CHƯƠNG I
THÔN PHƯỢNG MÔ
Chiếc đồng hồ lớn buông mười tiếng ngân nga.
Tiếp theo, cánh cửa sổ nhỏ xinh như cái bánh quy của chiếc bên cạnh bật mở, con cú con nhẹ nhàng nhảy ra hót đủ mười tiếng cúc – cu, cúc – cu!…
Thế rồi, đồng hồ lớn, đồng hồ nhỏ đua nhau tình tang, tính tình, hòa tấu khúc nhạc thời gian tưng bừng rộn rã. Có cái lại đổ hồi chuông nhà thờ trang nghiêm cổ kính.
Ông Cả Mẫn vốn là thợ sửa đồng hồ mà lại là tay thợ giỏi. Trên kệ gỗ, đồng hồ đưa sửa chữa, lau dầu không dưới hai chục cái bao giờ.
Bỗng có tiếng đàn bà:
- Phú ơi! Sửa soạn đi ngủ cháu!
- Mai chủ nhựt mà, dì Mai! Cậu đang kể chuyện chưa hết, dì Mai!
- Nghe chuyện cậu thì có tới nửa đêm cũng chưa rồi!
Chiếc đèn dầu lửa, treo từ xà ngang, thòng xuống, tỏa một vòng ánh sáng vàng vọt trên mặt bàn trải khăn ni-lông màu hồng điểm hoa xanh. Bốn góc nhà xa đèn vẫn ngập chìm trong bóng tối.
Ở Bố Châm, gần Gò Dầu Hạ hơn, nhà nào cũng có điện. Nhưng tại thôn Phượng Mô, sát biên giới Việt Miên, lơ thơ chưa đầy năm chục nóc gia, đồng bào vẫn phải thắp đèn dầu hôi.
Nhà ông Cả Mẫn, cất theo kiểu nhà sàn, bằng gỗ, mái lợp tranh, tọa lạc giữa một khu rừng cây thấp nhỏ. Hàng xóm gần nhất cũng ở cách xa hơn nửa cây số.
Năm nay, thằng Phú đã mười bốn tuổi. Mồ côi cha mẹ từ hồi lên năm, em sống với cậu ruột, ông Cả Mẫn, và dì ruột là bà Tư Mai. Phú vẫn gọi cậu là “cậu Mẫn” và dì là “dì Mai” như hồi em còn bé. Ông Cả Mẫn, bà Tư Mai, hai anh em ruột cũng cứ tên thật của nhau mà gọi. Xưng hô với nhau bằng tên mẹ đặt cho từ lúc lọt lòng, phải chăng là thói quen tốt của những người sống tại miền rừng núi?
- Anh Mẫn, không thấy thằng nhỏ buồn ngủ rũ ra rồi đó sao?
Ông Mẫn bật lên một tràng cười rộ:
- Thằng nhỏ! Hơ! Hơ! Hơ! Cao gần thước rưỡi còn nhỏ cái nỗi gì! Nó vác bổng được cả cô rồi ấy chứ! Lớn lên đi lính thủy nghe con.
- Dạ, thế nào cháu cũng đi lính thủy, nghe cậu Mẫn! Nhưng cậu Mẫn kể nốt chuyện con cá nhà táng đi đã!
Ông cậu bật hộp quẹt máy, mồi tẩu thuốc, rít một hơi dài. Đôi mắt ông lim dim, âu yếm ngó đứa cháu yêu, giọng ông ấm áp:
- Phải nói là con cá nhà táng của cậu thì mới đúng!... À, à, cậu kể đến đâu rồi nhỉ?
- Lúc trôi giạt vào đảo Dừa đó, cậu Mẫn!
- Ờ, ờ… phải! Đảo Dừa! Một hòn đảo hoang vu không một bóng người. Dê rừng, loại thú ta vẫn gọi là Sơn dương đó, nhiều vô số kể. Tiếc rằng không có súng, đành chịu. Cậu chỉ còn một cách là bắt ngao, sò mà ăn. Một hôm, đứng trên ghềnh đá, cậu bắt gặp một đàn rùa bể. Thịt rùa bể ăn ngon không để đâu hết cháu ạ. Thích quá cậu mới lao người xuống, bơi theo, định bắt một chú. Đúng lúc đó, con thủy quái xuất hiện. Cái vây lớn trên lưng nó dựng đứng, rẽ sóng phăng phăng như một lưỡi kiếm thần. Cậu biết ngay là cá nhà táng.
- Rồi sao, cậu Mẫn?
- Sao gì?... Chỉ còn một cách là bơi thật nhanh vào bờ. Nhưng trong nháy mắt, con thủy quái đã tới nơi. Chu choa! Con cá to lớn khủng khiếp, như một cái gò đất. Thân hình cậu, nó chỉ táp một cái là tọt vào bụng ngay không khác một con lăng quăng rớt trong bể cá vàng. May quá! Thay vì đưa cái miệng lớn như miệng hang tới trước, con cá lại xoay ngang thân mình, quẫy lượn vờn sóng. Thì ra, nó thích nô giỡn hơn là đớp mồi. Cậu cứ tưởng mình quáng mắt trông lầm chứ. Nhưng không! Rõ ràng nó bơi sát ngay cạnh, theo cậu vào đến tận bờ. Tới chỗ nước nông, con thủy quái nằm chình ình, to lớn đồ sộ bằng ba con trâu mộng, mũi ghếch lên bãi cát, cái đuôi lớn bằng hai cái nong chỉ khẽ ngoe nguẩy mà nước cứ bắn tung tóe như mưa rào. Ánh mắt nó nhìn lộ vẻ thích thú khi được nằm như thế và để yên cho cậu vuốt ve cái mũi lớn bằng trái dừa xanh.
Thế rồi, ngày nào cũng vậy, khi thấy oi bức quá cậu lại nhẩy xuống nước, đưa hai ngón tay lên miệng huýt một hơi dài. Không tới một phút, con cá khôn đã xuất hiện, đưa đầu cho cậu vịn để bơi cùng với nó ra tít ngoài khơi.
- Cậu Mẫn ơi! Thế khi cái tàu…
Thì ra, câu chuyện con cá nhà táng này, thằng Phú đã được cậu kể cho nghe có tới mười lần rồi mà nó vẫn chưa chán.
- Ờ, ờ, rồi một cái tàu buôn ở ngoài khơi, khi thấy cậu làm dấu cầu cứu, liền thả xuồng chạy vào đón cậu lên. Ngày đó, râu cậu đã mọc dài tới thắt lưng kia mà.
- Thế con cá nhà táng?
- Nó bơi theo liền! Cậu đứng ở đuôi tàu trông thấy rõ ràng con cá tinh khôn rẽ sóng, đuổi theo vùn vụt. Cho tới lúc chiều xế, mặt trời đã gác núi, còn trông rõ cái vây trên lưng nó kia mà. Thế là… thế là, thôi! Đi ngủ đi, cháu yêu của cậu!
- Dạ! Cháu đi ngủ nghe cậu. Cháu đi ngủ đây, dì Mai ơi!
Dứt lời, Phú lẹ làng như con sóc, chạy tới góc nhà, leo lên bậc thang gỗ. Trên gác lửng, gần sát trần nhà, nó có một cái phòng riêng, tuy thấp, nhưng rộng rãi ấm cúng, bên trong kê được một cái bàn xinh xinh bằng gỗ gõ, trên chất đầy sách vở, một cái nệm “mút” trải khăn trắng tinh. Chỉ khi nào mùa Đông tới, Phú mới ngủ trên nệm. Còn về mùa này, nó chỉ thích ngủ võng… Như các anh lính thủy, Phú lúc nào cũng mơ tới biển cả mà chính mắt nó chưa được ngó thấy bao giờ. Mắt chưa thấy, nhưng nó cũng đã được biết qua những câu chuyện lý thú của cậu Mẫn, người cậu từng trải đã chu du vòng quanh thế giới có tới… hai chục lần rồi.
Phú trở mình trên võng. Nó đưa tay quạt tắt ngọn đèn cầy, kéo mền lên tận cổ, lựa thế nằm thoải mái trên chiếc võng êm. Chưa đầy năm phút sau, thằng nhỏ đã chìm sâu trong giấc ngủ nhẹ nhàng.
Dưới nhà, dì Mai, hai tay cầm chiếc áo len đan dở, tiến lại phía ánh đèn. Bà ngồi trong một chiếc ghế mây rộng, tiếp tục đưa mũi kim đan. Ông Cả Mẫn, yên vị trong cái xe lăn, nét mặt trầm ngâm, lặng lẽ thưởng thức khói thuốc đậm đà trong ống vố. Kể từ khi bị trúng đạn gẫy một đốt xương sống cách đây ba chục năm, ông bị tê liệt hẳn hai chân không đi lại được nữa. Để đền bù, hai cánh tay ông lại mạnh mẽ vô cùng. Ông vẫn một mình làm đủ mọi việc: tắm rửa, thay quần áo, đu lên giường ngủ cũng như khi thức giấc, tụt xuống khỏi giường nằm. Ông không chịu để cho ai hầu hạ bao giờ.
Tia mắt vẫn đăm đăm nhìn tẩu thuốc, chợt ông bảo em gái:
- Cô Mai! Ra xem ai gõ cửa kìa!
- Thật không?
- Tôi nghe rõ ràng mà. Ra mở đi!
- Tối tăm thế này, ai vậy không biết? Giờ này còn mò tới.
- Lại Quản Ru chứ còn ai nữa!
Bà Mai tiến ra, khẽ kéo chốt. Cánh cửa hé, ngọn lốc cuồng bạo ào vào kéo theo nước mưa, hắt ướt cả sàn nhà. Bên ngoài, cánh rừng chuyển mình theo gió từng cơn thổi lộng. Tàn lá lù mù đen khua xào xạc, cành lá gẫy rơi nghe lắc rắc.
Người gõ cửa, đúng là quản Ru, một hạ sĩ quan thuộc Ty Quan thuế. Ông khách ban đêm bước vào vừa cởi áo mưa vừa nói:
- Cứ tưởng bão lớn. May quá, lại chỉ có gió mạnh và mưa sơ sơ. Vào nghỉ nhờ anh một lúc. Hai cẳng chân muốn chết cóng vì nước mưa.
Ông Mẫn chỉ chiếc ghế mây:
- Ngồi đó, anh Ru. Đi tuần hả?
- Ừa…! Nghề nghiệp bắt buộc mà. Mệt ghê!
- Cô Mai! Cho tôi bình rượu thuốc và hai cái ly…! Lại rình tụi buôn lậu hả, anh Ru? Chúng dám lai vãng tới cả đây?
Quản Ru chỉ khẽ gật đầu, im lặng.
Ông Mẫn rót rượu cho ban. Quản Ru giơ tay:
- Vừa thôi, anh Mẫn!... Thằng cháu Phú hồi này ra sao?
Người cậu vui hẳn nét mặt mỗi khi có ai hỏi đến đứa cháu cưng của ông:
- Cháu ngoan lắm. Học rất khá. Hai anh em tôi phải ráng lo cho cháu nên người, anh Ru ạ!
- Vào Hải quân? Anh sẽ cho cháu vào Hải quân? Làm thuyền trưởng?
- Đúng thế đấy! Nó khoái biển hơn tất cả mọi thứ trên đời.
- Anh tài thật! Không đi lính thủy một ngày mà những chuyện vượt biển, đắm tàu, rồi cá mập, cá voi cứ kể vanh vách.
Ông Cả Mẫn cười rộ, vui vẻ:
- Hồi đó, nếu không bị thương ở lưng rồi tê liệt luôn hai chân, thế nào tôi cũng xin đổi qua binh chủng Hải quân. Suốt một đời chỉ mơ đi lính thủy mà mộng không thành, hận lắm. Đành đem chuyện đi biển kể cho cháu Phú nghe. Đọc trong sách ấy, thiếu gì chuyện ly kỳ. Thằng nhỏ đâm ra thích biển rộng trời cao, và những chuyến hải hành đầy mạo hiểm thú vị. Ngủ, nó toàn ngủ võng không à! Thế nào tôi cũng lo cho cháu vào Hải quân. Nhưng phải học cao cao lên chút đã, về sau mới đỡ vất vả tấm thân, chỉ có cách đó, tôi mới nguôi mối hận không được đi lính thủy và quên được nỗi buồn cứ phải ngồi chết dí trong cái xe lăn này cho tới ngày nhắm mắt. Anh hiểu ý tôi rồi chứ?
Ông Quản Ru gật gù:
- Thì tôi cũng đoán đại khái như thế. Thằng nhỏ vẫn học trên Gia Viễn đấy chứ? À, anh mới tậu cho nó một chiếc xe gắn máy để đi học cho đỡ mệt, phải không?
- Ừ! Định kiếm mua cho cháu một cái kha khá, nhưng kiếm không ra, phải mua cái cũ. Nhưng cháu biết giữ gìn, nên tôi cũng đỡ lo.
Quản Ru nhìn thật sâu vào đôi mắt ông bạn già:
- Sẵn xe, thằng nhỏ tha hồ phóng đi chơi. Nó chạy sang bên kia biên giới luôn ấy. Ngao du Cao-Man quốc hoài!
Ông Mẫn ngẩng phắt đầu, trừng mắt nhìn viên Quan thuế, sắc diện đanh lại, đồng thời giọng ông lạc hẳn đi trong tiếng nói như quát:
- Cái gì? Anh nói sao?
- Bình tĩnh chút đi, anh Mẫn! Anh có chịu để cho tôi nói không? Nếu không thì thôi, tôi không nói nữa.
- Cứ nói! Cứ nói đi! Anh Ru! Nhưng nghĩ cho chín rồi hãy nói.
Quản Ru im lặng trầm ngâm. Ông nghe lời bạn: “nghĩ cho chín rồi hãy nói”? Chưa chắc! Thực ra, quản Ru đang hình dung lại địa hình địa vật nơi chốn ông phải thi hành nhiệm vụ hàng ngày. Địa hình địa vật mà ông thuộc lòng như người nhìn vào những đường chỉ trong lòng bàn tay của chính mình.
Theo đường chim bay, từ căn nhà sàn của ông Mẫn tới ranh giới Việt Miên, khoảng cách chỉ non một cây số. Bên này và bên kia biên giới toàn là rừng cây rậm rạp. Đường lớn không có, nhưng đường mòn lại rất sẵn. Những con đường mòn, giữa ban ngày mà vẫn tối om như đêm ba mươi. Gai góc, dây leo, mây rừng chằng chịt. Lối đi quen thuộc của thú rừng, nhất là loại lợn chà, cầy cáo và… bọn buôn lậu.
Chợt ông quản Ru khẽ giật mình. Tiếng ông Mẫn sang sảng:
- Tôi chờ nghe anh đây! Nói đi chứ, anh Ru!
Nhân viên quan thuế hơi ngập ngừng do dự:
- Tôi cứ băn khoăn không hiểu thằng cháu Phú có… nghịch ngợm, dại dột… giở cái trò…
- Trò gì?
- Anh cố tìm hiểu dùm tôi thử coi, anh Mẫn!
- Buôn lậu hả?
- Ờ, ờ… một hai chục “tút” thuốc thơm, khi bên này, lúc bên kia, đại khái thế!
Ông Mẫn nổi giận, quát lên:
- Anh im miệng đi!
Quản Ru vẫn bình tĩnh:
- Bớt nóng chút, anh Mẫn. Tình bạn giữa anh và tôi đã hơn hai chục năm, khác chi anh em ruột thịt. Có phải vậy không, anh Mẫn?
- Có thế!
- Vậy thì anh phải bình tĩnh nghe tôi chứ! Thằng Phú, tôi nhắc lại cho anh biết, qua biên giới thường lắm đó.
- Thật hả? Trời! Trời! Trời!
- Anh lại la lối om sòm. Không để tôi nói thì tôi đi về vậy. Tối nay ghé đây tôi cũng có chủ ý cả đấy. Nói thực cho anh biết: đã có ý nghi ngờ nó từ lâu, tôi mới điều tra dò hỏi và theo dõi thằng nhỏ nữa mà.
Ông Mẫn choáng váng đầu óc, xây xẩm cả mặt mày.
Có lý nào đứa cháu ngoan của ông lại đi buôn lậu để kiếm tiền? Không, không bao giờ có thể thế được! Quản Ru đã nói một câu chuyện dựng đứng.
Dựng đứng hay không, không cần biết. Người bạn cố tri vẫn tiếp tục rót vào tai ông Mẫn những tiếng nói rành rọt chứng tỏ nội tâm ông Ru bình tĩnh vô cùng:
- Anh biết căn nhà đẹp đẽ khang trang trên con đường từ đây lên Gia Viễn chớ gì? Nhà lão Mai Lĩnh Phổ đó. Tay Phổ là một cây buôn lậu. Nhưng cha ấy khéo lắm. Tụi tôi chưa làm thế nào mà “vồ” được hắn quả tang. Tức ghê! Nhưng tôi biết chắc như đinh đóng cột: nhà lão là cái trạm an toàn, nơi tạm ghé của rất nhiều hàng lậu thuế đấy. Tuy nhiên, Lão Mai ngụy trang khéo léo vô cùng. “Hãng vận tải mau lẹ nhất”. Bảng quảng cáo kẻ chữ vĩ đại ra gì. Ghê gớm thật.
- Rồi sao?
- Mới chiều hôm qua đây, lúc tan học, thằng nhỏ nhà anh đã tạt vào nhà lão Mai, lãnh một gói hàng. Trả tiền chuyên chở đâu vào đấy xong, nó cột gói hàng vào “poọc-ba-ga” xe gắn máy mà.
Ông Mẫn ngó bạn, nét mặt đăm chiêu:
- Gói hàng! Gói hàng đó…
- Nhất định phải có ở đây, trong nhà anh, giấu thật kỹ một nơi nào đó.
- Được, được! Yên trí đi, anh Ru! Chắc hẳn cô Mai nó phải biết. Để tôi…
Ông Mẫn định lên tiếng gọi bà em nhưng kịp suy nghĩ lại thôi.
- À, à! Gói hàng ấy! Có, có! Chính mắt tôi cũng trông thấy mà! Phải, phải! Nhớ ra rồi…! Anh chịu khó đứng lên, tới bên kệ thấp phía sau cái bàn gỗ dầy của tôi đó.
Phút sau, quản Ru đã khệ nệ bưng ra một cái hộp vuông vức bằng cát tông, đặt lên bàn.
- Nặng dữ ạ!
- Để tôi mở coi bên trong có cái gì?
Ông Mẫn mở nút dây cột, lột lượt giấy dầu bao ngoài, mở nắp hộp…
Xếp ngay ngắn thành từng hàng mười cái một, lớp nọ trên lớp kia, giữa hai lớp có đệm rơm, toàn… các chú lính tí hon bằng chì màu xám trắng.
- Thấy không, anh Ru! Mới đúc xong, mới toanh à.
- Ừ, ừ, thấy rồi!
Ông Mẫn cười hể hả:
- Hàng lậu nhà anh đấy! Rõ thật…!
Quản Ru mân mê một chú lính xinh xinh trong bàn tay, lầm lì không nói.
- Định làm gì thế, anh Ru?
Vẫn im lìm, nhân viên quan thuế lặng lẽ lấy dao díp trong túi ra, mở lưỡi, rồi nhẹ tay đưa lưỡi dao khẽ nạo cái nòng súng của chú lính tí hon như ta cạo một lớp sơn vậy.
Giọng người bạn già đượm vẻ khôi hài, chế riễu:
- Vàng khối đấy, anh Ru!
- Biết đâu chừng!
- Anh giàu tưởng tượng thật!
- Nghề nghiệp bắt buộc mà.
Bàn tay to lớn của ông Mẫn, những ngón tay mập mạp, vỗ mạnh cơ hồ làm xụi vai người bạn vừa khiến ông hồi hộp quá đỗi. Quản Ru cũng tươi hẳn nét mặt.
- Một ly nhỏ nữa, anh Ru! Thế là vui vẻ cả! Hồi nãy, tôi đã lo sốt vó, nếu sự thật lại đúng như lời anh nói thì tôi sẽ không còn biết xoay sở ra sao nữa đây chứ. Từ tấm bé, tôi và dì nó không hề đét roi thằng nhỏ bao giờ. Nhưng nếu chuyện tày trời này mà xẩy ra, bắt buộc phải cho nó ăn… lươn.
- Anh không giận tôi chứ, anh Mẫn?
- Giận… cái khỉ khô! Anh chỉ thi hành nhiệm vụ! Tình bạn của chúng mình đã trên hai chục năm rồi mà. Anh báo động cho tôi trước để kịp đề phòng như thế là tốt quá đấy. Bạn bè thân thiết mới vậy chứ.
- Nhưng còn cái hộp đựng đầy lính từ Saigon gởi xuống?
- Anh cần phải nói thêm: lính bằng chì mới toanh chưa sơn phết màu sắc gì cả. Hà! Hà! Ngạc nhiên lắm hả, anh Ru? Thây kệ anh! Lần khác tôi sẽ giải thích, bây giờ thì chưa! Chỉ biết rằng: ngày mai đây, chủ nhật, toán lính này sẽ vượt biên, ngao du Cao Man quốc, như anh vẫn thường nói và sẽ đến tay một thằng nhỏ tên Phan, bạn chí thân của thằng Phú, con anh Tư Lành.
- Tư Lành? Tay đội kiểm lâm trên Mương lai bản?
- Đích thị!
- À, vậy thì tôi biết rồi! Tội nghiệp vợ chồng Tư Lành hiếm con trai lại bị thằng nhỏ… À, thằng nhỏ ấy, nghe nói hình như bị loạn trí hay sao đó mà.
- Không! Nó không bị loạn trí mà cũng chẳng dại khờ gì hết, – giọng nói của ông Mẫn thoáng xúc động – có điều… tội nghiệp quá! Như con chim… không cánh vậy đó.
Viên hạ sĩ quan quan thuế đứng dậy khoác áo mưa, bắt tay bạn.
- Thôi, tôi về, anh Mẫn!
- Tuần sau lại ghé, nghe!
- Có chứ!
- Sáng mai có đi câu không?
- Không! Có lẽ tôi lên biệt dinh ông Hội đồng Cổn. Ông ấy nhắn gọi có chuyện gì đấy mà.
Ông Mẫn nhếch môi cười nhạt:
- Hội đồng Cổn! Biệt dinh ông Hội đồng Cổn. Làm gì mà anh phải trịnh trọng dữ vậy. Lão ấy khó thương thấy mồ. Tôi còn lạ gì tòa biệt thự của lão trên đường Gò Quao nữa.
- Xét cho cùng thì ông ta cũng không phải là người xấu.
- Lão sẵn tiền lắm, đem tiền tậu biệt thự rồi lại mua tất cả cánh rừng bao quanh. Nghe nói lão cấm việc săn bắn gắt lắm phải không?
Quản Ru cười vui vẻ, nhìn bạn:
- Nhưng đã xẩy ra chuyện gì rắc rối đâu?
- Chuyện gì rắc rối tôi cũng bất chấp. Thằng này sống trên rừng quen quá rồi. Săn bắn là “vốn” mà! Cấm… cái khỉ khô!
- Và đi săn không bao giờ cần tới chó. Xua con mồi đã có thằng cháu cưng, hả? Thôi tôi về nhé anh Mẫn!
Quản Ru nói đúng. Săn bắn công hoặc thỏ rừng ngay trong khu vực cấm địa của ông Hội đồng Cổn là việc ông Mẫn thường làm luôn, chẳng e ngại gì hết. Ngay cả lính kiểm lâm họ cũng ngoảnh mặt làm ngơ để kệ cho ông kiếm thịt rừng.
Ông Mẫn chỉ việc ngồi rình ở ngoài bìa rừng, trên chiếc xe lăn. Thằng Phú nhanh như thỏ, xông xáo khua động các lùm bụi.
Gà gô, công bay lên từng đàn. Ông Mẫn chĩa súng nổ một phát đạn cà. Thế là bữa đó hai cậu cháu và dì Mai lại tha hồ nhậu nhẹt.
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét