Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

CHƯƠNG V_BÓNG NGƯỜI DƯỚI TRĂNG

CHƯƠNG V

Cuộc điều tra của nhà chức trách

Hôm sau, trong bữa ăn sáng, dượng Tư bảo Khôi, Việt : 

- Sáng nay có cháu nào rảnh giúp dượng một việc được không ? Chỉ cần một người thôi và cũng không mất bao nhiêu thì giờ. 

Khôi, Việt đưa mắt nhìn nhau. 

Cả hai đều khó nghĩ quá, vì ngày hôm nay họ đã tính trước bao nhiêu việc phải làm rồi. 

Trước hết họ cần gặp Dũng và Bạch Liên để báo cho hai người đó biết những việc đã xảy ra. 

Sau đó họ sẽ tiếp tục điều tra cho đến chiều, và rồi đến tối còn ra chỗ hẹn gặp Tuấn nữa. 

Như vậy họ làm gì còn thì giờ rảnh nữa. Nhưng khi dượng Tư đã nhờ thì không lẽ mà từ chối được. Bởi vậy Khôi đành nhặt một mẩu bánh, thò tay xuống dưới bàn. Khi đưa lên anh chìa hai tay nắm kín ra trước mặt Việt hỏi : 

- Tay nào có, tay nào không ? 

Việt chỉ nắm tay trái : 

- Tay này có ! 

Anh đã đoán sai, vì mẩu bánh Khôi nắm trong tay phải. Như thế có nghĩa là Việt phải lãnh công việc dượng Tư muốn nhờ. 

Anh nói :

- Thưa dượng, có việc gì để cháu làm. 

Dượng Tư cười bảo : 

- Dượng nhờ cháu đem đôi bò qua bên trại của bác Hai soạn để cho bác ấy mượn ít ngày. Khi về, bác Hai sẽ trao cho cháu một cái bọc cầm về cho dượng. Có thế thôi, cháu đi ngay hộ dượng. 

Công việc chẳng có gì khó, nhưng quả tình không hứng thú chút nào. Trại của ông Hai Soạn cách đây chừng hai cây số. Việt có thể đem theo xe đạp để khi trở về cho chóng. 

Khôi theo Việt xuống chuồng bò, dặn bạn : 

- Tớ ra ngoài lều gặp bọn Dũng và Bạch Liên. Cậu cố gắng thi hành công tác của dượng Tư cho lẹ rồi ra ngay đấy nhé. 

Việt gật đầu, lẳng lặng lùa cặp bò lên đường. Anh dắt chiếc xe đạp và đem theo con Vện, để nó giúp anh dồn thúc cặp bò đi trật tự trên đường. 

Cuộc hành trình thật chậm chạp, vì đôi bò luôn luôn ngừng lại, đứng gậm cỏ bên đường. Nhưng rồi cũng tới nơi. Bác Hai Soạn dẫn Việt đưa bò vào chuồng. Bác Hai nhỏ người, xương xẩu, không mập mạp phì nộn như dượng Tư nhưng tánh tình cũng dễ dãi vui vẻ như thế. 

Cũng như mọi người trong vùng, bác có biết tin vụ trộm ở nhà bà Hương Mỹ và tức tối bảo Việt: 

- Bác mà bắt được tên trộm đó, thế nào bác cũng đập cho nó mấy gậy. Thật không có gì khốn nạn bằng lấy trộm của một người đàn bà goá bụa, già lão như bà Hương ! Phải không cháu ? 

- Dạ ! 

Việt mong chóng xong việc để về gặp các bạn. Bác Hai đưa cho Việt một gói vuông dặn : 

- Cháu mang gói này về cho cẩn thận, trong gói có mấy cái bọng ong của dượng cháu đó. Cầm nhẹ nhẹ kẻo bể mất nghe cháu ! 

Việt cảm ơn, chào bác Hai rồi lên xe. Anh đạp chầm chậm, một tay ôm cái gói. Việt rất thích những tổ ong của dượng Tư. Những đàn ong hàng ngàn con luôn luôn bận rộn vào những công việc riêng trong cái vương quốc nhỏ bé của chúng. Tiếng ong vo ve tấp nập cả một góc vườn. Mỗi lần tới chỗ dượng Tư nuôi ong , Việt chỉ dám đứng xa nhìn lại, vì sợ ong chích. Nhưng dượng Tư thì không coi sao cả, có khi ong bám cả trên mặt dượng mà không việc gì. Cũng như mọi sinh vật khác, loài ong nếu được chăm sóc tử tế không làm hại ai bao giờ. 

Đó là một trong những điều Việt học hỏi được trong các ngày nghỉ ở vùng quê. Nếu gia đình Việt cũng có một trang trại ở gần đây, thì Việt sẽ có thể giúp ích ba má rất nhiều với những điều hiểu biết của mình. Mộng ước có trại riêng làm Việt hứng khởi. Anh cất tiếng hát một bài ca vui và quên hết mọi chuyện khác, quên cả các bạn đang chờ, lẫn vụ trộm ở nhà bà Hương Mỹ. 

Giữa lúc Việt vừa xuống xe ở sân ấp thì dượng Tư cũng ló đầu ra cửa sổ gọi : 

- Việt, cháu vào ngay đây dượng bảo. 

Việt ngạc nhiên nhìn dượng Tư. Giọng nói của dượng nghe nghiêm khắc khác hẳn mọi khi và nét mặt của dượng không tươi cười như trước. Chắc hẳn có điều gì không xong rồi đây. 

Việt vội bước vào nhà. Dượng Tư ngồi trước bàn., đối diện với dượng là thầy Bách, nét mặt lầm lì nghiêm trọng. 

Việt đặt gói bọng ong trên bàn, nhìn thầy Bách phân vân không hiểu thầy tới đây có chuyện gì. Dượng Tư tằng hắng cho thông cổ họng rồi nói : 

- Cháu Việt, thầy Bách đậy vừa cho dượng hay một việc mà dượng không hiểu gì cả. Hình như tối hôm kia, đúng vào đêm bà Hương Mỹ mất trộm,có người đã trông thấy Khôi và cháu ở ngay bờ lạch. Lúc ấy vào quãng nửa đêm, giờ các cháu đi ngủ cả rồi.Dượng nhớ đêm hôm ấy hai cháu không có xin phép dì dượng đi đâu cả. Vậy sao lại có chuyện lạ như thế được ? 

Việt đứng lặng người đi một lúc. Anh hiểu ngay tình thế và cố trấn áp bối rối. Đêm ấy chỉ có hai người gặp bọn anh : Lê Vinh và Chín Đầu Bò. Trong hai người ấy tất phải có một người đã nói ra! 

Lấy lại bình tĩnh Việt trả lời : 

- Thưa dượng, tối hôm ấy cháu và Khôi không dám xin phép dì dượng nhưng có ra ngoài chơi ban đêm thật. 

Anh nhìn thầy Bách hỏi : 

- Xin thầy cho biết ai đã nói với thầy ? 

Viên công an quận gằn giọng nói : 

- Điều này cậu không được phép hỏi; cậu trả lời ngay cho tôi biết các cậu ra ngoài làm gì đêm hôm ấy ? 

- Chúng em không làm gì cả ! Thấy trăng đẹp… và không ngủ được nên… chúng em ra dạo chơi một lát… 

- À, các cậu đi chơi ! Mọi khi hễ cứ không ngủ được các cậu cũng đi dạo như thế này chứ ? 

Việt liếc nhìn sang dượng Tư, đáp : 

- Không ạ. Đây là lần đầu chúng em ra ngoài ban đêm. 

- Lần đầu ! Mà các cậu có thẳng đường lên quận không ? 

- Dạ không, chúng em đi dọc bờ lạch nước… 

- Cậu nói chỉ đi chơi thôi ! Giũa nửa đêm các cậu lén nhà đi chơi như thế, kể cũng lạ thực ! 

Thấy nhổm người về phía trước, đột ngột hỏi : 

- Chỉ có thế thôi, hả ? Các cậu có gặp ai không ? 

Vẻ doạ nạt của thầy Bách làm Việt hoảng sợ. Nhưng anh nhất định giữ kín về người lạ mặt và cuộc đối thoại giữa người ấy với Chín Đầu Bò đêm hôm ấy. Anh nói : 

- Thưa thầy, chúng em gặp hai người : thằng Chín Đầu Bò và người thanh niên có chiếc xe hơi hai mã lực tên là Lê Vinh. 

Dượng Tư từ nãy giờ vẫn ngồi im, chợt hỏi : 

- Thằng Chín nó đi đâu giờ ấy ? 

Thầy Bách đáp : 

- Nó đi đơm cá. Tôi sẽ kiểm lại lời khai của nó có đúng không ! Còn người thanh niên có chiếc xe hơi tôi sẽ cho điều tra. 

Quay sang Việt, thầy hỏi tiếp : 

- Cậu chỉ gặp có hai người đó thôi, không thấy ai khác nữa ? 

- Vâng. 

Thầy Bách đứng lên : 

- Được. Tạm thời như thế là đủ. Nhưng tôi nói trước cho cậu rõ, tôi chưa tin ở lời khai của cậu đâu. Nếu có điều gì gian dối các cậu sẽ chịu hậu quả. 

Đôi mắt thầy soi mói nhìn thẳng vào mắt Việt, rồi quay lại dượng Tư, thầy bảo : 

- Có điều lạ là hai chú nhỏ này lẻn đi chơi đúng vào đêm nhà bà Hương Mỹ bị mất trộm. 

Việt mở to đôi mắt kinh ngạc nhìn thầy Bách : 

- Sao, thầy nghi cho chúng em đã lấy cắp những thứ ở nhà bà Hương ư ? 

- Chưa biết, tôi còn điều tra. 

Nói đoạn thầy Bách đi ra. Nhìn ra cửa sổ, Việt thấy thầy lên xe đạp chầm chậm ra cổng. Việt quay lại dượng Tư lúc ấy đang chú mục nhìn mình. Anh nói : 

- Thưa dượng, chắc không đời nào dượng nghi cho chúng cháu lên ăn trộm ở nhà bà Hương ! 

- Phải, dượng Tư đáp, dượng biết Khôi và cháu không khi nào làm bậy như thế. Nhưng thầy Bách có quyền nghi ngờ tại vì các cháu đã lén nhà đi chơi vào buổi tối mà không xin phép. Dượng muốn biết các cháu đi đâu đêm ấy và có chuyện gì. 

Lời nói điềm đạm của dượng Tư làm Việt yên lòng. Anh thuật lại cho dượng nghe gần hết đầu đuôi, chỉ không nói rõ về người đàn ông lạ mặt, vì ngại dượng sẽ nói lại với thầy Bách. 

Nghe xong, dượng Tư lắc đầu mỉm cười : 

- Dượng biết tuổi các cháu hay nghịch ngợm và ưa mạo hiểm tìm tòi những điều bí mật. Nhưng tội của các cháu lén nhà đi chơi ban đêm mà không xin phép dì dượng cũng đáng phạt lắm. Vậy bắt đầu từ ngày mai, để các cháu khỏi rảnh rỗi tay chân, dượng bắt buộc các cháu theo thợ ra bãi trồng khoai bắp với họ mỗi buổi sáng cho tới khi nào xong mới thôi. Khi ấy dượng sẽ có việc khác cho các cháu làm nữa nghe không ? 

- Thưa dượng, vâng ! 

- Thôi được, bây giờ cháu có muốn tìm Khôi và các bạn thì cứ đi. Nhưng đừng có về trễ bữa cơm mà dượng không bằng lòng đó. 

Việt ra tới chỗ các bạn tụ họp thì đã thấy Khôi, Dũng và Bạch Liên đang nóng lòng chờ đợi. 

- Sao lâu thế ? Chúng tớ đang mong cậu. 

Việt ngồi xuống hổn hển bảo Khôi : 

- Cậu đã kể cho Dũng và Bạch Liên biết rõ cả chưa ? Có chuyện rắc rối lắm. 

- Nói rồi, nhưng làm sao ? Có chuyện gì rắc rối ? 

- Thầy Bách vừa mới gặp dượng Tư hỏi tụi mình đêm qua lẻn nhà đi đâu. Thầy ấy nghi mình nhúng tay vào vụ trộm nhà bà Hương Mỹ. 

Khôi sửng sốt kêu : 

- Trời ! 

Việt thuật lại rõ ràng cuộc hạch hỏi của thầy Bách và hình phạt của dượng Tư bắt phải ra bãi trồng đủ mấy mẫu khoai. 

Khôi khổ sở ra mặt. Anh không ngờ viên công an quận lại có thể nghi ngờ cho anh và Việt như thế. Lặng đi một lát, Khôi mới nói : 

- Tớ muốn biết ai đã nói với thầy Bách là bọn mình đi chơi đêm ấy. Hẳn chỉ có thằng Chín Đầu Bò, hoặc Lê Vinh. 

Bạch Liên nói : 

- Liên chắc không phải Lê Vinh đâu ! 

Khôi đáp : 

- Rất có thể vì xem bộ Lê Vinh bí mật lắm. Nhưng đúng hơn có lẽ là thằng Chín Đầu Bò. 

Dũng nêu ý kiến : 

- Biết đâu thằng Chín chẳng nhúng tay vào vụ này, nên mới nói với thầy Bách có gặp Khôi Việt để làm lạc hướng vụ điều tra. 

Khôi lộ vẻ bứt rứt : 

- Bây giờ chỉ có một cách là làm sao tìm ra chiếc bao bố mà người đàn ông đã trao cho thằng Chín. Chúng mình phải cố tìm mới được. 

Việt thắc mắc : 

- Bọn chúng mình chẳng làm gì được trước khi gặp Tuấn. Hắn hẹn tối nay sẽ ra đây, nhưng bọn mình đừng hòng lẻn đi nữa, vì dượng Tư đã cấm rồi. 

Khôi thở dài : 

- Ừ nhỉ ? 

Anh thấy không còn phương thế nào nữa. Tuy nhiên anh vẫn ngờ cho thằng Chín đã giấu cái bao bố bí mật ấy trong vườn nhà Tuấn, vẫn hy vọng nhờ sự giúp đỡ của Tuấn. 

Khôi nói : 

- Nếu vậy, ta đến gặp Tuấn ngay bây giờ. May ra có hắn trong vườn thì kêu hắn lại bờ giậu, nói cho hắn biết. 

Bạch Liên gật đầu : 

- Phải đấy, Liên cũng đang muốn biết mặt mũi Tuấn ra sao. 

Dũng nói : 

- Chúng mình chẳng cần kéo cả bọn đến nhà Tuấn làm gì. Nên chia nhau đi tìm chỗ khác nữa, chẳng hạn những hang hốc quanh đây, nơi thằng Chín thường đơm cá trộm. 

Ý kiến của Dũng được cả bọn tán thành. Việt cùng Bạch Liên đến nhà Tuấn. Còn Khôi với Dũng dắt con Vện vào các bờ bụi tìm kiếm. 

Trên đường đến nhà Tuấn, Bạch Liên hỏi Việt: 

- Tuấn thế nào hở Việt ? 

- Đàng hoàng lắm, Việt đáp, Tuấn chơi với bọn mình được. Chỉ hiềm ông cha nuôi của Tuấn quá nghiêm khắc. 

- Thế còn thằng Chín Đầu Bò, Việt có chắc nó là thủ phạm trong vụ này không ? 

Việt lắc đầu : 

- Không chắc có phải hắn. Nhưng có lẽ hắn tòng phạm với người đàn ông kia. 

- Còn Lê Vinh, chẳng lẽ người như anh ta mà lại đi ăn trộm sao ? Nghi cho anh ta thật là bậy ! 

- Thì toàn là những nghi vấn cả. Cũng như thầy Bách đã nghi cho Khôi với Việt. 

Bạch Liên gật đầu : 

- Dĩ nhiên, có đời nào Khôi Việt lại làm như thế. 

Lời nói của Bạch Liên làm Việt đỡ băn khoăn. Thực không gì áy náy bực tức cho bằng bị người ta gán cho mình cái tội xấu xa nhất là tội ăn cắp. 

Qua hết con đường mòn, đôi trẻ tới hàng rào nhà Tuấn. Vạch rào nhìn vào, không thấy có ai trong vườn. Phải chờ một lúc lâu, mới nghe có tiếng nói. Để ý nhìn, Việt thấy có hai người : một người là cha nuôi của Tuấn, còn người kia là một thiếu nữ trẻ đẹp. Thiếu nữ mặc chiếc áo màu tươi vừa đi vừa trò chuyện với cha nuôi của Tuấn. Họ tiến về phía hàng rào, chỗ Việt và Bạch Liên đứng nấp bên ngoài. 

Việt nghe rõ tiếng ông già nói : 

- Mỹ Dung ạ, ba nghĩ con không nên lo cho thằng Tuấn. Một ngày kia, con sẽ có con và rồi con sẽ hiểu. Ba có trách nhiệm nuôi thằng Tuấn, nên ba phải lo cho tương lai của nó. Con trách ba quá nghiêm khắc với nó, nhưng là để cho nó nên người. 

Việt hiểu ngay thiếu nữ đó là ai, Tuấn đã nói nhiều về nàng. Mỹ Dung thong thả đáp : 

- Thưa ba, con cũng biết ba làm như thế là phải, song con thiết tưởng Tuấn hãy còn nhỏ mà ba cấm đoán nó quá cũng tội nghiệp. Tuổi nó cần được chơi nhởn như những đứa trẻ khác và… 

Giữa lúc ấy thì Bạch Liên vì đứng sát hàng rào bị những lá găng cọ vào mũi, nên buồn hắt hơi. Cố nhịn nhưng không được, Bạch Liên bịt miệng : 

- Hắt xì ! 

Cha con Mỹ Dung đi cách xa hàng rào có mấy bước vội quay lại. Ông già hỏi : 

- Cái gì thế ? 

Hình như Mỹ Dung thoáng thấy đôi trẻ nên nàng bảo cha : 

- Chắc có con chó ngoài hàng rào. Ba để con lại coi… 

Và Mỹ Dung bước thẳng tới chỗ đôi trẻ đứng nấp. 

Việt toan kéo Bạch Liên chạy trốn, nhưng bỗng ngừng lại, vì thấy Mỹ Dung nháy mắt mỉm cười, rồi giả bộ nói : 

- Xì, chó con, làm gì đó mày ! 

Việt rụt cổ lại, cố nhịn cười : Rõ ràng Mỹ Dung không thể nhầm Việt là con chó được, và Việt hiểu ngay nàng muốn che chở cho các bạn của Tuấn. 

Nàng đến gần khẽ nói : 

- Tuấn đang ở trong nhà. Tối nay Tuấn sẽ ra chỗ hẹn, nếu có thể. 

Đoạn nàng cao giọng : 

- Chó con, đi chỗ khác ! 

Việt mỉm cười gật đầu : 

- Cám ơn chị. 

Rồi kéo Bạch Liên lảng ra chỗ khác. Đi một quãng xa Bạch Liên mới cười ngặt nghẽo 

- Kỳ quá, lúc nghe chị ấy kêu mình là chó, Liên muốn sủa lên mấy tiếng ! 

Việt băn khoăn : 

- Gặp được Tuấn thật khó ! Không biết phải làm cách nào bây giờ ? 

Cả hai trở về đường cũ thì cũng vừa gặp Khôi với Dũng. Khôi nói : 

- Bọn này sục sạo khắp nơi không tìm thấy gì cả. 

Việt đáp : 

- Bọn này cũng vậy, không gặp được Tuấn. 

Nghe Việt kể lại đầu đuôi, Khôi bứt tóc càu nhàu : 

- Uổng quá, sao không nhắn chị Mỹ Dung nói hộ với Tuấn ? 

Việt cãi : 

- Nói không được vì ông già đứng ngay gần đó. 

Khôi quay sang cự Bạch Liên : 

- Chỉ tại cô, nhè ngay lúc đó mà hắt hơi ! 

Bạch Liên sịu mặt : 

- Tại mấy cái lá găng chứ tại gì Liên. Nó cọ vào mũi Liên nhột muốn chết, nhịn không được ! 

Khôi thở dài : 

- Thế là hết hy vọng, chẳng còn cách nào nữa ! Từ ngày mai bọn này cũng hết cựa quậy vì bị dượng bắt đi trồng khoai rồi. 

Dũng bàn : 

- Để mai tớ gặp Tuấn cho được không ? 

Khôi nhảy lên : 

- Trời, ý kiến hay quá. Nhưng cậu còn mắc nhiều việc… 

- Không sao, tớ sẽ gắng làm cho xong trước khi đi gặp Tuấn; tớ sẽ nói cho hắn biết ý định của mình rồi sẽ trở về ngay. 

- Cậu nhớ bảo hắn nếu tìm thấy chiếc bao bố thì viết mấy chữ để lại trong lều và đừng quên nhắc hắn là tớ với Việt mong gặp hắn lắm. 

- Được rồi, Dũng đáp. Thôi bây giờ chúng mình giải tán đi. Tớ còn phải về lo việc nhà hầu mai có rảnh mà đi gặp Tuấn.
________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét