Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

CHƯƠNG 5, 6_BÊN HÀNG GIẬU

5

Gần ba ngày trôi qua tôi miệt mài vùi đầu vào công việc đánh máy. Chú Sỹ sang nhà thăm tôi, đôi khi chú ngồi đọc dùm tôi những đoạn trong bản thảo. Chú vẫn không xao động gì đối với niềm hứng khởi của tôi. Quá lắm, chú chỉ bảo “hay lắm”… để trả lời cho câu hỏi “chuyện này có làm cho chú thích không ?”, thế thôi.

Tôi nhìn vào bản thảo, nói với chú Sỹ :

- Sắp xong rồi chú. Đến đoạn viên phi công Luận và cô Hà yêu nhau rồi.

Chú chêm vào :

- Sao cô không nghĩ đến những cây nấm ở Phi Châu ?

Nữa, lại cũng cái giọng sặc mùi vườn tược. Tôi khẽ nhún vai :

- Chuyện ấy có quan trọng đâu ? Những bông hoa là những bông hoa – nhưng bông hoa không phải là cây nấm. Uyên sẽ để cả những câu thơ vào đây nữa… Chú không thích thơ phải không ?

- Chắc chắn rồi.

Tôi vênh mặt, muốn tỏ cho chú Sỹ biết là chú “quê” lắm trong lãnh vực văn chương.

- Chú nên nhớ đây là một câu chuyện tình thật lâm ly. Tại sao chú cứ để ý đến những tiểu tiết như vậy ? Những cây nấm của chú nhỏ nhặt không đáng gì cả ! !...

Cuộc cãi vã giữa tôi và chú Sỹ, kể như đã tạm yên. Tôi chấm dứt những giòng chữ cuối cùng trên máy chữ một cách đầy hân hoan. Và cũng như lần viết bản thảo, tôi lựa những mẫu tự lớn nhất để đánh máy bốn mẫu tự thành chữ Ý YÊN.

Bây giờ là đợt cố gắng thứ nhì : Tôi phải lựa riêng năm bản và lấy vài chương trong mỗi bản để gửi đi các nhà xuất bản và cho bà Mai Văn. Để đủ kiên nhẫn, tôi đã tìm một cuốn bán nguyệt san và đọc lại một đoạn của mục “nghệ thuật”, trong đó giới thiệu sáng tác mới của một nhà văn tên tuổi :

“CHIỀU CHƯA XUỐNG” của nhà văn Mặc Uy vừa hoàn thành. Đây là tác phẩm thứ 80 của văn sĩ nổi danh và được mến chuộng nhất hiện nay. Nghe đâu Mặc Uy chưa có ý định viết tiếp cuốn sách mới nào. Ông muốn dành thì giời để nghỉ ngơi một thời gian.

Tôi mơ màng theo từng lời giới thiệu trên sách. “Mặc Uy”, tên tuổi đó tôi không lạ gì. Chàng là nhà văn quá lớn mà tôi không hề dám nghĩ rằng tôi sẽ quen. Dù sao bà Mai Văn cũng là một người đàn bà, dễ dàng hơn. Nếu một ngày nào đó, tôi cũng sẽ được người ta nói đến như đã nói đến Mặc Uy. Có thể lắm chứ, tại sao không ? Tôi đang bước lên nấc thang thứ nhất mà…

*

- Uyên, con có thư này !

Vú già đang đứng nhìn tôi, ánh mắt bà chăm chú, đầy khoan dung và thương yêu. Vú hiểu tôi đang làm gì. Tôi đã nói với vú nhiều về công việc làm của tôi. Vú khác hẳn ba tôi ở điểm chỉ lo ngại cho sức khỏe của tôi, chứ không mảy may lo rằng tôi sẽ không thành công ! Vú dư biết tôi đang chuẩn bị xuất bản cuốn tiểu thuyết, mà tôi là tác giả !

Tôi hỏi vú :

- Thư ai thế vú ?

Vú già lắc đầu :

- Từ Huế gởi vào ! Của bà Mai Văn nào đó.

Tôi sửng người đi rồi tôi reo lên vì nỗi vui mừng đột ngột. Thật ư ? Bà Mai Văn gởi thư cho tôi ? Có nghĩa là bà không hề quên tôi ? Có nghĩa là những chương truyện của tôi đã đến tay bà ? ? Bàn tay tôi run rẩy, xé vội phong bì. Những giòng chữ lướt nhanh qua mắt tôi :

Em thân mến,

Tôi đã nhận được tác phẩm mà em là tác giả. Tôi cám ơn em hết lòng, đã dành cho tôi sự mến thương mà nhờ nó tôi sẽ trẻ lại. Với sự cảm động, tôi đã đọc bản văn của em. Tương lai đang mở ra trước mặt em, huy hoàng vô cùng…

Sau này, em sẽ đọc lại tác phẩm của em và em sẽ rơi lệ vì sung sướng… Tôi chúc em thành công thật nhiều và sẽ nắm trong tay những gì em muốn.

Thân ái. 
Mai Văn 

Ngàn ánh sáng nhảy múa trước mặt tôi. Tôi dụi mắt đọc kỹ một lần nữa. Sự thật đây ư ? Ồ ! Niềm sung sướng khiến tôi muốn bật khóc.

Vú già vẫn còn đứng chờ đợi. Tôi nhảy ra khỏi ghế, bá cổ vú già la lên : “Vú ơi ! Bà Mai Văn trả lời cho con rồi. Lá thư đó, bà ta bảo con sẽ thành công ! Bà ta đã đọc truyện của con. Vú ơi, con vui lắm !”

Vú già mỉm cười dịu hiền, hôn lên trán tôi. Tôi rời vú chạy nhanh ra vườn. Còn một người nữa cần biết tin vui này : Đó là chú Sỹ. Phải cho chú biết mới được…

- Chú Sỹ đấy phải không ?

Người bạn trung thành của tôi đã đứng đó tự bao giờ, như chờ đợi tôi. Hôm nay chú Sỹ đội trên đầu chiếc nón rơm rộng vành.

Trời mưa lất phất.

Tôi đưa bức thư cho chú :

- Uyên sung sướng quá chú Sỹ ơi, bà Mai Văn gửi thư cho Uyên nè… Bà ta đã đọc quyển tiểu thuyết phi thường của Uyên rồi. Bà ta bảo rằng Uyên có đủ khả năng để trở thành một nữ văn sĩ ! Để Uyên đọc thư chú nghe nhé.

Tôi đọc thư, thật nhanh với nỗi sung sướng tràn ngập trong tâm hồn. Tôi đọc mà không cần biết người đối diện có nghe không. Tôi đọc đến quên cả mưa.

Tôi thấy chú Sỹ tựa người vào hàng rào. Ánh mắt chú nhìn tôi đăm đăm, ánh mắt khiến tôi phải mất một giây mới tự chủ được để nhìn trả lại chú. Những hạt mưa rơi trên tờ giấy mỏng, tôi cảm thấy xót xa kêu lên :

- Nước mưa làm ướt thư Uyên hết rồi !

Người làm vườn không nói, lẳng lặng lấy khăn trong túi áo đưa cho tôi. Tôi cầm lấy và lau nhẹ lên tờ giấy. Niềm vui của tôi bộc phát, trẻ thơ vô cùng. Tôi nhảy chân sáo vào nhà mà không nhìn thấy ánh mắt lạ lùng của người đàn ông.

Tôi đã quyết định sẽ phải đi Sàigòn thêm chuyến nữa. Tôi xin phép ba tôi, người sung sướng khi thấy tôi vui vẻ. Tôi nói quyết định đó cho chú Sỹ biết. Chú có vẻ buồn rầu :

- Cô đi lâu không ?

- Có thể vài tuần, cũng không chừng Uyên sẽ về sớm. Mong sẽ gặp lại chú.

Tôi trở về Sàigòn kỳ này với bao nhiêu sự sung sướng trong tâm hồn. Tôi miên man tưởng đến lúc tôi được nổi danh và bao nhiêu nỗi nhọc mệt quá nhiều trong thời gian qua. Nhưng ăn nhằm gì, tôi cố gắng để được trở thành một nhà văn tăm tiếng và khi đó thì tôi cũng sẽ có thư ký như bà Mai Văn, để lo những công việc thay tôi.

Về đến Sàigòn, tôi ghé nhà dì Tân thay đồ xong là đi tìm ngay đến nhà xuất bản gần nhất ở đường Võ Tánh. Tôi lên hai tầng lầu, vừa mệt lẫn bỡ ngỡ. Tôi hỏi một người ăn mặc lôi thôi vừa đi xuống :

- Ông cho tôi hỏi ông Ngọc.

- Cô tìm ông ta có chuyện gì ?

- Tôi muốn hỏi ông ta có bằng lòng xuất bản cuốn tiểu thuyết của tôi không ?

Ông ta nhìn tôi từ đầu đến chân như để đánh giá, sau cùng ông ta nói :

- Cô ngồi chờ một lát, tôi đi tìm ông ấy xem sao.

Tôi ngồi xuống ghế, hồi hộp chờ. Một phút trôi qua thật chậm chạp khiến tôi bực tức, nhưng tôi cố dằn. Tôi nhỏm người mấy lượt để trấn áp nỗi lo lắng.

Người đàn ông trạc tuổi chú Sỹ xuất hiện trước mặt tôi. Ông ta đến gần tôi, nghiêng đầu kiểu cách :

- Chào cô… cô gì nhỉ ?

Tôi nói nhanh :

- Ý-Yên, tác giả của truyện “Cái vạc của con quỷ”

Ông ta gật gù như chợt nhớ ra :

- À… à đúng rồi, tôi nhớ thoang thoáng. Sao nào cô bé ? Cô gặp tôi có chuyện gì không ?

Ông ta đưa mắt nhìn tôi, tiếp ngay :

- Thật hân hạnh khi tôi được quen cô. Cô xinh xắn quá.

Tôi đỏ mặt trước lời khen của người đàn ông, nhưng không quên ý định của mình :

- Thưa ông, tôi đã gởi cho ông mấy chương truyện và tôi đang chờ ông trả lời.

Người đàn ông gãi đầu, cười :

- Thật khó nói, cô Yên à. Tôi… tôi rất muốn giúp cô, nhưng…

- Nhưng ông đã không làm ? !

- Không phải thế. Thật ra thì… chưa thể được.

Nỗi tuyệt vọng giáng xuống tầm mắt, nhưng tôi không biết gì hơn là nhận lại bản thảo trong tay ông Ngọc và bước ra khỏi phòng.

Tuy nhiên tôi vẫn chưa hết hy vọng. Tôi đã gởi cả thảy bốn bản đi cơ mà, còn những nơi khác. Biết đâu họ lại không đón nhận tôi như một sự khám phá mới đầy khuyến khích ? Sự can đảm còn lại giúp tôi tiếp tục.

Tôi đến nhà xuất bản thứ hai và ngồi đợi. Sự chờ đợi thật cần thiết cho tôi trong lúc này. Tôi nửa muốn gặp người ta, nửa ngần ngại. Tôi sợ sẽ thất vọng nếu lại một lần nữa, người ta trả lời tôi như ông Ngọc.

- Chào cô Ý-Yên. Tôi rất sung sướng được biết cô !

Lại vẫn lối nói của ông Ngọc. Tôi hồi hộp, hơi run giọng :

- Ông có thể cho biết số phận những chương tiểu thuyết của tôi ra sao ?

Ông ta xoa xoa hai bàn tay chuối mắn vào nhau :

- Vâng, chúng tôi đã đọc qua những chương đó. Và chúng tôi rất mong gặp cô để nói lên sự khó khăn của việc xuất bản. Bây giờ, chỉ có những nhà văn đã nổi tiếng, chúng tôi mới mua sách. Chúng tôi xin lỗi đã phải nói với cô điều đó. Nhưng đó là sự thật. Tuần trước, chúng tôi đã thương lượng một cuốn sách của nhà văn Mặc Uy.

Tôi muốn hét lên :

- Mặc Uy ! Lúc nào cũng Mặc Uy. Sao lắm người thích ông ta thế ? Ông ta cũng như tôi chứ có hơn gì ! !

*

Tôi trở mình sau một giấc ngủ dài. Giấc ngủ làm tôi cảm thấy sảng khoái hẳn đi. Tôi chợt nghĩ đến chú Sỹ… Phải chi có chú Sỹ ở đây, tôi sẽ nói cho chú biết tất cả những việc đã xảy ra… nhưng chú đang ở xa tôi, xa quá…

Sài gòn quá nóng, ngủ dậy là tôi muốn tắm ngay. Tôi thực hành điều đó. Nước phun từ trên cao xuống thân thể tôi mát rượi. Tôi nghe cảm giác dễ chịu len vào từng thớ thịt.

Ăn điểm tâm xong, tôi nghĩ đến việc tiếp tục đi đến những nhà xuất bản, nhà xuất bản thứ ba với chút hy vọng còn sót lại.

Ngôi nhà có vẻ như là một cái xưởng chất chứa thật nhiều báo hàng ngày và hàng tuần. Một người đàn ông vừa bước ra, gật đầu chào tôi :

- Mời cô ngồi. Tôi có thể giúp cô điều gì được ?

- Thưa ông, tôi đã gởi cho ông một bản tiểu thuyết “Cái vạc của con quỷ”.

Người đàn ông nhíu mày như cố nhớ. Rồi ông ta mở ngăn kéo lớn, lục lạo một lúc rồi lôi ra xấp giấy đánh máy.

- Phải nó đây không cô ? Ông ta nói : tôi rất tiếc không thể nhận nó được !

Tôi run giọng :

- Tại sao ?...

Người đàn ông ngắt lời :

- Chỉ là một câu chuyện ái tình lăng nhăng, không đủ sức làm độc giả say mê.

Tôi muốn ứa nước mắt. Trời ơi ! Cong trình tôi xây dựng trong bao nhiêu ngày bằng tất cả những ý nghĩ sâu xa nhất, những xúc động nồng nàn nhất và sự cố gắng vô song đã bị người ta coi rẻ như thế sao ? Tôi bậm môi, dằn bước hơi mạnh trên những bậc tam cấp.

Bây giờ tôi có một quyết định mới. Tôi sẽ đưa “Cái vạc của con quỷ” cho một nhà xuất bản lớn, may ra họ sẽ khoan dung hơn, họ sẽ không để ý đến những khuyết điểm nhỏ để nâng đỡ một cây bút trẻ.

Tôi đến nhà xuất bản đó. Gặp ông chủ, tôi đưa quyển sách.

- Thưa ông, tôi có một quyển tiểu thuyết !

- Một quyển tiểu thuyết ?

Ông ta cầm lấy cuốn sách, đọc qua cái tựa, gật gù :

- Tên cô đẹp quá, nhưng đây có phải là lần đầu tiên cô viết không ?

Tôi rụt rè thú nhận :

- Thưa ông, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi. Câu chuyện ở trung tâm Phi Châu…

- Ồ, trung tâm Phi Châu ? Sao cô chọn một khung cảnh xa vời mà vĩ đại thế ?

Ông ta mở trang giữa đọc thoáng qua vài hàng rồi ngước nhìn tôi :

- Cô biết Phi Châu chứ ?

- Ơ… Cũng như tất cả mọi người, tôi biết qua hình ảnh trên sách vở, phim ảnh hay báo chí thôi.

- Cô đã sai lầm khi viết rằng “nàng đi trong một khu vườn và hái một trái thơm ở dưới gốc cây, để làm món tráng miệng cho bữa ăn tối… Cô không biết rằng, quả thơm mọc ở trên cây chứ làm gì có chuyện mọc dưới đất ?

Tôi đỏ bừng mặt, ấp úng :

- Tôi… tôi sẽ sửa lại. Tôi tin rằng đó là một cuốn tiểu thuyết hay mà nữ sĩ Mai Văn đã khen ngợi.

Ông hơi tỏ vẻ ngạc nhiên :

- Cô quen bà Mai Văn à ?

Rồi ông ta khẽ nhún vai :

- Nhưng đó không phải là chuyện quan trọng ! Quen với một văn sĩ không phải là một yếu tố để trở thành văn sĩ !

- Thưa, ông có thể nhận…

- Cô cho tôi một thời gian đã nhé. Phải một thời gian tôi mới có thể trả lời được.

Tôi nài nỉ :

- Ông thông cảm, vì là lần đầu tiên viết truyện nên tôi không thể tránh khỏi những sơ xuất. Nhưng tôi hy vọng ở những cuốn truyện khác…

Ông ta ngắt ngang :

- Ở đây mọi việc đều được sắp đặt và định đoạt theo nguyên tắc. Một cuốn truyện dở sẽ làm mất uy tín…

Dường như chợt nhận ra câu nói quá tàn nhẫn, người đàn ông dừng lại. Tôi dơm dớm nước mắt, cầm tập bản thảo đi ra, không nói thêm tiếng nào.



6

Chú Sỹ dán mắt vào những thân cây nhỏ trong khi tôi ngồi tựa hàng rào. Tôi đang kể cho chú nghe tất cả những chuyện trong chuyến đi Sàigòn. Gương mặt chú đượm một vẻ hững hờ, một chút trìu mến. Nhưng vẻ hững hờ khiến tôi bực tức :

- Chú Sỹ, chú không thèm nghe Uyên nói…

- Đâu có. Chú đang nghe rất kỹ đây.

- Nhưng chú ngồi xa Uyên quá. Uyên không muốn hét lên cho mọi người nghe.

Chú Sỹ chiều ý, ngồi xích lại gần tôi :

- Nào, cô bé nói đi. Một chuyện bí mật phải không ?

- Không… nhưng Uyên muốn nói là Uyên đã có một ý định khác.

- Về việc gì ?

Tôi nhăn mặt :

- Sao chú mau quên quá vậy ? Chuyện có chút xíu mà chú không nhớ.

- Thật tình… Uyên thử nhắc lại tôi nghe.

Tôi vùng vằng :

- Thôi, chú quên thì thôi.

Thấy tôi giận dỗi, chú Sỹ có vẻ ân hận :

- Uyên đừng giận tôi. Có phải về cuốn truyện đó không ?

Tôi cúi đầu lặng yên không đáp. Sự thờ ơ của chú Sỹ làm tôi buồn hơn bất cứ sự thờ ơ nào của những gười khác. Chú là người duy nhất mà tôi nghĩ rằng sẵn sàng nghe tôi. Nhưng chú đã không nhớ gì những câu chuyện mà đối với tôi vô cùng quan trọng. Không bao giờ tôi thấy chú Sỹ tỏ ra chú ý đến một chuyện gì. Chú vẫn dửng dưng như thế. Nhưng bây giờ, điều đó khiến tôi cảm thấy tủi thân.

Tiếng chú Sỹ dỗ dành :

- Đừng giận tôi nữa Uyên. Câu chuyện của Uyên tôi đã biết hết rồi. Câu chuyện thật hay, phải vậy không ? Và Uyên đã giao nó cho nhà sách để người ta in.

- Còn hơn thế nữa chú Sỹ à. Nếu chú biết Uyên đã vui như thế nào, khi nhà in đem bản thảo lên máy. Hồi hộp quá chú ạ, ông chủ nhà in là bạn với ba Uyên. Ông ta dễ thương lắm…

*

Suốt những ngày in “Cái vạc của con quỷ”, tôi túc trực luôn ở nhà in. Tôi nhìn say mê người thợ sắp chữ từng trang nhỏ, và tôi đứng dựa bên cô “Cò”, để xem cô ta sửa từng morasse. Chính tác phẩm của tôi, đã được in lên thành sách, thật là kỳ diệu.

Ông chủ nhà in bảo tôi :

- Cháu phải có một cái bìa, một bức tranh chẳng hạn, như thế mới hợp thời trang.

Tôi cảm thấy bối rối. Quả thật tôi đã không nghĩ đến điều đó. Trong đám bạn bè tôi, cũng có đứa học ngành họa, tôi nhờ chúng nó cũng được. Nhưng như thế tôi phải nói rõ tôi là một nữ văn sĩ hay sao ? Không được, phải để đến khi nào tự dưng tôi nổi tiếng cho chúng nó phục.

Sau cùng tôi đề nghị với ông chủ nhà in, nên tìm những mẫu tự đẹp nhất để làm cái tựa cho quyển sách là được rồi.

Cuối cùng, nỗi sốt ruột của tôi cũng được kết thúc. Những cuốn sách đã được in xong. Tôi có 50 bản đặc biệt để tặng bằng hữu, trên loại giấy trắng mịn đẹp vô cùng. Tôi ôm những quyển sách trong tay như ôm một kho tàng. Thật lạ lùng khi những giòng chữ của mình được in thành sách. Như một phép nhiệm mầu mà tôi không thể nào tưởng được, là có ngày mình trở thành một nữ văn sĩ như bây giờ. Chắc chắn ba tôi sẽ sung sướng lắm. Chắc chắn chú Sỹ sẽ ngạc nhiên lắm. Niềm sung sướng khiến tôi muốn nhảy lên, reo lên, hát lên. Tôi nhìn ông chủ nhà in và thấy ông ta thật dễ thương. Tôi thấy chung quanh mình chỉ toàn một màu hồng, thứ màu hồng của bình minh vô cùng rực rỡ.

Việc đầu tiên của tôi là khoe với ba tôi tác phẩm đầu tay của mình.

- Ba coi, con gái ba đã trở thành một nữ văn sĩ. Thế nào ba cũng để thì giờ xem hết cuốn sách nghe ba !

Ba tôi vuốt tóc tôi âu yếm :

- Lẽ dĩ nhiên, ba sẽ đọc chứ, con gái cưng của ba.

- Ba xem này, ngay trên đầu bìa sách là tên của con…

Phải rồi, tên tôi nằm chễm chệ ngay trên đầu bìa sách. Rồi nó sẽ được tung bán, tên tôi sẽ có ở mọi nhà sách, mọi sạp báo. Tôi nghĩ đến lúc người ta sẽ tìm mua tác phẩm của tôi. “Cái vạc của con quỷ” sẽ gây những tiếng vang lớn, và những món tiền mang đến do “Cái vạc của con quỷ”. Đó là giấc mộng ngày xưa của tôi, nhưng bây giờ không còn là giấc mộng nữa. Nó đã là một sự thật mà tôi không ngờ.

Suốt buổi sáng, tôi ngồi thu mình trong ghế bành để đọc lại tác phẩm của mình. Tôi không thể ngờ mình có thể viết hay đến thế. Đọc trên bản in có một ý nghĩa nào đó làm khác trong bản thảo rất nhiều. Tôi tự mỉm cười, kiêu hãnh với chính mình vì những câu đối thoại bay bướm mà tôi đã nghĩ ra. Tôi hình dung đến sự thán phục của bè bạn, nhất là những đứa học lớp với tôi. Chắc chắn chúng nó không thể ngờ là trong số bạn bè của mình lại có thể có người trở thành nữ văn sĩ ? Chắc chắn điều đó chỉ là tưởng tượng của những đứa con gái còn trong ngưỡng cửa học đường. Tôi đã từng nghe tụi nó thán phục những văn sĩ đương thời mà tôi phát thèm. Có đứa lại còn bày đặt viết thư làm quen, xin chữ ký tùm lum nữa. Biết đâu mai này tôi lại không như thế ? Không trở thành một nữ văn sĩ danh tiếng ? Và trong số độc giả viết thư về, biết đâu lại không có một đứa bạn tôi ?

Tôi cố suy nghĩ để tìm danh sách những người mà mình sẽ tặng sách. Dĩ nhiên là nhiều. Chỉ mỗi bè bạn của tôi, những ông giáo sư của tôi, cũng đã khá nhiều. Họ hàng bên nội, bên ngoại. Nhất định là tôi phải làm cho ba tôi hãnh diện đã có đứa con gái là một nữ tiểu thuyết gia.

Những viễn ảnh huy hoàng khiến tôi náo nức. Tôi cảm thấy tâm hồn lâng lâng. Tôi chợt nghĩ đến chú Sỹ và tôi rời ghế chạy vội ra vườn.

Tôi thấy chú Sỹ đang chăm chú tỉa một cây hoa hồng nhung tuyệt đẹp. Những chiếc lá hơi úa rơi xuống mặt đất. Chú mải miết làm không biết đến sự hiện diện của tôi. Đợi một lát, tôi nóng lòng lên tiếng :

- Chú Sỹ !

Người đàn ông ngước lên :

- A ! Cô Uyên. Sao ? Công việc đến đâu rồi ?

- Chú ham làm vườn quá à !

- Cũng như cô ham viết văn vậy thôi.

Tôi cảm thấy sung sướng vì nhận xét của chú Sỹ. Ít ra thì chú cũng phải hiểu rằng, tôi là con người của văn chương chứ ? Chú hỏi tôi :

- Cuốn sách, tôi tin rằng nó đã gần hoàn thành phải không cô Uyên ?

Thật ra “Cái vạc của con quỷ” đang nằm trong bàn tay giấu sau lưng tôi. Tôi muốn dành cho chú một sự ngạc nhiên mà. Tôi nói :

- Hơn thế nữa, nó đã xong !

- Thế à ? Tuyệt ! Chắc cô hài lòng ?

- Khỏi nói chú ạ ! Bản in sạch sẽ, sáng đẹp không thể tưởng. Chữ lớn, đều. Có điều lạ là khi nó được lên sách, Uyên đọc thấy hay hơn trong bản thảo.

Chú Sỹ gật gù :

- Dĩ nhiên rồi. Bao giờ in rồi nó cũng hay hơn. Có khi mình đọc đến những đoạn mà chính mình không ngờ có thể viết hay như thế.

Tôi nhìn chú Sỹ, ngạc nhiên vì nhận xét tinh tế đó. Quả thật chú nói đúng không sai một ly ông cụ nào cả. Đã có khi tôi tự thán phục mình về những điều mình đã nghĩ được và viết ra. Vậy mà chú Sỹ biết điều đó ? Chú biết điều đó nhưng chú chả biết viết bao giờ, không thích cả đọc thơ nữa. Tóm lại là chú “chê” văn chương. Với chú, chỉ có mảnh vườn và những bông hoa là đáng kể.

Đây là lần đầu tiên chú Sỹ có một nhận xét về môi trường của tôi. Những lần trước chú chỉ cười một cách lơ đễnh khi tôi kể say mê. Bây giờ thì không thế. Bây giờ chú Sỹ hẳn đã nhận thấy rằng văn chương là một cái gì đẹp và cần cho đời sống như hơi thở. Vì văn chương phản ảnh trung thực nhất con người của mình. Tôi là một nữ văn sĩ, tôi ở trong lãnh vực văn chương, chú Sỹ lại là bạn tôi, ít ra thì cũng phải có ảnh hưởng phần nào chứ.

Tôi đưa cuốn sách ra trước mặt chú Sỹ :

- Uyên tặng chú. Đã có sẵn chữ ký.

Bàn tay chú Sỹ đón vội lấy cuốn sách, tôi thấy mắt chú sáng lên :

- Tốt quá. Cô nhớ cho tôi nữa à ?

- Chú nói kỳ. Chú là bạn Uyên mà. Có điều Uyên hơi buồn là chú không mấy ham thích văn chương. Chú phải biết là văn chương nắm một phần cuộc sống của mình.

Chú Sỹ hơi mỉm cười :

- Uyên thử nói rõ hơn ?

- Thí dụ ý nghĩ là phần tinh thần cho cuộc sống. Mà khi mình hiểu biết về văn chương, có khiếu về văn chương, mình sẽ có thể dễ dàng diễn đạt ý nghĩ của mình hơn. Đó là chưa kể mình có thể mang tâm sự của chính mình lên sách báo, cho cả hàng vạn người đọc, thú lắm.

Nụ cười trên môi chú Sỹ đượm hờ nét hóm hỉnh :

- À, vậy ra “Cái vạc của con quỷ” cũng có một phần tâm sự của Uyên ?

Tôi lắc đầu :

- Đó là truyện mà Uyên lấy từ một cốt truyện ngoại quốc nên không thể lồng tâm sự mình vào đó nhiều được. Tuy nhiên, nhân vật Hà, con gái ông kỹ sư trong rừng rậm Phi Châu cũng có một vài cá tính giống Uyên.

- Như nhát gan ?

Chú Sỹ xen vào, đùa cợt. Tôi vẫn cố tạo vẻ mặt trầm tĩnh :

- Hầu hết con gái đều ít nhiều mang tính đó. Cô Hà giống Uyên vì cô ta yêu không tính toán.

Tôi thấy rõ sự ngạc nhiên trong mắt chú Sỹ. Chú hỏi gần như là vội vàng :

- Uyên… yêu không tính toán ?

Tôi chớp mắt. Thật ra tình yêu đối với tôi còn là một thế giới hoàn toàn kỳ bí mà tôi chưa hề bước vào để khám phá ra. Tôi biết chắc như hai với hai là bốn rằng, tình yêu là sự quyến luyến giữa người con trai và người con gái. Khi xa thì nhớ nhau, yêu thương rồi giận hờn… lẩm cẩm như thế. Đã có lần tôi làm “cố vấn” cho con nhỏ bạn về chuyện tình yêu, và tôi đã có nhiều sáng kiến khiến con bạn phục sát đất. Nhưng tôi lại chưa bao giờ yêu ai. Tôi trả lời chú Sỹ vẫn đang chờ đợi :

- Uyên chưa biết yêu. Nhưng Uyên nghĩ nếu yêu thì không nên tính toán. Vì đã tính toán thì sẽ không còn đẹp nữa. Cô Hà đã làm việc đó. Cô ta biết rõ tên phi công là người bất lương mà vẫn yêu.

Tôi chợt im lặng. Tôi thấy tôi đã nói quá nhiều với chú Sỹ về những điều riêng tư. Tôi nói lấp đi :

- Chú đọc đi rồi cho Uyên biết ý kiến nghe ?
_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 7, 8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét