CHƯƠNG III
Vừa thức giấc, ba đứa cùng đồng ý bắt tay vào việc. Phan – với tư cách anh cả, người thay mặt cha mẹ – sai phái, cắt đặt hai em bằng giọng rất là kẻ cả: Yến lo xếp dọn chăn mền phòng ngủ, còn Lai thì dọn bữa ăn sáng ở nhà bếp. Bà Hải từ chối lời mời ở lại ăn sáng với chúng vì bà kêu sẽ bị đau bụng nếu uống sữa lạnh buổi sáng. Thế mới biết người tuổi tác không khỏe mạnh bằng trẻ con! Lai tuyên bố. Nó được em gái và anh trai cùng đồng ý. Nốc sữa xong, Phan lại khoanh tay trước ngực sai em:
- Thôi, bay rửa dọn nghe!
Lai gặng lại:
- Ngon dữ há? Sai tụi này hoài, còn anh, mai giờ anh làm gì đâu?
- Người ta phải tuyệt đối phục tùng thượng cấp, chớ mày làm kiểu đó thì sao cho chạy việc? Với lại, tao đâu có ở không? Tao lo cắt đặt...
- Mà anh cắt đặt xong rồi...
- Bây giờ anh lo ghi chép số tiền đi chợ và các thức phải mua, anh không muốn lúc mẹ về mẹ hiểu lầm là anh tiêu xài phung phí. Có giấy tờ chứng minh tốt hơn.
- Được rồi! – Lai lộ vẻ nghi ngờ trong khoé mắt – em muốn biết anh tính toán ra sao. Đừng có ghi cải cay vô, em ghét cải lắm.
Phan lặng lẽ làm việc, miệng ngậm đầu bút chì. Cậu cả thấy công việc quá quan trọng cho đến nỗi không muốn phí hơi bàn cãi với thằng em nghịch ngợm của mình. Cậu tự nhủ thầm: trước hết là cà rốt, rồi... ba củ khoai tây. Không nên mua nhiều làm chi, để lỡ nó hư thối đi, hay chuột tha phí tiền. Đồng tiền mồ hôi của cha mẹ. Mua ngày nào ăn ngày nấy. Lai lại gần liếc thấy, cười khì khì:
- Tưởng gì, ba củ ca rốt, ba củ khoai tây mà cũng phải ghi. Em đề nghị anh mua một bó rau muống luộc ăn chơi, ăn rau tốt...
Phan không thèm trả lời, làm cu cậu tưng tức, bèn bưng cái khay đựng mấy cốc sữa đi lại vòi nước. Đằng này, Phan nặn óc vẫn không nghĩ ra cần mua gì thêm.
- Em đề nghị anh mua ba nải chuối.
Yến góp ý. Phan thối thoát:
- Mua chi dữ vậy? Phí tiền. Tao đồng ý là mua chuối, nhưng ba trái hay sáu trái đủ rồi. Còn mua nhiều thứ nữa, xà lách, rau...
- Đừng hà tiện, trái cây có lợi cho sức khoẻ, mẹ không la đâu. Mua thêm cam đi, anh Phan! Mà đừng mua lẻ, mắc lắm, em nghe mẹ nói vậy đó.
- Ngon dữ, ưng ăn cho cố...
- Hay chưa? Bộ anh không cho tụi em được quyền đề nghị thứ gì nữa sao? Để mình anh đặng anh mua thứ anh ưa thôi hả? Tính mua cải hả?
- Cải tốt lắm, nó lọc máu và trừ chứng ho lao.
Có tiếng chuông xe đạp lanh canh vọng vô nhà. Ba đứa nhìn ra. Vừa thấy người phát thư, Lai chạy bay ra đón chứ không đợi anh ta thả vào thùng. Nhận ra tuồng chữ cậu, nó mừng quá, quên cả nói cảm ơn theo lời mẹ dặn. Cầm phong thư đi vào, nó hỏi to:
- Thư của cậu. Nên mở hay để chờ ba mẹ về?
Phan đón lấy, để ý đến cái mầu đỏ chói đóng khung một chữ đen: Express nằm xéo phía dưới con tem và tên cậu, liền bàn:
- Mở ra liền, vì đây là thơ gởi lối cấp tốc. Nghĩa là có chuyện gì gấp, nó đi mau như dây thép vậy đó. Tao biết.
Lập tức, thư được xé soạc ra. Ba đứa chụm đầu lại, tuy là Yến chưa biết đọc thật thạo. Thư rằng:
" Thưa anh chị,
Em thật có lỗi, song điều này ngoài ý muốn của em. Em phải vội vàng biên thư này kẻo anh chị vô Sàigòn thì hỏng việc. Số là thế này, tàu đổi thủy trình bất ngờ, nên đáng lẽ em về 5 giờ chiều chúa nhật mà giờ lại có mặt ở Sàigòn lúc 8 giờ sáng thứ bảy. Vậy, tàu về đến Sàigòn là em lên xe hơi của một người bạn đi thẳng Nha Trang liền, chớ em không đợi tối mới lên cút sét vì em nóng gặp các cháu. Có thể, em có mặt tại Nha Trang bất cứ giờ nào: trưa thứ bảy, chiều thứ bảy hay là mờ sáng chúa nhật (là nói phòng vì có ghé chỗ nào không, chỉ mình vị thuyền trưởng được rõ mà thôi). Bên này tình hình không yên, cho nên thủy trình được giữ bí mật cho đến phút chót. Không rõ họ có ghé đâu không? Thật bực mình. Em mà ngờ thế này, em về máy bay rồi. Song trót mua vé, biết làm sao?
Nếu không trục trặc, em sẽ được dịp mời anh chị đi coi cải lương một bữa tại Sàigòn rồi, uổng quá. Là nói gặp anh chị kìa chớ còn một mình thì em không ham coi ngó gì hết, em về liền. Nhưng em có quà cho mọi người. Hy vọng là thư sẽ đến kịp trước khi anh chị lên tàu. Đánh điện không thể nói rõ, nên em phải viết. Vội vàng.
Em: Hồ Đình Bích"
Hai đứa lớn ngẩn người ra: cha mẹ chúng hố rồi. Trời ơi! Chỉ tại cái tàu khốn kiếp. Yến nông nổi hơn anh, vỗ tay reo lên.
- Như vậy thì sướng quá: cậu sẽ về sớm, mình gặp cậu trước ba mẹ!
- Tao không thể vui, tội ba mẹ, vô Sàigòn tốn tiền, lại mất thì giờ...
- Ba mẹ có thể đi chơi, đi coi ciné hay coi hát…
- Dầu vậy đi nữa, sao vui bằng được gặp cậu ở bến tàu?
Đứa em út qua phút nông nổi đầu tiên, công nhận hai anh mình nói đúng. Lai tỏ ra sốt sắng:
- Bây giờ ta phải làm cách nào tin cho ba mẹ hay liền. Ta đánh một cái điện tín...
- Dễ nghe dữ! Đánh tới địa chỉ nào? Ba mẹ sẽ ở khách sạn, mà có biết khách sạn nào đâu để đánh điện? Mày thì lúc nào cũng...
Ba đứa lại nhìn nhau, bối rối. Đột nhiên, Yến cười nói với hai anh:
- Có lẽ tụi mình nên mừng là hơn. Dù sao thư cấp tốc này không đem tin buồn như điện tín. Em không thương điện tín, cái thư cấp tốc dễ thương, nó đem tin vui.
- Bây giờ chúng ta phải dọn dẹp nhà cửa cho phong quang, cậu có thể đến bất cứ lúc nào trong ngày nay. Anh không muốn cậu thấy nhà cửa lộn xộn…
Thế là bộ ba xăn tay áo làm việc: các vòi nước được mở ra. Phan dùng bột náp chùi kỹ la va bô, thau giặt áo quần, bàn làm thức ăn, chậu rửa bát. Kế đó chúng khệ nệ khiêng hết mấy chậu hoa trên bệ cửa sổ xuống để lau trên đó luôn.
Xong đâu đó, anh cả bảo hai em:
- Thôi, giờ đi chợ. nhưng không mua gì nhiều, đợi cậu về sẽ hay. Chỉ mua như đã dự tính thôi. Anh đi một mình, hai đứa ở nhà coi dọn dẹp...
- Dọn gì nữa đây?
- Coi kìa, nói vậy mà nghe được: lau xa lông, đi văng, đổ cái gạt tàn thuốc đi. Thấy cái gì trái mắt là làm chớ hỏi gì.
- Anh Phan nói y như mẹ – Yến cười phê bình – chắc nữa lớn, anh thay mẹ quá.
- Thôi, tao không có thì giờ giỡn với tụi bay. Yến! Vô phòng ngủ coi mày đã dọn dẹp đàng hoàng chưa. Tao trách nhiệm trong nhà, tao không thể…
- Trời ơi! Anh vô coi đi, anh khi em quá. Em biết làm mà!
Con em gái nói và nắm tay anh, kéo đi. Vào đến phòng, Phan đứng xa xa ngắm nghía công trình của em. Yến lo lắng đưa mắt nhìn anh và khi thấy Phan nhăn mặt, nó vội vàng chống chế:
- Em cố hết sức, mà tại tay em ngắn…
Phan nhìn hai tay em, gật gù:
- Không sao, em vậy cũng là giỏi, giường rộng quá cho nên em khó có thể trải thẳng như người lớn.
Yến hài lòng, nắm lấy cơ hội tốt:
- Anh cho em đi chợ với, nghe? Mình anh Lai coi nhà được rồi.
- Để tao hỏi nó coi.
Lai bằng lòng coi nhà một mình. Thế là anh cả với em gái út đi chợ. Lai dặn với theo vui vẻ:
- Thằng này hy sinh (!) ở nhà cho mấy người đi, ra chợ đừng có ăn hàng quên thằng này đó, nghe? Lẹ mà về, nghe?
*
Như tất cả mọi đứa trẻ, anh em Phan Yến rất ưa đi chợ, mầu sắc và mùi vị làm chúng vui vẻ, thích thú (dĩ nhiên là trừ mùi vị tỏa ra từ hàng cá!). Nắm lấy tay nhau trà trộn vào trong các gian hàng, thấy và nghe những kẻ hàng rong từ Sàigòn ra với cung cách khác biệt, giọng nói kéo dài trong những câu rao hàng ngộ nghĩnh làm chúng bùi tai. Mặt khác, chúng hãnh diện thấy mình đủ tư cách để ra ngoài như ai nên chúng càng thích thú. Hai đứa kiễng chân, nhón gót lên để tìm cho ra hàng bà Lý, quen với mẹ.
Ôi chao! Người đâu mà đông quá. Đã có chợ Đầm, sao người ta không đi bớt, dồn về cái chợ nhỏ Xóm Mới này chi dữ vậy kìa! Hai đứa phàn nàn. Giọng rao lanh lảnh của bà Lý vang lên:
- Đây! Bắp cải Đà lạt mới về đây! Còn tươi xanh bà con ơi! Có đậu bơ tí boa tươi nữa. Lại đây!
Hai đứa không thấy bà ta, vì chúng thấp quá, nhưng nhờ nghe tiếng nên dắt nhau về hướng phát ra tiếng rao. Chợt thấy hai đứa, bà ta reo lên, mừng rỡ:
- Ủa, hai cháu! Đi chợ hả? Giỏi ghê chưa! Dễ thương chưa kìa! Nhớ bác không?
Hai đứa cũng mừng không kém, nhưng mãi thở – vì bị thiên hạ lấn từ nãy giờ – không kịp trả lời. Yến lấy tay chỉ vào đống cà rốt. Bà Lý đon đả:
- Mua cà rốt hả cháu? Mấy ký? Bác bán rẻ…
- Dạ, cháu mua ba củ thôi, với lại xà lách, cũng in ít... – Phan trả lời dõng dạc.
- Ba củ? – bà Lý gặng lại – mua chi ít vậy? Sao không lấy thêm...
Hai đứa lắc đầu, tỏ ý cương quyết. Tự nhiên, Phan thấy áy náy như mình phạm lỗi với bà Lý, nhưng nó chưa kịp phân trần thì bà ta tò mò hỏi:
- Mẹ ở nhà hở? Nói bác gởi lời thăm nghe? Các cháu giỏi quá, nghỉ học mà chịu khó đi chợ giúp mẹ, chớ thằng con bác, ôi thôi... nó dông xuống biển tối ngày (như nói một mình) con người ta có tiền mà dễ thương vậy đó, còn con mình...
Nghe bà Lý khen tiếp, anh em Yến phổng mũi lên vì sung sướng, khai toạc ra:
- Dạ, ba mẹ cháu không có ở nhà. Ba mẹ cháu đi vắng, thưa bác.
- Chèn ơi! Rồi tụi cháu coi nhà một mình hả? Giỏi chưa! Thiệt bác...
Yến nói tiếp:
- Dạ, mẹ cháu với ba cháu đi Sàigòn, đi hai ngày đón cậu cháu về đó, bà Lý à! Tụi cháu coi nhà được. Tụi cháu không sợ.
- Thiệt giỏi dữ đa! Con bác mà giao nhà là nó bỏ cửa đi chơi liền.
Vừa nói bà vừa gói cà rốt cho hai đứa. Được khen là những đứa con ngoan, hai anh em hài lòng lắm, khoe thêm là chúng biết luộc rau, xào cà rốt v.v…
Rồi chúng chào bà sau khi được khen mấy tiếng nữa, kéo nhau sang hàng chuối.
*
Tội nghiệp hai đứa: chúng không ngờ rằng chợ búa, nơi tập trung người mua kẻ bán lại cũng là chỗ hò hẹn của bọn bất lương. Đáng ra, chúng đã bị bọn móc túi trước khi giỏ chúng có hai nải chuối và ba củ cà rốt kia, nhưng theo dõi từ đầu hai tên trộm đã nghe lỏm câu chuyện và chúng muốn làm ăn lớn một phen chứ không bỏ công để lấy trong ngoài trăm bạc của hai đứa trẻ.
Ba Bụng, tên đầu sỏ thì đúng với tên, có một cái bụng đầy những mỡ, vốn làm biếng không có chỗ chê. Hắn chỉ thích ngủ cả ngày, đặng đêm tối đào tường khoét vách kiếm ăn một cách dễ dàng. Nhưng làm ăn một mình cũng hơi vất vả, hắn mới vừa thu dụng một tên thất nghiệp, vô gia cư từ ba bốn ngày nay. Hắn rất có kinh nghiệm trong việc thổi bóp, xén túi người ta. Kỳ lạ một điều, cắp trộm nhiều lần, cũng nhiều món bở, nhưng rốt cuộc hắn vẫn xác xơ. Và, hôm nay, hắn đang chú ý đến hai con mồi tí hon, xinh đẹp.
Kha, mới vào nghề bằng cách rình rình ở các bến xe, nhân dịp lộn xộn cầm nhầm quả cam, điếu thuốc; vào quán, ngồi uống cốc café rồi mắt la mày lét, ngó trước, ngó sau thừa lúc đông người chuồn lẹ, quên chuyện trả tiền. Đi xe lam thì xe chưa ngừng hẳn, phóc xuống thình lình, dông mất.
Đó: thành tích của Kha gồm chừng đó!
Tóm tắt một điều: Kha mới thực tập nghề này. Hai đứa bấm nhau đi theo hai đứa bé khắp các hàng trong chợ. Ba Bụng lên tiếng trước:
- Coi bộ con nhà giàu hả? Ngon đa!
- Thôi đi Đại ca, hai con muỗi tép! Mình làm món khác, coi chúng mua có ba củ cà rốt mà Đại ca nói ngon lành, ngon lành chỗ nào?
- Mày thật ngu! Tao mà thèm ba củ ca rốt sao? Chớ mày không nghe chúng nói chuyện với bà bán hàng sao? Cha mẹ chúng đi vắng, đêm nay…
Kha tái mặt – không hiểu tại sao, Kha bỗng dưng có cảm tình với hai đứa nhỏ. Hay bởi hắn ta chưa từng ăn trộm lần nào? Có họa là trời biết rõ. Kha dặng hắng một cái, bảo đàn anh:
- Thôi, tha cho nó đi. Đại Ca!
- À! Cái thằng – Ba Bụng la lên nho nhỏ – Mày điên hở? Tao ăn thịt nó sao mà mày biểu tha? Tao bàn chuyện làm ăn mà! Nghe đây! Tối nay không có cha mẹ chúng ở nhà, mình dễ dàng, biết không? Tao không hành hạ gì tụi nó đâu mà mày lo. Đi! Mình theo tụi nó cho biết nhà cái đã rồi bàn định kế hoạch làm ăn sau. Đi theo tao, đừng có lôi thôi!
Giọng hách dịch, kẻ cả, Ba Bụng nói như ra lệnh cho Kha. Kha im thín thít lầm lũi theo sau hai đứa nhỏ với Bụng, không thốt một lời. Trong lòng chàng trẻ tuổi, nghèo kiết nổi lên một cơn giông tố: "Kha! Nghĩ kỹ đi! Ăn trộm không phải là làm ăn, không ai làm ăn kiểu đó, nếu muốn là người lương thiện!". Nhờ vậy, Kha thấy mình có đủ hùng khí để dừng chân lại thình lình, bảo bạn:
- Này Đại Ca, tôi muốn tha cho hai đứa nhỏ, nhưng nếu Đại Ca không chịu thì thôi, thà tôi đói rách, chớ không muốn... Ăn trộm không phải là làm việc.
- Thôi, mày đứng có giở giọng quân tử tàu ra với tao. Tao lại nổi nóng lên giờ đó. Kha ơi! Mày chê ăn trộm, còn ăn cắp thì tốt lành gì? Cũng... như nhau mà, Kha!.
- Không! Tôi....
Đã xa chợ nên Bụng không giữ ý nữa, quát lên:
- Mày là thằng bất trung, bất nghĩa, bất… Mày hứa với tao làm sao? Bữa hôm qua tại quán Tao Đàn chỗ bến xe Thành mày thề thốt là trung thành với tao, chết cũng không từ mà, mày quên rồi hả? Khi mày cụng ly với tao sao mày nói nghe...
Mặt đỏ gay vì giận, Bụng nhìn trừng trừng vào mặt Kha, mong áp đảo được tinh thần tên đồ đệ vừa kết nạp, nhưng vẫn không quên liếc chừng hai đứa nhỏ phía trước, sợ chúng mất dạng đi (Hai đứa đi hơi chậm vì vừa đi vừa ăn chuối!)
Kha lầm lỳ không nói, chàng ta cảm thấy nghẹn họng vì không tìm được câu trả lời. Ba Bụng mỉa mai:
- Trời ơi! Tao ngờ mày vậy thì.... hừ! Tình huynh đệ thời nay! Nói thiệt, tao chán cho thói đời lắm, Kha à! Nhiều khi tao muốn...
Thình lình Bụng đổi giọng, dịu dàng:
- Tao biết mày tốt bụng, vì vậy tao mới kết nạp mày, chớ tao không phải bạ đâu nhận bừa bãi như người khác. Hồi trước tao cũng như mày vậy đó, tao thương người, nhưng... Thôi, đừng nói dài dòng, mày có đói không? Hiện giờ mày đói hay no?
- Đại ca biết rõ mà. Từ sáng giờ em có gì bỏ bụng đâu.
- Ờ! Vậy thì đừng có lôi thôi. Đi theo tao!
Kha riu ríu tuân lời.
*
Quanh qua quẹo lại một chốc, Bụng rất mừng khi thấy hai đứa trẻ dừng lại trước một cái vườn rộng, trong xa một biệt thự nho nhỏ, xinh xắn biệt lập ở đường Trịnh Phong. Con đường này nhà cửa thưa thớt chứ không đông đúc như đường Huỳnh Thúc Kháng, gần chợ. Thật là dịp may hiếm có. Bụng cười khì khì ra dáng hài lòng, quên cả giận hờn 10 phút trước:
- Tụi minh hên lắm đó Kha.
Tên nghĩa đệ thật thà hỏi:
- Hên gì đâu anh?
- Mày thiệt đúng là gà mờ. Tao có kinh nghiệm trong nghề tao biết. Nghe đây: những ngôi nhà biệt lập như thế này rất tiện cho việc làm ăn của chúng ta.
Lại làm ăn! Kha tối sầm mặt khi nghe bạn nhắc lên hai tiếng đó, nhưng Bụng không lưu ý, thao thao giải thích:
- Trước hết, chủ những ngôi nhà chắc chắn là có tiền hơn hạng ở nhà phố hay chung cư...
- Chung cư là cái gì, Đại ca?
- Thiệt hết nước, mày khù khờ quá đi: chung cư là nhà có lầu nhiều từng, do chính phủ cất cho dân chúng mấy thành phố lớn ở trả góp, hiểu chưa?
- Mà ở đâu có chung cư? Đại ca? Thiệt em chưa nghe nói. Sàigòn có không? – Kha lại tò mò hỏi.
- Tao thì tao nghe lâu rồi. Bên tây có lâu rồi, bên mình thì nghe nói đang dự tính làm chung cư, chắc cũng không lâu đâu. Tao thấy vậy rất hay, phải giải tỏa những căn nhà ổ chuột, mất vệ sinh. Này em Kha, anh hứa một ngày kia, anh sẽ tạo lập một căn trong chung cư, anh em mình ở cho sướng. Em cứ tin anh đi! Anh là hạng người đàng hoàng, quân tử nhất ngôn! Em sẽ được ở chung cư!
Nhận thấy sự khoác lác của mình đã đủ để tăng uy tín với Kha, Bụng đi sâu vào dự tính liền:
- Thứ hai, nhà kiểu này xa cách lân bang hàng xóm, mình không bị khó dễ trong khi làm ăn.
- Hừ! – Kha kêu lên một tiếng vô nghĩa.
Bụng ngừng lại, rút một điếu thuốc bát tô xanh trao cho Kha, quẹt diêm lên, cử chỉ thân mật như một người anh đối với đứa em ruột thịt. Kha cảm động đón điếu thuốc trên tay Bụng, cái ý định sẽ không dự vào công việc bẩn thỉu của đàn anh tan như khói thuốc khi hút hơi thuốc đầu liên. Lương tâm hắn đã nằm bẹp dí sau khi ngo ngoe một cách vô hiệu lực!
- Giờ đến phần hành động: qua đứng đây. Em chịu khó đến bấm chuông đi, cứ mạo danh là người đến xịt thuốc mối trong nhà. Làm bộ đến gần mấy cánh cửa săm soi tìm dấu mối rồi liếc mắt coi chừng hễ có gì tôn tốt mà gòn gọn, nho nhỏ như đồng hồ tay, nhẫn vàng, hoa tai là quơ đại, thủ vô túi liền. Tao biết: tụi con nít nó khờ lắm, không để ý gì đâu. Hễ chúng ngó lơ là mình hành động liền, biết chưa?
- Lỡ như... ờ, lỡ như tụi nó không ngó lơ thì sao, anh?
- Trời ơi! Mày ngu hết sức, phải tùy cơ ứng biến chớ. Cái gì cũng hỏi, mỗi chút mỗi hỏi...
Gã ngừng lại, dặng hắng một cái, đoạn tiếp:
- Tao sẽ ở ngoài canh chừng cho mày. Cần nhất là để ý mấy món đồ có giá trị như tivi, tủ lạnh, cát-xét này kia...
- Ý chết: Mấy thứ đó to kềnh làm sao em đem ra mà tụi nhỏ không để ý được, anh?
- Thiệt mày thậm ngu. Lấy là lấy mấy thứ nho nhỏ kìa, còn mấy thứ này thì chỉ quan sát, chú ý thôi, hiểu không? Coi kỹ mấy cái chốt cửa. Đó, chuẩn bị chu đáo thì dễ dàng cho mình.
Kha tròn mắt, há hốc miệng nghe bài đại luận đầu tiên do đàn anh truyền dạy, cố hết sức mà vẫn cảm thấy hai gối run run. Nhưng dầu sao, Kha cũng thấy thinh thích. Giọng tự nhiên giả tạo, Kha nói:
- Làm vậy thì dễ quá. Đại ca há?
- Thì anh đã nói dễ ợt mà, em Kha! Cho em hay, đây là cơ hội bằng ngọc thạch chớ không chỉ bằng vàng đâu nghe. Có điều, anh cũng cần dặn em: có thể là cha mẹ chúng trước khi đi vắng đã cất hết đồ quí giá nho nhỏ vô tủ...
Bụng lại ngừng vì nghe Kha thở dài có vẻ thất vọng. Hắn nhìn Kha với đôi mắt khuyến khích:
- Đừng nản lòng! Trường hợp này thì mình chịu khó chờ tối sẽ trở lại. Kha này, em nên nhớ: bóng tối là bạn tốt của hạng người như anh em mình. Tối nay ta sẽ...
- Tối nay? – Lương tâm tên cắp vặt lại vùng dậy bất ngờ, hắn nhảy nhổm lên tựa như là vừa đạp nhằm tổ kiến lửa, phản đối – Thôi đi, Đại ca ơi! Em thấy... tối nay không tiện: em sợ...
- Sao lại không tiện? Sao lại sợ? Nghe ta hỏi đây: mày bao nhiêu tuổi rồi, hở Kha?
Kha ngơ ngác vì câu hỏi kỳ quặc: đang bàn chuyện ăn trộm lại đi hỏi tuổi! Song Bụng tiếp liền, không cần đợi Kha trả lời:
- Mày bây lớn mà sợ ba đứa con nít bằng ba củ khoai, không biết nhục sao?
Kha nóng bừng mặt, gân cổ cãi:
- Giỡn hoài! Đừng khi em quá vậy chớ, anh Ba! Anh cho em là hạng người gì mà lại sợ ba đứa con nít bằng ba củ khoai?
- Hừ, không sợ! – Giọng Ba Bụng đay nghiến – không sợ mà... chính mày vừa nói rõ ràng: mày nói không tiện, mày sợ...
- Để em cắt nghĩa cho anh biết: Em sợ là sợ tụi nó sợ mình, anh biết chưa? Đó, anh nghĩ coi: con nít con nôi đang ngủ mà giữa khuya giật mình thấy người lạ vô nhà, cha mẹ thì đi vắng, làm sao chúng không điếng hồn đi? Có phải tội không?
Bụng không dằn lòng nổi nữa, hắn ta hét dựng lên:
- Thôi dẹp! Dẹp lại! Đừng chọc tao nổi điên giờ, thằng ngốc!
Kha cũng nóng theo:
- Đừng có hét to lên! Cảnh sát họ nghe thì sao? Anh khôn chỗ nào đâu? Được rồi, thằng này sẽ hợp tác làm ăn với anh, mà xin anh đừng có mỗi chút mỗi mắng mỏ thằng này...
Bụng đấu dịu:
- Thôi, anh xin lỗi, tánh anh cũng hơi... bậy. Em đừng chấp. Thôi, giờ bàn kỹ lại, nghe? – Em tính sao, hay là em có ý kiến gì tốt hơn?
Giọng gã ngọt ngào. Kha dấm dẳng:
- Thằng này không có ý kiến gì ráo. Thằng này nói cho anh hay: làm gì thì làm bây giờ chớ tối thì chưa chắc, thằng này không ưng làm chuyện bất nhân.
Bụng biết là không phải lúc giở giọng đàn anh, bèn cười cười:
- Được, anh đồng ý, biết chừng bây giờ mình làm ăn liền, cần gì đợi tới tối? Em nói phải, anh nghĩ lại rồi. Anh tuy vậy chớ cũng biết chuyện lắm, em à! Anh cũng có con, làm sao anh không biết thương con nít? Làm cho con nít sợ, mang tội chết...
Miệng nói vậy, nhưng bụng hắn nghĩ khác: "Được rồi con ơi! Tao nhịn mày vì tao đang cần mày. Rồi đây, mày sẽ thuộc quyền sai khiến của tao, tao biểu mày nhảy vô lửa e cũng không dám cãi chớ đừng nói chuyện làm việc trong đêm".
Hắn lại cười:
- Như vậy là mình đồng ý trên nguyên tắc, há? Thôi thực hành liền đi cho rồi. Thì giờ là vàng bạc, em Kha! Em vô bấm chuông đi!
- Coi! Sao lại em? Anh vô chớ, em canh chừng chớ?
- Ủa, nãy giờ mày nghe tao bàn tính rồi mà?
- Thì em nghe chớ sao, mà em tưởng là anh vô còn em thì đứng ngoài... Em đã biết gì đâu, em chưa có kinh nghiệm, lỡ tụi nó biết mình là kẻ gian thì nguy.
- Vậy sao mày nói là sẽ giúp tao, hợp tác làm ăn?
- Thì em đứng canh chừng, có ai vô, em báo động, anh còn đòi em làm gì nữa? Em đã nói em chưa có kinh nghiệm...
Bụng phủ dụ:
- Này em, nghe đây: không cần gì nói đến kinh nghiệm. Sở dĩ anh biểu em vô là vì em ốm, lại hợp với thân hình một anh thợ xịt thuốc mối... hiểu không?
- Tại sao em ốm lại hợp với thân hình anh thợ xịt thuốc mối? Em không hiểu gì hết...
- Thiệt tao hết hơi với mày. Đây nè: thợ xịt thuốc mối thì suốt ngày leo lên leo xuống trên thang đặng xịt thuốc mối ở trần nhà, ở tầng lầu, làm sao mập nổi như tao? Tao mà vô, tụi nhỏ sẽ sinh nghi, hỏng chuyện sao? Biết rõ chưa? Em Kha?
Cứ mỗi bận Bụng xuống giọng kêu em là Kha lại mềm lòng, cảm động. Nhìn nét mặt Kha, tên lưu manh biết cá đã cắn câu, giọng hắn buồn buồn:
- Thiệt bực mình, anh mà có cái thân hình ôm ốm như em, anh không phải xuống nước năn nỉ với em đến mức này, anh hành động một mình cho khỏe thân...
- Thôi được rồi! Tôi sẽ vô nhà đó. Anh nói lằng nhằng, chịu không nổi
Xem tiếp CHƯƠNG IV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét