Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

CHƯƠNG II_TRONG ĐÊM GIÔNG BÃO

Chương II

THẰNG PHAN

Đúng như lời Quản Ru nói: cơn bão tưởng sẽ ghê gớm lắm, thế mà chỉ có gió thổi và mưa lác đác.

Bầu trời lại quang đãng. Mặt trời nhô khỏi đám cây rừng, tỏa ánh sáng êm dịu xuống vạn vật.

Ông Mẫn dậy sớm hơn cả mặt trời, ống kính “lúp” dính một bên mắt, ngồi trước bàn làm việc. Mấy ngón tay khéo léo của ông điều khiển một cái díp lớn, hai đầu nhọn, kẹp rồi nhấc ra từng bánh xe nhỏ của một chiếc đồng hồ báo thức.

Chợt ông ta đưa mắt ngó lên căn gác lửng, bảo em gái:

- Thằng nhỏ thức giấc rồi đó.

- Hôm nay chủ nhật, thế nào cũng lại lên Mương lai bản suốt ngày cho coi.

- Cô chỉ được cái thế là không ai bằng. Con trai con đứa mà chỉ thích nó ru rú trong nhà không à. Liệu dọn đồ điểm tâm cho cháu. Ngày nghỉ nên cho nó đi đó đi đây.

- Sẵn sàng rồi. Nước pha cà phê đang sôi.

- Cô cho anh một ly với, nghe!

Thằng Phú tung chăn rời khỏi võng. Nhẩy hai bước, nó đã nắm gọn hai đầu cầu thang rồi cứ thế tụt người xuống. Có tiếng bà Mai:

- Rửa mặt, đánh răng rồi ăn sáng, Phú!

- Dạ, cháu cám ơn dì Mai.

- Có đi chơi đâu nhớ thay cái áo “bu dông” kia ra dì giặt rồi ủi cho nghe. Dơ quá rồi đó.

- Để cháu mặc nốt hôm nay đã, dì Mai. Cái áo này cản gió tốt lắm. Nhất là chạy xe gắn máy, gió tạt mạnh.

Ông Mẫn:

- Cẩn thận nghe Phú. Chạy chầm chậm thôi.

- Cậu Mẫn yên trí, cháu chạy cẩn thận mà.

Rửa mặt đánh răng xong, Phú ngồi vào bàn ăn bánh trứng rán rồi uống hết ly cà phê.

Bà Mai, cũng như trăm ngàn bà mẹ khác, bao giờ cũng lo vấn đề ăn uống của các con cháu:

- Về sớm nghe Phú. Nhà đợi cơm chiều đấy. À, thế còn bữa ăn trưa? Chẳng lẽ cháu lên nhà ông bà Tư Lành mà lại không đem gì theo sao? Để dì đi lấy cái giò thủ mới làm xong và một đôi bánh chưng cho anh em thằng Phan, nhé!

- Dạ, cháu cám ơn dì Mai.

Ông cậu cười nhẹ:

- Nhất là đừng quên các chú lính bằng chì, nghe Phú.

- Ý! Cậu Mẫn cũng đã coi rồi hả, cậu Mẫn?

- Ừa! Cậu Mẫn coi rồi và cậu Mẫn hiểu tụi bay lắm. Thằng Phan cũng như cậu. Chỉ có tay mà không có chân. Vậy phải cho hai tay nó làm việc thật hăng mới được.

Ra đến cửa, bà Mai còn dặn với:

- Chạy từ từ thôi, nghe Phú!

Thằng Phú cột hộp lính chì vào “poọc-ba-ga” thật chắc chắn. Xong đâu đấy, nó đạp xe cho nổ, leo con đường đất dốc rồi mất hút trong rừng cây.

Từ Phượng Mô lên Mương lai bản có đường cái chính chạy bên kia Gia Viễn, nhưng Phú không theo con đường ấy mà lại chạy theo con đường mòn xuyên qua một cánh rừng già thường gọi là rừng Đen. Dân địa phương ở đây đã lâu mà mỗi khi đặt chân đi vào rừng Đen cũng vẫn cảm thấy hồi hộp. Cây rừng ở đây toàn loại cổ thụ cao chót vót, tàn lá xum xuê che khuất ánh mặt trời khiến bên trong lúc nào cũng tối đen như mực. Người mới ở ngoài chỗ sáng vào, phải ba bốn phút sau mới phân biệt được mọi vật. Một giòng suối róc rách tuôn qua khe đá lùm cây, nước trong vắt nô giỡn trên làn cuội trắng. Để đi qua suối, người ta đã bắc hai cây gỗ lớn, nắng mưa lâu ngày đã làm mục ải khá nhiều.

Đẩy xe gắn máy trên con đường mòn dẫn đến cái cầu hai cây gỗ, Phú vui vẻ đặt bước. Chợt, bắt gặp bóng người thấp thoáng nó liền đứng lại.

Dưới bóng cây âm u, lại thêm dây mây rừng chằng chịt, Phú không thể trông rõ người đang tiến về phía nó là ai. Nhưng tiếng nói đã theo gió vẳng tới. Người lạ đang nói chuyện với một… người nữa thì phải.

Khi hai bên chỉ còn cách nhau chừng hai chục thước, Phú nhận ra ông Quản Ru, vị hạ sĩ quan quan thuế, bạn thân của cậu Mẫn, sắc phục chỉnh tề, vai đeo một khẩu súng săn hai nòng bóng nhẫy. Tay ông dắt theo một con chó Lài giống Đức rất to lớn:

- Im nào. A Giát!

Tiếng quát của ông Ru khiến con chó ngưng ngay không dám lên tiếng sủa mà chỉ còn gầm gừ trong cuống họng nghe phát lạnh xương sống.

Ông quản Ru đi khỏi khúc đường mòn cong vòng như cái khuỷu tay ra đứng trước mặt Phú.

- A! Phú đấy hả? Bác không trông thấy cháu, nhưng con chó này đã đánh hơi biết ngay rồi. Tài thế!

- Cháu có nghe thoáng tiếng bác nói!

- Có lẽ cháu không biết bác nói chuyện với ai, phải không? Với con chó, con A Giát này đấy. Chắc nó đang bâng khuâng không hiểu tại sao hôm nay lại được người lạ dắt đi dạo mát trong rừng, có dây cột “cổ dề” cẩn thận. Bác đang phải vỗ về an ủi nó đấy.

- Học trò mới của bác hả, bác Ru?

Quản Ru cúi mặt nhìn con chó:

- Học trò mới… Hừ!

Các nhân viên ty Quan thuế tại đây vẫn thường huấn luyện loại chó bẹc giê này để dùng theo dò dấu vết, đặng tróc nã bọn buôn lậu. Họ dạy chúng cả kỹ thuật tác chiến với đàn chó của tụi gian vẫn sai đi tải hàng lậu nữa.

- Nếu được một tên học trò mới như con này thì còn nói gì. Tình đời mà cháu, hà! Cháu ngắm kỹ nó coi! Lực lưỡng, cao lớn, đẹp quá xá, bắp thịt nổi cuồn cuộn… – Quản Ru chép miệng – Chậc! Bực mình quá! Biết thế không thèm nhận làm cái việc hèn hạ này có phải hơn không!

Công việc hèn hạ…? Ủa! Việc hèn hạ ông Ru vừa buột miệng thốt ra là việc gì vậy?

- Ấy kìa! Nó đến đánh hơi cháu đó, Phú!

Con chó cao lớn, từ lúc nào vẫn đứng xa xa, bỗng chuyển mình xán lại, ngập ngừng, hất cái mồm dài đụng cả vào mấy cành cây. Hình như nó không nhìn thấy mấy cành cây ấy mọc chìa ra cả lối đi thì phải. Lại tiếng ông Quản Ru:

- Đây kia mà, A Giát! Cháu vuốt ve nó một cái đi, Phú! Và thử nhìn đôi mắt nó coi!

Thằng Phú ngó đăm đăm vào đôi mắt con chó. Đôi mắt sưng tấy, tròng mắt to khác thường bị phủ một lớp màng trắng đục trông như mắt chó giấy.

- Mù tịt đó, Phú ơi!

- Mù tịt? Con chó này bị mù cả hai mắt, hả bác Ru?

- Ừa! Mắt thế chẳng mù thì còn sáng với ai!

Thằng Phú ngồi phệt hẳn xuống mặt đường mòn. Con chó nằm sát bên cạnh, đôi mắt nhắm nghiền, mõm đặt trên hai đầu gối thằng nhỏ. Chốc chốc, nó lại thè cái lưỡi đỏ hỏn lốm đốm đen liếm lên tay người bạn mới.

- Chó trên biệt thự ông Hội đồng Cổn đấy. Ông ta nhắn người bạn gọi bác đến để nhờ một việc. Khó từ chối quá! Phiền thật!

Không khí trong rừng cây im lặng nặng nề.

Phú im lìm không nói một tiếng nhưng trí óc nó làm việc rất hăng… Và nó đoán ra, biết được ngay tại sao sáng nay ông quản Ru lại đeo súng cẩn thận, dắt theo con chó bẹc giê vào rừng, con chó đã mù tịt cả hai mắt… Nếu không để bắn hạ, không để hóa kiếp cho nó thì còn làm gì nữa đây? Đúng như ý thằng nhỏ đoán.

- Thôi, Phú đi đâu thì đi đi, cháu! Con chó này, chủ nó nhờ bác đem đi bắn bỏ đấy. Tội nghiệp quá! Sống ở nhà ông Hội đồng nó cũng chẳng sung sướng gì. Mà này! Phú! Sao coi bộ cháu buồn rầu quá vậy? Biết thế bác đi đường khác để khỏi gặp cháu cho xong.

Hai mắt vẫn nhắm nghiền như có ý muốn quên đi niềm đau thương thống khổ, con vật khôn ngoan nằm lọt hẳn vào giữa hai chân người bạn nhỏ. Chợt, viên hạ sĩ quan quan thuế lên tiếng:

- Thôi, đi nào, A-Giát!

Con chó uể oải đứng lên. Thằng Phú cũng bật dậy theo. Trước mặt nó, con vật đứng sừng sững, cao lớn, đẹp hiên ngang với bộ lông đen nhánh, mượt như lông gấu, bốn cẳng chân vàng màu lửa cháy và… đôi mắt “nhìn” nó đăm đăm. Tội nghiệp, đôi mắt tắt lịm như hai đốm than tàn… Thế rồi, chân bước mà lòng còn muốn ở lại, A-Giát vừa đi vừa trì kéo khiến cái dây cột cổ nó thẳng căng. Nhưng nhân viên quan thuế cứ đều đều đặt bước khiến con vật, dù không muốn, vẫn phải đi theo. Chỉ một thoáng sau, người và vật đã mất hút trong rừng cây rậm rạp.

Thằng Phú cảm thấy lòng bùi ngùi, tủi hổ nữa mà không hiểu tại sao, chỉ đứng trông theo, không dám nói ra câu nó rất muốn nói:

- “Bác Ru ơi! Bác cho cháu con chó này đi, nghe bác Ru!”

Ít phút sau, nó dắt xe vượt con suối, trên mặt cầu bắc bằng hai thân cây. Sang bờ đối diện, thằng nhỏ tiếp tục dắt xe đi bộ. Tới địa phận Phà Liêm, nó nhảy lên xe phóng như bay, ý chừng không muốn nghe cái tiếng nổ ghê rợn chắc chắn thế nào cũng có. Nhưng mãi khi đến Mương Lai Bản, Phú vẫn chưa nghe tiếng súng bắn. Thì ra, trong lúc thằng nhỏ cưỡi xe gắn máy chạy băng băng, ông Quản Ru và con A-Giát ngồi bên nhau, trên bãi cỏ, trong một khoảng rừng thưa, chia nhau bữa ăn lót dạ. Một ổ bánh mì và hai thỏi giò nây. Quản Ru bảo con vật:

- Ăn, ăn đi! A-Giát! Yên trí! Quản Ru sẽ cho mày một dịp may. Cố tìm đường mà về biệt thự nhé! Dễ mà, thính mũi như mày thì việc ấy đâu có khó gì. Ai hỏi, tao sẽ nói đại là mày giựt đứt dây dông mất tiêu rồi. Điều cần là đừng có theo tao nhằng nhẵng, nếu không thì phiền lắm đó.

Viên hạ sĩ quan quan thuế cột sơ sơ dây thừng vào một cành ruối thấp:

- Mày đủ sức tự tháo củi sổ lồng được mà, phải không A-Giát? Ăn bánh mì và miếng thịt kia đi đã. Thôi tao dông đây, nghe!

Mũi hếch lên hóng gió, ngoan ngoãn ngồi thẳng lưng dưới chân bụi ruối nhiều quả chín mọng màu vàng tươi nổi bật trên đám lá xanh, con chó có đôi mắt “chết” lắng nghe tiếng giầy đạp trên lá khô mỗi lúc một nhỏ… một xa dần.

Thằng Phú dựng xe gắn máy dưới mái hiên, nơi ông Tư Lành xếp củi đầy để dành chụm lửa nấu cơm và sưởi ấm trong mùa đông tháng giá.

Nhỏ Liên tuổi mới mười ba, nhưng lớn con, em gái thằng Phan, đi tắt qua vườn chạy ra đón bạn của anh. Con bé trông thật ngộ nghĩnh: Da màu bánh mật, tóc dợn sóng tự nhiên buông xõa ngang vai, đôi mắt to đen láy, vóc người dong dỏng, nhưng mập lẳn như mình cá chắm, trông nó cao chẳng thua thằng Phú mấy tí. Con Liên giống anh Phan nó ở khuôn mặt thuôn thuôn dài, cặp môi thanh thanh đẹp như vẽ và cái mũi nhỏ hơi hếch lên trông bướng bỉnh một cách thật đáng yêu. Nhất là khi cười, con Liên lại càng giống anh ở điểm: cười bằng miệng và bằng cả mắt nữa. Tròng mắt của hai anh em cứ long lanh như mắt người đang lên cơn sốt.

Nói đến hai tiếng “cơn sốt”, người ta lại nhớ ngay đến những cơn sốt âm ỉ, thầm lặng cứ len lén đến hoài, dày vò thể xác thằng Phan chẳng mấy lúc buông lơi.

Tội nghiệp thằng Phan! Lúc bé nó cũng mập mạp khỏe mạnh, chạy nghịch phá phách tung trời có thua gì thằng Phú! Nhưng một cơn sốt tê liệt ác hại đã quật ngã thằng bé giữa thời ký đang hay ăn, lớn mau như thổi. Hai cẳng chân nó teo lại, khô quắt đi, không chống đỡ nổi thân mình nó nữa. Rồi cũng từ ngày đó, thằng Phan không lớn lên thêm được chút nào và số cân chỉ còn bằng thằng bé lên mười.

Da con Liên, em gái nó, hồng nâu, màu bánh mật, khỏe mạnh bao nhiêu, da thằng Phan lại trắng xanh, yếu ớt bấy nhiêu. Tóc nó cũng nâu nhưng không tơ mịn như tóc em gái, mà lại cứng như lông đuôi ngựa lòa xòa xuống trán, trùm kín hai bên thái dương. Sóng mũi, phía trên hai gò má có nhiều nốt lốm đốm nâu càng làm nổi bật nước da xanh của đôi má hóp. Trên khuôn mặt thuôn dài, hằn rõ nhiều nét buồn thương, đôi mắt thằng Phan rất to, tròng mắt nâu, tia nhìn lúc nào cũng mơ màng như chìm đắm vào cõi mộng nào đó xa vời vợi.

Sự thật có thế. Vì không thể xông xáo vào cuộc đời hiện tại có thực, ngày lại ngày, thu mình ngồi hoặc nằm dài một chỗ, thằng Phan chỉ sống trong cõi mộng, một cõi mộng của riêng nó, chỉ mình nó biết, một mình nó hay.

Nó không điên khùng mà cũng chẳng ngây dại gì đâu! Nhưng cứ như một con chim không cánh! Ông Cả Mẫn đã nói như thế và sự thật quả đúng như thế. Thằng Phan rất thông minh, tính tình thật nhậy cảm nhưng lại là một sự nhậy cảm vô cùng bệnh hoạn.

Em gái nó, con Liên, bạn rất thân của nó, thằng Phú, yêu thương anh hết sức, quý chiều bạn vô cùng, nhưng hai đứa vẫn không thể nào thấu hiểu cho được cái cảnh sống, cái vũ trụ riêng biệt của thằng Phan. Một cảnh đời bí mật nhưng có lẽ thư thái nhẹ nhàng, huyền ảo, như có lại như không. Một vũ trụ lạ kỳ, trong đó, các đấng Tiên Phật có, các vị thiên thần có, và hung tinh ác quỷ cũng không thiếu. Vũ trụ bí mật ấy, nhiều lúc khiến thằng bé tàn tật vui tươi hớn hở, đôi khi lại khiến nó buồn tủi khổ đau và đã có lần làm cho nó kinh hoàng khiếp hãi.

Đối với Phan, bạn thân thiết nhất của nó là những con thú vật nhỏ nhỏ xinh xinh. Chúng bám theo thằng nhỏ, quanh quẩn bên nó, coi nó như đồng loại vậy. Thầy đội kiểm lâm mỗi lần đi rừng về lại đưa cho con, khi thì con sóc, con chuột rừng, cầy, cáo… bé nhỏ xinh xinh có cái đuôi bông lau, bộ lông tơ đẹp mịn như nhung. Có khi ông bưng về cả một ổ chim sáo bẩy tám con mới mở mắt. Nhờ sự chăm sóc, cho ăn cho uống do tay thằng Phan, chúng lớn rất nhanh.

Dưới gầm bàn, con thỏ đực lông hung hung đỏ, ngoan ngoãn nằm trong ổ rơm ấm cúng. Con cáo non, lông màu xám tro, chiều nào cũng chạy tới tìm bạn. Đem về nuôi từ hồi mới lọt lòng mẹ, nô đùa quấn quít với nhau quen rồi, cáo và thỏ không hề biết rằng: trong rừng, chúng là hai loài thù nghịch nhau chí tử. Giờ đây, con thỏ thu mình đánh một giấc ngủ ngon giữa hai cẳng chân bạn. Con cáo lông xám đưa cái mõm dài khẽ nhấm nhấm vành tai chú thỏ hung.

Trong cái lồng bằng que tre vót nhẵn, ken rất khéo, bốn góc mái uốn cong như mái chùa, hai vợ chồng con sáo sậu vừa nhẩy chuyền vừa hót líu lo. Chỉ có Chi My, con sóc, là được thả rong, chạy vòng khắp trong gian nhà rộng rãi. Thoắt một cái, nó nhẩy tót lên thành cửa sổ, leo nhanh vun vút lên một cây cao nhất trong vườn. Nhào lộn một hồi thật đã trên ngọn cây, Chi My luồn xuống, phi lên giường Phan, một chân khập khiễng y như cậu tiểu chủ vậy. Con sóc cũng bị liệt một chân.

Phú vừa mở sợi dây cao su ở “poọc-ba-ga” vừa hỏi Liên:

- Phan thế nào? Khá không Liên?

Khá chút xíu à! Sáng nay lại sốt rét. Nhưng được cái gần khỏi ho rồi.

Phú đưa gói thức ăn cho em gái bạn:

- Này Liên! Dì Mai cho vài cái giò thủ, hai cái bánh chưng để trưa ba chúng mình ăn.

- Ồ, tốt quá! Cám ơn dì Mai! Cám ơn anh Phú! Thế còn mớ lính chì ở Saigon gởi lên chưa anh Phú?

- Rồi, rồi! Phú đem tới đây! Tức ghê! Anh nhờ mua cả những ống sơn ánh bạc nữa, nhưng hết mất rồi! Kỳ sau mới có. Phan vẫn khoái sơn phết tụi lính bằng chì đấy chứ, hả Liên? Nhưng hình như nó khoái bọn thú rừng hơn thì phải.

- Anh Phú nói đúng đấy.

- Phú đã viết thư cho tiệm bán đồ chơi ở Saigon. Có gì hay họ sẽ gởi lên. Phải làm cho Phan ngạc nhiên một phen mới thú, phải không Liên?

Liên nhìn anh bạn, cười thật xinh:

- Anh Phú tử tế quá!

- Phú thương quý Phan như anh em ruột một nhà vậy đó, Liên ạ!

Con bé chợt thở dài, giọng nó trầm hẳn xuống:

- Đúng thế! Nhưng… làm sao được! Anh Phan thở ra hít vào khó khăn lắm, người cứ mệt lả ra. Bác sĩ bảo rằng…

- Sao? Bác sĩ bảo sao?

Thằng Phú thoáng giật mình, vội vàng lên tiếng hỏi khi thấy con Liên cố cắn môi cho khỏi bật khóc:

- Bác sĩ bảo rằng… chắc chỉ mùa Thu, hoặc già lắm là mùa Xuân sang năm, anh Phan sẽ… sẽ… À mà này, anh Phú! Đứng trước mặt anh ấy, anh Phú chớ lộ vẻ thương xót buồn rầu gì cả nhé. Dù thấy anh ấy đau đớn thế nào đi nữa cũng cứ vờ thản nhiên như không ấy nghe, anh Phú! Khó hiểu ghê đi! Anh Phan nghĩ ngợi cái gì trong đầu, có mà trời biết. À, hôm qua, còn sót lại hai chú lính cưỡi ngựa. Anh Phan mới phết lượt sơn lót thì khám phá ra một chân ngựa… thọt, nghĩa là ngắn hơn ba chân kia và không có móng. Anh ấy liền quơ đôi nạng, lò mò xuống tận dưới bếp. Bới tìm trong đống vỏ đồ hộp, anh Phan vớ được một mảnh chì. Thế là…

Phú cười vui, tiếp luôn:

- Thế là anh Phan nung cho chì chẩy ra, tháp vào chân ngựa cho dài và làm móng cẩn thận. Giỏi lắm!

Con Liên cũng cười theo bạn:

- Đúng đấy anh Phú. Và anh ấy còn bảo em thế này: “Liên thấy không? Anh cũng biết săn sóc, chạy chữa cho súc vật y như vị thần linh trong rừng chứ bộ. Vị thần linh ấy lại gỡ bỏ các bẫy sập để cứu tụi thú rừng nữa đó. Rồi ông ta đi tìm những con nào bị thương, nằm bẹp một chỗ, không đi kiếm ăn được, chữa cho tụi nó lành bịnh như thường. Chính mắt anh trông thấy vị thần linh ấy mà. Tóc ông xanh và râu cũng xanh như màu rêu đá. Ông ấy cứ nấp núp sau những cành cây nhưng anh vẫn trông thấy được, thú quá! Bữa anh Phú chở anh đi chơi trên Gò Quao đó, Liên!” Anh Phan nói với em như vậy đó.

Phú khẽ gật đầu:

- Ừ, ừ! Phan cũng đã nói chuyện với anh về ông thần này.

- Và anh ấy cứ nói là trông thấy ông ấy rõ ràng kia. Thôi, chúng mình vào với Phan đi. Nghe tiếng xe gắn máy của anh là anh ấy nôn nóng lắm rồi đó.

Phan đang nằm nghỉ trên chiếc ghế xích đu dài. Thoáng thấy bóng bạn, ánh mắt nó long lanh sáng hẳn lên. Thế là lại được một ngày vui. Phú đến khiến thằng Phan vơi hẳn cơn đau nhức thể xác, quên bẵng ngay nỗi buồn khổ trong tâm hồn. Nó có cảm giác sức khỏe tăng tiến rất nhanh. Thêm nữa, Phú lại là người bạn sẵn sàng nghe Phan kể chuyện tâm tình.

Phú biết thế nên muốn cho Phan khỏi nghĩ ngợi buồn rầu nữa, liền mở hộp cát tông đựng lũ lính chì. Trong hộp có cả một quyển chỉ dẫn về những hình các chú lính chì mặc sắc phục tô màu rất đẹp.

Phan sẽ tha hồ sơn phết. Có đến hàng tháng cũng vẫn còn đồ để giải trí. Phải công nhận nó sơn thật tỉ mỉ, không bỏ sót một chi tiết nào, từ cái dây lưng, cặp lon, cái phù hiệu, huy chương cũng như khẩu súng dài, súng ngắn của các chú lính tí hon. Nét cọ thật khéo léo, không một khuyết điểm.

Hãng sản xuất đồ chơi con nít trên Saigon rất hài lòng về tác phẩm đầy tính chất mỹ thuật của chú nghệ sĩ thiếu nhi, đã trả tiền thù lao rất hậu mỗi khi nhận được hàng từ Mương lai bản gởi lên.

Thằng Phan lại thích thú hân hoan đem số tiền kiếm được ấy cho mẹ. Nó cảm thấy như được uống một liều thuốc bổ khi thấy bà Tư Lành cầm tiền, âu yếm nhìn đứa con tàn tật mà rưng rưng nước mắt.

Thế rồi, cả buổi sáng chủ nhật đó, thằng Phú cặm cụi dưới nhà ngang, đóng cho bạn cái xe lăn. Hai bánh xe đạp cũ lắp vào hai đầu một cái trục ngang bằng gỗ. Trên trục gỗ, là một miếng gỗ phẳng có thể ngồi vững, đưa hai chân đạp lên đôi bàn đạp như đạp xe vậy. Nếu không muốn đạp, người ngồi có thể dùng hai tay lăn hai bánh xe, vẫn có thể dịch chuyển từ chỗ này cho tới chỗ kia được.

Thở hổn hển vì phải dùng sức nhiều, nhưng thằng Phan rất thích thú khi được con Liên, thằng Phú dìu ra sân thử xe. Sau một hồi vận động bắp thịt ngoài trời thoáng khí, mệt mỏi nhưng vô cùng khoan khoái, thằng Phan, ngày thường cứ đến bữa cơm là nhăn nhó khó chịu, ăn rất ngon miệng gần hết nửa cái bánh chưng và một khoanh giò béo ngậy.

Cơm trưa xong, cũng như mọi chủ nhật trước, tiết trời khô ráo, thằng Phú lại chở bạn vào rừng hóng mát. Đôi bạn mò lên tận Gò Quao ngã mình trên thảm cỏ êm, dưới bóng những cây tùng râm mát.

Cầy, cáo, chuột rừng và thỏ ở đây ít khi gặp bóng người, thấy lạ, mon men xán tới thật gần, nấp núp sau những bụi cây đám cỏ, giương đôi mắt tò mò nhìn không chớp.

Hai đứa ngả mình nằm ngủ một hồi khá lâu. Chợt thằng Phan, vốn thính tai, phân biệt được rành rẽ mọi tiếng động trong rừng thẳm, giơ tay nhìn bạn:

- Suỵt, Phú! Nghe tiếng gì không?

Thằng Phú lắng tai: chỉ có tiếng lá cây, gió rừng kêu xào xạc.

- Phan nghe văng vẳng tiếng…

- Tiếng gì, Phan?

- Một con vật gì đó rên rỉ… Hình như tiếng chó…

Thằng Phú thoáng giật mình, hơi biến sắc mặt, nhắc lại lời bạn như một âm vang:

- Tiếng chó… rên rỉ…

Suốt một ngày lên Mương lai bản chơi với bạn, rồi lại dắt nhau vào rừng hóng mát, nó quên bẵng hẳn cuộc gặp gỡ hồi sớm mai với bác Quản Ru và con chó mù. Nó không hề biết rằng: tới phút chót, ông Ru đã không nỡ nhẫn tâm chĩa súng bắn chết con vật bất hạnh vô cùng đáng thương ấy.

Thằng Phan rất thông minh, nhậy cảm, ngó bạn hỏi ngay:

- Sao thế, Phú?

Phú nói lảng:

- Không, có sao đâu! Hơi lạnh rồi đấy, tụi mình về đi!

Thằng Phan cởi chiếc “bu dông” của bạn, đang mặc trên người:

- Phú làm như mình thiếu áo lắm đó. Khoác cái này vào người đi. Phong phanh mỗi cái sơ mi mỏng lét hèn chi chẳng thấy lạnh.

Phú khẽ gạt tay bạn:

- Không phải thế đâu. Phan mặc vào rồi mình dìu ra xe. Đi!

Nó cảm thấy không thể nào thú thật với thằng Phan là hiện giờ nó đang ân hận, chua xót tràn ngập trong lòng. Cảnh tượng con chó to lớn lực lưỡng nằm ngoan ngoãn giữa hai cẳng chân nó, thè lưỡi liếm tay nó, nhìn nó đăm đăm như khẩn cầu cứu giúp bằng tia mắt tắt lịm như hai đốm than tàn, cảnh tượng ấy chắc chắn không bao giờ nhạt nhòa trong ký ức nó được. Nếu gặp Phan, chắc hẳn, Phan đã xin thẳng với ông Quản Ru và cứu được con vật mù thoát chết.

Khi đưa bạn về đến Mương lai bản, Phú quay đầu xe nhằm hướng Phượng Mô trực chỉ thì trời đã xế chiều.

Trong làng Phà Liêm, nhà nào nhà nấy đã lên đèn. Trên Gò Quao, hơi sương từ giòng suối trong rừng Đen xanh bàng bạc nhẹ tỏa như khói lam, lối đi chỉ còn là một đường mờ mờ trắng.

Thằng Phú lại vượt qua suối bằng cách dắt xe đi từng bước một trên cầu hai cây gỗ mục. Hết cầu, nó vẫn tiếp tục dắt bộ.

Đường về chỉ còn không đầy một cây số. Nhưng màn đêm đã rủ buông dầy đặc. Phú đưa tay mở đèn xe. Bánh xe dắt bộ quay chầm chậm. Chiếc đèn “pha” chỉ phát ra một vầng sáng mờ mờ. Một khoảng đường đất dốc hơi cao. Tới đỉnh, đổ dốc, vòng hết khúc đường quanh là tới thôn Phượng Mô. Xe đã mở máy. Thằng Phú chăm chú cho xe đổ dốc.

Đột nhiên, ngay chỗ khúc quanh, bên mấy lùm cây thấp nhỏ, giữa vầng ánh sáng rung rung của chiếc đèn xe, xuất hiện… hai con mắt. Đôi mắt rất to, không xanh lè như mắt nai hoẵng, chẳng đỏ lừ như mắt thỏ rừng, mà… trắng đục, ngó thật kỹ thì lại chuyển sang vàng nhạt như màu đất sét.

Con thú có đôi mắt ấy, dạn đèn, không chịu bỏ chạy. Tiến lại gần, thằng Phú bắt đầu nhận ra hình dáng cao lớn, lực lưỡng của con vật, cái đuôi thòng xuống lọt vào giữa hai chân sau, đôi tai to nhọn dựng đứng và… mấy nút bằng đồng sáng loáng đính ở vòng đai cổ dề.

- A-Giát!

Con chó mù, đúng rồi!

- A-Giát!

Giọng thằng Phú run bắn lên vì xúc động. Trong tâm tư nó lại đột khởi mặc cảm đồng lõa với ông quan thuế trong việc làm hèn hạ: bắn bỏ con gia súc tật nguyền. Nhưng, kìa… con A-Giát sừng sững đứng ngay trước mặt thằng nhỏ, vẫn sống nhăn… đẹp hiên ngang, oai hùng hơn bao giờ hết.

A-Giát đứng yên như trời trồng, bốn chân thẳng tắp, vững chắc như bốn cái cọc, đầu ngẩng cao trong tư thế chờ đợi.

Thằng Phú luống cuống dựng vội xe vào một thân cây, lao người chạy ùa tới, quỳ gối bên con chó, ôm cái mõm dài của nó trong lòng hai bàn tay ấm áp, nhẹ vuốt ve gò mũi ấm, gãi gãi đám lông cổ mịn mướt gần sát đôi tai mềm êm của A-Giát.

Con chó không cần nhìn ngó cũng đã nhận ra kẻ sắp sửa làm chủ nó. Một tràng gầm gừ nghẹn ngào phát ra từ cuống họng, bên trong cái cần cổ mập mạp, khỏe mạnh.

Thằng Phú đưa tay giật tuột khỏi cổ A-Giát mẩu dây thừng, luôn cả cổ dề, liệng tất cả vào bên trong bụi rậm. Nó khẽ gọi:

- A-Giát! Đi!

Và tin chắc thế nào con chó cũng đi theo. Y như rằng! A-Giát nhanh nhẹn cất bước, theo sát gót thằng Phú, lao xuống chân bờ cỏ, tới con lộ nhỏ dẫn về thôn Phượng Mô.

Trên ngưỡng cửa, dì Mai băn khoăn lo ngại, nóng ruột đợi chờ đứa cháu cưng.

- Cháu đã hứa về thật sớm kia mà, hả Phú! Tối mịt từ lâu rồi đó!

Ông cậu sửa soạn xáp vào bàn dùng cơm tối, quay ngang chiếc xe lăn để nhìn cho rõ kẻ trễ hẹn. Và ông chợt trông thấy con chó:

- Ủa, con chó này ở đâu vậy, Phú?

Phú ta luống cuống chẳng biết trả lời cậu ra sao. Nó chưa hề có phút giây nào nghĩ tới việc: cậu và dì có thể không bằng lòng chứa chấp con A-Giát.

- Kìa, cậu mẫn hỏi sao cháu không nói?

- Dạ… dạ! Cậu Mẫn chờ… à vâng, vâng, cháu xin nói!

Thế rồi, mới đầu còn ngập ngừng ngượng nghịu, chỉ mấy giây sau Phú đã vanh vách kể chuyện ông quản Ru kéo lê con chó vào sâu tít trong rừng Đen trên Gò Quao để…

Cậu Mẫn đập bàn tay to lớn trên thành chiếc xe lăn:

- Mà con chó đã bị mù tịt cả hai mắt, hả?

Chưa biết ý định của cậu thế nào, thằng Phú lấm lét nhìn dì Mai:

- Trông nó đẹp quá, hả dì Mai?

Nó linh cảm rằng dì Mai có đủ khả năng gỡ rối cho nó được. Đàn bà bao giờ cũng nhiều tình cảm hơn đàn ông.

- Nó quen với cháu rồi, dì Mai!

Thằng Phú vẫn đứng ngây giữa nhà. Con chó to lớn đứng cạnh bên, sát thân mình vào chân nó.

Lời nói của cậu Mẫn vẫn gay gắt nhưng âm thanh giọng nói đã thoáng vẻ dịu dàng:

- Nuôi, tất nhiên phải cho nó ăn. Cỡ kia mà ăn thì phải biết. Gấp bốn người lớn ấy!

Dì Mai có ý ngầm giúp cháu, nói vun vào:

- Kiếm cái ăn cho nó cũng dễ. Cơm thừa canh cặn thiếu gì. Tôi thấy nuôi được đó. Nhưng cũng tùy anh.

- Ăn rồi, còn ngủ? Cho nó ngủ đâu?

Thằng Phú mừng rỡ trong lòng nhưng không dám để lộ ra mặt. Cuộc tranh đấu cơm ăn chỗ ngủ cho A-Giát đã thắng lợi hoàn toàn.

Vẫn tiếng cậu Mẫn:

- Nó ngủ trên gác lửng sao được? Thang nhỏ, bậc bằng bắp tay con nít thế kia, leo làm sao?

Dì Mai:

- Trong kho chứa củi, được đấy!

Thằng Phú reo lên:

Đúng rồi! Đúng rồi! Dì Mai ơi! Trong đó có nhiều rơm sạch dì vẫn để dành cho thỏ. Cháu lấy rơm làm tạm cho nó một cái ổ nằm cho ấm, nghe dì Mai!

Ông Mẫn bảo mọi người:

- Thôi, đi ăn cơm, đói rồi!

Thế rồi, suốt bữa cơm, con A-Giát nằm dài sát chân ghế của thằng Phú, không rời đi đâu nửa bước.

Đêm nay không thể thức khuya vì sáng mai đi học, phải dậy sớm. Thằng Phú dắt con A-Giát xuống vựa củi, cho nằm trên ổ rơm khô ráo, kế bên một cái chậu nhỏ đựng cơm trộn với canh bí sườn heo do dì Mai thu dọn trên mâm đem xuống. Thấy cháu vui tươi hớn hở, dì cũng vui lây:

- Thích nhé, hả Phú?

- Dạ, dạ! Cháu thích lắm, dì Mai ơi! Nhờ có dì, cậu mới chịu cho cháu nuôi nó đó! Cháu cám ơn dì Mai!

Giờ đây, thằng Phú nằm dài trên đệm ở tầng gác lửng, mở sách ra học. Quần áo vẫn để nguyên chưa thay. Dưới nhà, hơn hai chục chiếc đồng hồ lớn nhỏ lại đua nhau hòa tấu khúc nhạc thời gian… tính tang tính tình… mười tiếng cúc cu… cúc cu… xen lẫn mười tiếng chuông nhà thờ cổ kính.

Ông Mẫn vốn thính ngủ, nghe rõ tiếng cháu cưng trở mình trên nệm. Chưa đầy phút sau, có tiếng chân nhẹ bước xuống thang, rồi tiếng dép cao su khẽ lướt trên sàn nhà dưới. Ông đoán trúng phóc việc đang xẩy ra, mỉm cười bao dung, miệng khẽ lẩm bẩm:

- Cái thằng bé điên khùng…! Lại mò xuống ổ rơm ngủ với con chó cưng đó.
________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG III

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét