Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

PHẦN THỨ NHẤT_THẦY GIÁO LÀNG

Lời nhà Xuất bản

Cho phát hành bản Việt Văn cuốn “Bí quyết trong nghề gõ đầu trẻ” của Jesse Stuart, chúng tôi có dụng ý trao một ít kinh nghiệm giáo dục ở nước ngoài cho thanh niên nam nữ quốc nội – vì chí hướng hay vì hoàn cảnh đẩy đưa – đã gia nhập làng Giáo hoặc sắp sửa bước vào nghề. Một phần những kinh nghiệm ấy, có lẽ chính các bạn đã tự mình tìm được và thực hành rồi hoặc đã nghĩ tới mà chưa thi hành. Đọc cuốn sách này, các bạn sẽ biết tất cả các bí quyết của tác giả hầu bổ sung cho sáng kiến riêng và củng cố niềm tin ở sứ mạng cao đẹp của mình. Thiển nghĩ không phải là vô bổ.

Có một điều tất cả chúng ta cần suy nghĩ : sự tiến bộ phi thường của Hoa Kỳ, đặc biệt trên bình diện giáo dục. Cách đây lối 50 năm, tình trạng các trường Tiểu và Trung học của họ còn bê bối luộm thuộm hơn ta nhiều. Vậy mà từ mấy chục năm rồi, nước Mỹ đã trở thành đệ nhất cường quốc trên thế giới.

Chúng tôi tha thiết mong rằng tất cả chúng ta, nhất là các bạn trẻ, sẽ hăng hái cầu tiến, gắng sức làm tròn nhiệm vụ và phát huy sáng kiến trong bối cảnh riêng, để nước nhà chóng thoát khỏi tình trạng chậm tiến hiện nay.

TUỔI HOA 

PHẦN THỨ NHẤT

TẬP TỄNH VÀO NGHỀ

Vào một buổi sáng thứ hai, tôi đi tới trường, có Don Conway đi bên cạnh. Đó là một chàng trai hai mươi tuổi, trước đây không hề nghĩ đến việc trở lại ghế nhà trường. Tôi mới được bổ nhiệm về làm giáo viên tại trường thung lũng Lonesome và tôi không biết rõ khả năng của cậu học trò tương lai của tôi. Hắn đang học chương trình tiểu học thì bỏ ngang. Nhưng tôi biết hắn có hai quả đấm thôi sơn mạnh mẽ và sẵn sàng bênh vực tôi. Tôi đã có mặt ở trường học suốt ngày chủ nhật. Vừa làm việc, tôi vừa nghĩ cách khiến người địa phương không thể coi thường mình được. Tôi biết rằng đó là điều tất yếu.

Tôi đã mất khá nhiều công phu để thuyết phục Don Conway đi học trở lại. Hắn có dự định sẽ cưới vợ sau khi bán xong số thuốc lá thu hoạch được trong vụ này. Với những con số cụ thể, tôi đã chứng minh cho hắn thấy rõ lợi ích của một căn bản học vấn vững vàng. Tôi hứa sẽ dạy hắn cách đo đạc và tính ra diện tích một thửa ruộng, cách tính dung lượng một chiếc xe bò hay một thùng đựng ngũ cốc. Cũng như có thể dự trù phải chuyển vận đi bao nhiêu thước khối đất khi đào một hầm chứa rượu hay một cái giếng sâu. Don Conway rất thích những kiến thức loại đó. Tôi cũng bảo hắn, người ta không thể lấy vợ hoặc khai thác một trang trại mà không biết những điều sơ đẳng ấy. Trong trường hợp ấy, rất có thể người ta sẽ bị lợi dụng suốt đời. Tôi sẽ cố gắng làm cho hắn biết rõ những điều cần thiết, tuy nhiên trong đầu tôi còn có ý nghĩ khác.

Hôm ấy, ngoài Don còn hai em trai và Vaida, em gái hắn cùng đi tới trường với tôi. Tôi khen ngợi ông già John Conway đã cho hầu hết con cái đi học, nêu một gương tốt cho các trại chủ khác trong thung lũng. Ông John chắc là khó mà trông coi được bốn mẫu thuốc lá và những hoa màu khác, nếu Flossie, con gái lớn của ông, không tình nguyện ở nhà giúp cha. Thêm vào đó, bà Bertha, vợ ông, cũng hứa sẽ chia thì giờ để lo việc nhà và việc đồng áng.

Flossie đã mười tám tuổi và bỏ học sáu năm rồi. Chắc rằng cô ta cũng vui vẻ đi học lại , nếu tôi có lời năn nỉ sơ sơ thôi ; nhưng tôi nghĩ rằng cần phải có người ở nhà đỡ đần cho ông bà John. Trong khi đó, một buổi chiều chủ nhật, tôi ngồi khá lâu với Don ngoài hàng hiên, năn nỉ hắn hết lời, gần như van xin hắn để hắn trở lại học hành. Giữa lúc ấy hai tên Ova Salyers và Guy Hawkins cưỡi ngựa đi qua. Chúng liếc nhìn về phía hàng hiên để thấy mặt thày giáo mới rồi im lặng bỏ đi.

Don Conway nhìn theo hút hai tên ấy rồi lại nhìn tôi. Hắn không hỏi tuổi tôi, và tôi cũng không cho hắn biết rằng phải mười tám ngày nữa, tôi mới đầy mười bảy tuổi. Thời đó phải đúng mười tám tuổi mới được hành nghề. Nhưng Don biết rõ câu chuyện xảy đến với chị tôi, khi chị ấy tới dạy trường Lonesome trước đây. Hắn biết rằng thằng Guy Hawkins đã ngược đãi chị tôi trước mặt các học sinh khác và đã đấm chị tôi bầm cả mắt. Ngày mới đến thung lũng Lonesome, chị tôi là một thiếu nữ mười chín tuổi xinh đẹp, với mớ tóc vàng và đôi mắt xanh. Thế mà chị tôi phải trở về nhà, người rũ rượi, trước khi niên học chấm dứt. Thấy chị tôi trong tình trạng đó, tôi nằng nặc đòi đi Lonesome ngay. Cha mẹ tôi không chịu cho đi. Ông bà nghĩ rằng làm như thế chỉ chuốc thêm phiền não và riêng tôi sẽ lãnh đủ.

Nhưng lúc lên trường trung học Landsburgh, tôi đã vào lầm phòng học. Tôi quên mất hôm ấy các thầy giáo làng của quận Greenwood đang dự cuộc khảo sát khả năng trong lớp văn chương Hoa Kỳ của trường chúng tôi. Đến khi ông thanh tra Harley Staggers lầm tưởng tôi cũng là một thí sinh (vì ông đâu nhớ được mặt tất cả các ứng viên), tôi bỗng nảy ra ý kiến. Tôi biết rõ cái nhiệm sở mà tôi sẽ xin bổ nhậm tới, một khi tôi qua lọt cuộc sát hạch. Tôi thi đậu. Và sau đó, nhờ người bạn John Hampton cũng là một thầy giáo làng, vận động với ông John Conway để cho tôi về dạy ở thung lũng Lonesome.

Lúc tôi và Don Conway tới trường, đã có trên ba mươi lăm đứa học trò đứng đợi. Guy Hawkins và Ova Salyers đều có mặt. Chúng đứng gần kho chứa than, tay cầm những cuốn sách rách tả tơi. Hai đứa ấy là cả một sự trái ngược với tất cả các học sinh khác. Chúng nó lớn xác hơn cả Don và tôi. Hai đứa nhìn tôi chăm bẳm khi tôi ngỏ lời chào chúng nó. Trong khi phần lớn các học trò khác, hơi bối rối, quay mặt đi, không nói ra lời. Tất cả đang đợi tôi mở cửa trường để ùa vào chọn lấy chỗ ngồi. Chúng đều mang theo một cái giỏ hay một cái túi đựng bữa ăn trưa và sách của đa số đều gãy góc mất bìa.

Tôi đã tưởng là mình tới sớm. Lúc ấy chưa đến tám giờ, mà tám giờ rưỡi mới vào học. Mặt trời tháng bảy chưa kịp làm tan sương sớm đang bốc lên thành những đám mây mờ đó đây trên thung lũng. Nhưng ở Lonesome người ta có thói quen ngủ sớm và dậy sớm, và học trò ở đây đều là con cái nhà nông. Học trò gái tóc kết thành bím, buông thõng sau lưng, cột bằng những băng vải màu sặc sỡ. Chúng đều mặc áo dài hoa in, sạch sẽ, và đi chân đất. Không có trò nào mang giày, dù lớn hay nhỏ, là trai hay gái. Cho đến bây giờ tôi chưa hề thấy nhiều người đi chân không như vậy, cả trẻ con, người lớn và các cụ già. Đối với họ, đi giày có lẽ cũng kỳ cục như đeo bao tay giữa mùa hè. Có lẽ chẳng bao giờ họ nghĩ tới vấn đề giày dép.

Cửa lớp vừa mở, chúng reo cười hò hét và ào tới. Cái e lệ ban nãy biến đâu mất. Chúng chen lấn nhau như điên để vào trước và chọn chỗ. Nhiều vụ cãi cọ xảy ra để giành chỗ ngồi kế anh này, chị kia. Rất nhiều trường hợp có hai trò cùng muốn ngồi gần người thứ ba. Đối với Guy và Ova thì chẳng có gì rắc rối. Chúng miễn cưỡng vào lớp và tới ngồi ở ghế cuối cùng, phía học trò nam. Sau khi ngồi vào bàn giấy, tôi nói với học trò :

- Để mở đầu, tôi cho các em hay, kể từ hôm nay, không có bên nam bên nữ nữa. Các trò muốn ngồi đâu thì ngồi.

Chúng nó nhìn nhau với vẻ kinh ngạc. Không một trò trai nào dám qua ngồi bên phía nữ, không một trò gái nào qua bên phía nam. Ở đây, khó mà đả phá một truyền thống học đường lâu cả trăm năm. Tại trường Trung học cũ của chúng tôi không có phân biệt bên nam bên nữ. Tôi nghĩ rằng phương thức ấy cũng có thể áp dụng tại đây một cách tốt đẹp như vậy. Tôi không dè câu nói đó lại là đề tài bình luận của đồng bào địa phương. Tất cả mọi người đều nhắc lại lời ấy và nhiều người chỉ trích tôi và bảo rằng : Tại trường tôi “người ta học khoa tán gái”. Cho học sinh nam nữ ngồi lẫn lộn với nhau à ? Có ai nghe nói đến việc ấy bao giờ không ?

Ngày đầu, tôi chỉ có thể ghi tên họ học sinh vào sổ theo cấp học của chúng, kế đó gọi chúng lên đọc bài làm theo mấy cuốn sách lèo tèo chúng đem theo. Thời ấy, Tiểu Bang chưa cung cấp sách học và mỗi học sinh phải mua lấy sách mà dùng. Đối với những học sinh nghèo , cha mẹ không đủ tiền mua sách, Uỷ ban Giáo dục quận Greenwood trợ cấp cho một số tiền cỏn con. Tôi biết rằng đa số học sinh của tôi đang chờ đợi nhà bán được thuốc lá hay mật mía để xin tiền mua sách. Hai ngành trồng trọt ấy là hai nguồn lợi chính của các trại chủ ở Lonesome.

Lúc ghi tên vào sổ, tôi tạm dời chỗ ngồi của năm bảy trò. Khi nào có thể làm được, tôi cho một trò không có sách ngồi kế bên người có sách nếu cả hai cùng học chung một cấp. Vừa ghi sổ, tôi vừa cố ghi nhớ họ tên chúng và gợi chuyện làm quen. Chính vì muốn làm quen với chúng mà tôi thấy học trò của tôi hết sức rụt rè. Đối với chúng, tôi là kẻ xa lạ, mặc dầu tôi đã lớn lên trong những điều kiện và khung cảnh tương tự như chúng nó. Ngôi làng W. Hollow của tôi chỉ cách xa Lonesome không đầy năm mươi cây số. Vậy mà ở đây tôi được coi như một ngoại kiều.

Khi tôi ra hiệu cho chúng ra chơi lần đầu, tạm nghỉ mười lăm phút vào giữa buổi học ban mai, tôi hết sức kinh ngạc. Cùng lúc chúng đứng phắt lên, chạy nhầu ra cửa để tìm cách ra sân trước bạn bè. Những đứa lớn xô đẩy, chen lấn những đứa nhỏ. Sự huyên náo và hỗn loạn thật khó tả. Tôi tự thề với mình không bao giờ cho việc ấy xảy ra nữa. Tôi tự hỏi tại sao chúng lại vội vàng quá vậy ? Tôi còn mắc bận thêm vài phút trước khi ra sân với học trò. Ra tới nơi, tôi thấy chúng đang tham dự một trò chơi rất sống động. Tôi nhận thấy một khắc nghỉ học quả thật quá ngắn ngủi để chúng chơi cho xong trò chơi “luồn kim” mà chúng đang chơi dở dang. Tôi đành cho chúng nghỉ thêm năm phút để chơi nốt phần thứ hai của trò chơi này. Thời kỳ mà chính tôi cũng chơi trò ấy tại Plum Grove đã khá xa rồi. Những kỷ niệm vui sướng trào dâng trong lòng tôi. Bọn học trò của tôi đã đem hết nghị lực và sự hăng hái vào trò chơi này. Tất cả đều nhập cuộc. Không một ai đứng ngoài đóng vai khán giả. Tôi nhận chân rằng khoảnh khắc ấy là thời gian tốt đẹp nhất trong ngày đối với chúng. Vì vậy, tôi không khỏi băn khoăn khi rung chuông cho chúng vào học. Tôi bắt chúng sắp hàng, nhỏ đứng trước, lớn đứng sau, tuần tự vào lớp.

Guy Hawkins và Ova Salyers đi sau cùng. Vào lớp rồi, Guy xin phép tôi để đi lấy một thùng nước cùng với Ova. Trường không có giếng, cũng không có bồn chứa nên phải đi xin nước ở một trang trại gần đó. Tôi chấp thuận và căn dặn chúng phải rảo bước vì bạn học của chúng sau khi chạy nhảy đùa nghịch thảy đều khát nước. Nắng tháng bảy nung nấu mái tôn tráng kẽm, trong lớp nóng đến nỗi nhựa thông từ những vách ván nhỉ ra. Tôi cho mở toang tất cả các cửa sổ thế mà vẫn nóng hầm như căn phòng của tôi tại nhà ông Conway . Nơi đó, căn phòng nhỏ áp mái của tôi, với cái cửa sổ duy nhất không có cánh lá kéo, nhiệt độ chỉ giảm sút vào nửa đêm. Và cũng kể từ lúc ấy tôi mới ngủ được.

Tôi hiểu tại sao tất cả các ngôi trường làng bắt buộc phải mở cửa vào tháng bảy, bất kể các lời bác bẻ của các nông gia, vì họ đang cần có con cái giúp việc đồng áng. Sở dĩ phải tựu trường sớm như vậy vì than củi là một phụ phí vào mùa đông. Những trường làng khắp Tiểu Bang làm gì có đủ tiền trợ cấp mà không phải đóng cửa ; vì vậy, khai trường giữa mùa hạ, các trường ấy giảm thiểu đi rất nhiều các phí khoản. Nhưng làm như thế rất mệt cho trẻ con cũng như cho giáo viên.

Thùng nước đầu tiên do Guy và Ova đem về chưa đầy năm phút đã hết. Đa số học sinh còn khát. Tôi sai Guy và Ova đi lấy thùng nữa, và bảo chúng mượn thêm một thùng thứ hai và đi cho mau chóng. Tôi phải tìm phương giải quyết vụ uống chung trong một cốc vại. Ở trường Plum Grove, chúng tôi cũng uống chung trong một cái ly như vậy. Nhưng ở trường trung học Landsburgh người ta đã dạy tôi làm khác đi. Tôi yêu cầu học sinh “một phút im lặng” và bảo chúng hôm sau phải đem theo một cái gì để uống nước. Có thể là cái ly, cái chén hay cái ca, miễn là một thứ đồ dùng riêng của mình và không cho ai dùng chung cả. Chúng nó nhìn nhau rồi cười rộ như thể tôi vừa nói điều gì kỳ lạ lắm. Tôi đã thấy những giọt mồ hôi chảy dài trên mặt chúng rớt xuống miệng ca và đứa khác đặt môi vào đúng nơi giọt mồ hôi vừa rơi xuống. Tôi để ý có nhiều đứa để miệng vào nơi gần cái quai ca hơn hết và luận rằng những em ấy không thích uống chung một chén với người khác.

Ngày thứ ba, chúng tôi tới trường với những ca, những chén thiếc hay ly riêng. Những người quên đem theo rất ít. Mặc dầu chương trình trong ngày rất nặng, tôi cũng bớt thì giờ bày cho bọn này tự làm lấy cái chén giấy với một trang vở sạch gấp lại. Tôi cho luôn một bài học về nước uống và khuyên chúng đừng bao giờ uống nước sông. Tôi kể cho chúng nghe chính tôi đã hai lần mắc bệnh thương hàn chỉ vì khát và uống nước một giòng suối, lần sau uống nước một giòng sông. Tôi bày cho chúng cách múc nước trong thùng với cái ca rồi mới trút vào chén riêng.

Cũng ngày hôm ấy, lúc tôi đến bên Guy, bày cho hắn khi đọc phải cầm cuốn sách như thế nào, bọn học trò cười ồ lên, buộc tôi phải bắt chúng giữ im lặng. Khi tôi dạy hắn đọc, trong cuốn tập đọc sơ cấp, những chữ rất dễ hắn đọc cũng vấp váp. Bọn học trò cười vì Guy cao hơn tôi đến năm phân và khoẻ hơn nhiều. Cổ hắn to như cổ bò mộng, lớn ngang với đầu hắn và cằm hắn thì bạnh ra. Râu hắn rậm đến nỗi phải cạo hàng ngày. Bàn tay hắn rất lớn. Nguyên bàn tay phải của hắn đã che khuất cả cuốn sách hắn cầm nơi tay. Cánh tay hắn cũng rất rắn chắc. Những bắp thịt cuồn cuộn nổi lên dưới lớp vải sơ mi màu xanh bạc phếch nhưng sạch sẽ. Đứng kế bên, tôi đánh giá hắn. Tôi biết rằng nếu phải đánh lộn với hắn thì cuộc ẩu đả phải là kịch liệt. Nhưng tôi nghĩ rằng mình sẽ không làm gì để đưa đến sự việc ấy, trừ phi chính hắn bắt buộc tôi. Hắn khoẻ hơn tôi quá nhiều. Kẻ thắng phải là người tìm được cách giáng vào cằm người kia một quả đấm móc đúng chỗ và rất mạnh.

Tôi nhìn về phía Ova Salyers đang ngồi kế bên bục gỗ, trên chiếc ghế dài dành riêng cho bọn học trò lên trả bài. Ngoài hai tên ấy, tôi không còn phải băn khoăn về kỷ luật với một trò nào khác. Chúng vui chơi hăng hái và tỏ ra ngoan ngoãn. Chúng có thể là những học trò giỏi nếu được học hành đầy đủ. Nhưng có đứa mười tuổi mới đến trường lần đầu, những đứa khác mười chín tuổi còn ở cấp một, nhiều trò khác mười bốn tuổi học cấp hai và một trò gái mười lăm tuổi ở cấp tám. Chúng ở mãi lớp này vì có bao giờ chúng theo đuổi học hành trọn một kỳ đâu. Chúng học đi học lại mãi ở một lớp nên có thể đọc thuộc lòng mấy bài đầu. Tôi hỏi Guy :

- Guy, em học cấp một bao lâu rồi ?

- Ồ ! Có lẽ tám năm.

Hắn vừa nói vừa cười.

- Vậy thì phải chấm dứt.

- Tại sao vậy ?

- Tại vì kể từ ngày mai, em sẽ lên cấp cao hơn.

Kế đó tôi bắt Ova đọc bài. Ova cũng vậy, hắn học cấp một tám năm rồi. Tôi cũng cho hắn lên lớp.


*


Bên kia giòng suối Lonesome, ngay ở đầu cầu gỗ có một tiệm buôn nho nhỏ, chưa lớn bằng nửa cái kho than của trường tôi. Chủ tiệm là Nancy Cochran, một thiếu nữ mảnh mai, nước da sáng sủa, đôi mắt xanh lơ với mớ tóc huyền. Cô ta bán cho học trò trường tôi những thứ bút chì, giấy, cán viết, ngòi viết, bánh ngọt, bánh bích quy và kẹo. Trong giờ học, ngồi tại bàn giấy, tôi nhìn thấy cô ta qua cửa sổ mé trái. Cô ngồi dưới mái hiên hẹp trước tiệm, dạo đàn ghi ta và hát những bài “Cánh chim hồng” “Thung lũng giòng sông đỏ” “Bên giòng suối của cái cối xay cổ kính” và “Luồn kim”.

Mỗi lần cô ta đàn và hát bài “luồn kim” tôi gần như phải ngừng dạy. Mỗi lần như vậy là tôi phải yêu cầu học sinh không được dùng chân đánh nhịp nữa. Chúng vô tình làm như vậy, và không có bài nào khác gây nên phản ứng như thế.

Tôi rất mê âm nhạc, trong số đó có đàn ghi ta, mê không kém gì bọn học trò của tôi. Nhưng đang lúc dạy học, giọng hát nho nhỏ của Nancy với những bài quen thuộc ấy khiến tôi không thể tập trung tư tưởng được. Và mỗi lần nhìn qua cửa sổ về phía cô ta, tôi vẫn thấy cô quay mặt về trường học, dường như cô chỉ đàn và hát cho mình tôi nghe. Ngoài bọn học trò tôi, ít khi có người khách nào bước chân vào tiệm cô ta. Tôi ngần ngại không muốn nói gì với cô ta hết, nhưng biết rằng rồi cũng phải nói nếu muốn tiếp tục dạy ở trường này. Suốt cả tuần đầu, từ thứ hai tới thứ sáu, cô ta chơi đàn trong giờ học. Hết giờ, trở về nhà ông Conway thì cô Flossie cũng hát những bài cổ xưa ấy. Cô ta cũng dùng một cây đàn ghi ta căng dây thép để hoà âm cho tới giờ đi ngủ. Như thế, phải chăng có quá nhiều bài hát và quá nhiều đàn ghi ta ?

Chiều thứ sáu, dạy xong, tôi ghé vào tiệm của Nancy . Cô ta đang ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành rộng, đàn ghi ta để trên đùi. Thấy tôi bước vào, cô đứng dậy, đặt cây đàn lên cái quầy nhỏ đựng bánh kẹo và lễ phép hỏi tôi cần mua gì ? Cô ta nói năng rất dịu dàng và gương mặt thật ưa nhìn. Bấy giờ tôi thấy ân hận vì đã nhiều lần ném về phía cô những tia mắt giận dữ từ cửa sổ nhà trường. Tôi tự hỏi không biết cô này có trông thấy không và tôi mong rằng không.

- Thưa cô, tôi muốn mua một bình mực.

Tôi mua mực, mua giấy, viết chì và quyết định giao công việc kia cho ban quản trị nhà trường. Tôi nghĩ rằng không phải việc tôi tới nói với một thiếu nữ là cô ta phá rầy tôi trong lúc dạy học. Tôi sẽ nhờ già John để ông nói xa xa cho cô ta hiểu mà không chạm tự ái, vì tôi biết rằng cô ta có mỹ cảm đối với tôi. Nancy cũng trạc mười tám tuổi như Flossie Conway. Già John sẽ lo liệu việc này và mọi việc sẽ êm xuôi.


*


Thứ hai tuần kế đó, tôi ở lại trường để chấm bài cho học trò. Don Conway đã trở về nhà với ba đứa em trai và gái. Đây là lần đầu tiên tôi ở lại trường, sau khi học trò đã ra về hết. Phòng học hoàn toàn im lặng. Tôi đang chăm chú làm việc bỗng nghe có tiếng chân dón dén đi quanh phía ngoài. Nhìn qua cửa sổ bên trái, tôi thấy cái đầu của Hawkins. Ngọn gió núi thổi bay tung mớ tóc bờm xờm của nó.

Tôi tự hỏi nó trở lại làm gì hay nó bỏ quên vật gì chăng. Và tôi chợt hiểu, đây cũng là lần thứ nhất hắn có dịp bắt gặp tôi ở lại một mình. Tôi sực nhớ tới nhiều việc bất ngờ đã xảy ra tại các trường làng trong quận : một thằng học trò trở lại trường, sau khi mọi người đã ra về, và nện thầy giáo một trận tơi bời. Ba bốn việc như vậy lướt nhanh qua ký ức tôi. Nhưng tôi không còn thì giờ để nghĩ vẩn vơ nữa. Thằng Guy bước vào, tay cầm cái mũ lưỡi trai. Tôi không muốn hắn biết tôi theo dõi hắn, nhưng tôi vẫn thấy hắn tiến lại theo lối đi giữa lớp. Hắn bước những bước dài, hai vai rộng lớn của hắn day đi, day lại theo nhịp bước. Tôi chưa hề thấy người nào hay một con vật nào có cái vẻ đầy sát khí như hắn. Hắn lại bên bàn giấy, đứng dang chân trước mặt tôi, không nói một lời.

- Trò bỏ quên gì đấy hở Guy ?

- Không – Tôi ấy à, chẳng bao giờ tôi bỏ quên cái gì cả.

- Thế trò muốn gì ?

- Nện ông một trận.

- Tại sao trò lại muốn đánh tôi ?

- Trước đây tôi đã ghét cay ghét đắng bà chị của ông. Ông đã biết tôi đã đối xử với bà như thế nào rồi chớ ?

- Có. Tao biết mày đã đối xử với chị tao như thế nào rồi.

- Tôi sắp xử sự với ông như thế đó.

- Ồ ! Hay nhỉ. Mày lại muốn đánh lộn với tao à ?

Tôi bỏ cây viết xuống, thong thả đứng lên và nhìn thẳng vào mắt nó. Nó hằn học trả lời :

- Tôi cũng không ưa ông được. Tôi rất ghét bọn giáo viên. Tôi đã thề rằng, khi tôi còn có mặt nơi đây thì không có một người nào thuộc giòng họ nhà ông tới đây làm thày được.

- Rất tiếc là tao và giòng họ nhà tao không được mày ưa.

Nói vậy, nhưng tôi đã thấy giận sôi gan.

- Có đánh ông một trận tôi mới yên lòng.

- Tại sao mày không đi học trường khác ? Trường Lonesome Thượng có quá xa nhà mày đâu ?

- Không và không ! Nó hét lên. Nếu có người nào phải đi khỏi làng này, người ấy chính là ông. Tôi ở đây lâu đời hơn ông. Không phải mặt ông buộc tôi đi nơi khác được !

- Vậy thì chỉ còn nước đánh lộn thôi. Tao đến đây để dạy học và tao có ý định không đi đâu cả.

- Ông dám tin như vậy hả ? Tôi tóm được ông đây rồi. Ông ở lại trường cu ky một mình như tôi mong muốn. Bây giờ muốn tháo thân cũng không kịp nữa ! Tôi sẽ đập ông nhừ tử tại đây như đã đập chị ông vậy !

Nhìn thẳng, tôi thấy mặt nó đỏ như gấc chín. Một tia sáng như nhảy múa trong cặp mắt xếch màu xanh lợt của nó. Tôi biết là Guy Hawkins không nói rỡn đâu và nhất định phải đối đầu với nó. Vô phương dàn xếp, vậy phải tìm ngay một chiến thuật có lợi cho mình. Tôi chợt nhớ có lần tôi suýt chết ngộp vì cái cà vạt, trong một cuộc đánh lộn với người bạn học, liền bảo nó :

- Mày hãy để tao tháo cái cà vạt này ra đã.

- Phải đấy. Hãy tháo nó ra. Nó có thể bị hư hỏng trước khi tôi thanh toán xong với ông.

Tôi chậm rãi tháo bỏ cà vạt.

- Sắn luôn cả tay áo lên. Lát nữa nó không còn trắng như bây giờ đâu khi tôi cho ông gậm đất !

- Gậm đất à ?

Tôi nói chưa dứt thì cánh tay hộ pháp của nó đã phóng tới. Tôi vội né, nắm tay nó lướt qua tai tôi. Tôi biết rằng nếu để nó đánh trúng thì tôi tiêu luôn. Hắn tấn công tiếp bằng cú đấm thẳng mãnh liệt. Tôi cũng tránh khỏi và phản công bằng một cú đấm tay mặt vào cằm nó. Một cú đấm không mạnh lắm, vừa đủ cho hắn giật mình và thêm hung hãn. Hắn nhào tới. Tôi bước hẳn qua một bên. Hắn lại đánh hụt. Khi hắn vừa quay lại, tôi cung tay giáng cho hắn một đấm nên thân vào giữa cằm, khiến hắn loạng choạng. Tôi bồi thêm một cú nữa. Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi đánh ai mạnh tay như thế. Tuy vậy vẫn chưa đánh ngã được hắn. Hắn lại xông tới đánh tôi, nhưng lại hụt nữa. Hắn nói đúng. Áo sơ mi của tôi bây giờ đâu còn trắng như ban nãy. Tôi lao tới, ngã người, ghì chặt và quật ngay phía dưới đầu gối hắn, y như kiểu tôi chơi túc cầu trước đây. Ở trường, tôi đã nổi tiếng về lối chơi này. Nhưng tôi chưa hề tận dụng sức lực với ai như vậy. Guy mất thăng bằng và tôi lăn mình trên sàn gỗ thông để tránh xa hắn. Hắn cứ yên trí tôi sẽ dùng hai quả đấm thôi sơn để trả đòn. Bất ngờ tôi tấn công vào hạ bàn của hắn quá nhanh, nên khi té xuống hắn không kịp giơ tay chống đỡ. Hắn té vập mặt xuống sàn nhà và dập lỗ mũi. Khi hắn gượng dậy, máu chảy ròng ròng.

Tôi cho hắn đủ thời giờ để đứng lên và nghĩ thầm làm như vậy có phải là dại không, vì giữa hai người phải có người bại kia mà. Sau khi hắn đứng vững, tôi lại nhào tới, tấn công hắn bằng những cú đấm nhanh và gọn. Hắn quật lại tôi một cái hết sức ác liệt, móng tay hắn quào một vệt dài trên cổ tôi và móc đi một miếng thịt, máu rỉ ra thành giọt. Tôi đấm vào cằm, vào hai bên má lởm chởm những râu của hắn. Hắn núng thế, lùi lại. Nhưng tôi đâu có chịu buông tha. Tôi tống cho hắn một quả đấm thẳng vào mạng mỡ và bồi thêm một cú đấm móc ngay vào giữa miệng. Máu lại trào ra. Hắn vẫn chưa chịu thua, nhưng tôi biết mình đã thắng. Mệt gần đứt hơi, tôi hỏi :

- Thế nào ? Như vậy đủ chưa mày ?

Hắn không trả lời. Chẳng cần lập lại câu hỏi ấy lần thứ hai, tôi bồi cho hắn một cú mà tôi tưởng có thể hạ nổi hai người một lúc. Dồn nó vào một cái ghế dài, tôi dùng hết sức bình sinh, tống cho nó một cú đấm móc vào dưới cằm. Hắn bật ngửa trên bàn rồi lăn kềnh ra dưới sàn nhà, nằm im như khúc gỗ, hai mắt trợn trừng, máu trào ra từ mũi, từ miệng. Riêng tôi, gần như không thở được nữa, hai bàn tay đau nhức, tim đập liên hồi như muốn vỡ tung… Như vậy mà là nghề nghiệp giáo viên ư ?

Phải chăng đó cũng là một khía cạnh bắt buộc của nghề gõ đầu trẻ ? Và như trong đám mây mù, tôi nhớ mang máng là tôi đã tự nguyện theo đuổi nghề này và tôi đã làm đủ mọi cách để được về dạy ở đây.

Guy Hawkins nằm thẳng cẳng trên sàn nhà đầy bụi bậm. Máu nó hoà với thứ đất vàng vàng mà bảy mươi cái chân không đã đem vào lớp. Tôi đi xách thùng nước tới, lấy cái mùi xoa sạch chùi máu ở mũi và miệng nó và lấy nước đổ lên trán nó.

Tên học trò mà tôi đang săn sóc và tìm cách làm cho hồi tỉnh chính là một nam sinh chập chiều tôi vừa dạy cho biết đọc cho đúng cách. Tôi đã dùng một ngôn ngữ mà nó có thể hiểu được “Đừng có vấp váp với chữ nghĩa như con ngựa xẩy chân trên băng giá chứ ?” Tôi đã cho nó lên cấp, đã cho nó đi lấy nước với Ova trong khi nhiều đứa khác cũng xin làm việc ấy. Tôi thừa hiểu là đi như thế chúng mới có dịp nhai thuốc và chúng tưởng rằng tôi chẳng biết gì. Tôi biết từ lâu là phải cấm đoán việc dùng thuốc lá trong lớp học, nhưng tôi đã nhắm mắt làm ngơ, lâu chừng nào hay chừng đó. Bây giờ tôi đã thanh toán xong với hắn. Thấy hắn nằm dài dưới sàn, tôi tự hỏi mình làm cách nào mà hạ được hắn. Đúng là hắn đã bị đánh bất tỉnh. Những dấu vết của cuộc tranh hùng này sẽ còn lưu lại mãi mãi. Làm cho mất dấu máu đọng trên ván thông chẳng phải là chuyện dễ. Kỷ niệm này sẽ còn sống hoài cho tới ngày tôi rời khỏi trường Lonesome.

Khi tỉnh lại, Guy nhìn tôi. Tôi đang lau trán nó với một chiếc mùi xoa nhúng nước lạnh. Hắn cố gắng ngồi dậy và tôi giúp hắn đứng lên.

- Ông Stuart, ông đã cho tôi một trận đòn nên thân. Ông là một võ sĩ khá kỳ khôi.

Lần đầu tiên hắn gọi tôi là “Ông Stuart”, nhưng tôi lờ đi như không nghe thấy. Tôi biết rằng, trước đây, sau lưng tôi, bao giờ hắn cũng dùng ba tiếng “thằng cha Jess” để nói về tôi. Và những khi nói thẳng với tôi, hắn không hề dùng ngôn từ lễ phép nào.

- Mày biết không, tao đâu có ưa đánh lộn, trừ trường hợp bị bắt buộc. Mày thì muốn đánh tao. Tao không có lối rút lui, đành phải lo tự vệ chứ sao.

- Tôi biết rồi. Tôi đã có ý định đánh ông một trận từ ngày có tin ông sẽ về dạy chúng tôi. Nhưng ông đã thắng. Tôi phải thẳng thắn thừa nhận điều ấy. Chẳng bao giờ tôi nghĩ rằng ông có thể đấm mạnh đến thế.

Guy còn yếu lắm. Mũi và miệng hắn vẫn còn rỉ máu. Tôi cho hắn mượn một khăn tay mới, vì hắn không có.

- Guy tính xem có thể đi về nhà một mình được chăng ?

- Tôi tin rằng có thể đi được.

Hắn đi ra khỏi lớp với dáng đi kém hùng dũng như lúc đi vào. Tôi cũng mất bình tĩnh, không thể tiếp tục được nữa. Tôi ra cửa sổ nhìn hắn đi qua sân trường, vượt qua cây cầu gỗ nhỏ, đi ra con đường men theo bờ suối rồi đi khuất sau khúc quẹo. Tôi thoáng nghi ngờ : Có thể tới lượt Ova trở lại tấn công. Tôi đợi thêm mấy phút, nhưng chẳng thấy gì. Guy đã hành động riêng rẽ một mình nó.


*


Tôi nghĩ rằng, có lẽ Guy sẽ không tới trường nữa và việc học của nó đành dở dang như vậy. Nhưng lúc ra về, hắn còn để lại sách vở trong lớp. Không biết hắn có trở lại để lấy về không. Trường hợp ấy, chẳng biết hắn có đi tới trường với cha hay một người anh đã thành lập gia đình hay không ? Rồi hắn có gây ra một cuộc ẩu đả mới nữa không ? Dường như ông John Conway cũng có những ý nghĩ như tôi và điều này còn làm ông bực bội hơn cái vụ tôi than phiền về vấn đề đàn hát của cô Nancy . Sáng hôm sau, ông đích thân theo tôi tới trường.

Lần này là lần thứ nhất ông tới trường, ông bận rộn suốt ngày vì công việc trong trang trại kể từ ngày tất cả các con ông, ngoại trừ Flossie, đều đi học. Chúng tôi vừa tới nơi đã thấy thằng Guy to xác đang chạy chơi với chúng bạn, mặc dầu mặt mày thâm tím và hai môi sưng vù. Tất cả chúng nó đã quây thành vòng tròn và đồng ca bài “luồn kim”. Riêng Guy vui vẻ thưởng tôi một câu “Xin chào ông Stuart”.

Già John mỉm cười rồi quay về. Tôi nhìn theo thấy ông qua cầu và đi vào tiệm tạp hoá. Tôi liền nhập bọn với đám học trò và tham dự trò chơi “luồn kim” với chúng. Tôi và Guy là hai thủ lãnh của hai toán. Tôi là phe “trứng luộc chín”, Guy là phe “trứng la coóc”. Khi chúng tôi hỏi bọn học sinh đã đứng thành hàng muốn là loại trứng gì, đa số trả lời : “trứng la coóc”. Vì vậy thằng Guy có tới ba phần tư nhân số về phe nó. Đến khi chúng tôi đứng nối đuôi và khởi sự kéo phe bên kia về phía mình, thì nhóm thằng Guy làm chúng tôi mất thăng bằng và lôi phe tôi tới tận cuối sân bên kia. Tất cả đều reo cười vang lừng và Guy còn cười to hơn ai hết. Không có người nào, kể cả Guy, đả động xa gần đến cuộc xung đột vừa qua. Nếu chúng nó nói lén với nhau, cũng chẳng bao giờ tôi biết được. Tôi thấy chúng nó nhìn dấu máu trên sàn nhà. Tôi chẳng còn nghe phong thanh rằng Guy nói xấu tôi với bạn bè nó nữa. Đây là lần đầu tiên hắn trở thành một học sinh như những học sinh khác và bây giờ cũng là lần đầu hắn thực sự hoà mình với sinh hoạt học đường.


*


Cùng ngày hôm ấy lại xảy ra một chuyện khác. Vào giờ ăn trưa một người đàn ông béo tròn, mặt đỏ gay, khoảng năm mươi tuổi đi qua Lonesome với cái xe bò lớn đựng đầy than, do hai con la kéo. Ông ta dừng xe dưới bóng cây bạch phong, xuống xe rồi đi lại phía tôi. Từ khi tôi tới Lonesome, ngày nào tôi cũng thấy ông đánh xe than đi xuống miền xuôi. Hôm nay mới thấy ông dừng xe lại.

- Chắc ông đây là ông Stuart ? Tôi là Burt Eastham.

- Thưa vâng, chính tôi. Hân hạnh được biết ông.

Vừa nói, tôi vừa đưa tay bắt lấy bàn tay đen ngòm những bụi than.

- Chẳng hay ở đây ông có nước uống không ? Tôi hơi khát.

- Có chứ, chúng tôi có nước để trong lớp học, nhưng e rằng không được mát lắm.

- Không hại gì. Dù là nước hâm hẩm nó vẫn làm dịu cuống họng.

- Vậy, mời ông theo tôi.

Ông theo tôi vào lớp. Nhìn thùng nước thấy nó còn non nửa, ông cầm lấy cái ca và sắp đưa lên uống.

- Đừng uống vào ca ấy !

Tôi nói vội quá, ông hơi hoảng vội vàng vứt xuống.

- Tại sao thế ? Nó bị tẩm độc à ?

Ông kinh ngạc hỏi lại.

- Không phải vậy, nhưng ở đây không ai uống nước bằng ca này hết.

Ông nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên.

- Thế thì cái ca này dùng vào việc gì ?

- Dùng để múc nước trong thùng để rót vào chén riêng của chúng tôi. Ông đợi tôi một lát, tôi làm ngay cho ông một cái để uống.

Tôi xé một trang vở, làm cho ông một chén giấy và chỉ cách sử dụng cho ông.

- À, tôi hiểu rồi. Như thế này, không có ai phải uống nước miếng người khác phải không ?

Ông vừa cười vừa nói, sau khi uống hết chén nước.

- Sự thực, tôi không khát lắm, tôi chỉ muốn nhìn rõ cái người đã sửa trị được Guy Hawkins !

Ông nhìn tôi ra vẻ thán phục lắm. Rồi nói tiếp :

- Một buổi tối trước đây, tên vô loại ấy đã đến nhà thờ Lonesome Thượng và chẳng có nguyên cớ gì, hắn đã gây sự với con trai tôi và đánh thằng bé rất đau. Thì ra hắn ngứa tay, tìm cớ đánh lộn. Nó khởi sự bằng thằng bé nhà tôi, kế đó nó đánh luôn hai thằng con ông Lee Brown và Booten Tolliver. Tôi mong muốn được thấy tận mắt con người đã đánh bại hắn nhục nhã như vậy.

Quan sát tôi từ đầu đến chân, ông nói tiếp :

- Thực ra ông không to lớn khoẻ mạnh như tôi tưởng. Trước đây tôi cứ nghĩ rằng phải là người khổng lồ mới thanh toán nổi thằng quỉ ấy.

Ra tới cửa trường, ông dừng lại ít phút nhìn thằng Guy đang nô đùa với chúng bạn. Trong khi đó tôi ngắm nghía chiếc xe than và hỏi ông :

- Ông có bao nhiêu đấu than trong chiếc xe này ?

- Hai mươi lăm đấu.

- Ông có cân than của ông không ?

- Chắc chắn là không.

- Vậy thì làm sao biết được ông có bao nhiêu than ?

Thấy chúng tôi nói chuyện, Don Conway mon men lại gần.

- Vậy, theo ông, ông ước đoán tôi có bao nhiêu ?

- Số than của ông, phải nhiều hơn hai mươi lăm đấu.

- Ông có cách để biết được điều ấy à ?

- Ông có biết chiều ngang, chiều dài và bề sâu của chiếc xe này không ?

- Làm sao mà biết được.

- Don, chạy nhanh vào lấy cái mét ở trên bàn của tôi ra đây.

Don chạy ra với cái mét và đo ba chiều trong khi tôi ghi các con số. Mấy phép tính của tôi có vẻ làm cậu ta say mê vô cùng.

- Theo các con số này, ông có trên ba mươi chín đấu trong xe. Vì đống than có ngọn nên, nếu ông có tới bốn mươi đấu, tôi cũng không cho là lạ.

- Thế nào ? Vậy mà từ bảy năm nay tôi vẫn bán xe than này theo giá hai mươi lăm đấu. Nhưng làm sao chứng minh được ?

- Thì ông cứ cân than ngay ở Lonesome. Dưới làng họ có cân bàn đó.

Với vẻ nóng nảy, ông leo lên xe và giục hai con la cất vó.

Buổi chiều hôm ấy, lúc gần mãn giờ học, tôi nghe có tiếng gõ lên tường bên cạnh cái cửa lớn mở rộng. Tôi ra xem. Thì ra ông Burt, mặt tươi roi rói. Mặt ông than bám đen đến nỗi hàm răng ông, thật ra có trắng đâu, cũng sáng ngời lên như hoa sơn-thù-du giữa tiết xuân. Ông cười nhe cả hai hàm răng và thay lời chào, ông nói :

- Cám ơn ông ngàn lần. Tôi không biết bằng cách nào và tới bao giờ mới trả lễ ông về vụ này. Tôi có vừa đúng bốn mươi đấu than trong xe. Ông nhìn đây nè !

Ông cười lớn và chìa về phía tôi một tờ ghi số than cân được.

Tôi gọi Don lại cho nó xem. Ông Burt tiếp :

- Có cái gì nó xui khiến tôi ngừng xe lại vào thăm ông sáng nay và bây giờ tôi rất bằng lòng đã làm việc ấy. bảo rằng suốt bảy năm nay tôi cứ để cho họ phỉnh gạt mình !

- Thì ông cứ tự an ủi là mình đã tỏ ra rộng rãi. Ít ra ông cũng không có gì phải ân hận vì ông có lừa dối ai đâu.

- Nhưng từ giờ họ không còn gạt gẫm tôi được nữa. À, nếu mà tôi còn có thể cắp sách đến trường ! Đến cả tên tôi, tôi cũng không biết viết nữa…

- Ông có thể đến lắm chứ, ông biết mà.

Vẻ mặt thoáng buồn, ông tiếp :

- Bây giờ thì tôi quá già rồi. Không còn học được nữa khi người ta đã tới tuổi năm mươi, có vợ và bầy con chín đứa.

Đối với thằng Don, những lời mộc mạc ấy còn thống thiết hơn bất cứ điều gì tôi đã nói với nó, hoặc bất cứ điều nào thốt ra cửa miệng của bất cứ thày giáo nào. Bây giờ nó hiểu rõ giá trị của một căn bản học vấn sơ đẳng nhưng đầy đủ.

Bỗng dưng, ông Burt nói như reo :

- À, tôi nghĩ ra rồi. Ông Stuart ơi, ông đã có vợ chưa ? Tôi tưởng rằng ông đã khá lớn tuổi mới đi dạy học, nếu không ông đã chẳng có mặt nơi đây. Và, một khi người ta đã trộng tuổi để làm thày giáo thì người ta cũng đủ già để lấy vợ.

Tôi thấy ông ta ngộ nghĩnh nên trả lời :

- Không, tôi chưa có vợ và hiện giờ cũng không có dự định gì.

- Vậy thì tôi có đám này cho ông.

Ông hớn hở ra mặt.

- Đến lượt tôi muốn giúp ông một việc. May Woods, cô giáo trường Lonesome Thượng thật đẹp và xinh như một con chó con. Người con gái ấy mới xứng với ông. Cô ta có mớ tóc dài đen mượt, cặp mắt màu hạt dẻ rất lớn với hàng mi dài và rậm. Nếu tôi còn trẻ và chưa vợ, chắc tôi đã lân la tán tỉnh cô ta rồi.

Nghe tới đây, bọn học trò cười ầm lên và tôi phải gõ lên tường để tái lập trật tự. Guy và Ova hai đứa cười lăn lộn. Chúng thì thào với nhau cái gì đó, rồi lại phá lên cười.

Từ lúc ông John Conway tới thăm cô Nancy thì không còn tiếng đàn giọng hát khiến chúng lo ra nữa. Vì vậy, tuy ông Burt đã ráng nói nhỏ với tôi, chúng vẫn nghe được đầu đuôi câu chuyện. Trước lúc ra về, ông còn cam đoan với tôi là sẽ tìm gặp cô May Woods trong một buổi hẹn trước. Ông nói :

- Ông biết không, ngay tối qua, tôi đến tìm cô ta tại nhà ông Oscar Pennix, nơi cô ở trọ. Tôi nói với cô về ông. Tôi kể lại bằng cách nào ông đã tái lập trật tự tại trường này, một ngôi trường mà trước đây không một giáo viên nào có thể ở lâu được. Kể lại việc ông đã giúp tôi và ông biết tìm ra số đấu chính xác của xe than. Cô ra vẻ thích thú lắm, nên tôi đi thẳng vào vấn đề. Tôi không giấu giếm, nói thẳng rằng cô cần có tấm chồng như ông và ông cũng cần một người vợ như cô. Tôi nói rằng không quen làm mai mối, nhưng nếu hai người kết thành phu phụ thì đây là cặp vợ chồng đẹp đôi nhất từ xưa tới nay tại vùng này. Chúng tôi sẽ vui mừng được thấy hai người chung sống với chúng tôi tại đây. Kế đó tôi bảo là tối mai, khoảng tám giờ, ông sẽ tới thăm cô tại nhà Oscar Pennix. Từ đây tới đó chưa đầy năm cây số và ông tìm nhà dễ lắm. Đó là ngôi nhà đầu tiên, mé tay mặt sau khi đi khỏi ngôi trường.

- Được rồi. Tôi xin y hẹn.

Thế là tôi chỉ còn có nước cúi đầu chấp nhận. Tôi có uỷ nhiệm cho ông làm gì cho tôi đâu và đây là lần đầu tôi đi tới chỗ hẹn hò có sắp đặt. Vả lại cho đến nay, suốt đời tôi, tôi có hẹn hò bất cứ về vấn đề gì với ai đâu. Bây giờ tôi chỉ còn cách đóng cho đúng vai trò được chỉ định. Tôi chẳng hay biết gì về cô Woods. Nhưng nghĩ rằng nếu cô là nữ giáo viên mà lại đẹp nữa, như ông Burt đoan xác với tôi, thì cô phải là người lương hảo.

Khoảng bảy giờ tối hôm đó, tôi lên đường đi Lonesome Thượng. Tôi đợi cho sương chiều làm cho bụi bậm trở hết về mặt đất rồi mới ra đi. Tôi không muốn bụi bậm làm dơ bẩn bộ quần áo trắng và đôi giày trắng. Tôi muốn cô May Woods nhìn thấy tôi y như ông Burt đã mô tả hoặc còn hơn thế nữa. Tôi muốn cô có cảm tưởng tốt về tôi ngay buổi đầu. Đối với hai chúng tôi, quả thật là một canh bạc. Nhưng tôi lại nghĩ, đôi khi một mối tình chân thật hay một mối lương duyên đã bắt nguồn từ những cơ hội như thế này đây. Những ý nghĩ ấy liên tiếp thoáng qua tâm trí tôi trong khi tôi lẹ bước theo con đường núi ngoằn ngoèo, nhưng chú ý không làm cho cát bụi lầm lên.

Tôi đi qua nhà thờ “Khỏi bệnh do cầu nguyện”. Nhiều nhóm nhỏ đàn ông, đàn bà và trẻ nít đã tụ tập nơi đây. Đàn ông cầm những chiếc đèn lồng chưa châm lửa và đàn bà bế con. Chập nữa, khi trở về nhà trong đêm tối, họ cần có ánh đèn để soi sáng lối đi. Gần ngay đó, phía bên kia đường là thánh đường “Baptiste của ý chí tự do”, nơi ông John Conway hàng ngày lui tới. Tôi gặp những tín đồ của môn phái này kéo nhau tới dự lễ. Đàn ông cũng xách đèn, đàn bà cũng bồng con. Được biết dân vùng này chia thành hai phe kình địch, thường biến thành căm thù vì tín ngưỡng khác biệt nhau. Đường đi băng qua suối nhỏ. Khi tôi nhảy qua suối cho khỏi ướt giầy, tôi có cảm tưởng như vọt qua một giòng vàng nấu chảy thành nước ; ánh trăng rọi xuống tô điểm cho nó thật huy hoàng. Trời đêm nay sao đẹp thế ! Thật là một cuộc du ngoạn tuyệt vời và cũng là cuộc du ngoạn diễm tình. Cái tên May Woods đã khiến tôi mơ tưởng viển vông. Cô ta ra sao ? Có thật xinh đẹp như ông Burt miêu tả chăng ? Với đêm trăng đẹp đẽ dường này, với tâm trạng này, tôi dám trồng cây si vì cô ta lắm. Dẫu sao chúng tôi cũng có thể nối liền những điều hữu ích với niềm thú vị trong cuộc gặp gỡ ban đầu. Chúng tôi có thể tổ chức những cuộc thi liên trường về chính tả, toán pháp, những cuộc đấu bóng. Và cả một cuộc du ngoạn học đường vào một ngày thứ sáu nào đó, rồi nhìn học trò chúng tôi chơi trò “luồn kim”. Hai chúng tôi đều hân hoan như người cha và người mẹ sung sướng nhìn bầy con đông đúc vui đùa. Đó là những ý nghĩ của tôi trước khi rời khỏi vùng trăng sáng để theo con đường đi vào khgoảng tối tăm.

Giòng suối và con đường song hành bắt đầu chia ly từ chốn này. Giòng suối đi vào khu rừng âm u phảng phất mùi cỏ và hoa thơm ngát. Con đường thì bị cây rừng bóp nghẹt cả hai bên. Tôi cẩn thận dè bước tìm đường trong bóng tối đầy lo ngại. Hết nhìn bên phải lại nhìn bên trái với hy vọng được thấy một khoảng trống có ánh trăng vàng rọi xuống đồng lúa mì, lúa mạch sắp chín hay những tàu lá xanh lớn và dày dặn của những cây thuốc lá. Tôi yên trí là chỉ còn mấy bước nữa tôi sẽ đạt tới đích, bất ngờ có nhiều thứ từ dưới vòm lá ném về phía tôi như mưa bấc. Một quả đạn ấy trúng ngay cằm tôi và chất nước bắn tung lên miệng tôi. Với mùi vị ấy, tôi biết ngay đó là cà chua thối.

Tôi đứng khựng giữa đường, chưa kịp suy nghĩ. Bộ y phục trắng của tôi là một cái đích quá dễ dàng có khác gì một con gà trắng đậu trên cành trụi lá về mùa đông dưới mắt cú mèo. Tôi không thấy bọn ném tôi chúng có bao nhiêu đứa ? Tôi chỉ có thể ước định được qua số cà chua, trứng thối, táo và bầu bí ném vào người tôi như mưa. Một quả trứng thối dính đầy tóc tôi, một quả khác còn tốt rơi đúng chỗ quả cà chua lúc nãy. Một quả bầu hay bí ngô đập trúng đầu gối tôi và vỡ tan từng mảnh. Tôi lấy tay che mặt và cắm đầu chạy hy vọng vượt qua những làn đạn bắn chận đầu ấy, nhưng không được. Những tiếng cười, tiếng hét vang dậy khắp nơi dưới bóng cây, xung quanh tôi. Bọn chúng lối mấy chục người, gồm đàn ông và thanh niên gây náo loạn cả khu rừng.

Tôi vội chạy trở lại. Người tôi từ đầu tới chân dính đầy những chất dơ bẩn bầy nhầy rất thối tha. Hai chân tôi lúc ấy chạy bay chạy biến trong bụi bẩn như ngựa phi nước đại. Những trái cây, trứng thối vẫn bay tới vù vù và bọn kia, rời khỏi nơi ẩn núp, hè nhau đuổi theo, hét to những khẩu hiệu chiến tranh. Nhiều tiếng súng nổ đạn trổ qua tàn lá khá cao trên đầu tôi. Tôi nghe rõ tiếng đạn xé lá, đập mạnh vào cành cây, thân cây hay xé gió vèo vèo.

Chạy ra vùng ánh sáng, tôi thấy con suối vàng rực tôi vọt qua ban nãy giờ đây xám xịt như chì. Tôi phóng qua giòng nước như chim bay. Chưa bao giờ tôi chạy nhanh như vậy, khi cả lũ ấy đuổi theo bén gót. Cà chua và trứng vẫn thi nhau bay tới, đó là những thứ có thể ném đi xa mà vẫn còn hiệu lực. Tôi không dám ngoái cổ lại và ráng sức bứt xa cái bầy quỉ vừa chạy đuổi vừa sủa vang rân.

Giữa lúc tôi chạy tới thánh đường Baptiste, thì một quả trứng thối, do một cánh tay khoẻ mạnh, bay tới đỉnh đầu tôi và vỡ tan. Thoáng có ý định vào lánh nạn trong ngôi thánh đường này, nhưng rồi không biết cái gì nó ngăn tôi lại. Tuy đã quá mệt, tôi vẫn thu hết nghị lực, tiếp tục chạy thục mạng. Tôi nghĩ rằng nếu bọn kia vẫn còn đuổi rát, tôi sẽ vào trốn trong nhà thờ thứ hai. Nhưng rồi chúng đã ngừng bước. Những tiếng la hét, cười cợt của chúng vẫn được làn gió núi nhẹ nhàng đưa đến tai tôi.

Tới trước nhà thờ “Lành bệnh do cầu nguyện”, tôi đi hết nổi. Quần áo tôi ướt đẫm một thứ nước lầy nhầy gồm cà chua, trứng thối và bầu bí trộn lẫn với mồ hôi. Bộ quần áo trắng của tôi không ra màu gì nữa và dính sát vào người như chiếc áo thun dài đườn đượt. Vì trời nóng nực nên cửa chính nhà thờ mở rộng, bên trong đầy ứ tín đồ. Họ dùng đủ mọi thứ có sẵn dưới tay để phe phẩy quạt, từ miếng bìa sách cho tới cành lá liễu. Tôi thoáng thấy Nancy Cochran đứng ở hàng đầu. Cô ta đang đàn và hát một bài ca : “Tôi có một thông hành để lên trời”. Những tiếng A men râm ran nổi lên từ khắp các nơi trong đám tín đồ.

Tôi không dám nấn ná lâu hơn và đi ngược lại những đoạn đường đã qua khi nãy, nhưng bây giờ đâu còn gì gợi cảm nữa. Về gần nhà ông Conway , tôi biết rằng không thể vào nhà với người ngợm như thế. Từ nay chẳng bao giờ mặc quần áo trắng vào ban đêm ở Lonesome nữa. Tôi lấy miếng xà bông dựng trong cái thùng để dưới hiên sau nhà, rồi tìm một nơi bên bờ suối có những cây liễu che khuất. Tôi trút bỏ hết quần áo và giày ra. Quần áo lót mình và đôi vớ của tôi cũng ướt mèm trứng thối. Tôi lấy xà bông kỳ cọ từ đầu đến chân, giặt rũ quần áo và phơi lên mấy bụi cây kế đó để phơi nắng ngày mai luôn. Xong xuôi, tôi lật đật vô nhà trước khi gia đình Conway trở về.


*


Tai nạn xảy đến cho tôi trên đường Lonesome Thượng tìm gặp cô giáo May Woods được loan đi nhanh chóng như một ngòi thuốc súng. Khắp mọi nơi trong thung lũng họ đều cười tôi. Sáng hôm sau, xuống dự bữa ăn lót lòng, tôi thấy tất cả gia đình ông Conway , ngồi quanh bàn, đều như đang nhịn cười. Cái cô Flossie thầm lặng cũng có vẻ tươi tỉnh lắm. Cô nhìn tôi và cười mỉm, dường như lâu nay cô chưa từng có cử chỉ ấy. Ông John cười phá lên rồi kể lại một câu chuyện và cố gắng cho tôi hiểu là ông cười vì lý do ấy, nhưng vô ích. Bà Bertha vừa rót cà phê cho tôi, vừa cười nửa miệng. Thằng Don thì nhìn tôi qua bàn và nó vặn mình bên này, bên kia như con khỉ. Ai cũng muốn cười phì ra, nhưng vẫn cố nín. Tuy nhiên không ai đả động xa gần gì tới sự việc của tôi, và tôi cũng không dám hé răng.

Bọn học trò thấy tôi, chúng cũng cười. Duy có một trò vẫn giữ vẻ trang nghiêm : Guy Hawkins. Bọn học trò lại khoái cười hơn người khác vì chúng đã biết cuộc hẹn hò mà ông Burt đã thu xếp dùm tôi. Chúng trao đổi với nhau những cái cười đồng loã. Nhiều lần tôi thấy chúng thì thầm với nhau trong khi liếc xéo tôi. Nhưng chẳng đứa nào công khai ám chỉ tôi đến chuyện vừa qua. Giờ ra chơi, những tiếng cười còn ròn rã hơn mọi ngày. dường như có cái gì buồn cười ở trong không khí, cái gì thật là hài hước…

Giờ nghỉ trưa đã dứt, thày trò chúng tôi đã vào cả trong lớp, bỗng ông Burt đánh xe la tới dưới gốc cây bạch dương. Ông nhảy xuống xe và chạy đến trường với những bước dài cứng nhắc. Tôi đi ra gặp ông và cùng đi tới bên xe, vì không muốn học trò nghe điều tôi nói.

- Tôi hết sức ân hận về chuyện xảy ra cho thày tối hôm qua ; tôi là một thằng cực kỳ ngu dại. Tất cả đều do lỗi tôi.

- Phải rồi. Tôi được tiếp đón quá ư nồng hậu. Nhưng kẻ ngu dại trong vụ này chính là tôi mới đúng.

- Thày để tôi kể cho mà nghe. Chính vì thế mà hôm nay tôi mới tới muộn thế này. Tôi chỉ biết sự việc ấy vào sáng hôm nay. Bill Coffee, cái thằng hay ve vãn cô May và hiện là thợ xưởng dát kim thuộc tỉnh Auckland , nó mới về chập tối hôm qua. Cô May không ngờ. Khi nó biết cô có hẹn gặp thày và nhất định không huỷ bỏ cuộc hẹn hò ấy để tiếp nó, nó nổi điên lên. Nó bảo rồi nó sẽ ngăn cản hai người không cho gặp mặt nhau và người ta sẽ thấy nó hành động ra sao.

- Nó có thể khoe khoang đã phá vỡ cuộc hẹn của chúng tôi. Những cái mà tôi thấy chẳng lấy gì làm đẹp lắm. Nhưng này, sao ông không cho tôi biết trước là cô ta đã giao thiệp với kẻ khác rồi ?

- Ồ, cô đi đôi với nó cả mấy năm nay rồi. Ông Burt nói nho nhỏ. Nhưng tôi nghĩ rằng thày có thể cho thằng ấy ra rìa ! Nó đã đi tìm bọn con trai trong làng. Bọn ấy không thương gì mấy những người dân làng Lonesome. Khi mà cần đối phó với một kẻ xa lạ thì thày cứ yên trí. Thằng Bill cũng là một trai làng. Nó quen biết hết mọi người trên Lonesome Thượng, thế là thày hiểu rồi.

- Bill nó chẳng e ngại làm mích lòng cô May. Cả hai người tôi chưa hề biết họ, nhưng tôi cũng không muốn gấp làm quen với họ.

- Tôi thật buồn thấy sự việc xảy ra như vậy. Nhưng họ không làm hại gì thày chứ ?

- Không nhất thiết như vậy.

- Họ đuổi theo xa không ?

- Họ chỉ đuổi đến thánh đường Baptiste thôi.

- Bọn quỉ ấy ghê gớm thật.

Ông ta leo lên xe, tôi quay vào trường. Dịp này tôi mới biết khi người ta biến ai đó thành trò cười thì chắc chắn có thể lôi kéo tất cả những kẻ hay diễu cợt về phía mình.


*


Mới ở trường về, tôi ngồi dưới hiên với gia đình Conway để hứng một chút gió mát. Họ đuổi ruồi bằng những cành liễu khá dài. Tôi đang nhìn ra đường cái trải dài bên ngoài cái sân, bỗng thấy một cái xe hơi rất lớn, lớn hơn hết những xe tôi từng gặp ở Landsburgh. Đấy là cái xe mui vải. mui xe đã được hạ xuống. Chàng thanh niên cầm tay lái mặc sơ mi lụa có sọc, cổ cứng với cái cà vạt sặc sỡ. hắn hút điếu xì gà lớn, khói quật lại phía sau xe và tan theo gió. hắn lái xe có một tay, tay mặt hắn quàng vai một thiếu nữ đẹp. Gió thổi làn tóc đen của cô ấy bay tung về phía sau. Tôi hỏi :

- Anh chàng ấy là ai đấy nhỉ ?

Rồi tự hỏi thầm làm sao cái xe lớn như vậy lạ có thể lượn theo những khúc quanh của con đường này.

Giữa lúc ấy cả gia đình Conway cười phá lên. Tiếng cười mà họ cố nén suốt ngày nay, bung ra như nước vỡ bờ. Họ cười quá cỡ đến không nói ra lời. Chiếc xe đã chạy khuất vào khúc quẹo. Lúc ấy thằng Don mới tạm nín cười cho biết :

- Đó là Bill Coffee và May Woods.

Tôi thấy mình nóng cả hai tai và hỏi tiếp :

- Ít ra hắn cũng là chủ nhân ông nhà máy thép ở Auckland ?

- Không phải. Hắn chỉ là thợ hàn trong xưởng máy.

Ông già John nói tiếp, khi đã thở được bình thường :

- Trong vùng này không ai ngờ thằng Bill lại thành công đến thế. Người ta không bao giờ nghĩ rằng nó sẽ kiếm được nhiều tiền như vậy. Nó không thích nghe nói chuyện học hành. Nó rời khỏi mái trường khi mới biết đọc lõm bõm. Nó xoay ra nghề nông cũng không mấy khá. Rồi hắn xin vào làm việc ở nhà máy Auckland và bắt đầu khá giả. Theo lời người ta nói lại, lương hắn hơn ba trăm đô la một tháng.

- Nó làm việc ở đó chưa đầy hai năm. Don tiếp lời cha. – Năm thứ nhất lúc về làng hắn đã có xe hơi đi dạo, chưng những áo sơ mi mười đô la và những đôi giày mười lăm đôn. Các cô gái trong thung lũng này đều chạy theo hắn, nhưng May Woods khôn ngoan hơn cả. Cô ta biết làm cho hắn nổi máu ghen bằng cách thỉnh thoảng hẹn gặp người này, người kia.

Tôi thật là một thằng điên. Từ nay thề chẳng để ai định nơi gặp gỡ thay mình nữa. Chẳng bao giờ phó mặc cho rủi may nữa. Dân chúng vùng nay đến bao giờ mới hết bàn tán câu chuyện đó ?


*


Cuối tuần thứ ba, tôi cho nghỉ học vào giữa trưa để về thăm nhà. Nhân dịp này tôi muốn tới Landsburgh để kiếm một ít học cụ rất cần thiết. Có bao nhiêu việc phải làm ! Muốn về Landsburgh, tôi phải xuống mé dưới thung lũng, nghĩa là phải đi bộ tám cây số, rồi đón chuyến tàu vét vào giữa chiều. Tôi từng nghe nhiều giáo chức than phiền cho nghề gõ đầu trẻ là một nghề bạc bẽo, chẳng mấy hứng thú. Vậy mà riêng tôi chưa bao giờ làm việc gì say mê như thế. Ba tuần qua đối với tôi ngắn ngủi như ba ngày. Trong khi cố gắng đem cái mớ kiến thức nghèo nàn của tôi để truyền thụ cho bọn trẻ dốt nát hơn mình, tôi đã học ở chúng và ở đồng bào trong vùng nhiều điều lợi ích hơn bất cứ ba tuần nào trong quá khứ.

Dưới sức nóng ngột ngạt của tháng tám và trong đám bụi mịt mù tôi đã để hơn một tiếng đồng hồ để xuống thung lũng. Trên chuyến tàu chạy về Landsburgh, tôi hồi tưởng lại chuyến đi ngược chiều cách đây hơn ba tuần. Những nỗi lo âu ngày đó đã biến mất. Nhưng nhiều vấn đề không can dự gì tới kỷ luật học đường bắt tôi suy nghĩ. Tàu vừa dừng ở Landsburgh, tôi lật đật trở về nhà.

Sáng hôm sau, thật sớm, tôi tới nhà bạn John Hampton. Tôi hỏi anh có còn bắt buộc phải cho cái xe hơi cà khổ của anh đi lui khi leo dốc, thay vì đi số một nữa không ? Anh đã cho sửa lại máy móc và hứa sẽ lấy xe đưa tôi đi Lonesome vào ngày chủ nhật. Vì anh ta cũng đang cần học cụ, chúng tôi cùng đi xe tới Landsburgh. Chúng tôi gặp ông Staggers trong văn phòng. Ông hỏi ngay :

- À ! Công việc thế nào ông Stuart ?

- Thưa ông, tốt lắm. Người ta có nói gì về tôi không ạ ?

- Chưa có gì. Với giọng nói gần như lo ngại, ông tiếp. Tôi mong rằng ông đến hôm nay không phải để nộp đơn từ nhiệm.

- Vâng, không phải thế đâu. Tôi tới xin ông vật liệu.

Ông có vẻ khoan khoái thấy tôi ở lại Lonesome, vui vẻ hỏi dồn :

- Ông cần vật liệu gì ? Những thùng đựng than này. Những cái tẩy này, phấn viết bảng và kính phải không ?

- Tất cả những thứ ấy và còn nhiều thứ khác nữa.

Ông tròn mắt nhìn tôi, ngạc nhiên. Tôi kể tiếp :

- Tôi cần hai bao vôi, một bình đựng nước mát, sơn đủ dùng để quét lại nhà trường, nhiều chổi quét sơn, cái búa chặt cây, cái búa đinh, một mớ đinh, cái liềm, cái cào và cái xẻng.

- Tạm ngừng đã. Ông cho tôi biết ai sẽ sơn phết lại nhà trường ?

- Dạ tôi. Tôi dự định làm mới lại ngôi trường.

- Còn vôi, ông dùng làm gì ? Đây là lần đầu tiên người ta xin tôi thứ ấy !

- Tôi dùng để tẩy uế các cầu tiêu, vôi cũng kỵ ruồi.

Sau khi chất vấn tôi về cách sử dụng mỗi thứ, ông thanh tra cấp cho tôi đủ các thứ tôi xin, mặc dầu quá cái mức mà tôi có quyền được cung cấp, vì tôi xung phong sơn phết lại nhà trường. Ông làm một bông đặt hàng cho tôi ra lấy tại tiệm bán đồ sắt Lawson.

Xế trưa chủ nhật, John Hampton đưa tôi trở lại Lonesome. Ngồi trên xe, anh ta kể cho tôi nghe kinh nghiệm lâu năm của anh trong ngành giáo dục. Anh bảo rằng tuổi trẻ và sự thiếu lịch duyệt khiến anh ta nghĩ rằng mình có thể cải tạo được xã hội. Nhưng chẳng bao lâu anh vỡ mộng, đành chấp nhận sự việc như bấy nay sẵn có. Tôi để anh nói, vì tôi đang quá giang trên xe anh và anh đã vui lòng giúp tôi được về nhiệm sở Lonesome. Tôi lắng nghe và giữ im lặng. Lối 6 giờ chiều chúng tôi tới nhà ông Conway . Chúng tôi chạy xe với tốc độ mười hai cây số giờ và, trên những đường dốc, đầu máy nó gầm dữ dội làm tôi muốn điếc hai lỗ tai.

Sau bữa ăn tối, Don Conway tiếp tay với tôi đem vôi đến trường. Cầu tiêu của nam sinh, nơi tôi vừa đặt bao vôi xuống, dành cho tôi một bất ngờ. Hai ngày trước, khi tôi đóng cửa trường, tường vôi vẫn sạch sẽ. Bây giờ thì đầy những hình vẽ thô lỗ khác nhau. tất cả đều ám chỉ thẳng tôi. Tên họ của May Woods viết dính liền với tên họ tôi. Tên của Flossie cũng viết đầy tường và cả trên trần, dính liền với tên tôi. Nhiều bức vẽ tục tĩu hình dung cô ta.

- Ai có thể làm việc này ? Một học sinh à ? Tôi hỏi nhỏ Don.

- Tôi không nghĩ như thế. Tôi ngờ rằng đó là một kẻ ở ngoài học đường.

Tôi vẫn nghi cho một học sinh nào đó, lợi dụng nhà trường đóng cửa sớm hơn thường lệ, đã lén trở lại một mình. Don và tôi rắc vôi khắp cả các cầu tiêu nam sinh, rồi để đấy số vôi còn lại để sau này dùng. Kế đó chúng tôi qua cầu nữ sinh và cũng làm như vậy. Nơi đây tường vách được nguyên vẹn. Xong xuôi, chúng tôi trở về nhà xách đến một thùng nước, một cái chổi và ít xà bông lau chùi cho hết các hình vẽ và chữ viết trên tường.


*


Sáng thứ hai, tôi bảo học trò rằng, tôi thấy nhiều hình vẽ tục tĩu trong cầu tiêu nam sinh. Tôi không thể ngờ cho một học sinh của tôi lại có thể làm việc ấy, bởi vậy tôi yêu cầu tất cả tiếp tay với tôi để bảo vệ ngôi trường và giữ gìn cho sạch sẽ. Tôi có ý định sơn phết lại tất cả. Học đường là ngôi nhà chung của các em, thày trò cũng như những thân quyến trong gia đình, mọi người phải cộng tác với nhau. Tất cả mọi người phải tương trợ lẫn nhau. Kế đó, tôi cho chúng hay, kể từ nay khỏi cần phải múc nước bằng ca nữa. Cái thùng cũng chỉ dùng để xách nước về mà thôi, vì chúng ta đã có cái bình đựng nước mát. Tôi đưa cho chúng xem cái vật dụng mới mẻ mà chúng chưa hề thấy. Chúng có vẻ vui thích lắm.

Chiều hôm ấy, bọn nhỏ biết là tôi sắp sửa sơn phết lại nhà trường. Ông John Conway đóng cho tôi một cái thang và đem các vật liệu cần thiết tới. Giờ học vừa tan, có Don phụ giúp, tôi bắt tay ngay vào việc. Thay vì về nhà, một số học sinh ở lại coi chúng tôi làm, trong số đó có Guy và Ova. Guy lên tiếng :

- Thưa thày, tôi biết sơn. Thày có muốn tôi giúp không ?

- Tôi cũng vậy, tôi có thể giúp thày một tay. Ova nói.

Thế là Guy và tôi bắt đầu cạo hết lớp sơn cũ trong khi Don và Ova sơn nước thứ nhất. Giữa mùa hè, ngày rất dài, cho phép chúng tôi làm lâu được. Và chúng tôi rất hãnh diện với phần việc đã làm được chiều hôm ấy. Trong khi cùng với Guy nậy những lớp sơn cũ nứt nẻ, tôi thấy lộ ra trên tường những đốm màu nâu nâu, cách mặt đất lối trên một thước. Có thể nói là những vết bẩn cùng một cỡ và một màu như lá cây sồi cuối thu. Thấy tôi dùng dao loay hoay cạo một vệt đó, Guy phì cười và hỏi tôi :

- Thày không biết đó là vệt gì à ?

- Không biết chắc lắm.

- Đó là nước cốt thuốc. Người nào đó đã nhổ lên tường.

Tại sao Guy biết ? Và tôi tự nghĩ, trong số học trò tôi thì còn đứa nào biết nhai thuốc ngoại trừ hai cậu Guy và Ova.

Chung quanh ngôi trường, tôi tìm ra rất nhiều vệt như vậy. Tôi phải cấp tốc can thiệp để chấm dứt sự trạng này, nhất là sau khi trường học được sơn trắng hoàn toàn.


*


Những hình vẽ bậy trong cầu tiêu, những đốm cốt thuốc trên tường làm tôi bực bội thật. Một vấn đề mà các giáo chức ở Landsburgh không hề biết tới, tại vì ở đó mỗi cấp học, từ cấp một cho tới cấp chót, đều có một giáo viên phụ trách riêng biệt. Trong mỗi lớp, học trò sàn sàn gần bằng tuổi nhau. Trái lại, ở đây, trong một lớp duy nhất tôi có những trẻ mới đi học lẫn những học sinh cấp tám, nghĩa là những trẻ mới lên năm và những thanh niên hai mươi tuổi. Vấn đề này là vấn đề chung cho tất cả các trường làng trong quận Greenwood nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ tới, trước khi bước vào làng giáo.

Chính bọn trẻ con ấy nó gây khó khăn cho tôi nhiều nhất. Tôi bắt chúng tới ngồi trước bục gỗ, dạy cho chúng học các chữ cái trong cuốn sách tập đánh vần cũ kỹ rách nát, đã được dùng cho nhiều thế hệ. Những học sinh cấp tám của tôi trước đây cũng tập đọc với những cuốn sách ấy. Dạy xong bọn nhỏ, tôi cho chúng trở về chỗ ngồi, từ lúc ấy chúng chẳng có việc gì để làm nữa. Lẽ ra tôi phải lưu tâm đến chúng nhiều hơn. Nhưng vô phương. Trong lớp nóng nực, phần lớn chúng nó ngủ gật. Tôi tự vấn làm cách nào để cải thiện tình trạng ấy.

Khi một trong mấy đứa nhỏ ấy ngủ gật, chẳng bao giờ tôi có ý đánh nó về tội ấy. Tôi để nó ngủ. Chẳng còn cách nào khác. Tôi còn làm gì được nữa, trong khi với thời gian sáu giờ, tôi phải bắt năm mươi bốn trò trả bài, giảng giải những bài mới cho chúng và chấm điểm các bài làm. Tôi còn làm gì được, khi mà tôi kiêm luôn công việc khám trường, thợ sơn, lo việc vệ sinh các cầu tiêu, lo nhặt những mảnh kính vụn và rác rến trên sân trường. Tóm lại, ráng sức làm cho trường học đẹp hơn, hấp dẫn hơn những ngôi nhà chúng đang ở.


*


Một ông hàng xóm, ông Bealor, người có cái trại tốt đẹp nhất làng, một hôm đã nói với cha tôi về tôi như thế này : “Nếu để nó một mình trong một nơi thanh vắng, tôi nghĩ rằng cuối cùng hắn cho rằng hắn có đủ sức mạnh để chọc thủng một vách thép”.

Phòng ngủ tôi hiện rất thanh vắng, nhưng nóng như lò lửa. Tôi đang nằm dài suy nghĩ thì đồng hồ treo dưới nhà điểm mười hai giờ khuya. Tôi vẫn chưa tìm được phương giải quyết.

Sáng hôm sau, mới mở mắt ra, tôi đã tự hỏi mình sẽ làm gì cho bọn học trò nhỏ đây. Tôi muốn khởi sự ngay. Đã bốn tuần rồi chúng tới trường và chịu khổ vì nóng nực. Dù có mát trời, chúng cũng thấy khổ vì quá nhàn rỗi. Điểm tâm xong, tôi thong thả tới trường một mình, vì còn sớm lắm. Vừa đi vừa suy nghĩ, vẫn thấy vấn đề nan giải, tôi đành bỏ qua.

Tôi chậm chậm bước dưới nắng mai, bên rặng liễu, vừa huýt sáo theo điệu bài “luồn kim”. Tôi nhìn những nét vẽ linh động trên mặt đất, do ánh nắng tạo nên sau khi xuyên qua kẽ lá cành cây. Trên đầu tôi, những giọt sương lóng lánh như những hạt ngọc rồi tan dần thành những làn mây mỏng lơ lửng giữa trời. Thật là buổi mai tuyệt đẹp. Tôi thấy rất yêu đời, tôi hít mạnh không khí mát mẻ vào đầy lồng ngực ; tôi không muốn chết. Tại sao lại bứt đầu bứt tai suốt đêm qua vì những chuyện của học đường ? Một ngày nào đó sẽ có cách giải quyết. Tại sao lại không hưởng thú của buổi mai đẹp trời này. Tôi vừa huýt sáo, vừa nhẩm lại lời ca của bài “Luồn kim”.

Luồn kim là gì ? Sợi chỉ hình dung cái gì ? Cuối cùng tôi cho rằng lỗ kim tượng trưng cho thày giáo. Còn sợi chỉ nó chạy qua là trò chơi. Phải rồi, ý nghĩa nó là như vậy đó. Thày giáo dạy học trò trong khi chơi giỡn. Trò chơi nhằm mục đích ấy. Giáo dục bằng trò chơi. Trẻ con đứa nào chẳng khoái trò chơi, cáo con, cừu non cũng vậy. Phải có trò chơi cho thanh thiếu niên nữa. Tôi sẽ bầy trò chơi cho lũ nhỏ. Với chúng, học hành sẽ là một trò chơi. Chúng sẽ cho rằng là chơi đùa, nhưng chính chúng đang học chữ và tập đếm vậy. Tôi đã nắm được chìa khoá của vấn đề. Đó là trò chơi.


*


Tới giờ dạy bọn nhỏ ở cấp một, tôi bóc một tờ trên cuốn lịch lớn mua tại tiệm sắt Lawson, lấy cái kéo trong hộc bàn, rồi bắt bọn trẻ ngồi quanh tôi theo hình bán nguyệt. Chúng nó chăm chú nhìn tôi. Tôi cắt từng chữ số một rồi hỏi chúng nó, hay bầy cho chúng đó là số mấy, kế đó phân phát cho chúng. Tôi lại cắt những miếng bìa khổ lớn bằng các chữ số ấy, lấy keo dán một chữ số lên tấm bìa. Xong rồi, tôi bảo chúng ngồi thành hai bàn, mỗi bàn bốn đứa và tiếp tục tự tay dán các chữ số vào các tấm bìa.

Tôi xoay qua dạy các cấp khác, nhưng lần này bọn nhỏ có việc để làm. Tới giờ ra chơi, thay vì chạy ra đùa nghịch, chúng xin phép tôi ở lại trong lớp để tiếp tục công việc. Một vài chữ số bị dán ngược, nhưng có quan hệ gì, khi chúng tự làm lấy với nhau, không có sự hướng dẫn của tôi.

Tôi cố gắng dùng phương pháp ấy để dạy chúng đọc chữ và vẽ hình. Tôi vẽ trên bảng những thứ chúng biết rõ như những quả táo, những cái chén, quả banh, thằng nhỏ. Tôi vẽ mỗi thứ từ một đến hai, ba, bốn cái, chia thành từng nhóm. Tôi bảo chúng cho tôi biết đó là những vật gì, rồi ghi tên đồ vật lên trên. Mỗi nhóm có bao nhiêu cái rồi ghi con số xuống dưới. Chúng nó thích lắm, không chịu ngồi yên trên hàng ghế đầu mà tôi đã cho chúng dời lên đó. Những bàn chân không của chúng dẫm xuống sàn nhà bồm bộp. Tiếp theo, tôi lấy mấy tấm bìa, giơ lên cho chúng xem từng tấm một và bảo chúng đọc con số dán trên đó. Tôi không khỏi ngạc nhiên vì chúng đều đọc đúng cả. Trong lớp im lặng hoàn toàn, có thể nghe con ruồi bay qua. Tất cả học sinh lớn bé đều có vẻ thích thú. Đây là những việc chúng chưa hề làm, chưa thấy ai làm, nhưng biết rằng đó là phương cách vui thích để học tập. Đấy là một trò chơi, sợi chỉ bền chạy hoài không đứt. Cho rằng buổi học lần đầu như vậy tạm đủ, tôi cho bọn nhỏ trở về chỗ và bảo chúng ráng vẽ lại những hình có ở trên bảng.

Sáng kiến này sinh ra sáng kiến khác. Người ta có thể sử dụng các tấm bìa ấy hàng ngàn cách khác nhau. Năm bảy phút mà tôi có thể dành cho mỗi cấp quả thật quá ngắn ngủi. dần dà mấy trò nhỏ ấy vẽ đúng số vật dụng, theo con số dán trên bìa mà một đứa trong bọn nó chọn được. Chúng biết cộng, biết trừ những con số, những đồ vật, chúng nhận ra những con số viết tay và đọc được tên các hình vẽ. Tôi thay đổi cách tập rèn, xoá bỏ con số và hình vẽ, cho chúng đọc nguyên tên đồ vật mà thôi. Tôi sắp nhiều tấm bìa thành hàng trong kẽ bảng đen, rồi yêu cầu chúng vẽ một số đồ vật tương đương với những con số gắn trên các tấm bìa. Từ đó, chẳng bao giờ còn thấy một đứa nào ngủ gục đầu trên bàn học nữa.


*


Ngày thứ sáu ấy, ăn cơm trưa rồi, tôi thả bộ quanh trường, học trò đều ngồi dưới bóng các cây bạch phong cao lớn để ăn cơm, duy có một trò gái đang đứng. Tôi bắt gặp hắn đang nhổ nước miếng lên tường mới sơn xong. Một nữ sinh ! Mà lại là Vaida Conway, đứa con gái xinh xắn của ông bạn già, quản trị viên nhà trường.

- Vaida, em ngậm gì trong miệng đó ? Em đang làm gì vậy ?

Tôi quát hỏi trước khi nó nhìn thấy tôi.

- Thưa không.

- Lại đây ! Đừng nhổ ra, đem miệng lại tôi xem.

Nó lấy miếng thuốc nó đang nhai ra và đưa tôi xem, rồi cúi xuống chăm chú nhìn hai bàn chân không.

- Tại sao em lại làm như vậy ?

Nó không trả lời, tôi phải hỏi lần thứ hai :

- Thưa thầy, em đã chăm bón thuốc. Khi trời nóng nực nó thơm lắm. hết ngày làm việc, em thích nhai thuốc.

- Em muốn nói vì làm việc trong ruộng thuốc và ngửi hơi thuốc lá xanh riết rồi em có thói quen ấy phải không ?

- Dạ vâng.

- Mấy năm còn nhỏ tôi cũng làm thuốc nhiều lắm chớ, nhưng hơi thuốc có bắt tôi phải có thói quen ấy đâu.

Không biết ở nhà nó có nhai thuốc không ? Chẳng bao giờ tôi trông thấy. Lâu nay tôi vẫn nghi ngờ cho Guy và Ova ; tôi cứ yên trí hai đứa ấy là thủ phạm. Nhưng không bao giờ tôi ngờ rằng Vaida lại có thể đến nhổ cốt thuốc vào những bức tường sơn trắng. Trong số học trò tôi, nếu có người nào tôi không hề nghi ngờ, người ấy chính là Vaida. Tôi rất giận mình đã nghi oan cho Guy và Ova.

- Vaida, tại sao em lại nhổ cốt thuốc lên tường sơn trắng như vậy ?

- Tại tôi thích, tôi thích nhìn màu nâu nổi trên nền trắng.

- Chiều nay tan học, phải đến gặp tôi nghe chưa !

Không có một học sinh nào thấy và nghe tôi nói với Vaida. Tôi không tin rằng cả trường lại không có ai biết đứa nào nhổ vào tường. Hôm ấy, hết giờ học, Vaida ở lại trường như tôi bảo. Tôi đợi cho học trò ra hết khỏi cổng trường. Don Conway và mấy trò nữa hình như đoán biết việc gì sẽ xảy ra, cần phải sửa trị như tôi đã nói. Tôi bắt cô Vaida đã lớn và đẹp đẽ kia nằm sấp trên đầu gối tôi và lấy cuốn sách địa dư đánh vào mông cô ta một trận ra trò. Tuy nhiên vẫn chưa khiến cho cô bé khóc. Nó đã xới đất cho bao nhiêu luống bắp và luống thuốc. Nó đã bắt bao nhiêu sâu màu xanh trên những lá thuốc dầy và thơm, đã đuổi bao nhiêu bọ rầy bám trên những cây thuốc. Nó xinh đẹp nhưng có sức chịu đựng, đánh đòn như vậy chẳng thấm gì. Chỉ có sự kiêu hãnh của nó bị tổn thương mà thôi. Như thế là tôi đã giải quyết xong hai vấn đề, chỉ còn một : tìm cho ra thủ phạm đã vẽ bậy trong cầu tiêu nam sinh.


*


Sáng thứ bảy, tôi dậy muộn và ăn điểm tâm có một mình. Ông John đã ra đồng làm việc với tất cả bầy con từ lâu rồi, chỉ có bà ta ở nhà. Bà lẳng lặng dọn ăn điểm tâm cho tôi. Ăn xong, tôi cầm cuốn luật lệ giáo dục của tiểu bang Kentucky và đi tới trường, ghé ngồi trên một rễ cây bạch phong khổng lồ. Mặt trời tháng tám nóng nực đã lên cao. Bên trên thung lũng từng đám sương mù mỏng manh bao trùm những ruộng thuốc và ruộng bắp. Tôi đọc chưa hết trang đầu cuốn sách thì Nancy Cochran đã ra trước hiên nhà với cây đàn. Cô dạo đàn và hát rất hay, hay hơn bao giờ hết.

Cô ta đàn và hát cho tôi nghe, chỉ tạm ngừng khi có khách vào mua hàng và khách của cô rất thưa thớt. Trông khi Nancy cố gắng làm cho tôi tiêu sầu giải muộn, tôi đã tìm thấy trong cuốn sách mà bấy lâu nay tôi không thèm đọc, nhiều đoạn rất hữu ích. Được biết, tại các trường trong Tiểu Bang, không những học sinh mà cả quản trị viên cũng bị cấm ngặt không được sử dụng thuốc lá. Bất cứ lúc nào, không có vị quan khách nào được hút trong phạm vi nhà trường. Luật lệ quy định như vậy. Tôi cũng muốn biết, một giáo viên có bắt buộc phải cư trú tại làng mình dạy học chăng ? Tôi đọc hết cuốn sách luật mà không thấy điều nào đề cập đến vấn đề này.

Đọc xong cuốn luật thì trời đã xế chiều. Tôi dợm đứng lên để về, bỗng thấy một chàng trai cao lớn đang từ trên đường Lonesome Creek, hướng về phía tôi. Tôi thấy anh chàng nhìn tả, nhìn hữu rồi nhìn về phía cô Nancy đang ngồi đàn hát trước tiệm. Tới gần trường, chàng ta đi chậm lại. Anh ta xoay người nhìn khắp mọi phía, cả phía tôi ngồi, nhưng thân cây bạch phong che khuất nên không trông thấy. Chàng ta đi qua sân trường, vào thẳng cầu tiêu nam sinh. Tôi đợi mấy phút xem chàng ta có ra không. Không thấy chàng ta xuất hiện, tôi liền rón rén đi về phía ấy và nhẹ nhàng mở cửa cầu tiêu. Tôi bắt được quả tang anh chàng đang vẽ những hình tục tĩu hình dung tôi với Flossie Conway và May Woods. Tôi thét lên :

- Té ra anh ! Tôi tìm anh khá lâu rồi !

Hắn vứt vội cục phấn, đâm nhào ra phía cửa. Nhưng tôi ở lợi thế, nên giáng cho hắn một quả đấm móc giữa quai hàm. Tôi đã dồn hết chưởng lực vào cú đấm này. Nói lại thì thật khó tin, nhưng sự thật đúng như vậy : quả đấm của tôi khiến hắn quay đi nửa vòng trên không, trước khi thoát chạy. Bị tôi bắt gặp, hắn cố chạy ra đường, nhưng sau quả thôi sơn ấy, hắn thấy mình lại quay mặt về phía cầu tiêu. hắn phải xoay người lại và chạy vắt giò lên cổ. Thay vì chạy thẳng về phía tiệm Nancy , hắn băng mình qua hàng rào kẽm gai hoen rỉ rồi chạy vào ruộng bắp. Bắp đã khá cao và đó là nơi lý tưởng để lẩn trốn. Tôi chưa thấy ai chạy nhanh như hắn. Hắn biết sử dụng cặp giò dài quá khổ của hắn mà. Hắn đã biến mất, tôi theo dấu hắn trong các luống bắp không được, đành phải bỏ ngang.

Nancy Cochran đã trông thấy tôi đuổi hắn chạy. Khi tôi đi về qua tiệm cô ta, Nancy hỏi :

- Ông có chuyện gì với Alvire Purdy đấy ?

- Anh ta làm nghề gì ?

- Ồ ! Đó là một trai làng Lonesome Thượng. Anh ta hay quấy rầy tôi, anh bám riết và cứ xin tôi cho gặp mặt tay đôi. Nhưng tôi chẳng muốn dính dáng gì với anh ta cả.

Cô ta nói điều trên với phần nào kiêu hãnh. Tôi không nói cho cô biết Alvin đã làm gì. Trước khi bất thần thấy hắn đang làm việc đen tối ấy, tôi chưa hề gặp hắn và chưa hề nghe nói về hắn. Mãi về sau tôi mới biết hắn si mê Nancy và ghen với tôi. Tôi cũng được biết là Nancy và Flossie kình địch nhau và cô này tìm cách đỡ nhẹ tình nhân của cô kia. Vì thế mà Alvin mới bêu xấu tôi trong cầu tiêu. Một lần nữa tôi lại ân hận, vì đã nghi oan cho Guy và Ova.


*


Ngày thứ hai, tôi tiếp tấm chi phiếu đầu tiên trả lương tôi vừa chẵn sáu mươi tám đô la. Tôi mừng thầm vì cuộc viếng thăm cô May Woods của tôi đã bị đột ngột chận đứng. Như thế hay hơn là tới nơi hò hẹn với nàng. Nếu tôi thương yêu nàng, tôi cũng không có cách gì cho nàng vui thú, hay đưa nàng đi dạo bằng xe hơi.

Anh chàng Bill Coffee chỉ là thợ hàn ở Auckland và chỉ có một số học vấn thô sơ, nhưng anh đã thành công hơn tôi gấp bốn lần, nếu nói theo kẻ đánh giá thành công qua số tiền lương mà đương sự kiếm được. Và các bạn hãy tin rằng những thanh niên tôi quen biết tại thung lũng Lonesome, họ đều lý luận như vậy. Nếu Bill Coffee muốn bỏ rơi May Woods để cặp bồ với Flossie Conway hay Nancy Cochran anh có thể làm dễ như chơi. Tôi hiểu được tâm lý của May Woods. Có lẽ cô ta, cũng như chị tôi, đã làm nghề dạy học để có tiền lương may sắm áo quần. Đã vậy thì dại gì lại từ chối các cuộc hẹn hò với Bill, người đã đưa cô đi dạo chơi trên một xe mui trần màu xanh rộng lớn ? Tại sao nàng không đi đây, đi đó, với một bạn trai ngậm xì gà loại sang dài cả mười lăm phân, mặc áo sơ mi lụa, đeo cà vạt nhiều màu và diện những bộ đồ lớn đắt tiền ? Nói như vậy không phải tôi chê trách nàng đâu. Với 68 đô la, tôi có thể thân tặng nàng những gì ? Chính tôi, đang thời trai trẻ, tôi cũng muốn cặp bồ với các cô gái và đưa họ đi dự các cuộc vui. Nhưng nghề dạy học làm tôi say mê. Tôi yêu nghề của tôi. Tôi muốn biết tận tường nghề đó. Tôi biết rằng cần phải tiến, tiến mãi và tôi còn nhiều điều để học hỏi. Nhưng vì lẽ gì tôi lại chọn nghề này ? Thời đó là khoảng 1920, thời kỳ rất dễ kiếm việc. Hoa Kỳ đang lúc thịnh thời.


*


Không phải vì bà Bertha lấy 25 đô la tiền cơm hàng tháng mà tôi quyết định ra khỏi nhà này. Có nhiều lý do khác. Khi tôi tự hạn chế trong việc trừng trị Guy Hawkins mà thôi thì mọi sự đều tốt đẹp ; nhưng bây giờ phải sửa trị cả Vaida, thì đó lại là việc khác. Thêm nữa, ý kiến của tôi về việc hợp nhất các trường làng khiến ông John có phần lo ngại. Khi thấy tôi sửa soạn vali rồi, ông nói :

- Không phải tôi muốn cầm chân thày tại nhà tôi, nhưng thày đừng quên là thày phải ở trong phạm vi làng này.

- Và tại sao vậy ? Ông Conway ôi, tôi có để lại ông xem một cuốn luật lệ giáo dục của Tiểu Bang. Tôi có đánh dấu một trang cần được ông chú ý.

Tôi theo đường Lonesome Creek để đi xuống thung lũng. Tôi biết rõ tôi đi về đâu. Tôi đã làm quen với ông chủ trọ mới và xem nhà ông rồi. Tôi đã được xem cả cái phòng dành riêng cho tôi. Lần này không còn là cuộc hẹn hò do kẻ khác sắp đặt nữa. Tôi quen biết các nhân vật và biết rõ việc mình làm. Ông già Amos Batson, mà tôi sẽ đến ở trọ, trông coi một cửa tiệm tạp hoá và luôn cả bưu trạm của thung lũng. Nhà ông ở cách trường tôi tám cây số và mỗi ngày tôi phải đi về mười sáu cây. Nhưng trọ ở đây, tôi đứng biệt lập với hai phe kình địch ở Lonesome. Vả lại, tới nay, tôi đã trừng trị cả Guy và Vaida là con hai ông chủ gia đình thuộc hai phái nói trên, như vậy không phe nào bị thiệt thòi.

Người của hai phe đã có dịp nhận thức được sự vô tư của tôi. Tôi tới đây để dạy học, chỉ có thế thôi, và tôi nhất quyết chỉ rời khỏi nơi này sau khi mãn niên học. Tôi không để người ta tống khứ tôi đi và tôi cần phải hoàn thành nhiệm vụ. Xa lánh hai phe ấy, tôi cho rằng công việc của tôi sẽ dễ dàng hơn. Nếu tiếp tục ở lại trong làng, tôi bắt buộc phải ăn cơm trọ tại nhà thuộc phe bên này hay phái kia. Sự trung lập không thể có được. Chị tôi đã cho tôi hay trước và tôi nhận thấy chị ấy nói đúng. Rút tỉa cái kinh nghiệm mới mẻ của tôi, tôi nghĩ rằng một giáo chức phải đứng bên trên những tranh chấp nhỏ mọn và thành kiến của dân địa phương.

Ngôi nhà gỗ của già Amos sơn màu trắng. Nhà có tầng lầu, gồm tất cả mười hai phòng mà chỉ có ba người ở : Già Amos và vợ là bà Effie ở từng trệt, riêng tôi muốn mấy phòng ở tầng trên cũng được. Trên này có sáu phòng rộng rãi, phòng nào cũng có giường với nệm lông, cửa sổ nào cũng có mành mành. Nhà không có phòng tắm, nhưng nước máy được đưa vào tới bên dưới. Tóm lại, đó là ngôi nhà có tiện nghi nhất vùng này trong quận Greenwood . Tôi trách mình sao không tìm ra nhà này sớm hơn. Các cửa sổ đều đóng mở dễ dàng ; phòng của tôi mát mẻ, không phải nằm ngủ trần truồng trên chăn nệm và đập muỗi suốt đêm nữa. Nhà cửa đã rộng rãi và tiện nghi, cơm nước còn tuyệt vời hơn nữa. Người ta cho tôi ăn những cái bánh mì nhỏ nóng hổi với thịt răm bông xông khói hồ đào luôn ba năm. Thêm vào đó là mật ong rừng, thứ thượng hạng mà tôi chưa được ăn bao giờ. Thật là một nhà trọ lý tưởng.

Tôi dọn tới đây hơn một tuần rồi, một buổi mai, ông Bill Strickland, người lao công giúp việc già Amos không tới vắt sữa bảy con bò cái. Không thèm báo trước, ông ta đã theo Bill Coffee tới làm tại xưởng máy Auckland . Già Amos không biết nhờ ai vắt sữa bò cho ông nữa. Ông là tay chơi vĩ cầm giỏi, nhưng không biết vắt sữa. Còn bà cụ Effie thì nói rằng, không phải sau năm mươi năm chung sống với ông mà bây giờ bà phải làm công việc ấy. Muốn giúp hai ông bà già thoát khỏi tình trạng bế tắc này, tôi tình nguyện đi lừa bò về chuồng và vắt sữa giúp.

Già Amos biết rằng tôi phải tranh thủ thời gian mới kịp tới trường học đúng giờ. Ông vội chạy ra tàu ngựa, thắng yên cương con ngựa tơ to lớn Sundance. Tôi nhảy tót lên yên và giục ngựa đi theo con đường mòn ngoằn ngoèo lên đỉnh núi. Đồng cỏ khi thì dốc đứng, khi thoai thoải trải rộng cả mấy chục mẫu. Trong những chỗ trũng và khe sâu, nhiều lùm cây cao lớn sừng sững vươn lên. Gộp chung quanh đây có hơn một trăm sáu mươi mẫu đồng cỏ, nằm bên trên thung lũng. Tôi nhìn thấy những khúc uốn quanh của con sông nhỏ mé dưới, xa xa, như tấm lụa bạch. Êm đềm, nó lượn quanh các trang trại và tưới nhuần cánh đồng mầu mỡ trồng đầy những bắp, mía và thuốc. sương mai bốc lên thành từng mảng không đều trên thung lũng xanh um. Những màn sương ấy bay lên cao dần, thay hình đổi dạng, thật kỳ quái và huy hoàng. Tôi gò cương dừng lại một lát để ngắm cảnh đẹp huyền hoặc ấy. Nhưng con ngựa Sundance như nôn nóng muốn đi tìm bầy bò, nó thở phì phì, lấy móng chân cào đất và nhai hàm thiếc rồn rột.

Con ngựa khoẻ mạnh và tinh khôn ấy biết rõ hơn tôi nên đi tới đâu và làm cách gì để tìm ra bầy gia súc. Nó biết người ta muốn nó làm gì và đây không phải là lần đầu nó làm việc ấy. Tôi buông lỏng dây cương cho nó muốn đi đâu thì đi. Bầy bò cái, nhác thấy Sundance, liền tự động đi về chuồng. Duy có con bò trắng không chịu theo chân con ngựa. Khi sáu con kia thủng thẳng xuống núi, không đoái hoài gì đến nó, nó be ầm lên rất buồn bã rồi cắm cổ phóng theo. Tôi không ngờ rằng một con ngựa tơ lại có thể đuổi cả bầy bò về nhà như vậy. Tôi không mất nhiều thì giờ để vắt sữa bảy con bò. Tôi để cái thùng lớn dưới vú bò và dùng cả hai bàn tay để vắt sữa hết sức nhanh. Kế đó, tôi lọc sữa, lấy chất “kem” để riêng cho bà Effie bỏ vào bình và gửi đi do chuyến tàu tàu vét. Nhưng làm xong bấy nhiêu việc thì tôi không còn đủ thời giờ để tới trường nữa. Chắc chắn là tôi sẽ tới trễ và chỉ tới trễ một lần thôi cũng đủ cho người ta dị nghị rồi, vì tôi đã tự ý tìm nơi trọ xa trường. Thấy vậy, già Amos đề nghị :

- Lấy ngựa mà đi. Khi vào lớp, thày gửi nó vào chuồng ngựa của Charlie Abraham là được rồi.

Tôi đã làm đúng như ông nói. Từ ngày tôi tự ý giúp ông vắt sữa và lọc kem, già Amos như quên việc tìm người thay thế cho Bill Strickland. Tôi thì cũng mến con ngựa Sundance. Buổi mai, tôi thích ngồi trên lưng nó để leo núi. Không khí thật là trong lành. Những dây bìm bìm quấn quanh những cây bắp phô ra những đài hoa trắng, tím, xanh, hồng rực rỡ lẫn lộn với hoa bắp. Mùi hoa phảng phất trong không khí và những giọt sương đọng trên đó lấp lánh như hạt trai dưới ánh bình minh. Chiều đến, Sundance nôn nóng muốn sớm trở về nhà, nên tôi vừa lên yên là nó phi nước đại. Tôi phải hãm bớt tốc độ của nó bằng cách ghì chặt tay cương. Nó là ngựa tơ, đầy sinh lực nóng nảy, nên từ lớp học về nhà chẳng mất bao nhiêu thì giờ.


*


Đây là tháng thứ hai tôi hành nghề tại trường Lonesome. Tôi được cảm tình cả hai phái trong làng. Thế là tôi hành động đúng khi đi ở trọ nơi xa. Lúc nào tôi cũng chứng tỏ rất mực vô tư đối với học trò và chúng cũng hiểu cho tôi như vậy. Buổi tối, trở lại gia đình, chúng đã thuật lại cho cha mẹ chúng biết là tôi rất công bằng, đối xử với ai cũng vậy.

Ông John Conway không hờn giận tôi nữa và Vaida cũng hầu như quên việc tôi đánh đập. Nó không nhai thuốc nữa, kể từ khi tôi đưa cho ba nó xem một đoạn trong cuốn luật lệ học đường của xứ Kentucky . Tôi đã được tất cả phụ huynh học sinh trong làng biết tiếng rồi, khó có ai tìm được cách làm hại tôi. Tôi thường viết bài đăng trên báo địa phương nên càng được nhiều người biết tên. Tôi cũng có những lúc sai lầm nhưng không nghiêm trọng, như vụ lên chơi Lonesome Thượng ban đêm. Họ hiểu rằng tôi cũng là thằng người như những người khác. Tôi đã gắng công cố sức giúp ích con em họ. Tuy nhiên không phải chỉ có thế mà thôi.

Nhờ toán pháp, từ tháng hai này, chúng tôi đã giải quyết được một số công việc cho đồng bào trong làng. Ông Burt đã nói với tất cả mọi người về vụ tôi đã tính được đúng số than chở trên xe ông. Có người đến nhờ tôi tính dùm dung tích cái xe của mình, người nhờ tìm dung lượng của cái kho ngũ cốc, người thì kho than, người muốn đào hầm, kẻ đào giếng. Tôi không từ chối bao giờ. Nếu công việc không đòi hỏi nhiều thời gian, chúng tôi làm sau khi tan học, nếu không thì dời đến ngày thứ bảy. Lúc nào tôi cũng đem theo một số đệ tử tình nguyện, trai và gái. Don Conway thì lần nào cũng có mặt. Guy cũng biết rõ công dụng của các phép tính và bắt đầu say mê. Thằng bạn nối khố của nó , là Ova, chẳng mấy chốc cũng theo gương hắn.

Denver Lykins, một trong những học sinh cấp một, mới mười hai tuổi nhưng lớn con và giỏi tính nhẩm không kém tôi bao nhiêu, lần nào cũng xin đi theo. Từ nhỏ tới giờ, nó mới cắp sách đến trường được ba tháng, nó chưa biết viết chữ số, nhưng thấy nó ham học toán, tôi đặc biệt chú ý đến nó và cầm tay tập cho nó viết các chữ số từ 1 tới 10 trên bảng. Chúng tôi đã áp dụng toán pháp một cách thực tế nên nhiều người rất khoái.

Ông Tim Conley nhờ tôi tới tính dùm diện tích trang trại ông vào một ngày thứ bảy. Denver cầm sào để đo. Don ghi chép các kích thước. Guy và Ova cắm các mốc theo ranh các bờ rào để tính cho hết sức đúng. Theo con số chúng tôi tìm ra, cái trại nhỏ này rộng 19 mẫu 44. Hai tuần sau, ông Don Shackleford, nhà trắc địa của quận tới giám định lại, con số là 19 mẫu 48. Như vậy chúng tôi tính sai chỉ tí chút thôi.

Áp dụng những hiểu biết đơn giản ấy vào đời sống hàng ngày, học trò tôi đã nhận chân được giá trị của sự học hành. Don Conway say sưa học tập đến độ quyết định tạm dẹp việc cưới vợ, để tiếp tục học lên Trung học rồi Đại học. Nó có khát vọng mở mang trí tuệ thực tình. Sự nhiệt thành của Don đã lây sang cả những thằng bạn nó trước đây chỉ nghĩ đến việc đánh đuổi các giáo viên. Ở trong lớp, chính những tên ấy bây giờ lại học hành xuất sắc và có thái độ đàng hoàng hơn hết. Thay vì nuôi ý đồ đập phá tất cả những gì bắt gặp trên đường đời, chúng đã chấp nhận một thái độ xây dựng, có thể gọi là cộng tác. Chúng muốn tổ chức đời chúng cùng đời sống của tập thể trên những căn bản mới mẻ.


*


Ông Burt Eastham vẫn từ Lonesome Thượng đổ xuống miền xuôi với xe than. Ông khá kỳ cục trong khi chú ý đến công việc kẻ khác, nhất là bọn giáo viên chúng tôi. Ông đã gặp lại May Woods và khoe rằng trường tôi hay hơn trường cô ta và chính tôi cũng là một thày giáo giỏi hơn cô. Nhận xét ấy khiến cô tức giận. Cô bèn thách bọn tôi qua trường cô để tranh tài về toán pháp. Chúng tôi không mong gì hơn. Tới ngày ấn định, chúng tôi khởi hành lúc giữa trưa, đi bộ lên Lonesome Thượng.

Lần đầu tôi được hội kiến với một cô giáo đẹp như thế, đẹp hơn tất cả các cô tôi đã thấy. Hèn gì Bill Coffee chẳng mua cái xe to lớn kia vì nàng. rất có thể chàng sẽ chinh phục được nàng nhờ chiếc xe hơi ấy. Với mái tóc đen lay láy, với cặp mắt màu hạt dẻ ẩn dưới hàng mi đậm, đôi môi xinh đẹp và hàm răng nhỏ trắng phau, May Woods đẹp ôi là đẹp. Lớp học của cô sạch như lau như chùi, học trò của cô có vẻ rất kỷ luật. Thực là không có gì để chê trách được. Cô ta đã cho học trò ngồi cả một bên, dành bên kia cho học trò tôi, giữa là lối đi chính. Hai ghế dài lớn, thường dùng cho những học trò lên trả bài, được chuyển xuống cuối phòng cho quan khách. Không còn một chỗ trống, một số đông khán giả, lối trăm người, tới xem cuộc đấu trí này, phải đứng. Trong số này có ông Burt.

Trước hết cô Woods và tôi thoả thuận với nhau về vài điều lệ rất sơ sài. Sẽ có ba trọng tài : Ông Burt Eastham, cô và tôi. Chúng tôi cũng đồng ý là trò nào tính nhẩm ra con số đúng và nói lớn lên rồi thì không buộc phải đặt bài toán trên bảng nữa. Nhưng trò nào được gọi lên đấu với trò còn đứng trên bảng có quyền đòi hỏi bên kia phải làm các phép tính nó thích, bất kể nó là cộng, nhân, trừ, phân số thập phân hay phân số thường, hoặc chia với ước số chung lớn nhất hoặc bội số chung nhỏ nhất.

Chúng tôi khởi đầu bằng học sinh cấp một. Chọn xong ứng viên cho mỗi bên, chúng tôi gọi chúng lên bảng cho mọi người thấy mặt. Mấy trò này đều làm nhanh và đúng như nhau. Khi học trò tôi đã thử tài hết rồi, học trò của May còn lại non nửa vì sĩ số của cô gấp hai của tôi. Thế là học trò tôi mỗi đứa phải đương đầu với hai học trò cô Woods để cho cân bằng. Tôi liền gọi Denver Lykins lên. Một mình hắn, hắn thanh toán hết mớ học sinh còn lại của cô Woods. Trong phòng có người la lên : “Trò ấy lớn rồi”. Tôi phải đưa sổ học sinh cho cô Woods xem. Nhưng không may cho Denver , một nữ sinh đối lập đòi hắn phải làm tính cộng với bốn con số. Denver chỉ tính nhẩm được ba con số thôi. Con bé kia ở không xa nhà Denver bao nhiêu, biết được ưu điểm và khuyết điểm của nó. Vì Denver không đặt bài toán lên bảng được nên bị loại. Sự thất bại ấy thúc đẩy hắn thêm hăng hái học hành.

Nếu Denver đương cự được với bảy học sinh của cô Woods, thì Guy cũng loại được năm và Ova loại được ba. Học trò của hai trường lần lượt loại nhau như vậy cho đến lúc học sinh cấp bốn trổ tài. Tôi gọi Don Conway lên, giơ sổ cho ban trọng tài xem để chứng minh hắn là học sinh của lớp ấy. Don đã đánh bại tất cả mười học sinh của lớp bốn và thêm sáu học sinh lớp năm của cô Woods. Don vui sướng bao nhiêu thì chúng tôi cũng hãnh diện bấy nhiêu, vì đa số địch thủ của hắn nước tuổi cũng tương đương.

Về các lớp cao hơn, học trò cô Woods nhiều gấp ba học trò tôi. Nhưng tôi có một nữ sinh giỏi toán phân số ghê hồn, đó là Margaret Prater. Nó là học sinh giỏi nhất trường. Tôi giữ nó làm tên quân trừ bị cho đến phút chót. Cuộc tranh tài tiếp tục giữa tiếng hò cổ võ của hai phe, mỗi khi phe mình có người thắng. Ở cuối phòng, đa số khán giả là người Lonesome Thượng, đều vỗ tay hoan nghênh các đối thủ của chúng tôi.

Đương đầu với bảy học sinh lớp trên của cô woods, tôi chỉ có một mình Margaret. Không biết con nhỏ sẽ đối phó ra sao ? Nó có mất bình tĩnh chăng ? Nếu thế thì dễ tính sai lắm. Cô Woods gọi một trong những học trò giỏi nhất của cô lên đấu, hy vọng loại ngay được Margaret, hầu chấm dứt cuộc thi tài kéo dài hai giờ rồi. Đối diện với một nữ sinh xuất sắc đã loại bốn người bạn mình, Margaret xin làm toán phân số thường. Margaret thắng vì trò kia đặt dấu phẩy không đúng chỗ.

Cô Woods đưa ngay một học sinh xuất sắc khác lên. Trò này chọn môn toán cộng, hắn làm xong trước, nhưng làm trật ; Margaret lại thắng. Trò thứ ba chọn toán trừ, hắn tìm ra đáp số sau Margaret có một giây. Trò thứ tư đòi làm toán chia ngắn, Margaret làm xong đã thử lại xem đúng hay sai thì hắn ta hồi hộp quá viết không ra chữ nữa. Đối thủ thứ năm tiến lên đầy tự tín. Muốn tìm nhược điểm của Margaret, y buộc phải làm toán chia với nhiều con số. Margaret vẫn thắng chưa đầy nửa giây. Nữ sinh thứ sáu lên dự thi còn tự tin hơn nữa, để cho Margaret chọn lấy phép tính. Margaret đề nghị làm toán nhân phân số thường và đã tìm ra đáp số khi bên kia mới khởi sự làm. Bên kia chỉ còn một người học trò gái cao lớn khác thường và còn nhiều tuổi hơn cô Woods nữa kia. Cô ta chọn phân số thập phân. Margaret nhìn cô ta chăm bẩm và đợi cô ta ra đề. Cô ra đề nhanh quá nên lầm số 7 với số 3. Cô làm toán cũng rất lẹ làng và đúng, nhưng vẫn thua Margaret một tích tắc. Chúng tôi gần như toàn thắng trong cuộc thi này, bây giờ phải lo về cho gấp. tất cả chúng tôi đều có việc riêng chờ đợi ở nhà.


*


Khắp nơi trong thung lũng này đều nói tới trận tranh tài về toán pháp giữa hai trường. Phần lớn là do công của ông Burt mà chúng tôi được nổi danh. Nhớ rõ tên họ các trò dự cuộc và thành tích mỗi trò, ông sẵn sàng thuật lại tỉ mỉ cuộc đấu trí cho những ai muốn nghe. Thắng lợi ấy gây nên tinh thần thi đua trong trường tôi. Tuy khoá học không còn bao lâu nữa, chúng tôi cũng tổ chức một đội dã cầu. Một trò chơi lành mạnh thích thú với những buổi tập hết mình, đó là những điều cần thiết cho thày trò chúng tôi.

Tuần chót của tháng tám, học trò của tôi lại thi tài với trường Chicken Creek, thắng thêm một trận. Tuần đầu tháng chín lại đấu với học sinh trường Unknown và thắng luôn keo nữa. Bây giờ chỉ còn thi đua với trường lớn nhất vùng này là trường Valley. Ngày đó, khán giả tới đông quá, nhiều người phải đứng bên ngoài nhìn vào qua các khung cửa sổ. Thiên hạ chưa hết ngạc nhiên về sự toàn thắng của trường tôi. Thế là lần này tôi chưa dùng đến nữ sinh giỏi nhất trường là Margaret. Phần riêng Guy Hawkins kỳ này một mình hắn đã loại một hơi mười lăm đối thủ. Đây cũng là một cách đánh lộn rất mới của y. Ai đã biết tiếng tăm của hắn trước đây thảy đều kinh ngạc. Guy cũng cho rằng tranh đấu kiểu này thích thú hơn ẩu đả nhiều. Chúng tôi lại tổ chức những cuộc thi viết chính tả với các trường trên. Chúng tôi thua hai trận và được hai. Các trường kia cũng lập đội dã cầu và đội trường tôi đã đấu với họ. Trong chín trận, chúng tôi chỉ thua hai. Denver , Don, Guy và Ova đều là những cầu thủ hạng nhất của chúng tôi.

Khi lãnh được tiền của chi phiếu thứ hai, tôi trả tiền trọ thì vợ chồng ông Amos nhất định không chịu lấy quá 12 đô la, vì tôi đã giúp việc vắt sữa cho ông bà. Vậy là nhờ việc đó, tôi giảm thiểu chi tiêu được hơn một nửa, và lương tháng của tôi còn dư chẵn chòi 56 đô la. Ngoài lợi điểm ấy, tôi lại ít phải tiêu pha phụ phí vì được nơi ăn ở tốt. Ngoài ra, tôi còn được sử dụng một con ngựa vừa đẹp vừa tinh khôn vô cùng. Tôi có thể cưỡi Sundance bất cứ khi nào và đưa nó tới bất cứ đâu tùy ý muốn.

Một chiều thứ sáu tôi đã dùng nó để đi hơn năm mươi cây số về thăm nhà và chiều chủ nhật lại trở về nhiệm sở.


*


Rất ít khi, gần như không bao giờ, học trò tôi tự ý nghỉ học. Khi đứa nào đó nghỉ là vì nó bịnh, hoặc phải giúp cha mẹ trong công việc gặt hái, đôi khi cũng vì thiếu áo quần hay sách học. Tháng chín, thuốc là đã bắt đầu ngả vàng, đa số học trò tôi phải ở nhà để hái thuốc và đem về nhà. Tháng chín người ta cũng đốn mía nữa : phải nhổ lên, tước hết lá ra, chặt ngọn rồi chở đến lò để ép lấy nước nấu thành mật. Muốn mật mía giữ được hương thơm và màu vàng tươi của nó thì phải thu hoạch mía trước mùa giá lạnh. Dịp này người ta cũng lo thu hoạch bắp và khoai tây. Đối với đồng bào trong thung lũng, sống chật vật nhờ những mảnh đất khó khăn này, tháng chín quả là một tháng rất nặng nhọc.

Sĩ số trường tôi giảm sút một cách khủng khiếp ; được cái không có ông ủy viên nào được cử vào chân giám thị nên không ai điều tra về lý do của những sự khiếm diện ấy. Một học sinh vắng mặt, không cần, một học sinh trở lại lớp, càng tốt. Đây là vùng đất tự do, vùng đất của lao động. Tuy vậy, chúng tôi đã làm cho ngôi trường có sức hấp dẫn khiến học trò ưa tới đó. Chúng đã giúp tôi làm đẹp nhà trường, biến nhà trường thành nhà riêng của chúng, coi nó như xưởng thủ công, như ổ ong của chúng vậy. Đấy là nơi vui nhộn nhất trong làng, nơi duy nhất chúng có thể tới để hội họp, và phần đông chúng nó cũng chỉ biết có mái trường này mà thôi. Việc học của chúng không tiến xa hơn nữa. Chúng đã được hưởng những ngày tháng đẹp nhất trong đời. Sau đó, những em ở lại đây chỉ biết có việc làm, lúc nào cũng là những công việc bất di bất dịch ấy, và ngày lại ngày cứ kế tiếp nhau trong buồn tẻ. Rồi chúng sẽ lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, rồi nhắm mắt xuôi tay để đi vào lòng đất của làng Lonesome.

Tôi liên tưởng tới những điều ấy, trong khi làm hết sức mình để in vào trí óc các trò tôi tối đa các kiến thức có lợi ích. Tôi dạy những điều vệ sinh thường thức và nhiều điều khác không có liên hệ gì với những bài học in trong những cuốn sách giáo khoa mà chúng tôi bắt buộc phải dùng. Những cuốn sách ấy được soạn “theo chương trình” và đã được vị nào đó trong Viện Hàn Lâm chọn lựa, một vị chưa từng đi dạy hoặc có thì giờ cũng quên hết cái kinh nghiệm quá xa xôi rồi. Khi cho học trò làm luận văn, chẳng bao giờ tôi theo sách để ra đề. Tôi yêu cầu chúng viết về những cái nhìn thấy quanh mình : tả người, tả cảnh, nói về những điều chúng biết rõ về những sự việc xảy ra trong vùng.

Sang tháng mười, sĩ số của tôi lại lên cao gần như cũ. Để chứng minh học trò ưa thích lớp học như thế nào, tôi chỉ cần nói là nhiều đứa đi học với hai bàn chân không, thiếu cả áo quần, tuy mặt đất đã phủ đầy sương giá. Nguồn lợi chính của các chủ trại là thuốc lá lại chưa bán được, phải gần lễ Giáng sinh mới tới mùa bán thuốc. Nhiều lần tôi nhìn thấy những dấu máu đỏ trên giá trắng do những bàn chân bé nhỏ để lại. Tuy không có giày dép, các em vẫn đi học, nên bàn chân bị nứt nẻ ra như vậy. Tiếc rằng tôi không thể mua giày cho các em ; địa vị tôi, lương tiền tôi, thảy đều không cho phép.

Tuy nhiên, tôi không ngần ngại làm việc ấy để giúp đỡ một trò trai và trò gái nhỏ mà người cha đang bị lao tù vì nấu rượu lậu với bắp. Không ai hay việc ấy. Bà vợ ông ta sắp đến ngày sanh, phải phấn đấu hết mình mới đủ cung ứng cho gia đình. Suốt đời tôi tôi đã thấy quanh tôi nhiều trường hợp như vậy. Khi thấy những dấu máu của hai đứa con ông ta trên đường đi tới trường, tim tôi như thắt lại. Để bênh vực chúng, tôi còn muốn đánh lộn dữ dằn hơn bất cứ lúc nào, kể cả lần ẩu đả với Guy Hawkins.


*


Tháng chạp sắp hết. Chúng tôi dựng một cây Giáng Sinh , và học trò trao đổi với nhau các thứ đồ chơi, bằng cách bốc thăm đựng trong cái nón. Chúng tôi tổ chức một ngày hội nhỏ. Tôi mua thêm kẹo, táo cam và chuối. Chúng tôi chỉ nghỉ có ngày hôm ấy. Học trò tôi đâu biết tới những ngày nghỉ lễ Giáng Sinh. Đối với chúng, lúc này là lúc chúng nó có thể đi học được vì không phải là mùa cày bừa, gặt hái. Thời gian này là để học hỏi. Thời hạn khai trường sáu tháng sẽ chấm dứt trước mùa xuân, vì còn phải đốt cho hết những gốc cây thuốc và chuẩn bị đất đai cho các vụ trồng trọt sắp tới.

Qua tháng giêng, số học sinh lên tới sáu mươi, tuy rằng chưa bao giờ tuyết rơi nhiều như thế. Gió lạnh như cắt da, thời tiết thật là tệ hại. Nhưng chỉ còn một tháng, trường sẽ đóng cửa. Và đối với học trò tôi, thời gian đi quá mau. Sắp sửa không còn bài học nữa, hết cả trò chơi, hết cả nghỉ ngơi, hết cả niềm vui sinh hoạt bên nhau. Niên học tốt đẹp của chúng tôi, sự đồng lõa nhiệt thành của chúng tôi sẽ chấm dứt vào ngày 4 tháng hai. Bây giờ là lúc phải lo việc thăng cấp cho học sinh. Guy Hawkins là người đạt được thành tích xuất sắc nhất : từ cấp một nhảy lên cấp năm, kế đó là Ova Salyers nhảy lên cấp bốn. Don Conway nhảy lên cấp bảy. Không có trò nào không được lên cấp. sáu học sinh cấp tám đã học xong chương trình sơ cấp, chẳng bao giờ chúng trở lại học đường nữa ; quãng đời đẹp nhất của mấy em ấy sắp lui vào dĩ vãng.

Ngày cuối cùng của niên khoá, chúng tôi tổ chức một lễ bế giảng và mời phụ huynh học sinh tới dự. Trường học chật ních những người. Mở đầu, có nhiều học trò lên đọc sách. Rồi Guy Hawkins và Don Conway cùng nhau tranh tài về toán pháp. Lúc ra về tôi bắt tay từng trò một và tất cả phụ huynh hiện diện. Tôi cảm ơn các vị ấy đã cộng tác và tín nhiệm tôi và gởi tới trường những em bé ngoan ngoãn như vậy. Tôi cho các vị ấy biết, tôi cũng sắp sửa đi học lại và niềm vui chân thành của tôi được dạy dỗ con em họ. Họ đã cười ngả nghiêng khi tôi nói rằng, trong sáu tháng qua, tôi đã học hỏi được nhiều hơn ba năm ở trường Trung học và chắc chắn từ nay tôi sẽ là người học trò giỏi giang hơn trước. Sự thực đúng như vậy.

Tới một giờ trưa, tôi lên yên lần chót. Học trò nhìn theo tôi cho tới khi khuất bóng sau khúc quẹo, vừa hét to chào tạm biệt, vừa vẫy tay rối rít. Nhiều lần tôi quay đầu lại đáp lễ chúng. mặt đất đầy giá, nhưng tôi thả lỏng cương cho Sundance chạy miết. Lần chót tôi ngắm nhìn phong cảnh quen thuộc quanh đây, nơi tôi đã sống sáu tháng trời hết sức thú vị. Ba khắc sau, tôi về đến nhà trọ. Tôi cho Sundance vào tàu và vuốt ve sống mũi nó. Hành lý của tôi đã sẵn sàng, tôi tới chào tạm biệt hai ông bà Amos. Ông cười bảo tôi :

- Thay cho câu tiễn biệt, tôi dạo bản đàn ngắn để cậu nhớ mãi đến chúng tôi.

Ông với cây vĩ cầm và đàn bài “Vũ khúc của bầy gà mái” (Chicken Reel) và bà già Effie nhảy theo hoà điệu.

- Này Stuart ơi, cậu có biết vợ chồng tôi rất ước ao được nhận cậu làm con nuôi không ? Chúng tôi muốn có mười hai đứa con, nhưng chỉ có mười một. Giá mà cậu lại là đứa con thứ mười hai…
________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN THỨ HAI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét