Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

CHƯƠNG 3_PHƯỢNG

3

Những tiếng xì xào im bặt hẳn khi Đăng bước vào lớp. Mấy khuôn mặt thoáng nhìn lên rồi lại cúi gầm xuống cuốn vở đã mở sẵn. Đăng bước thẳng lại bàn. Các học sinh lần lượt đứng dậy.. Đăng bảo : 

- Các em ngồi xuống. 

Âm thanh đồng lượt kéo dài. Đăng ngó quanh tìm miếng giẻ lau bảng và thật tình cờ, Đăng thấy cô gái – cô học trò của chàng. 

Phượng nhìn chăm chăm ông thầy dạy thực tập hôm nay trong khi Liên nói khẽ bên tai : 

- Ông này khó dàn trời mày ơi ! 

Phượng không để ý đến lời bạn. Cô nhớ mình có gặp ông thầy một lần. Ở đâu nhỉ, mà không phải là tại lớp này bởi vì hôm kỳ trước Đăng dạy thực tập thì Phượng nghỉ, không đi học. Hôm đó cô bị ốm. Và rất nhanh Phượng nhớ ra. Đây là chàng thanh niên đã nhìn Phượng chăm chú lần cô vào thương xá mua quà sinh nhật cho Trâm. Bốn mắt họ gặp nhau, thật nhanh dừng lại và chợt lảng xa, như một tình cờ bắt gặp nào đó phải được lãng quên. Như một cơn lốc nhỏ nào đó vừa dấy lên đã vội vụt tắt. 

Cái nhìn của thầy làm Phượng bối rối cúi xuống. Đăng nhủ thầm : “Ra là cô bé này, lại là học trò mình”. Cô bé mà một lần thoáng gặp Đăng đã dành nhiều cảm tình cho cái vẻ lạnh và hơi kiêu của cô. Lời giảng bài đột nhiên rời rạc trên môi Đăng. Anh bước xuống bàn Hoa. Cô gái đang mơ mộng nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài khung cửa là tàng cây phượng vĩ đã già cỗi mỗi năm vẫn còn đơm bông để báo hiệu mùa chia tay. Ngôi trường cũ kỹ nhưng đẹp. Đăng dùng cây thước đập khẽ vào mặt bàn Hoa. Cô gái giật mình nhìn lên. Thấy Đăng, cô bẽn lẽn nhìn vào tập che giấu phút giây mơ mộng vừa qua. 

Trong tia nhìn xa vời đó, Hoa đã thấy gì ? Mộng đời của một cô gái đương thì, hẳn là phải đẹp. Và trong vô thức của Hoa, như bất cứ cô gái nào khác, từ thuở nào đã in hình ảnh của một vị hoàng tử của lòng. Đó là một điều mơ ước muốn đạt được. Trong tâm hồn của Hoa, hình ảnh đó đã có, và chàng đã đến. Nhưng cô bé không dám nhìn vào sự thật. Cô sợ. Nếu sự thật đúng như mình mong thì thật là ngoài sự tưởng tượng của cô, như chuyện hoàng tử và cô bé lọ lem. Hùng tự dưng tìm đến, bằng phong cách đối xử thật là lịch sự, bằng những cử chỉ hào hoa, làm rung động tâm tư cô bé mười bảy. Hoa thấy đời chỉ nở những đoá hoa hồng nhung mà mầu hương ngan ngát làm mình ngây ngất. Dù Hùng chỉ đến thăm, một lần. Nhưng anh mang theo cả một trời mơ đúc kết từ thủa biết suy tưởng. Hoa dẫm chân lên một con đường mới, thật lạ, đầy phiêu lưu mà cô không thể biết cuối đường là những gì chờ đợi mình. Một hạnh phúc thực thụ hay chỉ là ảo tưởng của cơn mơ được hình thành qua hình ảnh trong mơ ? Hoa không dự đoán được nhưng cô đã thấy hạnh phúc vì cô đã sống thực được cho mình. 

Đăng chiếu tia mắt tinh nghịch nhìn cô em của bạn. Hoa thật dễ thương. Anh nghĩ sau này cậu nào có phước lắm mới vớ được cô bé. Đảm đang, giỏi dắn, Hoa thật hoàn toàn. Rồi Đăng lại nhìn qua Phượng. Một ý tưởng đến nhanh trong Đăng, anh muốn chinh phục cô gái này. Ngay tia nhìn đầu, Đăng đã có mỹ cảm với Phượng. Cô thuộc loại người mà Đăng đã có sẵn hình ảnh trong tiềm thức. Nhưng đồng thời với khuôn mặt dễ thương đó là một sự kiêu kỳ thể hiện ngay cả trong cử chỉ. Đăng nhún vai nhẹ, bước trở lên bục gỗ. Anh nhớ lời người bạn thân “Con gái thuộc loại kiêu kỳ thì tên nào nghèo rớt mùng tơi cỡ như tụi mình là nên có đường de sớm cho được việc”. Đăng nghe một chút xót xa thoáng qua rồi anh gạt phắt đi. Bây giờ không phải là khoảnh khắc để suy tư. Bây giờ là thời gian của bổn phận. Anh trở lại nhanh chóng cương vị của một thầy giáo. Tan trường, Đăng bước vội về phía phòng giáo sư. Đằng sau lưng anh, thấy tiếng ồn ào của đám học trò thu xếp sách vở lục tục kéo nhau ra ngay sau bước chân giáo sư. Khi Đăng đẩy chiếc Honda cũ kỹ ra và bắt đầu đạp máy, Đăng thấy Thành cũng vừa trờ tới. Chắc là đến chở Hoa. Thấy Đăng, Thành vẫy lại : 

- Vui không mày ? 

Đăng buông thõng : 

- Mệt. 

Vừa lúc đó Hoa và các bạn ra tới. Cô bé sững sờ nhìn ông bạn của anh, ông bạn lôi thôi lếch thếch thường ngày vẫn đến nhà chơi, và cô đã gọi bằng anh. Rồi vẫn ông bạn đó, bây giờ, bước vào lớp với cương vị giáo sư, dù là một giáo sư đang thực tập, và cô đã phải gọi bằng thầy. Đăng hiểu sự lúng túng của Hoa. Anh cười : 

- Gì mà ngẩn ra vậy ? 

Hoa cũng cười : 

- Thầy ạ. 

Đăng kêu lên : 

- Thôi nhé, cho tôi trả hai tiếng đó lại cho lớp đi. Rồi quay qua Thành, Đăng bảo : 

- Thôi tao về mày. Đứng đây ghê quá đi mất. Tụi học trò nhìn tao như muốn ăn tươi nuốt sống. 

Thành đập vai bạn : 

- Mày lúc nào cũng đùa được. 

Hoa thêm : 

- Tại anh khó quá. 

Đăng rồ máy, giọng cười của anh vương lại. 

Hoa ngồi lên yên xe : 

- Anh Đăng khó ghê nơi, trong lớp em tụi nó kêu quá trời. 

Thành bảo : 

- Vậy hả. 

Và anh đưa xe ra mặt lộ. Đường trưa nắng chang chang, mặt lộ loang loáng ánh nhựa. Mấy tàng cây trồng dọc hai bên đường không đủ che một phần ánh sáng gay gắt. Hoa cúi nép sát người trên lưng anh mà nắng hình như vẫn không buông tha cô. Tia mặt trời làm hồng đôi má dậy thì. 

Ở một ngã tư kẹt đèn đỏ, Hoa bất chợt quay lại, có cảm giác như có ai đang nhìn mình và thật bất ngờ, Hoa thấy Hùng. Hùng đang lái xe, trên xe là Trâm và… Phượng. Hoa nghe nhói đau trong lồng ngực, cảm giác không diễn tả được. Cô bám nhẹ tay vào lưng anh dường như nếu không làm như thế, cô sẽ ngã xuống. Thành kêu lên : 

- Em làm sao vậy ? 

Hoa lắc đầu : 

- Dạ có sao đâu. 

Thành gắt : 

- Có mà, anh tưởng em sắp té. 

Hoa giải thích dối : 

- À, tại em vướng cái cặp. 

Vừa nói cô vừa làm bộ sửa một tư thế ngồi thích hợp. Mắt Hùng nhìn Hoa như một lời tha thiết nhưng hành động hôm nay của Hùng đã phủ nhận tất cả. Phải rồi, Hoa nghe mình tủi thân. Phượng đẹp, Phượng giàu, Phượng có tất cả. Còn Hoa, cô bé không là gì cả.. Như vậy thì điều mình mơ ước đôi khi là một sự không thể đạt tới. 

Về đến nhà, Hoa nhảy xuống xe, xách cặp lủi thủi đi thẳng vào nhà dưới.. Thành để ý thấy thái độ bất thường của em nhưng chưa nói gì. Mâm cơm được dọn ra như thường lệ nhưng chén của Hoa từ đầu đến cuối bữa vẫn còn đầy. Thành bước lên nhà, anh định tối nay có dịp sẽ hỏi em. 

Buổi tối, cả nhà đã đi ngủ chỉ còn hai anh em ngồi học trên nhà. Thành lục đục tìm hộp viết chì màu để vẽ lại mấy mẩu đá. Hoa ngồi đối diện ghế của anh, mắt đăm đăm nhìn ra trời đêm. Con hẻm buổi tối thật yên tĩnh. Hoa nhớ một lần vào buổi trưa Hùng đã đến, dáng anh cao sừng sững trước hiên nhà. Đột nhiên Hoa muốn gục đầu xuống bàn nhưng cô bé ngại anh Thành chắc chắn sẽ không để yên đâu. 

Thành kéo ghế ngồi xuống. Hoa cắm cúi học, những dòng chữ cố gắng cho chạy vào trí não. Chợt Thành hỏi, tiếng anh vang lên trong đêm tối : 

- Hoa, hôm nay có chuyện gì thế ? 

Hoa ngẩng lên nhìn anh. Một thoáng lo sợ đến cuống quít trong mắt Hoa. Anh Thành biết tất cả cảm nghĩ của cô rồi sao ? Hoa lắc đầu : 

- Dạ không, có sao đâu anh. 

Thành lật lật trang sách : 

- Anh thấy em có vẻ làm sao ấy. 

Hoa vén tóc trả lời : 

- Dạ không, chắc tại em hơi nhức đầu. 

- Nhắc má mua thuốc cho mà uống nghe. Dạo này anh thấy em có vẻ mất sức quá đó.. Học cho lắm vào. Anh thấy em không cần cố gắng nhiều lắm cũng vẫn có thể đậu năm nay. 

Hoa cười gượng : 

- Anh nói thế, chứ em vẫn lo lắm. Lỡ như mà hỏng năm nay thì thật không biết nói sao. 

Hoa cảm động về sự lo lắng của anh. Cô thấy tình thương của Thành dành cho mình nhiều quá, một người anh mà lo cho em đến như Thành là nhất rồi. Hoa không bao giờ đua đòi, cô không tủi phận nhưng kể từ lúc nhìn thấy Phượng ngồi trong xe với Hùng, Hoa nghe một nỗi buồn man mác chiếm ngự thâm tâm. Đêm sâu và lạnh. Sàigòn dạo này thời tiết thay đổi một cách khá bất thường không biết đâu là đâu. Nhiều khi buổi sáng mưa mà chiều nắng gay gắt. Hoa thở dài khi thấy qua khung cửa sổ, một vì sao băng xẹt ngang trên nền thăm thẳm. Hoa ngỡ như có một linh hồn nào vừa vĩnh viễn ra đi. Hoa nhớ, thuở nhỏ khi bà ngoại còn sống, bà ngoại vẫn thường bảo với Hoa là khi nào nhìn lên nền trời mà thấy một ánh sao băng là lúc đó có một người chết. Hoa đâm ra sợ, và từ đó, câu chuyện trở thành một ám ảnh trong Hoa. Cô nghe rùng mình. Nhưng cô bé yên tâm khi thấy anh mình vẫn còn ngồi đó và đang chăm chú học.


*


Bà Thoa đẩy nhẹ cửa phòng con gái, bước vào. Tiếng kẹt cửa làm Phượng đang ngồi nơi bàn học giật mình quay lại. Bà Thoa bảo con : 

- Phượng, khuya rồi sao con chưa đi ngủ ? 

Phượng vươn hai vai, nỗi mệt mỏi hiện đến trong mắt sau câu nói của bà mẹ. 

- Con đang học bài. 

Giọng bà Thoa đượm vẻ không bằng lòng : 

- Thôi, học vừa vừa chớ, học gì mà khuya dữ vậy. Giờ này mà con chưa đi ngủ thì đợi giờ nào mới đi. Thức cho lắm vô rồi mai mốt đến gần ngày thi thì lại quỵ. 

Phượng đứng bật dậy đến bên mẹ : 

- Còn có chút xíu thôi má à, con đi ngủ bây giờ. Má có chuyện chi không má ? 

Bà Thoa gật đầu : 

- Má có để chè trong tủ lạnh cho con đó. Chút nữa trước khi đi ngủ nhớ lấy ăn đi nghe. 

Phượng dạ và bà mẹ bước ra. Cánh cửa phòng khép lại, trả cho Phượng thế giới riêng tư của cô. Phượng chống tay lên cằm, mơ mộng. Hình ảnh Hùng hiện ra trong tâm tư. Tuy không nói nhưng Phượng đã thầm cảm mến Hùng thật nhiều. Hùng là một mẫu con trai mà tất cả các cô gái đều mơ ước. Phượng thấy Hùng chăm sóc mình, nhưng cô vẫn không hiểu thực tình Hùng đối với mình như thế nào, và cô có đặt đúng tình cảm của mình hay không ? Hùng đối với Phượng, cũng như đã đối với Trâm, thế thôi. Phượng không thấy có gì đặc biệt, nhưng Phượng hãnh diện khi ngồi trên xe cạnh Hùng. Người khác nhìn vào đó sẽ thấy Phượng xứng đáng ở địa vị đó. 

Hình ảnh ông thầy thực tập thoáng hiện trong đầu óc của Phượng. Phượng nhớ lần đầu bắt gặp ánh mắt của Đăng, Phượng cũng nghe một chút gì xao xuyến. Nhưng bây giờ thì cái xao xuyến đó lắng dịu xuống mất rồi. Phượng biết một điều là Đăng tay trắng, gia đình Đăng không danh giá gì và Đăng sống lôi thôi lếch thếch. Chính những điều biết được đó đã dập tắt cảm tình đối với Đăng mà Phượng cảm thấy đã nhen nhúm một cách bất ngờ trong tâm tư mình. Nhưng Phượng cố tình dập tắt. Không, Phượng không thể như thế, tầm thường để đi làm người yêu của một anh sinh viên nhà giáo nghèo nàn luộm thuộm. Phượng sinh ra không phải là để sống khổ. Phượng sinh ra là để được thụ hưởng. Căn bịnh vẫn còn hành hạ nội tâm cô gái nhưng niềm vui làm Phượng quên đi được phần nào. 

Mỗi ngày qua Phượng chờ đón sự thú nhận một cảm tình nào đó nơi Hùng nhưng vẫn không thấy gì cả. Biền biệt. Bài vở gần đến ngày thi đã nhiều rồi. Phượng chợt thở dài.


*


Đăng bước vào nhà. Hoa đang lui cui dưới bếp chợt thấy có bóng người trên nhà. Cô chạy lên : 

- Anh ạ ! 

- Ừ, Hoa. Có Thành ở nhà không ? 

Hoa lắc đầu : 

- Dạ, anh Thành đi học từ hồi trưa, ảnh thực tập chiều nay đó anh. 

Đăng gật gù : 

- Ừ, anh quên là chiều nay thứ tư. 

- Anh có cần gì để lát anh Thành về, em nhắc ảnh lại đằng anh. 

Đăng lắc đầu : 

- Thôi khỏi. Anh cũng không định đến gặp Thành. Tính gặp Hoa nhờ Hoa chút việc. 

Hoa ngạc nhiên. Cô chợt nhớ là mình chưa mời khách vào nhà. 

Hoa bước tránh nhường lối cho Đăng. 

- Anh vào nhà chơi. 

Đăng bước vào. Căn nhà thật giản dị, đơn sơ nhưng sạch sẽ. Hoa bảo : 

- Anh ngồi chờ em pha nước. 

Đăng khoát tay : 

- Thôi, Hoa cho xin đi. Cô để anh tự nhiên một tí chứ. Cứ đến nhà cô là cô khách sáo dàn trời, riết rồi anh không dám tới nữa. 

Hoa cười giả lả : 

- Dạ đâu phải tại em muốn vậy. Có điều có khách mà không lo rót nước, anh Thành la em hoài. 

Đăng càu nhàu : 

- Thằng Thành thì chuyện gì cũng la được. 

Chợt Hoa nhớ đến câu nói lúc nãy của Đăng. 

- À, anh định bảo em gì thế ? 

Đăng gật gù : 

- Có tí chuyện nhờ cô đây. Mà khoan, để anh hỏi đã, anh vào dạy trong lớp Hoa, Hoa thấy “dư luận” như thế nào ? 

Hoa nhìn Đăng : 

- Em nói thật nhé. 

Đăng gật đầu : 

- Dĩ nhiên là phải nói thật chứ sao ? 

- Mấy tụi nó kêu anh quá trời. 

- Kêu sao ? 

- Kêu quá khó.. 

Đăng giơ hai tay lên trời : 

- Thánh thần ơi ! Anh mà khó cái nỗi gì ? Vậy là khó đó sao ? 

Hoa gật đầu : 

- Anh khó quá trời. Em cũng thấy vậy nữa đó. 

Đăng cười phá lên : 

- Ừ nhỉ. Đâu kể anh nghe coi. 

- Tụi nó nói anh như ông cụ non. 

Đăng nhỏ giọng : 

- Hoa này, trong lớp mình nhiều cô đẹp nhỉ ? 

Hoa cười ranh mãnh : 

- Rồi, anh chấm cô nào rồi phải không ? 

Đăng lắc đầu : 

- Không, chấm phết gì đâu. Nhưng anh thấy trong lớp mình nhiều cô đẹp. 

- Theo ý anh thì cô nào đẹp nhất ? 

Đăng gãi tai : 

- Hỏi anh khó nói. À này, Hoa, em có quen với cô gì ngồi bàn nhì, đầu bàn nhì. 

- Phượng hả anh ? 

- Ừ, cô Phượng. 

- Anh thích cô đó sao ? 

Đăng im lặng. Một lát sau anh đáp : 

- Hoa đừng hỏi anh thích hay không. Hỏi như vậy nghe kỳ lắm. Nhưng anh muốn nhờ Hoa một việc. 

- Anh cứ nói, nếu làm được em sẽ làm liền. 

Đăng lấy cuốn sách cầm lúc nãy, lôi từ trong sách ra chiếc phong bì. 

- Nhờ em đưa cô Phượng. 

Hoa kêu lên : 

- Cha, vậy mà lúc nãy anh làm bộ nói là không biết tên. 

- Anh đùa đó. 

- Chỉ đưa thơ thôi hả anh ? 

Đăng gật đầu : 

- Ừ, đưa thơ thôi. Ráng đi rồi anh thưởng. 

Hoa nghe một chút khó chịu. Hoa nhớ đến nét kiêu hãnh của Phượng và thấy thương hại Đăng như trước kia đã thương hại anh của mình. Yêu Phượng, là yêu một bông hoa có sắc mà không hương. Hoa không dám kết án người khác, nhưng thực tâm, Hoa rất hiểu Phượng - Phượng thuộc loại người cho rằng mình được quyền thụ hưởng tất cả những may mắn của đời sống. Hoa muốn nói một câu gì đó để cho Đăng đề phòng nhưng không hiểu sao cô lại thôi.


*


Lớp học đã bắt đầu đông mà vẫn chưa thấy Phượng. Hoa bồn chồn nhiều ra. Chợt Phượng xuất hiện, khuôn mặt ngẩng cao đang đi vào bên cạnh Trâm. Chờ Phượng ngồi vào bàn, Hoa tiến lại :

- Hôm nay Phượng đi trễ ? 

Phượng lạnh nhạt : 

- Ờ, tại kẹt xe. 

Hoa không muốn kéo dài giây phút đối diện, cô cầm lá thư trao cho Phượng : 

- Của bồ. 

Phượng không đưa tay nhận, nhíu mày : 

- Gì vậy ? 

- Của một người nhờ tôi đưa bồ. 

Phượng vẫn bất động : 

- Mà ai gởi ? 

- Thầy Đăng ! 

Hoa buông thõng và không đợi Phượng cầm, cô bỏ lá thư trên mặt bàn và trở về chỗ ngồi đúng lúc tiếng trống trường đánh lên rộn rã. Có lẽ hôm nay cúp điện. Giáo sư bước vào giảng bài và Hoa không còn nhớ đến lá thư vừa đưa nữa.


*


Đã ba ngày, Đăng bồn chồn trong dạ. Chưa bao giờ anh cảm thấy bận tâm nhiều về một người con gái như lần này đối với Phượng. Đăng hiểu mình rất chân thành khi trao gởi tình cảm đi, nhưng cô gái kênh kiệu đó biết có nhận thấy sự chân thành đó không ? Hay đối với cô ta, đó chỉ là một trò cười cho cô ta và các bạn hữu ? Người con trai nào cũng có một niềm kiêu hãnh riêng tư. Đăng cũng vậy, anh cũng có niềm kiêu hãnh của chính anh nhưng khi tình yêu thực thụ đã đến thì tất cả đều được dẹp bỏ. Đăng cố gắng xây dựng về Phượng như một hình ảnh đẹp thần thánh nhưng anh thừa hiểu điều đó cũng vô ích lắm, chả bao giờ hình ảnh đúng như anh mơ. 

Bài vở đối với Đăng rời rạc. Một tháng nữa, là ba mươi ngày dằng dặc. Đăng tưởng mọi chịu đựng của mình chỉ đến như vậy. Anh đã gặp Phượng. Anh đã nói chuyện và hậu quả là sự thất vọng đến cùng tột. Chẳng những kiêu hãnh, Phượng lại không được tế nhị trong lối nói chuyện. Phượng cho anh biết là đừng theo đuổi vô ích. Mỗi lời nói của Phượng như một mũi tên đâm sâu vào tim Đăng. Anh cắn môi mình thật chặt và lặng lẽ quay người bước đi khi Phượng thốt câu cuối cùng : 

- Chào thầy ! 

Ngày thi ra trường, do một may mắn không biết từ đâu, Đăng lại đậu. Anh đã dự phòng sẵn cho mình một lối đi, và bây giờ cho dù có giật được mảnh bằng đi nữa, Đăng vẫn sẽ theo đúng con đường đó. Tình thương vô vọng đối với Phượng đã đẩy người con trai đến một bước đường cuối cùng phải chọn lựa. Anh đi lính. 

Thành ngẩn người nhìn Đăng : 

- Mày bảo gì ? 

Đăng cười buồn, chìa mảnh giấy trên tay cho bạn : 

- Đọc đi. 

Thành nhẩm đọc tờ giấy gọi nhập ngũ : 

- Sao kỳ vậy ? 

Đăng nhún vai : 

- Có gì đâu mà kỳ ? 

- Không à ? Tại sao mày đi lính. 

- Tại thích. 

Thành lắc đầu. Anh đến bên bạn : 

- Không, không phải tại mày thích. 

Đăng thở dài, buông mình xuống chiếc ghế độc nhất trong phòng. 

- Tao không còn muốn gì nữa. Nhưng mày đừng lầm. Sự đi lính của tao không phải là một điều đi tìm sự quên lãng. Tao đi lính vì lý tưởng.. 

- Tao không nghĩ vậy. 

- Mầy lầm - Mỗi thằng con trai đều có trong đầu óc lý tưởng riêng tư. 

- Tao nghĩ, mày không đạt được một ước vọng nào đó trong cuộc sống, sự thất vọng làm cho mày chọn lựa và mày bảo đó là lý tưởng. 

Đăng cười chua chát : 

- Đó cũng là một lối định nghĩa. Nhưng nó không đúng cho tao. Tao thú thật với mày là tao có yêu thương Phượng thật đấy, nhưng tình yêu đã mất và coi như một sự việc không thể đạt được nữa rồi. Bây giờ, theo tao, tao đi lính là bởi vì đất nước đang cần những người con trai như thế. Tao đi lính như một sự tự nguyện dấn thân. Đất nước mình đang cần những phần tử để xây dựng chớ không phải để đạp đổ. 

Khuôn mặt Đăng rắn lại và Thành nghĩ là bạn mình đã nói thật. Anh đưa một tay ra. Đăng bắt tay bạn. Thành nói : 

- Thành thực chúc mừng mày. 

Khuôn mặt Đăng chùng xuống trong một thoáng nhưng rồi anh lấy ngay lại được trạng thái bình thường. 

- Nhớ viết thư cho tao biết khi vào quân trường. 

Đăng gật đầu : 

- Dĩ nhiên. Tao đâu phủi tay tất cả. 

Và Đăng cất tiếng cười, âm thanh tan vỡ và lẫn trong âm thanh đó, một chút chua chát tuyệt vọng nào chưa được che giấu hằn lên thật rõ. Thành nhìn qua khung cửa sổ nhà bạn. Mấy tàng cây trứng cá đong đưa trong gió trưa. Những trái trứng cá đỏ hỏn nằm lẫn lộn giữa mấy tàng lá xanh trông thật đẹp mắt. Tự dưng Thành nghĩ sự ra đi của Đăng là một sự hy sinh lớn và anh quay nhìn bạn, ngậm ngùi.
_________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét