Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

CHƯƠNG VI_TƯƠNG TƯ

VI


- Minh ! Đứng lên, xòe tay ra !

Cậu học trò lấm lét nhìn Thư Trúc như van lơn. Trúc hét :

- Tôi bảo đứng lên ! Tại sao em không học bài ?

- Thưa cô, em không có thì giờ, em…

- Láo ! Em không qua mặt được tôi đâu. Nào, ngửa tay ra, bây giờ thêm một tội nói dối nữa.

- Thưa cô đừng đánh em tội nghiệp. Em nói thật, cô không tin hỏi em Xương xem !

- Xương ! Minh làm gì mà không có thì giờ học bài ? Em phải nói thực, nếu không sẽ mang tội đồng lõa.

- Thưa cô, anh Minh phải làm việc giúp mẹ, mãi đến 10 giờ rưỡi tối mới được nghỉ.

- Có thật không đấy ? Hay là hai anh em toa rập nhau đánh lừa tôi ?

- Em nói thật, cô không tin cứ hỏi mẹ xem !

Trúc lắc đầu, nàng không thể hiểu nổi tâm trạng của những bậc làm cha mẹ sao mà mâu thuẫn thế ? Tại sao họ không để cho con cái có thì giờ học bài ở nhà thay vì bỏ một khoản tiền mượn người dạy kèm ? Trông nét mặt chất phác của hai cậu học trò không đến nỗi nói dối.

- Tại sao em phải làm việc giúp mẹ hở Minh ? Và em bắt đầu làm như thế từ bao giờ ?

- Thưa cô… em mới phải làm từ tuần lễ nay thôi, vì… vì…

Trúc khoa tay ra hiệu Minh im lặng và hỏi Xương :

- Vì sao mà Minh ấm ứ thế, Xương ?

- Dạ thưa cô vì… vì mẹ bảo vì chúng em không chăm học, phải mướn thầy dạy kèm, nên mẹ bảo anh Minh làm để có tiền trả tiền dạy học cho cô.

- Thế em làm gì để giúp mẹ em, Minh ?

- Thưa cô em phụ mẹ dán hộp giấy và nhãn hiệu cho hiệu buôn.

- Thế còn cha em ?

- Thưa cha em cũng thế.

- Tại sao ?

- Thưa cô tại sao… thế nào ạ ?

- Tôi muốn hỏi tại sao cha em không đi ra ngoài làm việc mà lại ở nhà dán hộp giấy ?

- Dạ thưa tại… tại cha em sợ bị bắt đi lính !

Đây là câu giải đáp thiết thực nhất mà Trúc chưa hề nghĩ tới từ khi bắt đầu dạy kèm cho hai anh em Minh và Xương. Sự việc giản dị có thế mà Trúc không thể thấu triệt để phải hỏi gặng thằng bé hai tiếng tại sao. Có thể đây là bước đầu tiên Trúc đi vào và đối diện với sự sống, một sự sống tách rời gia đình và học đường. Lẽ đương nhiên đó là một cuộc sống có tính cách hòa mình với xã hội. Đối với Trúc, bây giờ xã hội chính là ngưỡng cửa của một đại học đường. Ở đó Trúc bắt đầu học được những sự thật và chân cuộc sống.

Trúc không thể ngờ rằng nàng có thể thông cảm và hòa mình với chân cuộc sống một cách rất thuận hồ tự nhiên như thế. Nàng thong thả quay sang nói với Minh :

- Em về nói với mẹ : Hãy để em có thời giờ học bài vào buổi tối. Về khoản tiền học phí, cô không thu đâu !

Minh ngần ngại :

- Nhưng sao cô không thu cơ ?

- Đừng hỏi chi cả, cứ thưa lại với mẹ như thế !

Trúc xếp tập lại và đưa hai anh em Minh ra cửa. Một món tiền dành cho việc ủy lạo viện dưỡng lão cũng được Trúc đưa đi theo gót chân hai cậu học trò nghèo.

*

- Thưa cô, có phải cô là cô Trúc không ?

Trúc ngắm cậu bé khoảng 13, 14 tuổi một thoáng và hỏi :

- Em có việc chi ?

- Dạ thưa, chú Bình của cháu nhờ cô thưa lại với giáo sư cho chú nghỉ học thêm một tuần nữa. Chú ấy còn bệnh, chưa khỏi hẳn.

Trúc định hỏi cậu bé về bệnh tình của Bình, nhưng biết rằng sẽ chẳng hỏi được gì thêm ngoài câu “chú của em bệnh ra sao ?” nên Trúc im lặng gật đầu. Cậu bé quay lưng đi rồi, Trúc vẫn đứng lặng ở ngưỡng cửa. Thế là thêm một tuần lễ nữa không thể gặp mặt Bình. Một tuần lễ trôi qua rồi biết Bình có thể khỏi bệnh để trở lại học không ?

Chưa bao giờ Trúc thấy chán nản như bây giờ. Thời giờ trôi qua một cách lặng lẽ và vô vị. Trúc đóng cửa và đi lên gác. Nàng lơ đãng đọc lại hai bức thư của Khâm và Diễm Minh vừa gửi tới ban sáng. Diễm Minh đã tìm được một việc làm ở một tu viện. Trúc có linh cảm rằng Diễm Minh sẽ trở thành tu nữ sau một thời gian, vì đó là lý tưởng và ý chí của nàng. Có lẽ Diễm Minh không bao giờ biết đau khổ, vì tâm hồn nàng quá bao la, trong khi đau khổ chỉ là một ngõ hẹp tầm thường mà Trúc đang dần dà dấn thân vào đó.

Khâm dạo này trở lại viết thư cho Trúc thật đều như khi xưa. Anh sắp tốt nghiệp Đại học và đang nghĩ đến kế hoạch sang Việt Nam . Được tin này đáng lẽ Trúc phải mừng lắm mới đúng, nhưng sự thật đã trái hẳn đi. Trúc đang hoang mang vô cùng. Trúc biết tình cảm của nàng đối với Khâm đã mờ nhạt tự bao giờ, chỉ vì Bình. Nhưng Bình đối với nàng rất vu vơ, cơ hồ rất tha thiết nhưng cũng rất lãnh đạm. Trúc hồi tưởng lần đi ủy lạo Viện Mồ Côi ở Biên Hòa vừa qua, bọn Mộ Dung cắt nàng ở lại trông xe với Bình. Cả hai ngồi đối diện nhau gần tiếng đồng hồ, Bình chỉ ngồi thừ người ra không nói một lời. Đối với thái độ im lặng của Bình, Trúc chỉ nghe chua xót. Nàng không làm sao hiểu được Bình, con người anh lạ lùng đến kỳ quặc. Trúc ngồi chán, bảo Bình ở lại trông xe để nàng đi tìm bọn Mộ Dung thì Bình cũng xuống xe đi theo nàng. Trúc quay lại hỏi : “Sao ông không ở lại trông xe ?” Bình đáp :

- Đi với cô cho có bạn.

- Nhỡ mất xe thì sao ?

- Thì thôi !

Trúc đứng dừng lại, Bình cũng dừng lại theo. Hai người đứng yên cúi đầu nhìn xuống đất. Cuối cùng, Trúc đi trở ra xe. Bình hỏi :

- Sao cô đi trở lại, không thích có tôi cùng đi hay sao ?

- Tôi chỉ sợ mất xe ông ạ !

Bình im lặng đi theo Trúc ra xe. Anh lấy trong thùng đồ hộp ra một lon nước ngọt khui đổ ra một cái ly giấy đưa cho Trúc. Anh uống phần còn lại trong hộp. Trúc nhìn Bình làm việc với một nỗi ngây ngất trong lòng. Nàng có cảm tưởng cả hai là một đôi tình nhân. Ở Bình, có cái gì làm cho Trúc có cảm tưởng cách xa anh trăm ngàn dặm, nhưng luôn luôn làm Trúc say sưa trong cảm giác xa cách ấy ! Bình uống đồ hộp một cách vụng về làm nước ngọt bắn tung tóe lên áo khiến Trúc bật cười. Anh cũng cười theo. Rốt cuộc, cả hai cười dòn tan như hai kẻ loạn trí dưới ánh nắng dìu dịu của buổi sáng. Trúc không còn thấy gì khác ngoài nụ cười của Bình, những chiếc răng trắng đều đặn luôn luôn lôi cuốn nàng đến gần như đam mê.

Trúc lắc đầu nguầy nguậy cố gắng xua đuổi sự ám ảnh của Bình, nhất là nụ cười của anh. Trúc lấy giấy viết thư ra định trả lời Khâm, song đầu óc nàng chẳng có lấy một câu, một chữ, ngoại trừ những nụ cười. Cuối cùng, nàng đành gác bỏ việc viết thư và đi tìm chị em Mộ Dung.

Vừa bước chân đến cửa đã nghe tiếng của Niệm Từ :

- A ha, chị Trúc đến vừa đúng lúc ! Cho chị xem cái này.

Trúc tiếp tấm thiếp Noel từ tay của Niệm Từ. Trên mặt thiếp vẽ một bức họa cổ Trung Hoa, cảnh một thiên kim tiểu thư đứng trên tầng lầu cao bên trong một dãy tường kín cổng, và ngoài tường có một thư sinh đang thơ thẩn ngóng nhìn. Loại thiếp này Trúc thường thấy bày bán ở các hiệu sách. Trúc đưa trả lại cho Niệm Từ và nói một cách lơ đãng :

- Có chi lạ đâu ?

Niệm Từ ngúng nguẩy :

- Cái chị này, lạ mới đưa chị xem chứ ! Lật bên trong ra mà xem.

Trúc chú ý lật bên trong ra thấy có đề mấy hàng chữ :

Thùy thuyết đương thời tương phùng ngộ
Doanh đắc thê mê
Tuệ nguyệt thành si
Tố dĩ thu phong tổng bất tri !

Tạm dịch :

Thuở mới gặp nàng ai bảo đã trái ngang
Chỉ chuốc lấy đam mê
Trí tuệ tuyệt vời của nàng khiến ta trở thành si dại
Than thở với gió thu mà gió thu đâu hiểu nỗi lòng ta !

- Úi chà !

Trúc bật kêu lên khi đọc xong bài từ trên, và quay sang hỏi Mộ Dung :

- Con nhà ai thế ?

- Ai mà biết !

- Quái, cậu mà không biết thì còn ai biết !

Mộ Dung nhún vai lắc đầu và trao cho Trúc một bức thư. Trúc mở thư ra xem thấy cùng một nét chữ trong thiếp :

Mộ Dung,

Xin Mộ Dung tha lỗi cho sự đường đột vì đã gọi Mộ Dung bằng tên. Nếu Mộ Dung biết rằng chúng ta là bạn học đồng lớp có lẽ Mộ Dung sẽ không trách tôi về điểm nhỏ nhặt ấy. Tôi là đứa con trai ngồi hàng ghế thứ sáu, bên dãy bàn phía tay phải, dáng cao, gầy, mang kính cận. Nếu Mộ Dung cho tôi được hân hạnh kết bạn, thì xin Dung gửi thư hồi âm theo địa chỉ ngoài phong bì, tạm đề tên tôi là Mr. M. David

Kính bút, 
M. David 

Trúc đọc xong bức thư, trầm ngâm giây lát :

- Thế cậu có nhớ ra ở hàng ghế thứ sáu có một gã nào như vậy không ?

- Làm thế nào nhớ được mà nhớ, mình ngồi ở hàng ghế thứ hai, chả nhẽ cứ quay đầu ra đằng sau mà nhìn mãi ?

- Vả lại, trước đâu biết được có một mục tiêu như thế để mà nhìn, nhỉ ?

Niệm Từ chêm. Trúc nói :

- Kỳ sau bắt đầu “nhìn” là vừa !

- Ai mà làm kỳ cục thế, hắn biết được tưởng là mình chú ý hắn thì nguy.

Trúc nhìn Mộ Dung :

- Thế ra cậu không chú ý hắn à ?

- Ai đã biết hắn đâu mà chú ý với không chú ý ?

- Về sau cơ ! Ít ra cậu cũng vì bận tâm đến bài Từ và bức thư mà lưu ý tìm hiểu về hắn ?

- Chả !

- Thật thế ?

- Sao lại không ?

- Tại sao ?

- Vớ vẩn !

Trúc thở dài. Tội nghiệp anh chàng ! Trúc lẩm bẩm đọc lại hai câu cuối trong bài Từ của gã : “Tuệ nguyệt thành si, Tố dĩ thu phong tổng bất tri”. Ôi, một thi sĩ đa tình đầy khí chất của Lý Hậu Chủ. Bất giác, Trúc nghe bùi ngùi trong dạ vì nhận ra hai câu trên tương phản ít nhiều tâm trạng của nàng. Mộ Dung vậy mà diễm phúc đáo để. Trúc lặng lẽ tự tay rót cho mình một ly nước và ngồi ngả người ra ghế vừa uống nước vừa trầm ngâm suy gẫm, với một mối thương cảm vô hình nào chợt đến với Trúc làm nàng cảm thấy bất lực hoàn toàn trước sự xâm phạm đột ngột của nó. Bây giờ Trúc đã nhận thức rằng nàng quả là một con người đa sầu đa cảm.

- Trúc ! Cậu làm sao thế ? Có việc gì không mà cậu đến vào giờ này ?

- Sao ? Tôi không thể đến thăm các cậu vào giờ này ư ? Mới có tám giờ rưỡi tối !

Mộ Dung hòa hoãn :

- Đồng ý là cậu có thể đến bất kỳ lúc nào, nhưng trước cậu không thế. Buổi tối mang xe đến nhà rước cậu chưa chắc cậu đã chịu đi. Cậu nói tôi nghe, cậu có tâm sự gì ?

Trúc lắc đầu buồn bã :

- Không ! Chả có chi cả.

Niệm Từ tinh ranh :

- Em biết chắc là có, nhất định có liên can đến bác tài xế xe…

- Niệm Từ !

Mộ Dung quát em :

- Nói năng cẩn thận một tí.

Niệm Từ thè lưỡi, im lặng. Mộ Dung chợt nhớ ra một điều gì :

- À, Thư Trúc này, có lẽ chúng mình nên tổ chức một bữa ăn họp bạn và mời ông Bình một bữa cơm, dù sao ông ấy cũng đã giúp mình trong chuyến đi Biên Hòa vừa rồi.

- Có thể, nhưng ông ấy đang ốm, tuần này vẫn chưa thể đến được.

Niệm Từ gật gù nói :

- Thảo nào !

- Thảo nào cái gì ? Cô coi chừng tôi đấy nhé !

Trúc bực dọc hỏi gằn, chưa bao giờ nàng có thái độ nghiêm khắc ấy trước những lời bông đùa của Niệm Từ.

Niệm Từ lắc đầu tặc lưỡi :

- Em trông chừng bệnh tương tư của chị có mòi trầm trọng quá mất.

Nếu được tương tư thì còn gì hơn. Trúc thấy rõ bệnh nàng bây giờ nghiêm trọng gấp đôi bệnh tương tư nữa kia. Trúc đang chiến đấu với chính con tim mình để giành lấy phần tự quyết. Trúc đang như một kẻ lạc lối đứng băn khoăn sầu muộn trước một ngã tư không người, chẳng biết phải rẽ vào hướng nào.

- Thư Trúc, cậu nghĩ chúng mình có cần đi thăm ông Bình không ?

Một tia sáng lóe nhanh trong óc Trúc : Ý kiến hay ! Chỉ có kẻ vô tư lự mới phát biểu được những ý kiến hợp thời nhất. Tuy nhiên, Trúc cũng không thể tán đồng ngay, vì như thế có vẻ làm sao ấy, rất khó nói. Trúc đành trả lời một cách ấm ứ :

- Tôi cũng chẳng hiểu mình có nên đi hay không ?

- Sao lại không ?

Niệm Từ ra vẻ ta đây :

- Đã là con người phải ăn ở cho có nghĩa. Người ta đã từng giúp mình, không quản khó nhọc, bỏ cả công ăn việc làm, từ Sàigòn lái chiếc xe lam chở năm sáu mạng người, lại còn thêm một bao gạo lên Biên Hòa. Bây giờ người ta ốm, thì dĩ nhiên mình “bắt buộc” (Niệm Từ gằn mạnh) phải có bổn phận đi thăm người ta, chứ ai lại “chẳng hiểu có nên đi hay không “ ?

Niệm Từ nói một thôi, đến câu chót cô nhại giọng của Trúc khiến Trúc cảm thấy ngường ngượng mặc dù đó chỉ là một câu nói ỡm ờ, nếu không muốn cho là giả vờ nói thế, chứ thật ra trong thâm tâm Trúc tán đồng đứt đuôi đi rồi ! Tuy ngượng nhưng nỗi vui mừng khiến Trúc mất đi cảm giác ấy rất nhanh, nàng khoát tay nói :

- Thôi thôi cô đừng có lý luận nữa, đi thì đi. Nhưng bao giờ đi đây chứ ?

- Này, này, chị không thích thì cứ không đi, chả ai bách bức chị cả, việc gì phải ồn ào lý luận với chẳng lý luận ?

Rồi Niệm Từ thở dài ra vẻ người lớn :

- Chỉ tội cho anh chàng, cứ ngỡ rằng người ta quan tâm đến mình lắm, ốm nằm nhà cứ sợ người ta lo phải cố gắng tìm kẻ hèn này nhờ trao lại cho bà chị bức thư chứ lị !

Trúc bật cười thành tiếng :

- Chu choa ! Rõ là một kịch sĩ tài hoa trong các ban hài kịch, diễn khéo ra phết Mộ Dung nhỉ ?

- Kịch khỉ thì có ! Mộ Dung nói.

- Em hỏi thật chị Trúc, chị có muốn đọc thư của ông Bình không ?

Niệm Từ hỏi.

- Không !

Trúc đáp gọn lỏn. Trúc nghĩ là Niệm Từ nói láo một trăm phần trăm, vì nàng quá hiểu Bình, làm gì có việc thư với từ trong khi ở trước mặt nàng anh không có một lời để nói. Vả lại, giữa anh và nàng hoàn toàn không có mối dây liên hệ nào để anh có thể viết thư cho nàng. Sở dĩ Niệm Từ nói thế có lẽ vì cô hiểu lầm Bình và nàng đã có tình ý chi đó nên trêu nàng chơi, Trúc còn lạ gì tính phá phách của Niệm Từ nữa. Niệm Từ không ngờ Trúc đáp một cách cứng rắn như thế nên nói :

- Không đọc thì thôi, người ta đi tắm cho nó mát, cho đỡ tức cái ngực. Đã đành việc thiên hạ chả can chi mà mình phải tức, chỉ tức hộ cho cái anh chàng…

Tiếng Niệm Từ mất hút dưới nhà bếp. Mộ Dung hỏi Trúc :

- Liệu con bé có nói thật không đấy, Thư Trúc ?

- Đến cậu mà cũng tin là hắn nói thật cơ à ?

- Ngộ nhỡ có thật thì sao ?

Trúc cúi đầu :

- Thế cậu bảo phải làm thế nào ?

- Soát cặp táp của hắn.

Trúc định nói “vớ vẩn” nhưng chẳng hiểu sao nói không ra lời, chỉ lẳng lặng đi theo Mộ Dung vào phòng ngủ của hai chị em tìm cặp táp của Niệm Từ. Mộ Dung xốc hết sách vở ra lật từng quyển kiếm tìm chẳng thấy có gì. Trúc đinh ninh trong bụng là sẽ chẳng tìm thấy chi cả. Tuy nhiên, nàng cứ để cho Mộ Dung moi móc kiếm tìm. Cuối cùng, Mộ Dung lôi ra từ trong cặp táp một mảnh giấy xếp làm tư vuông vức và nói :

- Đây rồi !

Tim Trúc đập đánh thót trong lồng ngực. “Vô lý !” Trúc nghĩ thế nhưng nàng cũng nghiêng đầu đến sát bên Mộ Dung chờ cô mở tờ giấy ra xem. Cuối cùng, cả hai cùng dán mắt lên hàng chữ nhỏ li ti :

“Nhìn xem,

Cái quần của cô rách một lỗ ở bên trái, chắc cho con gì cắn ?”

Mộ Dung và Trúc xem xong nhìn nhau ngớ ngẩn cả ra.

- Thế này là thế nào ?

Mộ Dung hỏi và cười như muốn mếu.

- Chả biết !

Trúc đáp và liếc mắt đọc trở lại một lần nữa. Chợt Trúc bật cười lên :

- Ha ha ha ! Ngốc ơi là ngốc ! Chúng mình ngốc đến thế là cùng ! Cậu xem, nét chữ này là của tiểu hầu tử nhà ta. Chắc hắn viết cho con bé người Việt ngồi kế bên hắn.

Mộ Dung cũng rũ ra cười :

- Đúng rồi, tiểu hầu tử nhà ta chơi thân với nàng này lắm. Nghe nói con bé này “hách” đáo để, mỗi khi nghe ai khen cô nào đẹp thì ả hỏi ngay “có đẹp bằng moa không ?”

Mộ Dung nói xong cười lên khanh khách, Trúc cũng ôm bụng cười theo.

- Cười cái gì mà cười dữ dzậy hai cái bà này ?

Trúc ngẩng lên thấy Niệm Từ đang chống nạnh hai tay đứng ở cửa phòng. Mộ Dung phất mảnh giấy trong tay nói :

- Nhìn xem !

Niệm Từ hốt hoảng định đưa tay giật mảnh giấy, nhưng Mộ Dung đã rút phắt tay lại và nói :

- Điều kiện !

Niệm Từ lồng lên :

- Điều kiện cái con khỉ nhà các bà ! Ai cho phép các bà lục soát cặp táp của người ta ? Có trả đây không người ta mách ba cho mà xem !

- Hì hì, chính ba ra lệnh cho tôi lục soát đấy ! Cô có giỏi thì cứ mách ba đi, hi hi !

- Hì hì, hi hi…

Niệm Từ bĩu môi nhại lại Mộ Dung và ngồi đánh phịch xuống ghế :

- Điều kiện gì, nói đi !

- Đánh đổi “tang vật” này với bức thư ông Bình. Mộ Dung nói.

- Nhưng…

- Lại nhưng, nhưng cái con khỉ nhà… hừ ! Cô không biết điều thì thôi tôi đem lên trình ba.

Mộ Dung nói xong gấp mảnh giấy cho vào túi. Niệm Từ dịu giọng :

- Thư ông Bình em không có, nhưng em nhặt sổ tay của ông ấy…

- Nhặt ở đâu ? Bao giờ ?

Trúc hỏi dồn. Niệm Từ đáp :

- Hôm mình đi Biên Hòa ấy ! Ông ấy đánh rơi lúc khuân gạo xuống xe.

Mộ Dung sa sầm nét mặt :

- Thế sao không trả ngay cho ông ấy ?

Niệm Từ im lặng. Mộ Dung gằn giọng :

- Thế mà còn lên mặt thầy đời, nào là người ta đối xử thế nào với mình, mình phải đối xử lại người ta ra sao, ra sao. Phét ! Toàn là đạo đức giả cả ! Bây giờ tôi mới biết, bộ mặt thật của cô là : người ta đối xử tốt với mình thì khi nhặt được cái gì của người ta mình phải đem giấu kín nó đi, để… khai thác… có đúng không ?

- Thôi Dung, Niệm còn nhỏ, chưa hiểu thế nào là nên hay không.

Trúc nói xong quay qua Niệm Từ :

- Lần sau đừng có như thế nữa, nghe không ?

Mộ Dung vẫn chưa nguôi giận nên nói :

- Sao mà tồi thế Niệm ?

Niệm Từ ngẩng phắt lên :

- Này, chị đừng có thừa thế bắt nạt người ta mãi. Em công nhận là em tò mò nên không trả ngay sổ tay lại cho ông Bình, nhưng khi xem trong ấy có nhiều việc thầm kín liên quan đến chị Trúc nên không dám trả lại ông ấy, sợ ông ấy… ngượng, chị hiểu chưa ? Tò mò không có nghĩa là tồi, yêu cầu chị đính chính !

- Ơ hay, cô dạy khôn tôi đấy à ?

- Thế là hòa.

Trúc nói :

- Bây giờ không ai hơn ai thiệt cả. Tôi đề nghị thế này, yêu cầu Niệm cho tôi xem sổ tay của ông Bình được không ? Vì có liên quan đến tôi nên tôi phải đọc, không thể cho là tò mò nhỉ ?

- Dĩ nhiên !

Niệm Từ đáp và đứng lên đi mở khóa ngăn kéo riêng của cô lấy cuốn sổ tay đưa cho Trúc. Trúc hồi hộp giở từng trang và chỉ đọc thoáng qua những trang ghi địa chỉ của các bạn Bình. Đến phần giữa của quyển sổ, Trúc phát giác tên nàng nằm ngang dọc, la liệt trên từng trang với nét bút viết chữ Trung Hoa chưa được vững lắm của Bình. Tiếp theo đó là những trang viết theo lối tạp ghi bằng chữ Việt. Trúc thoáng thấy có tên nàng trong đó nên tiếp tục đọc :

“Thư Trúc, tại sao tên nàng nghe lạ thế ? Tại sao tôi cứ nghĩ mãi về cái tên mà tôi không hiểu nó mang ý nghĩa gì, và tôi cũng không làm sao hiểu nổi cái con người mang tên Thư Trúc.”

Và một đoạn khác :

“Tôi nghĩ là tôi đã không còn tự chủ được nữa, và những mộng tưởng xa xưa của tôi bay vù đâu mất. Thư Trúc !! Nàng hoàn toàn không phải là người trong mộng tưởng của tôi ở những năm về trước. Nàng không có khuôn mặt trái soan và làn da trắng nõn nà dưới vành nón lá, trên người nàng không vận tà áo dài thướt tha của những phụ nữ Việt Nam . Thế mà nàng đã đi sâu vào trái tim tôi tự bao giờ, tôi không hề hay biết. “

“Thư Trúc, nàng không có một dung nhan kiều diễm, không có ánh mắt đa tình. Nàng rất tầm thường, thế mà nàng đã ám ảnh tôi trong từng bước đi, từng giấc ngủ.”

“Tôi không làm sao hiểu được nàng dù đã nhiều lần được trò chuyện với nàng. Con người nàng trang nghiêm đến gần như lạnh lùng, bình thản đến gần như u sầu, gần như có rất nhiều tâm sự. Có phải thế không ? Thư Trúc, Thư Trúc, Thư Trúc, Thư… “

Và đằng sau là những tờ giấy trắng. Trúc đọc xong những đoạn văn trên mà không hiểu mình đã có cảm giác gì. Vui, buồn, tủi, hận đều không có ý nghĩa gì đối với Trúc. Trúc chỉ nghe lòng hoang mang đến cực điểm. Lúc chưa biết được tình của Bình đối với nàng ra sao thì nàng chỉ nghe buồn da diết, bây giờ biết rồi thì lại hoang mang không biết phải làm sao. Nói rằng nàng yêu Bình thì Trúc tự cho rằng nàng không có cái quyền đó, nói rằng không yêu thì đau khổ cho nàng biết mấy !!

- Thế nào, Thư Trúc ? Người ta yêu cậu đấy ! Còn phần cậu ?

Mộ Dung hỏi. Trúc thong thả lắc đầu :

- Không giản dị thế đâu !

- Hai năm rõ mười thế còn gì nữa ? Mà tôi hỏi thật cậu nhé, thí dụ người ta yêu cậu thật đi, cậu có yêu lại người ta không ?

- Tôi không có quyền đó, cậu thừa hiểu mà !

- Ai cấm cản cậu ? Anh chàng Khâm ấy à ? Tôi luôn luôn phản đối cậu và bác Chi ở điểm này. Đời bây giờ nhân loại đã đi đến trình độ chinh phục mặt trăng. Cậu có đọc hồi ký của Tưởng Bích Vi mà cậu còn khư khư ôm giữ lấy cái thành kiến lỗi thời ấy. Cậu thấy đó, thời đại Tưởng Bích Vi cách thời đại chúng mình gần một thế kỷ…

- Mộ Dung ! Cậu đừng so sánh quái gở như vậy. Tôi không đa tài, đa tình như Tưởng Bích Vi, và Khâm cũng không lãng mạn, bội bạc như Từ Bi Hồng.

- Sao cậu biết ? Cậu có gặp mặt Khâm bao giờ chưa mà biết là hắn không lãng mạn, không bội bạc ?

Thư Trúc thở dài :

- Thôi, ta không bàn về đề tài này nữa. Xin hai cậu cho biết ý kiến bao giờ đi thăm ông Bình ?

- Dĩ nhiên là sáng chủ nhật !

Niệm Từ nói và quay sang Mộ Dung ngửa tay :

- Nào, trả lại đây cho người ta !

Mộ Dung trao trả mảnh giấy cho Niệm Từ nói :

- Này, nhớ chữa sai văn phạm câu chót, “bị con gì cắn” chứ không phải “cho con gì cắn” đâu đấy.

Niệm Từ vồ lấy mảnh giấy càu nhàu :

- Kỳ quá xá !
________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VII

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét