Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

CHƯƠNG V - VI_ĐỒNG TIỀN GIẢ

CHƯƠNG V

Mắt mở lớn, tôi ngó trừng trừng cái móng tay đen kịt của Sáu Goòng. Bất giác toàn thân run lên nhè nhẹ, khi tôi chợt hồi tưởng cái bàn tay lông lá, cục cựa, bò vào quán điện thoại và sự thất đảm đã trải qua... 

Vậy là... tụi tôi đã tìm ra kẻ khả nghi số một. Nhưng rồi sao? Còn một lô vấn đề cần phải giải quyết đây! 

Đâu đã hết! Như: Tại sao ông Sáu Goòng lại thiết tha hết sức đoạt lại đồng tiền cổ đó, dù đã biết nó là thứ đồ giả? Tại sao ông ta cố ý giấu xuất xứ của đồng tiền đó? Ông ta muốn che chở giấu giếm cho một người nào đó, và tại sao? 

Tôi cứ loay hoay với những cái "tại sao" đó mãi, trong khi Trí đã ngang nhiên bắt tay vào tấn công bài toán khó. Anh nói với ông Sáu Goòng: 

- Chết chửa! Tôi vô ý quá đã làm ông Sáu bị đau! Quả tình không cố ý! (Câu này nhất định "sếp" tôi đã nói xạo). Thôi, ông Sáu à! Để cho hết rắc rối trong vụ này, xin mời ông Sáu cùng anh em chúng tôi tới nhờ cảnh sát giải quyết dùm cho đi! 

- Ồ, việc có quái gì đâu mà phải phiền phức thế ? Kéo tới cảnh sát thì cũng vậy thôi! Cũng đến bảo tôi phải trả lại các cậu tiền là hết đất. Mà tiền thì tôi sẵn sàng trả lại cho các cậu đây, ngay bây giờ. Mất công đến bót cảnh sát làm cái khỉ khô gì? 

Lời nói của Sáu Goòng coi bộ có lý quá. Quả có thế! Cảnh sát thì cũng chẳng có thể buộc ông ta làm cái gì hơn! Nhưng, tôi vẫn tin rằng "sếp" của tôi thế nào cũng có một miếng đòn gì khác lạ. Quả nhiên: 

- À! Nếu vậy thì ông Sáu chưa hiểu rõ cặn kẽ vấn đề! – Giọng nói của Trí nghe có vẻ lừng khừng– Ông Sáu chưa xét kỹ mọi khía cạnh về việc này. Thật ra anh em chúng tôi còn định báo cho cảnh sát biết rằng... chính ông đã toan tính... ăn trộm. 

- Toan tính ăn trộm! – Sắc mặt Sáu Goòng tái hẳn đi, thấy rõ – Cậu nói gì kỳ vậy? 

- Có gì đâu mà kỳ, ông Sáu! – Trí giơ tay chỉ tôi – Chính ông sáng nay đã định lấy trộm đồng tiền cổ của người bạn tôi tên là Chiêm đây tại quán điện thoại, bên gian hàng của anh Ba Đốc mà! 

Rồi chỉ thẳng vào ngón tay cái bị thương, móng đen xì của Sáu Goòng, CT1 dõng dạc như Quan Tòa buộc tội: 

- Kẻ trộm đó cũng có móng tay cái bên phải đen kịt như cái móng kia, ông Sáu à! 

- Hừ! Như vậy đâu đã đủ bằng chứng để kết án gán tội? Sáng nay tôi đâu có tới gian hàng của anh Ba Đốc! Cậu lầm rồi! 

Quả thật cái bằng chứng này cũng hãy còn mơ hồ lắm. Làm sao bây giờ đây? Đột nhiên trong óc tôi lóe lên một mưu mẹo, xưa như trái đất, nhưng vì kẹt quá, tôi vẫn cứ mang ra xài đỡ: 

- Ồ! Ông Sáu sao lại nói thế được nhỉ? Tôi đã trông thấy rõ ràng ông Sáu tới nhà anh Ba, rồi vào phòng điện thoại công cộng ngay sát bên căn của tôi mà! 

- Xạo! – Ông Sáu Goòng hét lên, – chú nhỏ không trông rõ mặt làm sao lại dám nói quyết là tôi? Lúc đó tôi xây lưng ra phía cửa phòng và... Sáu Goòng đột nhiên biết mình lỡ lời, sa vào bẫy rập, nên ngừng ngay lại không nói thêm tiếng nào nữa. "Sếp" của tôi khoái lắm, nhưng giọng nói vẫn từ tốn, điềm nhiên: 

- Ông Sáu đã tới phòng điện thoại bên nhà ông Ba Đốc! Ông làm ơn cho biết: ông tới đó làm gì? 

Mặt mũi Sáu Goòng coi bộ bí xị, bèo nhèo như một quả banh của con nít xì hết hơi. Đã chót lỡ miệng vướng bẫy rồi, ông hết đường chối cãi, đành khai thật: 

- Tôi cần gọi điện thoại cho một khách hàng! Và trong khi nói chuyện thì chợt nghe nơi căn sát bên có tiếng ai nói léo xéo. Lời lẽ đối thoại nghe có vẻ là của một tay thám tử, luôn luôn tự xưng là CT3 và báo cáo cho sếp về việc một đồng tiền cổ Hy Lạp rất kỳ lạ, cần phải mở cuộc điều tra v.v... 

Tuyệt quá! Sáu Goòng cũng phải công nhận lối nói chuyện của tôi có vẻ thám tử lắm. Khoái chí quá, tôi đứng thẳng người lên ưỡn ngực, quắc mắt chiếu tia nhìn thẳng ngay mặt kẻ tình nghi.Sáu Goòng rút mùi xoa trong túi ra lau mồ hôi ướt đẫm trên trán, rồi nói tiếp: 

- Một lúc sau, tôi đã biết được là tay thám tử nọ cùng ông sếp của y nói về một đồng tiền cổ do chính tay tôi đã bán cho chú nhỏ kia! – Ông ta giơ tay chỉ thằng Bình. 

- Rồi sao nữa? 

- Rồi là tôi đâm hoảng hốt, muốn lấy lại đồng tiền đó cho phi tang đi để khỏi bị rắc rối với cảnh sát! 

Liếc nhanh mắt, tôi thấy Bình cứ há hốc miệng ra mà nghe chuyện. Trong thâm tâm tôi ngấm ngầm sung sướng, tự nhủ lòng: 

"Thế là Bình từ nay phải phục tôi sát đất!" 

CT1 cất tiếng nói nghe như một làn roi quất vụt: 

- Bất kể lý do nào ông nêu ra, ông vẫn bị buộc đã phạm vào tội "mưu toan lấy trộm". Vậy, nếu ông không chịu nói cho chúng tôi biết do đâu ông có được đồng tiền Hy Lạp giả kia thì... nhất định phải trình cảnh sát! 

Đôi mắt Sáu Goòng nheo lại trông chỉ còn nhỏ bằng cái tăm, tia nhìn lọt ra coi thật dữ dội, nhưng đột nhiên đường môi mỏng rộng ngoác của ông ta nhếch một nụ cười. Tôi liên tưởng ngay đến một loại kỳ nhông có cái khả năng đặc biệt thay đổi được màu sắc trên thân mình tùy theo ý muốn. 

- Thôi được! Các chú nhỏ! Các chú đã thắng cuộc! Tôi xin chịu thua! Để tôi nói các chú biết do đâu tôi có được đồng tiền giả đó! Sáu Goòng im lặng tới vài phút. Rõ ràng là ông ta bắt óc làm việc ghê gớm lắm để tính kế. Đột nhiên người đàn ông nổi giận đùng đùng: 

- Được! Để tôi dẫn các chú đến tận nhà thằng cha lưu manh này! Đi! Kệ thây nó! Việc gì tôi lại cứ phải che chở cho nó để rước họa vào thân nhỉ? Nó hại tôi quá mà! Hừ! Để nó nói chuyện với các chú nhỏ!... Chờ đó đi! Các chú em! Chờ đó! Tôi vào lấy cái áo rồi đưa các chú đi gặp cái thằng cha lường gạt này ngay bây giờ! 

Dứt lời, Sáu Goòng lui vào phía sau gian hàng. Tôi lợi dụng ngay mấy phút giây ngắn ngủi đó để rỉ tai Trí khen tặng anh mấy câu. Nhưng "sếp" tôi lại tỏ vẻ ưu tư ra mặt: 

- Mình cũng chưa chắc là tay Sáu Goòng đã nói hết sự thực! 

- Vậy ra hắn còn giấu chúng ta một vài điểm gì đó? 

Trí nhẹ nhún vai và không nói thêm tiếng nào nữa. Sáu Goòng đi vào phía trong lâu lắm không thấy ra. Tôi băn khoăn tự hỏi: "Chỉ choàng cái áo ngoài vào thôi mà làm gì phải lâu đến thế?" À kìa! Ông ta đã ra kia, trên môi nở nụ cười. Nụ cười ấy chẳng khiến ai vui vẻ, trái lại nó càng làm tôi phải để tâm đề phòng. Gã Sáu Goòng này đã bị bắt quả tang phạm vào hai tội: Nói dối và mưu toan ăn trộm đồ vật của người khác. Giờ đây hắn còn định giở trò gì nữa?




CHƯƠNG VI

Nhưng lạ thay, ông Sáu Goòng không giở trò gì hết. Trái hẳn thế, ông còn đưa thẳng chúng tôi tới phố Bích Câu, nơi buôn bán sầm uất nhất của quận Thủ Đức. Ông ta dừng chân trước một cửa tiệm nhỏ. Trên cửa kính kẻ một hàng chữ bằng sơn trắng: 

DANH ĐIỀM

Mua bán tem cũ, tiền cũ.

Sáu Goòng lên tiếng: 

- Đây rồi! 

Trí, Bình và tôi dựng xe đạp vào tường rồi theo chân ông Sáu bước vào trong gian hàng. Bên trong sáng sủa, sạch sẽ, xếp đặt thật gọn ghẽ. Tem và đủ loại tiền cổ xưa xếp ngay hàng thẳng lối trong các ô kính kê dọn một cách khéo léo. Tại một cái bàn nhỏ đặt nơi cuối dãy ô kính, một người đàn ông ngồi trên ghế đang săm soi ống kính hiển vi lên mấy cái tem thư. Thấy có khách vào, ông ta đứng dậy tiến ra, và tôi nhận thấy nước da ông ta rất xanh. Bộ quần áo rộng thùng thình khoác ngoài cái thân hình nhỏ thó mảnh mai khiến tôi nghĩ ngay "chắc ông chủ mới bị gầy sút thời gian rất gần đây". Tiếng nói của ông lại có một cái giọng trẻ trung không ai ngờ được: 

- A! Chào ông Sáu Goòng! Mạnh giỏi ông Sáu ? – Và hướng nụ cười tươi về phía chúng tôi –Các cậu nhỏ đây cũng đi cùng với ông Sáu ? 

Các "cậu nhỏ" lạnh lùng chỉ sẽ nghiêng đầu cho phải phép, đồng thời đưa ba cặp mắt nhìn trừng trừng ông chủ tiệm. Tiếng ông Sáu Goòng vang lên: 

- Đúng rồi! Ông bạn Danh Điềm! Tụi nhỏ này đi với tôi đó! – Và hướng về Trí, ông Sáu hất hàm –Ê nhỏ, đưa cho ông ta đồng tiền đi mày! 

Trí không để giục đến lần thứ hai, và ông Danh Điềm đón lấy đồng bạc cổ đưa ra chỗ sáng xem xét, rồi cười vui, ông nói với Sáu Goòng: 

- À, đúng rồi, đúng là đồng tiền Hy Lạp tôi mới bán cho ông tháng trước đây mà! 

Trí đưa tia mắt ngạc nhiên nhìn tôi. Vậy thì ra ông Sáu Goòng đã nói thật. Ông đã mua đồng tiền ấy ở tiệm này. 

Ông Danh Điềm vẫn tươi cười ngắm nghía đồng tiền cổ: 

- Đẹp, đẹp thật, ít có loại tiền nào đúc đẹp như loại tiền Hy Lạp này! 

Tiếng ông Sáu Goòng bỗng vang lên như tiếng quát: 

- Phải, đẹp, đẹp lắm! Có đẹp mới là đồ giả! Đồ giả mới đẹp chứ đồ thật làm sao đẹp được! Ông bạn lừa gạt người ta thật tài! Tôi chịu ông đấy! 

Ông chủ tiệm Danh Điềm đỏ mặt tía tai, hai bàn tay run rẩy thấy rõ. Hai hàm răng ông cắn chặt vành môi như cố gắng níu giữ cho tâm hồn được bình tĩnh. Tiếng ông nói nghe vẫn ôn nhu hòa nhã: 

- Ô kìa, ông Sáu! Bình tĩnh chút đi, rồi đâu có đó mà, ông Sáu! Cứ để từ từ cho tôi xem lại chút đã nào. 

Sáu Goòng đối khẩu chua như dấm: 

- Thì cứ việc xem lại đi! Xem cho kỹ vào! Nó đã là đồ giả thì xem cách nào nó cũng vẫn chẳng thật được! Xem đi! 

Ông Danh Điềm tiến lại phía bàn giấy hồi nãy, soi kỹ đồng tiền dưới ống kính hiển vi. 

Trí nói khẽ vào tai tôi: 

- Để ý theo dõi nghe, Chiêm. 

Tôi nghĩ bụng: "Khỏi phải dặn". Rồi đưa mắt theo dõi, không những ông Danh Điềm mà cả ông Sáu Goòng hiện đang đứng ngay sau lưng tôi, đang đưa mắt ngắm nhìn các ô kính. Vẻ mặt ông ta hầm hầm và móc mùi xoa trong túi ra chùi tay. Chắc ông Sáu đã mó phải cái gì dính bụi. Đúng lúc Sáu Goòng đút mùi xoa vào túi thì ông Danh Điềm trở lại phía chúng tôi. Nét mặt ông ngơ ngác: 

- Kỳ thật! Ông Sáu à! Đồng tiền này đúng là đồng tiền giả, không còn cãi vào đâu được nữa! Nhưng có một điều là không phải đồng tiền mà tôi đã bán cho ông tháng trước! 

Sáu Goòng thản nhiên: 

- Khoan, khoan! Ông bạn! Ông nhớ giùm cho rằng tôi đã mua đồng tiền này tại đây, cửa tiệm của ông. Chính ông đã cam đoan với tôi là tiền thật và tôi đã tin lời ông. Sau đó, mới tuần qua đây tôi đã bán lại cho cậu nhỏ này! – Sáu Goòng giơ tay chỉ tên Bình. 

Bình đứng thẳng người lên, có vẻ quan trọng: 

- Đúng như thế! Tôi đã mua đồng tiền cổ này của ông Sáu Goòng với giá hai ngàn đồng bạc đó. Tất cả món tiền để dành suốt một năm trời đó! 

- Hai ngàn đồng! – Tiếng nói của ông Danh Điềm có vẻ ngạc nhiên tột độ, – Ông đã mua của tôi với giá hai ngàn rưỡi kia mà, ông Sáu. Sao ông lại bán cho chú kia hai ngàn đồng là thế nào ? 

Sáu Goòng gầm lên: 

- Thì đã sao ? Cần tiền thì bán lỗ vốn đấy, có sao không ? Bộ tội tử hình đó chắc ? 

Giọng nói ông Danh Điềm thật thiểu não: 

- Đâu có! Đâu có! Ông bạn có thể đem đi cho không người ta cũng còn được nữa mà! 

Sáu Goòng vẫn hầm hè: 

- Thôi! Không nói nhiều! Ông trả lại tiền cho tôi đi, nếu không... 

Ông Danh Điềm run rẩy liệng đồng tiền cổ lên mặt quầy hàng đoạn cũng la lên: 

- Lẽ đâu ông lại buộc án gán tội cho tôi một cách ngang xương như vậy, ông Sáu ? Ông phải nhớ rằng mọi loại tiền cổ, khi đến tay tôi là hết thảy đều được xét lại kỹ càng trước khi mua để bày bán lại cho những người sưu tầm tiền cổ. Ngay đến cả từng cái tem một tôi cũng không hề sơ xuất. Và tôi dám bảo đảm với ông Sáu: Đồng tiền cổ Hy Lạp tôi đã bán cho ông là tiền thật 100%. Giờ đây ông kiếm ở đâu ra cái đồng tiền giả này đem đến đổ vấy cho tôi. Xin lỗi! Cho phép tôi khỏi cần biết tới vụ này! 

Sáu Goòng đỏ mặt tía tai, tức giận đến sùi cả bọt mép: 

- Này ông Danh Điềm! Quả thật ông chỉ là một tay lưu manh trộm cắp. Tôi đã nhân nhượng, dành cho ông một lối thoát, nghĩa là chỉ có việc trả lại tiền là xong, tôi sẵn sàng xóa bỏ hết. Vậy mà ông còn không muốn. Giờ đây chỉ còn một cách: Đến chỗ phải trái. 

Dứt lời, Sáu Goòng hầm hầm bước ra khỏi cửa tiệm. Ông Danh Điềm da mặt đã xanh, giờ đây lại trắng nhợt như tờ giấy. Ông cứng lưỡi không nói nên lời. Đưa tay thọc nhanh vào túi áo, ông móc ra một ve thuốc, dốc một viên đưa vào miệng. Tôi biết ngay rằng ông Danh Điềm hiện đang ốm đau chưa lành. Tôi cảm thấy lo lắng và băn khoăn tự hỏi xem nên nán lại hay nên rút lui. Chưa kịp quyết định dứt khoát thì Sáu Goòng đã trở lại, dắt theo một nhân viên Cảnh sát. Chưa ai kịp làm gì, Sáu Goòng đã liến láu, tay chỉ thẳng ông Danh Điềm: 

- Thưa ông Thẩm Sát viên, đây là tên lường gạt! Hắn đã bán cho tôi một đồng tiền cổ giả rồi không trả lại tiền tôi! 

Nhân viên công lực thong thả rút quyển sổ tay bọc bìa da và một cây viết máy; ông quay lại nhìn Sáu Goòng: 

- Ông cho biết đầu đuôi nội vụ ra sao! Lẹ lẹ lên một chút! 

Sáu Goòng miệng lưỡi thật lanh, tóm tắt rất gọn mọi diễn tiến đã xảy ra về vụ đồng tiền cổ giả, nhưng ông ta giấu nhẹm hẳn việc ông định nẫng trộm đồng tiền đó tại phòng điện thoại, gần nhà hàng anh Ba Đốc. Nghe kể chuyện xong, người cảnh sát lên tiếng: 

- Thôi được rồi! Thôi được rồi! Thằng nhỏ Bình kia có mặt tại đây, vì lý do gì thì tôi đã biết! Nhưng còn hai chú kia, các chú là ai ? 

Tôi bộp chộp: 

- Dạ thưa... 

Tôi định nói thật chúng tôi là hai thám tử tư. Nhưng chưa kịp phát ngôn, thì Trí đã hích nhẹ cùi chỏ vào bên hông và anh cướp lời: 

- Xin lỗi ông Thẩm sát viên, ông cho phép chúng tôi tự giới thiệu: Chúng tôi là bạn của Bình. Ngày hôm nay chúng tôi theo y tới đây để nhờ pháp luật phân xử. 

Trong khi "sếp" của tôi còn mãi đối thoại với nhân viên công lực thì Sáu Goòng hầm hầm đi đi lại lại trong căn tiệm, chân ông ta đặt bước nện xuống sàn thình thình, tia mắt nhìn gườm gườm ngay mặt ông Danh Điềm ốm yếu. Rồi đột nhiên có tiếng la của ông Sáu: 

- Ái cha! Trời ơi, đau quá xá! Úi cha... chết cái cẳng tôi rồi, trời! Này ông Danh Điềm! Cửa hàng cửa họ của ông sao mà lủng cà lủng củng, kê dọn gì đâu kỳ vậy. Chết chân người ta rồi còn gì! 

Mọi người quay đầu lại nhìn vào chân ông Sáu. Quả thật có một cái hộc dưới quầy nhô dài ra và ông Sáu vô ý va gióng chân vào bị đụng khá đau. Mặt nhăn nhó, Sáu Goòng cúi khom người đưa tay xoa xoa ống cẳng liên hồi. 

Có tiếng Trí: 

- Để tôi đóng nó lại giùm cho! 

Vừa đặt tay vào miệng hộc sửa soạn đẩy nó vào, đột nhiên "sếp" khựng lại: 

- Á, á... kỳ quá ta! – Dứt lời, anh thọc tay vào ô hộc... lôi ra hai thanh sắt. 

Người cảnh sát trừng mắt: 

- Sao ? Cái gì vậy ? Hai thanh sắt ấy là những cái gì vậy ? 

Tiếng Trí: 

- Phiền ông thử ngó qua nơi đầu hai thanh sắt này coi! 

Tôi cùng tất cả mọi người xáp lại gần thì thấy rõ nơi đầu một thanh có chạm trũng xuống: hình một con cú và bên dưới rành rành ba chữ lộn ngược A O E . Còn đầu thanh sắt kia... rõ ràng có hình trũng sâu của một... chiếc mũ sắt. 

Bàn tay Trí quơ nhanh đồng tiền cổ trên mặt quầy. Anh nhẹ nhàng đặt đồng tiền vào hai cái khuôn tròn trên đầu hai thanh sắt . Đồng tiền lọt thỏm vào khuôn vừa khít. Nhân viên cảnh sát trợn tròn đôi mắt ngó "sếp" tôi. Miệng ông ta há hốc... không nói được tiếng nào. 

Trí cất giọng dõng dạc, như khi anh khởi đầu một bài thuyết trình: 

- Thưa quý vị! Chúng ta đã nắm được trong tay... bộ khuôn để đúc đồng tiền cổ Hy Lạp đây rồi! 

Một trái lựu đạn nổ ngay giữa gian hàng cũng chưa chắc đã gây ra được một quang cảnh như hiện tại. Mọi người ai nấy đứng chết sững như đã biến thành tượng đá. Nhưng Sáu Goòng là người thức tỉnh trước hơn ai hết. Y reo lên: 

- A ha! Các ông đã tin lời tôi chưa, hả ? Thấy chưa, chứng cớ rành rành ra đó! Hết đường chối cãi nhé, hà!... Đồng tiền giả kia... đã được làm ra tại đây! Rõ rệt rồi nhé! 

Sắc mặt ông Danh Điềm nhợt nhạt trắng bệch như tấm vải trải giường. Đôi mắt như bật ra khỏi tròng, ông nhìn trừng trừng hai cái ô khuôn đúc ở hai thanh sắt mà lẩm bẩm nói gì không ngớt. Lắng tai chú ý lắm, tôi mới nghe loáng thoáng: 

- Kỳ lạ! Kỳ lạ! Hai cái khuôn đúc đó! Ở đâu ra thế ? Ở đâu ra ? 

Có hai giả thuyết: Một, ông Danh Điềm đóng kịch rất tài. Hai, ông hiện là người đau khổ nhất trên đời. Nhưng trong cả hai trường hợp, ông đều không hy vọng thoát khỏi tù tội. Ông đã bị mọi người bắt được tang vật trong hộc tủ tại quầy hàng của ông. 

Chợt có tiếng trẻ con phía sau lưng. Tôi quay lại: Cánh cửa ra vào bị đẩy bật tung ra. Bóng một chú bé mặt quần xanh, áo sơ mi trắng, như gió cuốn lao vào giữa chúng tôi đứng. Nhìn lại thì là một chú bé con chừng 10 tuổi, đầu đội một chiếc mũ lưỡi trai. Chú bé ôm lấy tay ông Danh Điềm:

- Ba! Tốt chứ ba!... Cái gì vậy, ba ? 

- Tốt, tốt... không, không! Có gì đâu con, Thơ à! Có gì đâu! Ba đang nói chuyện với mấy ông khách hàng đó thôi mà!

Nét mặt bé Thơ còn đầy vẻ ngơ ngác bán tín bán nghi. Lại thêm tiếng của Sáu Goòng với cái giọng đắc ý nói huỵch toẹt cho chú bé biết một sự thực tàn nhẫn: 

- Có gì đâu, chú nhỏ! Chỉ có ba em vừa mới bị bắt quả tang về tội đúc tiền giả thôi mà. Có gì đâu! Hà hà! 

Chú bé tên Thơ hét lên: 

- Không, không! Ông nói láo! Ba tôi không làm bậy bao giờ! Các ông làm gì bắt ba tôi được! 

Sáu Goòng trề môi: 

- Thật không ? Thế cái gì đây ? Đó, hai cái khuôn đúc tiền giả của ba mày đó! Không có chú gì kia thì đố ai tìm ra được đó! 

Tia mắt của chú bé Thơ nhìn theo ngón tay chỉ của Sáu Goòng gặp đôi mắt Trí. "Sếp" tôi bất giác đỏ bừng mặt vì hổ thẹn dưới tia nhìn đầy oán hận của chú bé. Tôi có cảm tưởng, nếu có thể thì Trí đã độn thổ ngay lập tức để tránh đôi mắt thiên thần nổi giận đó. Anh lúng túng: 

- Ô! Tôi... a... vì tình cờ ngó vào ngăn hộc... tình cờ... a... thấy... 

Bé Thơ nghiến hai hàm răng: 

- Vậy đó hả ? Anh tình cờ mà lại đi ngó vào hộc tủ của người khác, hả ? 

Câu nói vừa dứt, cậu bé đã vung nắm tay lên quất xuống thật lẹ. Cú đấm có thể làm Trí ngã sóng soài nếu anh không phản ứng kịp bằng cách hụp nhanh đầu xuống né. Và khi Trí né kịp, tất nhiên người nào đứng sát sau lưng anh... lãnh đủ. Quả đúng như vậy! Người luôn luôn bám sát sau lưng "sếp" còn ai nữa ngoài điệp viên CT3... Tôi lãnh trọn quả thôi sơn của chú bé Tạc Dăng nổi giận, nằm bò càng ra đất. Chống tay nhổm người đứng phắt dậy, tôi lao vào thằng oắt con định nện cho nó một chầu, nhưng chưa kịp thì đã bị nhân viên cảnh sát giữ chặt lấy cổ áo. Trí hoảng hốt la lên: 

- Chiêm, bình tĩnh lại đi, Chiêm! Chịu đựng một tí mà! Đừng có đập nhau với chú ấy! 

Tôi còn ức lắm: 

- Tại sao lại không đập ? 

"Sếp" tôi nói nhanh: 

- Vì chú ấy là... con gái! Coi kìa! 

Tuân lời "sếp" tôi ngó theo và thiếu điều bật ngửa người. Cái mũ rớt từ lúc bé Thơ động thủ để lộ mớ tóc dài mịn như tơ cột theo kiểu đuôi ngựa. Tôi ngơ ngác: 

- Con gái! Con gái sao lại đội mũ "dô kề"? 

Cô bé tên Thơ quắc mắt: 

- Cho nó tiện, được không ? Mà dù có là con gái, đây cũng dư sức chấp cả bọn anh đó! 

Dứt lời cô bé lại chồm tới, nhưng ông thẩm sát viên Báu đã kịp can ra: 

- Thôi đi! Bọn nhỏ này! – Ông quay ngó mấy người lớn – À việc này quan trọng lắm! Tôi không đủ thẩm quyền giải quyết đâu! Cảm phiền các vị theo tôi tới trình diện ông Biện Lý, đi! 

- Ông bắt giữ tôi, thưa ông thẩm sát viên ? – Ông Danh Điềm cất giọng thiểu não hỏi người cảnh sát. Bàn tay trắng xanh của ông đặt lên vai cô con gái nhỏ như một cụ già tựa thân mình mệt nhọc lên chiếc gậy chống. 

- Ông Danh Điềm thông cảm giùm tôi. Không bao giờ tôi nỡ bắt giữ ông, nếu tôi đủ thẩm quyền. Kẹt một điều là đã xảy ra việc đánh lộn và việc phát giác tang vật của một trọng tội. Vậy bắt buộc phải mời các ông đi theo tôi tới Biện Lý cuộc. Cả các chú nhỏ kia cũng vậy! Các chú là những nhân chứng! 

Thế là mấy phút sau đó, chúng tôi đã thất thểu lê bước dắt xe đạp, đi trên con đường tới Biện Lý cuộc. 

Vừa đi, tôi vừa phân vân tự hỏi chẳng hiểu ông Biện Lý sẽ xét nét chúng tôi thế nào ? Không biết ông có yêu hay ghét tụi con nít, nhất là tụi con nít học đòi làm thám tử... Nguy thật! Biết đâu ông Biện Lý lại chẳng bực mình vì tụi trẻ lộn xộn, ký giấy tống giam cả lũ thì thật... chết .
_______________________________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét