một
Thật tầm thường. Thật điều hòa. Tôi muốn dùng những chữ đó để nói đến cuộc sống hiện tại của tôi : Cuộc sống tu hành. Một cuộc sống có thời khắc biểu và được lập lại từng ngày một. “Không có niềm tin các con sẽ nhàm chán”. Mẹ Bề Trên bảo thế. Và tôi cũng nhận thấy thế. Từ năm giờ sáng đã phải vùng dậy “Tạ ơn Chúa”. Liền sau đó vệ sinh cá nhân. Kinh sáng, nguyện gẫm và thánh lễ chiếm hai giờ. Rồi điểm tâm, ménage, đến trường. Mười một giờ rưỡi rời lớp, mệt khờ! Lại lo dọn bàn cho bữa trưa. Sau đó rửa bát, chùi nhà cơm, nghỉ rồi tiếp tục đến lớp học. Năm giờ rời lớp. Một giờ việc xác. Rồi thì học bài, kinh chiều, cơm tối, họp mặt. Tám giờ là kinh tối. Chín giờ đi ngủ… Một ngày qua. Rồi ngày mai, ngày kia, những ngày nối dài vẫn ngần ấy việc nhưng nhờ niềm tin tôi đã trải qua dễ dàng.
Ngày tôi vào tu viện tính đến nay đã hơn bảy năm. Bảy năm là cả một thời gian lớn ; đã biến tôi từ một học sinh lớp sáu trở thành cô tú kép với nền đạo đức khá vững vàng. Ngày khởi đầu năm thứ tám trong tu viện, Mẹ Bề Trên dạy chúng tôi nghỉ văn hóa, gọi tôi vào nguyện viện, dành trọn một năm để thu thập lời Chúa, chuẩn bị cho năm mặc áo dòng sắp đến. Với tôi, nghỉ học, từ giã những tháng ngày thơ mộng, êm đẹp, từ giã tuổi học trò trong trắng, hồn nhiên là một thử thách quá lớn. Tôi đã ôm mặt khóc khi nghe tin đó. Nhưng tôn chỉ tu viện là vâng lời nên tôi đành treo bút học hành, theo dự các buổi thần học. Chương trình sống ở nguyện viện có ít nhiều thay đổi. Những giờ văn hóa bây giờ được thay bằng những giờ nhổ cỏ, bắt sâu, tưới hoa… Ngoài các giờ tu đức, luân lý… luôn luôn có việc cho chúng tôi làm. Mẹ Bề Trên không muốn thấy chúng tôi rảnh rỗi. Mẹ bảo sống nhàn dễ phạm tội. Chỉ có ngày chủ nhật là rảnh rang vì đó là ngày của Chúa. Và với tôi đó là ngày vui. Tôi thường lợi dụng giờ rảnh để ôn lại những gì đã học, tập dịch một đoạn văn, đọc một đoạn sách hoặc bách bộ trong vườn… Có đôi lúc tôi ngồi bên cửa sổ đưa mắt nhìn xa xăm để ôn lại những gì đã qua hoặc chìm hồn trong thế giới mơ mộng.
Chiều nay bỗng dưng tôi nhớ Huy vô vàn. Mới ngày nào đó tôi gặp Huy, quen Huy. Huy nói yêu tôi và hứa sẽ viết thư cho tôi. Thế mà đã hai năm rồi tôi không nhận được thư nào của Huy. Bây giờ có lẽ trong trí Huy chỉ còn tên gọi tôi mà thôi…
Có bóng người con trai phóng xe vào cổng tu viện. Tò mò tôi nhìn theo và nhận ra anh Cường. Tôi thấy vui vui trong lòng. Anh Cường và tôi không có một liên hệ nào giữa huyết thống cả, nhưng chúng tôi rất thương mến nhau. Những gì là xa xưa, quá khứ tìm về, sống lại trong tôi. Tôi không quên buổi chiều hôm đó. Một buổi chiều chủ nhật. Tôi bị bọn choai choai chận đánh. Vừa lúc ấy, Cường xuất hiện, anh đuổi lũ nhỏ đi và đưa tôi về tận nhà. Từ đó anh hay lại nhà tôi chơi. Anh bảo nơi tôi, anh gặp thấy những nét đẹp ngoan hiền của người em gái anh đã sớm ra đi. Vì thế anh rất thương tôi. Lâu dần tôi khám phá ra hình như anh yêu chị Hạnh tôi thì phải. Anh hay đưa tôi và chị Hạnh đi chơi vào các chiều thứ bảy… Khi tôi trở lại dòng, những ngày rảnh anh hay ghé lại thăm. Những ngày tháng qua, với tôi anh Cường là một người đứng đắn, đáng kính trọng. Để khuyên tôi cố gắng trong đời tu anh thường hay nói:
- Sắp là nữ hoàng của Chúa, cô bé đừng quên cầu nguyện cho anh nhé. Làm nữ hoàng của Chúa là nhất rồi, không còn địa vị nào hơn nữa đâu em. Là sở hữu Chúa, anh muốn em ngàn đời thuộc về Chúa. Chúa đã thương em, yêu em, mời em, gọi em, chọn em, cho em dự vào tình yêu của Người, Người sẽ không bỏ em đâu. Em cố gắng đáp lại tiếng gọi tình yêu của Người đi.
Và anh thường kết thúc buổi nói chuyện với tôi bằng câu nói:
- Anh không mơ ước gì hơn là nhìn em theo Chúa. Một mai thấy em khoác lên mình chiếc áo dòng đen là anh sung sướng lắm rồi. Em biết không, màu đen tượng trưng cho những tháng ngày đau thương, thử thách đó em. Nhưng đừng sợ, bên em bao giờ cũng có các Sơ, các Sơ sẽ dìu dắt, chỉ dẫn cho em cách sống. Ba me và các anh chị cũng như anh sẽ cầu nguyện nhiều cho em… Cầu cho em thắng mọi thử thách. Và còn có Chúa nữa, Chúa sẽ tiếp sức cho em. Hãy cố gắng từng giây, từng phút một, để khỏi sa ngã vì những lời mời gọi của thế gian. Nghe em!
Hôm nay anh tìm về thăm tôi. Tôi nôn nao trong lòng và sung sướng ra mặt. Một lát nữa, tôi sẽ nghe lại giọng nói trầm ấm, tự nhiên của anh. Tôi sẽ nhìn tận mắt nụ cười vui cố hữu của anh. Tôi chờ đợi được gọi đến gặp anh. Nhưng tôi thất vọng. Dưới kia, anh Cường ra về. Tôi thắc mắc. Mẹ Bề Trên không cho tôi gặp Cường. Vì sao? Mẹ nghi ngờ tôi chăng? Có lẽ thế. Dạo này mẹ “chú ý” tôi nhiều. Mẹ hay nhìn tôi với cái nhìn dò hỏi khó hiểu. Tại sao? Tại sao nhỉ? Tôi nhìn Cường phóng xe ra cổng, gọi với:
- Anh Cường!
Tôi gục mặt vào lòng bàn tay nghe nỗi buồn len thật nhẹ trong tâm hồn.
*
Với tâm hồn tan nát, tôi tìm về nguyện đường, quì trước tượng Chúa để tâm sự và cầu Người trao cho tôi niềm tin làm hành trang mang vào cuộc đời… Hơn lúc nào cả, tôi thấy mình thật chơ vơ lạc lõng. Tôi nhìn mãi vào tượng Chúa, tôi nhìn cánh tay Người giang rộng như đang ôm ẵm tôi vào lòng. Tôi cầu Chúa xua đuổi khỏi hồn tôi mọi sầu đau…
Có tiếng gọi:
- Tử Đinh Hương!
Tôi giật mình quay lại. Thấy Bảo Thanh, tôi hỏi:
- Gì đấy Bảo Thanh?
Bảo Thanh vẫy tay làm hiệu cho tôi ra khỏi nguyện đường rồi nói:
- Mẹ Bề Trên nhờ em kiếm chị!
Tôi mở to đôi mắt, há tròn cái miệng:
- Hả? Mẹ Bề Trên gọi em?
Thanh gật đầu. Tôi hỏi Thanh:
- Bảo Thanh biết Mẹ gọi em có chuyện gì không?
Bảo Thanh lắc đầu:
- Thanh không được rõ. Gặp Thanh Mẹ nhờ Thanh kiếm chị. Mẹ bảo Thanh nói chị xuống ngay. Mẹ đang đợi chị!
Tôi trả lời;
- Vâng. Em xuống bây giờ!
Bảo Thanh bỏ đi. Tôi tìm về phòng Mẹ, phập phồng lo sợ. Mẹ gọi hẳn là có chuyện quan trọng. Mà chuyện gì đây?
Tôi lờ mờ nghĩ ra. Can đảm, tôi đưa tay gõ cửa.
- Vào!
Tiếng Mẹ cộc lốc vọng ra. Tôi nghe lạnh cả người, đưa tay vặn trái xoài. Cánh cửa bật mở. Tôi bước vào. Mẹ ngồi ở bàn, nét mặt nghiêm nghị. Chỉ cái ghế đối diện, Mẹ bảo tôi ngồi xuống. Tôi đứng yên nghe tim mình đánh thình thịch và nghe lo sợ chạy dài trên thân thể. Mẹ giục tôi ngồi. Tôi cám ơn Mẹ, kéo ghế. Mẹ nhìn tôi:
- Với Mẹ, con hãy thành thật, cởi mở. Con hãy bình tĩnh để trả lời các câu hỏi của Mẹ. Bây giờ Mẹ đặt câu hỏi cho con : Hiện tại con có mơ ước làm chị dòng không?
Tôi cúi đầu đan hai bàn tay run run vào nhau trả lời Mẹ:
- Thưa Mẹ, tại sao Mẹ hỏi con câu hỏi đó? Mẹ nghi ngờ thiện chí, sự cố gắng của con trong những tháng năm qua?
Mẹ lắc đầu:
- Không con ạ… Mẹ không chút nghi ngờ thiện chí và sự cố gắng của con. Nhưng Mẹ vẫn đặt câu hỏi đó cho con. Con trả lời theo sự thật của lòng con đi.
Nếu trả lời theo sự thật của lòng mình tôi sẽ bảo là “có”. Bởi vì không muốn làm chị dòng thì tôi ở đây để làm gì?
… Tôi thưa Mẹ:
- Hẳn Mẹ thừa biết con muốn hay không muốn làm chị dòng. Con sống với Mẹ, với các sơ hơn bảy năm rồi. Đâu có ít!
Mẹ trách tôi:
- Sao con không trả lời cho Mẹ trực tiếp? Tử Đinh Hương?
Tôi ngẩng đầu lên:
- Thưa Mẹ, làm chị dòng đó là mơ ước của con.
Mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Hiện tại con có yêu Chúa trọn vẹn không?
Tôi lại cúi đầu, quay nhìn lại những tháng ngày qua để thấy mức độ mến yêu của mình chưa tuyệt đỉnh. Tôi thường bị xáo trộn bởi những cái bên ngoài và lắm lúc tâm hồn tôi xao xuyến bởi hình ảnh Huy tìm về ngự trị.
- Sao con? Trả lời cho Mẹ đi nào!
Giọng tôi run run:
- Con không dám… quả quyết là con đã… yêu Chúa trọn vẹn, nhưng con đã và đang cố gắng.
Mẹ nói:
- Con đang chuẩn bị để mặc áo dòng. Chỉ còn có ba tháng nữa thôi và khoảng thời gian đó không dài cho lắm. Bởi thế Mẹ muốn con vứt bỏ tất cả ngay từ bây giờ.
Rồi Mẹ nhìn tôi dò hỏi:
- Chủ nhật tuần rồi con có khách nhưng… sắp đến giờ cầu kinh nên Mẹ đã từ chối, với lại…
Mẹ không nói nữa mà mãi nhìn tôi. Qua cái nhìn đó tôi đọc được những gì mà mẹ muốn nói với tôi. Tôi thản nhiên:
- Thưa Mẹ, anh Cường của con đó!
Mặt tôi chợt nóng ran lên vì thẹn. Tôi sợ Mẹ hỏi sự liên hệ giữa tôi và Cường. Quả nhiên Mẹ lên tiếng:
- Cường với con liên hệ thế nào?
- Giữa con và anh ấy không có một liên hệ nào về huyết thống cả nhưng chúng con rất thương mến nhau.
Mẹ nhíu mày:
- Con nghĩ sao về cậu ấy?
- Anh ta đứng đắn.
- Con thương cậu ấy à?
Tôi gật đầu:
- Vâng. Con thương như một người anh ruột.
- Tại sao con lại nghĩ cậu ta đứng đắn?
- Căn cứ vào cách ăn nói, đối xử anh ấy dành cho con.
Mẹ nhìn tôi thật chăm chú:
- Ngoài ra con còn có quen thân với một người con trai nào nữa không?
Tôi cúi đầu, tay vân vê tà áo, trả lời Mẹ một cách khó khăn:
- Thưa Mẹ có. Rất nhiều. Có sao không Mẹ?
Mẹ im lặng. Tôi im lặng. Bầu không khí im lặng vây quanh căn phòng làm tôi ngột ngạt, lo sợ. Tôi nhìn Mẹ chờ đợi. Mẹ ngồi im nhìn tôi. Như thế nghĩa là sao? Mẹ? Tôi thắc mắc:
- Có sao không Mẹ? Có sao không Mẹ? Mẹ trả lời con đi! Mẹ!
- Con thật thà lắm… Nhưng con cần bình tĩnh một chút nữa mới được.
Tôi theo dõi từng cử chỉ Mẹ… Run biết là bao khi Mẹ mở ngăn kéo lấy ra một xấp thư đặt lên bàn với mấy tiếng:
- Thư của con đấy!
Tôi hỏi Mẹ với tất cả ngạc nhiên:
- Thư của con? Ai đã viết cho con hả Mẹ?
Giọng Mẹ nghiêm lại:
- Một người con trai.
Mặt tôi tái xanh:
- Một người con trai?
Mẹ gật đầu. Chỉ có tôi là bối rối, lo sợ. Một người con trai đã viết thư cho tôi? Ai nhỉ? Tôi nhớ lại từng khuôn mặt những người con trai tôi đã quen. Tôi nhớ luôn trường hợp mình gặp “người ấy”. Nhưng lúc này đâu phải là lúc tôi ngồi ôm kỷ niệm mà chính tôi đang đi tìm tác giả của xấp thư. Ai đã viết cho tôi nhỉ? Tuấn? Minh? Dũng? Hay Huy? Tôi có thể đoán ra, nhưng tôi hỏi Mẹ:
- Thưa Mẹ ai là tác giả xấp thư này?
- Con không biết sao?
Tôi lắc đầu trả lời không. Mẹ nói:
- Con thử tìm xem.
- Con không tìm thấy.
- Lại bướng bỉnh! Con thử lục lại ký ức con coi nào?
Tôi rưng rưng:
- Mẹ nói cho con đi! Mẹ nói cho con rõ đi! Con van Mẹ. Con…
Mẹ lắc đầu nghiêm nghị. Tôi cắn ngón tay. Tôi muốn nói cho Mẹ biết là tôi đã kiếm ra tác giả nhưng không hiểu sao tôi vẫn im lặng. Mẹ bình tĩnh chờ đợi. Tôi cắn môi, lắc đầu, nghẹn ngào… Có tiếng chuông điểm. Giờ ăn tối đã đến. Mẹ đứng dậy:
- Chúng ta đi làm bổn phận. Chiều mai con đến gặp Mẹ nhé.
Tôi van Mẹ một lần nữa nhưng vô ích. Biết khó lay chuyển được Mẹ, tôi đứng dậy cáo từ. Viện cớ mệt tôi bỏ ăn cơm về phòng với nỗi buồn vô tận.
*
Ai là tác giả của xấp thư nhỉ? Đó là câu hỏi mà tôi đặt ra từ chiều hôm qua đến giờ… Hỏi để mà hỏi, chứ thật ra tôi thừa biết rồi. Người đó chắc chắn là Huy. Huy có hứa là sẽ viết thư cho tôi mà. Nhưng một mình Huy sao nhiều đến thế?
Mệt mỏi, tôi gục đầu xuống bàn. Tôi muốn khóc nhưng mắt mình khô ráo lạ… Lâu thật là lâu tôi nghe có tiếng guốc khua nhẹ đằng sau lưng. Ai vào phòng tôi thế?! Có bàn tay ai đặt nhẹ lên vai tôi. Tôi vẫn gục đầu:
- Tử Đinh Hương! Em đang buồn?
Tôi nhận ra giọng nói của Sơ Goretti. Tôi ngẩng đầu lên nhìn Sơ với ánh mắt buồn thảm. Tôi muốn ôm lấy Sơ kể cho Sơ nghe “tâm sự” của mình nhưng không hiểu sao tôi vẫn im lặng.
- Tử Đinh Hương! Em buồn chuyện gì đó?
Tôi lắc đầu:
- Thưa Sơ không. Em bao giờ cũng thế thôi.
Giọng Sơ buồn hẳn:
- Tử Đinh Hương giấu Sơ!
Tôi bỗng hỗn xược khác thường:
- Buồn hay vui mặc em. Em không muốn Sơ xen vào “nội bộ” của em. Sơ là Sơ. Em là em. Mỗi người có một lối sống riêng. Mỗi người có những niềm vui nỗi buồn riêng. Sơ tìm hiểu em vui hay buồn để làm gì?
Tôi ngừng nói nhìn Sơ. Gương mặt Sơ thoáng một chút buồn bã. Chắc Sơ giận tôi lắm. Sơ sẽ nghĩ gì về tôi? Về người mà Sơ thương mến như một người em ruột… Tôi không hiểu tại sao hôm nay mình lại hỗn xược đến thế nữa. Nỗi buồn này do tôi gây ra, chứ nào Sơ có làm gì nên tội đâu. Hối hận tìm về trong tôi. Tôi nắm lấy tay Sơ:
- Em xin lỗi Sơ. Trong một phút chẳng bình thường em đã hỗn xược vô lễ với Sơ.
Sơ vẫn dịu dàng:
- Sơ không trách không giận gì Tử Đinh Hương cả. Đừng bận tâm nữa.
- Sơ không giận em thật sao?
Hỏi rồi tôi kéo Sơ ngồi xuống, thật sát bên tôi. Tôi kể cho Sơ nghe nỗi buồn hiện tại của tôi. Xong rồi tôi gục đầu vào vai Sơ và khóc thật nhiều, như một người em khóc trên vai một người chị. Vâng, tôi đang khóc trên vai một người chị. Tôi coi Sơ như một người chị từ bảy năm nay rồi. Vì lẽ Sơ là bạn rất thân của chị Hà tôi. Hai người cùng dự tu trong một năm, nhưng “kẻ được gọi thì nhiều, người được chọn thì ít” nên mấy năm sau chị tôi rẽ hướng khác. Chị tôi ra đời, còn Sơ ở lại nối dài những ngày dâng hiến. Sơ rất thương tôi, coi tôi như một người em. Sơ chỉ bày cho tôi từng bước sống… Một lúc lâu tôi ngẩng đầu lên nhìn Sơ. Tôi gặp đôi mắt đen đẹp của Sơ sũng buồn. Trên gò má Sơ, hai hàng nước mắt lăn dài, lăn dài thật chậm. Sơ đã khóc không thành tiếng : đó là một xúc động tột bực. Bối rối tôi nắm tay Sơ lắc lắc:
- Em xin lỗi Sơ. Em đã làm Sơ buồn.
Sơ trách tôi:
- Tử Đinh Hương! Với Sơ mà em cũng khách sáo sao? Em không bằng lòng để Sơ chia sớt niềm vui, nỗi buồn với em sao?
Sơ lấy khăn thấm nhẹ những giọt nước mắt trên má tôi, trên má sơ. Sơ nói một câu trấn an:
- Chuyện của em buồn lắm, nhưng không sao đâu. Em bình tĩnh một chút thì mọi chuyện sẽ êm xuôi.
Giọng tôi sũng nước mắt:
- Chắc em không dám gặp Mẹ đâu Sơ. Em sợ quá!
- Tử Đinh Hương! Em đừng sợ, Mẹ Bề Trên sẽ giúp em… Sơ sẽ cầu nguyện cho em… Chúa không nỡ để con Ngài khốn khổ. Em không tin Chúa sao?
- Với Chúa em hoàn toàn tin tưởng.
- Như vậy tốt lắm rồi.
Nhìn đồng hồ, Sơ hỏi tôi:
- Chừng nào em gặp Mẹ?
- Dạ, ba giờ chiều nay.
- Sắp đến giờ rồi. Em chuẩn bị để gặp Mẹ. Sơ chúc em giải quyết mọi chuyện êm xuôi.
Tôi cám ơn Sơ, tìm về phòng Mẹ. Tôi tần ngần trước cửa phòng Mẹ. Mãi đến khi đồng hồ trong phòng Mẹ thong thả buông ba tiếng tôi mới rụt rè đưa tay gõ nhẹ lên cửa. Tiếng Mẹ vọng ra:
- Vào.
Vẫn tiếng nói cộc lốc đó. Tôi mở cửa bước vào. Mẹ gấp quyển sách đang đọc dở. Chỉ ghế cho tôi ngồi, Mẹ hỏi:
- Thế nào đó con?
Tôi mệt mỏi:
Với con tình cảm là một vấn đề phức tạp. Có những người ta yêu họ mà họ không yêu ta. Có những người họ yêu ta mà ta không yêu họ. Bởi thế con không tìm thấy tác giả của xấp thư. Xin Mẹ nói cho con rõ.
Mẹ nhìn tôi, trong ánh mắt Mẹ thoáng một chút nghi ngờ. Nhưng rồi Mẹ nói:
- Thư của Huy.
Tôi lẩm bẩm : Thư của Huy? Sự thật thế sao? Huy! Anh vẫn còn nhớ Tử Đinh Hương à?!
- Con quen Huy trong trường hợp nào?
Tôi cúi đầu kể cho Mẹ nghe. Khởi đầu tôi quen Huy vào một buổi chiều mùa Hạ tại Đàlạt. Một buổi chiều trời thật đẹp. Tôi tìm về đồi núi, ngồi dưới gốc thông trong thinh lặng. Huy xuất hiện. Huy kiêu kỳ. Huy gợi chuyện làm quen tôi. Tôi mến Huy từ đó. Những buổi chiều kế tiếp tôi viện đủ mọi cớ để tìm đến gặp Huy. Chiều cuối cùng ở Đàlạt tôi nói lời từ giã Huy để về Huế. Huy xin tôi địa chỉ. Tôi nói mà không nghĩ đến những phiền toái về sau. Trở lại Huế, tôi sống trong nhớ nhung, trong kỷ niệm. Với những buổi chiều lang thang ngoài vườn, nựng từng cái hoa để tìm khuây khỏa cho tâm hồn. Me tôi hình như đọc được những thay đổi nơi tôi. Bà thường gạn hỏi tôi, nhưng tôi nhất định dối me… Tôi cố gắng trở lại cuộc sống bình thường để che mắt me tôi. Tôi xin chị Hạnh đừng nói những rối loạn của tôi cho ba me… Chị bằng lòng và khuyên tôi quên Huy. Nhưng quên làm sao được khi một buổi chiều Huy trở lại thăm tôi. Nhằm lúc ba me tôi đi nghỉ ở Cấp. Thông cảm với luống tuổi mới lớn chị Hạnh cho tôi tiếp Huy. Huy tỏ cho tôi biết là Huy đã yêu tôi. Tôi lặng người không nói gì cả. Tôi cũng yêu Huy, yêu từ phút ban đầu gặp gỡ, nhưng tôi còn có lý tưởng phải theo đổi. Tôi đành từ chối, mặc cho đôi mắt Huy buồn thăm thẳm, chứa đầy ngôn ngữ trách móc… Huy ra về. Tôi hối hận, đau khổ, tự trách mình tàn nhẫn. Nhưng sự đã rồi. Tôi tưởng đó là lần gặp gỡ cuối cùng. Nhưng hai tuần sau Huy trở lại. Trở lại để chứng minh Huy yêu tôi thật tình. Huy xin tôi địa chỉ tu viện và hứa sẽ nhân danh là anh họ để viết thư cho tôi khi tôi trở về Dòng.
Kỳ hè vụt trôi. Tôi trở lại trường tu nối dài những ngày tận hiến. Những tháng đầu, tôi bị hình ảnh Huy quấn lấy, đi theo trong mọi giờ giấc. Tôi cầu Chúa cho tôi quên Huy nhưng hình ảnh Huy càng lúc càng sâu đậm trong ký ức tôi. Rồi những ngày tháng trôi. Tôi không nhận được tin tức gì về Huy cả. Tôi oán hận anh vô cùng. Tôi nghĩ Huy là người con trai giả dối. Ngôn ngữ, cử chỉ Huy dành cho tôi chỉ là vay mượn trong chốc lát. Chắc Huy đã quên mất tôi để đi xây dựng một tình yêu mới… Nhưng sự thật không là thế. Huy vẫn nhớ tôi, vẫn yêu tôi. Lời hứa xưa Huy đã giữ. Huy đã viết thư cho tôi. Những bức thư đó đã lọt vào tay Bề Trên và đang nằm trơ trẽn trước mặt tôi. Huy yêu tôi đến thế ư? Tôi ngỡ rằng những lần gặp gỡ trên đồi núi, hai lần Huy đến thăm tôi, đó là kỷ niệm đã lịm chết trong Huy, chỉ còn sống với một mình tôi. Bây giờ tôi mới hiểu ra : đó là một ấn tượng sâu xa không bao giờ mờ nhạt trong tôi cũng như trong Huy. Và đó là khởi đầu của một mùa yêu thương được nối dài từ hai năm nay.
Tôi gục đầu xuống bàn mặc cho nước mắt chảy dài trên má. Tôi hình dung Huy với dáng người cao dong dỏng, với giọng nói trầm ấm, với đôi mắt chứa đầy ngôn ngữ thương yêu, đã một lần được thay bằng ngôn ngữ trách móc khi tôi dửng dưng lạnh lùng… Huy sẽ nghĩ gì về tôi khi những cánh thư Huy vẫn bay đều vào tu viện mà tôi không một tiếng đáp? Hẳn Huy sẽ đau khổ nhiều và nghĩ rằng tôi tàn nhẫn. Tôi khóc to hơn. Mẹ Bề Trên kiếm lời an ủi tôi… Mẹ giúp tôi xác định đâu là tình yêu chân thật, bao la, tuyệt đối.
Mẹ nói:
- Con lớn rồi và đang ở trong thời gian lựa chọn. Có hai lối đi. Con chỉ chọn một trong hai lối mà thôi. Hoặc con đoạn tuyệt với Huy, với mọi sự để tìm về với Chúa. Hoặc con xa Chúa để cùng Huy xây dựng hạnh phúc. Con phải sáng suốt trong lần lựa chọn này. Mẹ không muốn thấy con hối hận, bởi một khi đã quyết định rồi có hối hận cũng không níu kéo được gì cả.
Tôi nhìn tượng Chúa chịu treo trên Thánh Giá. Đầu Chúa bị siết chặt bởi vòng gai. Thân hình trầy trụa đầy những máu. Tất cả nói lên ý nghĩa tình yêu. Một tình yêu tuyệt đối… Tôi thấy Chúa yêu tôi. Thấy Huy yêu tôi. Và tôi:
- Thưa Mẹ, con yêu Chúa đồng thời con cũng yêu Huy.
Yêu Huy đó là sự thật mà tôi không chạy trốn. Tôi yêu Huy để biết bao lần tôi buồn, tôi khóc khi ngỡ rằng Huy đã quên tôi.
- Con không thể yêu hai người cùng một lúc. Con phải chọn hoặc Chúa hoặc Huy. Cái khó là ở đó.
- …
- Con hãy bình tĩnh. Hãy sáng suốt. Hãy suy nghĩ để chọn cho mình một lối đi thích hợp mà không một lần ân hận. Hãy lựa chọn trong tự do. Theo Mẹ thì lối đi nào cũng đẹp cả.
Tôi khổ sở:
- Con rối trí quá rồi. Con cần ít phút im lặng để suy nghĩ.
Chiều ý tôi, Mẹ im lặng. Còn tôi, tôi rối trí thật. Tôi không suy nghĩ gì được cả. Tôi muốn biết Huy đã viết những gì cho tôi. Tôi trình bày với Mẹ ước muốn của mình. Mẹ hỏi:
- Sao? Con nói sao? Con muốn đọc thư Huy à?
- Vâng. Thưa Mẹ.
- Nếu con chọn Chúa thì ước muốn đó sẽ không…
Tôi:
- Thưa Mẹ, thư của con mà.
- Mẹ có chối cãi điều đó bao giờ đâu. Nhưng ước muốn đó chỉ toại nguyện nếu con chọn Huy làm điểm tựa mà thôi.
Sau câu nói của Mẹ tôi gục đầu nức nở khóc. Thư của Huy viết cho tôi mà tôi không được đọc sao? Còn gì đau khổ hơn không? Huy! Anh đã viết cho em những gì hả anh? Anh có nghĩ người anh yêu giờ đây đang đau khổ nhiều không? Tôi thoáng nghe những lời khuyên của Mẹ… Tôi thoáng nghe có tiếng gõ cửa, rồi tiếng Mẹ:
- Ai đó?
Tôi ngừng khóc, nghe ngóng. Từ ngoài có tiếng vọng vào:
- Thưa Mẹ con đây, Rose.
- Chuyện gì đấy con?
- Thưa Mẹ, Tử Đinh Hương có khách. Mẹ cho phép con gọi không?
Mẹ hỏi:
- Ai vậy con?
- Cậu con trai hôm kia.
- Con ra tiếp chuyện với cậu ấy một lát. Mẹ sẽ cho gọi Tử Đinh Hương đến sau.
Tiếng dép xa dần, xa dần. Vịn vào câu nói của Mẹ tôi xin Mẹ cho gặp Cường. Mẹ lưỡng lự. Tôi năn nỉ thêm ít lần nữa và Mẹ bằng lòng. Tôi rời phòng Mẹ với bộ mặt buồn hiu. Gặp tôi anh Cường hỏi ngay:
- Tử Đinh Hương đang buồn chuyện gì đó?
Tôi chối:
- Không. Em không sao cả.
Anh tỏ vẻ không bằng lòng:
- Em đang buồn, anh biết. sao em giấu anh Tử Đinh Hương?
- …
- Kể từ giờ phút này Tử Đinh Hương hãy coi anh như một người anh của em. Bởi vì…
- Sao hả anh?
Anh sung sướng:
- Anh và chị Hạnh vừa làm lễ hỏi tuần trước đó. Tử Đinh Hương hãy tin vào anh. Có gì buồn cứ nói anh nghe.
Tin tưởng anh, tôi kể cho anh nghe cuộc tình của tôi. Cuối cùng tôi hỏi anh:
- Anh có khinh em tội lỗi không?
Anh lắc đầu:
- Em đừng nghĩ thế. Yêu thương có gì là tội. Quả tim của em, của anh, của bất cứ ai trong cuộc sống này đều là quả tim thịt, nhạy cảm, dễ rung động, dễ yêu… Và định luật từ muôn thuở là nam nữ nghiêng chiều về nhau. Thế nên dù ở bất cứ môi trường nào đi nữa thì con tim vẫn lúc lắc…
- Anh nghĩ em nên rẽ lối nào?
- Hướng đi của em phải là do em chọn lấy. Như nếu em hỏi ý anh thì anh không nói gì hơn những lời anh đã nói với em. Tuy nhiên anh không muốn em lệ thuộc vào ai cả, ngay cả anh. Em hãy suy nghĩ kỹ, cầu nguyện nhiều để chọn đúng hướng đi.
Tôi nói:
- Em muốn lệ thuộc anh. Vì có lắm lúc lệ thuộc là một cần thiết.
Anh nhìn tôi, thành thật:
- Tử Đinh Hương! Chỉ có em, người em gái mà anh thương mến thì anh mới nói với em rằng tình yêu của em, của Huy, của tuổi trẻ hôm nay chỉ là thứ tình yêu lửa rơm. Nhưng cho dù Huy có yêu em thật tình đi nữa, thì anh, anh thành thật khuyên em quên Huy. Bởi vì Huy chỉ là một kẻ đến sau. Nơi Huy không có tình yêu tuyệt đối. Tình yêu tuyệt đối chỉ có nơi Chúa, đấng em đang tôn thờ. Và một khi yêu Ngài, qua Ngài em sẽ gặp những kẻ mình thương mến.
Rồi anh nhìn tôi tin tưởng:
- Anh hy vọng với lý trí và tự do em sẽ chọn đúng đường.
Tôi hỏi anh:
- Anh không giúp em chọn đường sao?
- Cuộc đời của em, anh không dám quyết định. Em phải làm Kiến Trúc Sư đời em. Em hãy cầu Chúa cho em sáng suốt để tìm được điểm tựa vững bền. Và anh, anh sẽ cầu nguyện nhiều cho em.
Chiều xuống, anh từ giã tôi. Tôi tiễn anh ra cổng rồi quay trở lại. Tôi quay trở lại với thực tại tâm hồn tôi.
*
Mãi đến hai tuần sau, qua bao phút đắn đo và suy nghĩ, tôi tìm gặp Mẹ để trình bày quyết định của mình. Mẹ tròn xoe đôi mắt nhìn tôi, nét mặt Mẹ rạng hẳn lên. Với tất cả ngạc nhiên Mẹ hỏi tôi:
- Sao? Con quyết định ở lại à? Con đã suy nghĩ kỹ chưa?
Giọng tôi trầm lại:
- Thưa Mẹ con đã nghĩ kỹ lắm rồi.
Mẹ lại hỏi:
- Sao con quyết định ở lại? Con có lệ thuộc vào một ai không?
- Có, thưa mẹ.
- Mẹ không muốn con lệ thuộc vào một ai cả.
-Thưa Mẹ con đã lệ thuộc. Một lệ thuộc cần thiết.
Tôi đã lệ thuộc vào Sơ Goretti – Người chị tinh thần của tôi – Tôi đã lệ thuộc vào chị Hà. Đó không phải là một ép buộc nhưng là một lệ thuộc cần thiết. Như một đứa bé lệ thuộc ý kiến của những người lớn hơn trước khúc quẹo cuộc đời.
- Con đã quyết định ở lại, con có đủ can đảm để làm những gì Chúa muốn qua Mẹ không?
Tôi bình tĩnh:
- Thưa Mẹ con đang sẵn sàng.
Mẹ nhìn tôi:
- Con sẽ làm một việc rất khó mà cũng rất dễ.
Tôi hốt hoảng:
- Thưa Mẹ nghĩa là sao?
Giọng Mẹ nghiêm lại:
- Để chứng tỏ sự trung thành của con với Chúa, nhân danh tình yêu con dành cho Chúa, con hãy đốt xấp thư này trước mặt Mẹ, trước tượng Chúa.
Tôi tái xanh mặt, tay chân run rẩy:
- Sao? Mẹ dạy con đốt xấp thư này?
Can đảm trốn biến trong tôi. Tôi nghe choáng váng cả người. Tôi nắm chặt thành bàn như tìm một sức mạnh mà tôi đang thiếu, đang cần. Tôi đang cần có một nghị lực để quên Huy. Tôi hình dung Huy với bộ mặt kiêu kỳ, linh động, đầy sức sống, quyến rũ. Huy đã viết cho tôi những gì? Yêu thương? Giận hờn? Trách móc? Đoạn tuyệt? Xấp thư còn nằm trước mặt tôi đó. Có lẽ đầy đủ các “trạng thái”. Tôi hình dung Huy với khuôn mặt buồn lặng lẽ, đôi mắt chứa đầy ngôn ngữ trách móc. Tôi rưng rưng:
- Thưa Mẹ, con không dám đốt bao giờ!
Tôi ngồi yên nhìn chồng thư. Có cái đã phai màu theo năm tháng. Tôi không dám nhận xấp thư. Mẹ Bề Trên nhìn tôi, kiếm lời an ủi tôi, khuyên lơn tôi. Mẹ nói thật nhiều nhưng tôi còn bình tĩnh đâu mà nghe thấy. Tôi mím chặt môi, lắc đầu. Tiếng Mẹ:
- Con hãy ý thức đây chính là đường lối do con lựa chọn. Sự lựa chọn nào cũng có đau khổ cả con ạ.
Những giây phút ngần ngại trôi qua. Rụt rè, run rẩy, tôi đưa tay đón nhận xấp thư và nhủ thầm : “Phải can đảm”. Mẹ Bề Trên trao cho tôi hộp quẹt với câu nói:
- Hãy can đảm để xứng đáng với tình yêu Chúa. Can đảm lên con.
Tôi nhìn Mẹ để tìm gặp đôi mắt đen huyền, đẹp và nghiêm nghị của Mẹ đang nhìn tôi chờ đợi, tin tưởng. Tôi nhớ đến câu nói của anh Cường : “Làm nữ hoàng của Chúa là nhất rồi không còn địa vị nào hơn nữa đâu em. Là sở hữu của Chúa, anh muốn em ngàn đời thuộc về Ngài, Chúa đã thương em, yêu em, mời em, gọi em, chọn em, cho em dự vào tình yêu của Người. Người sẽ không bỏ rơi em. Phần em, hãy cố gắng để đáp lại tình yêu của Người đi!”. Tiếng Mẹ hiền hòa:
- Can đảm lên đi con.
Tôi ngẩng đầu lên nhìn tượng Chúa để tìm một hơi ấm, để đọc thấy tình thương trọn vẹn Người dành cho tôi, để cầu Ngài trao cho tôi niềm tin và nghị lực.
Tôi nhắm mắt lại, quẹt lửa, châm vào xấp thư. Tôi không ngờ mình lại tàn nhẫn đến thế! Xấp thư bị đốt cháy giờ còn lại một nắm tro. Khuôn mặt tôi đầm đìa nước mắt. Tôi gục đầu nức nở. Mẹ Bề Trên vuốt tóc tôi:
- Con là một người can đảm. Con đã thắng một thử thách. Con buồn lắm, Mẹ biết. Nhưng nỗi buồn nào rồi cũng nguôi ngoai theo năm tháng. Cuộc đời sẽ còn lắm thử thách nhưng với Chúa Mẹ tin con sẽ thắng. Mẹ sẽ cầu nguyện cho con.
Mẹ nói, tôi miên man. Tôi khóc, khóc như mưa. Tôi trở về phòng và khóc thật nhiều. Hình ảnh Huy lại hiện ra. Khuôn mặt Huy u ẩn, đôi mắt Huy buồn thảm. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Mệt mỏi. Rã rời. Tôi nghe đầu mình nặng trĩu. Cảm giác này có được là tại tôi khóc nhiều. Tôi cắn chéo khăn nghe hồn mình tan nát. Tôi ngẩng nhìn tượng Chúa treo trên tường và cầu Người cho tôi quên Huy để muôn đời Người là kẻ tôi yêu mến, tôn thờ. Dồn hết niềm tin vào, tôi nói với Chúa trong nước mắt:
- Lạy Chúa, Chúa là điểm tựa đời con.
Tôi tưởng cuộc đời từ đây sẽ êm ả. Nhưng không, tôi đã lầm. Cuộc đời sẽ còn sóng gió nhiều hơn.
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG HAI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét