Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

CHƯƠNG MỘT_LINH HỒN TƯỢNG ĐÁ

một

- Thế là ông bô tao quyết định ! 

- Mày cũng chịu à ? 

- Sức mấy mà không ! Tại ổng xem học bạ thấy tao bết về Việt văn và Sinh ngữ, la tao một trận tơi bời. Ổng bảo theo ban C mà kém hai môn này thì kể như cầm chắc cái rớt. Tao cũng lo thí mồ, nhưng ghét loại học “kèm trẻ em tại gia “ ! 

- Sao mày không xin học lớp luyện thi ? 

- Rồi, nhưng ông bô bác bỏ thẳng tay, cho rằng học đông người khó tấn tới… Phải chi tao cũng khá như mày ! 

- Mỗi đứa có một năng khiếu riêng chứ, như mày đỡ hơn tao về môn toán. 

- Cái đó thì ăn nhậu gì tới ban C ! 

- Đừng khinh môn phụ mà rớt cái đụi ! 

- Học với thi cử chán quá hả mày ! 

- Đời mà ! ... À, mày thấy dung nhan ông thầy tương lai của mày chưa ? 

- Chưa. Chỉ biết đại khái trên mục báo rao vặt là sinh viên cao học văn khoa, nghèo, cần có phương tiện để tự lập. 

- Chà, bi thảm quá hé ? 

- Quảng cáo mà mày ! 

- Chừng nào bắt đầu ? 

- Chưa biết. Ông bô cũng mới viết thư mời được mấy hôm nay. 

- Chắc cũng chỉ trong tuần này. 

- Khoảng đó. 

- Bây giờ mày tính sao ? 

- Còn tính gì nữa… nhưng có điều tao ớn tận xương sống ! 

Lệ nhìn Quyên. Cả hai không nói gì thêm. 

Ngoài song cửa nắng xuyên những kẽ lá đan thành những ô vuông, tròn. Gió phà hơi nóng. Ngột ngạt. 

Quyên lật những trang báo Cinémonde, chỉ cho Lệ những kiểu áo và tóc của các tài tử ngọai quốc – Audrey mặc “sốt” coi được chứ mày ? – Tao chịu lối chải tóc này, man rợ nhưng trẻ trung– Đố mày ai đây ? Không nhận ra hả ? Steve Mac Queen đấy, xí kinh khủng nhưng vậy mà hay đó mày ; tao chịu loại đàn ông coi vẻ cô hồn, tàn bạo, dữ dằn ! – Trời, gì đây, Quyên ? – À, tụi Hippy bên Mỹ đang “ make love” tập thể đó mày – Khiếp! 

Lệ đóng vội tờ báo lại. Tấm hình chụp một đám thanh niên, thiếu nữ khỏa thân ôm nhau giữa bãi biển làm nàng choáng váng, đỏ mặt. Lệ đứng lên, kéo lại vạt áo, vuốt những cọng tóc xòa xuống trán : 

- Thôi tao về, mày Quyên ! 

- Còn sớm mà ! 

- Tao phải ghé nhỏ “ Thuần đuôi ngựa “ mượn cuốn vạn vật. 

- Siêng thế ! 

- Ở đó mà siêng ! Ba tuần rồi tao chưa chép lấy một chữ ! 

- Bộ mày “cúp” đều đều hả ? 

- Có một lần thôi. 

- Đi đâu ? 

- Xem Roméo et Juliette với nhỏ “Huyền Cady”. 

- Thế còn hai tuần rồi ? 

- Một lần ngồi chép nhạc, còn lần khác làm “cố vấn” con nhỏ “Trâm khểnh” viết thư cho bồ. 

- Ủa, nó có rồi à ? 

- Từ khuya rồi ! 

- Sao tao không hay gì ? 

- Nhỏ Trâm kín tiếng lắm. 

- Còn mày ? 

- Tao mí nó “friend” nên mới được nó tiết lộ và mời làm… “cố vấn”. 

- Mày biết gì về… tình yêu mà bày đặt cố vấn, cố viếc ! 

- Kẻ đứng ngoài thường sáng suốt hơn người trong cuộc. 

- Thế tới lượt mày, mày định mời ai ? Tao nhé ? 

- Tao còn lâu ! Sau mày là cái chắc ! 

- Đừng có nói trước bạn ơi ? 

- Còn gì nữa ! Hiện giờ mày cũng đã “tiến bộ” hơn tao ! 

- Hơn gì đâu ? 

- Còn phải giấu ! Thằng Vinh cận đó ! 

- Nó theo tao chứ bộ… tao… tao… có gì với nó há ? 

- Tao thấy nó cũng bô lại học giỏi ! 

- Ai mà ham ! Cù là thí mồ ! Nói chuyện mí con gái mà mặt đỏ như say rượu, ấp a ấp úng cả tiếng đồng hồ không “phát ngôn” được lấy một câu. 

- Nhưng nó không gấu như bọn thằng Hùng Honda ! 

- Tao cũng hổng thèm ! 

- Dễ dầu tìm được một thằng kép ngoan ngoãn như vậy ! 

- Mày muốn tao… nhường cho đấy ! 

- Ê, đừng có nói nhảm bồ ! 

- Tao dám cá với mày nếu… lấy nó sau này… đánh nhau bao giờ mày cũng thắng ! 

- Nhỏ này ! 

- Mày cứ giấu cặp kính “đít chai” của hắn là hắn phải “đi trong đêm tối, trong đêm đen” ngay ! 

Lệ và Quyên cùng phá lên cười. Nước mắt nhòe ra viền mi. Đánh vào tay bạn, Lệ nói : 

- Tao về. Ở đây nghe mày “phát ngôn bậy bạ” cười đến đứt ruột mất. 

Tiếng Quyên đuổi theo bước chân của Lệ : 

- Mai qua tao nữa, nghe ! 

Lệ quay đầu lại, chu môi : 

- Ừa, cô nương ! 

- Nhớ đem tao mượn cuốn thơ của mày ! 

- Nhỏ “Nguyên xứ dân gầy” mượn rồi. 

Lệ vừa bước đi, tiếng Quyên lại gọi : 

- Nhỏ ! 

- Gì nữa ? 

- Cho tao gởi lời thăm “đít chai” ! 

Tiếng cười lại nổi lên, Quyên ho sặc sụa. Lệ phải đi mau ra cửa, lấy khăn chậm nước mắt. Quyên cười một lúc, chạy đuổi theo : 

- Để tao đưa mày ra đường. 

- Bầy đặt, bà cô ! 

- Nhân tiện đón ba tao về. 

- Gần 12 giờ rồi đó. Nói chuyện mãi ! 

- Lâu lâu “xả hơi” một bữa, học hoài cũng chán ! 

Nắng đã lên giữa đỉnh đầu, chói chang. Gió như đã rủ nhau đi đâu hết. Thành phố đang cháy bỏng. Xe cộ chen chúc trên đường nhựa như những con cá mắc cạn trong một ao tù khô nước. 

Quyên vẫy cho bạn chiếc xích lô đạp. Lệ giẫy nẩy : 

- Để tao đi xe lam ! 

- Giờ này tan sở, sức mấy mày chen nổi ? 

- Đi xích lô có vẻ trưởng giả ! 

- Về cho kịp chiều còn đi học. Thôi đừng ghé nhỏ “Thuần đuôi ngựa” nữa. 

- Chắc phải để sáng mai. 

Ngồi lên xe rồi Lệ còn thò đầu ra, nói với lại : 

- Khi nào “ông kèm trẻ” đến nhớ “báo cáo” nhé ! 

- Yên chí ! 

Xe chuyển bánh Quyên cũng quay vào. Nắng và cảnh xô bồ của phố xá làm nàng chóng mặt, bỏ ý định đón ba đi làm về. 

Bước chân vào nhà, Quyên thở phào, thấy dễ chịu hẳn. – Giờ này mà mẹ vẫn chưa về – Quyên nhìn đồng hồ và thầm nghĩ như vậy. Mùi xào nấu dưới bếp bay lên, đánh động khứu giác của Quyên. Nàng chợt thấy cồn cào trong bụng, nhớ ra sáng nay đã bỏ bữa điểm tâm. Không chống trả nổi với sức quyến rũ của mùi thơm, Quyên chạy xuống bếp, nuốt nước miếng đến khô cổ: 

- Gì mà thơm dữ vậy chị Ba ? 

Người giúp việc đứng tuổi ngừng tay, quay lại cười: 

- Cá chiên ! 

Đúng món Quyên thích nhất, nàng lấy đũa khều khều khúc cá đã cháy vàng trong chảo: 

- Chín chưa chị Ba ? 

- Bộ cô đói hung rồi sao? 

- Muốn chết luôn ! 

Vừa nói Quyên vừa xắn một miếng cá, cho vào miệng, suýt xoa: 

- Cha…nóng quá ! 

- Cô ăn trong dĩa kia kìa, nguội hơn ! 

- Thôi rộp lưỡi rồi ! 

Câu nói của Quyên làm bà giúp việc cười rung cả tấm thân béo tròn. 

Quyên bỏ đi lên, vào phòng. Chồng sách vở nằm ngổn ngang trên mặt bàn gợi lại trong trí nàng câu chuyện lúc nãy nói với Lệ: học thêm việt văn và sinh ngữ ! Quyên vẫn ấm ức về quyết định của cha mẹ. Từ trước đến giờ nàng vẫn đả kích lối mời giáo sư về nhà dạy tư; nay đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”. Tuy nhiên thật ra trong thâm tâm Quyên cũng đã dự định một “kế hoạch” mà ngay với Lệ, đứa bạn thân nhất, nàng cũng không nói ra. Đó là Quyên sẽ đóng vai bướng bỉnh, lì lợm đến dễ ghét để… ông thầy chán nản mà xin rút lui. Quyên đoán người sẽ kèm nàng học thêm chắc còn trẻ – sinh viên đang còn đi học mà – hắn chưa kinh nghiệm trong “nghề gõ đầu trẻ”, do đó chắc dễ bị… hạ. Và Quyên cũng cảm thấy nôn nóng muốn gặp… hắn ! 

Tiếng còi xe hơi cắt dứt dòng tư tưởng mông lung trong đầu Quyên – Ba đi làm về – Như thường lệ, Quyên chạy ra đón. Ông Giang, ba Quyên, quay người xuống mở cửa xe cho cô con gái út ngồi băng sau. Tiếng Quyên làm ra điệu vui vẻ: 

- Ba mới về ? 

Ông Giang bước xuống xe, quay cửa kính, không nói gì. 

Tiếng em gái Quyên: 

- Cho chị cái này ! 

- Gì ? 

- Đậu phộng da cá ! 

- Đâu mà mày có nhiều vậy Thảo ? 

- Nhỏ bạn em cho. Nhà nó chuyên làm cái này. 

- Bữa nào mày mua cho tao chừng... hai chục gói ! 

- Chi mà nhiều dữ vậy ? 

- Để vừa... học thi vừa ăn cho đỡ buồn ngủ. 

Tháo cà-vạt, cởi áo xong, ông Giang hỏi: 

- Mẹ mày đâu rồi Quyên ? 

- Nghe nói mẹ con đi lo thủ tục chuyển ngân cho anh Long. 

- Đi lâu chưa ? 

- Từ sáng lận, Ba. 

- Sao giờ này chưa về ? 

- Con cũng không hiểu nữa. 

Ông Giang không nói gì thêm. Quyên cũng im lặng. Trong nhà chỉ có tiếng vù vù độc điệu của chiếc quạt trần và thỉnh thoảng nổi lên tiếng vỡ ròn tan của hạt đậu phộng trong hàng răng trắng ngà của Quyên. 

Một lúc sau bà Giang về, kêu bị làm khó dễ ở Nha Du Học, Bộ Giáo Dục vì thời hạn chuyển ngân cho du học sinh đã chấm dứt. Thế là trong suốt bữa cơm câu chuyện gia đình quay tròn trong vấn đề du học. Ông bà Giang được tất cả bốn người con. Long lớn nhất vừa xuất ngoại trong mùa hè vừa qua, rồi đến Quyên. Giữa Quyên và Thảo còn có một người con trai nữa, nếu còn sống năm nay cũng khoảng 15 tuổi. Gia đình tương đối giàu có, sang trọng nhờ sự chắt chiu buôn bán của hai vợ chồng ông Giang. Hoà khí hiện hữu giữa những con người máu mủ này. 

Từ vấn đề du học, câu chuyện được đưa đẩy về việc học hành của chị em Quyên mà chủ đề bây giờ là chuyện Quyên được kèm học thêm. Nàng thấy ai trong gia đình cũng có vẻ chờ đợi “người ta“ mau đến. Ngược hẳn với nàng. 

Ông Giang: 

- Sao không thấy“người ta“ lại nhỉ ? 

Mẹ Quyên: 

- Chắc chưa nhận được thư. Cầu sao “người ta“ chưa nhận chỗ nào khác. Nhắm mãi mới thấy chỗ này có bằng cấp cao hơn cả. 

Cô bé Thảo: 

- Con đoán chừng nay hay mai là cùng. Thế nào “người ta“ cũng tới. 

Quyên chán ngán, muốn chuyển hướng câu chuyện nhưng không thành công. Ông bà Giang đang bàn luận về ngân khoản thù lao sẽ đưa cho “người ta“. Quyên buông đũa, với quả chuối tráng miệng. Bà Giang nhìn con: 

- Sao mày ăn ít vậy Quyên ? 

- Con no rồi mẹ. 

Thảo chen vào: 

- Chị í sợ ăn nhiều mất eo ! 

- Úi dào, eo với iếc ! Nhịn ăn rồi ốm đau ra đấy, lại chỉ tổ thuốc thang ! 

Quyên tức giận, ký đầu Thảo: 

- Nó xạo đó mẹ ! 

Thảo chu môi : 

- Sức ! Bữa nọ em nghe chị than với chị Lệ là dạo này chị lên ký này, các áo dài mặc chật hết trơn này... 

- Xí xọn ! 

- Chị với chị Lệ còn bàn nhau là sẽ ăn chanh thật nhiều để khỏi mập. Đúng không ? 

- Tao không thèm nói với mày ! 

- Em biết chắc chị không dám ăn nhiều cơm để làm cho ốm bớt đi. Đúng không ? 

Quyên làm thinh, lặng lẽ cắn chuối. Thấy vậy bà Giang la Thảo không được trêu chị mày nữa rồi nói với Quyên: 

- Ráng mà giữ sức khoẻ, năm nay phải học nhiều đấy. 

Hiểu là mẹ đã tin lời nói của Thảo, Quyên trấn an: 

- Con vẫn khoẻ mà mẹ ! 

- Tao thấy dạo này mày... hơi xanh ! 

- Có lẽ tại mấy bữa nay con thức khuya. 

- Vậy phải ăn nhiều để lấy sức lại. 

- Thì con vẫn mỗi bữa ba chén cơm. Riêng trưa nay con thấy hơi... lửng dạ... 

- Bây giờ các con cứ chịu khó ăn, chịu khó học là ba mẹ vui lòng rồi. 

- Mẹ an tâm. 

- Con Quyên năm nay ráng làm sao thi đậu cao cao một chút rồi xong tú tài hai ba với mẹ lại lo cho... du học như anh Long mày. 

- Thi đậu thì dĩ nhiên con sẽ cố, nhưng còn chuyện... du học, con chả ham. Ba mẹ đừng có chạy chọt gì hết ! 

- Học được thì ấm vào thân chứ... 

- Con thấy ở Việt Nam cũng thiếu gì môn cho mình học, cần gì phải ra ngoại quốc ! 

- Nhưng bằng cấp ở nước ngoài vẫn giá trị hơn ! 

- Mẹ không thấy anh Long viết thư về nói đấy à; ở bên Mỹ nếu chăm học thì lấy bằng cấp dễ như cho tay vào túi lấy khăn mùi-soa ! Còn tại Việt Nam thật trật vẩy mới hy vọng “thanh toán“ xong một cấp bằng ! 

- Tại anh mày... giỏi mới nói vậy chứ, người ta thì... thì... 

Tiếng ông Giang cắt ngang lời vợ: 

- Chuyện đó còn xa vời, sẽ tính sau. Điều cần thiết và thực tế nhất là con Quyên chăm học hơn để cuối năm thi đậu. 

- Thì con vẫn... cố gắng ! 

- Ấy là Ba dặn vậy. 

Lợi dụng câu chuyện, một lần nữa Quyên nói ra niềm ấm ức của mình : 

- Có điều con xin ba mẹ là... là... 

Ông Giang ngẩng đầu, nhìn Quyên : 

- Gì ? 

- Đừng... thuê giáo sư riêng nữa. Con thấy chẳng lợi là bao nhiêu. 

- Chính mày vẫn than là kém sinh ngữ với việt văn. 

- Con có thể... tự học. 

- Chỉ còn ít tháng nữa đến kỳ thi, không còn đủ thời giờ để tự mò mẫm nữa. 

- Nhưng... ba thấy không, con còn rất nhiều bài vở ở trường phải làm, phải học. 

- Nếu biết sắp đặt công việc thì đâu vào đó ngay. Mỗi tối lo làm bài, sáng dậy sớm một chút học bài. Vả lại mỗi buổi sáng học thêm có hai tiếng đồng hồ. 

- Con sợ đầu con sẽ... bung ra mất ! 

- Chưa ai chết vì chăm học ! 

- Nhưng con... không thích lối học... kèm trẻ ! 

- Vấn đề không phải thích hay không thích. Ở đời biết bao chuyện không thích mà người ta vẫn phải làm. Quan trọng là mục đích có lợi hay không. Ba hy vọng con sẽ... ngoan khi « người ta » đến dạy. 

Ông Giang ngừng tiếng, gắp miếng thức ăn. Không khí trở nên nặng. Bà Giang tiếp nối câu nói của chồng : 

- Tất cả cũng chỉ vì ba mẹ thương con., không quản ngại tốn kém, miễn sao tương lai của con sáng sủa là được... 

Quyên có vẻ suy nghĩ, nhưng thật ra tâm trí nàng trống rỗng hay đúng hơn là như mụ đi. 

Cắn miếng chuối còn lại, Quyên cảm thấy một vị đắng.


*

Quyên cho chiếc xe chạy như bay. Hồi trưa những ý nghĩ hội tụ đầy trong tâm trí khiến nàng mất ngủ; đầu nặng như đội đá. Bao nhiêu lần Quyên muốn lay chuyển ý định của cha mẹ về việc học thêm tại nhà nhưng không thành công. Cuối cùng cơn ấm ức vẫn như ngọn thuỷ triều ngày một ứ tràn. Quyên nghĩ thôi đành áp dụng « kế hoạch » riêng của mình rồi tới đâu hay tới đó. 

Tiếng còi xe hơi ré lên phía sau làm Quyên giật mình. Cố gắng xua đuổi hết những ý nghĩ vu vơ trong đầu, Quyên nắm chặt tay lái lấy lại bình tĩnh, cho xe chạy sát lề đường. Nàng nghĩ mình tới trường vào giờ này chắc còn sớm, chưa có nhỏ bạn nào đến. Tuy nhiên cơn nắng chiều còn rát bỏng cũng thiêu rụi ý thích của nàng chạy xe vòng các con phố. Quyên cảm thấy một sự trống rỗng trong tâm hồn. 

Không đúng như Quyên nghĩ, sân trường đã khá đông học sinh khi nàng quẹo xe vào. Sự bình lặng khởi sự trở lại với Quyên. Loay hoay khoá xe, tự nhiên Quyên cảm thấy như có ai đó đang nhìn mình: đôi tay trở nên luống cuống, vụng về. Vừa ngẩng lên, ánh nhìn của Quyên bắt gặp một cặp mắt kính thấp thó sau một thân cây. Ý nghĩ nghịch ngợm nẩy ra trong trí, Quyên đi thẳng tới. Cặp mắt kính dầy cộm vội quay đi, nhưng đôi chân của đối tượng như đã bị xiềng xuống đất. Quyên làm ra vẻ ngạc nhiên, thích thú : 

- A, anh Vĩnh ! 

Cặp mắt kính quay vội lại, gần văng khỏi sóng mũi. Tiếng ú ớ : 

- Ờ... cô... 

- Anh Vĩnh đang làm gì vậy ? 

Đôi mắt vừa chứa nhiều ý gian như đã bị bắt quả tang phạm tội, cụp mi xuống. Như mèo vờn chuột, Quyên hỏi nhẹ : 

- Chắc anh đứng đây... làm thơ chứ gì ? 

Cặp môi mấp máy không thành tiếng : 

- K... h... ông ! 

Nhìn bộ mặt biến sắc, từ đỏ dừ dần dần sang nhợt nhạt, lấm tấm mồ hôi, Quyên bắt thương hại nhưng vẫn không chịu buông tha : 

- Hay đúng là anh đang... trồng cây si cô nào phải không ? 

Cặp mắt mất thần mở lớn sau làn kính; đôi hàng lông mày rậm nhướng lên đồng thời với một giọng nói hoảng hốt : 

- Ơ... ơ... kh... ông ! 

- Anh giấu Quyên rồi nhé ! 

- Thật... thật... mà ! 

- Thế anh đang làm gì ? 

- Không... gì... cả ! 

- Thiệt hôn ? 

Vĩnh gật đầu. Quyên bồi thêm : 

- Anh Vĩnh hiền ghê, Quyên thích lắm ! 

Một nụ cười méo xệch, gượng gạo nở trên đôi môi dầy và khô; Quyên không biết người con trai cùng lớp này đang cười hay khóc. Nàng nói thêm : 

- À, giờ sinh ngữ tuần trước anh Vĩnh có đi học không ? 

Vĩnh gật đầu. Quyên nghiêng nghiêng khuôn mặt : 

- Mai anh đem vở cho Quyên mượn được không ? 

Vĩnh lại gật đầu. Cục xương ở cổ chạy lên chạy xuống liên hồi chứng tỏ Vĩnh đã nuốt cạn nước miếng đến khô cả họng. 

Nghĩ rằng « hình phạt tội nhìn lén » như vậy đã quá đủ đối với Vĩnh, Quyên mỉm cười thật tươi trước khi rời gót : 

- Anh Vĩnh nhớ mai đó, quên thì Quyên bắt đền cho mà xem ! 

Nhiều con mắt nhìn Quyên. Nàng biết vậy nhưng vẫn tạo một dáng vẻ bình thản, coi « thiên hạ » như không có trên... trần gian này. Nhiều nhóm nam sinh đang to nhỏ hoặc cười lớn tiếng. Quyên thừa biết việc mình đứng lại với Vĩnh thế nào cũng gây một « dư luận » trong lớp. Đây chắc hẳn là một « biến cố quan trọng » vì ai cũng biết Vĩnh thuộc loại nhút nhát và Quyên nổi tiếng hoa khôi của trường mà biết bao cậu trai « trồng cây si » nhưng đều bị... loại. Với Quyên dĩ nhiên không thành vấn đề vì dù sao nàng cũng vẫn được mệnh danh là « cây nghịch » có hạng, nhưng với những chàng trai mới lớn vẫn thường « để ý » Quyên thì sự kiện trên quả thực « độc nhất vô nhị » ! 

Vừa đi Quyên vừa mỉm cười khi tưởng tượng lát nữa đây bạn bè sẽ xúm quanh « phỏng vấn » Vĩnh – không hiểu anh chàng có biết phịa ra một « giai thoại » thật thơ mộng với những câu đối thoại thật tình tứ, với những hình ảnh trữ tình phóng đại hay là lại thật thà thuật lại cả những tiếng ú ớ, sự ngượng nghịu của mình ? Quyên đoán thế nào Vĩnh cũng bị chế là « cù lần, mỡ đến miệng mèo mà không biết đớp ! » để rồi lại được nghe những cái miệng ba hoa chích choè « giảng » về « khoa tán gái ». Quyên cũng hơi thấy tội nghiệp Vĩnh và thoáng thấy hối hận đã trêu anh chàng. 

Quyên định vào lớp cất cặp thì có tiếng gọi : 

- Ê, nhỏ Quyên ! 

Một đám,những Lệ, Thuần, Trâm, Nguyên cũng đang từ ngoài đi tới. Các cặp môi đều chúm chím cười – phải đề phòng mới được; chắc tụi nó đã nhìn thấy mình nói chuyện với Vĩnh. Quyên vội lên tiếng trước : 

- Tới trễ vậy tụi bây ? 

- Trước mày một... phút thôi ! 

- Ở đó mà trước ! Tao tới chẳng thấy mặt nào ! 

Thuần cười hóm hỉnh : 

- Ai còn mải... tâm tình cho ! 

- Đừng xuyên tạc ! 

Trâm chen vào : 

- Chối nữa ! Đứng dưới gốc cây thơ mộng thí mồ ! 

Biết mình đã bị bại lộ, nhưng Quyên nghĩ phải « phủ đầu » tụi này nếu không câu chuyện sẽ được xé ra to, được thêu dệt bằng đủ mọi thứ đến không tưởng nổi. Nàng bình tĩnh lựa cách xoay « thế cờ » : 

- Tao đang đi « nó » gọi tao trước chớ bộ. Ai thèm ! 

Lệ mở tròn mắt, nói qua mấy đầu nhỏ bạn : 

- « Đít chai » gọi mày ? Sắp mưa trái mùa chắc ? 

Cười thầm trong bụng, Quyên biết tụi này đã rơi trúng kế của mình nên thản nhiên kể tiếp : 

- Nó... hỏi mượn tao tập sinh ngữ ! 

- Thế mày trả lời sao ? 

- Tao định... hỏi ý kiến tụi mày ! 

- Cho đi mày. Rồi mày giả bộ viết tên « đít chai » ở phía trong tờ bìa ra cái điều mày cũng... nhớ hắn ! 

- Tầm bậy ! 

- Giả bộ thôi chứ bộ ! 

- Rồi sao ? 

- Mày sẽ thấy mắt hắn sáng lên, khỏi cần... đeo mắt kiếng nữa ! 

Cả bọn cười. Nguyên bàn thêm : 

- Theo tao, nhỏ Quyên nên viết cả một lá thư tỏ tình thật dài... 

Lệ vung tay, chặn lời : 

- Như vậy đâu có tự nhiên ! 

- Sao không ? 

- Con gái mà tỏ tình trước đâu có đúng luật ! Nó khám phá ra ngay ! 

- Mày làm như hắn... “chì” lắm ! 

- Nhưng “đít chai” cũng đâu có ngu gì ! 

- Hắn dám gọi nhỏ Quyên trước tức là hắn… si lắm rồi, còn trí óc đâu nữa mà suy nghĩ ! 

- Nhưng cũng có lúc tỉnh chứ ! 

- Tao dám cá với mày giờ nhỏ Quyên bảo hắn nhảy… xuống biển chơi, hắn cũng vâng lời ! 

Tiếng qua lời lại, bàn tán sôi nổi giữa mấy nhỏ bạn; riêng Quyên, nàng không nói gì thêm, thỉnh thoảng cười thầm – thế là thoát nạn ! 

Chuông báo hiệu vào học. Học sinh đứng xếp hàng dọc theo hành lang chờ giáo sư vào lớp. Quyên giả vờ quay đầu lại nói chuyện với Lệ để liếc nhanh xuống phía cuối hàng. Nàng thấy một lô con trai còn đang bao quanh Vĩnh và mặt anh chàng đỏ ửng – Cuộc “phỏng vấn” chưa chấm dứt ! Mặc dầu giọng nói của vị giám thị oang oang trong “ô-pạc-lơ” nhắc nhở học sinh giữ thinh lặng, tiếng xì xào vẫn không ngắt đứt. 

Thuần bỏ hàng dưới, chen lên đứng cạnh Quyên, thì thầm bên tai : 

- Bọn con trai đang nói mày ! 

- Gì ? 

- Mày với thằng Vĩnh ! 

- Kệ ! 

- Phải cho tụi nó biết tay chứ, bộ con gái mình « chùa » sao ? 

- Bỏ qua mày ! 

- Sao bữa nay mày hiền thế ? 

- Làm gì được bây giờ ? 

- Chửi ! 

Quyên phì cười : 

- Hèn chi tụi nó gọi mày là... « Thuần đuôi ngựa » ! 

- Mày nhát quá ! 

- Thế mày... chửi dùm tao đi ! 

- Đâu phải chuyện của tao ! 

- Cứ coi như của mày. Bạn mà ! 

Tiếng nói chuyện chợt tắt. Vị giáo sư tới trễ, đang còn đi từ xa, giơ tay ra hiệu cho học sinh vào lớp. 

Một lúc sau. Ông thầy càng cố cao giọng giảng bài, tiếng nói chuyện ở dưới dường như cũng càng to hơn. Mọi khi trong giờ Việt văn học sinh tương đối ngoan hơn cả, nhưng hôm nay không khí đã đổi khác. Giáo sư ngừng dạy, la rầy mấy lần nhưng im lặng chỉ kéo dài trong khoảng khắc. Gương mặt của ông hầm hầm, giận dữ, trái với nhưng nét vui tươi bình thường. Bỗng ông chỉ tay về hướng tên nam sinh để tóc dài tới gáy : 

- Hùng, đứng lên ! 

Hắn từ từ đứng dậy, khoanh tay nhưng miệng vẫn chưa xoá hết nụ cười tinh nghịch. 

Tiếng ông thầy nạt nộ : 

- Từ đầu giờ tôi thấy anh nói chuyện hoài ! Nói gì vậy ? 

Cả lớp im lặng như tờ. Hắn bất động. Ông thầy lặp lại : 

- Sao, nói gì vậy ? Trả lời ! 

- Thưa... thầy... 

- Nói lớn hơn ! 

- Thưa thầy... chúng em... nói chuyện về... anh... Vĩnh ! 

- Anh Vĩnh làm sao ? 

- Anh í bảo... anh í... có... số đào hoa... hơn chúng em ! 

Cả lớp cười phá lên như vỡ chợ. Ông thầy không hiểu gì, giận hơn, đập bàn, hét : 

- Im ! 

Vẫn còn vài tiếng khúc khích. Thầy chỉ tay ra phía cửa : 

- Hùng, đi ra khỏi lớp ! 

Rồi hất hàm gọi : 

- Vĩnh ! 

Vĩnh đứng lên, sợ sệt, cặp kính cận như đang nhảy trên mắt, trên sóng mũi. 

- Anh nói gì mà để các người khác cười vậy ? 

Hắn ngơ ngác, ú ớ, không biết trả lời sao trước câu hỏi bất ngờ. 

Dưới những gầm bàn có những khuỷu tay, cẳng chân hích nhau thay cho lời nói. 

Thấy Vĩnh thinh lặng ông thầy gằn giọng : 

- Anh không trả lời phải không ? 

Vẫn im lặng. 

- Một là anh trả lời tôi hai là anh ra khỏi lớp ! Tôi không có thì giờ chờ đợi ! 

Mặt tím ngắt, môi cắn chặt nhau, Vĩnh lách chân những người đồng bàn, đi ra. Cặp kính của hắn như dầy và có nhiều đường vòng hơn. 

Tiếng xì xào nổi lên. 

Quyên ngồi lặng người. Mấy nhỏ bạn biết chuyện nhìn nàng cười trong ánh mắt. 

Vị giáo sư không giảng bài nữa, nhưng, bằng giọng nói ôn tồn, thân mật cố hữu, thầy khuyên học sinh phải chăm học nhiều hơn vì kỳ thi không còn bao xa. Thầy bảo chúng ta là những người rất may mắn còn được an bình ngồi trong lớp học mà lo cho tương lai trong khi chiến tranh sôi động ở hầu hết các tỉnh miền giới tuyến, trong khi biết bao thanh niên ngã gục, bao gia đình tan nát, bao học sinh như chúng ta không còn cuốn sách, ngôi trường mà học. 

Lớp có vẻ cảm động. 

Ông thầy nói những câu cuối cùng : 

- ... Những gì các giáo sư giảng dạy trong lớp chỉ có tính tổng quát hay đúng hơn có tính cách chỉ đường, phần chính còn lại phải do chính các em học hỏi lấy. Ngoài giờ ở trường, về nhà các em cần học thêm thật nhiều mới hy vọng thấu triệt hết chương trình để đi thi, chẳng hạn như khảo cứu thêm, đọc sách thêm, làm bài thêm... 

Chợt Lệ giơ tay. Ông thầy ngừng nói, gật đầu : 

- Em muốn hỏi gì ? 

- Thưa thầy... có nên... mời giáo sư... về nhà kèm thêm không ạ ? 

Quyên giật bắn người, chặc lưỡi – nhỏ này khùng hay sao ? Đồ vô duyên ! Mấy người bạn ngồi cạnh nháy Quyên, cười cười trong khi ông thầy trả lời câu hỏi của Lệ : 

- Mọi phương tiện giúp mình tiến được đều quí. Tuy nhiên vấn đề chính yếu là mình có biết sử dụng đúng mức phương tiện đó hay không. Thế thôi... 

Chuông reo chấm dứt hai giờ đầu. Lớp học vỡ ra bởi những tiếng thét, tiếng cười, tiếng nói oang oang, bởi những bước chân chạy phóng ra ngoài, những thân hình chen lấn nhau. Những lời lẽ cảm động của ông thầy như đã bay xa, không để lại một dấu vết nhỏ. 

Quyên tìm Lệ : 

- Mày có điên không thế, Lệ ? 

Lệ cười : 

- Không có ai tỉnh bằng tao ! 

- Tao chưa từng thấy ai vô duyên như mày ! Ông í đang nói nghiêm trang, mày lại xía chuyện lãng xẹt khác vào ! 

- Gì mà lãng xẹt ? 

- Còn không à, chuyện của tao mắc mớ gì tới điều ông í nói đâu ! 

- Sao không... ông í chả nói về việc học thêm là gì ? 

- Thiếu gì chuyện khác sao mày không hỏi ? 

- Của mày... nóng bỏng hơn ! 

- Tao chỉ muốn nhéo mày một cái cho chết luôn ! 

Miệng nói, năm ngón tay Quyên xoắn trên da thịt Lệ khiến Lệ kêu trời ơi, chết tao rồi con khỉ ạ ! 

Những người bạn khác cười rộ lên. 

Lệ xoa xoa cánh tay, nói phụng phịu : 

- Móng tay sắc như quỷ ! Chảy máu rồi đây nè ! 

- Ai bảo ! 

- Không cảm ơn người ta còn giở « trò bội bạc » ! 

- Cảm ơn bằng một cái nhéo nữa nhé ? 

Lệ vội dãn ra xa, tránh bàn tay của Quyên, liếc xéo : 

- Còn không à, tao hỏi ông í để lấy thêm ý kiến cho mày về nói với ông bô bà bô mày. 

- Không cần ! Tao đã có cách đối phó rồi ! 

Câu nói của Quyên bất ngờ tạo một sự ngạc nhiên trên các khuôn mặt bạn bè. Các cái miệng đồng loạt hỏi : 

- Cách gì ? 

- Bí mật ! Nói sớm sợ tụi bây làm hỏng hết « chương trình » thì đời tàn ngay ! 

Lệ nói : 

- Mày làm như chúng tao còn con nít không bằng ! 

Nguyên tiếp lời : 

- Tụi tao vẫn cầu cho mày thoát lối học « kèm trẻ tại gia » 

Và Thuần : 

- Bí mật thì nghỉ chơi mày luôn ! 

Trâm bĩu môi : 

- Có gì mà phải giấu với giếm ! 

Huyền cười : 

- Tao biết nhỏ Quyên chỉ nói cho... tên Vĩnh « đít chai » nghe thôi ! 

Quyên dẫy nẩy, nói át tiếng cười của các bạn : 

- Phát ngôn vô trật tự ! 

Thuần vào hùa với Huyền : 

- Hèn gì lúc nãy... « anh chị » đứng dưới gốc cây ! 

Và Nguyên phụ hoạ theo : 

- Nhỏ Quyên không nói thì tụi mình cứ tới « tra tấn » tên « đít chai » là ra ngay. Tụi mày đồng ý không ? 

- Chịu gấp ! 

Vội vàng, Quyên phân bua : 

- Không phải tao muốn giấu chúng mày, nhưng phải đợi khi nào « người ta » tới dạy tao mới dễ... cắt nghĩa. Tao hứa với chúng mày tao sẽ cho chúng mày... tham dự vào... hành động của tao ! 

- Mà hành động gì mới được chứ ? 

- Hiện giờ thì... tao cũng chưa biết rõ nữa... Với lại tao cũng chẳng biết phải giải thích thế nào... Thôi tụi bây thông cảm. Chừng mai hay ngày kia là cùng, « người ta » tới dạy, tao sẽ thông báo cho tụi bây biết liền. Chính tao cũng cần sự hỗ trợ của tụi bây mà ! 

Trâm dịu giọng với các bạn : 

- Thôi cho nhỏ Quyên hưởng « án treo » tụi bây. Chừ tao đề nghị chúng mình xuống nhà bác Cai làm mỗi đứa một ly « quốc đả phụ » để... mừng nhỏ Quyên. 

Quyên ngơ ngác : 

- Mừng gì tao ? 

- Ngây thơ hoài ! Mày với... thằng Vĩnh ! 

- Ơ... ơ... 

- Không ơ iếc gì hết ! Giờ việt văn lúc nãy tên Vĩnh bị đuổi ra cũng vì... mày, nhưng hắn... anh dũng không khai... mày ra, chứ không... hèn nhát như tên Hùng Honda. Tụi bây thấy tao có lý không ? 

Tức thì các giọng nói đua nhau : 

- Chí lý lắm ! 

- Nhất mày rồi ! 

- Xưa nay « em » vẫn chịu « ngài » ! 

Được thể Trâm liến thoắng : 

- Vậy lên đường ! Cho tụi bây uống thả dàn ! Đã có nhỏ Quyên... bao ! 

Quyên trợn mắt, phản kháng : 

- Vô lý chưa ! « Mừng » tao mà lại bắt tao trả tiền !Sao mày... « dại » thế hả Trâm khểnh ? 

- Không lẽ tụi tao bắt... tên Vĩnh trả ? 

Tiếng cười lại ròn tan. Biết một mình không thể địch nổi năm sáu cái miệng, nói như máy, Quyên đành chịu thua, tuy nhiên thầm nghĩ trong đầu – rồi tụi mày sẽ biết tay... « ông » ! 

Khi cả bọn đi gần tới quán nước được dựng sơ sài trước căn nhà ông gát-dan của trường, vô tình gặp Vĩnh đang đứng nói chuyện với mấy người cùng lớp. Tự nhiên Quyên đỏ mặt, luống cuống bước chân. Phía bên con trai kia cũng im bặt tiếng nói; người thì ngửa mặt lên trời nhìn... mây bay; kẻ rít điếu thuốc đã tắt ngúm từ bao giờ; có tên chu môi huýt sáo nhưng không phát ra tiếng; riêng anh chàng Vĩnh thì đứng thộn mặt, tay vân vê chiếc chìa khoá thắt lưng. Nhóm Quyên cũng tự nhiên ngưng cười đùa; đứa giả vờ cúi xuống như để xem guốc mình có... đứt quai hay không; đứa đăm đăm nhìn về hướng trước mặt như lúc đang... chào cờ ! Vẻ nghịch ngợm đã bay đi. 

Giây phút nghiêm trọng chấm dứt khi Thuần là người « tỉnh lại » trước nhất, lên tiếng : 

- Chắc tụi nó đang bàn về... tụi mình ! 

- Sao mày biết ? 

- Tao... đoán vậy. 

- Đoán mò ! 

- Thế sao thấy tụi mình bọn nó lại im lặng ? 

- Sao mày biết chúng nó im lặng ? 

- Mày hỏi « sao »... « sao » hoài ! Vô duyên! 

- Sức mấy ! 

Quyên vội giảng hoà : 

- Hơi đâu mà tụi mày để ý tới… người ta ! 

Không ai nói gì thêm. Riêng Quyên, nàng nghĩ chắc cuộc “phỏng vấn” vẫn chưa chấm dứt, đồng thời cũng lo lắng, sợ anh chàng đem kể cho “tụi nó” nghe việc nàng hỏi mượn tập Sinh ngữ của Vĩnh – nếu vậy “dư luận” sẽ… lớn lao lắm đây ! Nàng thấy mình đã dại ! 

Nhóm Quyên vừa gọi sáu ly nước đá chanh thì chuông reo vào học hai giờ sau. Huyền đề nghị : 

- Bỏ đi tụi bây ! 

Nhưng đa số nhất định phải uống hết ly nước. Lệ nói như ngâm thơ : 

- “Đi không há lẽ trở về không ?” 

Và Trâm đồng tình : 

- Mấy khi moi được của nhỏ Quyên, bỏ qua rất uổng ! 

Và Nguyên : 

- Giờ toán ăn nhằm cái gì, vô trễ đâu có sao ! 

Thuần cười : 

- Nếu bị phạt lại… càng vui ! 

Những chiếc ly được chuyền ra và chỉ trong nháy mắt chúng đã được “thanh toán” đến… giọt nước cuối cùng ! Quyên vội lấy tiền trong khăn tay ra trả : 

- Thôi dzông tụi mày ! 

Giữa khoảng sân rộng những đôi chân thoăn thoắt chạy. Những tà áo dài tung bay – như những cánh bướm trắng. Trong khi đó từ văn phòng nhìn ra, đôi mắt người giám thị cau lại.

*

Sau khi cho Lệ quá giang, Quyên mới thong thả lái xe về nhà. Vừa bước lên thềm gạch Quyên đã nghe tiếng nhỏ Thảo lanh lảnh : 

- Chị Quyên, “người ta” đến rồi ! 

- Ai ? 

- Thì “người ta” đó ! 

- Mà « người ta » là kẻ nào vậy ? 

- Thầy của chị chứ còn ai vào đây nữa ! Làm bộ ! 

- Thầy nào ? 

- Giời ơi ! Thầy kèm chị học thêm đó ! 

Quyên hiểu ra, nhíu mày. Nàng không ngờ... « người ta » tới sớm hơn nàng nghĩ. Bản tính tò mò thúc đẩy Quyên hỏi thêm : 

- « Người ta »... có nói gì tao không ? 

- Không. Nhưng mẹ méc tội chị nhiều lắm. Em núp trong phòng nghe thấy tất cả. 

- Mẹ nói gì ? 

- Mẹ nói chị... lười nè, kém sinh ngữ với việt văn nè, chị cứng đầu nè, lại không chịu học thêm ở nhà nè... Mẹ còn bảo cậu giáo cứ nghiêm khắc và thẳng tay trừng trị cho... 

- Sao nữa ? 

- Mẹ cũng nói là mong cho chị thi đỗ năm nay và nếu năm tới chị cũng qua luôn thì thế nào mẹ cũng lo cho chị đi du học. 

- Thế « người ta » trả lời sao ? 

- Ư... ư... « ông » í nói xin bà an tâm tôi sẽ cố gắng làm tròn phận sự... 

Quyên bĩu môi, đi vào phòng. Nhưng nàng vừa quay gót, tiếng Thảo gọi giật lại : 

- Chị Quyên ! 

- Gì ? 

- Em thấy... « ông » í coi bộ cũng... hiền lắm, chị ! « Ông » í đeo kính cận to to là, nhìn bảnh ghê đi ! 

- Nhỏ đừng xí xọn ! 

- Xí ! 

Quyên bỏ đi. Tự nhiên nàng thấy bực tức một cách vu vơ. Hình ảnh một người đeo kính trắng nghiêm nghị hiện ra nhìn nàng chừng chừng. Mấy cuốn sách, quyển vở nằm ngổn ngang trên bàn làm tăng cơn ấm ức trong Quyên. Căn phòng trở nên chật chội, nóng bức. Không có thoáng gió nào lùa qua song cửa. Màu da trời xam xám trĩu nặng. Mím môi, Quyên vứt chiếc cặp xuống ghế rồi tiện tay hất tung mấy cuốn sách trên bàn xuống giường. Nàng thò đầu ra cửa, nói như hét : 

- Thảo ! Từ mai ngày nào mày cũng nhớ mua cho tao hai chục gói đậu phộng da cá, nhé ! 

Không có tiếng trả lời. Quyên buông thõng người xuống ghế, thở dài. 

Ngoài khung cửa mây xám tụ đông hơn...
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG HAI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét