CHƯƠNG IX
Tấn nói với bác sĩ đợi mình ở ngoài:
- Con bé kháu khỉnh quá, thưa bác sĩ!
- Phải! Tội nghiệp quá!
Hai người lại đi, mỗi người mang một ý nghĩ riêng : bác sĩ chỉ mong về lăn lên cái giường nệm êm ấm làm một giấc, còn Tấn như vừa trút bỏ được gánh nặng ngàn cân đeo đẳng lâu nay. Không! Không ai biết gì về tung tích người chết cả, chàng có thể tiến hành việc dạm hỏi Mỵ Lan, không ai cản trở. Thằng chó Phát mà có trở về, chàng sẽ dùng tiền bịt miệng nó ít lâu, nếu rủi ro nó gặp bác San và con bé. Còn không thì thôi : bí mật của đời chàng sẽ theo kẻ xấu số vùi xuống đất ngày mai. Nhẹ nhõm làm sao!
Rồi chàng bùi ngùi thương con, song chàng nghĩ rằng chàng sẽ cố bù đắp cho nó thật đầy đủ, trừ chuyện nhận nó làm con.
Với Mỵ Lan mình nên thú thật không? Chắc là không, vì như thế vô ích, thà im luôn đi. Nói ra, bóng ma dĩ vãng sẽ ám ảnh hạnh phúc vợ chồng mình… Bác sĩ chợt hỏi:
- Cậu nhận ra người đàn bà chứ?
Tấn giật mình song trấn tỉnh ngay:
- Thưa bác sĩ, không! Chị ta không phải người cháu gặp hôm qua.
- Thế ư?
Ông chép miệng nói, thờ ơ, đoạn che tay ngáp dài luôn hai cái, phàn nàn:
- Gớm! Lạnh chi mà lạnh, may nhờ đôi ủng của cậu, nếu không, vào buổi tối mà dầm tuyết kiểu này…
*
Người đàn bà bất hạnh lạc đến làng Vệ được chôn cất tử tế, đứa bé thì bác San giữ nuôi. Vài người trong làng thấy nó xinh xắn cũng muốn nhận nhưng đều bị bác San từ chối. Nếu có người đàn bà nào viện cớ là bác không biết chăm sóc trẻ, bác San vênh mặt lên:
- Tôi biết giữ em từ lúc lên mười ấy chứ! Mà các bà khỏi lo, có gì cần, tôi nhờ bà Vinh…
Vài người cười mỉm, vài người chế giễu bác San song phần đông ai cũng lấy làm cảm phục bác. Nếu ngày trước họ biết được việc bác chỉ thuốc trị bệnh tim cho bà thợ giày họ mến bác năm, thì bây giờ họ mến đến mười.
Trong số phụ nữ cảm tình với bác, chỉ có bà Vinh là bác chịu nhờ cậy, hỏi han chút đỉnh. Bác nhờ bà Vinh mua sắm những thứ cần dùng cho đứa bé, bà này vui vẻ giúp bác và còn mang đến cho con bé những áo quần cũ nhưng còn lành lặn và khá đẹp của con bà lúc trước.
Bà tắm rửa nó sạch sẽ, diện áo quần, chải tóc bảnh bao. Trong lúc đó bác San và thằng Quang đứng nhìn rồi bác buột miệng kêu:
- Con bé xinh chứ bà Vinh? Tôi thì tôi cho là thiên thần cũng chả hơn nó đâu, bà ạ!
- Phải! Nó xinh đáo để! Thôi! Thế là trời thương bác lắm đấy nhé?
- Chao! – bác San vừa nói vừa nâng bàn chân nhỏ nhắn, có cái gót hồng hồng của con bé lên hôn – mỗi lần tôi nhớ đến cái lúc nó chập chững đi trên tuyết, từ chỗ xác mẹ nó đến nhà tôi là tôi xót ruột, thật y như con chim non mất mẹ, bơ vơ…
- Tội thật! Thế nó đến, bác nghe tiếng động bác mở cửa hay là bác đứng chơi ở cửa, thấy nó?
- Vâng! Tôi mở cửa chứ! Tôi để cửa ngỏ từ chiều mà.
Trả lời úp mở như thế thôi, bác San không nói rõ là mình thiếp đi bất ngờ, là đứa bé vào nhà bác không hay biết, bác không thấy nó trên đường.
Bác lại thêm:
- Tiền bạc đi bao giờ không hay biết, nó đến bao giờ cũng không hay biết, thật chả hiểu ra làm sao. Đầu óc tôi cứ rối mù lên, y như chuyện đời xưa, như phép lạ ấy thôi, bà Vinh ạ!
Người đàn bà phúc hậu không tỏ ra ngạc nhiên, giọng bà trầm, dịu:
- Ở đời vẫn thế : hết khổ đến sướng, hết buồn đến vui, hết mưa đến nắng, hết đêm sang ngày. Cái này đi cái kia đến. Có thể là trời đền bù cho bác đấy! Bác San ạ! Chưa chừng nó còn quí hơn vàng đấy!
- Phải! Bà nói chừng mà đúng đấy!
Người đàn ông run run vì cảm động, bế đứa trẻ lên. Trời bù cho bác đây! Vàng đi thì nó đến! Vàng biến ra nó đây! Bác sẽ yêu nó, yêu nhiều như yêu vàng. Không! Bác sẽ yêu nó hơn vàng. Vàng thua xa nó! Nó đáng yêu biết bao!
- Có người bảo là bác không nên giữ nó, nhưng tôi thì nghĩ bác giữ nó là phải, tuy bác sẽ khó nhọc đôi chút. Tuy nhiên, bác đừng lo, tôi sẽ giúp bác khi cần, bác chớ ngại.
- Cảm ơn bà! Được bà giúp cho thì quí lắm, tôi không muốn nhờ ai khác.
Giọng bác San tràn ngập niềm vui. Bác nhìn con bé một lát, hai bên cười với nhau thân thiện hết sức. Ngần ngừ một chốc bác lại nói:
- Nhưng thú thực với bà tôi không muốn nhờ ai hết, tôi muốn tự làm lấy cho nó, tôi sẽ tập dần…
- Bác ngại gì? Chỗ tôi với bác…
- Nếu để bà làm, nó sẽ yêu bà, tôi muốn tự tay làm lấy cơ, như thế nó mới yêu tôi.
Bà Vinh nén cười, vui vẻ:
- Bác đừng lo, tôi không cướp con gái bác đâu. Tôi có con mà. Và tôi sẽ chỉ cho bác mọi việc cho đến khi bác thành thạo, chứ không giành hết đâu. Tôi sẽ bày cho bác cách mặc áo, cách tắm táp, cách xát xà phòng, cách làm mấy món ăn dành cho nó, bắt đầu từ ngày mai.
- Cảm ơn bà, cảm ơn bà nhiều lắm, bà Vinh ạ!
- Còn một chuyện nữa : bác phải đặt tên cho nó, nó chưa có tên đấy, nhé?
Người thợ dệt ngớ mặt ra:
- Ừ nhỉ, may có bà nhắc, không thì tôi chả nhớ gì sốt cả. Nhưng đặt tên nó là gì kia?
- Tên gì thì tùy bác nghĩ ra, vì nó là con bác, bác quên sao?
- Phải! Nhưng tôi vẫn chưa nghĩ ra được, cái mới rầy.
- Bác có em gái phải không? Tên cô ấy là gì?
- Em gái tôi tên là Hạnh, tên Hạnh bà thấy tốt chứ? Này, em gái tôi cũng na ná giống con bé này đấy bà ạ! Khi thoạt thấy nó, tôi giật mình ngỡ đâu là gặp lại em tôi chứ. Buồn cười ghê, phải không bà Vinh?
Người đàn bà ngẫm nghĩ một giây:
- Bác có thể lấy tên Hạnh đặt cho nó, được đấy bác San ạ!
- Con bé này ấy ư? Nó sẽ mang tên Hạnh của em tôi ư?
- Phải! Có gì ngăn trở đâu? Cũng là để kỷ niệm về sự trời dun rủi cho nó đến với bác, phải có cái hạnh, cái duyên mới được chứ dễ gì? Sao nó không đi đến nhà khác? Hay là nếu nó đi lạc vào hầm đá thì còn gì tính mệnh, bác nghĩ tôi nói đúng không?
- Bà nói thì đúng quá rồi còn gì? Tôi sẽ nghe bà, đặt tên nó là Hạnh. Hạnh, đến đây với cha, nào!
Câu sau cùng, bác nói bằng giọng run run vì quá sung sướng và cảm động. Con bé nghe gọi, quay lại, nhìn bác nhoẻn cười. Bác thích quá khoe với bà Vinh:
- Đấy bà trông! Con tôi khôn ghê chưa? Nó biết tên nó rồi, bà thấy không?
*
Bác San là một người thừa kiên nhẫn, bác nhất định thực hiện đúng lời hứa lúc đầu : tự làm lấy mọi thứ cho con. Nhờ bà Vinh chỉ dẫn, bác đã biết tắm rửa, thay quần áo, xức phấn rôm, làm món ăn v.v… tóm lại bác làm mọi thứ cho bé Hạnh như một người đàn bà thực sự. Nom cái cách bác chăm chỉ vá tất, kết khuy cho con bé, bà Vinh không khỏi phì cười.
Khuôn mặt đầy nếp nhăn của bác, nét phong trần khắc khổ, cái dáng đi chĩu nặng u sầu, cái tính khép kín dè dặt của bác, tất cả những cái đó cùng một loạt rủ nhau bay biến từ khi trong nhà bác có bé Hạnh bước vào. Hình như bác trẻ ra, hình như những tế bào chết trong người bác lần lượt sống lại, những tình cảm tốt đẹp bị chôn vùi suốt mười mấy năm ròng được đánh thức.
Bác trở thành vui vẻ, nhanh nhẹn, linh hoạt. Trước kia bác rất ít lời, bây giờ không chỉ bỏ thói ít lời, bác còn biết nói bông đùa nữa. Nhưng có điều có Hạnh, bác bận luôn tay, thế mà bác chả than thở, kêu ca chi còn lấy làm vui là khác.
Trông thấy bác vội vàng mỗi khi xuống chợ, mọi người tụm lại hỏi han về bé Hạnh, ai cũng ân cần tử tế với bác, khác hẳn lúc xưa. Người ta bán rẻ cho bác những thứ bác cần, người ta tìm dịp để biếu xén bác chục trứng, miếng thịt, người ta lui tới nhà bác những khi rảnh rỗi, những đêm trăng. Từ xa, tiếng bác và tiếng bé Hạnh líu lo làm cho ai cũng đoán được thứ hạnh phúc tràn ngập trong lòng bác.
Riêng bà Vinh thì lui tới ngày một. Bà là vị cố vấn tốt nhất của bác San.
Một hôm, bà đến nhằm lúc bác San đang dệt cửi, bác vừa làm việc vừa bế con, con bé thỉnh thoảng lại chồm lên kéo tai bác xuống hôn rồi cả hai cùng cười khanh khách.
Bà Vinh không đánh tiếng, sẽ sàng ngồi ở một góc nhìn cảnh cha con họ âu yếm nhau và lấy làm mừng vì bác thợ dệt đã được sung sướng khác lúc xưa nhiều.
Nhưng làm việc cách đó thì quả không ổn, chỉ một chốc bác San kêu lên:
- Thôi chứ! Hạnh! Con nghịch mãi, cha không dệt được đây này!
Con bé chả sợ chút nào, tiếp tục nghịch phá và cười ngặt nghẽo từng chuỗi.
Bà Vinh ôn tồn:
- Này bác San, kiểu đó không xong. Ta phải nghĩ cách, làm việc như thế e một tháng chưa xong lấy năm thước vải…
- Phải, tôi biết và tôi định hỏi ý kiến bà đấy, không có bà thì không xong. Bà không rõ đấy, cả tháng nay tôi chỉ dệt được ban đêm và tờ mờ sáng. Hễ nó thức là nó quấy tôi…
- Nó không sợ bác ư? Bác không mắng nó ư?
- Thì bà thấy đó thôi! Tôi quát nó chứ, mà nó chả kiêng nể chút nào. Tôi đến chịu thua nó mất thôi. Nó làm đứt chỉ mãi, nối phát mệt…
- Có ngày nó sẽ bị đứt tay chứ không chỉ đứt chỉ thôi đâu. Có lẽ bác nên kiếm sợi dây, buộc chân nó lại gần khung cửi để có thể yên tâm làm việc, nếu bác cứ ôm lấy nó cả ngày thì…
- Tôi cũng đã nghĩ ra cách ấy, nhưng thương quá, lại sợ nó khóc…
- Bác để tôi! Xem nào!
Bà Vinh lấy một mẩu dây mềm, dỗ bé Hạnh và buộc vào chân nó, đoạn bà rút ở cái túi vải mang theo mấy mảnh vải mầu, một cái lúc lắc bằng nhựa đưa cho nó. Con bé sáng mắt lên, đón lấy mấy thứ đồ chơi, ngồi yên.
Cha nó mừng rỡ thấy mọi sự dễ dàng hơn mình tưởng.
Bà Vinh căn dặn:
- Con nít vào tuổi ấy hay nghịch phá, bác phải canh chừng luôn. Đừng cho nó lại gần lửa, gần nước sôi, đừng cho nó cầm đến cái thoi, cái kéo, dao phải để trên cao quá tầm tay nó…
- Vâng! Bà nói đúng, tôi xin nghe theo.
- Cái que nhọn, cái đinh, cái kim… những vật tròn nhỏ như hạt bi cũng phải coi chừng, trẻ con vớ cái gì cũng cho vào mồm, bác đừng quên.
- Vâng! Vâng, cảm ơn bà!
- Rồi đây, phải coi chừng răng của nó; đừng cho mọc chồng lên nhau. Cái răng cái tóc…
- Vâng! Nhưng xin bà đừng dặn những cái chưa phải làm ngay bây giờ, kẻo tôi lại quên…
- Cũng phải tập cho nó biết kỷ luật, không nên nuông lắm…
- Nó bé xíu thế kia mà bà bảo kỷ luật nỗi gì?
Người cha nói, có ý không bằng lòng. Bà Vinh cười nhẹ, tay vuốt tóc bé Hạnh:
- Nó bé nhưng nó khôn lắm đấy, rồi bác xem.
*
Người ta thường hỏi nhau : vàng và đứa bé, không rõ bác thợ dệt quí cái nào hơn? Người ta chỉ biết rõ một điều : vàng thì bác ta giấu kỹ, còn con bé trái lại bác phô hết với mọi người. Trông ánh mắt và khuôn mặt rạng rỡ của bác, người ta tưởng như bác nói với từng người:
- Trông đây! Tôi thật sung sướng, ông hoàng chưa chắc sung sướng như tôi! Trông con tôi đây!
Thật vậy, so với vàng, con bé hơn nhiều. Vàng lặng lẽ, mỗi ngày giục bác cầy cục kiếm chất đống, vô tri giác. Còn bé Hạnh, nó bi bô nói cười, khi thì khóc dỗi, khi thì âu yếm hôn bác, vuốt ve bác. Nó như một giòng suối mát mà tâm hồn bác tựa như mảnh đất bỏ hoang khô khan, cằn cỗi. Nó làm cho mảnh đất kia thấm nhuần mầu mỡ, làm nẩy mầm những hạt giống tốt bị chôn vùi.
Những sáng đẹp trời và những chiều chưa tắt nắng, người ta thấy bác San bế con đi dạo trên đồi, ngoài đồng hay trên bờ ruộng. Nếu bé Hạnh sà xuống chỉ một đóa hoa dại, tức thì bác ngừng lại, hái cho con. Có khi bác đặt con xuống cho nó tự do chạy nhảy tung tăng như cánh bướm, còn bác thì ngồi lặng lẽ ngắm con mà tưởng mình trẻ lại cũng đang cùng con chạy nhảy!
Thỉnh thoảng, con bé hái một cành hoa, một chiếc lá đem đến cho cha, rồi ôm chặt bác và hôn lên mặt bác làm cho bác rào rạt tin yêu.
*
Tuy bà Vinh đã dặn và trước mặt bà bác San tỏ vẻ nghe lời, song vắng bà bác lại làm theo ý con. Khi dệt vải, bác không muốn cột chân con mãi. Bởi một bận bác để ý thấy nó ngồi mò mẫm tháo sợi dây, khi tháo không được, nó gọi bác, bác giả làm ngơ, thế rồi sau đó, bác thương quá, lại tháo dây cho con, bế nó lên, nhưng nó dỗi, khóc mãi không sao dỗ được.
Càng lớn, Hạnh nghịch ngợm đủ trò, làm cha nó chả mấy lúc được yên.
Một hôm vào mùa hè trời nắng ráo, bác San lo dệt một số vải người ta đặt. Tuy bà Vinh đã dặn, nhưng bác lại quên, cắt vải xong bác để cái kéo trên chỗ ngồi vừa tầm với của con gái. Hạnh rất thích cầm kéo cắt vải – nó vẫn có nhiều vải vụn đủ mầu – nhưng cha nó cất cao quá, hôm nay, liếc thấy cha đặt cái kéo thuận tay quá, bé lấy làm thích, thừa một lúc cha mải làm việc, nó chộp lấy đem lại cắt vải chơi. Cắt chán, nó bỏ cái kéo bên mớ vải, chạy ra ngoài, song nó đủ lém lỉnh để chạy đi mà không gây tiếng động nên cha nó không hay biết.
Nắng đẹp quá, trải rộng trên cỏ cây, rào tường, lối đi rực rỡ, bướm bay lượn quanh đó làm bé vui chân bước tới không ngừng.
Khi cần đến kéo, sờ đến chỗ đặt kéo lúc nãy không thấy đâu, bác San đã hoảng, nhìn quanh không thấy con, bác càng hoảng hơn. Chết rồi! Con bé đã lẻn ra ngoài, nó có thể ngã xuống hầm đá cũng nên…? Bác buông thoi, hấp tấp chạy ra tìm con, miệng réo : “Hạnh, Hạnh” inh ỏi, giọng run run vì lo lắng.
Tất tả chạy từ đầu này đến đầu kia, chỗ này sang chỗ khác, bác chăm chú dòm từng cái lỗ trũng khô xem con có rơi xuống đó chăng, rồi lại dáo dác tìm chỗ khác. Chả thấy tăm dạng nó đâu. Bác gần khóc song cố nén. Định tin cho bà Vinh hay để bà tìm giúp, song lại lo sợ bà ấy trách mình không nghe lời. Bác len đến đồng cỏ mọc cao, rẽ cỏ ra tìm thật kỹ. Mắt vốn kém, thấp thoáng một bụi cây từ xa bác lại ngỡ là con khấp khởi mừng, đến gần ra không phải.
Sau cùng, người cha leo rào băng qua cánh đồng, đưa mắt nhìn cái vũng bò hay đến uống, vì là vào giữa hè, nên cũng không sâu, quanh vũng bùn lầy dẻo quánh.
Trong lúc bác bồi hồi lo sợ, gần tuyệt vọng thì bác nom thấy bé Hạnh đang trò chuyện với chiếc giày của nó, tay cầm chiếc giày múc nước dưới cái vũng nhỏ đổ sang cái lỗ con con do vết chân bò lún xuống mặt bùn. Bùn ngập đến mắt cá con bé. Bên kia rào, một con bò cái và một con bê đang nhìn nó chăm chăm.
Người cha kêu lên một tiếng mừng rỡ, lao tới nhanh như một con sóc nhỏ ôm chầm lấy con, hôn lên mặt lên tóc con đoạn bế con về. Dọc đường, bác ngẫm nghĩ : chắc phải trừng phạt nó, kẻo nó hư, đúng như lời bà Vinh nói. Không phạt nó, nó sẽ chạy rong nữa, có ngày tai họa đến chứ không chơi. Nhưng trừng phạt? Chao! Mới khó làm sao chứ!
Về đến nhà, hoàn hồn rồi, bác mới chỉ vào quần áo và giày con, nghiêm giọng:
- Con hư quá! Cha phải phạt con! Con dám lấy kéo của cha cắt nghịch, rồi chạy ra đồng. Cha phải phạt con…
- Cha con bác làm sao thế? Sao mà lấm láp như mới dưới bùn lên thế?
- Thì dưới bùn đấy chứ như nhiếc gì nữa. May quá! Có bà đây! Phải phạt con bé thôi, bà Vinh ạ!
Bác San kể lại đầu đuôi câu chuyện cho bà bạn nghe, vừa kể vừa thở vì chưa hết mệt.
- Thế ra bác không cột chân nó khi ngồi làm việc ư?
- Ơ… không! Tôi thương quá, bà ạ! Nhưng bây giờ phải phạt, phải phạt thôi!
- Bác định phạt cách gì? Tôi cũng như bác không nỡ đánh con, nhưng vẫn phải phạt khi cần. Tốt nhất là nhốt nó vào kho than vài phút cho nó biết lỗi, đánh hay phạt phải chọn một, không thể dung tha, nó sẽ nhờn đi!
- Đành thế! Phải nhốt nó! Tôi nghe lời bà!
Bác bế bé Hạnh đi trước, bà Vinh theo sau. Đến nơi, bác mở cửa nhốt nó vào đó, đóng ập lại.
Khá lâu, chả nghe động tĩnh gì. Rồi có tiếng kêu khẽ:
- Cha! Mở cửa cho con! Con đi tiểu! Mở cửa, cha!
Bác San vội vàng mở cửa cho con. Khi nó đi tiểu xong, nó chả có vẻ gì là sợ hãi, bảo cha:
- Cha phạt con đi! Con vô kho than, cha!
Hai người nhìn nhau, nghi hoặc về cái tinh thần tự giác ở con bé lên ba và sau đó, bà Vinh giảng giải:
- Này Hạnh! Cha con phạt thế đủ rồi. Từ giờ con chớ có chạy ra đồng một mình, bò nó báng cho đấy, nhé? Bò nó dữ lắm đấy…
- Bò hiền, bò nó thương con…
Hạnh cãi. Bà Vinh lắc đầu:
- Nó không hiền đâu, nó chưa dữ đấy. Với lại, nếu bò không đá con, con cũng không được đi, con sẽ rớt xuống hầm đá, đau lắm…
- Con không rớt xuống hầm đá, con đi chơi thôi!
Cha nó chen vào:
- Con không được đi, nếu cãi lời cha cha sẽ nhốt con vô kho than, bẩn lắm, tối lắm. Thôi, bây giờ cha phải tắm cho con!
Và bác quay sang bà bạn, mỉm cười:
- Rồi đây, chắc phải nhờ bà nhiều thứ nữa chứ không dễ đâu.
Bà Vinh chịu khó lập lại là nó sẽ bị phạt nhiều lần cốt để cho nó nhớ, không tái phạm. Con bé gật gù nhắc lại : “Còn đi… phạt!” như tỏ vẻ biết lỗi và hứa tuân lời. Hai người lớn rất hài lòng. Tuy thế kể từ hôm ấy trở đi, bác San đề phòng cẩn thận : luôn luôn buộc chân con lại trước khi làm việc. Đâu được dăm hôm, xem chừng con bé tỏ vẻ ngoan, bác lại thôi, vì không nỡ làm thế, bụng bảo dạ:
- Hôm nay không buộc một bữa xem sao. Ta sẽ để mắt canh chừng nó.
Và bác vừa ngồi dệt vừa để mắt canh chừng con. Trông thấy nó ngồi bi bô, táy máy với mấy mụn vải mầu và con búp bê nhựa do bà Vinh đem cho, người cha rất hài lòng. “Có thế chứ!” người cha đắc ý nói và lần này chuyên chú vào công việc.
Cỡ nửa giờ sau, bác sực nhớ nhìn lại chỗ con ngồi, thì nó đã biến mất. Con bé thật hư : mới sểnh một tý là đi rồi! Người cha lẩm bẩm và quăng thoi chạy ra ngoài tìm. Lại ơi ới gọi, lại tất tả kiếm tìm.
Con bé lần này đang bận hái hoa, nghe tiếng cha nó cung cúc chạy về, cha nó chưa kịp đe dọa thì nó đã chạy ù vào kho than, thò mặt ra, nói:
- Hạnh đây cha… Hạnh phạt… cha!
Khi cha nó đến cửa kho than, vừa thở hào hển vừa kéo cánh cửa để gọi con ra thì thấy giày vớ quần áo nó lấm lem, mặt mũi tay chân đầy những lọ! Bác thở dài ngao ngán!
Thế là bác đành bỏ dở công việc để lo tắm rửa thay quần áo cho nó và sau đó phải giặt gịa quần áo nữa.
Công việc bác thợ dệt trở thành chậm trễ vì những dịch vụ kiểu đó nhiều hơn là những việc chính đáng, song bác không lấy làm buồn. Bây giờ bác không còn cái lối chăm bẳm kiếm tiền rõ nhiều, để làm gì chứ?
Người đàn ông chất phác đó đã có báu vật quí giá hơn vàng, mà báu vật đó sinh động, biết làm cho bác vui vẻ bất cứ lúc nào, ngay cả khi nó mè nheo, khóc lóc! Mọi người cùng biết thế, nhưng người hiểu rõ bác nhất vẫn là bà Vinh. Nhác trông thấy bà và thằng Quang từ xa, bác đã kêu lên:
- Bà lại đây mà xem con bé, nó làm tôi bực ơi là bực, đến tức điên vì nó.
Song trong khi kêu như thế, nét mặt bác lại rạng rỡ, tươi tỉnh hơn bao giờ, và bà biết rằng đó là một cách bác thợ dệt dùng để biểu lộ niềm vui, khoe khoang cái hạnh phúc của mình cho bạn biết. Bà Vinh hóm hỉnh:
- Nó hư làm sao bác San?
- Không kể xiết…
- Thế thì giao nó lại cho tôi đi, thằng Quang lớn rồi, tôi cũng muốn có một đứa be bé trong nhà…
- Lại có lối cướp tay trên thế nữa à? Tôi không đùa đấy nhé? Tôi sẽ cấm cửa bà và thằng Quang, không cho lại gần con gái tôi đâu, nếu bà còn manh tâm như thế!
Hai bạn già cùng cười vui vẻ, Quang cũng cười theo. Chỉ con bé là chạy lon ton đến, nắm tay cha, dẩu mỏ:
- Con không ở với bác Vinh, con ở với cha cơ!
Một chốc sau, hai đứa vui vẻ nắm tay nhau ra đồng chơi. Người cha nghiêm giọng bảo bạn già:
- Tôi có một việc muốn hỏi ý kiến bà, bà Vinh ạ!
- Chuyện gì thế? Nghiêm trọng lắm không?
- Cũng không có gì nghiêm trọng, nhưng tôi vẫn bận tâm, này bà Vinh ơi! Cái lối trừng phạt nhốt vô kho than thất bại rồi đấy, không dùng được nữa đâu. Ta phải tìm cách khác thôi…
- Bác nói thế nghĩa là sao?
Bác San từ tốn kể lại câu chuyện bé Hạnh tự động chạy vào kho than cho bạn nghe. Bà Vinh cười ngất, sau đó hỏi:
- Thế bác quên buộc chân nó à?
- Nào có quên, tôi không nỡ đấy chứ!
- Bác quá nuông, nó sẽ hư…
Người cha nhăn mặt:
- Nhưng tôi chịu thôi, không nỡ đánh nó…
- Thế thì tôi giúp bác cách nào được nếu phạt không xong, đánh vài roi khẽ bác cũng không?
- Bà bạn tốt ơi! Chắc tôi để mặc nó thôi. Mẹ tôi ngày trước vẫn nói rằng “trăng đến rằm trăng tròn” bác ạ. Tôi cũng mong thế, lớn lên một tí nó sẽ biết phân biệt nên hư tốt xấu…
Giọng bác San chậm rãi chứng tỏ đã suy nghĩ kỹ trước khi nói ra lời. Bà Vinh trầm ngâm một giây:
- Có lẽ bà cụ cũng có lý đấy bác San ạ!
- Có lý mạnh đi chứ, có lẽ là thế nào? Tôi rất ghét việc trừng phạt trẻ con bằng roi đòn. Lúc nhỏ có lần tôi thấy một bà đánh con như đòn thù, tôi ghét ghê đi ấy! Bà mà đánh thằng Quang kiểu đó chắc tôi cũng không bạn bè lui tới với bà đâu!
Giọng bác vui vẻ, vì lâu nay bác đã bỏ thói dè dặt, khép kín như con ốc thu mình trong vỏ.
Bà Vinh chỉ ngồi nghe, bà cảm động nhớ đến những lần bác San bế bé Hạnh đi đây đi kia, vì để nhà bác không yên tâm mà bà có đề nghị gửi bà trông nom cho giây lát thì bác lại lắc đầu quầy quậy nửa đùa, nửa thật bảo bạn:
- Để cho bà gần nó bà dụ dỗ nó theo bà bỏ tôi ư? Không đâu, tôi chả dại!
*
Mỗi ngày, bác thợ dệt càng cảm thấy mình thân thiết với mảnh đất làng Vệ, với người dân làng Vệ hơn xưa. Mỗi ngày, mọi người cảm mến bác thêm lên, mà con bé Hạnh là sợi dây, là đầu mối sự thân thiện ấy. Không như lúc trước, bác San chỉ trao đổi những câu ngắn với mọi người, những câu cần thiết trong cuộc mua bán, bây giờ bác kiên nhẫn lắng tai nghe người ta nói đủ thứ chuyện, từ chuyên liên quan đến sức khỏe con gái bác cho đến những chuyện vớ vẩn không can hệ gì đến cuộc sống của một bác thợ dệt và đứa con gái có mái tóc hoe vàng.
Bác không còn nghĩ đến dành dụm vàng bạc nữa, bác chỉ làm việc cho con gái, vì con gái bác mà thôi.
Bác cũng không còn ấm ức, hận về việc mất vàng. Bác bằng lòng với cuộc sống hiện tại, bên đứa con gái xa lạ mà bác thoạt thấy đã đem lòng thương yêu như thể là đứa trẻ có liên hệ máu thịt với mình.
Nếu hạnh phúc con người đơn giản như thế thì quả bác San có thứ hạnh phúc ấy thật, bác không ao ước gì hơn.
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG X
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét