9
Tôi nằm dài trên bãi cát, bên cạnh Thủy, cô em họ. Thân thể tôi đón từng đợt nắng hồng tươi mơn man dễ thương một cách lạ lùng. Hôm nay là ngày thứ bảy chúng tôi ở Vũng Tàu.
Ba tôi đã quyết định cho tôi đi nghỉ mát để lấy lại vẻ khỏe mạnh mà sau hơn nửa tháng miệt mài viết lách, tôi đã xanh xao hẳn đi, hầu như tôi không thấy được ánh sáng mặt trời. Mùa hè vẫn còn trên sóng nước trong xanh, trên những làn cát mịn. Tôi đùa với nắng, với nước như một đứa trẻ vô tư. Tiếng cười của tôi hòa tan trong gió đại dương lồng lộng.
Đôi khi, tôi nằm cả nửa giờ không nói câu nào. Những lúc đó, Thủy thường trêu tôi là nữ sĩ hay mơ mộng. Tôi chỉ mỉm cười, không cải chính mà cũng không xác nhận những ý tưởng của mình.
Thật ra, tôi đang nghĩ đến những thành công mà cuốn sách đã mang lại cho tôi. Sự thành công không phải là vấn đề tiền bạc, mà là về tinh thần. Cuốn tiểu thuyết của tôi đã được gởi biếu bạn bè, những người thân, và tôi đã nhận được những lời khen ngợi hết sức nồng nhiệt. “Uyên, mày đã thành công rồi đó. Mày viết thật hay, thật lôi cuốn. Tao thành thật chúc mừng mày… “ – “Thật mình không ngờ một người bạn học của mình lại có thể trở thành một nữ văn sĩ với tác phẩm đầu tay đang nằm trên bàn mình kia. Uyên, mình đã đọc sách của bồ một cách say mê”… Đại loại đó là những lá thư mà tôi nhận được. Tâm hồn tôi sôi lên trong niềm hạnh phúc triền miên. “Mình đã là một nữ văn sĩ”. Tôi muốn reo lên cho sóng biển nghe được sự sảng khoái của mình. Tôi muốn mọi người chia sớt niềm vui với tôi, và trên bãi biển, tôi là cô gái cười nhiều nhất và cười tươi nhất với… tất cả mọi người.
Nhiều lúc, tôi tha thiết ao ước rằng, vú già có đâu đây để tôi hỏi vú “Có ai đến tìm tôi không, tìm nữ văn sĩ Ý Yên không ?” Tôi muốn được nhiều người biết cái tên mới của tôi. “Ý Yên ! Tên hay đấy chứ ! Hẳn là một cái tên định mệnh ! Định mệnh đã dành cho tôi cái tên đó và định mệnh sẽ làm nổi bật cái tên ấy lên… nhất định thế !”
Sự thành công đã đến mà tôi không ngờ. Trong niềm thoải mái đó, tôi quyết định ở lại Vũng Tàu thêm một tuần lễ nữa.
Khi tôi trở lại Đà Lạt, ba tôi đã có dịp phải đi Qui Nhơn. Chỉ có vú già ở nhà. Vú ôm chầm lấy tôi, mếu máo :
- Con đi lâu quá. Nhà thật hoang vắng, Uyên ạ.
Tôi vỗ về :
- Thôi con không đi nữa. Nhưng con cảm thấy mệt quá. Vú xem, con đã làm việc…
Vú già ngắt lời tôi :
- Vú hiểu. Vú có trách con đâu. Con làm việc nhiều và con cần phải nghỉ ngơi chứ. Nào, đứng yên cho vú ngắm nhìn con chút xíu coi. Chà, da ăn nắng sạm lại rồi, coi con khỏe mạnh lắm. Vú mừng.
Tôi nôn nóng :
- Ở nhà có ai đến tìm con không hở vú ?
- Tìm con thì không ai tìm. Nhưng có mấy lá thư.
Tôi reo lên :
- Thế hở vú ? Vú để đâu rồi ? !
- Trong hộc bàn của con.
Tôi buông vú già, chạy nhanh vào phòng bằng tâm trí thật rộn ràng. Hai chiếc phong bì màu xanh nằm trong hộc bàn. Tôi cầm lấy chúng vuốt ve một cách trìu mến. Tôi xé lá thư thứ nhất.
Đó là thư của ông Quý, chủ nhà xuất bản, là ông bạn của ba tôi, người đã xuất bản “Cái vạc của con quỷ” cho tôi. Ông ta tính phí tổn việc in sách. Tôi hơi buồn, gấp bức thư lại quẳng vào hộc và tự nhủ sẽ không đụng đến một đồng nào tiền bán sách.
Tôi xé nốt bức thư thứ hai. Thư ngắn, chỉ năm hàng, nhưng không dễ thương chút nào. Tác giả bức thư phê bình “Cái vạc của con quỷ” là “một truyện dở, từ cốt truyện đến lối hành văn”. Tôi lịm đi trong nỗi bực tức một hồi lâu.
Nhưng rồi tôi gượng dậy được. Tôi vùng đứng lên tự an ủi : “Đây đâu phải là lá thư thứ nhất, và đâu phải cuốn sách của mình chỉ được một người không biết chút gì là văn chương đọc !”
Buổi chiều, khi tôi đang đứng nói chuyện với chú Sỹ bên hàng giậu, thì vú già lại mang đến cho tôi một bức thư nữa. Lần này tôi e dè hơn khi tiếp nhận. Chú Sỹ nhìn tôi :
- Chắc là thư của độc giả ?
Tôi chậm chạp xé phong bì. Những giòng chữ mực đen như nhòa nhạt trước mắt tôi…
“Tuần này chúng tôi vô tình đọc được cuốn tiểu thuyết mang tựa đề “Cái vạc của con quỷ” của tác giả Ý Yên. Chúng tôi không hiểu tại sao người ta lại có can đảm xuất bản một cuốn tiểu thuyết tồi tệ như vậy ? !... “
Tôi hoa mắt, không đọc tiếp được nữa. Tôi nhìn vú già bằng tia nhìn hằn học :
- Sao vú đưa thư này cho con ? Hả ? Sao vú ác thế ?
Vú già không hiểu gì cả, ấp úng :
- Thư của con…
Tôi gào lên :
- Không, không phải. Người ta sỉ mạ con. Vú cũng thế. Vú…
Vú già hoảng hồn. Chú Sỹ lượm bức thư tôi vừa đánh rơi dưới đất, liếc nhanh rồi bảo vú :
- Thôi vú vào đi. Để tôi dỗ cô ấy cho.
Tôi tựa người vào thân cây ngọc lan quen thuộc, hai tay bưng lấy mặt. Nước mắt đẫm ướt má tôi ; tóc tôi rũ rượi. Chú Sỹ khẽ lắc đầu :
- Tội nghiệp cô bé !
Bất giác tôi gục đầu vào vai chú Sỹ. Chú dang tay ôm nhẹ lấy thân thể tôi. Bàn tay chú mơn trớn tóc tôi. Chú âu yếm dỗ dành :
- Nín đi Uyên ! Không có gì phải khóc cả.
Tôi im lặng. Những tiếng nấc nghẹn ngào vẫn thoát ra làm rung đôi bờ vai. Tiếng chú Sỹ vẫn êm đềm :
- Nghe lời chú. Bắt đầu lại hết đi, đừng thất vọng.
Tôi chán nản lắc đầu :
- Hết rồi chú ơi ! Uyên khổ quá. Bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu tin tưởng đã dồn cả vào đó… bây giờ…
- Bây giờ đã có gì để buồn đâu ?
- Họ chê Uyên tàn nhẫn như thế, còn gì mà hy vọng nữa chú ? Họ không có một chút thương hại nào dành cho cháu… nhưng… nhưng tại sao những người thân lại khen Uyên dữ vậy ? Họ khen vì thương hại ? Chú Sỹ, cả chú nữa, chú cũng khen vì thương hại Uyên phải không ?
Chú Sỹ lấy khăn tay chặm nhẹ lên mắt, lên má tôi. Chú nâng cằm tôi lên, nhìn vào mắt tôi thật lâu :
- Uyên, nghe chú nói ! Tất cả những người thân của Uyên, không ai khen Uyên vì thương hại, cả chú cũng thế. Tất cả là vì cảm tình, là vì thương mến đã dành cho Uyên. Còn những người đã viết cho Uyên những lời phê bình cay độc đó, là những người vô ý thức. Có thể là họ ganh ghét, tị hiềm. Tại sao lại phải tin họ ? Chú rất tiếc là không giúp gì cho Uyên trong lúc này. Nếu có thể, chỉ là trong tương lai…
Tôi ngước nhìn chú Sỹ, lời lẽ êm đềm của chú đã xoa dịu những bực tức trong tâm hồn tôi. Tôi dịu đi. Tôi thấy niềm tin trở lại. Tôi thấy ánh mắt chú Sỹ trìu mến vô cùng, và tôi bỗng thấy chú trẻ trung lạ thường, chú không còn mang vẻ lạnh lùng khắc khổ nữa. Tự dưng, tôi mỉm cười với chú Sỹ, nụ cười trong nước mắt. Chú cúi thấp xuống như muốn hôn khiến tôi phải qua một giây bối rối. Nhưng rồi bàn tay chú chỉ lùa nhẹ tóc tôi. Tôi nghe tiếng thở dài rất nhẹ của chú, và chú thì thầm :
- Uyên, nhớ rằng lúc nào cũng có chú bên cạnh Uyên.
10
Chống hai tay vào cằm, tôi ngồi suy nghĩ hàng giờ khi quyết định chọn một chiếc áo để đi dự buổi thuyết trình hôm nay. Ông Quốc Sinh, người mà một thời gian trước đây đã cho rằng tôi khó mà trở thành một nữ văn sĩ, đã chính thức gởi thư mời tôi đến dự đại hội các nhà văn, được tổ chức hai ngày liền tại Sàigòn.
Niềm tin tưởng như tàn lụn trong tôi bỗng dưng bùng lên mãnh liệt. Có thế chứ ! Rốt cuộc rồi người ta cũng biết đến tôi. Người ta đã không bỏ quên tôi trong dịp đại hội quan trọng này. Có nghĩa là tên tôi đã được sắp ngang hàng với những nhà văn khác ?
Tôi quyết định chọn chiếc áo dài màu xanh ngọc. Da tôi trắng, mặc màu xanh hẳn là phải hợp. Tôi thắt tóc bằng hai cái nơ cũng màu xanh. Tôi tô chút phấn hồng lên má, kẻ một đường chì đen lên mắt và cảm thấy mình đẹp, mình “tư cách” hẳn lên.
Tôi đến nơi hẹn. Quốc Sinh nhìn tôi trân trối :
- Trời ơi ! Nữ sĩ Ý Yên ! ! Thật tôi không ngờ cô quá kiều diễm như vậy. Cô sẽ là cái đinh của buổi họp mặt hôm nay.
Tôi cười tươi tắn :
- Tôi cũng hy vọng người ta không quá lãnh đạm với tôi.
- Dĩ nhiên. Làm sao lãnh đạm được với một bông hoa tuyệt sắc. Cô cứ tin tôi, mọi người sẽ đổ xô đến chiêm ngưỡng dung nhan cô.
Tôi muốn nói cho Quốc Sinh biết rằng điều tôi hy vọng không phải là làm người ta chú ý đến mình bằng sắc vóc, mà là bằng tài năng của mình trên lãnh vực thi văn kìa. Nhưng tôi thấy không ích gì, nên thôi. Quốc Sinh nói với tôi :
- Trong buổi họp mặt này, người ta sẽ lần lượt giới thiệu những tác phẩm mới và sẽ có cuộc nói chuyện của đại văn sĩ Mặc Uy. Cô biết Mặc Uy chứ ?
- Dạ biết.
- Tốt lắm. Ông ta là một nhà văn có tài. Cô ráng thu thập những lời ông ta nói, để có thể thành công sau này.
Tôi đáp nhỏ :
- Tôi sẽ cố gắng.
Quốc Sinh mở cửa xe, đưa tôi vào một thính đường rộng lớn. Tôi đang đi, chợt sựng lại trước một người đàn bà cao lớn, đang hoa múa chân tay diễn tả theo lời nói với hai người đàn ông. Tôi nhận ra bà Mai Văn.
Tim đập thình thịch trong lồng ngực, tôi cảm thấy hồi hộp lạ lùng. Tôi tiến đến trước mặt bà Mai Văn và run giọng :
- Hân hạnh gặp lại bà.
Mắt người đàn bà mở lớn. Bà ta ngập ngừng :
- À, em… cô bé. Em biết tôi à ?
- Thưa bà, đã có lần tôi đến nhà bà và tôi cũng đã nhận được những lời khen vô cùng quí giá của bà. Tôi có gởi cho bà cuốn tiểu thuyết “Cái vạc của con quỷ” cách đây nửa tháng.
Bà Mai Văn gật gù :
- A, tôi nhớ rồi. Cô Ý Yên đây mà. Nữ văn sĩ bé nhỏ và xinh xắn của tôi đây mà.
Rồi bà ta phá ra cười. Hai gã đàn ông cũng cất tiếng cười theo. Quốc Sinh kéo tôi đi. Tôi cúi chào bà Mai Văn để đi đến ghế.
Buổi đại hội đầu tiên thật sôi động. Người ta thuyết trình, người ta giới thiệu những sáng tác mới. Người ta giới thiệu nhau một cách nồng nhiệt. chỉ có tôi và tác phẩm của tôi là không ai nói tới.
Nhưng tôi chưa thất vọng. Còn ngày mai nữa mà. Ngày mai mới là quan trọng, vì có Mặc Uy nói chuyện. Tôi phải biết mặt ông ta để có thể xác nhận lại với chú Sỹ sự hiểu biết của tôi về các tác giả và tác phẩm.
Tôi nhận lời đi ăn cơm với Quốc Sinh. Ăn xong hắn đưa tôi về nhà trọ của hắn, bảo là để bàn bạc lại chương trình giới thiệu tác phẩm tôi vào ngày mai.
Trong căn phòng nhỏ xinh xắn, Quốc Sinh tươi cười bảo tôi :
- Ngồi đó đi cô Uyên. Chúng ta sẽ bàn một vài chuyện.
Tôi ngồi xuống ghế chờ đợi.
- Ngày mai sẽ giới thiệu tác phẩm của cô.
- Ông chắc chắn như thế chứ ?
Quốc Sinh gật mạnh đầu :
- Dĩ nhiên. Chính tôi ghi danh sách mà.
Tôi cảm thấy yên tâm. Tôi nhìn Quốc Sinh bằng ánh mắt thiện cảm hơn :
- Ông cố gắng giúp tôi. Tôi sẽ không quên ơn !
Quốc Sinh cười mơn trớn :
- Ơn nghĩa gì ! Nếu cô biết tôi mến cô đến ngần nào. Cô đẹp quá cô Ý Yên ạ. Nếu tôi biết cô đẹp như thế này, tôi đã không từ chối đăng bài của cô.
Tôi cố gượng cười :
- Ông nói vậy chứ tôi mà đẹp gì.
Quốc Sinh nham nhở :
- Cô đẹp, cô đẹp thật mà, cô Yên. Bây giờ tôi giúp cô thì đâu đã muộn. Bây giờ tôi trở thành bạn thân của cô thì đâu đã muộn…
Tôi bắt đầu lo ngại. Tôi đứng bật dậy lùi lại một bước :
- Xin ông nói chuyện đứng đắn hơn. Chúng ta nên bàn chương trình để ngày mai có thể giới thiệu…
Quốc Sinh cười hộc lên :
- Thôi, dẹp chuyện đó đi. Chúng ta hãy sang lãnh vực khác. Ý yên, nếu cô biết rằng cô đã làm tôi mê đắm từ phút đầu… cô… tôi… yêu cô.
Tôi biết không yên được với gã đàn ông nham nhở này. Tôi cảnh cáo gã :
- Ông nên thận trọng, ông Sinh. Tôi đến đây vì mục đích gì ông đã biết. Xin ông cho tôi được giữ sự kính trọng ông từ phút đầu.
Gã đàn ông cười gằn :
- Hừ ! Kính trọng. Tôi không cần em kính trọng. Tôi chỉ cần em yêu tôi, tôi chỉ cần chừng đó em hiểu chưa ?
- Nhưng tôi muốn trở thành một nữ văn sĩ, tôi không muốn trở thành một cô gái hư hỏng. Tôi đến đây để gặp các nhà văn, để giới thiệu tác phẩm của mình.
Quốc Sinh cười hộc lên, cắt ngang :
- Cô mơ ước viển vông quá cô Yên ạ. Tôi nói thật cho cô biết để cô khỏi mơ tưởng, là không ai thèm biết đến cô đâu. Dù cô có nói gì, dù cô có giới thiệu gì đi nữa thì cũng không ai nghe đâu. Tốt hơn cô nên ngoan ngoãn nghe lời tôi, may ra tôi sẽ giúp được cô…
Tôi muốn đấm vào bộ mặt nham nhở của gã. Nhưng tôi không làm thế được. Tôi chỉ biết quắc mắt :
- Im ông đi ! Tôi sẽ không cần ông nữa. Ông tồi lắm. Ông lợi dụng lòng tin của tôi. Tự tôi, tôi sẽ đi gặp những người đó. Bà Mai Văn đã biết tôi, và ông Mặc Uy rồi cũng sẽ biết tôi…
- Đừng có hòng, cô bé ơi ! Cô còn thơ ngây lắm. Cô nói bà Mai Văn biết cô và bà ta đã khen cô, đã khuyến khích cô chứ gì ? Tôi đã thuộc lòng hết những lời lẽ đầy cảm động, đầy chân tình mà bà ta đã từng trả lời. Nhưng bà không đọc một giòng văn nào của cô đâu. Và bức thư bà ta gởi cho cô thì bà ta cũng đã gởi cho hàng ngàn người khác.
Tôi cố cắn môi cho khỏi bật khóc. Sự thật có thể phũ phàng đến thế sao ? Bà Mai Văn, trời ơi ! Bao nhiêu là tin tưởng ! Tôi tin ai bây giờ đây ? Chung quanh tôi là dối trá, lừa lọc. Tôi chỉ còn sự cô đơn bao quanh…
Ánh mắt gã đàn ông bỗng long lên dữ tợn. Tôi sợ hãi thụt lùi gần đến cửa. Hai bàn tay to lớn của gã chờn vờn như muốn chụp lấy tôi. Tôi rú lên :
- Buông tôi ra ! !
Vừa hét tôi vừa đẩy mạnh. Bản năng tự vệ khiến tôi khỏe hẳn lên. Gã đàn ông loạng choạng. Thuận đà, tôi giật mạnh cách cửa và vọt nhanh ra ngoài. Tôi nghe tiếng gã nhào theo cánh cửa. Tôi đâm đầu chạy.
Ra đến lộ, tôi vẫy nhanh chiếc taxi và gieo mình xuống nệm xe. Tôi nói nhanh địa chỉ nhà dì Tân. Chiếc xe chồm lên, lướt nhanh trong sự mệt mỏi, chán nản tột cùng của tôi.
*
Sau một giấc ngủ vùi, tôi cảm thấy lấy lại sức khỏe, tươi tỉnh trở lại. Tôi đã có một quyết định. Tôi sẽ không đi dự buổi họp ngày mai nữa. Tôi sẽ trở về Đà Lạt, và tôi sẽ sống trở lại cuộc sống êm ả của mình.
Tôi đã chán chường những cuộc đuổi theo ảo ảnh. Nếu tôi có tài, hẳn là tôi sẽ nổi tiếng. Người ta sẽ biết đến tôi. Nếu không, tốt hơn tôi giữ cuộc sống bình thường của trăm ngàn đứa con gái ở lứa tuổi tôi.
Tôi nhất định không chạy chọt, cầu cạnh ai nữa. Tôi cũng sẽ không tin ai, những lời tán dương cũng như những câu phê bình độc ác. Tôi sẽ là tôi, sống cho tôi, không cần biến mình trở thành thần tượng nữa.
Hơn nữa, từ trong tận cùng tâm khảm tôi, tôi cảm thấy như có một cái gì thay đổi. Sự nhớ nhung, phải rồi. Tôi cảm thấy nhớ chú Sỹ, nhớ thật sự. Tôi chợt lo nếu tôi trở về Đà Lạt mà không gặp chú ?
Chợt dưng tim tôi đập rộn ràng khi nhớ đến gương mặt chú Sỹ. Gương mặt khắc khổ và dịu dàng, ánh mắt dửng dưng mà trìu mến. Tôi thèm được nép vào ngực chú, để bàn tay chú dịu dàng vuốt tóc tôi, để nghe giọng chú trầm ấm dỗ dành. Bên người đàn ông đó, tôi tìm thấy trọn vẹn sự bình yên, thoải mái.
Tôi nhớ đến những lần tôi đứng bên hàng giậu, cạnh chú Sỹ. Tôi tâm sự với chú những ước mơ của tôi, và những lần thất vọng làm tôi tràn nước mắt. Chú Sỹ an ủi dỗ dành. Chú cảm thông đến từng nỗi buồn vụn vặt của tôi.
Chắc chắn, mỗi lần tôi vắng mặt, chú Sỹ buồn lắm. Tôi đã đọc được niềm vui dâng tràn trong mắt chú mỗi lần tôi ở Sàigòn lên. Chú như muốn trách tôi, nhưng rồi chú lại dằn được. Tôi đọc rõ sự trách móc trên những cái nhăn mặt nhẹ nhàng của chú.
Mắt chú luôn luôn là một niềm đăm chiêu không dứt. Nhưng chú hay cười, và nụ cười khiến gương mặt hơi dài, dáng quí phái của chú rạng rỡ hẳn lên.
Tôi để ý nghĩ trôi trong hình ảnh chú Sỹ như thế không biết bao lâu. Về Đà Lạt kỳ này, tôi sẽ thành lập một trại chăn nuôi, và tôi sẽ nhờ chú Sỹ trông coi cho tôi. Có được một nếp sống bình thường bên cạnh chú Sỹ, tôi tưởng không còn gì hơn.
Tôi mỉm cười khi nghĩ là mình đã lớn, đã biết rung cảm trước người đàn ông. Chắc chắn đó là một nguồn rung cảm bắt nguồn cho tình yêu. Gương mặt chú Sỹ hiện chập chờn trong trí khiến tôi nao nao chỉ muốn mau đến ngày mai để về Đà Lạt.
- Chị Uyên ơi, ra coi ti vi đi ?
Tiếng Thủy gọi lớn. Tôi đáp :
- Thủy coi đi. Chị lười quá.
- Nhưng có trực tiếp truyền hình buổi đại hội các nhà văn nè.
Tôi ngồi bật dậy. Dù không đến đó thì mình cũng nên xem một chút. Tối nay có Mặc Uy nói mà.
Tôi bước ra phòng khách. Thủy nhường ghế cho tôi :
- Ngồi đây đi chị Uyên.
- Thủy để chị.
Tôi ngồi xuống. Tôi nhìn thấy trên màn ảnh nhỏ tất cả những gương mặt mà tôi đã thấy hôm qua. Tôi chợt cảm thấy tâm hồn lạnh băng, không còn một chút háo hức nào nữa. Họ, những người đã tự nhận là những nhà văn, thần tượng của thiên hạ, thật ra chỉ là những con người vị kỷ, tầm thường và đôi lúc hèn hạ. Tôi nhìn bà Mai Văn, phục phịch đi vào, toe toét cười và thấy không có chút thiện cảm nào với gương mặt bị thịt đó. Tôi thấy cả Quốc Sinh, và tôi lợm giọng khi nhớ đến những hành động khốn nạn của hắn.
Tôi nói với Thủy :
- Thủy ạ ! Nếu em đã từng hâm mộ một nhà văn nào thì em nên đứng xa mà nhìn, đừng lại gần họ, đừng tìm hiểu họ, đừng nhờ vả họ. Em sẽ thấy một sự thật tàn nhẫn và em sẽ mất đi tất cả những niềm tin. Em cũng không còn có thể nhìn thần tượng của mình bằng ánh mắt ái mộ nữa. Chỉ nên nhìn những nhà văn qua những thiên tiểu thuyết của họ trên báo thôi.
Mắt Thủy mở lớn. Tôi biết con bé đang ngạc nhiên khi nghe tôi đưa ra nhận xét đó. Nó lắp bắp :
- Nhưng chị cũng là một nhà văn ?...
Tôi lắc đầu :
- Không. Chị chỉ là một cô gái tầm thường, hiểu văn chương, yêu văn chương, nhưng không phải là nhà văn. Những người mến thương chị sẽ không phải thất vọng khi hiểu rõ con người thật của chị. Và đó là cái hạnh phúc vô giá của con người bình thường. Đừng nên làm người của đám đông khi mình không thể sống cho vừa ý tất cả mọi người.
Vừa lúc đó tiếng xướng ngôn viên trong đài giới thiệu :
- Thưa quý vị, nhà văn Mặc Uy đã đến.
Người đàn ông cao dong dỏng, tướng đi khoan thai, tiến vào thính đường giữa tiếng hoan hô vang dậy. Ông ta đi từ tốn, môi nở nụ cười.
Tôi chợt có cảm tưởng như mình vừa thu nhỏ lại, thật nhỏ để lọt hẳn vào trong chiếc ghế bành. Mắt tôi giương lên gần như muốn nứt khóe, như muốn thu gọn hình ảnh trên ti vi. Tôi dằn nén một tiếng kêu kinh ngạc : Người đàn ông mà xướng ngôn viên vừa giới thiệu là nhà văn Mặc Uy đó, không ai khác hơn là chú Sỹ, người đàn ông làm vườn, người bạn láng giềng ở Đà Lạt của tôi.
Chân tay tôi lạnh buốt. Một cảm giác vừa bâng khuâng vừa náo nức xâm chiếm hồn tôi. Tôi lịm người trong một sự thật ngoài dự tưởng !
Chú Sỹ là nhà văn Mặc Uy ? Có thể như thế sao ? Tôi như trên trời cao rớt xuống. Nhưng làm sao được, chính chú Sỹ đang hiện diện trước mặt tôi. Chú không thấy tôi, nhưng tôi thấy chú, rất rõ.
Suốt gần bốn mươi phút chú Sỹ thuyết trình, tôi ngồi yên trong tư thế bất động. Tôi nghe như uống từng lời nói dịu dàng, trầm ấm của chú Sỹ. Cử tọa im phăng phắc. Thỉnh thoảng, tràng pháo tay lại nổi lên rồi tất cả lại yên lặng nghe.
Khi Mặc Uy dứt lời, tôi muốn nói lại với Thủy “Những nhà văn thật sự là khi mà họ có lớp vỏ bề ngoài tầm thường, và không tỏ cho người ta biết mình là nhà văn. Họ sống cuộc đời bình dị, và họ không làm thất vọng những người yêu mến họ. Nhưng đó chỉ là một con số rất hiếm, và con số hiếm đó, chị đã được biết”. Nhưng rồi tôi không nói gì cả, sợ con bé lại cho mình lắm lời.
Thủy không ngớt lời khen Mặc Uy duyên dáng, giọng nói dễ thương. Và tôi bỗng dưng ngấm ngầm hãnh diện với chính mình.
11
Tôi nằm trong canapé. Cuốn sách rời khỏi tay tôi không buồn nhặt. Tôi lan man với nhiều ý nghĩ.
Từ hôm về Đà Lạt tới nay, tôi không ra khỏi nhà. Tôi sợ gặp chú Sỹ, đúng hơn là Mặc Uy. Tôi không biết mình nói sao với chàng khi gặp lại. Và tôi trốn luôn trong nhà, không dám ra hàng giậu.
Có tiếng chân người. Tôi quay lại và kêu lên :
- Mặc Uy !
Người đàn ông chùng chân lại, ngạc nhiên vì tiếng kêu của tôi. Nhưng rồi ông ta lại tiến đến.
- Sao lại Mặc Uy ? Chú Sỹ đây mà…
Tôi nhìn Sỹ trân trân. Đúng, đây là Sỹ của tôi. Chàng đang đứng trước mặt tôi với chiếc áo sơ mi ngắn tay quen thuộc, mớ tóc bồng bềnh và gương mặt thân yêu. Nỗi nhớ nhung đè nén chỉ muốn tràn ra khỏi cổ họng thành những lời nói say lòng. Nhưng tôi dằn lại. Sỹ nói :
- Uyên ! Sao không nói gì với tôi đi ?
- Anh Sỹ !
Tôi kêu lên, không còn dối lòng được nữa. Nước mắt ngập mi. Tôi gục đầu trong tay Sỹ. Chàng bàng hoàng rồi dang tay ôm lấy tôi.
- Uyên ! Sao em trốn anh mấy hôm nay ?
- Em sợ…
- Sợ gì ?
- Sợ anh cười em. Em đã coi thường anh trong khi anh mới chính thật là một người đáng quí. Anh là một nhà văn, anh là một nghệ sĩ, một thần tượng không phải chỉ trên báo chí, tiểu thuyết mà cả trong tâm hồn. Khi em cảm thấy nhớ anh, yêu mến tâm hồn anh, thì em chạm trán với sự thật. Anh không phải con người trong ý nghĩ của em lâu nay. Anh là… Mặc Uy. Anh là nhà văn. Bây giờ thì em mới hiểu một nhà văn thật sự phải như thế nào…
Sỹ nâng mặt tôi lên. Giọng chàng nhẹ như hơi thở :
- Anh giấu Uyên chỉ vì nói ra không ích lợi gì. Anh muốn mình hiểu nhau qua con người thật và tâm hồn thật của mình, không bị một lớp vỏ nào bên ngoài… nhưng thôi, bỏ chuyện đó đi. Ở đây chỉ có anh và em, Sỹ và Uyên… Uyên, em có biết anh nhớ em chừng nào không ? Anh nhớ muốn điên lên, đến nỗi không dằn được phải sang đây…
Tôi bật khóc vì sung sướng. Tôi nhìn gương mặt Sỹ và thấy chàng trẻ trung hơn bao giờ.
Chuông đồng hồ điểm 10 giờ sáng. Bên ngoài hàng giậu, nắng bắt đầu trải hồng khung trời Đàlạt.
Ý YÊN
_______________________________________________________________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét