Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

CHƯƠNG 1, 2_BÊN HÀNG GIẬU

1

Tôi ngả người trên ghế nhìn qua cửa sổ lớn : ngoài kia là khu vườn với những bông hoa của riêng tôi, những bông hoa thật đẹp mà tôi đã tự tay chăm sóc, nhưng tôi cảm thấy không vui, có lẽ vì tôi muốn đi chơi mà trời lạnh quá.

Đời sống tỉnh lỵ thật êm đềm. Tôi bình lặng đến nỗi nhiều lúc tôi cảm thấy chán nản. Tôi muốn làm một cái gì cho thời giờ bớt trống trải. Nhưng biết làm gì bây giờ đây ? Ngoài việc đàn và hát, hoặc chăm sóc cho những luống hoa hồng tươi mịn trong vườn, trong cái nhà nhiều người làm hơn công việc này đâu có việc gì dành cho tôi.

Đứng ngoài nhìn vào, tôi quả là người con gái diễm phúc. Dù thiếu tình mẫu tử, nhưng tôi như một nàng công chúa trong gia đình, mọi người ai cũng hết sức chiều chuộng tôi. Mọi người tránh tất cả những điều có thể làm tôi phật lòng. Nhưng thật ra, tôi không hoàn toàn sung sướng. Tôi vẫn ước ao được có người bạn thân để tâm sự, mà ba tôi thì làm việc bận rộn suốt ngày. Làm sao hơn khi chính ông phải lo cho tương lai của cô con gái yêu duy nhất. Tôi cảm thông điều đó và chỉ buồn một mình, không dám làm phiền đến ông.

Chung quanh tôi là những thình cảm thật chân thành, từ của bà vú già nuôi tôi từ khi lọt lòng cho đến bạn bè. Để an ủi con gái, ba tôi đã cho tôi được tự do giao thiệp. Ông hay nói : “Ba hy vọng con chọn được một người yêu xứng đáng trong đám bạn bè”. Nhưng tôi vẫn không chọn được ai : Không một người con trai nào khiến tôi cảm thấy rung động, con tim vẫn khép kín. Tôi chưa biết ái tình là gì ! Bạn bè thường gọi tôi là Nữ Hoàng băng giá ! Dù gì thì tôi cũng đã 18 tuổi rồi. Ở tuổi đó, bạn bè tôi đã có “bồ” hết cả.

Nhưng tôi không bao giờ bận tâm điều đó. Cái gì nó đến rồi sẽ đến. Ai cấm đoán tôi yêu thương đâu, nếu gặp người vừa ý ! Không có gì phải lo nghĩ những chuyện buồn cười như vậy.

Giòng suy tưởng của tôi bị cắt đứt khi vú già hỏi vọng vào :

- Chiều nay vú làm bánh kem cho con tráng miệng nhé Uyên.

Tôi đùa :

- Bộ vú muốn con mập ú ra sao ?

- Mấy hôm nay con có vẻ hơi gầy đi Uyên ạ. Con phải tẩm bổ mới được. Phải để cho vú lo cho sức khỏe của con chứ.

Không muốn làm buồn lòng vú già, tôi nói :

- Tùy vú muốn cho con ăn tráng miệng bằng bánh gì cũng được, nhưng vú nhớ đừng cho chocolat vào nghe, con ớn lắm.

Vú già hài lòng dợm bước ra, nhưng rồi bà ngừng lại, nhìn tôi :

- Sao con không chơi đàn hả Uyên ? Âm thanh réo rắt tiếng đàn của con sẽ làm vui nhà hơn.

Tôi sực nhớ đến bạn thân của mình, cây guitare xinh xắn dễ yêu mà ba tôi đã mua cho nhân dịp tôi vừa tròn 16 tuổi. Hơn một năm rồi nó vẫn chưa bị một vết trầy trụa nào, bóng ngời, dễ yêu nằm cạnh bức ảnh mẹ tôi phóng đại treo trên tường. Tôi vẫn hay chơi đàn. Đôi khi, tôi mơ mộng được trở thành một nhạc sĩ danh tiếng. Tôi tưởng tượng ra mình đứng giữa đám đông khán giả, và họ im lặng, để cả tâm hồn vào tiếng nhạc của tôi, rồi từng tràng pháo tay nổi lên vỡ rạp… Có thể… tôi thích được như thế lắm, được nổi tiếng và có nhiều người biết. Nhưng tôi thấy rõ rằng mình không có khiếu về âm nhạc. Đúng hơn là tôi không mấy thích.

Tôi chợt nhận ra rằng giữa lúc mình muốn được nổi tiếng về nhạc, có một niềm thích thú nào đó, về một ước vọng mơ hồ nào đó, chợt lóe lên trong tâm trí tôi như một điểm sáng. Tôi không biết rõ đó là điều gì. Quan điểm nghệ thuật của tôi vẫn là những bài thơ dịu dàng, ủy mị của các nữ thi sĩ trẻ tuổi trên báo, vẫn là những tiểu thuyết tình cảm của những nhà văn tên tuổi… Ừ nhỉ ! Đúng rồi ! Có lẽ mình hợp với nghề viết văn hơn là đánh đàn. Vậy mà lâu nay mình không nghĩ ra. Một nữ văn sĩ, những tiểu thuyết được nhiều người biết đến ! Còn gì hơn nữa ? ? ?

Tôi thích thú vô cùng với ý nghĩ mới mẻ của mình. Tôi thấy phải thực hành ngay ý định và tôi bắt đầu lục những sách báo cũ, những cuốn Văn Nghệ Tiền Phong mà tôi ưa thích nằm ngổn ngang trong kệ sách được lôi ra, những cuốn Gia Đình Trẻ, Tuổi Hoa v.v… không thiếu ! Thừa sức cho tôi nghiên cứu xem nên bắt đầu nghề viết bằng cách nào ! !

Nhiều quá, nhiều sách, nhiều báo quá ! Nhưng tôi cảm thấy phân vân, không biết nên chọn cho mình một tiêu chuẩn nào, một ý hướng nào. Có làm mới thấy khó, nhưng không sao ! Vạn sự khởi đầu nan mà !

Sau cùng tôi cầm trên tay tờ tuần báo mà mình ưa thích : tờ Văn Nghệ Tiền Phong, vừa lật một vài trang vừa đi qua phòng khách. Thốt nhiên tôi đứng lại, qua khung cửa kính tôi nhìn qua khu nhà hàng xóm : người làm vườn đã đứng đấy tự bao giờ.

Tôi không lạ gì ông ta, tên là Sỹ, đã đến ở ngôi nhà hoang trống đó từ hồi cuối năm. Ông ta bảo rằng, chủ ông, bác sĩ Long nào đó, quá bận với công việc ở Sàigòn nên không có thì giờ coi sóc vườn tược.

Khổ người cao dong dỏng, gương mặt hơi dài, xương xương, miệng lúc nào cũng như cười và ánh mắt sáng thật cương nghị, chú Sỹ cho tôi cái cảm giác rằng ông ta có nhiều quyền lực che chở. Và mỗi khi đang làm gì mà nhìn thấy Sỹ, tôi thường đứng lại nhìn ông ta như thế. Nhưng hôm nay trời mưa mà ông ta vẫn làm ? Sao ông ta siêng năng thế nhỉ ? ? !

Những câu hỏi được tôi đặt ra rồi chính mình không trả lời được. Tôi thấy rõ người làm vườn đang đi khám xét từng cành cây. Ông ta lấy kéo tỉa bớt những chiếc lá sâu có lẽ… Rồi không nghĩ gì hơn, tôi nhẹ mở cửa bước ra vườn. Tôi đi gần lại hàng giậu và nghe rõ tiếng kéo cắt những ngọn cây. Không dừng được, tôi nhón chân lên nhìn qua vườn chú Sỹ, vừa lúc ấy chú Sỹ nhìn lên : Tôi chào chú Sỹ và chú cũng chào lại… Chú Sỹ hỏi tôi :

- Trời lạnh thế này mà cô ra vườn à ? Sao không choàng thêm áo ấm ?

Tôi ngắt một lá cây dâm bụt, khẽ nói :

- Còn chú, sao chú lại tìm thấy quá nhiều công việc làm khi trời trở lạnh thế này ?

Người làm vườn có vẻ ngạc nhiên. Chú nhìn tôi kỹ hơn một chút, nhưng rồi chú nở một nụ cười trìu mến khẽ đáp :

- Mặt đất cũng cần sự chăm sóc, nếu không nó sẽ khô cằn đi, cũng như mỗi con người trong chúng ta cần tình thương vậy.

- Nhưng ông chủ của chú bằng lòng phương pháp này chứ ?

- Ông chủ của tôi ? Ai đâu ?

- Ông chủ biệt thự này đó, ông Long mà chú vẫn nói với Uyên.

- À… đúng ông ta, dĩ nhiên ông ta bằng lòng chứ.

Tôi nêu thắc mắc :

- Nhưng sao Uyên chưa thấy ông ta bao giờ cả ?

- Ồ, ông ấy bận công việc khám bệnh, đâu có thì giờ về đây.

Từ giã chú Sỹ, tôi đi vào phòng học. Tôi lật những trang báo và đọc một đoạn của truyện dài trong đó. Ông văn sĩ đã mô tả về sự rung động của người con gái trong truyện :

“Khi Phan đến gần Thu, tất cả những sợi dây thần kinh của nàng như căng ra, đến nỗi nàng run rẩy và không biết nói gì trước mắt chàng. Nàng cảm thấy hai má nóng bừng, và nàng cúi mặt để tránh ánh mắt người tình một cách thật vụng về”.

Tôi đặt cuốn báo xuống, nghĩ thầm “như thế là viết văn, như thế là viết tiểu thuyết đó sao ? Nếu vậy mình cũng có thể viết được !”

Để mở đầu cho sự nghiệp của mình, tôi quyết định chọn cho mình một biệt hiệu “Dĩ nhiên là không thể viết văn với tên thật của mình rồi. Phải chọn một bút hiệu, một bút hiệu thật đẹp mới được, và nhất định là bút hiệu đó phải mang lại may mắn cho mình. Nhiều người đã nhờ bút hiệu “hên” mà khá thì sao ?”

Tôi đắn đo, ngần ngại tìm trong những cái tên đẹp nhất để chọn một cái tên đẹp cho mình. Nhưng suy nghĩ mãi vẫn không sao tự mình định được giá trị của một cái tên hay. Nhưng rồi tôi cũng chọn được một cái tên : Ý-YÊN.

Kể như là qua được một cái gút đầu tiên, tôi nghĩ như thế và mỉm cười với chính mình.



2

- Chào cô bé, hôm nay cô vui chứ ?

Tôi quay lại và nhận ra chú Sỹ. Tôi khẽ nghiêng đầu chào :

- Uyên cũng vui như những đóa hoa của chú vậy.

Và dựa người vào hàng giậu, tôi kể cho chú Sỹ nghe những điều mình nghĩ. Người làm vườn thỉnh thoảng gật đầu như để chứng tỏ ông ta đang nghe tôi nói. Tôi đặt câu hỏi nửa quan trọng nửa tinh nghịch :

- Chú Sỹ, chú có biết Uyên đang định làm gì không ?

Người đàn ông lắc đầu nhè nhẹ, mái tóc biếng chải bồng bềnh phủ một phần xuống chiếc trán rộng.

- Cô định làm gì nào cô bé ?

Tôi liến thoắng :

- Uyên sẽ không bao giờ còn buồn chán nữa chú Sỹ ạ, Uyên sắp có chuyện để làm. À ! Hay là chú thử đoán xem nào !

Nhưng thật nhanh, tôi cảm thấy thương hại người đàn ông, vì chú Sỹ làm sao biết được tôi sắp làm gì để trả lời câu hỏi như thế. Tôi vội nói :

- Thôi, không cần chú đoán nữa. Uyên muốn nói là Uyên sắp trở thành một nữ văn sĩ.

Tôi thấy rõ người đàn ông đứng bất động sau câu nói của mình. “Ông ta hẳn phục mình ghê lắm”, tôi nghĩ và lấy làm hãnh diện. Tôi nghe tiếng chú Sỹ thoảng bên tai :

- Cô sắp trở thành…

- Vâng, nhưng mà tôi chưa hề viết. Đó chỉ là một dự định. Tôi giả thử rằng có thể học hỏi được điều đó ở những người đi trước.

- Vậy ra cô đã làm được điều gì rồi sao ?

Tôi nhìn chú Sỹ và nhận thấy một nụ cười là lạ trên môi ông. Tôi hỏi nhanh :

- Chú nói cái gì vậy ?

- Không, tôi không nói gì cả, tôi nghe cô đấy chứ.

- Uyên nghĩ rằng đã có những trường học để học cái nghề viết văn như bất cứ một nghề nào khác.

- Cô có thể kể cho tôi nghe những diễn tiến để trở nên một nhà văn của cô không ?

Tôi nói :

- Uyên đã thử viết thư đến một tuần báo và hy vọng là họ sẽ trả lời nay mai. Được những lời khuyên vô cùng hữu ích, chú có nghĩ như thế không chú Sỹ ?

- Ồ có chứ ! chắc chắn là người ta phải trả lời cho cô rồi. Thế nào cô cũng cho tôi biết về lá thư ấy nhé.

- Dĩ nhiên, chú sẽ là người đầu tiên Uyên nói điều đó.

Chú Sỹ gật gù rồi bỏ bình tưới trên tay xuống. Ông ta lấy điếu thuốc lá trong túi và đánh diêm châm hút. Tôi thấy cần phải tâm sự với ông ta nhiều hơn :

- Uyên làm thơ hồi 12 tuổi, những bài thơ thật ngô nghê, nhưng giờ thì khá hơn rồi. Tuần trước Uyên đã làm được một bài… Chú có muốn nghe Uyên đọc không ?

Chú Sỹ sốt sắng :

- Có chứ, Đâu cô đọc đi nào.

Một chút khó khăn khi mở đầu, rồi tôi khẽ ngâm :

Tôi thu hẹp niềm mơ trong mắt biếc

Nghe tâm hồn bàng bạc giữa ngàn sao

Đời con gái nên nhận nhiều thua thiệt

Tiễn người đi tôi cúi mặt nghẹn ngào…

Chú Sỹ mỉm cười :

- Cô làm thơ hay lắm Uyên ạ.

Tôi sáng rỡ đôi mắt :

- Thật chứ chú ? Chú không dối Uyên phải không ?

- Không, tôi nói thật.

- Chú có biết làm thơ không ? Chú có thích viết văn không ?

Trong mắt chú Sỹ, một vẻ khác lạ mà tôi không nhận ra. Chú lắc đầu :

- Tôi không có khiếu về văn chương cô bé ạ !

Tôi cảm thấy hãnh diện về mình :

- Chú Sỹ biết không, Uyên mê văn chương vì văn chương là một cái gì thật cao đẹp, thật tuyệt vời. Uyên cảm thấy nó là một phần lẽ sống của mình.

Vừa lúc đó, tiếng vú già vọng sang :

- Uyên ơi, con có thư đây.

Tôi rối rít :

- Ồ, thư của Uyên. Chú Sỹ, chắc nhà báo họ trả lời. Thôi để Uyên về xem thử nhé chú !

Tôi chạy đi bỏ lại sau lưng người đàn ông làm vườn với cái lắc đầu nhè nhẹ và ánh mắt đầy khoan dung.

Bức thư trong tay vú già thật quyến rũ đối với tôi lúc đó. Tôi cười với vú già và nhanh nhẹn xé phong bì.

“cô thân mến,

Chúng tôi rất sung sướng nếu có thể giúp cô hoàn thành những dự định tốt đẹp của cô. Mặt khác, với lời văn trong sáng và thật dễ thương trong thư cô khuyến khích chúng tôi nghĩ rằng nên có những lời khuyên để giúp cô đạt được thành công.

Điều đầu tiên mà tôi nhận thấy sau khi đọc đoạn tùy bút của cô là một lối bố cục rời rạc, và những sơ hở nặng nề về kỹ thuật…

Không cần đọc hết bức thư, tôi bậm môi xé nát. Tôi cắn hai hàm răng vào nhau để khỏi trào nước mắt. Tính nóng nẩy khiến tôi muốn bốc thành lửa. Tôi dằn mạnh tay lên bàn. Những lời cay độc trong bức thư được ký tên là Quốc Sơn, một tên đáng ghét nào đó trong tờ báo mà tôi đã gửi bài tùy bút đã khiến tôi chán nản. Tôi cảm thấy bứt rứt nghĩ đến chuyện báo thù. Mình phải làm cho hắn ta biết mặt, hắn sẽ thấy rằng mình có tài, và có một ngày nào đó, nếu tờ báo của hắn mời mình cộng tác, mình sẽ không thèm nhận lời cho coi.

Quanh quẩn hoài trong những ý nghĩ thù hận trẻ con đó, đến buổi cơm trưa, tôi vẫn không nuốt nổi hai chén cơm. Chợt tôi nhớ đến chú Sỹ và lời hứa sẽ cho chú biết về bức thư, nhưng… bức thư đã khiến mình bực tức và xấu hổ làm sao mà khoe với chú Sỹ được ? Rồi tôi lại nghĩ, biết đâu người đàn ông trầm tĩnh đó lại không cho mình những lòi khuyên hữu ích ?

Buổi chiều tôi thờ thẫn dạo trong vườn, ngắt những cọng cỏ úa và nhận thấy những chồi non đã trở thành những bông hoa tuyệt đẹp. Tôi chợt giật mình nghe hai tiếng “Chào cô” và quay đầu nhìn lại. Tôi reo lên :

- Chú Sỹ !

Nhưng mắt tôi đã lại trĩu xuống, sa sầm khi nhớ đến những giòng chữ không dễ thương chút nào. Tôi buồn bã :

- Chú Sỹ ạ ! Người ta đã trả lời Uyên về bức thư và bài tùy bút đó.

- Sao ? Thành công chứ ?

Giọng tôi càng chậm và nhỏ hơn :

- Không… chỉ là những giòng chữ kỳ quái mà Uyên không thể ngờ… Có lẽ ông ta đã viết trong lúc không bình thường.

Chú Sỹ bật cười :

- Cô bé nóng nảy quá ! Cô nên biết rằng bước đầu bao giờ cũng khó khăn.

- Nhưng người ta làm Uyên nản chí. Họ phải biết là không nên làm cho một người trẻ tuổi phải mất tin tưởng.

- Với tất cả những người khác, họ cũng làm như vậy.

Tôi im lặng. Tôi thấy chú Sỹ có lý. Nhưng tôi quyết không chịu thua. Tôi hậm hực :

- Rồi họ biết tay tôi khi tôi đã gặp được bà Mai Văn !

- Ai vậy ?

Ánh mắt tôi nhìn người đàn ông đầy vẻ thương hại. Trời ơi ! Bà Mai văn mà chú cũng không biết nữa ! Một nữ văn sĩ nổi tiếng, hầu hết trên các báo đều có tiểu thuyết của bà ta. Và tôi trả lời chú Sỹ với một chút kiêu hãnh vì sự hiểu biết của mình :

- Chú không biết bà Mai Văn ? Bộ chú không xem báo sao ? Bà ấy là một nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng…

Chú Sỹ gật gù, nhưng không nói gì. Chú xới đất cẩn thận, nhát cuốc bé nhỏ làm tung lên một con vật bé nhỏ. Tôi kêu lên :

- Kìa, con trùng đất.

Chú Sỹ nhặt lấy con vật bỏ vào cái giỏ bên cạnh đường đi. Tôi tiếp tục câu chuyện văn chương của mình :

- Chú nghĩ sao về ý định của Uyên hở chú Sỹ ?

Nhưng tôi đã nôn nóng nói tiếp không đợi người đàn ông trả lời :

- Uyên sẽ đi Saigon ngày mai để gặp bà Mai Văn.
_________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 3, 4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét