CHƯƠNG XI
Ông Tấn vẫn có thói quen đi thăm thú đất vườn để dự tính việc trồng trọt sắp đến, mỗi chiều chúa nhật. Bà Mỵ Lan thì đi dạo quanh vườn. Trong tĩnh mịch của chiều tà, cảnh nhà như rộng thêm ra vì vắng vẻ. Bà Mỵ Lan ngồi trên ghế ngoài vườn, suy nghĩ mông lung. Dạo gần đây, bà thấy ông có vẻ buồn phiền về nỗi cảnh nhà hiu quạnh không con cái. Gần hai mươi năm chung sống, ông bà không có được mụn con nào, trừ một lần bà sinh nhưng không nuôi được. Bà cũng buồn lắm, trông nhà người ta, có tiếng cười, tiếng khóc, tiếng trẻ bi bô mà xót xa.
Bà ao ước cái cảnh con cái ríu rít quanh người mẹ, cái cảnh đàn con tranh ăn, vòi vĩnh, cãi cọ, khóc lóc, cười đùa, nghịch phá. Bà càng ao ước hơn nữa cái cảnh mỗi bận ông đi đâu về không phải bà mà là một đứa trẻ ra đón, dẹp can, cất mũ cho ông. Chao! Cái bức tranh vẽ ra trong trí sao mà êm đẹp quá.
Bà hy vọng… hy vọng mỏi mòn theo năm tháng cho đến gần đây bà biết mình hy vọng hão. Không bao giờ nữa, bà được có con. Bà biết thế, và bà âm thầm đau khổ một mình.
Đã có một lần, ông ngỏ ý muốn nuôi đứa con nuôi, nhưng bà không thích, bà cho là nuôi con nuôi, không biết tông tích, lớn lên nó sẽ ra sao? Ngộ nó là con hạng người bất lương, nó giống máu mủ cha nó thì càng thêm cực lòng mình. Nếu mình không có con, âu đó cũng là do số mạng.
- Anh đừng buộc em làm điều gì em không thích và cảm thấy là không tốt. Đàn bà sống bằng trực giác, và trực giác họ bén nhậy hơn đàn ông. Trực giác em…
- Nếu em đã không vui thì thôi vậy – ông ngắt lời vợ, buồn rầu – anh chỉ muốn làm cho em vui. Anh thì hay đi đây đi kia, còn có thể khuây khỏa, chỉ thương em ở nhà vò võ, thui thủi một mình.
Mỵ Lan hết sức cảm động về những lời chồng nói. Từ khi cưới bà, ông đã tỏ ra một người chồng gương mẫu, đứng đắn, ngay ông bà nhạc cũng phải hài lòng. Họ sống hạnh phúc, hòa thuận bên nhau trong những năm đầu. Cho đến gần đây cả hai cảm thấy trống vắng, thiếu thốn, tuy nhiên người nọ làm ra vẻ đầy đủ, vui vẻ để người bạn trăm năm của mình được hài lòng.
Hoàng hôn xuống chậm. Mỵ Lan hơi ngạc nhiên vì ông về chậm hơn mọi lần nhưng bà không lo lắng mấy, vì bà đang bận tâm về một ý nghĩ dậy lên:
“Nếu không may ta chết sớm thì chồng ta cô đơn biết ngần nào? Có lẽ anh ấy nói đúng, ta đừng bận tâm đến chuyện xa xôi, hãy cứ làm theo anh ấy, tìm một đứa con nuôi, chỉ cốt cho anh ấy được vui là tốt, ta không mong chi hơn”.
Mải suy nghĩ, trời tối sập tự bao giờ, Mỵ Lan vẫn còn ngồi bất động trên ghế đá. Cho đến khi người nhà đến sau lưng, lễ phép thưa rằng trà đã pha xong. Bà chợt giật mình, giọng bà lo lắng:
- Ông vẫn chưa về ư?
- Thưa bà chưa, con đã bảo anh Hân ra ngõ đón ông.
- Thế ư? Lạ nhỉ? Này Tâm, con có nghĩ là có việc gì không?
Bà hỏi, và đột nhiên cảm thấy xao xuyến trong lòng. Cô gái giúp việc nói:
- Thưa bà, con chắc là không có gì đáng lo về phần ông nhà ta. Nhưng con chắc có việc gì khác lạ, cho nên từ nãy giờ dân làng ùn ùn kéo nhau đi lại phía hầm đá, gần nhà ông San, thưa bà, bà biết nhà ông San chứ?
- A! Ta biết. Có phải con muốn nói ông San thợ dệt có đứa con gái xinh xẻo đó không?
- Thưa bà, vâng!
- Con bé xinh thật… mà lại nết na, trông yêu quá đi thôi!
Giọng bà ao ước, thèm thuồng. Cô gái giúp việc phụ họa:
- Vâng! Cô ta thật dễ thương, ước gì bà sinh được một cô bé như thế, ông sẽ quí hơn vàng…
- Nhưng ta thì sinh nở gì nữa, ta già rồi, con ạ!
- Bà nói thế chứ, ở làng con khối bà già cốc đế mà vẫn sinh đẻ như gà ấy! Bà mới bốn mươi…
Bà chủ nhà cười buồn:
- Tâm ạ, con nói đến hay : mới bốn mươi! Người ta nói mới mười lăm, mới mười bẩy, mới hai mươi chứ ta chưa nghe ai nói mới bốn mươi bao giờ cả…
- Lắm khi con nghĩ trời không công bình : bà xem như mẹ con đấy : nuôi không nổi mà có hàng nửa tá, còn bà thì dư tiền của, lại thiếu một đứa con. A! Thưa bà có tiếng ngựa, chắc ông về, để con ra xem…
Mỵ Lan đứng lên, nối bước theo sau, nét mặt tươi tỉnh vì bà biết đúng là ông đã về. Ông Tấn xuống ngựa, trao dây cương cho Hân, đi ngay lại phía vợ.
- Anh đã về, em bắt đầu lo đấy. Sao? Có việc gì mà anh về trễ thế? Em nghe nói thiên hạ đi đến phía hầm đá đông lắm, phải không anh? Anh cũng đến đó…
Bà ngưng bặt vì thấy chồng run tay đặt mũ xuống bàn, ánh đèn sáng rực soi rõ mặt ông, da ông xám ngoét, mất hết vẻ hồng hào thường lệ. Bà đặt tay lên cánh tay chồng, muốn hỏi mà không thốt ra lời. Sau cùng, ông ngồi phệch xuống ghế, đưa tay vuốt mồ hôi trán, tay vẫn chưa hết run, lạc giọng bảo bà:
- Mỵ Lan! Em ngồi xuống đây. Anh phải về tin cho em biết vì không muốn để ai báo tin này cho em trước… anh!
Người vợ kinh hãi, hỏi dồn:
- Có gì thế, anh? Ba mẹ làm sao phải không?
- Không! – ông Tấn khoát tay – ba mẹ không bị gì cả. Đó là chuyện chú Phát nhà ta. Em còn nhớ khi anh cưới em, không có chú trong bữa tiệc chứ?
Mỵ Lan gật đầu nhưng vẫn để chồng nói tiếp:
- Ấy đấy! Chú bỏ nhà đi mất tăm từ dạo ấy, tưởng đi giang hồ đâu xa, nào ngờ chú chết rục trong hầm đá, nay nhờ nước rút cạn, người ta mới tìm thấy xác chú cùng với đồng hồ, roi ngựa
– Cái roi ngựa của anh, sau khi ngựa chết chú xách roi đi, bỏ xác nó giữa đồng – Xác chú bị một tảng đá to đè…
Mỵ Lan kêu lên:
- Nhưng làm sao mà cả quyết là roi ngựa với đồng hồ của chú ấy? Thiếu chi người có roi ngựa, đồng hồ? Em nghĩ là…
- Vì anh cho bịt vàng trên đầu roi và khắc tên anh lên đó, rõ ràng quá đi rồi.
- Anh có ngờ là chú tự tử không? Chứ việc gì chú phải vào trong ấy để đá đè phải?
- Không… một sự rủi ro thôi, nó mà đời nào có ý nghĩ tự tử, nó chỉ muốn giết người thôi. Này Mỵ Lan, em có ngờ không, cái thằng ấy…
- Thôi anh ạ, anh không nên nhắc đến lỗi xưa, người đã chết rồi, ta phải khoan dung, tha thứ cho chú ấy.
Bà lại nắm tay chồng, bàn tay lạnh ngắt, nhơm nhớp mồ hôi. Ông rên rỉ:
- Em chưa rõ, chính nó đã ăn trộm số vàng bạc của bác San!
- Chúa ơi!
Mỵ Lan kêu lên sửng sốt và rồi bà đau xót vì thương chồng, vì biết chồng đang đau đớn nhục nhã vô ngần.
- Số vàng bạc còn nguyên vẹn, không thiếu một đồng. Nó chưa kịp tiêu, hiện mớ xương nó thì đưa về quán Ngàn Sao, còn vàng bạc thì anh sẽ giao lại cho bác San, nhưng anh vội về tin cho em hay đã.
Hai vợ chồng cùng im lặng, bầu không khí ngưng đọng, khó thở. Mỵ Lan, sau một lát cố gắng trấn tỉnh, dùng lời an ủi chồng:
- Xin anh bỏ qua chuyện cũ, chớ quá bận tâm, em, em cũng buồn về điều này, nhưng anh nghĩ xem, ta làm sao được?
- Mỵ Lan em, cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng bày ra. Anh cũng có một điều ân hận, một điều thắc thỏm từ bao nhiêu năm trời nay. Anh giấu em, giấu kín. Nhưng bây giờ, anh không muốn giấu nữa, anh phải thú thật với em.
- Anh!
Ngày hôm nay có nhiều chuyện quá! Mỵ Lan nghĩ thầm. Bà dịu dàng nói:
- Có chuyện gì, xin anh hãy cho em biết, hai người cùng chia sẻ vẫn hơn là một người.
- Mỵ Lan yêu dấu! – giọng ông Tấn ngập ngừng – anh thực không biết nên bắt đầu bằng cách nào để em hiểu mà tha thứ cho anh… thực ra, anh cũng khổ tâm vì phải giấu em trong bao lâu nay…
- Chúng ta yêu nhau, anh biết mà. Dù gì đi nữa, không đến nỗi nào, em tin thế.
Được vợ khuyến khích, người đàn ông mạnh bạo lên:
- Mỵ Lan ơi! Anh đã lừa em, anh đã lén lút đi lại với một người, song là chuyện lỡ lầm…
- Cảm ơn anh, em đã quá cái tuổi bồng bột, ghen tuông nhảm nhí. Việc đó em cũng có nghe phong phanh nhưng em rất mừng mà thấy anh hoàn toàn thuộc về em từ khi em về với anh…
- Anh chưa nói hết. Không phải chỉ thế thôi, người đó có sinh một đứa con, con gái…
Mỵ Lan run rẩy vì xúc động, bà nhìn sững chồng làm ông phải cúi xuống song vẫn tiếp tục thú tội:
- … Và người ấy chết từ khi anh chưa cưới em, bỏ đứa trẻ lại…
Mỵ Lan đứng bật lên:
- Nó ở đâu? Sao anh không cho em hay? Nếu nó còn sống…
Ông Tấn thở dài buồn bã:
- Nó ở gần đây, nó là con bé Hạnh, con bác San thợ dệt…
Mỵ Lan ngồi lặng, tái mặt, môi run run, không thốt ra lời, chồng bà thì lo lắng không biết hậu quả của câu chuyện sẽ ra sao. Một lúc sau, giọng bà trầm hẳn xuống không phải vì giận mà vì xúc động:
- Tấn ơi! Anh đã làm một điều bậy bạ, nhưng ta có thể vớt vát phần nào tội lỗi ấy, nếu anh nói thật với em, chúng ta mang nó về nuôi…
- Anh đã có nghĩ đến điều này, nhưng khi anh ngỏ ý thì em từ chối…
- Anh có nói là mang con về đâu? Anh chỉ nói “nuôi một đứa con nuôi” cơ mà! Anh nghĩ xem, em nỡ lòng nào từ chối khi em biết nó là máu thịt của anh?
- Cảm ơn em. Anh không ngờ em rộng lượng đến mức đó. Nếu anh biết em không buồn vì chuyện này, anh đã nói thật với em từ mười sáu năm trước rồi.
- Bây giờ anh tính sao đây?
- Anh nghĩ là cũng chưa muộn, ta có thể…
Mỵ Lan buồn rầu:
- Vẫn hay rằng ta có thể… nhưng còn bác San, bác ấy liệu có vui lòng cho nó về với ta chăng? Đó là em chưa kể nó lớn rồi, khó lòng mà yêu anh được như khi ta cưu mang từ nhỏ.
Ông Tấn vẫn cúi đầu, thở dài không nói. Mỵ Lan ôn tồn:
- Anh không nên phiền muộn thái quá, dù sao, em hứa sẽ cố gắng. Bổn phận của ta là thế. Cầu xin Chúa giúp em để chúng ta…
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XII
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét