CHƯƠNG II
Sáng hôm đó, không hiểu sao tôi dậy thật sớm. Mẹ vừa nhóm lửa dưới bếp là tôi đã mò mò thức giấc. Tôi vươn vai thở một hơi dài khoan khoái. Mùi thơm thoang thoảng của mấy cụm vạn thọ mẹ trồng ở hiên nhà bên cạnh những bụi ngò gai và hành, toả mùi ngát mũi. Tôi xuống giường định đi rửa mặt, nhưng mẹ nghe tiếng tôi dậy, đã từ dưới sân sau chạy lên. Tay mẹ tôi còn cầm đôi đũa, mẹ la tôi :
- Con dậy làm chi mà sớm vậy ?
Tôi ấp úng :
- Con dậy… sửa soạn đi học.
Mẹ gắt :
- Đi học đâu giờ này. Ngủ lại đi, lát mẹ kêu.
Tôi xịu mặt xuống. Làm sao tôi ngủ được, tôi mong mỏi giờ phút này đã từ bao lâu nay. Như hiểu ý tôi, mẹ tôi doạ :
- Nếu con không nghe lời mẹ đi ngủ lại, thì mẹ sẽ không cho con đi học.
Tôi hốt hoảng leo vội trở lên giường. Mẹ tôi bỏ mùng lại cho tôi xong mới trở xuống bếp. Nằm trong mùng, tôi không ngủ được. Tôi thầm giận mẹ tiếc gì mà không cho tôi dậy sớm một chút, có mất mát gì đâu. Tôi không ngủ được nên sự nao nức trong lòng càng tăng lên mãi. Tôi chờ tiếng gà gáy lần đầu, chờ tiếng bà Tám gọi thằng Tất dậy để mà leo xuống giường. Nhưng sao hôm nay thời giờ trôi qua chậm thế. Rồi cũng đến lúc sáng. Mẹ tôi lên nhà, có lẽ mẹ tưởng tôi đang ngủ nên đến cạnh giường khe khẽ đập vào chân tôi :
- Thuận, Thuận. Dậy con, dậy sửa soạn đi học.
Chỉ chờ có thế, tôi nhảy phóc xuống giường ra nhà sau. Cầm cái gáo trong tay, tôi nhón chân soi mặt mình trong lu. Trời còn mờ mờ, nước lu trong vắt soi khuôn mặt của tôi với mái tóc hớt dựng cao trên đỉnh trán. Giá thường ngày thì tôi đã đứng lâu như thế mà ngắm bóng, nhưng hôm nay thì không được, hôm nay tôi phải vội vàng lắm. Tôi đưa gáo vào lu khua mạnh, vòng nước loãng ra thành những khoanh tròn khiến bóng tôi trong lu chao đi, méo mó. Tôi vốc nước ấp ấp vào mặt. Rửa mặt xong, tôi lên nhà. Mẹ tôi đã để sẵn bộ quần áo thẳng thớm trên đầu giường. Tôi thay quần áo, trong lúc mẹ tôi bới cho tôi chén xôi, vừa thu dọn đồ vào quang gánh.
Hai mẹ con tôi ra đi khi mặt trời bắt đầu lên ở phương Đông. Tôi nắm quang gánh của mẹ, vừa đi vừa suýt soa vì đôi guốc mới dưới chân. Trong lòng tôi nẩy sinh nhiều ý tưởng làm tôi nao nao. Tôi vừa mừng, mừng vì sắp sửa được đến trường, đến lâu đài thần tiên mà tôi đã vẽ ra trong trí não từ hôm mẹ tôi hứa cho đi học. Tôi lo là vì nghĩ một lát nữa, mình sẽ ngồi một mình giữa những đứa con nít không quen biết, hoàn toàn xa lạ. Và tôi còn nỗi không biết thầy giáo của tôi, người sẽ cầm chiếc đũa thần gõ vào đầu tôi có sẽ thương yêu tôi không. Nhưng tôi yên tâm khi nghĩ tiếp là tiên thì thường thương con nít như những chuyện thần thoại mà mẹ tôi vẫn thường kể. Thầy giáo há không phải là tiên sao ?
Suy nghĩ lan man mà đã bắt đầu đến quận, bến xe lôi hiện ra trước tiên. Mẹ tôi đưa tôi đến sạp chỗ mẹ vẫn ngồi bán hàng và bày hàng ra. Tôi ngạc nhiên hỏi mẹ :
- Ủa, mẹ không dẫn con đến trường sao ?
Mẹ tôi cười, dùng giá quấy chè vừa trả lời :
- Chưa đâu con. Con ngồi đây với mẹ tí nữa. Giờ này trường chưa mở cửa.
Tôi ngẩn ngơ ngồi bên mẹ. Trường mà cũng dậy muộn thế ư ? Tôi tưởng là chỉ có mình tôi dậy muộn thôi chứ. Tôi ngồi bên mẹ được một lúc khá lâu thì thấy bà Tám đến bày hàng bên mẹ. Thấy tôi, bà ngạc nhiên :
- Sao hôm nay thằng này ngồi đây mầy ?
Mẹ tôi tươi cười đáp lời bà :
- Hôm nay tui cho cháu đi học chị Tám.
Trong khi mẹ tôi trả lời, tôi nhìn chăm chăm vào mặt bà Tám chờ nơi bà câu nói thán phục sự việc đi học của tôi. Nhưng tôi ngạc nhiên và thất vọng khi nghe bà lẩm bẩm hai tiếng :
- Thế à !
Rồi quay qua bày hàng bán, như việc đó không có một chút quan trọng nào vậy. Mẹ tôi chăm chú múc chè, bới xôi bán cho những người qua lại cho đến khi mặt trời lên độ hơn sào thì mẹ tôi quay qua bà Tám nói :
- Chị Tám cho tui gửi hàng chút chị, dẫn thằng nhỏ tới trường.
Bà Tám gật đầu :
- Ừ, để đó !
Tôi hớn hở ôm cặp, cái cặp bằng da rẻ tiền mẹ tôi mua hôm qua mà đối với tôi như một báu vật. Trong đó là vần, là viết chì, là cả gia tài của tuổi thơ tôi. Mẹ dẫn tôi đến một ngôi nhà dãy chia làm mấy phòng, ở giữa có cây cột cao thật cao mà tôi phải ngước lên nhìn ngút mắt mới thấy, sau này tôi biết đó là cột cờ. Mẹ dẫn tôi đến và nói :
- Trường con đây rồi.
Tôi nhìn trường học, lâu đài trong óc tôi vẽ vời ra bây giờ xuất hiện dưới hình thức đơn sơ nhất. Trong này rồi sẽ có bà tiên và chiếc đũa thần đây. Bằng tất cả lo sợ và ngỡ ngàng tôi theo mẹ vào lớp. Một ông hơi đứng tuổi mặc chiếc áo sơ mi ngả mầu và quần đen tiến ra. Mẹ tôi cất nón trên đầu tôi cầm tay, lễ phép nói :
- Thưa ông giáo, tôi đưa cháu đến học.
Ông giáo à à lên mấy tiếng rồi nắm lấy tay tôi hỏi, giọng thân thiện :
- Con tên gì ?
Tôi lí nhí :
- Dạ… tên…
Mẹ tôi đỡ lời :
- Dạ cháu tên Thuận – Nguyễn Đình Thuận ạ !
Tôi ngước nhìn thầy. Thầy hiền lành và dễ thương quá. Thật thầy đúng như hình ảnh ông tiên, bà tiên trong tôi, trong thần thoại mẹ tôi vẫn thường xuyên kể và đã ở luôn trong tôi như một ám ảnh. Thầy dẫn tôi sang dãy bàn đối diện bàn thầy và bảng, nói với ba học sinh ngồi bàn nhất :
- Các con xích vào cho trò Thuận ngồi.
Tôi e dè ngôi xuống bên cạnh những người bạn. Lớp mới tựu trường một tuần nên học sinh chưa học gì. Suốt buổi học tôi ngồi nhìn thầy giáo và quan sát chung quanh. Sự lo sợ trong tôi tan đi và tôi dần cảm thấy mình được hoà đồng vào không khí thương yêu của lớp học. Khi giờ chơi thì tôi đã biết tên ba học trò ngồi cùng bàn : Sinh, Tuấn và Mã. Tụi nó cũng gần gần tuổi như tôi. Nhưng ngồi bên tụi nó, tôi thấy mình thua sút sao sao ấy. Có lẽ tại tôi nhà quê hơn chúng nó cũng nên. Trống đánh báo hiệu giờ tan học làm tôi giật mình. Thằng Tuấn, thằng Sinh thu xếp tập vở và cuốn vần vào cặp. Thằng Mã hỏi tôi :
- Trò về xa mà có ai đón không ?
Tôi gật đầu :
- Có mẹ tui đón.
Mã gật đầu :
- Tui cũng vậy – Nhà gần nhưng có chị tui đón.
Học trò tất cả là bảy lớp túa ra sân. Tôi dớn dác tìm mẹ tôi và thấy mẹ tôi với quang gánh đang đứng cạnh cổng trường. Tôi chạy a lại phía mẹ tôi, ríu rít gọi :
- Mẹ, mẹ !
Mẹ tôi buông gánh ôm lấy tôi, hôn lên má tôi và hỏi :
- Con học có vui không ?
Tôi kể cho mẹ nghe tên những người bạn mới trong lớp. Suốt quãng đường từ chợ quận về nhà, tôi nói liên miên bất tận. Mẹ tôi lắng tai nghe, thỉnh thoảng hỏi một vài câu ngắn cho thêm rõ những mẩu chuyện. Trưa hôm đó tôi ăn cơm thật ngon. Tôi đã đi học, biết đọc biết viết nữa, tôi sẽ biết hết. Tôi nói với mẹ tôi :
- Mai mốt con biết đọc, con đọc nhật trình cho mẹ nghe.
Mẹ tôi cười âu yếm :
- Ừ mai mốt biết đọc, đọc báo mẹ nghe với.
Chiều hôm đó, tôi ra tìm bọn thằng Lượm, thằng Tất. Thấy tôi, bọn nó chạy lại hỏi :
- Hồi sáng mày đi đâu ? Sao không ra chơi với tụi tao ?
Tôi ưởn ngực :
- Tao đi học !
- Vui không ?
Tôi tạo một điệu bộ quan trọng :
- Vui gì, đi học mà tụi bây hỏi vui không ? Mình đi học có thầy giáo nè.
Thằng Lượm tò mò :
- Thầy giáo mầy hiền không ? Có lấy cây khẻ tay mày không ?
Tôi lắc đầu :
- Thầy giáo tao hiền lắm. Khỏi có đánh tao đi !
Nãy giờ tôi thấy thằng Nghĩa im lặng nghe mà không hỏi cũng không nói gì. Trông nó có vẻ buồn. Tôi lảng xa tụi thằng Tất, thằng Lượm, kéo Nghĩa ra chỗ gốc cây cốc trước cửa nhà thím Năm.
- Sao mày buồn vậy Nghĩa ?
Thằng Nghĩa dơm dớm nước mắt.
- Tại mày đi học, tao ở nhà không thích chơi với ai.
Tôi nói :
- Tao học một ngày có một buổi thôi mà. Chiều tao ở nhà nè.
- Nhưng mày có bạn mày quên tao.
Tôi quả quyết :
- Còn lâu. Tao thương mày chứ bộ. Tao đâu có bỏ mày.
Thằng Nghĩa hơi yên tâm, nó tâm sự :
- Mày đi học thích ghê, tao cũng muốn đi học như mày, nhưng dì tao đâu có chịu.
Tôi an ủi nó :
- Mày biết không, tao đi học như vầy há, mai mốt tao biết chữ rồi, tao về dạy lại mày nhe, chịu không ?
Mắt thằng Nghĩa sáng lên :
- Chịu liền. Mà mày nói thật há ?
Tôi gật đầu :
- Thiệt mà !
Thằng Nghĩa tươi lại. Hai đứa tôi ngồi dưới gốc cây nói chuyện tương lai. Thằng Nghĩa bàn :
- Làm sao có tập vở ?
- Mày để dành tiền !
Nghĩa xoè hai bàn tay lem luốc :
- Mà tao làm gì có tiền ?
Tôi bí quá nói đại :
- Thì… xin dì mày !
Thằng Nghĩa bĩu dài môi :
- Ở mà dì tao cho. Cho cây chứ cho tiền.
Tôi trấn an nó :
- Có gì, tao học xong cho mày tập.
Thằng Nghĩa đồng ý :
- Ừ ừ, mày nhớ nhe.
Tôi thương thằng Nghĩa nhất là tại tính nó hiền lành không hung hăng như thằng Lượm, không lỳ lợm như thằng Tất. Mà thằng Nghĩa cũng rất mến tôi. Nó lại chìu tôi và hình như nó sợ tôi nữa. Tôi nhớ có lần nó rủ tôi đi bẻ ổi của bà Chanh ở xóm thằng Toại. Tôi đã định đi với nó nhưng nhớ lại lời mẹ tôi. Mẹ tôi vẫn thường nói với tôi là “Ăn cắp là xấu lắm, con đừng khi nào ăn cắp nghe Thuận. Con mà ăn cắp nữa sau con bị què hai tay nè, què hai chân nè”, cho nên tôi sợ nhất là ăn cắp của người khác. Tôi mang ra nói lại cho thằng Nghĩa nghe. Nó lắc đầu le lưỡi :
- Eo ơi, tao đâu có biết.
Ngừng một lát nó nhìn tôi :
- Ê mầy, mà sao thằng Tất ăn cắp trứng gà của chú Tư Còn mà không què tay mày ?
Tôi không biết trả lời sao – tôi nói :
- Chắc tại nó chưa bị đó mày, nữa mai mốt nó bị cho coi.
Vậy là tôi và thằng Nghĩa không đi bẻ trộm ổi nữa.
Từ ngày tôi đi học, tôi biết được nhiều chuyện hơn.
Tôi biết rằng học trò thì không được ăn ở dơ dáy, không được hỗn láo với cha mẹ, cuộc sống tôi cứ đều đặn trôi qua. Mỗi buổi sáng tôi theo mẹ đến chợ quận, và buổi trưa mẹ chờ tôi ở cổng trường làng.
Một buổi trưa, thằng Tuấn bất chợt hỏi tôi khi chúng tôi bắt đầu thu xếp sách vở cho vào cặp :
- Thuận ơi, ba đâu sao không thấy đến đón trò ?
Quả tình từ trước tôi chưa hề bị ai hỏi một câu tương tự nên không kịp phòng bị. Ở dưới xóm tôi, chúng nó quen thân tôi, chúng nó sống cạnh tôi lâu nay, nhưng chưa bao giờ có đứa nào mở miệng hỏi tôi xem ba tôi đâu. Vậy mà hôm nay tình cờ thằng Tuấn hỏi làm tôi bị du vào thế bí. Tôi trả lời ấp úng :
- Ba tui hả ? Ừ… ừ… tui… tui hông có ba !
Thằng Tuấn mở to đôi mắt :
- Hông có ba… “Chời ơi”. Sao kỳ vậy ?
Giọng nói của nó kéo dài ra vừa ngạc nhiên vừa diễu cợt làm tôi xấu hổ. Tôi tự trách mình sao từ trước không bao giờ đem câu chuyện có ba hay không ra hỏi mẹ, để hôm nay trả lời trôi chảy với thằng Tuấn để khỏi bị nó cười. Mà từ lâu, có bao giờ tôi thắc mắc tại sao mình không có ba như chúng nó, ba mình đâu ? Hôm nay câu hỏi bất ngờ của thằng Tuấn đã đưa tôi đến gần những câu hỏi khác hơn. Ừ nhỉ, tại sao tôi lại không có ba để chiều chiều tôi theo ba tôi đi câu cá như ba thằng Lượm vẫn cho nó theo xách giỏ đựng cá, hay ngồi đầu con thuyền chèo trên con lạch nhỏ để vớt lục bình như ba thằng Tất vẫn làm. Trong lớp tôi, tụi nó hay nói về những gì mà ba tụi nó cho. Vì là con trai hết nên những câu chuyện kể của tụi nó làm tôi háo hức. Một hôm, trong giờ chơi, trời đột ngột mưa to. Mấy đứa bàn đầu xúm xít lại bên nhau nói chuyện, vì trời mưa sân ướt nhẹp không thể chơi u mọi hay nhảy lừa được. Mở đầu thằng Sinh :
- Chiều hôm qua, ba tui về nè, vui lắm.
Thằng Tuấn hỏi :
- Ủa bộ ba trò ở xa sao ?
Thằng Sinh gật đầu :
- Chớ sao, xa lắm mờ, ba tui đánh giặc mờ.
Ngừng một chút nó tiếp :
- Ba tui đem cây súng về, ngộ ghê. Cây súng đen đen mà nặng ác. Nhưng ba tui không cho chơi, cấm tui đụng tới nữa.
Tôi thắc mắc, vì từ hồi trước tôi chưa thấy cây súng, dù tôi được thường xuyên nghe tiếng đạn bởi những đêm người bên kia về đột kích nằm đâu đó dưới bờ ruộng. Tôi nói với thằng Sinh :
- Cây súng đẹp hông trò ?
Thằng Sinh gật gật :
- Đẹp chứ ! Tui thích muốn bắn pằng pằng thử coi mà ba tui hổng cho.
Thằng Tuấn bĩu môi :
- Vậy ba trò hổng cưng con !
Thằng Sinh trợn mắt :
- Sức mấy, ba tui hông cho chơi súng là sợ tui cầm hông nổi rớt trúng chân chớ bộ. Ba tui mua về cho tui chiếc tàu lửa chạy bằng pin đẹp ác.
Mấy cái đầu cùng chụm lại :
- Xe lửa hả ? Đâu, đâu ?
Thằng Sinh hãnh diện ngước mặt lên :
- Tui để ở nhà mờ. Đâu có đem theo. Mai mốt trò nào lại nhà tui, tui cho coi !
Thằng Tuấn nãy giờ khó chịu vì phải ngồi im nghe thằng Sinh khoe khoang. Bây giờ nó bắt đầu :
- Ba tui hông đi đánh giặc, nhưng ở đây ba tui làm lớn lắm, làm ông phó quận mà !
Nghe bất cứ ai nói về ba tôi cũng ham nghe, tôi hỏi :
- Ba trò thương trò lắm hé ?
- Chứ sao !
Thằng Sinh chợt ngó tôi :
- Còn trò ? Ba trò làm gì ?
Thằng Tuấn đỡ lời tôi :
- Trò Thuận hổng có ba !
Sinh mở to mắt :
- Ủa, sao kỳ vậy ? Ba trò đi uýnh giặc xa hả ?
Tôi lắc đầu :
- Tui cũng hổng biết, mà tui hông thấy ba tui !
Trưa hôm đó, tôi mong chóng đến giờ tan học để tôi ra với mẹ, để tôi hỏi mẹ xem ba tôi đâu mà sao không có, sao không ở bên cạnh tôi như ba chúng nó luôn luôn có bên chúng nó. Trống vừa đánh, tôi đã vội chạy ra khỏi lớp, nhưng mẹ tôi chưa có đó. Hôm hay có lẽ mẹ tôi ra trễ. Tôi đứng nơi cổng chờ mẹ và tôi thấy thằng Sinh được ba nó tới đón. Đó là một người đàn ông cao lớn, mặc đồ lính mà tôi vẫn thường thấy mấy anh lính thỉnh thoảng về quận hành quân có mặc. Ba thằng Sinh đội trên đầu một chiếc mũ màu nâu lệch qua một bên. Trông ba nó oai ghê cơ. Thằng Sinh ôm cặp lon ton chạy lại phía ba nó, ba nó ôm nó lên, giở hổng lên cao, hôn vào má nó. Thấy cảnh đó mà tôi thèm, bởi vì tôi không hề được ai ôm giơ lên cao như vậy. Bởi vì tôi đâu có ai thân thuộc chung quanh, chỉ có mẹ, mà mẹ thì ốm yếu như cây liễu cây mai ngày tết, làm sao mẹ nhấc bổng tôi lên như thế kia được ? Lúc đó mẹ tôi cũng vừa kẽo kịt quang gánh tới, tôi chạy ngay lại phía mẹ, và câu hỏi đầu tiên là :
- Mẹ ơi ! Ba con đâu ?
Mẹ tôi trố mắt nhìn tôi, có lẽ mẹ ngạc nhiên sao hôm nay tôi hỏi vậy. Tôi lặp lại :
- Hả mẹ, ba đâu mẹ ?
Mẹ tôi vẫn không trả lời, vừa dắt tôi đi ra khỏi cổng trường, mẹ tôi vừa hỏi lại :
- Tại sao hôm nay con hỏi mẹ như vậy ?
Tôi phụng phịu :
- Tại con nghe thằng Tuấn, thằng Sinh, đứa nào cũng có cha hết, mà con thì hổng có !
Mẹ tôi thở dài, tiếng thở dài tôi nghe hoài những lần tình cờ mẹ nhìn thấy tôi thui thủi ngồi sau chuồng gà đùa một mình với mấy chú gà con. Mẹ khẽ nói ;
- Con… không có cha đâu !
Tôi ngạc nhiên :
- Sao kỳ vậy mẹ ?
- Tại ba con ở xa lắm, xa thật xa !
- Ba con đi đánh giặc hả mẹ ?
Mẹ tôi gật đầu nhanh :
- Ừ, đi đánh giặc !
Tôi nhảy cỡn lên vui mừng :
- Vậy mai mốt ba cũng về há mẹ ? Như ba thằng Sinh đó !
Mẹ tôi im lặng bước, mồ hôi nhỏ giọt trên trán mẹ chảy xuống má. Nhưng tôi không nhìn mẹ lâu nữa, tôi nhìn chung quanh, buổi trưa nồng nực và tôi mơ tưởng đến ngày ba tôi về. Ừa, thì ra tôi cũng có cha vậy mà mẹ không chịu nói sớm để tôi có dịp khoe với tụi nó là nữa ba tôi cũng sẽ về như ba tụi nó. Tôi hình dung đến ba tôi bằng trí tưởng tượng non nớt của tôi. Chắc ba tôi cũng gồ ghề như ba thằng Sinh, tại ba tôi cũng đánh giặc như ba nó mà. Ba tôi về, đến cổng trường đón tôi cho tụi nó lé mắt luôn. Tôi muốn reo to lên cho thằng Tuấn, thằng Sinh trên chợ quận biết là tôi cũng có cha, có cha như chúng nó, nhưng tôi chợt nhớ là tôi đã đi về hơn nửa đường đến xóm rồi, và bây giờ cho dù tôi có la lên khan hơi mỏn tiếng thì thằng Tuấn, thằng Sinh cũng không thể nghe được. Khu xóm lại hiện ra, tiêu điều trong nắng trưa. Mẹ tôi đặt đôi gánh xuống đất, móc cái nón lá cũ trên vách, rồi bảo tôi :
- Sửa soạn rửa mặt mũi rồi ăn cơm.
Tôi chạy ra nhà sau, đến bên lu nước. Nước mát làm tôi khoan khoái. Tôi vốc những ngụm nước đắp đắp lên mặt, liếm môi cho những giọt nước chảy miên man vào miệng. Chợt tôi nhìn ra phía sau ruộng, vì bờ vào nhà tôi làm bằng hàng dậu thưa nên tôi nhìn thấy dễ dàng thằng Nghĩa đang lom khom vớt bèo. Tôi gọi lớn :
- Nghĩa !
Thằng Nghĩa nghe tiếng kêu ngẩng đầu lên. Khi thấy tôi, nó mừng rỡ bỏ cái rổ xuống và chạy lại.
- Mày đi học về rồi hả ?
- Ừa, mày vớt bèo chi mà vớt trưa dữ vậy ?
- Cho vịt ăn, mày. Tại sáng nay dì tao làm đổ nồi cháo heo nên trưa nay vịt cũng hổng được ăn ké.
Rồi nó ngó ngó vô cửa sau, cốt dòm lên nhà trên.
- Má mày đâu ?
- Má tao đang dọn cơm !
Nghĩa chắc lưỡi :
- Mày sướng ghê. Có má mày cưng mày ác !
Tôi buồn bã lắc đầu :
- Mày có ba, còn tao thì không !
Nghĩa ngạc nhiên :
- Có chớ sao lại không. Tao nghe dì tao nói mày cũng có ba mờ.
- Dì mày nói hồi nào ?
- Bữa hổm khi nói chuyện với chú Tư Còn đó, có điều dĩ cũng không biết ba mày ở đâu sao hổng dìa !
Tôi gục gặc đầu. Thì đúng vậy, làm sao bà dì ghẻ của thằng Nghĩa biết cha tôi đang ở đâu được, vì chính tôi đây cũng không biết nữa mà. Nhưng chẳng lẽ người ta đã biết mình có cha mà mình lại không rõ cha mình đâu thì coi cũng kỳ. Tôi nói :
- Nghĩa à, dì mày nói đúng đa.
- Đúng sao ?
- Tao cũng có cha !
- Vậy cha mày đâu ?
- Cha tao đi đánh giặc rồi, bắn súng đó, uýnh nhau với mấy người bên kia đó mà.
- Chừng nào cha mày dìa ?
- Ai biết, chừng nào uýnh xong thì dìa.
Thằng Nghĩa chừng như đã chán nói đến chuyện cha con, nhưng tôi thì vẫn thích nghe. Vì kể từ lúc nghĩ là mình cũng có cha, tôi nghe trong tâm hồn dậy lên một nỗi yêu thương nào thật mơ hồ về người cha mà mình không thể hình dung được đó. Thằng Nghĩa chợt nói :
- Thuận à, tối mày ra tao !
- Chi vậy ?
Nghĩa cúi đầu. Nó có vẻ ngập ngừng như muốn nói điều gì mà còn ngại. Tôi thúc nó :
- Chi vậy mày ?
- Thuận à, hồi sáng này tao tính gặp mày, nói mày nghe. Tao nghỉ chơi với thằng Lượm rồi !
- Sao vậy ?
- Tụi nó chơi xấu lắm !
Tôi nhìn vào nhà. Mẹ tôi vẫn còn lui cui, tôi nói :
- Mày kể tao nghe đi !
Nghĩa lắc đầu :
- Bây giờ đâu được. Tao phải vớt bèo về lè lẹ, hổng có dì tao uýnh chết. Thôi dìa nhe, nhớ tối ra tao à !
Nó vừa nói vừa chạy ù ra lại bờ ruộng, chỗ nó có đặt cái rổ vớt bèo. Tôi quay lên nhà trên, mẹ tôi hỏi :
- Con vừa nói chuyện gì hả ?
- Dạ nói với thằng Nghĩa.
Mẹ im lặng dọn cơm. Cơm trưa xong, tôi đánh một giấc thật ngon. Chừng dậy thì đã xế chiều. Hơi nóng hầm hập kéo đến làm tôi khó chịu. Tôi chạy ra sân đứng hứng lấy gió mát từ đồng ruộng thổi sang. Đang nhìn ra đường cái quan, chợt tôi thấy một chiếc xe jeep chạy ngang. Trên xe, thằng Tuấn đang ngồi chễm chệ. Xe chạy chậm, vì đường toàn là ổ gà nên thằng Tuấn trông thấy tôi. Nó hét lên :
- Thuận, Thuận !
Và đập đập vào vai người lái chiếc xe, chiếc xe ngừng hẳn lại. Tôi chạy đến, thằng Tuấn nhảy xuống xe tiến về phía tôi, miệng nó bi bô :
- Ủa, trò ở đây hả ?
Tôi đáp gọn :
- Ừa !
- Xa quá hén.
Rồi đưa mắt nhìn một lượt chung quanh, thằng Tuấn nhận xét :
- Ở đây rộng hơn trên trường há ?
Tôi không biết nói gì, vì sự gặp gỡ đột ngột nên cứ đáp :
- Ừa !
Tuấn hỏi :
- Má trò đâu ?
Bây giờ tôi mới nhớ là nãy giờ mình đã thộn mặt ra chả hỏi han gì Tuấn :
- Má tui trong nhà. Mà trò đi đâu đây ?
Tuấn chỉ tay về miệt trên :
- Theo ba tui lên ấp trên kia cà.
Rồi Tuấn kéo tôi lại bên xe, chỉ vào người đàn ông đứng tuổi ngồi kế bên tài xế :
- Ba tui nè.
Tôi cúi đầu khoanh tay :
- Dạ thưa ông.
Ba Tuấn trông thật hiền lành, ông vuốt tóc tôi :
- Cháu học cùng với Tuấn à ?
Tuấn liếng thoắng :
- Dạ, học chung với con đó ba.
Rồi quay qua tôi, nó nói :
- Đi chơi hông ?
Tôi hỏi :
- Đi đâu ?
- Thì ba tui với tui đi xa xa trên kia cho vui.
Tôi lắc đầu, nhớ tới mẹ đang trong nhà.
- Thôi trò đi với ba trò, tui ở nhà chớ má tui hổng cho tui đi đâu !
Thằng Tuấn dụ khị :
- Đi chút mà, trển vui lắm.
Tôi mân mê thành xe lạnh ngắt. Cứ nghĩ đến việc mình được ngồi trên chiếc xe là đã thích rồi. Từ xưa tới giờ, tôi có bao giờ được đi xe hơi đâu. Bây giờ có dịp, tội gì không đi thử. Ngồi trên xe hãnh diện lắm chớ chơi sao. Tôi quên hình ảnh mẹ trong nhà, quên vần ngày mai chưa thuộc mà leo lên xe. Chiếc xe rồ máy, tôi nghe trong lòng nôn nao kỳ lạ. Nệm xe êm êm, xe lướt trên những quãng đường tăm tắp, hai bên ruộng lúa ngan ngát. Tôi cứ nhìn ra hai bên đường xem người khác có thấy tôi đang đi xe và có phục tôi sát đất không, nhưng đường thật vắng. Thỉnh thoảng có mấy chiếc xe lôi chạy ngược chiều tung bụi mù mịt. Tuấn nói huyên thuyên. Nó hích tôi:
- Đi xe thích không ?
Tôi gật đầu :
- Thích !
- Mai mốt đi nữa nghe ?
- Ừa !
Hình ảnh mẹ hiện ra khi trời bắt đầu tối mà ba thằng Tuấn chưa ra xe để về. Ngồi bên cạnh nó, tôi nghe lo sợ thật nhiều, gió lạnh buốt càng làm tôi thêm hãi hùng. Tôi ân hận hồi chiều đi ẩu mà không xin phép mẹ, chắc bây giờ ở nhà mẹ đang lo lắng tìm kiếm không biết tôi đi đàng nào. Tôi đâm giận thằng Tuấn đã rủ rê tôi đi như thế này. Thấy tôi bí sị, Tuấn hỏi :
- Sao trò buồn vậy ?
- Tui sợ lát về má tui la, hồi chiều đi tui hổng xin phép.
Tuấn gật gù :
- Ừ hén, chết ! Thầy dặn mình đi đâu phải xin phép mờ. Thôi để lát nữa về xin sau.
Hai đứa nói tới đó thì ba Tuấn ra. Tôi mừng rỡ không cùng. Chiếc xe rồ máy và theo đường cũ trở về. Ngang những ruộng lúa, tôi chỉ còn thấy một màn đen thâm thâm tím tím phủ đầy. Gió đưa lúa xào xạc, gió lạnh qua chiếc áo thật mỏng tôi đang mặc. Chắc mẹ giờ này đang quay quắt tìm tôi và tự nhiên nước mắt ứa ra trên má tôi. Nghe sụt sịt, ba thằng Tuấn quay lại hỏi :
- Ủa, sao khóc ?
- Dạ…
Tôi ấp úng không nói được. Thằng Tuấn lại phải đỡ lời :
- Tại nó sợ đó ba, sợ má nó rầy !
Ba Tuấn vỗ vỗ vào đầu tôi :
- Chút nữa bác nói với má cháu cho !
Xe ngừng trước đường, ba thằng Tuấn đỡ tôi và nó xuống rồi dắt cả hai vào xóm. Tôi chỉ căn nhà mình và chạy vào, tôi thấy mẹ đang ngồi khóc bên ngọn đèn. Vừa nhìn ra thấy tôi, mẹ tôi đã nhào ngay lại ôm siết lấy tôi như sợ ai sẽ bắt tôi đi mất. Giọng mẹ nức nở :
- Con đi đâu ? Con đi đâu hồi chiều giờ mà không cho mẹ hay, để mẹ tìm kiếm khắp nơi không thấy.
Tôi chỉ tay ra cửa, vừa đúng lúc ba thằng Tuấn và nó bước vào.
- Dạ con đi với thằng Tuấn.
Mẹ tôi ngẩng lên nhìn và thoáng thấy ba thằng Tuấn, mẹ vội cúi đầu chào :
- Dạ thưa ông phó…
Ba Tuấn khoát tay :
- Thôi khỏi thưa gởi gì. Tôi vào đây để nói chị đừng la em nhỏ. Nó theo tôi và thằng Tuấn đi lên ấp mà nó không xin phép nên sợ khóc nãy giờ.
Mẹ tôi vẫn siết tay tôi, khi cha con Tuấn đã về rồi, tôi co ro trong lòng mẹ và tự nguyện từ nay trở đi sẽ không bao giờ làm mẹ lo lắng như vậy nữa. Tối hôm nay như thế là tôi bỏ buổi hẹn thằng Nghĩa rồi. Tội nghiệp, chắc nó trông tôi dữ lắm, nhưng tôi đâu có muốn xí gạt nó. Tại tôi lỡ đi mà. Sáng hôm sau, khi tôi đi học về, cất cặp xong, tôi chạy ra đánh đáo với tụi thằng Lượm, thằng Tất, nhưng tôi ngạc nhiên không thấy Nghĩa đâu cả. Chờ một hồi mà nó vẫn biệt dạng, tôi thắc mắc hỏi Lượm :
- Ủa, thằng Nghĩa đâu sao hổng ra chơi ?
Thằng Lượm lắc đầu :
- Nó hổng ra nữa đâu. Nó đi rồi !
Tôi ngạc nhiên :
- Đi đâu ?
- Mày hổng biết sao ? Dì nó đem nó lên quận ở đợ rồi. Mới đi sáng nay.
Tôi hỏi dồn :
- Sao vậy ?
- Tại tao thấy nó ăn cắp trứng chú Tư Còn, tao mét dì nó, dì nó nói lại với ba nó là để nó ở nhà phá xóm phá giềng, thôi chi bằng cho nó đi ở đợ được thêm tiền.
Tôi nhớ lại lời thằng Nghĩa trưa qua. Hèn chi nó hẹn gặp tôi buổi tối mà tôi kẹt không ra, chắc nó buồn và giận tôi lắm. Tôi nhớ nó nói thằng Lượm xấu. Đúng vậy, tôi biết thằng Nghĩa không bao giờ ăn cắp trứng của chú Tư Còn. Thằng Nghĩa không ăn cắp của ai bao giờ. Nó nghe tôi và tôi thì không lấy vì sợ tội, vì mẹ tôi cấm. Chỉ có thằng Tất thằng Lượm mới hay ăn cắp vặt rồi đổ thừa cho nó. Tôi bỏ vào nhà không chơi đánh đáo nữa. Tôi nghe buồn thật buồn, nhớ thằng Nghĩa nữa. Tôi hứa là đi học, biết đọc biết viết tôi sẽ dạy lại cho nó mà bây giờ nó đi ở đợ rồi, làm sao tôi còn dạy cho nó được nữa ? Tội nghiệp nó quá. Mỗi khi thấy tôi ngồi ê a đánh vần chữ trên tập, nó ngồi xổm một bên thèm thuồng nhìn. Nó sáng trí lắm, hễ tôi thuộc thì nó ngồi kế cũng thuộc. Có điều là nó thuộc mà chả hiểu gì, còn tôi thì chưa đủ khả năng chỉ lại cho nó. Không biết nó ở đợ như vậy, chắc là khổ cực lắm. Mà nói chi đi ở, tại nhà nó tôi đã thấy nó không sướng. Bà dì nó thật không tốt chút nào, hành hạ nó đủ thứ. Buổi chiều, khi hai mẹ con tôi ăn cơm, tôi buồn rầu nói với mẹ về chuyện thằng Nghĩa phải đi ở đợ. Mẹ tôi chép miệng :
- Biết đâu chừng vậy mà nó lại sướng ra. Ở nhà mẹ ghẻ con chồng, đời nào nó khá nổi.
Tôi nói :
- Nhưng nó ở người ta khổ cực.
Mẹ tôi lắc đầu :
- Thôi, kệ chuyện người ta, con lo học hành đi. Thuộc bài chưa ?
Mẹ nói thế nên tôi không dám hỏi nữa. Nhưng suốt buổi tối, tôi cứ ấm ức nhớ thằng Nghĩa và tức mẹ sao không cho tôi nói nhiều thật nhiều về nó, vì hễ nói ra thì tôi đỡ nhớ hơn…
Xem tiếp CHƯƠNG III
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét