sáu
Cuộc hành trình lần này, tôi đi giữa mùa mưa sũng ướt. Hành khách co ro với những ý nghĩ riêng, chỉ có tiếng reo ào ạt của nước xối xả bên thành xe. Mưa đón chúng tôi từ Liên Khương và sướt mướt kéo dài mãi. Cây cỏ hai bên đường trắng xóa như sương. Những bông hoa quì nghiêng ngả, điểm vàng đây đó, khiến cho cảnh vật buồn mà linh động vô cùng.
Xe vẫn lao về trước, vào khoảng đường mờ mịt trên cao. Con dốc hiện ra và đường vòng núi càng trở nên đe dọa, dốc đá dựng ngược, thung lũng sâu thăm thẳm ngàn thông, con đường nhựa nước ào ào đổ một bên như thác lũ, núi rừng thâm nghiêm mà vô cùng sinh động.
Lúc xe vào đến thị xã, tôi nằm nghỉ trên ghế, mắt nhắm nghiền, miên man nghĩ tới những dự định cho một lần gặp gỡ. Tôi muốn gây một bất ngờ thích thú cho Trân nên không hề báo trước. Kỳ thi tú tài một vừa hoàn tất hôm qua, chắc chắn Trân không thể vắng mặt. Vả lại, không có sự di chuyển quan trọng nào của Trân mà chị Hoàng không cho tôi biết. Tôi tưởng tượng đến sự tiếp đón nồng hậu của chị Hoàng, đến gương mặt rạng rỡ, vui mừng của Trân khi gặp và nghe tin tôi thi đậu. Những tia nhìn quấn quít vào nhau, những tâm sự kể lể hết nỗi nhớ nhung, những dự tính huy hoàng cho tương lai sắp tới… và còn nhiều nữa. Tôi sẽ tặng cho Trân những vần thơ tuyệt tác, dệt bằng yêu thương, thành hình trong những ngày tháng học trò yêu dấu nhất. Trân sẽ đọc từng lời, từng câu trong ấy rồi chợt mỉm cười, nụ cười say đắm vì thoáng nhận ra bóng dáng mình…
*
Nhưng những giờ phút ấy không bao giờ đến với tôi nữa, vì Trân đã đi rồi. Phải, Huyền Trân đã đi thật xa rồi.
Trời vẫn còn mưa chiều khá muộn, tôi đội áo, đeo “sắc” đi lần lên con dốc lưng đồi. Căn nhà trắng hiện ra chìm đắm như đang say ngủ, bốn bề vắng lặng.
Tôi đẩy cửa bước vào. Nhà vắng. chị Hoàng đang đến bên bếp sưởi. Ánh lửa bập bùng soi trên vách và plafon những hình bóng kỳ dị. Vừa thấy tôi, chị Hoàng đứng vội lên, chạy đến nắm lấy vai tôi.
- Ồ, Linh mới lên.
- Vâng. Em trở lên lần nữa đây. Chị vẫn khỏe chứ?
- Cám ơn em, chị vẫn khỏe, chỉ lo cho em thôi. Đường lên đây về mùa mưa rất xấu.
- Nhưng không sao chị ạ. Em đậu rồi.
Chị Hoàng vẻ quyết chắc nhưng ánh mắt lạ nhìn tôi, nói:
- Chị biết em phải đậu…
Giây phút đầu vồn vã đã qua, chúng tôi chợt im lặng.
Tôi cởi áo mưa và “sắc” đeo vai để vào góc nhà. Căn phòng không có gì thay đổi. Bộ salon đỏ, chiếc bàn ăn dạo Noel năm trước, cây đàn guitare treo bên đó, những bức tranh trên tường và lò sưởi… Tôi vẫn yêu lò sưởi hơn cả. Tôi nói với chị Hoàng:
- Tất cả đều như cũ.
Chị Hoàng không nói gì. Đến khi tôi hỏi về Trân, chị bảo:
- Em đi thay quần áo cho khỏe đã.
Tôi chợt thấy có một cái gì khác lạ trong thái độ và tia nhìn của chị Hoàng. Sự mừng rỡ lúc ban đầu không còn nữa. Không khí nặng nề. Tôi liền hỏi:
- Chị thấy em thay đổi nhiều không?
Chị Hoàng ngồi lại bên lò sưởi, cầm chiếc áo len vừa đan vừa nói:
- Chỉ có thời tiết ở đây thay đổi thôi Linh ạ.
Linh cảm báo cho tôi biết có việc gì xảy ra rất quan trọng, liền để nguyên quần áo đi đường ngồi xuống manh chiếu, đối diện với chị Hoàng. Tôi nhìn chị bảo:
- Em có cảm tưởng như chị đang có một tâm sự sâu kín mà giấu giếm không cho em biết.
Chị Hoàng nói giọng buồn:
- Phải. Chị giấu em đã lâu. Nhưng hôm nay đến lúc em phải biết, dù đã muộn rồi.
Tôi nôn nóng bảo:
- Em đang chờ chị.
Chị Hoàng sửa lại thế ngồi, dựa lưng vào bức tường đằng sau, vẻ mặt buồn và ưu tư. Chị nhìn tôi hồi lâu rồi mới nói, thật dài:
- Những tháng vừa qua, chị đã sống trong nỗi niềm băn khoăn khôn tả. Lời hứa với em chị vẫn giữ, mà sự thực thì trái ngược hẳn với những dự đoán trước kia. Đứa em gái mà chị vẫn nghĩ là bé bỏng nay đã lớn rồi. Trong tình cảm, chị vẫn biết Trân là đứa con gái lãng mạn, như chị đã từng nói với em, nhưng tình cảm của Trân đối với em chị đã đo lường sai cả.
Hôm ở Huế về, ngay buổi tối Trân ngồi tâm sự với chị rất khuya cũng bên lò sưởi này. Trân hỏi ý kiến của chị về em. Chị bảo, Linh là một thanh niên tốt và biết lo cho tương lai. Trân bảo, em cũng nghĩ thế. Rồi cô bé thành thật cho chị biết sự săn sóc của em đối với Trân, nhất là việc em tặng quà. Sợi dây chuyền mặt trái tim chính là lời tỏ tình gián tiếp. Trân hỏi chị bây giờ phải trả lời Linh thế nào? Chị cười bảo, em bắt chị trả lời thay cho lòng em sao, đây chình là việc do em quyết định.
Chị Hoàng ngưng nói, cho thêm củi thông vào lò, còn tôi thì toàn thân gần như tê liệt. Tôi đã biết việc gì sắp xảy đến cho mình, chỉ chờ xem nó thế nào thôi. Chị Hoàng nói tiếp:
-… Nghe chị nói thế, Trân mỉm cười, nhưng rồi vẻ băn khoăn hiện rõ trên nét mặt. Trân bảo, em không ngờ có lúc phải làm cho anh Linh đau khổ. Thú thật với chị, anh Linh là một người đáng cho em yêu quí, nhưng dù thế nào em vẫn chỉ xem Linh như một người anh với nhiều đức tính, biết an ủi và hay giúp đỡ em trong mọi lúc mà thôi. Bây giờ, em mới thấy hối hận, vô tình và hồn nhiên quá trong những lúc sống gần Linh, để đến nỗi gây phiền lụy cho người ta.
Chính khi đó chị mới hiểu thêm về Trân. Trân sống là để mong mọi người được mến thương và chiều chuộng, bù đắp vào tình thương yêu gia đình gần như đã mất. Sự khao khát tình thương hợp với tính lãng mạn sẵn có nơi Trân, đã tạo cho cô bé những nét làm say đắm kẻ khác… Tâm hồn mỗi người thực phức tạp vô cùng.
Tôi ngồi dựa vào thành lò sưởi lúc nào không biết. Lửa nóng sát bên cạnh nhưng tôi vẫn thấy lòng mình cô quạnh, trí óc quay cuồng biết bao tư tưởng, trong khi giọng chị Hoàng vẫn nối tiếp:
- Những ngày sau đó, chị tìm gặp Thiên Hương và được biết rằng Trân đã có một hình bóng để mơ tưởng. Người ấy tên Ngọc, cũng trong nghiệp lính, đóng ở Ban Mê Thuột. Chị đã gặp Ngọc hai lần cách đây khá lâu, những bạn của Trân đông, chị cũng vô tình không để ý. Những lần khác về Đalat, Ngọc thường lại nhà, chị không biết vì gặp lúc đi dạy học.
Chính Trân đã xác nhận với chị những điều này khiến chị không biết nói gì hơn. Chị thắc mắc tại sao Trân lại quá kín đáo với chị như thế. Trân chỉ khẽ nói, em cũng không hiểu nữa.
Tôi hỏi chị Hoàng:
- Chị biết Ngọc là người thế nào?
- Thực ra khi nghe Hương nói chị mới bàng hoàng, mới nhớ lại nhưng vẫn không thể tưởng tượng ra con người ấy. Hương bảo, chàng là trung úy bộ binh, gia đình ở Bảo Lộc khá giàu, học ở đại học khoa học Saigon nửa chừng thì đi lính. Theo Hương thì Ngọc có dáng trầm tĩnh, tính khéo và tốt.
Tôi ngồi ngước mắt lên trần nhà, nhìn ánh lửa đang soi mình trên ấy, chờn vờn. Niềm đau buốt nhói trong tim. Tiếng chị Hoàng nghe mơ hồ bên tai:
- Ban sáng, Ngọc mới lại đây và xin phép được đưa Trân về Bảo Lộc thăm gia đình. Ngọc vui tính lắm, hai người có lẽ cũng gần về.
Tai tôi ù đi và không còn nghe thấy gì nữa. căn phòng trở nên tối tăm, hoang lạnh. Lửa trong lò không làm tan nổi băng giá đang cuồn cuộn trong tôi.
Bỗng một bàn tay đặt nhẹ trên vai tôi và có tiếng chị Hoàng:
- Những lá thư Trân gửi cho em đều do ý kiến của chị. Chị biết em đau buồn lắm, nhưng thực tình, chị không biết làm sao hơn. Chị không muốn em hỏng việc thi cử.
Tôi ngước mắt nhìn chị, nói nhỏ:
- Chị làm thế rất phải. Chị Hoàng…
Bàn tay chị Hoàng giữ chặt lấy vai tôi như một xoa dịu ân tình, làm tăng thêm sinh lực, tôi nghĩ phải ra đi ngay trước khi Trân trở về, liền bảo:
- Xin phép chị để em viết cho Trân vài hàng.
Chị Hoàng đưa giấy bút cho, đầu óc tôi đặc sệt vô số ý tưởng nhưng ngồi một lúc lâu mới giãi bày ra được.
Đalat 1971
Trân yêu thương,
Anh lên thăm nhưng Trân không có ở đây. Trân đã đi rồi. Kỳ thi này, Trân làm bài được chứ? Hy vọng mọi việc đối với Trân đều tốt đẹp.
Trân không có nhà, nhưng chị Hoàng đã cho anh biết cả, không phải về anh hay về Trân mà về một chuyện tình hoang dại nở và tàn trong tiếng nói cô đơn, đi và về bằng những bước chân âm thầm nhất. Anh là kẻ đứng gọi tình yêu giữa lòng thung lũng rộng, chờ một tiếng vang đáp lại của núi đồi nhưng không bao giờ nghe thấy, bởi vì đó chỉ là những việc xảy ra trong mơ, làm gì có thật?
Lần trước, những ngày Trân ở Huế, anh đã đi thăm thung lũng tình yêu rồi, đi một mình. Buổi chiều ở thung lũng thật đẹp nhưng buồn, đó là hình ảnh tình yêu hay sao Trân? Cũng chính ở đó, anh đã làm những vần thơ tình đầu cho Trân, những tiếng nói say đắm nhất để rồi không bao giờ có nữa…
Trân yêu thương,
Sống là để tìm cho mình một bến bờ yêu thương, và nếu Trân đã tìm thấy rồi, anh đâu có quyền làm bận lòng thêm nữa? Anh chỉ mong Trân xem qua một lần bài thơ trên thung lũng, và những bài kế tiếp trong thời gian xa cách nhau, xem để biết chứng tích cho nhau, xem đi rồi quên như bao bài thơ đăng báo. Trân hãy chiều anh, sau đó, quăng chúng vào lò sưởi, cả tặng vật anh trao dạo mùa xuân nào, cả lá thư này nữa, tất cả. Anh vẫn yêu bếp lửa đêm đông, đến muôn đời, yêu mãi ánh lửa hồng lên trong mắt…
Mùa mưa ở Đalat sao tàn tạ quá? Anh sẽ từ một lưng đồi mà xuống, theo con dốc mà về, chiêm nghiệm mãi hình ảnh của tình yêu và con dốc…
LINH
Viết xong thư mà tôi còn ngồi mãi, tâm tư thất vọng, chán chường. Những giòng chữ thô thiển, xa lạ. chợt một quyết định hiện đến, tôi lại góc nhà mở “sắc” lấy tập thơ ra vò nát, chung với bức thư mới viết. Chị Hoàng chưa kịp phản ứng gì thì bó giấy đã nằm sâu trong lò sưởi, lửa cháy bừng bừng ở đó và trong lòng tôi thiêu rụi tất cả, toàn thân tôi tê dại đi một phút, rồi bình thản trở về. Tôi nhìn ánh mắt sửng sốt của chị Hoàng, bảo nhỏ:
- Em không có gì để lại cho Trân cả. Những lời nói bây giờ đều vô nghĩa.
Rồi tôi lặng lẽ khoác hành trang đi ra phía cửa, trong sự im lặng đầy bối rối của chị Hoàng. Cánh cửa mở. Gió lạnh và bụi nước ùa vào, cái lạnh bây giờ trở nên quái ác. Chị Hoàng đã đến bên, nắm lấy vai tôi. Tôi nói với chị, rất khẽ như chỉ để cho mình nghe thôi:
- Trời vẫn mưa.
- Nhưng rồi sẽ tạnh. Em cần ở đây Linh ạ.
- Để gặp Trân?
- Không. Để Trân gặp em. Chị biết chắc Trân muốn như vậy.
“Để Trân gặp em”. Tôi âm thầm nhắc lại câu nói một lần nữa rồi chợt nhìn chị Hoàng hỏi:
- Chị Hoàng, em có lỗi gì không?
- Không. Em vẫn sống trọn vẹn cho tình yêu.
Tôi bước ra khỏi khung cửa, áo mưa khoác trên người, quay lại bảo:
- Em ở lại không ích gì. Chị hãy tha thứ cho em về những hành động của em chiều nay. Em đã làm bận rộn mọi người quá.
Chị Hoàng băn khoăn:
- Em đi đâu?
Tôi không nói gì thêm, mắt nhìn ra khung trời xám ngắt, những sợi mưa rơi thật nhanh và buồn. Tôi đi thẳng ra đấy. Đến đầu con đường dốc tôi quay vào lại nói với chị Hoàng, vẫn còn đứng ở chỗ cũ nhìn theo, câu nói tắc nghẹn:
- Chị hãy kể cho Trân nghe câu chuyện về lò sưởi…
Chị Hoàng gật đầu, và im lặng vẫy tay chào. Còn tôi trở gót đi lần xuống cuối đồi, theo con đường dốc, đầu óc quay cuồng như trong một cơn say.
Dĩ vãng của những chuyến đi hiện về miên man nuối tiếc. Đâu rồi niềm vui khi mùa đông chất ngất, đã mất rồi những rộn ràng trong đáy mắt nhìn nhau. Cảnh vật trước mặt và quanh tôi trở nên mờ tối, bước chân rất vội nhưng chẳng biết về đâu. Tôi đi như chạy trốn, đi cho khuất mắt mọi người, đi cho mất căn nhà trên lưng đồi yêu dấu. Không còn gì ở đây nữa, ngoài cái giá buốt băng tím tâm hồn, trong đó hình ảnh của Trân nhạt nhòa mà rõ nét, với ánh mắt mơ hồ và dòng tóc đam mê. Ở đời, người ta có thể chết lịm vì một hình bóng, vỡ nát niềm vui sau một lúc say mê. Tôi nghĩ đến những ý tưởng của Thành, một đêm đông tâm sự : “Tình yêu đầu nào cũng kiều diễm, đam mê, nhưng nó cũng thường mong manh lắm, như giọt sương gội nắng, như dấu cây ban chiều… “
Cơn gió chà sát cái lạnh vào da thịt, hồ Xuân Hương mênh mang dâng nước. Tôi không rẽ về thành phố nhưng vòng về phia chân đồi, đi men theo bờ nước. Mặt hồ soi cả một vùng trời sụp thấp bóng mây đen. Mưa bây giờ chỉ còn bay nhẹ, nhưng trông ra xa càng buồn vô tả. Bên kia bờ, đồi thông sau màn mưa như khoác áo tang trắng u sầu, màu trắng hư vô… Tôi vẫn đi miệt mài về phía trước, chân rã rời trên lầy lội, không biết để mê muội tìm thú vui trong dài cơn đau đớn hay cố tình bóp nát trái tim mình.
Giữa lúc tình yêu và cơn đau dâng ngút, hơi thở và nỗi chết trộn lẫn, thì bỗng tôi nghe có tiếng gọi tên mình, êm đềm mà thảng thốt:
- Linh. Cậu Linh.
Tôi dừng chân, nhướng cặp mắt về nơi có tiếng gọi. Qua ánh mắt mờ nhòa và màu trời chiều muộn, tôi chỉ nhận ra một bóng người đang giơ tay vẫy gọi, không biết ai. Người đứng trước cánh cổng khép hờ của vườn hoa Bích Câu. Một hình ảnh trong dĩ vãng hiện về, “bác Sáu”. Tôi còn đang băn khoăn về thái độ phải có của mình thì bác Sáu lại vẫy tay nồng nhiệt hơn trước. Không kịp nghĩ ngợi, tôi bỏ bờ hồ đi lần về phía đó. Bác Sáu đầu đội nón lá, tay cầm chiếc khóa và sợi dây xích dài. Thấy tôi bác mừng rỡ, trên gương mặt già nua nở nụ cười chào đón:
- Cậu Linh nhớ tôi không? Đi đâu mà lặn lội giữa trời mưa thế này?
Tôi bàng hoàng, tỉnh táo đôi chút vì câu hỏi và nụ cười của bác.
- Bác Sáu… Vườn hoa của bác vẫn tươi chứ?
Bác Sáu vỗ vai tôi:
- Cậu Linh, hoa thì vẫn nở đều. Nhưng mùa mưa vắng khách quá. Buồn tình, tôi đang định ra khóa cổng rồi vào nhà lai rai chén rượu thì gặp cậu.
Bác ngừng một lát rồi nhìn tôi bảo:
- Tôi biết cậu đang gặp chuyện gì buồn. Buồn mà đi lang thang như vậy lại càng buồn thêm. Vào đây tâm sự cho tôi nghe với. Tôi thích nghe tâm sự buồn để tự an ủi mình. Và nếu có thể được, cậu cho phép tôi an ủi…
Tôi thấy lòng dịu lại đôi phần khi nghe những lời chân thành, cởi mở của bác Sáu, một người mang nhiều tâm trạng cô đơn và buồn khổ mà tôi đã mến ngay khi gặp lần đầu tiên. Tôi hỏi:
- Cháu cám ơn và không dám làm phiền bác nhiều, cháu chỉ xin bác một bông hồng trong vườn…
Bác Sáu không nói gì, khép cổng lại và nắm tay tôi dẫn vào ngồi nơi hiên nhà, căn nhà gỗ có rặng hồng thơm ngát trước đó. Bác để tôi ngồi bên chiếc bàn nhỏ rồi lẳng lặng vào nhà trong xách ra chai rượu đế và hai cái ly nhỏ. Bác cử động thật nghiêm trọng. Tôi để ý đến khuôn mặt không có gì thay đổi của bác, vẫn tia nhìn tinh, vẫn nụ cười già mà thân thiện. Bác ngồi xuống đối diện với tôi và ôn tồn bảo:
- Lúc cô đơn, tôi chỉ biết uống rượu. Cậu bảo tôi phải làm gì khi đêm xuống trong cảnh già cô độc này? Rượu không làm hết buồn, nhưng giúp ta quên đi một lúc. Tôi không khuyên cậu uống rượu đâu, tuổi trẻ còn nhiều cái để làm. Uống rượu nhiều như tôi có hại lắm, nhưng tuổi già không sợ tai hại nào cả, miễn được quên buồn. Xin lỗi cậu Linh, tôi đã lầm lỗi. Việc tâm sự nên để cho cậu thì đúng hơn. Tuy nhiên, trước đó đặc biệt hôm nay, cậu nên nghe tôi nhắp một hớp rượu, cậu sẽ thấy lòng mình ấm lại, một chút thôi. Trong cơn lạnh, hãy sưởi ấm lòng mình bằng cách này hay cách khác.
Bác Sáu nói một hơi dài, xong rót rượu cho tôi một cách tự nhiên, không những tôi không thấy khó chịu vì sự nhiều lời của bác mà trái lại như bị thu hút bởi thái độ ấy. Tôi hành động như cái máy, cùng bác nâng chén. Vị cay đắng của rượu làm tê lưỡi, tôi buông xuống vội vàng, trong khi bác Sáu chưa uống, chỉ nhìn tôi với dáng điệu chăm sóc. Tôi bỗng thấy bác như một người thân yêu nhất, gặp nhau là để bày giãi tâm tư. Biên cương xa lạ giữa người già và tuổi trẻ tan biến, tôi ân cần thuật lại cho bác những gì đã xảy đến cho mình. Những tin yêu nồng thắm, những đổ vỡ chán chường… Bác Sáu ngồi nghe rất chăm chú, hai tay nắm chặt ly rượu trên bàn, ly rượu còn nguyên. Trân thì nào có xa lạ gì với bác? Nghe xong, bác uống một hớp rượu dài, gật gù nói nhỏ, giọng ấm như hơi men:
- Chuyện tình của cậu đẹp thật, chỉ tiếc quá vội vàng. Ban nãy nghe cậu xin một bông hồng, tôi đã đoán được việc gì xảy ra. Cậu nên biết Đalat là vườn hoa muôn sắc, Trân là bông hoa quí trong vườn, còn cậu là kẻ coi sóc vườn hoa. Kẻ trông nom lại bỏ vườn mà đi thì làm sao giữ nổi? Dẫu cậu có đến sớm hơn cũng thế. Cậu không thấy tôi sống ngay ở đây để bảo vệ hoa mầu hay sao? Nhưng thôi, đó chính là tiếng nói của định mệnh. Những lần đi thung lũng bất thành, là những dấu hiệu báo trước mà trong khi hăng say chiến đấu ta không thể nào nhận ra nó. Càng già tôi càng tin có định mệnh. Bây giờ, cậu có thể thực hiện ý định của mình.
Không chờ bác Sáu nói thêm lời nào, khóm hồng ngay trước hiên, tôi ra đó chọn một bông thật đẹp. Khi tôi đã ngồi vào bàn, bác Sáu bảo:
- Tôi giữ vườn nổi tiếng là cẩn thận. Nếu hoàn cảnh khác, cậu sẽ không được hái một bông hoa nhỏ nào.
Tôi mỉm cười cám ơn bác. Hương thơm hoa hồng dâng lên nhè nhẹ, quyến rũ. Tự nhiên tôi đưa bông hồng lên môi, lòng xúc động mạnh. Một cử động vô ý thức khiến tôi hé răng nhấm cánh hoa hồng nõn. Hương thơm quyến rũ không còn mà bây giờ tôi chỉ thấy vị chát đắng của cánh hoa. Hương vị tình yêu là thế đó, rất nồng nàn nhưng chua chát vô cùng. Tôi vội vàng xin phép bác để tiếp tục ra đi. Cái chua chát làm cho ta đau nhưng cũng làm ta tỉnh táo và trưởng thành. Bác Sáu nhìn tôi nói:
- Cậu đòi đi tôi không dám cản. Nhưng hãy đi bằng nỗi lòng rộng mở, phía trước còn nhiều cái để chứa đựng.
- Bác muốn nói hãy quên đi tất cả?
- Không. Không thể quên được. Đó là vốn liếng một đời người. Về già ta sẽ sống cô đơn, nhưng không sao, còn những vốn liếng ấy. Cậu Linh hiểu ý tôi chứ?
- Cám ơn bác. Cháu hiểu.
- Cậu sẽ rõ hơn khi biết trở về.
- Cám ơn bác. Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp. Bạn cháu, Thành, nó cũng nói với cháu điều ấy… Nhưng không thể giá trị và sâu sắc bằng bác được.
Rồi tôi khoác áo ra đi, âm thầm mà sáng suốt. Trời vẫn còn mưa nhỏ. Bác Sáu đứng ở cổng vẫy tay nói với:
- Nếu cần, đêm nay cậu có thể đến gọi tôi ở cổng.
Tôi giơ tay chào lại bác và đi trở về lối cũ. Nhìn lên những cánh đồi cuồn cuộn trên kia, tôi thấy một bông hồng vươn lên từ bát ngát lưng chừng triền dốc, nụ hồng rất mơ hồ và dĩ nhiên tuyệt đẹp, bông hồng không dập nát cánh nào như bông hồng trên tay tôi. Chính nơi đó chúng tôi đã hơn một lần nằm dài tâm sự, bắt đầu cho một dấu hiệu nhiệm mầu, nơi tôi được quyến rũ bởi một Thung lũng Tình Yêu tuyệt diệu. Tôi lại thấy căn nhà màu trắng, căn nhà kỷ niệm. Tự nhiên, tôi mỉm cười, nụ cười nở trên nỗi buồn và nhớ thương càng thấm thía. Tôi nghĩ đến Thành và những lời hắn nói. Hai đứa sẽ gặp nhau ở Saigon chiều mai và sẽ nhìn nhau cười cay đắng. “Thành ạ, chúng mình đúng chỉ là những ông thầy thật dở. Chúng mình không ai giúp ai được việc gì đáng kể và những người được ta thương, chính họ đem đến cho ta sự trống vắng”.
THÁI BẮC
tháng cuối năm Tân Hợi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét