già yếu đuối gần chết, cảnh sát kiếm một chiếc xe ở làng để chở mụ già đến bệnh viện cứu cấp. Dọc đường, họ tra hỏi thằng bé về hành tung bọn du mục, nhưng nó khóc thút thít, nhất thiết trả lời không hề hay biết. Xe chạy đến bệnh viện, nhân lúc tối trời mà không ai để ý, thằng bé nhảy xuống xe, lủi vào bụi rậm trốn thoát.
Thường lệ trước khi đi ngủ, gã đánh xe rảo quanh lâu đài một vòng để canh phòng bọn gian tế. Bất ngờ, gã bắt gặp thằng bé du mục đang ngồi run rẩy dưới cửa sổ. Đoán chắc nó rình rập để chờ cơ hội thuận tiện len lỏi vào nhà trộm cắp, gã tóm cổ nó, đánh vài bạt tay rồi giam giữ nó vào nhà xe. Nó nhất định khăng khăng không hề có ý gian tà, nó trở lại lâu đài để tìm gặp em bé có ba ngôi sao trong bàn tay.
Sáng mai, trong bữa ăn điểm tâm, cuộc bàn cãi sôi nổi diễn ra giữa ba má Bạch Huệ về số phận tù nhân tí hon :
- Mình định làm gì thằng nhỏ ?
- Tôi sẽ giao nó cho cảnh sát, chắc chắn nó biết tin tức bọn du mục trộm cắp.
- Sao mình lại nạp nó cho cảnh sát ? Nó còn quá nhỏ tuổi. Vả lại nó tự đến đây, mình phải cho nó ăn rồi gởi nó vô nhà trừng giới hoặc một nơi nào người ta chăm nom trẻ con vô thừa nhận.
- Mình bao giờ cũng thánh thiện ! Một thằng nhỏ lưu manh không trở nên lương thiện. Nhờ cô Giạ Hương cho nó ăn uống, rồi khoá cửa nhà xe cẩn thận kẻo nó trốn thoát.
Ba chị em Xuân Lan sốt sắng :
- Để các con đem đồ ăn cho nó.
- Nhưng đừng để nó trốn thoát nghe !
Xuân Lan đem một ly sữa, Thu Cúc một khúc bánh mì, còn Bạch Huệ mang hai quả lê của bà nội vừa mới cho em.
Cô Giạ Hương vừa mở cửa nhà xe, thằng bé ngồi nhổm ngay dậy. Nó đưa đôi mắt đỏ ngầu, lừ đừ, buồn bã nhìn ba chị em Xuân Lan. Đoạn nó chậm rãi đón ly sữa trên tay Xuân Lan uống luôn một hơi rồi nhai ngấu nghiến khúc bánh mì. Đến lúc Bạch Huệ trao hai quả lê, nét mặt nó bỗng trở nên tươi tỉnh, đôi mắt sáng ngời, chẳng phải vì thấy quả lê ngon lành nhưng vì nó đã nhìn ra Bạch Huệ :
- Vì cô mà tôi đến đây !
- Anh đến đây tìm tôi làm gì ?
- Nội tôi đã bảo tôi thế. Tôi là Hùng Tâm, con vua du mục. Mụ An Gia, bà nội tôi, mẹ vua du mục đã bảo tôi : “em bé đó nắm giữ vận mệnh mầy. Hãy đến với em”. Thế là tôi phải đến đây.
Cô Giạ Hương nhún vai khôi hài :
- Con vua ! Một thằng du mục đen đủi, chỉ còn một manh áo rách. Thế vua cha mầy đâu ?
- Cha tôi bị lão Hung Nô hạ sát, Hung Nô, lão già trưởng đoàn du mục đã đến lâu đài hôm qua là một tên trộm cắp hung bạo tàn ác.
Chuyện xảy ra từ lâu, cách xa nơi đây. Lúc ấy mẹ tôi đã chết, tôi đang còn nhỏ xíu. Lão Hung Nô muốn giết luôn tôi, nhưng bà nội tôi bênh vực che chở. Cả đoàn du mục đều kiêng dè bà tôi vì bà biết nhiều phù phép trù yểm, chính lão Hung Nô cũng phải khiếp sợ bà tôi. Một lần, hai bà cháu tôi đã tìm cách tách rời khỏi đoàn, dừng chân tá túc hai năm tại một trường, tập đọc tập viết. Thình lình bà tôi ngoạ bệnh rồi mất hẳn trí khôn. Vài tháng sau, đoàn du mục ngang qua làng, dùng áp lực bắt buộc hai bà cháu tôi theo chúng.
Hôm qua, sau khi cãi lộn kịch liệt với bà tôi, lão Hung Nô định tâm sát hại bà tôi, nên lúc qua cánh rừng, xô đẩy chúng tôi ra khỏi xe.
Bà tôi căn dặn :
- Bà sắp chết, cháu đến ngay lâu đài họ Nguyễn. Ở đó, công chúa với ba ngôi sao trong bàn tay sẽ giúp đỡ cháu. An Gia mẹ vua du mục đã truyền lệnh, cháu phải tuân theo.
Thế là tôi vâng lệnh bà tôi đến đây.
- Nhưng tôi làm gì để giúp đỡ anh ?
- Tôi cũng chẳng rõ, nhưng chắc cô hiểu vì cô cầm vận mệnh tôi trong tay.
Ngừng giây lát, thằng nhỏ nói tiếp :
- Nhưng trước hết, hãy tha tôi ra, tôi không trốn thoát đâu ! Giam giữ tôi trong căn phòng chật hẹp, ngột ngạt tù túng quá. Một tên du mục sống tự do giữa chốn rừng núi không thể sống quanh quẩn trong bốn bức tường tăm tối.
Cô Giạ Hương khóa cửa nhà xe xong cùng ba chị em Xuân Lan trở vô nhà, bỏ mặc Hùng Tâm một mình căm hờn tủi phận.
Nhớ lại lời đối thoại giữa ba má về số phận Hùng Tâm, Bạch Huệ tưởng tượng bức vách đen sì bao quanh nhà trừng giới với bọn người giám thị hung ác tàn bạo. Một bé du mục từng quen đời sống chim trời cá nước chịu sao nổi cảnh giam hãm suốt ngày trong chốn lao tù !
Sau bữa cơm trưa, Bạch Huệ tỉ tê năn nỉ với mẹ xin thả tên du mục, em cam đoan nó không bao giờ dám trốn thoát. Gã đánh xe ở phố về kể chuyện lại mụ An Gia vừa từ trần đêm qua tại bệnh viện, khiến bà cũng thương xót cho số phận Hùng Tâm.
Nhưng ông chẳng mảy may động lòng :
- Không được, trước tiên phải giao nó cho cảnh sát để lấy cung khai. Phải nghĩ đến tương lai nó, chỉ có nhà trừng giới mới giáo dục nổi tên ma cà bông trộm cắp.
Bạch Huệ mím chặt đôi môi, thì thầm một mình :
- Để mình giải thoát cho nó.
Đang ngủ, mẹ Bạch Huệ tỉnh giấc vì nghe tiếng động khẽ gần bên giường ông. Bà nhìn thấy một bóng đen lướt nhanh ngang qua phòng bà, rồi nghe tiếng cánh cửa cọt kẹt ở dưới nhà. Một khắc đồng hồ trôi qua, bà lại thấy một bóng đen chạy ngang phòng bà rồi tiến dần về phòng riêng của các con. Bà lắc đầu ngủ lại.
Sáng mai, có tin thằng bé du mục đã trốn thoát khỏi lâu đài. Chẳng ai rõ nó biến hoá thế nào để mở cửa nhà xe, vì chìa khoá cất kỹ trong hộc tủ cạnh giường ông.
Ông giận dữ :
- Ai giúp nó trốn thoát ? Tôi phải tìm cho ra thủ phạm.
Thu Cúc mỉm cười nhìn ba.
- Ba tự tay khoá cửa nhà xe, bỏ chìa khoá vào hộc tủ. Ai dám vào đó lấy chìa khoá mở cửa cho nó !
Xuân Lan phụ hoạ lời em :
- Hay vì mộng du, ban đêm ba xuống mở cửa thả nó ra rồi ba quên đi.
Bạch Huệ lặng thinh, thản nhiên như không hề hay biết. Nghe má gọi, em giựt mình lo lắng, nhưng má lại khiến em lên gác ru bé Út. Em liếc nhìn má, thấy má nở nụ cười bí mật, chẳng tỏ vẻ gì trách mắng em.
Đến chiều, em dắt nai vàng vào rừng, lòng thảnh thơi nhẹ nhàng như làm xong một công việc từ thiện. Ngang qua một cây đại thọ, lá cây rơi xuống đầu em, em nhìn lên cây thấy Hùng Tâm ngồi vắt vẻo trên cành :
- Hùng Tâm, sao anh còn lảng vảng nơi đây ! Nên cao chạy xa bay, nếu anh còn lẩn quất ở đây, không khỏi bị tóm lần nữa !
- Nội dạy tôi phải ở luôn bên mình cô. Tôi kiếm cành cây, lá cây che chòi tránh mưa nắng, ở đây thoải mái, chỉ lo kiếm cái ăn.
- Anh phải quyết định, không thể sống trong rừng như một thú hoang. Anh không thể lười biếng lêu lổng suốt đời. Anh phải làm lụng để kiếm tiền sinh sống như mọi người.
- Tôi chẳng muốn làm công việc gì hết, chỉ muốn đánh đàn thôi. Tôi muốn trở nên một nhạc sĩ.
- Đánh đàn ? Anh biết chơi đàn gì ?
- Vĩ cầm, tôi chơi đã khá. Một ông già trong đoàn du mục có chiếc vĩ cầm tập luyện tôi kéo đàn. Tôi thích kéo vĩ cầm biết bao ! Ông bạn già qua đời để lại cho tôi chiếc đàn và trong cơn giận dữ, lão Hung Nô đã đập nát chiếc vĩ cầm của tôi. Nếu tôi có một vĩ cầm, rừng rú đều hân hoan vui vẻ vì tiếng đàn của tôi. Tôi chẳng muốn làm vua du mục, chỉ muốn trở nên một nhạc sĩ trứ danh với điệu đàn muôn thuở.
Bạch Huệ lẩm bẩm một mình :
- Chúng ta cũng có một vĩ cầm, di vật của ông nội ta, trong gia đình không ai dám động chạm.
- Một vĩ cầm, cô có một vĩ cầm ! Cho tôi mượn tạm chốc lát để nhìn và sờ nó, cũng đủ sướng rồi !
- Không thể được ! Nếu ai biết tôi đem đàn cho anh, họ theo dõi sẽ tóm cổ anh ngay.
- Không hề chi ! Tôi sẽ đàn ít bản tặng cô, cô sẽ mang đàn trả lại gia đình, mất mát gì đâu ! Tôi sẽ đi xa nơi đây, không còn ai nhắc nhở đến tôi nữa !
Hùng Tâm rưng rưng rớm lệ, van lơn cầu khẩn. Bạch Huệ động mối từ tâm, không nỡ chối từ, hứa ngày mai sẽ đem vĩ cầm cho mượn.
Tối lại, bà nội ngủ say, em rón rén vào phòng, mở tủ đỡ nhẹ chiếc vĩ cầm, nín thở mang về phòng em giấu kỹ. Em nghĩ hành động như thế không tốt, nhưng em lại tự bào chữa :
- Chẳng qua một tiếng đồng hồ là cùng ! Nó đàn xong, mình đem vĩ cầm trả lại chỗ cũ. Mình sẽ thưa lại với má, chắc má cũng tha thứ, biết đâu má lại chẳng đem Hùng Tâm cho vào học một trường âm nhạc để sau này trở nên một nhạc sĩ tài ba.
Bạch Huệ thu giấu vĩ cầm trong chiếc khăn cùng nai vàng lẻn vào rừng, chẳng ai trông thấy. Em còn đem theo một ít thực phẩm cho Hùng Tâm.
Nhìn thấy Bạch Huệ, Hùng Tâm lộ vẻ vui sướng :
- Chờ cô sốt cả ruột, cứ ngỡ cô không giữ lời hứa. Mau đưa vĩ cầm đây !
- Có bánh đây hãy ăn đã !
- Có vĩ cầm đủ no, cần gì ăn !
Hùng Tâm giựt mạnh chiếc đàn trên tay Bạch Huệ, ôm chặt vĩ cầm vào lòng, tay sờ mó đàn. Một niềm sung sướng hả hê làm rạng rỡ vẻ mặt u tối của nó.
Chiếc áo sờn vai, kẹp chiếc vĩ cầm dưới cổ, hai tay nổi hằn gân xanh, Hùng Tâm lên dây đàn thử vài tiếng, đoạn kéo chiếc vĩ cầm vang lên âm điệu réo rắt thánh thót, dáng điệu hiên ngang hùng dũng như hiệp sĩ múa kiếm ở chốn rừng xanh.
Mặt bừng đỏ, đôi môi hé mở, hàng mi chớp chớp, nó say sưa kéo vĩ cầm, chú hết tâm lực vào âm điệu tiết tấu, không thèm để ý đến Bạch Huệ đang sửng sốt nhìn mình.
Bạch Huệ yên lặng lắng tai nghe điệu đàn réo rắt mê ly, chưa bao giờ em nghe điệu nhạc êm dịu dường ấy : âm thanh lúc nhẹ nhàng siêu thoát như gió thoảng hương bay, lúc rộn ràng hùng dũng như tiếng thác trút đầu ghềnh.
Thật là :
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Âm điệu tiếng đàn càng lúc càng lan rộng khắp rừng núi, âm thanh rền rĩ rồi nín bặt như tiếng nấc nghẹn ngào đứt quãng.
Gió ngừng thổi… Chim muông cầm thú đều bất động, lắng nghe tiếng đàn tuyệt diệu của Hùng Tâm, con vua du mục.
- Bà tôi nói chẳng sai ! Vận mệnh tôi ở trong đôi bàn tay cô. Cảm tạ cô nương. Tôi sẽ kéo đàn mãi mãi.
- Tôi phải trở về, anh đưa tôi chiếc vĩ cầm.
- Trả lại cho cô ! Đời thuở nào ! Tôi rất cần dùng nó. Thôi vĩnh biệt.
Bất ngờ, hoảng hốt, Bạch Huệ vội vàng giành lấy vĩ cầm trên tay Hùng Tâm, nhưng đôi mắt nẩy lửa, không suy nghĩ nó đưa tay thoi mạnh vào mặt Bạch Huệ té nhào xuống đất. Hùng Tâm xách chiếc đàn, lẩn vào rừng mất hút.
Bạch Huệ lồm cồm ngồi dậy, sửng sốt, ngơ ngác. Tiếng âm u trong rừng rú, giọng hót véo von của chim chóc như còn muốn hoạ theo âm hưởng điệu đàn vĩ cầm của Hùng Tâm. Em tấm tức khóc, vừa chạy vừa kêu :
- Hùng Tâm, Hùng Tâm, trả đàn cho ta, trả đàn cho ta.
Đau đớn bực tức, em lủi thủi dắt nai vàng trở lại lâu đài lúc trời đã nhá nhem tối. Em định thú thật với má, nhưng em nghĩ trước sau rồi người ta cũng bắt được Hùng Tâm, nên em lại lặng thinh. Nó sẽ bị trừng trị đích đáng về tội trộm đàn, nhưng thực ra nó đâu có trộm cắp vì chính ta mang vĩ cầm đến cho nó.
- Ờ ! Nếu việc tiết lộ, ta đành chịu trách nhiệm, lãnh chịu mọi hình phạt, vì chính ta mới là thủ phạm !
Mặc dầu tâm hồn nặng chĩu hối hận vì đã làm mất chiếc đàn, nhưng em nghĩ bây giờ Hùng Tâm đã trốn xa nơi đây, tự do với chiếc vĩ cầm em cũng thấy nhẹ nhõm đôi phần vì đã giúp đỡ người khác được hạnh phúc sung sướng.
Nhưng rồi lương tâm em vẫn bị ám ảnh vì chiếc vĩ cầm, di vật quí hoá của gia đình không còn nữa. Em ăn không ngon, ngủ không yên giấc, đôi lúc tự nhiên giọt lệ lưng tròng, không ai rõ duyên cớ vì đâu.
Một bác sĩ bạn thân của gia đình đến thăm, cố nhiên ba má em nhờ bác sĩ khám xét.
Thu Cúc thì thầm với Xuân Lan :
- Bác sĩ nói chị Bạch Huệ đau tim nặng. Phải săn sóc cẩn thận, nếu gặp việc buồn phiền khiếp sợ, sẽ nguy hiểm đến tánh mạng.
Nằm trên giường, tay gác lên trán, Bạch Huệ nghĩ ngợi lan man :
- Hay ta sẽ chết. Linh hồn ta sẽ bay lên thiên đàng như linh hồn các trẻ con khác. Không, linh hồn ta không bay lên trời, linh hồn ta sẽ ở lại nơi rừng núi. Thật tuyệt diệu ! Không còn ai la mắng ta, không còn ai gọi ta “em bé ngơ ngác”. Đêm đêm hồn ta rong chơi trong rừng rú, hồn ta bay bổng lên các ngọn cây, hồn ta săn sóc vỗ về chim con bé bỏng, hồn ta bảo vệ thỏ con chống lại diều hâu, cú vọ. Hồn ta nương theo ánh trăng bay vào phòng bé Út, hát những điệu hát ru em dịu dàng êm ái. Trong giấc ngủ hồn nhiên, bé Út mỉm cười không ai hiểu vì sao em cười, vì ai ngờ đâu linh hồn ta đứng cạnh bên em. Một ngày kia, hồn ta cũng bay lên thiên đàng, chắp tay cầu khẩn Chúa:
- Chúa hãy ban phép lạ, truyền thiên thần đem vĩ cầm bỏ vào tủ gia đình họ Nguyễn, chiếc vĩ cầm giống như đúc vĩ cầm của ông nội ta.
Lời thỉnh nguyện của linh hồn ta được Chúa chấp nhận. Người sai thiên thần đem vĩ cầm bỏ vào tủ. Đến lễ Giáng sinh bà nội truyền người trong nhà đem đàn ra lau chùi sạch sẽ rồi trân trọng cất vào tủ, như tuồng không có chuyện gì xảy đến.
Đôi mắt mơ màng, trên môi nở nụ cười cởi mở, Bạch Huệ nhìn vào cõi xa xăm, say sưa nghĩ đến chuyện cổ tích kỳ diệu “Hồn Bạch Huệ”, chuyện cổ tích chưa bao giờ em kể cho ai nghe.
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét