Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

CHƯƠNG 4_CHIẾC BẪY KỲ NHÔNG

4


Những ngày sống với bà Tám – bà cụ ân nhân đã cứu nó đêm nào – thằng Xù hoàn toàn sung sướng, như những ngày nó còn ở với mẹ nó trong gian nhà tranh lụp xụp. Nó được cắp sách đến trường ê a học đọc, học viết. Lớp nó có nhiều đứa thật ít tuổi, mỗi khi thấy nó là bàn tán: 

- Thằng đó lớn rồi mà còn đi học lớp mình, dở ẹc. 

Thằng Xù nghe vậy nhưng vẫn lặng yên, chăm chỉ học. Nó nghĩ đến gương mặt hiền hòa của bà Tám và thấy yên tâm hơn. 

Ra khỏi lớp học, thằng Xù ôm tập chạy nhanh trên con đường quen thuộc. Đường từ trường về nhà khá xa, nhưng nó đã quen rồi. Nó vẫn cắm cúi chạy. Bỗng có tiếng gọi: 

- Ê, Xù ơi Xù. 

Nó đứng lại dáo dác nhìn quanh, chợt nhận ra thằng Xuân, nó mừng rỡ chạy lại bên bạn. 

- Mày đi đâu về đó? 

Thằng Xù hãnh diện chỉ cuốn tập trên tay: 

- Tao đi học. 

Xuân tròn mắt: 

- Mày đi học à? Sướng quá há. Bây giờ mày ở đâu? 

Chợt nhớ thằng Xuân chưa biết gì về cuộc sống hiện giờ của mình, thằng Xù vội kéo bạn ngồi xuống mô đất bên đường, kể lại hết những gian nan mà mình gặp phải, rồi đến bây giờ, được sung sướng bên cạnh bà Tám ra sao. Nghe xong thằng Xuân reo lên: 

- Mày sướng há. “Dậy” mà hổng cho tao hay, bộ mày sợ tao đến xin ở chung với mày sao? 

Trước lời trách móc của bạn, Xù cười làm hòa: 

- Tại tao bận đi học nè, mà học xong là phải về liền, không có bà nội tao trông, bả lo tội nghiệp. 

- Coi bộ bả thương mày dữ hả? 

Xù gật mạnh đầu: 

- Chớ sao. Không thương mà nuôi tao, cho tao đi học. 

Chợt thấy trời sập tối, thằng Xù vụt đứng lên, lo lắng bảo bạn: 

- Chết, tao phải về, không có bà nội tao rầy. 

- Ừ, thôi mày về đi. 

Thằng Xù dợm đi rồi chợt quay lại níu tay thằng Xuân:


- Hay mày về nhà tao chơi đi. Bà tao cho mày ăn cơm. Bà tao nấu đồ ăn ngon lắm. 

- Nhưng bả làm gì có tiền để mua gạo nuôi mày, bả già rồi mà. 

Giọng thằng Xù đầy cảm động: 

- Bà tao đi bẻ măng trong rừng, đem ra chợ bán. Có khi gặp nấm hái nấm. Tội lắm mày ơi. 

Rồi nó kéo thằng Xuân, vừa giục: 

- Đi mày, về nhà tao ăn cơm. 

Nhưng Xuân rụt tay lại, lắc đầu: 

- Tao còn đàn bò. Không lùa về cho chết à. Thôi, mày về một mình đi. 

Xù chợt nhớ rằng bạn nó vẫn còn đi làm mướn cho người ta. Nó nhìn bạn bằng ánh mắt thương hại, khe khẽ gật đầu: 

- Ừ, mày còn lùa bò về nữa. Tao quên. Thôi, khi nào rảnh tao dẫn mày về nhà bà nội tao chơi. 

Hai đứa trẻ chia tay nhau. Thằng Xù đứng nhìn đến hút bóng bạn rồi mới quay bước nhanh về nhà. 

Bà Tám đứng đợi Xù trước cửa nhà từ bao giờ. Gương mặt bà đầy vẻ lo lắng. Xù khoanh tay thưa: 

- Thưa nội, con đi học về. 

- Sao con về trễ vậy? 

- Dạ, tại con gặp thằng Xuân, bạn cũ của con đó nội. Nó cũng đi giữ bò như con hồi đó. 

Bà Tám có vẻ dịu đi lo lắng. Bà vừa kéo Xù bước vào, vừa nói: 

- Gặp bạn thì không sao, bà chỉ sợ con gặp việc gì dọc đường. 

Rồi bà hỏi tiếp: 

- Sao con không mời bạn con về nhà chơi? 

- Thưa nội, con có mời rồi. Mà nó không dám đi. 

- Sao lại không dám đi? 

Những lằn roi vun vút tàn bạo của chủ nhà lại hiện ra, nhấp nháng trước mặt Xù. Nó khẽ rùng mình, trả lời bà Tám: 

- Dạ, nó sợ bỏ bò đi lạc, về chủ nó đánh dữ lắm nội ơi. 

Bà Tám khẽ chép miệng: 

- Tội nghiệp, từng ấy tuổi đầu. Chắc hồi đó con cũng hay bị đòn lắm. 

Thằng Xù “dạ” nhi nhí trong miệng rồi theo chân bà đến bàn ăn. Bà nó bảo: 

- Con đi rửa mặt, rửa tay đã. 

Thằng Xù bẽn lẽn nhìn bà Tám rồi chạy vụt ra nhà sau. Đến ảng nước, nó múc nước bằng chiếc gáo dừa, vục nước rửa mặt rồi lấy khăn vắt ở đấy lau khô. Nó trở lên, giơ tay khoe: 

- Sạch rồi nè nội. 

Hai bà cháu ngồi vào chiếc chõng tre. Thằng Xù vớt một miếng cá trong bát canh cho vào miệng. Canh chua nóng, mùi thơm của lá giang và cá ngạnh bốc lên ngát mũi. Thằng Xù xuýt xoa: 

- Ngon quá, nội nấu canh ngon ghê. 

Bà Tám mỉm cười hiền hậu. Xù vừa ăn, vừa chép miệng thật ngon lành. Nó ăn liên tiếp ba, bốn chén cơm. Xong, nó phụ bà dọn dẹp, lau vạt tre cho sạch rồi đem cặp ra lấy bài học. 

Bà Tám ngồi lặt những tai nấm ở góc nhà. Giọng Xù cất lên đều đều: 

“ Công cha như núi Thái Sơn 

“ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. 

“ Một lòng thờ mẹ kính cha, 

“ Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con. 

Đột nhiên Xù ngừng học, gọi bà Tám: 

- Nội ơi! 

Bà Tám buông tai nấm đang lặt, ngước nhìn nó: 

- Gì con? 

Thằng Xù vừa nhìn những chữ trong cuốn vở rồi hỏi: 

- Sao người ta dạy “ Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” mà không dạy là “công bà nội” hả nội? 

Bà Tám nhìn Xù bằng đôi mắt mến thương: 

- Tại cha mẹ nuôi con, con à. Chớ ông bà ít khi nuôi cháu lắm. 

- Thì nội nuôi con đây nè. Con đâu biết cha mẹ đâu, con biết có nội không hà, con thích đọc “công bà như núi Thái Sơn, nghĩa bà như nước trong nguồn chảy ra”. 

Bà Tám cười: 

- Thầy giáo dạy sao thì con học vậy. Xưa rày chỉ có cha mẹ nuôi con. Như bà, thì bà cũng chỉ mới biết con đây thôi, chớ ba má con khổ cực từ thuở con mới lọt lòng. 

- Nhưng đáng lẽ người ta cũng phải biết ơn ông bà, cũng có ông bà nuôi cháu vậy, hén nội hén. 

- Ừ, có chớ. Thôi con lo học đi. 

Xù học được một lát, chừng như đã thuộc, nó buông tập đến bên bà Tám: 

- Con lặt nấm với nội. 

- Học thuộc bài chưa con? 

Xù gật mạnh đầu: 

- Dạ rồi nội. 

- Thuộc bài rồi thôi con đi ngủ đi, để nội làm cũng được. 

- Con lặt với bà nội hà. Bữa nay nội hái được nhiều gốc nấm quá. Bộ hết mụt măng rồi hả nội? 

- Còn, nội tìm thấy mấy mụt, nhưng mới lú, chờ vài ngày cao cao đã. Nhỏ quá bán rẻ lắm. 

- Mà điều măng non ngon hén nội. 

- Ừ, nội sẽ để lại một mụt non nhứt cho con. 

Thằng Xù reo lên: 

- Nội nấu canh nghen. Canh măng ăn với ớt hiểm ngon ác đi đó nội. 

- Để nội mua tôm về xào con ăn một bữa, ăn canh hoài mất ngon. 

Hai bà cháu cắm cúi lặt. Những tai nấm màu trắng có lẫn đất. Thứ nấm sim, thường mọc ở cạnh những gốc cây sim. Thằng Xù lựa một lát hỏi: 

- Nội nè, bữa nay không có nấm mối hả nội? Toàn nấm sim không hà. 

- Mấy gò mối đợi mưa mới lên nấm con à. 

- Nấm mối ngọt ghê hén nội. Mà một lần gặp, hái cũng nhiều, khỏi mất công tìm. 

Câu chuyện của hai bà cháu xoay quanh những tai nấm. Căn nhà ấm cúng dưới ánh đèn dầu. Một bà, một cháu cặm cụi lặt những tai nấm, với viễn ảnh một buổi chợ ngày mai.
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét