CHƯƠNG III
Sáng nay thức giấc, tôi ngạc nhiên khi thấy mẹ tôi còn đang nằm trên giường, mặc dù mặt trời đã bắt đầu ló dạng ở phương Đông. Ở làng tôi, vào mùa hạ, mặt trời thức dậy rất sớm. Không khí mát dịu dàng. Tôi đến bên giường mẹ định lay mẹ dậy vì tưởng mẹ ngủ quên. Nhưng ngay khi tôi vừa tụt xuống khỏi giường thì đã nghe tiếng mẹ vang lên, tiếng mẹ khan đặc như người ốm đau lâu ngày.
- Thuận dậy rồi đó hả ? Xuống bếp nhúm lửa bắc dùm mẹ ấm nước.
Tôi chạy đến bên giường mẹ.
- Ủa sao hôm nay mẹ không đi bán ?
Mẹ tôi lắc đầu :
- Hôm nay mẹ không đi bán được đâu con. Mẹ đau.
Tôi đưa tay nắm lấy bàn tay mẹ. Bàn tay mẹ lạnh ngắt như đồng. Tôi lần tay xuống chân mẹ. Hai chân mẹ cũng lạnh như tay và mướt mồ hôi. Tôi chợt nhớ mỗi khi tôi đau ốm, mẹ thường cho tay lên đầu sờ thử. Tôi đưa lại bàn tay lên trán mẹ. Kỳ lạ, tay chân mẹ lạnh mà trán nóng như hơ lửa. Tôi hốt hoảng nhìn mẹ nằm im lìm cuộn mình trong tấm mền rách lỗ chỗ mà thường khi vào mùa đông mẹ dùng nó để đắp cho tôi. Lâu nay tôi không xài đến nó nữa, vì mùa hè thôn tôi về khuya không lạnh, nếu không muốn nói là nóng lắm. Thế nên bây giờ chắc là mẹ lạnh mẹ mới chùm chăn. Mắt mẹ khép kín vẻ mệt nhọc mở không nổi. Và tôi cúi nhìn sát vào mặt mẹ, thấy môi mẹ nứt nẻ. Có lẽ mẹ bị đau như hôm trước tôi đã bị đây mà. Tôi nhớ dạo trước có lần tôi cũng nóng lắm, nóng đến độ mê man không biết gì, nửa khuya mở bừng mắt tôi thấy mẹ quỳ bên cạnh giường, hai tay ôm lấy bàn tay tôi, vẻ mặt lo lắng khẩn trương. Sáng hôm sau mẹ bao xe lôi chở tôi xuống chợ quận đưa đi một nơi mà mẹ gọi là phòng mạch. Tôi đã mở to mắt trước ông y tá già mà hồi đó tôi nghe thoáng như người ta gọi ông là ông đốc, và ông y tá già dường như cũng không buồn đính chính về sự lạm dụng danh từ ấy nữa. tôi được đặt lên một chiếc bàn dài trải tấm drap màu vàng mà khi thoáng nhìn ai cũng phải hiểu trước kia nó là màu trắng. Ông già trịnh trọng đặt ống mạch vào nách tôi, lát sau đưa lên cao, hấp háy đôi mắt lem nhem nhìn vào rồi lắc lắc cái đầu ra chiều khó khăn. Lúc đó tuy mệt mỏi trong người, nhưng tôi lại tỉnh táo hẳn ra để nhìn thấy mẹ nước mắt dòng dòng năn nỉ ông “đốc” dùm ra tay cứu tôi. Ông y tá già đè đầu tôi ra chích thuốc đau điếng và sau đó phát cho mẹ tôi mấy viên thuốc nho nhỏ màu vàng và đắng nghét. Chỉ có bao nhiêu đó thôi, mà số tiền mẹ tôi phải trả cho ông bằng tiền lời của cả tuần lễ đi bán bưng khổ cực. Tôi tuy còn nhỏ nhưng trong đầu óc thường nảy sinh những mơ ước đâu đâu xa vời, khi tôi bắt gặp một chuyện gì xảy ra trong tầm mắt. Thế nên lúc đó tôi mơ ước sau này mình lớn lên học nghề y tá như ông cụ già này, vì chỉ cần một chút xíu thì giờ mà ông ta kiếm được bằng số tiền mẹ tôi tảo tần dãi nắng dầm mưa trong bao nhiêu lâu. Tôi mải nghĩ ngợi đâu xa mà quên mẹ tôi đang nằm mê man. Tôi chợt nhớ là mẹ nhờ nhúm lửa bắc cho mẹ ấm nước sôi, tôi định chạy đi nhưng chân tôi như khựng lại. Mẹ nằm mê man như thế này thì tôi nấu nước sôi cho mẹ mà chi. Hay là tôi gọi mẹ dậy để hỏi xem mẹ còn cần nước sôi kkhông ? Hay là tôi cứ để mẹ nằm yên cho đỡ mệt và chạy xuống nhúm lửa ? Mấy câu hỏi quay cuồng trong đầu óc non nớt của tôi làm tay chân tôi như bủn rủn hẳn đi. Tôi bất thần không định trước, đưa tay lay nhẹ mẹ. Mẹ tôi ú ớ trong miệng không trả lời, mắt mẹ chừng như cố mở ra nhưng mở không nổi. Tôi lay mẹ mạnh hơn một chút, chợt thấy môi mẹ mấp máy, tôi cúi sát xuống miệng, nghe mẹ thì thào :
- Thuận… mẹ… lạnh… lạnh… quá ! Con chạy sang nhà bà Tám kêu bả qua đây dùm mẹ !
Không đợi mẹ nói thêm tiếng nào, tôi băng mình chạy ra sân, lòng thầm cầu mong bà Tám còn đâu đó. Quả nhiên, thật may mắn, tôi nhìn thấy bà còn đang cho mấy bó rau muống cuối cùng vào cần xé. Tôi chạy như bay đến bên bà, dừng lại thở hổn hển. Bà Tám ngạc nhiên nhìn tôi :
- Thằng này hôm nay đi đâu sớm dữ mày ?
Tôi thở không ra hơi, đưa tay ôm cứng lấy bà Tám. Bà Tám càng thêm lạ lùng, giựt tay ra khỏi tay tôi, miệng nói lớn :
- Ủa lạ, mày làm gì vậy Thuận ?
Lúc bấy giờ tôi đã tỉnh trí mới lắp bắp :
- Mẹ… Mẹ cháu…
Bà Tám chừng như thấy rõ tầm quan trọng của sự việc nên nắm lấy vai tôi lắc mạnh :
- Cái gì… nói mau… Má mày chuyện gì vậy ?
Tôi hoàn hồn đứng nhìn bà Tám :
- Dạ, mẹ cháu đau nặng lắm. Mẹ cháu nói chạy sang đây nhờ bà Tám qua.
Bà Tám buông mạnh vai tôi, đà buông của bà mạnh suýt làm tôi ngã xuống. Bà lớn tiếng gọi vào nhà :
- Tất, Tất ơi ! Thằng quỉ giờ này chắc ngủ gục dưới máng heo rồi chớ gì ?
Bà cao giọng hơn :
- Tất ơi !
Tiếng thằng Tất dạ lớn trong nhà, nó chạy vội ra ngay, mắt mũi lèm nhèm, chiếc áo hở phanh cả ngực và quần vẫn hở rốn. Bà Tám chỉ tay vào hai giỏ cần xé đầy những bó rau muống xanh tươi :
- Ở coi chừng chỗ này. Tao chạy qua bên má thằng Thuận coi bả đau sao mà dậy hổng nổi đây !
Không đợi thằng Tất hở môi, bà hối hả qua nhà tôi. Tôi dợm bước, nhưng thằng Tất mà trí tò mò thắng những lời khuyên răn của bà mẹ, đã kéo áo tôi lại và hỏi :
- Ê Thuận, má mày sao vậy ?
Tôi lắc đầu :
- Tao cũng hổng hỏi nữa nên đâu biết. Giờ bà già mày vô đó, lát mày hỏi đi.
Nói xong tôi giựt tay Tất ra chạy về nhà. Bà Tám đang loay hoay trước giường mẹ tôi. Thấy tôi chạy vào, bà nói như hét lên :
- Chạy kêu cái xe lẹ lên !
Tôi luống cuống :
- Xe nào ?
- Trời đất, xe lôi, mau lên !
Tôi chạy ra lộ. Trời sáng hơn nên xe lôi đã di chuyển hơi nhiều, nhưng chiếc nào cũng chật ních những người ngồi. Chợt có chiếc xe trống chạy ngang, tôi rối rít vẫy gọi lại. Chiếc xe ghé vào, bác tài nghiêng người hỏi lớn :
- Đi đâu, chợ hả ?
Tôi đưa hai tay lên miệng làm loa nói cho ông ta nghe rõ :
- Không phải tôi đi một mình đâu. Bao cả chuyến.
Chiếc xe ghé hẳn vào bên lề. Tôi chạy đến vịn tay vào thành sắt thép lạnh.
- Bác vô đây đi.
- Chở ai vậy ?
- Má tui.
- Đi đâu ?
- Chợ quận.
Ông tài xế già nhịp nhịp bàn tay đen đúa trên tay ga.
- Mình má mày hả, đi chi mà bao xe một mình ?
Tôi cúi đầu :
- Đau mờ.
- Đau ?
Giọng ông tài già hỏi lớn rồi ông ta dợm phóng xe đi, tôi hốt hoảng vịn chặt thành xe như muốn kéo lại.
- Vô đi, bác.
- Thôi mày, buổi sáng mở hàng chở người đau xui luôn ngày sao !
Tôi năn nỉ :
- Thôi mà bác, chở dùm má tui đi !
Đôi con mắt lờ đờ vàng đục của ông già chớp chớp vài lần, rồi chừng như nghĩ rằng việc chở người bịnh vào buổi sáng một chuyến cũng không hại gì mấy, nên ông ta đổi giọng :
- Nhà đâu, chỉ tao vô coi ?
Tôi mừng rỡ :
- Kia kìa, đó đó, căn nhà đốt đèn sớm đó… Đó… đúng rồi, chạy vô đi bác.
Rồi tôi co giò chạy vào trước. Bà Tám đã gọi thêm mấy người hàng xóm đến để phụ lực đưa mẹ tôi ra xe. Bà Tám dùng cái mền cũ quấn mẹ tôi lại. Chú Tư Còn đang cầm đèn cho vợ chú đánh gió cho mẹ tôi. Bà Sáu cả đang nhéo từng mảng thịt trên lưng mẹ. Mọi người thấy có xe, vội vã đưa mẹ tôi ra. Chú Tư Còn nói trong khi mắt ngó dáo dác chung quanh :
- Ủa, còn thằng nhỏ Thuận đâu rồi, cho thẳng theo luôn chớ.
Có tiếng ai đó trả lời :
- Thôi cho nó đi chi. Con nít con nôi xuống dưới phá thêm không ai làm việc được. Để nó ở nhà đi!
Giọng bà Sáu cả mắng át :
- Bậy nà, cho nó đi theo má nó chớ. Lỡ có bề gì mẹ con nó có nhau.
Tôi được lời, ra ngồi vào kế bên bác tài già, phía sau bà Tám và bà sáu Cả ngồi với mẹ tôi đang hầu như mê man. Xe chạy lên đến chợ quận thì trời sáng tỏ. Một chiếc xe jeep quẹo ngang suýt đụng ngay vào xe lôi, làm ông tài xế thắng gấp, cả chiếc xe suýt nữa ngã ra mặt lộ, phía sau tiếng càu nhàu của hai người đàn bà và phía trước là những lời chửi thề của ông tài già. Chiếc xe jeep chạy qua, tưởng là chạy luôn, nhưng rồi ngừng lại cách chiếc xe lôi chừng mười thước. Một người từ trên xe nhảy xuống tiến lại phía xe lôi. Bộ quân phục trên người ông ta làm bác tài xế già lo ngại quay nhìn mấy người khách. Khi người mặc đồ lính tiến lại gần, tôi nhận ra đó là ông phó ba thằng Tuấn. Giọng ông đầy ngạc nhiên :
- Kìa cháu đi đâu đây, sao giờ này chưa đi học ?
Quay nhìn vào xe ổng thêm lạ lùng :
- Ủa sao vầy nè ?
Bà Tám và bà Sáu Cả lúc đó mới trả lời thay :
- Dà… đây là má thằng nhỏ. Bả bị trúng gió hay sốt nặng sao đây mà á khẩu. Tụi tui tính đưa bả lên ông “đốc” trên này coi sao…
- Vậy hả, chà, trúng gió mà sáng đi xe như vầy coi bộ không tốt mấy.
Ông ta đến sát bên hai người đàn bà ngồi sau, giở mền nhìn vào mặt mẹ tôi.
- Chà, điệu này chắc gì ông “đốc” quận này coi nổi. Đâu, đưa bà này lên xe tôi đi, tôi đưa ra tỉnh đến bác sĩ may ra…
Bà Tám rối rít :
- Dạ, ông phó có lòng thương thiệt là quý hết sức.
Quay qua bà Sáu Cả, bà Tám nói như bàn luận :
- Giờ mình đưa chỉ qua xe ông phó đi nhờ xuống tỉnh đi, ổng nói phải quá rồi còn gì. Bịnh này tui nghi cha “đốc” cua tay quá !
Bà Sáu Cả gật gù :
- Ừa, thì dzậy chớ sao ! Đâu chị xuống trước đặng đỡ, còn tui ngồi vịn chỉ chút nữa.
Hai người đàn bà loay hoay, ông phó chạy đến xe lui chiếc xe jeep lại bên chiếc xe lôi. Mẹ tôi được đưa từ xe này sang xe kia, đặt nằm ngay ngắn và thoải mái ở băng sau. Sau khi thanh toán tiền xe lôi xong, bà Tám và bà Sáu Cả cùng leo lên ngồi chồm hổm trong xe, tôi ngồi băng trước với ông phó và chú tài. Ông phó bảo :
- Cho xe ra tỉnh đi !
Chiếc xe lao mình băng ra quan lộ. Đường ra tỉnh hun hút, hai bên là đồng ruộng ngan ngát chạy dài xanh những mạ non, người qua lại thưa thớt. Thỉnh thoảng một vài thôn ấp nhỏ hiện ra rồi vụt qua trong tầm mắt. Chiếc xe nuốt quãng đường một cách thật nhanh chóng và tương đối êm ái. Thỉnh thoảng chú tài khéo léo tránh một chiếc xe đò chạy ngược chiều. Khoảng hơn nửa giờ sau, tỉnh bắt đầu hiện ra qua những nhà cửa mọc rải rác trên quốc lộ. Xe tiến dần, ngồi trên xe, lòng tôi vừa hồi hộp lo âu cho bệnh tình mẹ, vừa có cái hiếu kỳ của đứa bé con muốn quan sát thật kỹ những gì xa lạ với mình đang diễn ra trước mắt, vì từ nhỏ đến giờ, quả đất đối với tôi không đi xa hơn con đường từ nhà, thôn tôi ra chợ quận. Mắt tôi dõi trên những căn nhà xây cất quá đẹp và tôi tự hỏi sao người ta lại có thể đem đá gạch tạo thành những công trình kiến trúc mát mắt như thế. Ông phó quay ra sau nói với hai người đàn bà đang thì thầm to nhỏ.
- Ở đây có ông bác sĩ quân y mới đổi về chữa bịnh hay lắm. Tôi đưa bà này vào đó !
Bà Tám và bà Sáu Cả dạ nhỏ. Chiếc xe dừng lại trước cổng một ngôi nhà lớn có giàn hoa giấy màu đỏ, loại hoa mà tôi thấy xuất hiện ở cổng nhà ông phó những lần tôi theo thằng Tuấn đến nhà nó chơi. Ông phó nhảy xuống xe thật gọn gàng. Ông đưa tay sờ sờ vào cột vôi mà mãi sau này hồi tưởng lại tôi mới hiểu là ông đang bấm chuông. Một bà già ló đầu ra. Hai người trao đổi với nhau vài câu rồi ông phó quay ra :
- Vào đi, may quá, ông bác sĩ có nhà.
Hai người đàn bà khiêng mẹ tôi xuống, cánh cổng mở rộng, tất cả đi lọt vào bên trong. Đứng trong khung cảnh xa lạ này, tuy hết sức lôi cuốn và khích động tính tò mò trẻ con, nhưng tôi không còn đủ lòng trí nào mà nghĩ đến những diễn biến chung quanh nữa. Tôi đứng cạnh mẹ, bàn tay xiết lấy tay buốt lạnh của mẹ. Tôi muốn van xin cho mẹ đừng chết như những người già cả mà tôi từng thấy chết, nhưng tôi không biết van xin ai bây giờ. Bà Tám lầm thầm những gì trong miệng nghe không rõ, trong khi bà Sáu Cả đọc kinh. Tôi biết bà Sáu Cả theo đạo gì mà có đi nhà thờ, vì mỗi Chúa Nhật tôi được nghỉ học thì lại thấy bà khăn áo đi từ sớm. Phần tôi, tôi không biết cầu xin với ai vì tôi không rõ mẹ tôi theo đạo gì. Bí quá, tôi nghĩ cứ cầu nguyện đại, ai cho thì cho. Tôi gọi cả Phật và Chúa trên môi để nguyện xin cứu vớt cái thể xác đang lạnh lẽo nằm bên cạnh tôi đây, thể xác người mẹ yêu đã bỏ cả quãng đời tuổi trẻ để nuôi dưỡng và lo toan cho tôi. Tôi nhìn mẹ nằm bất động như một niềm đau nào không bờ bến diễn tả, như một ung nhọt lâu ngày nung mủ làm vỡ tung ra nhức nhối đến độ khủng khiếp. Bao tháng ngày mẹ lặn lội cùi cụi, thức khuya dậy sớm không biết mệt để kết quả là mẹ chỉ còn là một sự bất động im xuôi trong lần mền cuốn. Mẹ ôi ! Tôi muốn gọi to lên như thế hoài để nói với mọi người là tôi yêu mẹ lắm. Tôi không muốn mẹ tôi bị cướp đoạt đi dù việc níu kéo mẹ ở lại với tôi là điều không thuộc khả năng của tôi. Mẹ ơi ! Tôi muốn gọi to tên mẹ để nói với mẹ là tôi muốn đổi cho mẹ sức sống trong tôi để mẹ chỗi dậy nói với tôi lời âu yếm mỗi ngày, gói cho tôi gói xôi mỗi sáng và dúi vào tay tôi những thỏi kẹo ngon ngọt trước khi tôi vào lớp. Mẹ ơi ! Tôi muốn gọi to lên như thế để nói với mọi người, mẹ là của tôi, của tôi chứ không quyền lực nào cướp mẹ tôi đi được. Tôi ôm bàn tay mẹ chặt cứng. Ông bác sĩ ra đến, ông cao lớn và không già ; ông mặc áo trắng với quần lính như ông phó. Ông bác sĩ đến cạnh mẹ tôi. Bà Tám kéo tay tôi đứng dang ra bên cạnh. Ông nắm lấy tay mẹ tôi bóp bóp thật nhẹ, rồi móc hai dây gì đen đen lên lỗ tai, còn dính theo cái ống bằng sắt nho nhỏ. Ông bác sĩ cầm cái ống đó áp áp vào bụng, vào ngực, vào lưng mẹ tôi. Vẻ mặt ông đầy trầm trọng, ông bảo :
- Ai là thân nhân của người này ?
Tôi không hiểu ông nói thân nhân nghĩa là gì, bỗng ông phó chỉ tay vào tôi nói :
- Dạ thưa bác sĩ, cháu nhỏ đây là con !
Ông bác sĩ dịu dàng nhìn tôi, rồi sau đó ông bảo đưa mẹ tôi vào nhà thương, ở đó sẽ đủ phương tiện để ông cứu sống mẹ tôi. Ông bác sĩ nói với ông phó khi ông này hỏi về bệnh tình mẹ tôi :
- Chắc phải giải phẫu ngay. Người đàn bà này bị đau ruột thừa nặng và nguy.
Rồi hai ông thì thầm với nhau những gì tôi không nghe nữa. Mẹ tôi lại được di chuyển ra xe lần nữa. Kỳ này xe chạy trước, phía sau có xe ông bác sĩ chạy theo. Đến nơi, người ta đưa ngay mẹ tôi vào nhà thương và mất hút đâu đó trong những ngõ ngách mấy căn phòng. Tôi đứng với hai người đàn bà, lòng ngổn ngang trăm mối. Bà Tám chỉ tôi ngồi xuống chiếc ghế kê góc phòng, còn hai bà thì châu đầu lại thì thầm to nhỏ. Thời khắc trôi qua thật chậm chạp, không biết tôi ngồi chờ như thế trong bao lâu, rồi mệt mỏi, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay nữa. Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường tử tế đàng hoàng, chung quanh là những bàn ghế sạch sẽ. Tôi nhớ lại mình đưa mẹ đến nhà thương, không biết giờ này mẹ ra sao, bịnh tình có thuyên giảm hay không mà tôi ngủ mê man như thế. Tôi nhảy phóc xuống giường chạy lại bên cửa phòng, cửa không khoá chỉ khép hờ, tôi chạy ra. Thì ra tôi đang nằm ngủ trong căn phòng của ai đó trực thuộc bệnh viện mẹ tôi giải phẫu. Tôi nhìn dãy hành lang dài hun hút và lạnh lẽo vô cùng. Mẹ tôi đâu ? Người ta nhốt mẹ tôi đâu rồi, sao người ta bỏ tôi đây, sao mẹ bỏ tôi đây ? Tôi định kêu lớn “mẹ ơi” thì bỗng tôi nhìn thấy từ xa bà Tám và bà Sáu Cả đang đi lại. Tôi chạy a lại phía hai bà :
- Mẹ cháu đâu ?
Nụ cười trên môi hai người đàn bà làm tôi an tâm.
- Mẹ mày khá rồi đa, đỡ dữ.
Chợt bà Tám nói :
- Hồi nãy thằng Thuận ngủ, ông bác sĩ bảo người lao công khiêng mày dô phòng kia đó đa. Ổng thấy mày nằm chèo queo coi tội nghiệp, ổng tốt quá.
Bà Sáu cả tiếp :
- Ổng nói khi nào mày dậy lên ổng hỏi.
Tôi tự hỏi một đứa bé mười tuổi như tôi thì biết gì mà trả lời, nhưng đúng lúc đó người lao công già đến bên cạnh.
- Cậu Thuận đâu, lên phòng bác sĩ chút.
Tôi nhìn hai người đàn bà đầy lo âu. Hai người nhìn lại tôi bằng ánh mắt khuyến khích và tin tưởng. Tôi dấn bước theo ông lão lao công. Đến trước một căn phòng có gắn tấm biển mà tôi đọc được “Bác sĩ” ông già đẩy cửa dẫn tôi vào. Ông bác sĩ đang ngồi trên ghế. Thấy tôi, ông ta đứng dậy đến bên cạnh. Ông xoa đầu tôi, thái độ dịu dàng của ông làm tôi thấy mình được an ủi. Ông chỉ tay xuống ghế.
- Cháu ngồi đó.
Tôi khép nép ngồi xuống. Ông hỏi :
- Cháu năm nay mấy tuổi ?
Tôi ngạc nhiên sao ông không hỏi gì mà lại hỏi tuổi của tôi, nhưng tôi vẫn lễ phép trả lời ông :
- Dạ thưa mười tuổi.
- Cháu học lớp mấy ?
- Dạ lớp năm.
Ông bác sĩ đưa tay lên sửa lại gọng kính.
- Mẹ cháu tên gì, sao hai người hàng xóm này không biết tên mẹ cháu ?
Nghe ông bác sĩ hỏi, tôi mới biết cả xóm không ai biết tên mẹ tôi, chỉ biết mẹ tôi thứ tư, theo lời mẹ tôi khai với họ, nên họ gọi mẹ là chị Tư. Tôi nói :
- Dạ ở xóm kêu má cháu tên Tư !
Ông bác sĩ lắc đầu :
- Đó có lẽ không phải là tên thật. Cháu biết tên má cháu không ?
Tôi ngập ngừng nhìn ông :
- Dạ không biết. Má cháu nói mai mốt lớn má cháu kể chuyện tên tuổi cho nghe, nhỏ nghe làm chi.
Ông bác sĩ hơi đổi giọng :
- Ba cháu đâu ?
Tôi lắc đầu :
- Cháu không có ba.
- Ba cháu chết rồi ư ?
- Dạ hổng phải. Mẹ cháu nói ba cháu còn đi xa.
- Thế bây giờ cháu có biết giấy tờ mẹ cháu để đâu không ? Ở đây cần biết rõ về tên tuổi của mẹ cháu để lập thủ tục nằm bệnh viện và nhiều việc nữa cần tới giấy tờ.
Tôi nghĩ ngay đến chiếc rương nhỏ mẹ giấu dưới giường khoá kín đáo mà từ nhỏ đến giờ tôi chưa hề được biết xem trong đó chứa những gì. Có lẽ là giấy tờ của mẹ chăng ? Tôi nói :
- Dạ mẹ cháu có cái rương chắc đựng giấy tờ mà hồi đó tới giờ mẹ cháu không cho xem nên cháu không biết. Bây giờ cháu phải về lục ra coi có giấy tờ gì…
Ông bác sĩ mau mắn :
- Cháu nên ở đây. Hiện tại mẹ cháu còn nằm phòng lạnh và chưa tỉnh dậy được. Nhưng ngay khi nào mẹ cháu tỉnh dậy, mẹ cháu sẽ cần tới cháu ngay. Vậy nên cháu ở lại đây. Có ai biết cái rương đó mẹ cháu để đâu không, hai bà hàng xóm của cháu biết không ?
Tôi lắc đầu :
- Dạ hai bà đó không biết, nhưng nếu cháu chỉ thì sẽ thấy ngay.
Ông bác sĩ gật gù :
- Tốt. Bây giờ cháu chờ đây.
Ông bấm chuông, người lao công già chạy vào. Bác sĩ nói :
- Ông ra mời hai người đàn bà ở phòng đợi vào cho tôi.
Lát sau thấy bà Tám và bà Sáu Cả xuất hiện. Ông bác sĩ đứng lên.
- Bây giờ cháu Thuận đây cần ở lại đợi mẹ nó tỉnh dậy, nhưng chúng tôi lại cần giấy tờ của người đàn bà này gấp. Vậy bây giờ tôi cho xe đưa hai bà về xóm, cháu Thuận sẽ chỉ chỗ để giấy tờ của người đàn bà đó, nhờ hai bà mang ra cho ông tài xế đưa về đây.
Trong cơn bối rối lo lắng, không ai chịu để ý xem tại sao ông bác sĩ cứ nằng nẵng đòi coi giấy tờ mẹ tôi, trong khi chắc chắn có những bệnh nhân khác không có giấy tờ mà không bị ông lục vấn như vậy. Bà Sáu Cả gật đầu:
- Dạ được !
Quay sang tôi, bà hỏi :
- Giấy tờ mẹ cháu để đâu Thuận ?
Tôi chỉ chỗ mẹ giấu cái rương. Hai bà hàng xóm đã đi với ông tài xế, tôi hồi hộp chờ đợi. Tý nữa chắc tôi sẽ biết mẹ tên thật là gì. Sở dĩ tôi không biết tên mẹ được là vì tôi đi học không nộp khai sanh, người ta chỉ hỏi tên tuổi rồi ghi vào sổ thôi. Tôi nghĩ chắc mình cũng phải có khai sanh, nhưng mẹ chưa muốn cho biết đó thôi.
Thời khắc đi qua sao mà chậm chạp. Ông bác sĩ đứng lên đi lo cho những bệnh nhân khác sau khi căn dặn tôi ngồi chờ tài xế mang giấy tờ về. Tôi hết đứng lại ngồi, nôn nao trong dạ. Vậy là mẹ đã thoát chết, mẹ sẽ ở lại với tôi hoài, vậy là mẹ sẽ không phải nằm xuôi đôi tay, bất động hình hài nữa mà mẹ sẽ trở dậy, hoạt động bình thường như từ xưa nay mẹ vẫn làm.
Khi người tài xế mang cái rương nhỏ vào đặt giữa phòng, ông lao công già vội chạy đi gọi bác sĩ theo lới căn dặn của ông ta. Bác sĩ Thạch (tôi đọc thấy tên ông trên tấm bảng nhỏ để trên bàn) hối hả bước vô. Ông hỏi :
- Cháu không có chìa khoá hả ?
Tôi nói :
- Dạ không. Trong túi mẹ cháu.
Mười phút sau, chiếc rương được mở ra. Trong rương trống trơn chả có gì, khác với dự đoán của tôi là mẹ cất nhiều thứ lắm. Trong rương chỉ có mấy xấp giấy tờ mỏng và một khung hình chụp người đàn ông và người đàn bà còn trẻ, chắc là hai vợ chồng.
Khi bác sĩ Thạch lật mặt hình lên, tôi nhận ra ngay người đàn bà là mẹ tôi dù có thay đổi theo thời gian nhưng mẹ cũng chả già hơn trong hình bao nhiêu. Còn người đàn ông, tôi nhận ra một cách mơ hồ… hình như giống ông bác sĩ ngồi trước mặt tôi. Bác sĩ Thạch nhìn tấm hình đăm đăm, rồi ông nhẹ nhàng đặt xuống. Bước đến chỗ tôi đang đứng, ông ôm chầm lấy tôi, siết mạnh. Tôi sợ người mình không sạch sẽ làm dơ áo trắng của ông, nhưng hình như ông bất chấp. Ông siết tôi thật mạnh đến độ làm tôi đau buốt và đột nhiên ông gọi tôi :
- Thuận ! Con của ba !
Tôi nhìn ông chăm chăm. Ông vừa nói gì lạ vậy ? Sao lại là “con… của ba” ? Ông là ba tôi đấy sao? Tại sao ông nhận kỳ vậy? Tôi ngại ngùng muốn đẩy ông ra vì tôi thấy ông sang trọng quá, nhưng ông vẫn ôm tôi, giọng ông thì thầm :
- Con của ba, bao nhiêu lâu ba tìm kiếm con. Bao nhiêu lâu ba trông đợi giờ phút được gặp lại con. Thuận ơi, ba là ba của con !
Tôi vẫn không trả lời ông được, sự việc diễn biến quá bất ngờ làm tôi không kịp nhận thức xem mình nên làm gì. Trong thoáng chốc đột nhiên mình có một người cha, một người cha thật sang trọng, thật cách biệt. Một người cha làm tới bác sĩ được mọi người nể vì. Một người cha hơn ba thằng Tuấn, thằng Sinh, thằng Lễ. Hơn tất cả ! Tôi im lặng nhìn ông cho đến khi tôi cảm nhận thấy lệ nóng của ông lăn dài trên má. Tôi nhìn dãy hành lang bên ngoài bệnh viện mà chỉ mấy phút trước tôi hãi hùng, mà bây giờ như trở thành quen thân. Ông bác sĩ mấy tiếng đồng hồ trước sừng sững như vị thần linh nắm toàn quyền sinh sát, bây giờ đang kề má bên má tôi. Mẹ tôi đang nằm trong kia, mê man bên những dụng cụ xa lạ mà cả đời tôi chưa hề nhìn thấy. Làm sao mẹ biết người vừa cứu sống mẹ là người tôi phải gọi bằng ba. Là người mà lâu nay tôi mơ ước muốn biết mặt biết tên, mà mẹ phải giấu giếm rằng đang ở rất xa tôi. Sư đột ngột làm tôi bàng hoàng khôn xiết, không biết có nên gọi lớn “ba ơi” hay cứ đứng im lặng và giữ thế thủ chờ cho đến khi mẹ tôi tỉnh dậy và xác nhận. Bác sĩ Thạch vẫn nói :
- Ba sẽ đưa con về tỉnh sống với ba, ba tìm con lâu nay mà không gặp. Bà nội mong dược nhìn mặt con một lần mà không thấy. Thuận, con về với ba nghe !
Tôi hỏi :
- Còn mẹ… mẹ đâu rồi ?
- Mẹ đang nằm trong kia. Để mẹ tỉnh ba sẽ đưa con vào thăm mẹ.
Tôi im lặng không đáp. Buổi trưa bệnh viện nồng hơi thuốc. Mấy cơn gió nhẹ thoáng qua thổi theo những chiếc lá bay tơi tả ngoài sân bệnh viện. Tôi tựa tay vào thành cửa sổ nhìn bầu trời đứng bóng, rồi nhìn vào người đàn ông mặc áo blouse trắng đang cắm cúi nơi bàn thỉnh thoảng ngước nhìn tôi mỉm cười dịu dàng. Tự nhiên tôi mong muốn được sáng mai đến lớp học ở trường quận, tôi sẽ khoe khoang với những đứa bạn trong lớp là tôi đã có ba, ba tôi nhiều quyền lắm, ba tôi làm tới bác sĩ lận, ba tôi cứu được những người sắp chết và ba tôi có xe hơi hơn cả ba của mấy đứa bạn tôi. Bây giờ tôi sẽ không lẻ loi một mình với mẹ nữa. Sẽ không bao giờ tôi phải mở miệng hỏi lại mẹ tôi : “ba con đâu”, vì người đàn ông sang trọng đang ngồi kia, đã tự nhận là ba tôi, sẽ đem tôi về nuôi nấng săn sóc tôi, tôi sẽ được học trường tỉnh mỗi ngày có xe đưa rước, mang danh là con ông bác sĩ bộ không thích sao ? Tôi nghĩ như vậy và thấy bầu trời hôm nay đẹp hơn bao giờ hết.
Xem tiếp CHƯƠNG IV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét