Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

CHƯƠNG HAI_NGÁT TRÊN LƯNG ĐỒI

hai


Chiếc taxi chở chúng tôi đi vòng qua chợ, thị dân ở đây đa số đi bộ, xe cộ có nhưng rất ít, tôi thấy du khách đông đảo trước những cửa hàng. Những chiếc áo choàng muôn màu, đủ kiểu, cũng là một trong những nét đặc biệt của phố xá Đalat. Thành bảo tôi, dân Saigon lên đây sẽ bị nhận diện ngay bằng những màu áo, người dân Đalat đa số chỉ mặc áo len sậm, đen hoặc xanh, đời sống của họ đi liền với những chiếc áo ấy. Tôi hơi hồi hộp khi chiếc xe ra khỏi khu phố chính.

Căn nhà mà chúng tôi dùng làm nơi trú ngụ là sở hữu của gia đình Thành, tôi biết khá rõ về lịch sử của nó, và chắc chắn chúng tôi sẽ đến đó mà không có ai tiếp đón…

Theo lời Thành thì trước kia gia đình hắn sinh cơ lập nghiệp tại đây. Ông Tạo, ba Thành là công chức ở tòa thị chính Đalat. Những năm trước đây đời sống công chức còn dễ chịu, lại nhờ ông bà Tạo cố chí làm ăn nên chẳng mấy chốc gia đình trở nên sung túc, giàu có. Ông Tạo, ngoài số công việc nhàn rỗi nơi công sở, còn chạy taxi đưa rước du khách. Là người có học thức, đậu Tú tài Pháp năm 1938 ở Hà Nội, và có năng khiếu về hành chánh, ông được các bạn đồng sở nể phục. Không ai là không biết việc ông bỏ sở đi chạy xe nhưng mọi việc ông luôn luôn hoàn thành cùng lúc với mọi người. Ông lại biết sống phải và khiêm nhượng nên không ai có thể phiền trách. Dù sao, ông cũng là kẻ gặp nhiều may mắn. Có lần, một cấp trên vì một sự hiểu lầm về cách đối xử của ông, đúng hơn là vì tự ái thua kém bằng cấp đã quyết định đổi ông đi Ban Mê Thuột, nơi đèo heo hút gió. Nhưng sự việc chưa thành thì cấp trên ấy đã được lệnh thuyên chuyển về Saigon, một điều ông ta vẫn mong ước.

May mắn đã đến với cả hai.

Năm 1965, lần đổi sở về Saigon, một dịp bất ngờ ông Tạo đã tái ngộ “người bạn quí”. Không biết lý do nào thúc đẩy, ông bạn đã làm hòa trở lại và tỏ ý hối hận về những viếc làm ngày xưa. Hai người hiện giờ phục vụ tại hai cơ sở khác nhau, nhưng vẫn giữ được sự liên lạc thân tình như chưa bao giờ thù oán nhau cả.

Phần ông Tạo, về Saigon là lỡ dở một kế hoạch làm giàu vì ông đang toan bỏ vốn ra mua mấy chiếc xe taxi cho mướn. Nhưng đầu óc của con người ham thích kinh doanh thì luôn luôn có kế hoạch mới, nhất là ở Saigon, môi trường thuận lợi cho việc làm ăn buôn bán. Thực vậy, bây giờ thì ông Tạo ngoài vai trò một công chức thường – ông không muốn làm lớn để cản trở việc làm ăn – ông còn là chủ nhân một hãng buôn đồ phụ tùng xe hơi ở Saigon… Nhắc lại chính căn nhà mà chúng tôi sắp đến là nơi trước đây gia đình Thành sống suốt bao năm trường. Sau khi gia đình dọn cả về Saigon, nó được dành cho vợ chồng cô Hoa, người chị họ của ông Tạo. Nhưng từ mấy tháng nay thì căn nhà hoàn toàn bỏ trống, gia đình cô Hoa cũng vì chuyện làm ăn phải đổi đi nơi khác.

Đó là một căn nhà gỗ màu nâu cũ kỹ nhưng mỹ thuật và rộng. Nhà nằm khuất sau giàn hoa giấy màu tím, những khung cửa đóng kín mít và ngọn thông xanh vươn cao lên đầu gối… Khung cảnh chợt thấy đã khiến tôi có cảm tình ngay.

Cánh cửa mở rộng, chúng tôi thấy rõ sự hoang lạnh của căn nhà. Thành có vẻ xúc động trước những cảnh vật cũ. Hắn bảo:

- Chúng mình đến để sưởi ấm cho căn nhà này.

Tôi bắt đầu chú ý đến cái lò sưởi bỏ trống nằm dưới một bệ cao xây ở góc nhà, cạnh bộ salon màu xám. Cách bài trí trong nhà rất thoáng và kiểu cách, tuy không được đầy đủ. Tất cả đều bám bụi, kể cả những bức tranh vẽ treo rải rác ở phòng ngoài. Tôi để nguyên quần áo, nằm dài trên chiếc trường kỷ kê bên cửa sổ mà Thành vừa mở tung. Hơn bao giờ, tôi thấy cần được nghỉ ngơi trong khi Thành đi lục lạo khắp các gian phòng và sau nhà.

Nhưng giấc ngủ không thể đến dễ dàng, tôi ra đứng bên khung cửa sổ đón những cơn gió lạnh làm tỉnh người, ngoài kia thật vắng lặng, nơi mà buổi chiều chỉ còn bảng lảng đó đây, mái nhà hàng xóm khuất bóng sau những lùm hoa dại. Thành đã trở lên và đang quét sơ bụi trên những đồ vật. Tôi hỏi Thành bằng tiếng nói sau lưng:

- Căn nhà bỏ trống uổng quá hả Thành?

- Ừ. Ông cụ đang chờ mình thi đậu rồi sẽ cho lên đây ăn học.

- Bằng lòng chứ?

- Cậu giúp ý kiến cho mình đi.

Tôi quay lại đứng dựa lưng vào cửa sổ. Thành vẫn đang loay hoay thu dọn căn phòng. Giây lát sau, tôi thành thật nhận xét:

- Mình nghĩ không có ngành học nào ở trên này hợp với cậu. Nhưng có lẽ cậu cũng không muốn xa căn nhà cũ.

Thành ngừng tay nói như reo lên:

- Hay quá, đúng như vậy. Không ai nỡ từ bỏ dĩ vãng của mình bao giờ. Trừ quê hương miền Bắc, Đalat là nơi mình để lại nhiều kỷ niệm thời niên thiếu. Rất tiếc là trên này không có ngành học kỹ sư… Nhưng biết đâu đó chả là một điều may. Mình vốn đã lười biếng, sống ở đây chắc chắn sẽ hư hỏng thêm. Tính lười của mình đã bị cậu soi mòn một phần rồi đấy.

Lời nói tuy nhỏ mọn nhưng chân thành của bạn khiến cho tôi cảm thấy vui vui xen lẫn một chút tin tưởng. Thì ra ai cũng có những điểm yếu đuối riêng cần phải nhờ vào người khác. Tôi biết Thành nói thật qua thái độ và ánh mắt, và do đó tôi lại càng thương bạn hơn. Lâu nay tôi vẫn nghĩ một người lịch duyệt như Thành thì không còn thiếu thốn một điều gì nữa. Tôi tự thấy lòng mình dịu lại bên cạnh những nỗi buồn khổ của kẻ khác. Không muốn cho Thành đọc được những ý nghĩ của mình, tôi bảo:

- Chúng mình vui gì thì vui, nhưng đừng quên cái dạ dầy Thành ạ.

Và chúng tôi quyết định đi gột rửa những bụi bặm dọc đường một cách vội vàng để sửa soạn bữa ăn. Không ai có thể tắm nước lạnh ở cái xứ này. Thành bảo, thế nào mình cũng có dịp vào tắm nước nóng ở tiệm kẻo thành cú cả lũ. Những giọt nước dù ở máy đổ ra cũng lạnh cóng thịt da, chúng tôi sửa soạn thật nhanh rồi thay quần áo sạch.

Bây giờ thì hai đứa đã thành những người khác, tâm hồn tỉnh táo và chưng diện tươm tất. Tôi mặc áo len xám, đi găng tay, Thành khoác pardessus trông thật đẹp, cả hai đều thắt cravate. Tôi nhìn Thành với mái tóc bồng và bảo, cậu sẽ là một trong những người đẹp của Đalat đêm nay. Thành cười, có một chút mỉa mai thâm trầm : người ta chỉ nhìn nhau mà xét đoán ở bề ngoài, và thường thì sự xét đoán ấy sai lầm. Tôi đã quen lắm với lối nói kiểu cách và ưa triết lý vụn của Thành, vả lại chỉ với bạn thân hắn mới thế. Chợt Thành nói:

- Chúng mình sẽ dùng bữa cơm đầu tiên ở dưới phố.

Tôi bảo:

- Chương trình hoàn toàn do cậu định đoạt đấy nhé.

Thành cười:

- Sống như chúng mình thì làm gì có chương trình. Đêm nay dự lễ ở nhà thờ Chính tòa… ngày giờ còn lại dành cho những cuộc dạo chơi…

- Tuyệt quá. Tuy nhiên có vẻ hơi thiếu thốn Thành ạ.

Chúng tôi đã ra sân, Thành vừa khóa cửa, vừa bảo:

- Cậu muốn nói chúng mình thiếu những bông hồng?

Tôi cười, vỗ vai Thành nói thân mật:

- Nếu trong việc học cậu cũng thông minh như thế nhỉ.

Thành cũng cười, sau giây lát hắn bảo:

- Bí mật quốc phòng mà cậu định tiết lậu giữa thanh thiên bạch nhật thì ẩu quá… về chuyện kia, nói thật, nếu cậu muốn thì không thiếu đâu. Tôi bảo đảm muộn lắm là sáng mai cậu sẽ có bạn đồng hành. Chỉ mong lúc ấy đừng bỏ rơi kẻ này thôi.

Mà Thành đông người quen thật, đủ mọi hạng người, kể cả những người giao thiệp với gia đình hắn trước kia, chúng tôi đi bộ từ nhà vào thành phố, chỗ nào cũng có dịp để chào hỏi. Tôi bỗng thấy thèm cái tầm giao thiệp rộng rãi của bạn. Lúc nào tôi cũng có thể băn khoăn về chính mình. Sao người ta chào hỏi với nhau một cách dễ dàng đến thế? Thành có lối nói chuyện điềm đạm nhưng lại có vẻ gì mau mắn. Những cuộc gặp gỡ nhiều khi chỉ để xã giao bề ngoài, nhưng không ai nhận ra ở hắn một chút giả dối nào.

Đến một quãng đường vắng tôi bảo:

- Mình có cảm tưởng đời cậu sẽ đẹp và sung sướng nhờ biết cách thu phục cảm tình của mọi người.

Thành cười nhẹ, nụ cười phảng phất một chút tự mãn nhưng không mấy hồn nhiên, hắn thành thật:

- Có nhiều người cũng nhận xét như cậu… Nhưng, thật ra tôi có rất ít những người bạn chí tình, ở đời ai cũng mong có tri kỷ, trong khi đa số chỉ biết nghi ngờ lòng thành thật của người khác. Một khi còn nghi ngờ thì không thể thân nhau được.

Mải nói chuyện chúng tôi đã vào đến bên trong trung tâm thị xã từ lúc nào. Đalat chiều tối mang một vẻ ấm cúng lạ thường : những cánh cửa khép kín, những con đường nhỏ hẹp phủ ngát hương đêm, những thân hình lầm lũi, cổ áo cao và đôi tay trong túi, ánh lửa ở cuối phố của đám tài xế đợi chờ…

Bữa cơm nóng sốt đầu tiên, chúng tôi ăn như kẻ bị bỏ đói lâu ngày. Chất rau tươi, hương thơm gia vị. Từ một nhà hàng có cửa kính che kín nhìn xế sang chợ, chúng tôi kéo dài bữa ăn đến khi thành phố chất ngất ánh đèn. Thời gian còn rộng, mỗi đứa gọi một tách café nóng. Thành bảo tôi:

- Uống café ở nhà thủy tạ có một cảm giác rất thú, café thì nóng và hơi nước từ mặt hồ đưa lên lạnh băng, mình sẽ thấy được tất cả cái hương vị thơm nồng của giọt café nóng.

Bóng một người con gái thoáng qua rất nhanh ngoài khung cửa kính. Thành vụt đứng dậy ra dấu và nói nhỏ:

- Bông hồng nhung mà tớ muốn giới thiệu với cậu.

Rồi hắn đi nhẹn ra ngoài, dáng nhanh và hào phóng. Tôi chợt hồi hộp vì bản tính vẫn ít bình tĩnh trong những cuộc gặp gỡ đột ngột.

Một phút sau Thành vào đem theo “bông hồng nhung” của hắn. Người con gái có nụ cười rạng rỡ, mái tóc mềm bóng và đặc biệt là chiếc Manteau đỏ quí phái, hai người đã tới nơi. Thành giới thiệu:

- Bạn cả nhé.

Rồi hắn đưa tay về phía tôi:

- Linh, một bậc tài hoa của lớp mười hai B C.V.A – Còn đây Thiên Hương, bông hồng nhung của núi đồi Đalat.

Thiên Hương vẫn cười, nụ cười rạng rỡ. Tôi để ý đến cặp mắt sáng như sao băng có cái nhìn rất lạ, chợt sắc rồi chợt loang vào một tia nhìn khác, cặp mắt hắt lên cao sức mãnh liệt mơ hồ.

Chúng tôi đã vào bàn, Thiên Hương gọi một tách trà nóng, và nói chuyện ríu rít như con chim rừng buổi sớm. Thành lộ vẻ mừng khi gặp lại bạn cũ. Hai người quen nhau từ những năm học đệ thất trường T.Đ., ngày mà gia đình Thành còn sống ở đây. Họ rất tự nhiên qua câu chuyện, tôi thấy cả hai giống nhau ở nhiều điểm : nghệ sĩ và có khuynh hướng say mê đi tìm một cái gì đích thực trong cảnh sống hiện tại. Gia đình Hương giàu có, bố là thương gia, nhưng Hương rất ít khi lợi dụng vào gia tài để phung phí, cô bé có nhiều dự tính sống tự lập, đó là một điều mà tôi không thể ngờ… Đã hơn một năm, đôi bạn không gặp nhau, họ là những người thân có thể tâm sự cả ngày mà vẫn thấy thiếu, bạn bè ở đây rất ít ai hiểu Hương như Thành. Trong câu chuyện hắn hay cười mỉm và nhắc nhở những chuyện xưa, đào sâu sự say mê dĩ vãng của kẻ đối diện. Câu chuyện đưa dần về hiện tại, Thành nói với tôi một câu như đã định sẵn:

- Những ngày nghỉ của tụi mình sẽ hào hứng thêm nhờ sự có mặt của Thiên Hương.

Thiên Hương cười, vẫn nụ cười làm tan bóng tối:

- Anh cứ làm như Hương là thần tiên không bằng.

Tôi chen lời:

- Tôi không biết Hương có phải là thần tiên không nhưng tên của Hương tự nó đã mang theo cả dấu tích ngào ngạt của trời.

- Đến một lúc nào đó, sợ rằng Hương sẽ không còn là người của thế gian này nữa vì những lời tán tụng của các anh.

Tôi hỏi:

- Hương có muốn thế không?

Cô bé trả lời ngay mà không cần suy nghĩ:

- Các anh cứ làm công việc của các anh, nhưng đừng lôi Hương ra khỏi mặt đất này tội nghiệp, vì cho đến bây giờ, Hương vẫn chưa thấy nơi nào đẹp hơn nơi chúng ta đang sống.

Tôi cảm thấy ngột ngạt trước những câu đối đáp của Thiên Hương. Cô bé quá thông minh, đúng như tôi nghĩ, Hương chỉ nói mà khiến kẻ đối thoại không kịp sắp đặt những ý tưởng mạch lạc.

Nhưng cũng từ đó, bầu không khí thân mật đã đến giữa chúng tôi như một loài hoa thơm nở trên vùng đất cao nguyên mầu mỡ. Thành bảo:

- Từ giờ đến lúc khởi sự Thánh lễ nửa đêm, Hương có chương trình gì chưa cho bọn này nhập với. Lâu không về thăm Đalat, đến chiếc áo khoác cũng có vẻ ngượng ngập.

Hương khẽ reo mừng:

- Tuyệt quá. Ba má cho phép Hương đêm nay đi lễ với gia đình một cô bạn và khuya về ăn Réveillon tại nhà nhỏ luôn. Đáng lẽ giờ này Hương đến đó rồi. Nhưng thôi, muộn một chút cũng chẳng sao, đằng nào cũng đã muộn, chúng mình đi dạo một vòng rồi cùng tới nhập bọn.

Hương nói nhanh, liến thoắng. Tôi có cảm tưởng rằng những ngày vui Đalat sẽ sống động như nụ cười và dáng dấp của cô bé.

Chúng tôi còn nán lại một chút nữa trong nhà hàng cho tới khi đêm đã huyền ảo phía ngoài các khung kính. Phố xá ngợp bóng người, nhưng mờ nhạt vì ánh sáng trong căn phòng, âm thanh cũng vậy…

Cửa kính mở, tiếng động và hơi gió lạnh ùa ập, xô đẩy vào chúng tôi. Đó đây lũ lượt màu đèn và sắc áo. Những chiếc khăn quàng cổ chùm lên hơi ấm. Khu phố chợ nổi bật những đường nét huy hoàng của một ngày lễ lớn. Hình như tất cả những bóng đèn đều được trưng dụng về đây và mọi người đều rời khỏi tổ ấm gia đình để lang thang ngoài phố. Con người ta thích tìm vui ở một chốn lạ? Lòng tôi rộn lên cùng với phố phường đang mở hội – Lần đầu tiên ghé đến, tôi và Đalat đã lần quyện say mê như trong một bản đàn hợp tấu. Đêm Giáng Sinh ở Đalat, thành phố sinh động cây cỏ chợt vươn lên sức sống, mặt nhựa reo vang nhịp phách những bước chân. Đêm tím ngắt ở trên cao, âm thanh và hình ảnh càng rõ, dâng lên như muốn làm rạn cả vòm trời đầy tinh tú.

Chúng tôi góp bàn chân cùng những lớp sóng người đang cuồn cuộn chảy. Có nhìn về đây mới biết loài người đi tìm vui cũng vội vã như khi tranh sống. Lần thứ nhất tôi nhận hút điếu thuốc do Thành mới, đốm lửa rực hồng, cánh môi chợt ấm. Không ai có thể từ chối khí ấm trong lúc này.

Trên đường, ba đứa vẫn góp vui bằng những mẩu đối thoại, nhưng riêng tôi thì thỉnh thoảng. Thành và Hương còn nối tiếp với nhau đầy kỷ niệm xa xưa, họ ân cần thuật cho nhau những gì đã xảy ra trong suốt thời gian xa cách. Dĩ vãng trôi về với đôi bạn trẻ làm dấy lên những nụ vui mỗi lúc. Không gì đẹp bằng kỷ niệm, con người ta thường lui về đó làm trạm nghỉ vàng son. Trong cuộc tâm sự đầy linh thiêng bên cạnh tôi tự thấy mình nên im lặng, không biết để dễ dàng cho cảm xúc hay để mặc niệm cho nỗi buồn chợt lấp kín cơn vui. Tôi nghĩ đến câu nói lúc ban chiều của Thành: “Người ta chỉ nhìn nhau mà xét đoán ở bề ngoài, và thường thì sự xét đoán ấy sai lầm”. Có lẽ vậy. Nhìn vào cái vẻ dáng phong lưu, lịch duyệt của Thành, không ai biết hắn là kẻ vẫn cô đơn trong tình tri kỷ ; nếu không được nghe tâm sự của Thiên Hương, ta không thể ngờ đằng sau cái phong cách thời đại kia lại là chỗ ngồi của một tâm hồn sâu sắc, mến mộ dĩ vãng ; và tôi, đi ở đây, trong cái bầu khí xao động này, không ai biết tâm trí tôi đang miên man sống ở một cõi khác, u sầu.

Đèn pha của chiếc xe đang chạy từ cuối dốc hắt lên, chúng tôi đã rời vùng ánh sáng muôn màu để đi lần về phía hồ Xuân Hương. Tôi thấy mặt nước thấp thoáng ở đằng xa.

- Anh Linh đang nghĩ điều gì thế?

Tiếng Thiên Hương làm tôi thảng thốt, trả lời:

- Tôi nghĩ rằng nếu không có hồ Xuân Hương, Đalat sẽ bất hạnh lắm.

Thành nói thêm vào:

- Nói cho Hương biết, Linh của chúng ta cũng đang trong tuổi mơ mộng đấy, chàng có thể đứng nhìn dòng nước trôi hằng giờ mà không biết chán…

- Và cũng để dệt những vần thơ kiều diễm nữa chứ anh Linh nhỉ – Hương nói tiếp, giọng hóm hỉnh.

Tôi cười:

- Tôi cũng hy vọng làm được một bài thơ vừa ý và bài thơ đó tôi sẽ hân hạnh đề tặng Thiên Hương.

Hương chưa kịp nói gì thì Thành đã nheo mắt:

- Thường thì bài thơ cho người yêu chính là bài thơ đắc ý nhất phải không Linh?

Cả ba chúng tôi đều cười vui với câu nói ấy ; cùng lúc, một hồi chuông bỗng ngân vang từ đỉnh tháp nhà thờ bên kia những rặng thông đen thẫm, báo hiệu giờ lễ đêm đã điểm…


*


Những người bạn mới của chúng tôi trong đêm nay là 2 người con gái. Chị Hoàng dạy học ở Couvent des Oiseaux đã lập gia đình hơn một năm rồi, chị mang dáng dấp của một người chị cả trẻ trung và cởi mở. Chồng chị là Trung úy bộ binh đóng quân xa nhà. Người thứ hai là Trân, Huyền Trân, được giới thiệu là em gái cưng của chị Hoàng, nhưng tôi nghĩ hai người không phải là chị em vì giọng nói có vẻ khác nhau nhiều.

Tôi để ý đến đôi mắt của người con gái mang tên Trân, đôi mắt trong xanh, có tia nhìn huyền diệu và đắm đuối. Chúng tôi làm quen nhau rất nhanh. Trong một phút thoáng qua tôi bỗng có cảm tưởng rằng giữa tôi và Trân không thể chỉ gặp nhau như hai kẻ qua đường.

Hồi chuông trên tháp cao vẫn vang rền giục giã mà chúng tôi năm người vẫn còn kéo dài những bước chấn dưới con dốc cuối chân nhà thờ. Mọi người đều vội vã, riêng tôi thì đang trong cơn mê đắm. Hương thơm thoang thoảng thoát lên từ mái tóc Huyền Trân sao nghe như mùi vị của núi rừng hoang dại. Trong một thoáng, những bước chân tôi thấy dẻo, cái nhìn vào cảnh vật chung quanh đã lạc thần. Một cảm giác lạ, không giống bất cứ cảm giác nào len nhẹ vào hồn khiến tôi trở nên câm nín. Tôi sợ tiếng động, một lời nói nào bây giờ cũng có thể làm tan mặt nước phẳng gương đang soi chiếu cả một trời xanh hy vọng.

Toàn thân tôi được sưởi ấm khi chen chân giữa đám đông người phía cuối nhà thờ. Trên kia đèn thắp sáng choang. Qua kẽ vai của một rừng người đứng trước tôi thấy gian thánh rực lên ánh hào quang, tưởng chừng như hào quang ấy tự trời cao đổ xuống. Hang Bethlehem đặt gần đó. Tiếng nhạc tưng bừng trỗi lên cùng với những tiếng ca réo rắt, bản Thánh ca đưa cao âm điệu, xoáy tròn theo vòm mái nhà thờ. Lòng tôi bàng hoàng về những tình cảm tràn ngập. Mới từ chiều, tôi đã nghĩ đến câu nói của Thành “Rồi cậu sẽ còn có nhiều cái để mà ngây ngất”. Trong muôn ngàn những hình ảnh yêu dấu tôi đi tìm, đâu sẽ là dấu vết đam mê sau cùng? Tôi nghĩ đến Trân, đến những cuộc vui sắp tới…


*


Tiếng vỗ tay vang lên trong căn phòng nhỏ, cửa kính khép kín, giữ lại sự đầm ấm cho mọi người đang quây quần quanh bàn tiệc. Chúng tôi, mỗi người một nụ cười nhỏ trên môi, trong khi chị Hoàng tuyên bố mấy lời vào tiệc. Chị bày tỏ niềm vui sướng về sự góp mặt của tôi và Thành trong đêm nay. Chị còn tiết lộ rằng tôi có nhiều nét giống anh Hùng, người chồng yêu quí của chị. Mọi người khúc khích cười. Trong khi đó nhạc giáng sinh phát thanh nho nhỏ từ chiếc cassette, không khí thật vui mà thân mật. Ánh lửa trong lò sưởi bập bùng cháy, chiếu trên gương mặt mỗi người.

Chúng tôi dùng rượu nho hâm nóng cùng với thịt, bánh và trái cây. Chị Hoàng và Thiên Hương là những người vui tính nhất. Huyền Trân thì lúc nào cũng khép nép, bé bỏng. Tôi không thể không nhìn ngắm lúc Trân cười, tôi không biết phải diễn tả nụ cười ấy như thế nào, nó đẹp rạng rỡ, hiền từ, lại vừa có vẻ gì kiêu sa, kín đáo.

Chiếc bàn ăn hình chữ nhật, chị Hoàng đã phải khó khăn lắm mới xếp chỗ ngồi ổn thỏa cho mỗi người. Trân được nhường làm chủ tọa ở một đầu bàn vì… nhỏ tuổi nhất. Đầu bàn kia để trống, sát lò sưởi. Không hiểu vô tình hay hữu ý tôi được xếp ngồi cạnh chị Hoàng, một bên là Trân. Chúng tôi chuyện trò với nhau, về cảnh ngoài phố lúc ban tối, về lễ đêm, về những người quen đã trông thấy ngoài đường và về bài giảng rất hay của vị linh mục có tuổi.

Hết chuyện chung đến chuyện riêng, thừa dịp Thành, Thiên Hương và Trân bàn luận với nhau về việc học hành, thi cử, tôi hỏi chị Hoàng:

- Ban nãy chị bảo em có nhiều nét giống anh Hùng, chị thử cho em biết rõ hơn đi. Em mong biết một người giống mình.

Chị Hoàng cười, giọng thành thật:

- Vậy hả. Anh Hùng trông khỏe mạnh hơn Linh nhưng dáng đi, nhất là cách nói chuyện, thì giống Linh lắm, thâm trầm và ít nói.

- Thật xui cho em và cả cho chị nữa vì đêm nay anh Hùng không được về phép.

- Anh ấy cũng ở gần đây thôi nhưng hành quân bất thường lắm. Càng những ngày lễ lớn, càng không được về. Nhiều lúc chị cô đơn quá, nếu không có Huyền Trân, chắc chị khóc suốt ngày.

Nhưng rồi chị đổi giọng khôi hài ngay:

- Nhưng giả như anh ấy về hoài thì cũng nguy hiểm vô cùng. Tụi này hễ gặp nhau là đi chơi quên cả làm việc.

- Những khi ấy, chị bỏ rơi lũ học trò của chị hay sao?

Chị Hoàng cười đáp:

- Lần đầu tiên sau ngày cưới, anh Hùng xa nhà đến hơn hai tháng. Hôm anh được về phép thăm nhà, chị giả bộ ốm xin nghỉ dạy học mấy ngày. Lũ học trò tưởng thật kéo tới đầy nhà, chị phải cho Trân ra nói dối với chúng là cô giáo vừa đi khám bác sĩ… Thực tình, chỉ có lần đó thôi. Đời chị có anh Hùng và lũ học trò là nguồn an ủi, thương yêu nhất…

Tôi muốn hỏi để biết thêm về chị rồi về Trân nhưng bắt gặp ánh mắt đăm chiêu của chị lại thôi. Một thoáng buồn bã chìm trong câu nói của chị. Tôi đoán rằng chị còn có nhiều tâm sự u sầu nữa.

Xong tiệc, chúng tôi trải chiếu sát lò sưởi ngồi uống trà. Đêm đã khuya lắm. Nghĩ đến nỗi phải chia tay nhau trở về căn nhà hoang lạnh của Thành, bỗng nhiên tôi muốn giữ một kỷ niệm nào đó của Trân, của buổi hội ngộ đầy hứng khởi này. Tôi với cây đàn guitare treo ở góc phòng mà tôi đã để ý từ khi mới vào nhà. Không khí tự nhiên phẳng lặng, thật hợp với một cuộc trà đàm, những tiếng nói cố nhỏ lại đằng sau tiếng reo của lửa.

Cho đến khi tiếng đàn tôi dạo khẽ lên bài “Ai về sông Tương” thì tất cả đều yên lặng. Không khí trang trọng quá khiến tôi không đủ bình tĩnh đánh hết bài. Tôi đề nghị Trân hát một bản nhạc tùy ý và mọi người vỗ tay biểu đồng tình, vì Trân hát hay nổi tiếng ở trường Bùi thị Xuân. Trân nhận lời ngay với chính bản nhạc tôi vừa dạo đàn, dáng điệu vẫn khép nép như một loài chim bé nhỏ. Tôi say sưa đàn theo tiếng ca của bạn, tiếng ca không điêu luyện lắm nhưng dễ thương chi lạ. Trân ngồi bó gối, mắt nhìn vào bếp sưởi, ngun ngút ánh lửa hồng. Tôi có cảm tưởng mình đang dạo khúc trong giấc mơ, tiếng vỗ tay của các bạn nổi lên rồi mà tôi còn thấy mãi dư âm lời ca, tiếng nhạc văng vẳng đâu đây.

Sau đó, chúng tôi ra về trong những lời chúc tụng, từ biệt nhau. Tôi khẽ cám ơn Trân về bài hát vừa rồi. Trân cười nhẹ, vẫn nụ cười rạng rỡ ấy, và chúc tôi một giấc ngủ có nhiều mộng đẹp. Riêng chị Hoàng có vẻ quyến luyến bộ ba chúng tôi ; chị rủ ngày mai đến chơi và sẽ cùng nhau đi picnic suốt ngày. Tôi mừng đến lặng người về ý định đó của chị.

Hai người tiễn chúng tôi xuống cuối dốc, vì nhà chị Hoàng nằm trên lưng đồi. Bây giờ tôi mới cảm thấy cái lạnh buốt người của đêm Đàlạt. Ngàn thông reo vi vút trên đồi cao, thông làm cho đêm xanh thẫm, thông gieo nhạc vào lòng đất cao nguyên, và gió nữa, gió tạo cho không gian vẻ hoang lạnh vô cùng.

Tôi và Thành đưa Thiên Hương về tận nhà rồi mới trở lại căn nhà có giàn hoa màu tím. Đường vắng. Chúng tôi đi trong hơi thở và sự chuyển động của cây cỏ, núi rừng. Những căn nhà hai bên đường say ngủ, ánh trăng hạ tuần lạnh cong sau những đám mây nhỏ. Chợt Thành hỏi khẽ:

- Tại sao cậu lại đánh bản “Ai về sông Tương”?

Tôi cười:

- Cũng không hiểu. Có lẽ vì nó là một bản nhạc nhẹ nhàng hợp với khung cảnh lúc ấy. Nhiều khi bản nhạc được tôi dạo lên một cách vô ý thức.

Thành bảo:

- “Moa” nói thật, đã nghe cậu dạo đàn nhiều lần nhưng chưa lần nào hay bằng đêm nay.

Tôi chỉ biết yên lặng trước lời khen ấy vì khi đệm nhạc cho Trân tôi say mê đến độ không biết gì cả.

Cho đến khi về nhà, cuộn mình trong chăn ấm và giấc ngủ chập chờn, hồn tôi còn lâng lâng trong tiếng hát và tai tôi nghe văng vẳng đâu đây lời chúc tụng.
________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG BA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét