Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

CHƯƠNG IV_VỀ VỚI MẸ


CHƯƠNG IV

Bây giờ, mỗi buổi sáng tôi thức giấc không còn nhìn thấy mấy cụm hoa vạn thọ vàng hườm, mấy bụi ngò xanh lá hay lu nước đục lờ lờ trong màn sương sớm nữa. 

Bây giờ, mỗi buổi sáng tôi thức giấc có bà vú già chạy lên đỡ tôi ra khỏi chiếc giường êm có nệm chứ không phải là cái chõng tre ọp ẹp. Buổi sáng người ta bưng đến cho tôi ly sữa với khúc bánh mì nóng giòn. Tôi ngồi ăn bên cạnh một bà nội già nua và một ông cha làm bác sĩ với một người, ba tôi gọi là vợ, nhưng không phải là mẹ tôi.Tôi được biết trước kia ba mẹ tôi thương nhau, ăn ở không có phép của bà nội tôi cho đến khi sanh ra tôi. Ba tôi lúc đó còn đi học nên tài chánh eo hẹp. Bà nội tôi lại nhất định không chịu cưới mẹ tôi cho ba tôi. Rồi một hôm, nhân lúc ba tôi đi học không có nhà, bà nội tôi đến tìm mẹ tôi. Bà nội mắng chửi mẹ và quẳng vào mặt mẹ tôi một số tiền mà bà cho là đủ để nuôi con cho đến ngày nào tìm được tấm chồng khác. Mẹ tôi trả tiền lại cho bà nội và hứa là sẽ xa ba tôi, để bà nội cưới vợ giầu cho ba tôi. Một hôm, nhân ba tôi đi học, mẹ tôi ở nhà thu vén một ít quần áo và nhiều tư trang mà mẹ sắm được do tiền dành dụm vì mẹ tôi mồ côi từ nhỏ. Mẹ tôi lớn lên trong khuôn khổ nội trú nhờ mấy bà sơ thương tình săn sóc. Chính bởi vậy cho nên thỉnh thoảng tôi thấy mẹ làm dấu thánh giá dù mẹ không bao giờ theo đạo. Rồi mẹ tôi bế tôi đi xa, tìm về thôn hẻo lánh để tránh ba tôi và tảo tần nuôi tôi khôn lớn. 

Phần ba tôi, từ lúc mẹ tôi bỏ đi, ông đành nghe lời bà nội cưới vợ, một cô gái con nhà giàu rất môn đăng hộ đối với gia đình bà nội. Nhưng ba tôi và bà đó cưới nhau đã từ lúc đó đến nay mà vẫn không sanh được mụn con nào. Bà nội tôi đâm ra ân hận vì trước kia không dịu ngọt với mẹ tôi để giữ đứa con trai là tôi lại. Bà nói bà bảo ba tôi hãy cố tìm cho được mẹ tôi để bắt tôi về làm cháu đích tôn. Hôm mẹ tôi tỉnh dậy trong phòng lạnh và nghe tự sự, mẹ tôi đã khóc nức nở. Tôi không hiểu mẹ khóc vì mừng được gặp lại ba sau mười năm trời xa cách hay mẹ khóc vì tôi đang bị đe doạ ra khỏi cuộc đời giản dị mà hai mẹ con đã sống với nhau bao lâu nay. Thế rồi vì tương lai của tôi, mẹ bằng lòng cho tôi ở lại với ba, bà nội và người đàn bà nọ. Mẹ trở về quê sống nốt những tháng ngày còn trẻ để nhớ tôi. Với sự bồng bột của tuổi ấu thơ, tôi hân hoan lao mình vào nếp sống mới có những tiện nghi vật chất mà từ thuở có trí khôn tôi chưa bao giờ được thụ hưởng. Chân trời mới mở ra trước mắt tôi một viễn ảnh huy hoàng. Ngôi biệt thự với giàn hoa giấy đỏ, những con chó bẹc giê to tiếng ăn những phần ăn ngon lành bằng năm bằng mười phần của mẹ con tôi ngày còn ở quê. Chiếc xe hơi mỗi ngày được lau chùi bóng loáng và người vú già hầu hạ từng li từng tí. 

Tôi những tưởng mình sẽ hoà mình vào nếp sống mới đó, thích hợp với những người chung quanh. Bà nội già ho khù khụ trong áo len dày cộm dù trời tỉnh lỵ nóng nực. Bà lúc nào cũng tỏ ra âu yếm và lo toan cho tôi. Nhưng không hiểu sao tự trong thâm tâm tôi thấy xa cách bà. Tôi hình dung bà như mụ phù thủy có những móng tay dài và nhọn trong truyện cổ tích thần tiên mẹ vẫn kể cho tôi nghe. 

Những buổi tối tôi nằm trằn trọc không ngủ được vì cơn đau răng hành hạ. Mỗi khi bà vú già đưa tôi vào vấn an nội là tôi cảm thấy run rẩy. Khi bàn tay khô đét của bà vuốt ve trên da mặt tôi, tôi nghe rờn rợn khác với những lần bàn tay mẹ ấp ủ khuôn mặt tôi. Ba tôi thì suốt ngày bận bù đầu ở bệnh viện. Bà mẹ ghẻ ốm như cây tăm tre suốt ngày nhăn nhó đau ốm. Cuộc sống mới đầu quyến rũ mà càng ngày càng buồn tẻ. Chỉ mới có tuần lễ mà tôi nhớ mẹ đến điên cuồng. Buổi sáng trở dậy, tôi tưởng như mình đang ở thôn cũ, nghe tiếng gà gáy và tung chăn ngồi dậy để thấy mẹ đang lui cui sắm sửa để lên chợ quận. Nhưng tôi bàng hoàng mà tế nhận là mình không còn ở trong khung cảnh cũ nữa. Tất cả đã thay đổi kể cả con người tôi. Tôi không mặc những bộ đồ vải ú nữa, mà lúc nào cũng tươm tất trong những quần áo đắt tiền. Đồ chơi của tôi là những xe điện, tàu thủy có gắn máy chạy pin, những máy chiếu hình. Vậy mà tôi nhớ lon sữa bò bẩn thỉu đựng những viên bi lem luốc mà thân thuộc. Tôi xa lạ với những gì chung quanh quá. Tôi hiểu tôi không phải là của khung cảnh giàu sang êm ái này. Tôi không thể thiếu mẹ mà chín mười năm trời nay người đã nuôi dưỡng tôi. Tôi chỉ là của mẹ mà không là của ai khác. 

Mẹ ơi ! Mẹ tha lỗi cho con lâu nay đã ở lại đây mà bỏ mặc mẹ thui thủi một mình ở dưới thôn xa. Nhưng sao mẹ không lên đây thăm con hay đón con về. Sao mẹ cứ để con ở giữa những người mà từ nhỏ đến giờ con chưa lần nào gặp mặt. Con còn nhỏ dại, làm sao con tìm về mẹ được hở mẹ? Hay là mẹ không nhớ không thương con nữa, hay là mẹ giận con về tội bằng lòng ở với ba? Tôi nhớ hôm đó chính mẹ tôi đã sụt sùi nói với tôi : “Mẹ khó sống xa con được, nhưng vì tương lai tươi sáng của con, nên mẹ đành phải lui về sau lưng con. Mẹ chỉ biết đứng trong bóng tối nhìn con bước lên những tiện nghi cần thiết cho sự việc tạo dựng ngày mai của con”. Tôi hiểu mơ hồ những câu mẹ nói. Nhưng điều duy nhất tôi hiểu được một cách chắc chắn là quả thật mẹ khó sống xa tôi. Chắc mẹ phải héo hon vàng võ. Có hôm tôi nhớ mẹ quá tôi ngỏ lời xin ba cho tôi trở về sống với mẹ như xưa, nhưng ba tôi luôn luôn lắc đầu. Bây giờ thì tôi thấy mình không chịu đựng được nữa. Tôi phải sống kề cận bên mẹ như từ bao giờ tôi vẫn sống. Tôi phải thức dậy mỗi sáng trên chiếc chõng tre, đi đôi guốc gỗ, ăn gói xôi đậu và theo mẹ ra trường chợ quận. Cuộc sống đó mới đích thực là cuộc sống của tôi. Tôi phải trở về với mẹ, với quê. Ba tôi đó, nhưng ông không đủ sức kéo tôi vào cuộc sống sang cả này. 

Thế nhưng làm cách nào để mà trở về với mẹ ? Tôi thật nát óc với câu hỏi hóc búa tự mình đặt ra mà không thể trả lời ! Với mười tuổi đầu, tôi làm được gì khi tôi không có một đồng dính túi, vì tuy ở với ba, nhưng ba tôi lo lắng mọi mặt mà không hề cho tôi cầm tiền. Tôi làm được gì khi mà tôi không biết đường biết xá, không biết xe biết cộ. Tự trong thâm tâm, tôi nhủ thầm dù không có gì trong tay, dù vạn điều cản ngăn đi nữa, thì tôi cũng sẽ trở về với mẹ. Tôi bắt đầu để tâm tìm mưu thoát về, vì bên cạnh tôi lúc nào cũng có người, không ông tài thì bà vú. Tôi đâu có được tự do như ngày trước, làm gì cũng có giờ giấc. Điều đầu tiên bây giờ là phải làm sao để có tiền đi xe từ đây về chợ quận. Xa quá tôi sẽ không đủ sức đi bộ, tôi sẽ gục ngã giữa đường và như vậy là hỏng hết. Tôi nghĩ chỉ cần tiền xe về đến chợ quận, là vì từ chợ quận về nhà, nếu hết tiền đi xe lôi tôi có thể cuốc bộ như những buổi sáng thường xuyên theo mẹ ra chợ, hơn nữa về đến đó là tôi rành đường rồi. 

Tôi nghĩ hoài mà không ra cách nào để có tiền. Sáng hôm ấy, bà vú mang sữa và bánh mì vào phòng cho tôi. Vừa nhìn thấy bà, tôi nảy ra ý định xin bà ít tiền. Nhưng tôi phải nói thế nào để bà cho và khỏi nghi ngờ đây ? Chờ cho bà đặt mâm xuống, tôi mở lời : 

- Bà vú ơi ! Cháu nói này hay lắm ! 

Bà vú già ngồi cạnh tôi, nhúng từng mẩu bánh mì vào sữa cho tôi ăn. Bà hỏi : 

- Gì đó bé ? 

- Bà cho cháu trăm đồng đi ! 

Bà vú mở tròn mắt : 

- Chi vậy ? 

Tôi nói dối ngay : 

- Tại cháu thấy tụi nó trên trường (tôi được đi học ngay tại trường tỉnh từ lúc về với ba tôi), có tiền để trong tập thích ghê mà cháu không có ! 

Bà vú cau mặt : 

- Con nít lấy tiền làm chi ! Ba của bé không cho đâu ! 

Tôi dụ bà : 

- Ba cháu không cho là tại ba cháu sợ cháu ăn bậy bạ rồi đau. Nhưng cháu đâu có mua gì. Cháu để le chơi. 

Sau một hồi năn nỉ, bà vú lận túi lấy cho tôi tờ giấy trăm. Cầm tiền trong tay, tôi nhẹ nhõm cả người. Buổi trưa, khi bác tài đưa ba tôi đi làm, tôi núp sẵn ở lùm cây gần cổng, chờ lúc cổng mở và xe ra, tôi nép mình ra theo nên không ai trông thấy. Ra khỏi cổng nhà, tôi thở một hơi nhẹ nhõm, vậy là tôi sắp thoát rồi, tôi sắp được về gặp lại mẹ tôi, gặp lại những bạn bè xưa thân thích, những viên bi lem luốc nhưng trung thành với tôi. Tôi đứng nép người chờ chiếc xe đi khuất và cánh cổng đã đóng hẳn lại, mới băng mình chạy qua đường. Tôi nhớ mang máng bến xe đò ở gần công viên thành phố, vì hàng ngày bác tài chở tôi đi học ngang đó, tôi thấy nhiều xe đò. Tôi chạy lại phía công viên, thấy người lơ xe đang đứng la lên những tiếng chói tai, tôi mon men lại gần. Thấy tôi, ông ta nạt đùa : 

- Nhỏ đi đâu, dang chỗ khác chơi, tính móc túi hả ? 

Tôi hoảng hồn ấp úng : 

- Dạ đâu có ! 

- Chớ lại đây chi, chỗ này xe de ra de dô hoài mày lạng quạng coi chừng xe cán à con. 

- Dạ… 

Tôi muốn hỏi ông ta xe nào về quận mà không dám mở lời. Chừng thấy tôi tội nghiệp, ông ta mới nhỏ giọng : 

- Có chuyện gì không, nói đi… 

Tôi như mở cờ : 

- Dạ, cháu muốn hỏi xe nào về quận Thủy Điệu ? 

Ông lơ xe thở ra : 

- Tưởng gì, vậy mà nãy giờ mày không nói. Kia kìa, chỗ chiếc xe xanh xanh đó… đọ… đúng rồi, mày lại đẳng mà đi. 

Vừa nói, ông ta vừa chỉ chỏ về mấy chiếc xe đậu cuối cùng. Tôi mừng rỡ cám ơn rối rít và chạy lại. Muốn cho chắc ăn, tôi hỏi lại một cụ già đang ngồi trên xe : 

- Cụ ơi ! Phải xe về Thủy Điệu không cụ ? 

Cụ già gật đầu, chùm râu bạc bay bay : 

- Phải đa, cháu đi hả, lên ngồi đây cho vui. 

Tay nắm chặt trăm bạc, tôi leo lên xe ngồi cạnh cụ già, lòng tôi nơm nớp lo sợ, mong sao cho xe chạy nhanh. Tôi sợ ở nhà phát giác ra sự vắng mặt của tôi rồi đi tìm mà bắt lại thì nguy. Thời khắc trôi qua chậm rì. Người ta chờ xe đông mới chạy. Mỗi người bước lên là tôi cảm thấy mừng. Mắt tôi nhìn về phía nhà, may quá, không thấy bóng chiếc xe của ba tôi chạy đi tìm. Có lẽ giờ này chưa ai biết vì tôi phải ngủ trưa mà. Cuối cùng chiếc xe cũng chuyển bánh. Ngồi trên xe, lòng tôi nôn nao kỳ lạ. Tôi nghĩ đến khuôn mặt của mẹ tôi khi tôi bất thần trở về. Chắc là mẹ mừng rỡ đến nghẹn ngào. Mẹ sẽ ôm siết tôi trong tay. Hai mẹ con sẽ xuống bếp, tôi sẽ bảo mẹ lục cơm nguội cho tôi ăn vì tôi đói lắm. Tưởng tượng đến lúc nhẹ nhàng bước vào nhà gặp mẹ, lòng tôi lâng lâng nỗi hân hoan không bút nào tả xiết. 

Tôi phải về với mẹ, mẹ ơi ! Đợi con. Con sắp về cùng mẹ đây. Con phải về với mẹ, vì mẹ là người duy nhất đã hy sinh cả cuộc đời cho con. 

Buổi trưa nóng nực, gió đồng ruộng hừng hực thổi vù vù bên tai. Xe đò chạy nhanh, bởi vì về đến quận, họ còn phải chạy một chuyến nữa lên tỉnh. Tôi thấy sao con đường dài dằng dặc, cuối cùng rồi cũng tới. Khu chợ quận hiện ra, những quen thuộc cũ làm tôi lặng người. Đằng kia là trường học với cột cờ cao… 

Xe từ từ chạy vào bến của nó. Tôi chen lấn bước xuống xe. Đang dáo dác tìm xe lôi, chợt tôi thấy trong đám hành khách đang leo lên xe để lên tỉnh có một người đàn bà mặc áo bà ba trắng. Môi tôi bập bẹ và tôi gọi lớn lên : 

- Mẹ ! 

Phải, mẹ quay lại. Nhìn thấy tôi, hai mắt mẹ mở lớn và từ trong vực sâu thương yêu đó, dòng lệ nóng lăn tự nhiên trên gò má. Mẹ chạy bay lại phía tôi, ghì ôm lấy tôi hôn lấy hôn để vào má vào tóc tôi. Rồi mẹ nói cho tôi biết là mẹ định ở luôn dưới quê không lên tỉnh để tôi yên ổn học và mẹ cũng không muốn làm phiền lòng gia đình ba, nhưng mẹ nhớ tôi quá chịu không được nên mẹ đành ra đi. Mẹ định lên thăm tôi rồi sẽ trở về tiếp tục cuộc đời bình lặng của mẹ. Mẹ hỏi tôi sao đi về một thân một mình. Tôi tức tưởi nói với mẹ nỗi nhớ nhung của tôi trong những ngày xa mẹ. 

- Từ nay con không lên ba nữa đâu. Mẹ ơi ! Mẹ cho con ở nhà bên mẹ mãi nghe mẹ ! 

Mẹ tôi không trả lời mà nước mắt cứ tuông dòng dòng. Mẹ siết tôi thật mạnh và tôi hiểu là tuy mẹ không trả lời câu nói của tôi, nhưng kể từ nay mẹ con tôi sẽ không thể nào xa nhau lần nữa. 

Nắng xế buổi chiều nhảy múa trên tóc, trên áo mẹ. Con đường về thôn dài hun hút ngoằn ngoèo, nhưng đầy thân thuộc. Con đường đó sẽ mãi mãi in dấu chân tôi và mẹ mỗi sáng tôi đến trường, mẹ ra chợ bán. Ngôi nhà lá ọp ẹp sẽ có tôi mà không phải là mẹ thui thủi nữa. Tôi nắm tay mẹ, mắt nhìn xa phía trước. Ngước nhìn mẹ, tôi nói : 

- Về thôi, mẹ ! 

Bóng hai mẹ con tôi đổ dài trên quan lộ…

THỤY Ý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét