Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

CHƯƠNG III_MÁU ĐÀO NƯỚC LÃ

III


Về nhà trọ, chị Mai lầm lì không thèm nói gì nữa, chị thay áo để ra phố sắm sửa, mai về. Chị dặn tôi trước khi đi: 

- Hễ anh xe kéo có lại thì nói ảnh mười một giờ tao về nghe không? Nói ảnh muốn chờ thì ngồi chờ, còn không thì cứ về, tới trưa trở lại gặp tao. 

Nghe nói, tôi biết ngay là ngày mai chị sẽ về bằng xe kéo. Chắc mình được đi xe kéo quá? Tôi hỏi thầm và rất thích thú trong lòng. Thuở giờ tôi chưa được đi xe kéo lần nào hết. Ngồi trên xe kéo mà ngắm phong cảnh hai bên đường thiên lý thì... phải biết! Thế là tôi quên phắt chuyện buồn trọng đại của đời tôi đi, trong giây lát. 

Suốt buổi sáng đó tôi tha thẩn chờ ngóng anh xe kéo, náo nức y như hồi còn mẹ chờ bánh sau buổi chợ, cho đến 12 giờ chẳng thấy tăm bóng anh ta. 

Vào khoảng xế trưa, cơm nước xong, tôi ngồi giặt áo, thì anh ta đến. Tôi se sẽ dừng tay, lắng nghe chị Mai mặc cả. Chị trả một đồng, anh ta đòi đồng tư. Chị cao giọng: 

- Thôi, một đồng là quá rồi, anh kéo tôi ra tới Mũi chớ mấy? Từ Mũi về Mũi Né tôi phải tốn tiền đi võng nữa, chớ bộ anh tưởng... ăn chi mắc vậy? Anh tính đi: một đồng xe kéo, một đồng võng là hai đồng, ít ỏi gì sao? Không... ấy thì tôi đi ghe cho đỡ tốn, đi ghe anh biết bao nhiêu không? Hả?

Không đợi anh ta trả lời, chị nói tiếp: 

- Có một cắc rưỡi thôi, hai cắc là cùng. 

- Cô nói! Mùa này Nam lớn, đi ghe khổ chết, đó là chưa kể rủi ro... 

- Khéo lo, bộ người đi ghe người ta chết hết chắc? Chưa gì lo trù ẻo… 

Giọng chị Mai trở thành chua chát, hằn học. Anh xe đấu dịu: 

- Dạ, cô miễn chấp. Đó là tôi nói rủi ro chớ đâu dám nghĩ quấy? Dạ! Con người ăn cơm chớ phải con bò con chó gì sao. Dạ, mà cô nghĩ coi: một đồng tư hai mẹ con... (anh ta vừa nói vừa chỉ vào tôi) thì cũng... 

- Không! Đâu phải thằng này, nó là em tôi. Thằng con tôi ở trên nhà bà nội nó kìa, lát nữa vú nó mới ẵm xuống đây. Nó mới ăn thôi nôi, bằng củ khoai mà kể hai nỗi gì? 

- Vậy hả? Nãy giờ tôi cứ tưởng thằng này chớ. Vậy sao hồi nãy tôi nghe nói nó cũng về ngoãi? 

- Thì nó về chớ sao! Mà điều (tôi nín thở dỏng tai lên) tôi gởi nó theo ghe người quen. 

Nghe chị Mai nói, tôi lạnh toát cả người. Tôi sẽ đi ghe? Một mình? 

Cái bài hát mà bọn học trò chúng tôi thường hát mừng ông Công Sứ Tây và một ông quan lớn người mình, ông quan bận áo gấm xanh xanh có từng chiếc hoa to tròn lớn bằng cái bát đó, bỗng vang lên mồn một trong đầu tôi, rành mạch, nhịp nhàng:

"Muôn đội ơn lòng, 
Hai cụ đồng tâm, 
Mở con đường mới: 
Tiện nẻo giao thông 
Phan Thành – Khánh Thiện. 
Kìa (là kìa) ngày trước 
Qua mùa Nam khó nỗi (mà) dùng ghe. 
Sự (cái sự) ra vào trăm bề (là bề) bất tiện..." 

Chết tôi rồi! Chị này cố giết tôi mà! Chị này muốn trấn nước tôi đây mà! Tôi nghĩ thầm một cách uất ức, nghẹn ngào. (Thật tình là lúc đó tôi quên rằng mình đã một lần toan nhảy xuống sông). Tôi hết sức lo sợ. Anh xe vụt nói: 

- Ối! Nó xương không! (anh ta gục gặc đầu trong lúc ném cho tôi một cái nhìn ước lượng) tôi kéo nổi ba mạng mà. Bây giờ tôi tính vầy, cô chịu không? 

- Tính gì nữa? 

- Cho tôi thêm một cắc đi! 

- Một cắc? Vị chi là đồng mốt phải không? 

Anh xe cười hì hì, gãi đầu gãi tai: 

- Dạ không, đồng rưỡi chớ. 

- Anh này nói nghe kỳ không? Bộ điên sao? Đồng tư ta chưa chịu giờ lại tăng lên đồng rưỡi, anh tưởng đất Phan Thiết này có một mình anh biết kéo xe sao? 

- Dạ, tôi nói vậy là tính cho gọn đó chớ, tôi kéo luôn vừa cô, vừa em nhỏ, vừa cả thằng này. Nó khỏi đi ghe, phải khỏe không? Đó, cô coi, như vậy mắc mỏ gì đâu? Cũng như tôi tính phần nó có một cắc chớ mấy, in như đi ghe vậy, cô tính lại coi, coi! 

Đề nghị nghe mát tai quá! Biết chừng chị Mai xiêu lòng cũng nên. Tôi quay nhìn chị, mắt đăm đăm không rời miệng chị, song chị lại ra lệnh cho tôi đi ủi áo dài cho chị, vậy là tôi chẳng biết giá cả ra sao. Tuy nhiên, bụng chắc mẩm thế nào mình cũng được đi xe kéo. Ờ! Phải! Mình xương không! Nghĩa lý gì? Thêm có một cắc bạc chớ nhiều nhõi gì mà chị Mai tiếc chớ? Rõ ràng anh xe có nói mà.

*


Cơm chiều xong, chị Mai gọi tôi lại, nói bằng giọng lạnh ngắt: 

- Sinh! Sửa soạn ra ghe. Để quần áo sách vở đó tao đem về cho. 

Tôi sững sờ, sợ xanh cả mặt. Trời ơi! Vậy là?... Không cho tôi đi xe kéo thì thà để tôi đi bộ thì hơn. Hồi vô đây học tôi phải đi bộ song tôi không thấy khổ chút nào. Đi dọc theo bờ biển tôi còn thấy thích là khác. Thỉnh thoảng gặp một vườn dừa, ngừng lại ngắm nghía, vui ra phết. 

Trưa, ngồi dưới bóng cây, giở cơm vắt ra ăn với muối mè, càng nhai càng nghe vị ngọt của gạo đỏ thấm sâu vào vị giác, ăn không thấy chán. 

Rồi trong lúc mấy người lớn lăn ra ngủ, tôi ngồi lặng, lắng tai nghe tiếng sóng vỗ rào rào, bọt trắng xoá tung lên như những dải lụa sáng ngời dưới nắng. Đàn chim bói cá chao lượn rập rờn trên mặt sóng. Gió từ ngoài khơi lồng lộng thổi vào, đập mạnh lên các tàu dừa kêu lên phần phật, soàn soạt... 

Cát trắng xóa, trải dài dọc theo bờ biển, thẳng tắp, lấp lánh dưới ánh mặt trời đứng ngọ, nhìn lóa cả mắt đi kìa, trời ạ! 

Xa xa, vài chiếc thuyền căng thẳng những cánh buồm trắng ngà, no gió. 

Biển thật đẹp song cũng hiểm ác với người ta biết chừng nào. Tôi thường nghe chuyện thuyền chìm người chết hằng ngày: thỉnh thoảng một đứa học trò trong lớp tôi vắng mặt vì cha, anh nó mất tích trong đêm, ở ngoài khơi, trong khi đánh cá hoặc trong một chuyến chở hàng bằng hải đạo. Vậy mà tôi không ngờ có một ngày tôi lại là một nạn nhân của biển cả hiểm ác kia. Tôi đâu muốn làm mồi cho cá mập? 

Chị Mai ơi! Tiếc chi một cắc bạc mà không cho em được đi cùng với chị? Tóc chị giống tóc mẹ em, sao chị không biết thương em? Tôi muốn kêu lên như vậy song vẫn làm bộ tỉnh, hỏi: 

- Chừng nào chị về? 

- Tao với em Tùy mai về, mày về trước đi! Lên ghe ngủ một giấc, sáng sớm ra tới nhà liền, khỏe ru. 

Hừ khỏe ru! Khỏe sao chị ấy không đi chỉ bắt mình tôi đi thôi? Đồ quân ác! 

- Mày về sáng thì chắc chiều tao mới tới, nhớ thưa cho ở nhà biết, đừng trông. 

Tiếng nhà của chị Mai làm cho tôi nhớ tới cái địa ngục đang mở rộng cửa chờ tôi. Thốt nhiên tôi thấy lòng bình tĩnh lạ lùng không chút nào hãi hùng lo sợ về chuyện đi ghe nữa. 

Trở về đó hay chết có khác chi đâu? Tôi đã thôi học rồi mà. Còn gì nữa để tôi hy vọng? Không cha, không mẹ, không một người thân thuộc mến yêu... đời tôi kể từ đây coi như là một chuỗi dài những ngày đọa đày, khổ nhục. Tôi muốn chết, không có gan tự tử, thật vậy, nhưng nếu chết bất ngờ thì cũng đành cam, chẳng mảy may luyến tiếc. 

Nước mát mẻ sẽ vỗ róc rách vào xác tôi? Sóng dữ dội sẽ quật mạnh vào xác tôi? Cá mập sẽ nuốt trọn thân hình bé nhỏ của tôi? Hàng chục, hàng trăm loài thủy tộc khác, nhỏ hơn cá mập sẽ rỉa rói từng lóng xương, từng mảnh da, sợi tóc? Sao cũng được, tôi chẳng cần chi, bởi tôi đâu còn biết đớn đau gì nữa? Hồn tôi vượt lên, vượt lên cao, lơ lửng tận trời xanh tựa như những đám mây nõn nà trắng lốp trên trời mà tôi thấy trong những ngày mùa hạ? Tôi sẽ gặp mẹ tôi? 

Vâng! Tôi sẽ xa lánh cái cõi trần đầy oan khổ, cõi trần mà các ông văn sĩ thường gọi là "biển khổ" mà trước nay tôi cứ không chịu nhận? 

Rồi tôi lại tưởng tượng ra cảnh khác: xác tôi không bị cá rỉa, mà sình trương lên, tấp vào bờ, để cho người ta nhận ra tôi. Người ta sẽ báo tin cho cậu mợ, cả nhà sẽ nhốn nháo lên vì xót thương, sợ hãi và hối hận. Ồ! Không! Thốt nhiên tôi lại thấy nghẹn cứng ở cổ, xót xa thấm thía trong lòng: tôi biết rằng không một ai xót thương và hối hận sau cái chết của tôi đâu. Có chăng là sự sợ hãi, nhưng mà không, tôi cũng không "thèm" nghĩ đến chuyện báo thù. Tôi "mệt" quá rồi muốn được nghỉ ngơi hoàn toàn bên mẹ tôi thôi. Tôi ghét "mấy người" đó cho đến nỗi không bao giờ muốn nghe nhắc đến tên, muốn nhìn thấy mặt, muốn nghe lời họ nói, dù là một lời xin lỗi, một câu tử tế ôn tồn. 

Với tâm trạng ấy, tôi lầm lũi ra ghe không thèm cả một lời chào ông bà chủ trọ. Ừ! Ông ấy hãy cứ cho là tôi mất dạy. Tôi cóc cần cải chính, tôi cóc cần lưu lại trong lòng bất cứ ai một chút cảm tình. Tôi sắp chết và muốn xóa sạch trong lòng mọi người tất cả những gì họ có về tôi: lòng thù ghét, sự thương hại, sư dửng dưng, ích kỷ. Ngay cả thầy giáo lớp ba của tôi, tôi cũng không muốn ông nhớ thương đến tôi làm chi nữa.

*

Trời đứng gió. Khoang thuyền hẹp, mui úp chụp xuống như một cái lồng bàn. Trên sàn thuyền cả chục người chen chúc nhau, tựa y như mấy con cá chen nhau trong cái hộp thiếc hình chữ nhật mà đôi khi tôi thấy cậu mợ mua ăn với bánh mì. 

- Xích vô một chút cho thằng nhỏ nó nằm với, bà con! 

Ông lái du tôi vào khoang thuyền và nói to lên như thế. Bà con càu nhàu không thành tiếng, song rồi họ cũng xích ra. Tôi nghe gan ruột cồn cào lên chực nôn, nên cái khoảng trống mà bà con nhường cho đâu chỉ bằng cỡ gang tay người lớn, song tôi không ngại chi, vội vàng nằm chuồi xuống – nằm nghiêng – và cố giữ cho mình nằm yên không cựa quậy, nhúc nhích chi. Tôi hết sức thu mình cho nhỏ lại, im lặng để khỏi làm phiền, làm rộn bà con! 

Ấy thế, nhưng mà bà con vẫn không vừa lòng, ba bốn tiếng "xùy" nổi lên rồi tôi nghe tiếng "hừ" và một giọng nói đầy phẫn nộ: 

- Cha chả! "Nhà giàu" mà cũng chen xuống đây giành chỗ kẻ nghèo làm chi cà? 

Tôi không dám mở mắt nhìn xem người thốt ra câu đó là ai. Một thứ mùi rất đặc biệt xông lên, ập vào hai lỗ mũi làm tôi càng khó chịu: tanh tưởi, hôi một thứ hôi rất đậm đặc của cá, dầu cá và dầu trét ghe trộn lẫn nhau; khê nồng, chua chua của mồ hôi người thấm sâu vào quần áo lâu ngày không giặt giũ; ngai ngái là mùi lưới cũ... 

Ruột gan tôi bỗng chốc lại cuồn cuộn lên, tôi vội vàng lấy tay che miệng lần ra ngoài, thò đầu trên mặt nước nôn thốc, nôn tháo. Nôn xong lớp này, tôi dựa vào be thuyền nghỉ chưa bớt mệt đã lại phải nôn tiếp thêm lớp khác. Hết thức ăn, tôi nôn cả chất mật đắng mà vẫn chưa hết muốn nôn. Mồ hôi tuôn ra như tắm, tay chân tôi lạnh ngắt, bủn rủn cả người. Tôi bò vào khoang thuyền, nằm vật xuống, xong tôi thấy ngạt thở vì cái mùi hôi đậm đặc, tanh nồng đó. Ngay dưới lưng tôi, từng thớ gỗ ván sàn thuyền như cũng thấm sâu mùi đó, "ăn" sâu vào quần áo tôi... Tôi đành lồm cồm bò ra, nằm bừa ngay dưới những tay chèo, mệt lả... 

Thuyền tách bến lướt nhẹ trên sông, trườn mình tới thoăn thoắt, êm êm làm tôi liên tưởng đến giọt nước lăn chuồi trên chiếc lá môn mà tôi thường trông thấy lúc ở nhà. 

Một hơi gió thoảng qua làm tôi nghe khoe khỏe được một chút và tôi thiếp đi. 

Rồi lại tỉnh. Cứ chập chờn như vậy mà mỗi bận mở mắt lại thấy mình bị nhồi lên nhồi xuống như viên bột, thấy bầu trời đen thẫm, đặc nghịt những vì sao lấp lánh, nháy nhó nhau một cách kênh kiệu chế giễu tôi. 

Tôi không còn mê say ngắm như thói quen trước nay, không còn cho đó là một cảnh đẹp và kỳ diệu nữa. 

Biển lặng. Tiếng rì rào từ ngoài khơi vọng lại nghe đầy đe dọa y như một kẻ hiểm ác đang vờ làm bộ hiền lành, nhưng nét mặt hắn không thể nào che giấu được. 

Thỉnh thoảng mấy tay chèo vung vẩy làm nước biển bắn tung cả vào người tôi, vào miệng tôi mặn chát. 

Tôi thấy đêm sao dài quá là dài. Tôi ngủ đến "no" đến "ứ". Trước nay đối với tôi đêm luôn luôn ngắn, đông cũng như hè, mùa nắng chẳng khác mùa mưa, không bao giờ tôi được ngủ cho đẫy giấc. Lúc nào tôi cũng cảm thấy như vừa mới chợp đi một lát đã bị lôi cổ dậy để hoặc xuống bếp, hoặc lên vườn nếu không là tưới cây, ra ruộng. 

Nước va vào mạn thuyền nghe ranh rách thật êm tai. Những mái chèo đều đều khuấy nước, dây quai chèo bị vặn chặt kêu lên rít róng như một quỉ dữ nghiến răng, nghe lạnh cả người. 

Trời vẫn đứng gió và không có sóng. Thuyền lướt êm như còn ở trên mặt sông theo nhịp chèo. Các cánh buồm đều cuộn tròn lại như những cuốn lụa mợ tôi thường mua của mấy người Cao Miên bán dạo. 

Tôi hồi hộp nằm chờ sóng nhưng sóng không tới mà gió hiu hiu làm giấc ngủ lại phủ chụp lấy tôi.

Bỗng, tôi giật mình, mở choàng mắt vì có ai dẫm lên cánh tay tôi. Gớm! Tôi tưởng nếu tôi không tỉnh dậy và kêu lên kịp thì bàn chân to lớn kia sẽ làm gãy vụn cả xương cánh tay tôi. 

Nghe tôi kêu lên oai oái, chủ nhân bàn chân kia sừng sộ: 

- Bộ chỗ này là chỗ thằng dịch vật nằm ngủ hả? Nằm trong kia kìa, ôn con! Ta đạp dẹp ruột mày ra chớ la rống gì? 

Tôi riu ríu bò dậy nhưng vẫn không chịu bò vô khoang thuyền. 

Sóng cao dần, các mái chèo đều gác lên. Buồm hạ xuống. Ông lái ngồi sừng sững đằng lái, miệng ngậm điếu thuốc đang cháy dở, mỗi lần ông bập bập thành tiếng, điếu thuốc cháy đỏ rực soi rõ khuôn mặt sạm đen của ông ta làm tôi lại nghĩ rằng nắng với nước biển làm da ông mặn và khô quéo lại! 

Sóng càng lúc càng cao và thuyền chao đảo nghiêng hẳn về một phía, bọt sóng tung ướt cả ông lái lẫn tôi. Tôi muốn kêu lên mà lưỡi ríu lại khi thấy mực nước cách be thuyền cỡ nửa gang tay người lớn. 

- Mẽ! Kỳ này chở "khẳm" quá! Ham chi dữ! 

Một anh bạn ghe lên tiếng, lập tức anh dẫm tay tôi gạt liền: 

- Khẳm cái khỉ khô! Đi biển cả đời mà cũng còn ngu! 

- Mắng ai ngu? Mậy? 

Giọng ông lái cất lên, át cả tiếng hai người cãi nhau: 

- Ganh! Ganh! Bay! 

Lập tức tiếng cãi nhau im bặt rồi trong chớp mắt tôi thấy một cây gỗ dài được bắc ngang thuyền, chìa ra mặt nước non nửa thước tây. Một trong hai người ấy nhảy lên ngồi chễm chệ trên đó, phía bên be thuyền nhô cao, chìa ra mặt nước y như con chim đậu trên một cành cây trụi lá! Tôi ngơ ngác một phút rồi chợt hiểu rằng họ ngồi như vậy cốt lấy thăng bằng. 

Thuyền vẫn phăng phăng rẽ sóng, nhưng con sóng cao lù lù chồm tới, hung hăng như một con trâu điên, như nhấc bổng thuyền lên, rồi nhận chìm xuống dưới cái hang sâu hun hút, đen ngòm. Sự sợ hãi làm tôi đờ người, nhắm kín hai mắt lại, những tưởng phen này thì tận số... Nhưng rồi tôi mở mắt ra vẫn thấy thuyền chưa bị sóng nhận chìm. Kỳ một cái nữa là không ai có vẻ sợ hãi gì, họ hơi nghiêm trang một chút, vậy thôi. Ông lái thì kềm cứng tay lái trong cánh tay vạm vỡ của ông, vẫn một dáng điệu lầm lì, như thách đố những con sóng dữ. Tôi lờ mờ hiểu rằng tính mạng tất cả mọi người đều giao ở tay ông. Ý nghĩ đó làm tôi thót cả ruột gan. 

Điếu thuốc lá to cự đại nằm ngay ngắn giữa đôi môi ông, đỏ bừng lên từng hồi theo hơi rít vào của ông ta. 

Tôi chóng mặt dữ tợn nhưng không mệt chút nào, có lẽ sự sợ hãi lấn át cái mệt đi chăng? Tôi không dám nằm mà cũng không nhắm mắt nữa. Ngộ thuyền nghiêng như lúc nãy, nó dám "trút" tôi xuống biển chứ đâu phải lơ mơ. Tôi ngồi yên, tay nắm cái cột chèo, thủ thế. 

Lúc đó, thú thật là tôi quên hết, quên tuốt. Bị thôi học, bị hành hạ, đòn bọng, nhiếc mắng, chửi bới... Tôi chỉ còn mong sao cho chóng sáng, vì nghĩ rằng dù có bị rớt xuống biển mà giữa ban ngày cũng dễ được cứu thoát hơn. Không những thế, tôi tưởng mình có thể chịu tất cả hành hạ về tinh thần, thể chất, miễn là được SỐNG.

*

- Dậy đi! Dậy! Tới rồi, công tử! 

Nghe tiếng kêu, tôi bàng hoàng dụi mắt ngồi lên. Mặt trời từ dưới nước cũng trườn lên được một nửa, có nhiều tia sáng bao quanh trông tựa cái quạt khổng lồ màu đỏ đang xòe ra vậy. 

Cây đòn ganh biến mất, trong khoang trống vắng, mọi người lên bộ từ bao giờ. 

Tôi thoáng nghĩ: chắc mình nằm mê? Chợt, ông lái cười hề hề, hỏi: 

- Hồi khuya mày sợ không, con? 

Câu hỏi đó làm tôi biết ngay rằng không phải tôi mơ, mọi chuyện đều là sự thật! Hú vía! Tôi cũng cười lỏn lẻn: 

- Dạ, sợ chớ! Ghê quá đi. 

Tôi khát khô khốc cả cổ, bèn lại gần vại nước, vơ cái gáo dừa khoắng vào trong, khoắng tận đáy, vậy mà vẫn chưa thấy đụng tới nước. Ông lái lại cười: 

- Hết nước rồi, con ơi! Thôi rán về nhà uống, nghe con! 

Tôi buồn rầu, lặng lẽ buông gáo đứng lên không cả chào ông và nói cảm ơn, (tôi biết rằng chị Mai "gởi" tôi đi không, chứ không tốn xu nào hết). Bước ra thanh gỗ dài bắc từ be thuyền thẳng lên bờ, thanh gỗ oằn xuống cong vòng dưới mỗi bước chân, làm tôi lại một phen kinh hoảng. 

Được đặt chân lên đất liền, đáng lẽ tôi mừng lắm, song chẳng hiểu tại sao tôi lại dửng dưng, không mảy may vui thích. 

Tôi nhìn quanh rồi cúi đầu rảo bước. Đầu óc trống rỗng, thân thể mệt nhoài, tâm trí hoang mang, tôi cứ bước tràn không cần suy nghĩ... 

Đi một lát tôi mới hoàn toàn tỉnh táo, nhìn quang cảnh xung quanh, thấy lạ quá, tôi đâm lo. "Coi chừng lạc" có một tiếng nói mơ hồ vọng đến tai tôi làm tôi gờn gợn sợ, lại dừng chân nhìn quanh lần nữa. Chẳng một bóng người quen. Cho đến chòm cây, bụi cỏ, con đường, nhà cửa... tất cả đều có một vẻ lạ lùng bí mật. 

Tôi còn đang ngơ ngác thì từ xa một cô gái thoăn thoắt đi lại phía tôi, vai vác cái rựa và miệng thì nhai trầu chanh chách, chanh chách không ngừng. Môi chị ấy đỏ quạch lên, trông chị ấy nhai, tôi phát thèm và cơn đói như ngủ quên vùng chồm dậy, cắn xé trong bụng tôi. Tôi vội ru ngủ nó lại bằng ý nghĩ này: 

- Ối! Ngon lành gì thứ đó, đừng thèm! 

Và tôi hỏi chị ấy con đường về nhà cậu. Tôi đoán rằng nhà cậu tôi giàu có lớn, chắc ai cũng biết. Quả vậy, nghe tôi hỏi chị ấy vui vẻ: 

- Nhà ông C. đâu ngả này? Em đi lộn rồi đó. Trở lại phía kia, cứ đi thẳng một mạch chừng nào cho tới động cát, qua khỏi động cát, tới cái xóm nhà rồi em cứ việc đi thẳng óng tới... 

- Dạ đi thẳng hoài? 

- Ờ! Cứ đi thẳng cho khỏi xóm một đỗi thì tới cái điếm canh. Nhớ không? 

- Dạ em nhớ rồi. 

- Nhớ cho kỹ, tới điếm canh thì quẹo qua tay trái, đi một đỗi nữa là tới nhà trường... 

- Cảm ơn chị, (tôi reo lên) từ trường về nhà thì em biết rồi, khỏi chỉ. 

- Ờ, vậy thì tốt. Thôi, đi lẹ lên chớ không, nắng lên mệt lắm. 

Chị quày quả đi liền. 

Ước gì mình có một người chị như chị ấy? Tôi mơ màng nhìn theo dấu chân chị in trên cát, nghĩ.

Theo hướng chị ấy chỉ, tôi cứ đi thẳng, thẳng óng. Đi hoài... 

Thỉnh thoảng ngang mấy ngôi nhà lá dọc đường, tôi thấy vài đứa trẻ bụng to kềnh, tay chân khẳng khiu, đứng trố mắt nhìn tôi một cách tò mò. Vài người đàn bà ngồi trên bậc thềm xõa tóc, bắt chí cho nhau, hoặc cho mấy đứa con gái bằng cỡ tôi. Tụi nó đứa nào tóc cũng khô rốc, hoe đỏ y như râu ngô dưới nắng, dơ dáy không kém mấy đứa trước sân. Tụi nó áo quần coi lại còn tệ hơn tôi, đứa thì mặc quần đùi bạc phếch của cha kéo lên tận ngực, kiêm luôn áo, đứa thì mặc áo cánh của mẹ dài chấm gối, thế luôn quần. 

Nhưng mà nhìn chúng, tôi biết rằng chúng sung sướng hơn tôi, vì những người đàn bà nhìn chúng bằng cái nhìn rất là âu yếm làm tôi thở dài, vừa ước ao vừa ganh tị. Tôi chợt nhớ lời phê phán của cậu tôi mỗi khi ông nhìn thấy cảnh ấy:

- Dân An Nam dơ dáy! Hèn chi Tây người ta khinh cũng phải!

Và lời mỉa mai của mợ tôi:

- Đẻ! Đẻ như heo mà không biết nuôi, biết dạy.

Ban đầu thoạt nghe, tôi cũng nghĩ theo cậu mợ tôi, cho là Tây người ta chê phải lắm. Bây giờ không thế. Tôi chống đối lại, dĩ nhiên chống đối thầm thôi! Giá nói được, tôi nói thế này với cậu:

- Còn cậu, cậu là dân gì đó mà chê dân An Nam, cậu dân Tây chắc?

Và với mợ:

- Còn mợ, nuôi dạy tử tế gì đâu mà chê người ta?

Nhưng tôi không bao giờ dám nói câu trên với cậu, còn với mợ thì tôi biết rằng mình nói sai: mợ đâu có coi tôi là con, đâu sinh đẻ tôi mà nuôi dạy tử tế như con mợ?

Vài con chó gầy guộc bày những bộ lông xơ xác thấy tôi liền chồm tới, hực hực lên vài tiếng rồi lại nằm xuống như không đủ sức làm dữ hơn. Chúng làm tôi nhớ đàn chó nhà cậu tôi, con nào cũng to lớn, lông dày kịt, láng mướt như có bôi dầu, lúc nào cũng sẵn sàng lao vào người lạ nhất là khi thấy người lạ đó rách rưới nghèo nàn. "Chó cũng biết khinh người". "Chó nhà giàu có khác" nhiều người nói vậy. Thoạt nghe tôi giận lắm, dần dần thì tôi thấy họ nói đúng, hết bất bình.

Chỉ khổ thân tôi: không phải là con nhà giàu để mà được hưởng sự sung sướng, lại còn bị xung quanh nhìn bằng con mắt đầy ác cảm. Lại cũng không được làm con nhà nghèo, con hạng đẻ như heo để cam chịu thiếu thốn về vật chất mà được bù đắp về sự thương yêu. 

Tại làm sao tôi lại chịu nhiều thiệt thòi như vậy? Sao tôi khổ vậy? Tôi thua cả Nghi Xuân, Tấn Lực trong vở tuồng Phạm Công, Cúc Hoa: tụi nó còn được mẹ hiện hồn về vuốt ve, bắt chí cho. Chớ tôi chưa thấy một lần nào mẹ hiện về an ủi vỗ về! 

Mãi nghĩ lan man tôi đã ra khỏi xóm nghèo kia và tiến lại gần động cát. Cát trắng xóa, mịn màng, mênh mang, thẳng tắp. 

Nắng cao dần, mồ hôi bò xuống cổ, xuống lưng, xuống áo. Tôi bắt đầu thấm mệt, mỏi chân. Dần dần mỗi bước chân tôi y như bị cát lún xuống và kéo lại một chút. Không một bóng cây. Động cát trước mặt cao lên, che khuất tầm mắt tôi, vài bụi cỏ lơ thơ, héo quắt dưới ánh mặt trời miền biển.

Cát nhấp nhô từng lượn như lượn sóng, như sắp hàng đuổi theo nhau nhưng không bao giờ bắt kịp nhau, luôn luôn cách nhau một khoảng giữa đều tăm tắp. Cát sáng trưng, lấp lánh trong nắng chói lòa. 

Càng thấy mỏi tôi càng phải nhanh chân hơn, cát nóng bỏng y như vừa trút ra khỏi nồi rang. Cát càng phút càng nóng dữ dội, mặt trời càng chói chang hơn. Bóng tôi gần đứng thẳng theo người tôi, tôi muốn nằm lăn xuống đó, nghỉ một lát cho đỡ mệt, mà không dám. Chân tôi chai dày thế kia còn không chịu nổi làm sao tôi dám nằm xuống kia, chứ? 

Tôi thất thểu bước, vừa bước không ngừng vừa hối hận: tại sao ban sáng đi ngang xóm nghèo lại không tạt vào xin nước uống? Mấy con chó gầy trụi lông, ốm đói với đàn trẻ thiếu áo thiếu quần và cả những người đàn bà xõa tóc nữa, chắc họ đều rộng lượng, không chỉ tiếc gáo nước lã đâu. Vả lại, họ có gì để mà nghi ngờ, mà sợ mất? Chống cửa lên, gió lọt vào cửa trước chạy thẳng thông thống ra cửa sau. 

Cổ, môi, mắt tôi đều ráo hoảnh. Cơn đói bây giờ chồm lên lần nữa, mãnh liệt hơn ban nãy và tôi không biết làm gì để ru ngủ nó như lúc gặp chị nhai trầu. 

Mặc kệ đói, khát, mỏi, mệt, tôi cứ bước tràn. Con bóng dưới chân ngã nhoài ra phía sau, ruột gan cồn cào lên dữ dội. 

Trước mặt tôi thấp thoáng những ngọn cau cao lêu đêu, thẳng tắp. Thôn xóm kia rồi. Như được tiếp sức tôi lại cắm cúi bước mau. Bây giờ tôi thấy yên lòng lắm, chân chậm lại, tôi đi dưới vòm cây xanh, hơi nóng trong áo quần tôi bốc ra hâm hấp. Không biết còn gần hay xa mới đến trường? Gió lao xao chạm vào lá cây trên đầu tôi, ánh sáng được lọc qua màn lá cây trở thành dịu lại, làm tôi khoan khoái. Thôn xóm nơi này có vẻ sung túc, tươi mát hơn xóm nghèo ban sáng. Trong lúc tôi còn đang so sánh thì bỗng từ xa vang lại một loạt trống trường. 

Tôi mừng cuống, chạy bay về hướng đó như muốn đuổi theo nó vậy. Tôi quên cả mệt, chạy mỏi, lại đi, đi thấy lâu quá, lại chạy. 

Thế mà hồi trống vô lớp vang dội lại tai lần nữa, tôi vẫn chưa ra khỏi xóm. Tuy nhiên tôi quyết định chừng nào thấy trường rồi mới dừng lại nghỉ chân.
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét