Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

CHƯƠNG XIII - XIV_ĐỒNG TIỀN GIẢ

CHƯƠNG XIII

Tôi sợ tái người, chân tay cứng ngắc. Cầu thang là lối đi duy nhất. Trí bước ra từ trước đang định lao người chạy xuống, đột nhiên tôi thấy anh quay chạy ngược lên, hướng vào cái "văn phòng cho thuê". Tôi cũng chạy vút theo vào, không quên quài tay khép chặt cánh cửa lồng kính mờ. Hai anh em thở hổn hển không ra hơi. Tiếng chân người lạ bước lên cầu thang nghe thình thịch. Cánh cửa phòng Đặng Lân mở bét . Ông ta nói oang oang: 

- A! Huỳnh Bân! Vào đây, Bân! Có tôi và Sáu Goòng thôi à! Sao ? Có gì lạ không ? Trụ sở bình an chứ ? 

Chúng tôi cố lắng nghe mà không biết Huỳnh Bân trả lời ra sao. Rồi là tiếng nói xôn xao ồn lên nhưng không thể nghe rõ được lời đối thoại của ba người. Đoạn, có tiếng chân cả bọn bước ra phía cầu thang. Đặng Lân nói nghe thật rõ: 

- Được rồi! Huỳnh Bân! Để tôi xẹt qua đằng đó coi lại coi! Còn Sáu Goòng, về coi lại ngay "cô gái xách lúa" của anh chút đi; nhưng theo tôi thì "tốt" rồi đó, tôi đã biết cái tật khó tính của anh quá mà! Tối nay cố gắng đến một chút nghe! Tôi cho chạy thử khuôn mẫu 12 cạnh của anh đấy (ý nói đồng bạc cắc 20 Việt Nam hình đa giác 12 cạnh)! 

Sáu Goòng lẩm bẩm nói cái gì đó mà tôi cho rằng y nhận lời. Kế đó văng vẳng có nhiều tiếng bước chân: cả bọn đang xuống cầu thang. Tiếng Đặng Lân ra lệnh: 

- Đừng có ra cả ba người một lúc! Sáu Goòng ra trước đi! Khéo khéo một chút! Đừng để ai thấy nghe! 

Tiếng cánh cửa phía cuối cầu thang mở ra rồi khép lại. Hé mắt dòm qua khe cửa sổ từ căn phòng trống, hai đứa tôi thấy rõ tên Sáu Goòng nhìn ngược ngó xuôi hai bên rồi rảo bước đi về hướng đường Gò Gốm. Hai người kia khựng lại một chút rồi mới bước ra. Gã có tên Huỳnh Bân vóc người nhỏ thó, ốm tong teo, chân bước nhẹ như không, y hệt bước chân mèo. Hắn bước lên chiếc xe hơi của Đặng Lân. Ông này ngồi ở ghế lái, mở máy và chiếc xe bắt đầu lăn bánh. 

Trí thở ra một hơi dài: 

- Ối cha... a... à! 

Tôi cũng muốn thốt lên một tiếng "ối chà" khoan khoái như thế, nhưng Trí đã nói trước nên tôi đành chỉ lặng im mà thích thú ngấm ngầm. Rồi chẳng ai bảo ai, hai đứa ù té chạy ra ngoài, cắm đầu cắm cổ lao tới chỗ cất xe đạp. 

Nhẩy lên yên, hai anh em đạp xe như các tay đua suốt quãng đường dài về đến tận "tổng hành dinh". Dọc đường không ai nói với ai một tiếng nào. Lên đến "phòng thí nghiệm", Trí lôi từ ngăn kéo ra một tập hồ sơ, phía ngoài dán nhãn ghi rõ: "Vụ Ô. Danh Điềm". 

Từ lúc đi công tác về, bây giờ mới là lần đầu tiên hai anh em đối thoại. Trí mở miệng trước: 

- Xin lỗi nhé, CT3! Tôi phải cấp tốc ghi trên giấy trắng mực đen cuộc đối thoại chúng mình mới được nghe cách đây nửa giờ. Phải ghi ngay, nếu không thì quên hết những chi tiết bổ ích. 

Tuân hành lệnh sếp, tôi hết sức giữ im lặng cho tới khi anh viết xong. Và cứ tự hỏi không biết anh nghĩ gì về các việc vừa qua. May quá, "sếp" tôi đã hắng giọng: 

- Ê, CT3! Vụ này quan trọng không thể tưởng tượng được nghe! Cả một tổ chức gian phi ghê gớm à nghe! 

Quả tình tôi cũng đồng ý nghĩ như Trí, và đột nhiên cất tiếng đề nghị với anh một điều chợt đến trong đầu óc mà tôi chắc anh không bao giờ chấp thuận: 

- Vậy chúng ta chỉ còn một cách là đi báo cho cảnh sát ? 

- Đâu được! Nhà chức trách sẽ không tin chúng ta vì tất cả mọi việc chúng ta đã làm được, hiện có gì làm bằng chứng đây ? Một ít mảnh sắt vụn dính vào đế giầy, rồi là... hết! 

- Nếu thế thì làm sao đây ? 

- Chỉ còn một cách là dò ra bằng được cái trụ sở mà Đặng Lân đã nói, nghĩa là sào huyệt của bọn gian! 

- Ối! Không! Không làm cái đó được đâu! 

Trí không nghe tiếng tôi nói: 

- Tôi chắc sào huyệt của họ cũng không xa lắm đâu. Chỉ trên con đường từ Thủ Đức đi Biên Hòa là cùng. Khó gì đâu! Muốn biết chắc thì chỉ việc mò đến tiệm lạc soong của Sáu Goòng một tua nữa là thế nào cũng có kết quả! 

- Anh điên rồi hả Trí ? Không thể nào được nữa! 

- Sao lại không thể là thế nào ? CT3 nên nhớ bữa này đã thứ ba rồi đây này, và hết ngày chủ nhật là hết nghỉ lễ rồi, thấy chưa! Thì giờ đâu có còn nhiều! 

Tôi vẫn càu nhàu: 

- Thật đúng là dẫn thân đến hang hùm động sói rồi còn gì! 

Trí cương quyết: 

- Tôi cam đoan với Chiêm là không sao! Đây này: tụi gian không ngờ tụi mình lại trở lại đó vì họ tin rằng tay Đặng Lân đã khiến được chúng ta hết nghi ngờ rồi. Thêm nữa, tối nay thế nào Sáu Goòng cũng phải đi gặp Đặng Lân tại một nơi chốn nào đó, chưa biết! Vậy là thế nào cũng vắng nhà! 

Đôi mắt anh sáng quắc lên: 

- CT3, tối nay ta đi! Đúng 7 giờ 30 có mặt tại Tổng Hành Dinh! 

Đoạn anh quay vào, để mặc tôi vò đầu bứt tai, khiếu nại đủ thứ. 

Rút cục, hồi 8 giờ 15 tối hôm đó, khi Trí bước nhanh nhẹn dọc theo con hẻm ngang gian nhà sau của Sáu Goòng, tôi đã bám sát cạnh anh như bóng theo hình. 

Chỉ có mỗi một ngọn đèn mờ ở nơi đầu hẻm hắt ra chung quanh một vòng ánh sáng vàng vọt, cửa sổ gian nhà sau lão Sáu Goòng chìm trong bóng tối. Trí rỉ khẽ bên tai tôi: 

- Đèn "pin" đâu ? 

Tôi đưa vào tay anh chiếc đèn bấm. Một luồng ánh sáng yếu ớt chiếu mờ mờ. Có tiếng Trí gắt khẽ: 

- Trời ơi! Trước khi lên đường Chiêm chẳng chịu xem lại "pin" gì cả! 

Tôi vừa định trả đũa lại anh một câu: "Thế sao trước khi ra đi anh không thử bấm một cái xem pin mới cũ ra sao ?" Nhưng chưa kịp thì đã sợ tái người: dưới ánh đèn mờ mờ hiện ra hai đốm lửa xanh lè rồi có cái gì mềm mềm ấm ấm cọ lướt vào chân. Giật nẩy người, tôi nhảy vọt một cái, suýt nữa thì rú lên một tiếng. Trí nghiến răng: 

- Nỡm ở đâu á! Con mèo chứ cái gì đâu mà... 

Rồi anh chiếu đèn lên cửa sổ. Tôi hí hửng bảo anh: 

- Lần trước tụi mình đã chịu chết, đâu có mở được! – Và trong lòng ngầm hy vọng mong anh bỏ cuộc. 

- Bên trong không có chốt sắt mà chỉ gài sơ sơ một cái then ngang thôi! Lần trước vào với tay Đặng Lân, tôi đã để ý thấy rồi! 

"Sếp" tôi quả là một tên rắn mắt "can không nổi". 

Anh ra lệnh: 

- Chiêm ở đây canh kỹ hai đầu hẻm để mình mở cửa sổ, nghe! 

Rồi tiếng dao díp của anh rạch gỗ nghe rẹt rẹt. Chỉ độ ba phút sau, bỗng nghe "cách" một tiếng, tôi biết Trí đã mở được rồi. 

Tôi xáp lại gần: "Sếp" đã ngồi vắt vẻo trên thành cửa sổ, một chân thòng vào bên trong gian nhà tối đen như mực. Tối thì tối, còn khoái hơn là đứng canh ngoài con hẻm vắng hoe, trông phát ớn. Tôi leo qua thành cửa sổ vào trong nhà. 

Tiếng Trí phào nhẹ bên tai: 

- Bám sát lấy tôi! Nghe! – Và anh phăng phăng len qua lối đi hẹp giữa đám đồ tập tàng cũ rích đã thấy kỳ trước. Hai đứa cứ hướng theo ánh đèn pin lờ mờ. Rõ khổ!... Luồng ánh sáng đèn yếu, tối dần... rồi tắt ngúm. 

Tôi hoảng quá run giọng hỏi khẽ: 

- Trí! Trí! Anh đâu rồi ? 

Một giọng nói thân mật khẽ vang ngay trước mặt: 

- Đây, đây, "bố trẻ"! Bố bấu chặt áo blouson của người ta rồi mà còn kêu hoài! 

Kẻ trước, người sau, hai anh em thận trọng đặt từng bước. Bỗng nhiên một que diêm bật xòe lên. Trong vòng ánh sáng, Trí đang giơ tay châm một ngọn nến vẫn đặt trên cái bục thợ mộc của Sáu Goòng. 

- Trời đất! Làm sao anh mò được cây nến đó ? 

- Hôm trước tôi đã để ý thấy rồi! Thôi, ở đó mà ba hoa mãi! Lẹ chút đi! 

Dứt lời, anh quay ra tuần tự lục mọi ngăn kéo, đủ các loại hộp, dòm vào từng chiếc thùng lớn nhỏ. Tôi cũng làm phụ anh nhưng tia mắt luôn luôn liếc về phía cửa ra vào, thấp tha thấp thỏm, chỉ sợ Sáu Goòng bất ngờ xuất hiện, súng lục lăm lăm trong tay. 

Bỗng Trí gọi hơi lớn tiếng: 

- Chiêm! Chiêm! Đây rồi! Tóm được "nó" đây rồi! 

Tôi quay người lại. Trí cầm trong tay một cái hộp gỗ, đặt lên tấm bục thợ mộc, sửa soạn mở nắp. Tôi chạy xáp tới. Nắp hộp bung ra, Trí lượm lên bốn cục gì tròn tròn gói trong lớp giấy nhật trình cũ. Cởi bỏ lớp giấy bao: hai khuôn đồng tiền cổ Hy Lạp và hai khuôn đồng cắc hai chục Việt Nam. 

Tôi gần như rú lên, như người mới bắt được bốn viên kim cương: 

- Thành công rồi, ha ha! Tuyệt quá Trí ơi! Thôi, chỉ còn có việc đem tới cảnh sát là rồi đời Sáu Goòng! 

Nhưng Trí lại nhè nhẹ lắc đầu: 

- Đâu được! Nếu vậy thì đồng bọn lão thấy động, chúng sẽ chuồn êm hết, cảnh sát làm sao mà bắt được trọn ổ vì chưa biết được sào huyệt của chúng! Không, không, Chiêm à! Chỉ báo cho cảnh sát khi mà tụi mình đã làm xong tất cả. Lúc đó tụi chúng sẽ sa lưới không sót một mống. 

- Nhưng ác cái là để lại bốn cái khuôn này thì còn đâu tang vật, mà đem đi thì Sáu Goòng sẽ biết ngay là bí mật của tụi y đã bị lộ, sẽ... 

Trí điềm tĩnh: 

- Yên chí! Yên chí đi Chiêm! Mình đã có cách! 

Dứt lời, anh nghiêng cây nến cho nhỏ giọt vào bốn cái lỗ khuôn. Chưa đầy một phút sau, Trí đã có được bốn khuôn bằng nến rõ và đẹp vô cùng. 

Tôi reo lên: 

- Hoan hô "sếp"! Quả thực tôi không nghĩ tới cái kỹ thuật đó! 

Giọng Trí trịnh trọng: 

- CT3! Một khi đã là thám tử thì phải biết tùy cơ ứng biến trong mọi trường hợp. Việc cần làm bây giờ là rút lui cho lẹ, chúng mình nấn ná ở đây đã gần tiếng đồng hồ rồi. 

Dứt lời, anh thổi ngọn nến tắt phụt. Tôi lại nắm gấu áo blouson theo sát anh, mò ra phía cửa sổ. Đi trong bóng tối mà Trí đi thật hay... như mèo vậy. 

Đúng lúc cả hai đang trèo qua cửa sổ thì có tiếng kẹt cửa. Trí nói nhanh: 

- Sáu Goòng đó! Nhảy xuống! Chạy mau! 

Không để "sếp" phải nhắc tới hai lần, nhẩy một bước tôi đã ra tới giữa đường hẻm, 2, 3 bước nữa đã tới quá nửa đường ra lộ lớn. Đột nhiên, tôi có cảm giác thiêu thiếu một cái gì cần thiết lắm: Trí không còn ở bên cạnh tôi nữa! Đang lao đầu chạy, tôi dừng ngay lại. Hay "sếp" đã gặp sự gì không may ? Hay là anh bị thương ? 

Nghĩ đến chuyện quay trở lại đâm vào bóng đêm đen kịt, tôi ngại quá. Nhưng không thể để anh sa cơ như thế được. Thu hết can đảm, tôi trở vào phía căn nhà Sáu Goòng. 

Đột nhiên đang lao người, tôi suýt hét lớn lên một tiếng. Một người nào đó đâm sầm tới làm tôi thiếu điều ngã ngửa. May quá: Trí. Tôi hổn hển nói chẳng ra hơi: 

- Sao vậy! Anh bị thương hay sao mà lâu thế, hả ? 

Vừa kéo tôi cùng chạy, Trí vừa nói nhanh: 

- Còn phải đóng lại hai cánh cửa sổ đã chứ! 

Quả thật không một chi tiết nào anh không để ý đến, dù là chi tiết rất nhỏ nhặt. Như việc đóng lại hai cánh cửa sổ. Việc nhỏ nhặt như vậy, nhưng hậu quả lại có thể tai hại gớm ghê. Quả có vậy! Nếu bắt gặp cửa sổ mở toang hoác như vậy, Sáu Goòng sẽ giật mình cũng sẽ leo qua phóng đuổi theo thì hai đứa tôi hết chạy. Càng nghĩ lại càng thầm cám ơn Trí. Chạy khá xa, liếc nhanh mắt ngó về đằng sau, đã thấy gian phòng trong của nhà Sáu Goòng đèn bật sáng trưng. Hai đứa tôi lại càng gia tăng tốc độ. Tới chỗ để xe, may quá, hai cái xe đạp vẫn y nguyên. Nhẩy vút lên, chúng tôi cắm cổ đạp một hơi. Nửa giờ sau về đến nhà. Không dừng xe, Trí ra lệnh ngay: 

- Sáng mai nghe, Chiêm! Sau khi ăn sáng xong, nhớ đừng quên đó! 

Đúng hẹn, sáng hôm sau, khi tới phòng thí nghiệm, tôi đã thấy Trí đang cắm đầu viết chăm chú. Tôi vào, anh cũng không ngửng lên, chỉ đưa tay ra hiệu cho tôi ngồi, rồi vẫn không ngừng bút, anh lên tiếng: 

- Tôi phải viết bản phúc trình chi tiết cho thân chủ của hãng chúng mình! Chiêm đợi đó, xong Chiêm đích thân cầm đi đưa tận tay bé Thơ, nghe! 

Tôi bất giác nhăn mặt, không phải vì ngại lên Thủ Đức nhưng chính là vì ngại một cô thân chủ rất rắc rối là bé Thơ. Trí cứ lờ đi làm như không trông thấy nét mặt kém vui của vị phụ tá. Anh lại còn giao thêm một công tác dò cho ra bằng được các kiện hàng gửi đường Bưu Điện cho Sáu Goòng, bên trong chứa đựng những gì.




CHƯƠNG XIV

Thủ Đức về, tôi tới thẳng Tổng Hành Dinh. Trí đang làm việc. Trong phòng thí nghiệm có ánh đèn sáng trưng. Tuy nhiên khi tôi vừa bước lên, đột nhiên đèn tắt tối thui. Tôi lên tiếng gọi: 

- Trí! Đâu rồi? 

Trong bóng tối im lặng, đột nhiên nghe một tiếng "clic"; không đầy một phút sau, ánh sáng lại chan hòa . Anh mỉm cười vui vẻ: 

- Đừng thắc mắc, nghe Chiêm! Mình đang làm nốt mấy "pô" chụp hình bằng ánh sáng đỏ! 

Tôi nóng lòng báo cáo công tác nên không tò mò thắc mắc gì thêm về chuyện chụp mình bằng ánh sáng "tối" của anh. 

Trí im lặng nghe tôi báo cáo công tác tường tận và đưa anh coi mấy đồng bạc cắc một đồng Việt Nam do chính tay tôi nhận được từ tay một nữ nhân viên Ty Bưu Điện. "Sếp" trừng mắt nhìn tôi: 

- Chiêm làm cách nào lấy được mấy đồng này trong bưu kiện gởi cho Sáu Goòng ? Coi chừng việc làm này bất hợp pháp à nghe! 

Tôi "trấn an" Trí: 

- Anh yên tâm! Đây là kết quả tài ngoại giao của bé Thơ! Nữ nhân viên vui tính của Ty Bưu Điện, sau khi nghe bé Thơ giới thiệu tôi là đặc phái viên của một nhật báo lớn tại thủ đô, tờ Chuông Vàng, đã vui vẻ cho tụi tôi coi qua thành tích của Ban tiếp nhận và phân phát bưu kiện. Bà ta hy vọng sẽ được nêu tên và thành tích hoạt động phục vụ quần chúng lên trong báo lớn, nên đã cho tôi và bé Thơ chiêm ngưỡng mấy cái kệ lớn chất đầy bưu kiện. Trong số bưu kiện đó có một hộp các tông lớn để địa chỉ Sáu Goòng... 

- Hộp các tông lớn cỡ nào ? 

- Bằng cái thùng sữa! Nặng lắm! Bà nữ nhân viên cười hí hí cho biết rằng đã có lần Sáu Goòng đến nhận lãnh, lúc bê ra đáy thùng bị bục, há ra để lọt mấy chục đồng bạc cắc bò tung tóe. Bà ta phải giúp lão Sáu lượm lên, nhưng còn sót lại mấy đồng này trong khe quầy. Và bà này không hiểu sao lão Sáu Goòng mất công nhờ người đổi nhiều bạc cắc ở tận đâu về. Có hỏi thì lão cho biết đem về đổi cho các bạn hàng cần tiền lẻ để thối cho khách, cứ 100 đồng, lão lời được 5 đồng. 

Trí cầm mấy đồng bạc cắc tiến lại phía bàn làm việc, cắm cúi đọc trong một quyển sách lớn. Dáng điệu anh chăm chú, và tôi tôn trọng triệt để giây phút im lặng của anh. Bỗng anh ngẩng mặt, tia mắt sáng ngời. Tôi biết là anh đã tìm được một cái gì lạ. 

- Ê, CT3! Theo các tài liệu do cảnh sát sưu tầm về việc "đúc tiền giả", thì các tay chuyên viên phạm pháp này bao giờ cũng theo đúng kỹ thuật sau đây: Đun cho chảy lỏng đồng tiền nhỏ cùngmột thứ kim loại với đồng chúng đã chọn làm "mục tiêu". Như vậy chúng không lo bị người khác nhận ra là đồng tiền giả bằng cách nhồi nhồi xuống sàn để nghe tiếng kêu. Còn hình vẽ trên hai mặt thì được thực hiện nhờ khuôn đúc. Tụi Sáu Goòng cũng đã tính kỹ lắm. Cứ 3 đồng cắc 1đồng, thì đúc được thành một đồng hai chục. Như vậy, ta thử làm một con tính. Thùng bưu kiện bằng cỡ thùng sữa kim cương chẳng hạn. Mà mỗi thùng sữa có 48 hộp. Má tôi hay để tiền cắc 1đồng vào lon sữa bò. Hễ đầy thì bà lại đem ra đếm, được trên dưới 500 đồng. Vậy 48 hộp tức là được (Trí quơ tay lấy bút chì và tờ giấy trắng, hí hoáy làm tính nhân)... 24.000 đồng. Mà cứ 3 đồng thì đổ khuôn được một đồng hai chục. Vậy 24.000 đồng bạc cắc một sẽ thành 8.000 đồng bạc 20. Nhân 8.000 với 20, ta có 160.000 đồng. Chiêm đã thấy lợi hại ghê chưa ? 24.000 đồng đã thành 160.000 đồng. Mà theo lời nữ nhân viên Bưu Điện cho biết thì trung bình mỗi tháng Sáu Goòng nhận được 8 lần. Vậy tổng cộng số tiền giả tụi chúng cho ra thị trường tiêu thụ là mộttriệu hai trăm tám chục ngàn đồng! 

Tôi bất giác huýt gió: 

- Vậy, cứ một tháng thì tụi Sáu Goòng lại có một tay trở thành triệu phú! 

Trí đáp: 

- Đúng như vậy, chứ còn gì nữa!... Nhưng tôi, tôi nhất định cương quyết không để tụi nó làm như vậy được! Chiêm thử tưởng tượng một số lớn các cụ già của chúng ta buôn thúng bán bưng, mỗi ngày lời lãi chừng trên dưới trăm bạc... mà trong số đó lại lẫn vào hai ba đồng hai chục giả thì còn có gì nữa đâu! Quả là một tai họa cho đồng bào nghèo khổ! 

- Chúng ta báo cho cảnh sát ? 

- Không! Chưa phải lúc, Chiêm à! Phải lùng cho ra bằng được sào huyệt đúc tiền giả của chúng đã . Đó là việc cần làm trước nhất! 

- Mà bằng cách nào ? 

- Theo hút lão Sáu Goòng! 

Tôi cứ đứng ngây như tượng gỗ vì hai lý do: Lý luận của Trí thật đúng, thật sắc bén khiến tôi không cãi được, và tinh thần mạo hiểm của anh làm tôi sởn da gà. Tôi thú thực với anh là việc theo hút lão Sáu có vẻ "nguy" quá. Nhưng một lần nữa, tôi thua anh về tranh luận, và quay về nhà, đi lủi thủi như một kẻ bại trận nhưng không còn thắc mắc gì và sẵn sàng tuân lệnh "hành quân" của anh. 

Sáng hôm sau, ba má tôi và chị An đi thăm bác tôi trên Túc Trưng. Ở nhà còn mỗi mình tôi, tha hồ làm vương làm tướng. Má tôi gọi tôi tới dặn cách thức sửa soạn để nấu bữa cơm chiều đặng ở Túc Trưng về sẽ có cơm ăn ngay. Rồi hai cụ cùng chị An lên xe đi hồi 9 giờ. Năm phút sau, Trí đã dựng xe đạp trước cửa nhà tôi. Trước ngực anh lủng lẳng một ống viễn kính lớn đựng trong bao da. 

- Lên đường lập tức, CT3! Chúng mình phải có mặt tại địa điểm quan sát khi người phu trạm đem bưu kiện đến cho Sáu Goòng! Nào, ta dông! 

Không biết chắc là Sáu Goòng có nhận được bưu kiện nội ngày hôm đó không, nhưng chúng tôi cứ liều. Biết đâu! Vậy mà hai anh em tôi lại thắng cuộc! Quả nhiên người phu trạm đã dừng lại trước cửa tiệm Sáu Goòng. Lão này xuất hiện, nhận hàng. Mấy phút sau, y đã khệ nệ khiêng "thùng sữa" tới bên một chiếc xe hơi đậu gần đó. 

Trí căn dặn tôi: 

- Đừng theo sát quá, nghe Chiêm! Lão Sáu để ý ngó thấy là mệt ạ! 

Việc theo hút một người lái xe hơi trong thành phố mà kẻ theo hút lại chỉ đạp xe đạp quả là mộtviệc không mấy khó. Vì đường phố chật hẹp, đông xe cộ và đèn xanh đèn đỏ đủ thứ... Nhưng ra đến ngoại ô thì lại là chuyện khác. Đường tương đối trống vắng hơn, Sáu Goòng tăng gia tốc độ. Hai anh em cắm cổ đạp, nhưng khoảng cách cứ xa dần. Tới một con đường dốc khá cao, lại thêm gió ngược, hai chiếc xe đạp chỉ còn rì rì như người đi bộ... Ngước mắt nhìn: Sáu Goòng và chiếc xe hơi đã mất hút. 

Tôi càu nhàu lên tiếng, khi cả hai đã leo hết quãng đường dốc: 

- Quái! Đường trước mặt thẳng tắp và xa hun hút thế kia mà xe của lão biến đâu mất ? 

Trí im lặng, đưa tay lên lấy ống nhòm quan sát chung quanh. Đột nhiên anh reo lên, và đưa tôi ống viễn kính: 

- Chiêm! Coi này! Bãi ruộng thấp kia kìa, có cái nhà sau một lùm cây lớn rậm đó, thấy không ? 

Quả thật, giữa tàng cây xanh đậm, nhô lên một mái nhà nhọn hoắt. 

Giọng tôi đượm vẻ hoài nghi: 

- Anh cho lão đã chạy xe vào nơi đó ? 

- Còn gì nữa! Chung quanh đây còn có cái nhà nào nữa đâu ? Nhưng dù sao chúng mình cũng phải lùng xét kỹ một tua. 

Hai anh em quay tìm một con lộ dẫn về hướng lùm cây rậm lá đó. Lại nhẩy lên yên, chúng tôi thả cho xe lăn bánh theo con đường đất rộng chừng hơn hai thước,dốc xiên xiên. Tôi nói to át cả tiếng gió: 

- Trời ơi! Anh định cứ lừng lững thế này đến gõ cửa cái nhà đó hả ? 

Trí không trả lời. Anh im lặng xuống xe, dúi sâu con ngựa sắt vào trong bụi sim rừng rậm lá, và ngoắc tay bảo tôi giấu xe: 

- Gần tới rồi! Khom người xuống mà tiến lại khu nhà đó nghe! Đừng gây tiếng động đó! 

Đừng gây tiếng động quả thật là khó! Bãi gì mà đầy vỏ bia hộp, chai lọ vỡ, khẽ đụng là kêu lanh canh rộn lên. Khó thật! Đúng là một bãi đổ rác! Càng lom khom bò tới gần, tôi lại càng cảm thấy sống lưng lạnh buốt. Nếu dự đoán của Trí mà đúng thì thật quả là hai đứa tôi đang bò vào... động sói. 

Trước mắt, khu nhà hiện ra rõ rệt. Thì ra, đây chỉ là một căn nhà lớn, bỏ hoang phế từ lâu. 

Trí rỉ khẽ bên tai tôi, mũi anh chạm sát đất: 

- Ngó vào sâu coi, Chiêm! 

Từ từ ngóc đầu lên, tôi thấy rõ cái thùng tróc sơn phía sau xe của Sáu Goòng. Trí bò bốn chân, tiến lên mấy thước nữa. Tôi cũng bám sát theo. Sân trước mặt đã hiện ra một khoảng lớn: Hai anh em lại bắt gặp hai cái xe nữa, một cái màu đỏ của Đặng Lân, còn cái kia là một cái xe "cam nhông nết". Phía sau hai chiếc xe là một gian nhà xe rộng, cửa làm bằng những thanh gỗ đóng thưa. 

Từ trung tâm nhà cổ vẳng ra một loạt tiếng động gì nghe rầm rì đều đều như tiếng máy chạy. Tiếng Trí lọt vào tai tôi: 

- Máy rập tiền giả đấy! 

Nhưng chú ý lắng tai kỹ thì lại nghe có một thứ tiếng gì xình xịch như tiếng một cái động cơ. Trí đoán được ngay thắc mắc của tôi: 

- Phải có hơi điện thì máy đúc tiền của chúng mới chạy được chứ! Tiếng xình xịch là động cơ phát điện đấy! 

Hai ba phút sau, tôi đã nhận thấy một làn hơi phụt theo đám khói đang tỏa ra nơi đầu ống khói tại phía trên mái dãy nhà xe rộng. 

Tôi khẽ lẩm bẩm: 

- Đây chắc là lò nung chảy kim khí! 

Giả thuyết của tôi được chứng nghiệm tức khắc. Vì ngay lúc đó Đặng Lân cùng với Sáu Goòng xuất hiện từ trong gian nhà rộng bước ra. Qua khung cửa mở, tôi trông thấy rõ ràng một người đàn ông ở trần trùng trục, hai tay nắm một thanh tre thật lớn đặt trên một cái lò thật bự cháy bằng gaz. Gần đó, có mấy cái bình to, loại bình sắt dầy vẫn dùng để đựng dưỡng khí hoặc khí đá. 

Nhưng tất cả tâm trí của hai đứa tôi đều tập trung vào hai nhân vật chính: Đặng Lân và Sáu Goòng. 

Hai người này bước qua sân rộng, đặt chân lên một con lộ nhỏ... tiến thẳng về phía chúng tôi. Chẳng ai phải bảo ai, Trí và tôi dán sát hết cỡ thân mình, rúc sâu vào đám cỏ rậm. Tôi có cảm giác như có một mãnh lực mầu nhiệm vô hình nào đó đã xui khiến làm họ mờ mắt không bắt gặp chúng tôi. Chân bước, tia nhìn họ ghim xuống đất, cả hai chìm đắm trong câu chuyện mải mê. Tiếng Đặng Lân khen Sáu Goòng nghe như có hơi men hừng hực của một ly rượu mừng: 

- Anh Sáu! Bốn cái khuôn của anh quả đáng "mê" thật! Nhất là đôi khuôn 12 cạnh. Nguyên liệu dồi dào lắm rồi. Rập thử đồng mẫu 12 cạnh đó, như anh khó tính thế mà còn phải chịu là đẹp, huống hồ tụi tôi. Vậy chiều nay cho rập hết cả chỗ nguyên liệu thằng Phồn đang nung chẩy đó nghe! 

Sáu Goòng đưa tay mở cửa chiếc xe của lão và ngồi vào ghế lái. Cả hai tên gian đều xây lưng về phía Trí và tôi đang nấp. Lúc này chẳng chuồn thì còn đợi lúc nào ? Chúng tôi đã "nhìn" thấy nhiều cái "hay" quá rồi! Hai anh em vạch cỏ mà đi lom khom tìm đường ra cùng lúc với Sáu Goòng mở máy cho xe lăn bánh chạy trên con đường đất hẹp dẫn ra đường cái nhựa. 

Tình hình có vẻ "an ninh" trăm phần trăm như vậy. Nhưng quái thật! Đột nhiên tôi thấy lạnh buốt nơi xương sống y hệt bữa ở nhà một mình bị bé Thơ rình rập. Nhưng cảm giác ớn lạnh nơi đây lại còn khủng khiếp hơn: Tôi linh cảm Sáu Goòng đã... nhìn thấy hai thằng đang chạy băng qua đám cây rậm. Và tôi thấy sự đó vô lý quá sức. Hai tên gian đã quay lưng lại, cho xe chạy rồi, chúng tôi mới mò ra kia mà! Vô lý thì vô lý! Tiếng thét của lão Sáu tưởng chừng như đứng cách hàng cây số cũng còn nghe tiếng. Một trái bom nổ trúng giữa căn nhà bí mật tưởng hậu quả ghê gớm cũng chỉ tới cỡ đó. Gần một chục người, trừ tên Phồn ở trần, tất cả đều mặc quần áo xanh, chạy túa ra. 

Trí hét lên: 

- Lấy xe đạp! Mau! 

Tôi lao người chạy như bay, giầy gần như không đụng mặt đất. Nhưng không hiểu sao tôi lại còn ngoái đầu ngó về phía xe hơi lão Sáu. A! Lạ thiệt! Không hiểu tại sao lão Sáu Goòng tự nhiên lại quay đầu xe trở lại hướng khu nhà. Và hai bánh sau xe loay hoay thế nào lại thụt xuống một cái hố bùn lớn ở trên mặt đường, chiếc xe quay ngang, chặn hết lối đi. Tên Đặng Lân ngồi bên đang gào hộc lên vì tức giận, giơ tay nắm thành quả đấm, dứ dứ vào mặt Sáu Goòng. 

Hai đứa tôi nắm ghi đông xe đạp, phóng nhảy vút lên yên như những tên cao bồi chính hiệu, đầu óc mê muội đi không còn nhớ được cái gì nữa, ngoài vấn đề chúi đầu đạp xe như hai người điên vậy. Tới mép đường cái nhựa, bỗng Trí bóp phanh nghe cái "két". Anh hổn hển nói chẳng ra hơi:

- Kỳ quá! Mắc cỡ chết được! Thám tử gì mà lại sợ hãi đến như gần chết vậy không biết! Đạp xe muốn đứt hơi luôn. 

Bực mình tôi phun một câu nói mát: 

- Ờ há! Giá anh em mình cứ tà tà ở lại để chờ tụi nó ra mời "ngồi chơi xơi nước", thì hay hơn há! 

Trí làm như không nghe câu nói móc của tôi, đưa ống viễn kính lên mắt, miệng lẩm bẩm: 

- Để coi thử tại sao tụi nó không rượt theo tụi mình! 

Anh im lặng quan sát có tới hai ba phút rồi đưa ống nhòm cho tôi: Qua ống kính, tôi thấy rõ chiếc xe của Sáu Goòng vẫn nằm ườn chắn ngang đường. Lão Đặng Lân đang cố gắng cho chiếc xe sơn đỏ của lão lách qua mà không được. Mấy tên quần áo xanh lố nhố đứng quanh chỉ chỉ chỏ chỏ giơ tay múa chân. Chắc chúng đang hò hét dữ lắm. 

Tôi bảo nhanh Trí: 

- Lợi dụng lúc này... vọt lẹ đi! 

Suốt dọc đường hướng về Thủ Đức, chân đạp xe, đôi mắt Trí không ngớt liếc từng lùm cây, cột trụ, gò đống hai bên đường, miệng lẩm bẩm như học bài. Tôi biết là anh đang cố ghi vào trí nhớ mọi đặc điểm địa hình, địa vật trên suốt quãng đường dài... để một ngày kia... còn trở lại. Tôi thấy lạnh buốt nơi sống lưng như người sắp lên cơn sốt .
________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG XV - XVI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét